Masterchiefs
Thành viên tích cực
Trung Quốc và mục tiêu 'không dễ dàng'
2024 là năm thứ ba liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng hơn 7%, ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
tuoitre.vn
2024 là năm thứ ba liên tiếp chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng hơn 7%, ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Nguồn: Global Times - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT
Ngày 5-3, kỳ họp thứ hai Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khóa 14 khai mạc tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh với gần 3.000 đại biểu tham dự.
Mục tiêu tăng trưởng GDP và ngân sách quốc phòng nằm trong số những vấn đề được giới quan sát theo dõi sát trong phiên khai mạc của kỳ họp kéo dài một tuần này.
Mục tiêu tham vọng
Trong báo cáo công tác chính phủ, Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2024, trong lúc nền kinh tế quy mô 18.000 tỉ USD của nước này đang đối mặt với những "cơn gió ngược" nghiêm trọng.
Ông Lý nói Bắc Kinh sẽ thúc đẩy "chuyển đổi mô hình tăng trưởng", bao gồm cải cách thuế, bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, tăng tiêu dùng nội địa, xóa bỏ rào cản đối với đầu tư tư nhân và phát hành 1.000 tỉ nhân dân tệ (139 tỉ USD) trái phiếu chính phủ đặc biệt.
Các nhà phân tích nhận định mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc đặt ra cho năm 2024 - tương tự mục tiêu 5% của năm 2023 - là "đầy tham vọng". Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ ở mức 4,6% trong năm nay.
Năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt tăng trưởng GDP 5,2%, đáp ứng mục tiêu 5% đề ra. Tuy nhiên giới phân tích cho rằng việc đạt được 5% trong năm nay sẽ khó hơn năm ngoái và Chính phủ Trung Quốc cần đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn.
Ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế phụ trách Trung Quốc tại Tập đoàn tài chính Macquarie, giải thích: "Trung Quốc đặt mục tiêu đầy tham vọng như vậy có thể vì họ muốn tăng cường niềm tin và tránh vòng xoáy giảm phát".
Cuộc khủng hoảng bất động sản, tình trạng giảm phát, thị trường chứng khoán sụt giảm, các khoản nợ ngày càng tăng của chính quyền địa phương... đã làm tăng áp lực lên giới lãnh đạo Trung Quốc.
Thủ tướng Lý Cường thừa nhận "việc đạt được các mục tiêu của năm nay sẽ không dễ dàng", nhưng lưu ý "phát triển chất lượng cao" vẫn là ưu tiên.
9 lần tăng ngân sách quốc phòng
Theo dự thảo báo cáo ngân sách được công bố riêng tại phiên họp trên, năm nay ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng lên 1.666 tỉ nhân dân tệ (231 tỉ USD), tăng 7,2% so với năm trước.
Con số trên tương tự mức tăng 7,2% của năm 2023. Như vậy ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng chín năm liên tục kể từ năm 2016. Năm 2024 cũng là năm thứ ba liên tiếp chi tiêu quốc phòng của nước này tăng hơn 7% ngay cả khi kinh tế đang chững lại.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, các chuyên gia nói rằng mức tăng trên phản ánh "những bước đi hợp lý, thận trọng và ổn định" của Trung Quốc trong phát triển quốc phòng, trong đó có tính đến các yếu tố như hiện đại hóa quân đội, môi trường an ninh bên ngoài và phát triển kinh tế.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành chủ tịch nước và chủ tịch Quân ủy trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay, ngân sách quốc phòng đã tăng vọt: Từ mức 720 tỉ nhân dân tệ vào năm 2013 lên mức 1.666 tỉ nhân dân tệ (231 tỉ USD) của năm nay.
Hiện Trung Quốc chỉ xếp sau Mỹ về chi tiêu quân sự và nước này đang tăng cường sức mạnh quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Washington và các đồng minh của Mỹ.
Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vào năm 2027. Nước này đặt mục tiêu xây dựng quân đội hiện đại sánh ngang với Mỹ vào năm 2027.
Một nội dung đáng chú ý khác tại phiên họp là Trung Quốc chính thức áp dụng ngôn từ cứng rắn hơn đối với Đài Loan, theo đó nước này "kiên quyết" thúc đẩy mục tiêu thống nhất.
Cụm từ "thống nhất hòa bình" với Đài Loan không còn được đề cập trong báo cáo do Thủ tướng Lý Cường đọc ngày 5-3. Ông Lý cũng tuyên bố Trung Quốc "kiên quyết phản đối các hoạt động ly khai nhằm đòi "Đài Loan độc lập" và sự can thiệp từ bên ngoài".
Theo Reuters, dù đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc loại bỏ từ "hòa bình", nhưng sự thay đổi ngôn từ vào lúc này được coi như dấu hiệu cho thấy lập trường quyết đoán hơn của Bắc Kinh với Đài Loan.
Học giả Lý Minh Giang tại Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore đánh giá mặc dù kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, nhưng Đài Loan vẫn là "đối tượng cân nhắc chính" trong chi tiêu quốc phòng của Bắc Kinh.
"Trung Quốc đang cho thấy trong thập niên tới, họ muốn phát triển quân đội đến mức sẵn sàng giành chiến thắng trong một cuộc chiến nếu không còn lựa chọn nào khác", ông nói.
..............