[Truyện Tâm Linh][Trẻ Trâu]

minhladan9x

Tả Thanh Thiên
Văn chương em hơi lủng củng mong các thím thông cảm
Chuyện em kể ở đây em kể là hư hay thực tùy mọi người tưởng tượng thôi.
Em sinh năm 1989, tức là thế hệ cuối của 8x. Sinh ra trong một làng quê trung lưu thuộc vùng đông bắc bộ. Tuổi thơ em cũng êm đềm giống như bao nhiêu đứa trẻ sống ở làng Bắc Bộ cũng chơi khăng, chơi bi, đánh đáo,nhảy dây, ô quan, đánh chắt đánh chuyền…. Trừ những truyện em sắp kể tới đây.
Số là ở vùng quê Bắc Bộ hay có cái tục chung Trâu, tức là nhiều gia đình chung tiền mua một con trâu. Vụ cày thì mỗi nhà được giao trâu cày một ngày hoặc hai ngày tùy sự thống nhất của mấy gia đình cho tới khi nào hết ruộng thì thôi. Còn ngày nông nhàn thì thay nhau chăn trâu. Thường thường nếu bác nào sống ngoài đó thì biết, ngày nông nhàn nhiệm vụ chăn trâu thường giao cho những đứa trẻ trong gia đình. Câu nói trẻ trâu ngày nay có lẽ cũng xuất phát từ đó.
Em cũng là một đứa trẻ trâu theo đúng nghĩa đen. Buổi sáng đi học thì buổi chiều chăn trâu không nếu buổi chiều đi học thì buổi sáng phải chăn trâu. Mà trẻ trâu thì các bác biết rồi đấy, chả từ một trò quậy phá gì. Nào là ăn trộm trứng, ăn trộm hoa quả, ăn trộm nông sản, đánh bài… Đặc biệt em nhớ nhất là cái vụ mùa gió heo may đi kiếm cứt trâu về đốt và nướng khoai ăn cho đỡ đói và lạnh. Truyện cũng chả có gì nếu em không được giao một con trâu đực và thằng bạn trẻ trâu em là một thằng cực kì ngỗ nghịch.

Nhà nó thì nuôi bò, con bò duy nhất trong thôn còn nhà em thì nuôi trâu đực. Không biết các bác có biết không chứ đi chăn trâu đực thực sự là một ác mộng. Có năm mùa nước nổi( nước lũ) con trâu nhà em nó bơi qua sông chỉ vì nhìn thấy 1 con trâu cái. Năm đó em suýt chết vì con trâu đó, em sợ bị bố mẹ mắng nên bơi qua sông bắt nó về, mà mùa nước nổi bơi qua sông thì quá nguy hiểm với một đứa trẻ như em. Dòng nước lũ đục ngàu có thể cuốn em bất cứ lúc nào. Hay những vụ chạy bộ hàng chục cây số vì trâu đực đánh nhau. Nói qua thế để các thím biết em khổ sở thế nào với con trâu đực. Cũng vì thế mà em thân với thằng bạn trẻ trâu của em. Con bò nhà nó cũng k chịu theo đàn trâu nên tụi em thường chăn trộm ở bờ đồng ( nơi cấm chăn trâu bò vì sợ nó ăn lúa). Bờ đồng cỏ tốt nên bọn em chỉ chăn 2 tiếng là trâu bò no cỏ. 3 tiếng còn lại bọn em thường buộc trâu ở mấy cái Đống( một cái đống thường chôn 5-7 mộ phần).

Thường thì 2 thằng ngồi tán dóc về truyện tranh, bom nguyên tử, chuyện chơi bi, chơi xu,… Nói chung truyện trên trời dưới đất của lũ trẻ trâu.
Bỗng có một ngày tiết trung thu heo heo lạnh, chả biết ma xui quỷ khiến thế nào thằng bạn em nảy ra cái ý tưởng hết sức điên rồ là đi ăn trộm đồ cúng về ăn cho đỡ lạnh. Nói thật với các thím là mẹ em cũng là thầy xem bói. Một số thím trên này cũng biết thi thoảng em có lập thớt xem chỉ tay cho các thím, thường dựa vào những quyển sách của mẹ em (chuyện này thực ra cũng li kỳ nhưng e xin kể vào một dịp khác). Nên em hết sức phản đối việc này, vì lúc đó em tuy dại nhưng cũng mù mờ biết rằng, ma quỷ là có thật huống chi là việc đi tranh ăn với ma quỷ. Nhưng thằng bạn em nó không nghĩ vậy. Nó quả quyết rằng chả việc gì, nó vẫn làm suốt. Rằng em chỉ là thằng nhát gan.
Lúc đó máu anh hùng nổi lên em cũng đi theo nó với khẩu hiệu: “ đi thì đi sợ đéo gì”. Nào ngờ nó dẫn em tới khu nghĩa địa mới chôn. Không biết các thím có biết không. Ngoài Bắc em có phong tục cải táng, tức là mộ người mới chết chôn riêng một khu, sau đó 3 năm thì bốc mộ cải táng, tức là khi mới chôn thì chôn bằng quan tài còn sau 2-3 năm thì đào mộ đó lên, đưa hết xương vào một cái tiểu chôn ở một nơi khác và coi như chỗ đó mới là ổn định. Tức là chỗ mới chôn chỉ là khu tạm thời.

Cái khu đó nhiều khi còn nổi lều bều mỡ người. Những tấm ván cải mả dựng ngược lên mà dẫm phải chỉ có đường uốn ván phải cưa chân.
Lỡ mạnh miệng với thằng bạn rồi nên em cũng đi theo nó tới khu này. Chiều tà gió bấc heo heo thổi em đã thấy hơi hơi lạnh sống lưng rồi. Nó đi trước em đi sau. Nó mạnh bạo xăm xăm bước tới 1 khu mộ mới chôn, vì chỉ có những mộ mới chôn mới có hoa quả, đồ cúng thôi, còn mộ chôn lâu rồi thường ít khi có. Tới mộ em quan sát xung quanh toàn vòng hoa là vòng hoa, còn tên mộ em xin phép không được kể. Những đồ cúng, đồ thờ xung quanh làm em rùng mình, em thấy hối hận với quyết định đi theo nó. Em bảo nó rằng thôi tao chỉ đi theo mày thôi chứ mày làm gì mặc mẹ mày. Nó chê em nhát gan và cởi áo bọc hết số đồ cúng lễ đó về.
Lúc đi về chẳng biết có phải cảm giác hay không chứ tới tận bây giờ em vẫn cứ có cảm giác lúc đó có người đi theo mình. Em rởn hết cả gai ốc lên. Còn thằng bạn thì bọc số đồ lễ đó vào áo ung dung đi về. Lúc ở mộ em không để ý, giờ nó xõa ra em mới thấy nào là bánh kẹo, hoa quả, cốm,… đủ cả. Nó nói em ăn đi nhưng em sợ không dám ăn. Nó nói em chết nhát, cứ ăn đi sợ gì. Nhưng em thấy cứ có cảm giác tội lỗi nên cuối cùng từ chối.

Một mình nó ăn cũng chả hết số bánh kẹo đó. Nên vứt phân nửa ở chỗ cái nghĩa địa chỗ bọn em buộc trâu bò đó. Đến lúc ăn xong mới phát hiện ra điều quái dị là con bò nó buộc khi bọn em về vẫn ở đó giờ không thấy ở đó nữa. Mà rõ ràng là nó khẳng định nó buộc rất kỹ. Sau một hồi bàn bạc bọn em quyết định chia nhau ra đi tìm. Mỗi đứa đi một ngả thậm chí em còn tới nhà ông trông đồng (người trông cánh đồng cấm trẻ trâu vào chăn) để hỏi xem có bắt bò bọn em vì tội chăn lậu không?

Tìm một hồi trời cũng đã ngả sang tối, lúc mà trẻ trâu bọn em phải về nhà. Em quay lại chỗ 2 thằng hay buộc trâu cũng chả thấy nó đâu. Phóng tầm mắt ra khắp cánh đồng cũng không thấy nó. Các bác phải biết rằng cánh đồng rộng mênh mông nên với bọn trẻ trâu bọn em đó là một lợi thế. Chỉ cần nhìn là biết thằng nào đang chăn ở đâu mà tới. Em nhìn mãi không thấy nó đâu nên nghĩ bụng nó chơi xấu em, tìm được rồi mà không đợi em bỏ về trước.
Một thoáng buồn, nhưng thôi cũng kệ, em cũng dắt trâu em về tắm rửa ăn cơm và ngồi vào bàn học như thường. Đến khoảng 7h tối thì bố mẹ nó tìm sang nhà em vì biết em và nó hay chăn trâu với nhau. Bố mẹ nó nói là nó chưa về. Lúc đó em mới thực sự hoảng. Ban đầu do sợ quá nên em nói dối rằng nó về trước. Sau bố em cứ hỏi mãi, vừa hỏi vừa nạt nên em kể sự việc toàn bộ buổi chiều trừ việc đi ăn trộm hoa quả. Các thím biết đấy, trẻ trâu hay bị đòn nên cũng hay nói dối mấy lỗi lầm.

Cả 2 gia đình chia nhau đi tìm khắp cả cánh đồng. Cuối cùng bà chị nó phát hiện ra nó nằm trong một bụi tre ở sát bờ. Bà chị nó hộc tốc về gọi cả nhà gia vì bất lực trong việc đưa nó ra khỏi bụi tre. Bụi tre tẻ toàn gai là gai không có đường vào mà nó ngồi giữa bụi tre. Lúc đưa nó ra bố nó phải phát hơn chục cây tre chưa kể gai xung quanh mới đưa nó ra được. Mà nó ngồi đó cứ vừa mếu máo, lúc thấy bố nó thì nó luôn mồm kêu: con sợ, con sợ. Lạ một cái là con bò vẫn quanh quẩn ở đấy không đi đâu. Cuối cùng sau một hồi vất vả bố nó cũng đưa nó ra khỏi bụi tre mà người nó không một vết xước (????) Nếu bây giờ em có tỉnh táo mà chui vào đó thôi cũng là chuyện không tưởng.
Bố nó đưa nó về nhà, còn nhà em cũng về nhà. Em thì thật sự lúc đó cũng chưa hết lo lắng, vì em lờ mờ đoán ra nguyên nhân thực sự vì đâu. Chuyện trẻ con lo lắng đó có lẽ cũng thực sự qua đi nếu không có những chuyện kế tiếp mấy ngày hôm sau nữa...
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Có lẽ nếu truyện dừng ở đó thì giờ em cũng đã quên đi mất rồi.

Thằng bạn em được bố nó đưa về nhà thì chẳng nói chẳng rằng gì nữa. Bố nó thấy nó lạ lạ nên hôm sau cho nó nghỉ học ở nhà. Đến chiều thì nó bắt đầu bị ốm và miệng thểu ra thứ nước nhớt nhớt nửa vàng nửa xanh và bốc mùi khăn khẳn. Đến chiều tối thì bố nó và bố em đưa nó đi bệnh viện. Các bác biết thời đó cả khu 6-7 xã mới có 1 cái bệnh viện đa khoa cũ kĩ. Mà phương tiện di chuyển lúc đó cũng khó khăn. Cả làng em mới có 2 chiếc xe máy mà may mắn bố em lại có một chiếc để cất hàng về bán. Nói ra thì tội tình lắm có lúc 4-5 giờ sáng vẫn có người sang gọi bố em chở đi bệnh viện. Mệt lắm mà cả làng có 2 chiếc giờ làm sao? Có người biết ý thì gửi tiền xăng, có người họ keo kiệt xong họ cũng phủi tay. Những lúc đấy bố em toàn cười bảo giúp đc họ cái gì thì giúp (Sau này nhiều người vô ơn nên bố em rất tiêu cực khoản này).
Đến bệnh viện các bác sĩ kết luận nó bị ngộ độc thực phẩm. Phải truyền nước 2 ngày nó mới bắt đầu tỉnh táo nhưng vẫn không nói gì được. Đến đêm thứ 3 nói ra thì xấu hổ cho nhà nó, bố nó đưa nó trốn về và không đóng viện phí vì bố nó nghĩ nó khỏi rồi. Chả biết bố nó đưa nó về bằng phương tiện gì vì nhà nó không nhờ bố em đón

Về đến nhà sáng hôm sau nó lại bắt đầu thểu dớt thểu dãi ra. Đến chiều bố em dắt em qua nhà thăm nó. Kể chuyện với các thím mà giờ em vẫn dởn gai ốc. Luỡi của thằng bạn em thè ra như chó, dài phải cỡ 15cm. Em không hiểu sao mà lưỡi con người có thể thè ra ngoài dài đến vậy. Không những thế mà nó còn đen xì xì cộng thêm nước vàng chảy rểu rảo quanh miệng. Nhìn em vừa sợ vừa thương thằng bạn.

Bố em nóng tính lắm, nghe chuyện bố nó trốn về bố em mắng bố nó bao nhiêu rồi dắt em về định mang xe máy chở nó đi bệnh viện lại. Lúc đi về em tự dưng có cảm giác như có ai đó đang đi theo mình hoặc giả có ánh mặt nào đó trong bóng tối nhìn mình. Hay tự huyễn hoặc mình thì không biết.

Về tới nhà chưa kịp bước vào nhà thì mẹ em ở trong buồng bật dậy quát:
-Thằng Đ, có phải mày và thằng D ăn trộm đồ cúng của họ ăn không?
Em điếng hồn. Thú thật với các thím mẹ em biết xem bói và có cảm ứng tâm linh đặc biệt cao. Năm mẹ em mới biết xem, dịp tết nhà em đầy một nhà người xem. Thậm chí đông quá họ ngồi đầy cả sân chờ xem. Chính vì thế bố em mới không thích vì không còn chỗ tiếp họ hàng cộng thêm nữa bố em trước đây là bộ đội nên mấy chuyện tâm linh bố em đặc biệt không tin. Bố em cấm không cho mẹ em được xem bói.
Kế tiếp chuyện vừa rồi. Em biết không thể giấu nổi chuyện đó nữa nên đem toàn bộ câu chuyện chiều hôm đó kể ra hết.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mẹ em nói nãy nằm ngủ thấy có người lù lù định bước vào nhà. Có lẽ như người ta thường nói, mẹ em thuộc hàng cao tay ấn nên khi cái thứ đó định vào nhà thì mẹ em đuổi nó ra. Đuổi trong giấc mơ hay là gì gì đó thì em cũng không biết được nữa. Mẹ em bảo cái thứ đó nhìn mẹ em với anh mắt oán giận và cay độc lắm. Mà nghĩ đi nghĩ lại gia đình em chẳng làm gì ai bao giờ và mẹ em cũng chưa từng cảm ứng thấy oán hồn nào tương tự quanh nhà. Bần thần cả tối mẹ em lại ngủ tiếp thì cái thứ đó tiếp tục lại muốn vào nhà. Mẹ em nói lúc đó mẹ em ngăn nó lại. Nó tức lắm mà k làm gì được, nó bảo mẹ em khôn hồn thì bảo con mày trả đồ cho tao, ăn trộm đồ của tao thì chết với tao chứ không xong. Chả biết bằng cách gì mẹ em lại biết em với thằng D đi ăn trộm đồ cúng của họ. Sau này e cũng không hỏi. Mà có hỏi mẹ e cũng không giải thích được. Mỗi lần e hỏi về tâm linh mẹ em toàn bảo tự dưng biết hoặc nằm ngủ có người bảo.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------Hôm qua em đang ở công trường, đang viết thì mất điện lưới. Hôm nay mới xuống núi em xin viết hầu các thím tiếp.
Lại nói về cái thứ kia không vào được nhà vì mẹ em. Nó có vẻ hậm hực lắm.
Thường thường thì không biết ở vùng khác thì thế nào chứ ở vùng Bắc bộ bọn em khi làm nhà thường làm kì yên. Tức là bốn góc nhà cho bốn cái bùa nhỏ vào trong lọ rồi chôn ở bốn góc nhà và một đạo bùa lớn treo ở giữa cửa ra vào. Mục đích là để không có ma quỷ, vong hồn, ma đói ma khát vào nhà…

Nhưng đó là chuyện nếu mình không phạm gì đến chúng thì chúng cũng k dám vào nhà. Chứ mình động đến chúng rồi thì các đạo bùa này không còn tác dụng nữa. Mẹ em nói, dương gian có luật pháp của dương gian mà âm phủ có quy tắc của âm phủ. Thứ nữa là các đạo bùa này cũng không cản người quá cố của gia đình mình vào nhà.

Ở đây do em phạm đến chúng rồi nên có thể nó vẫn vào nhà tìm em được. Từ lúc bố con em từ nhà thằng D về thì nó lại không thè lưỡi và thểu dớt ra nữa. Nó đã ngủ im. Con ma đó từ lúc em về nó đã theo em và bố em về nhà. Lúc đó em không hiểu sao nó không nhập vào em ngay lúc đó. Mãi về sau mẹ em mới giải thích rằng, khi em còn nhỏ hay ho hen ốm yếu, lúc em lên một tuổi mẹ em đã “bán” em vào trong chùa. Tức là một hình thức kí gửi để bụt, phật trong chùa phù hộ, không ma tà bệnh tật gì ám quẻ được. Trước khi được giải thích như thế em vẫn nghĩ đó chỉ là một hình thức làm lễ cho yên tâm thôi chứ không nghĩ nó có tác dụng lớn đến thế. Hơn nữa mỗi năm mẹ em thường xin những mảnh áo bụt rồi buộc vào cái vòng cho em đeo để tránh ma quỷ.

Con ma đó chưa nhập được vào em nhưng nó đang tìm đủ mọi cách chừa lúc sơ hở để nhập vào em để đòi nợ. Lúc đó mẹ em cũng không hiểu sao oán khí và sức mạnh của nó lại lớn đến vậy. Vì thường thường cô hồn dã quỷ thì chỉ báo mộng được trong giấc mơ cũng đã là ghê gớm lắm rồi. Sau này cuối câu chuyện này các bác sẽ biết tại sao nó lại ghê gớm đến vậy. Mặt khác là chỉ là bọn em ăn trộm hoa quả của nó thôi thì làm gì đến nỗi nó theo về mà hành thằng D kinh đến vậy.

Sau khi em kể chuyện buổi chiều đó với bố mẹ em thì bố em nói em đi ngủ trước. Bố mẹ em ở ngoài này nói chuyện với nhau. Em nằm trong buồng thì nghe loáng thoáng bố em vẫn không đồng ý quan điểm cúng bái cho khỏi bênh của mẹ em. Nhưng trong lời nói có vẻ bố em cũng siêu siêu theo chiều hướng là có lực lượng ma quỷ thật. Nhưng bố em giải thích, giờ mình cũng không chắc chắn lắm mà bày ra cúng bái lỡ thằng D nó bị bệnh gì, hoặc giả nó không khỏi thì nhà em mang tiếng mê tín dị đoan, cúng bái không khỏi cho người ta mà hại chết người ta. Mẹ em đồng ý. Thế là bố em dắt xe phóng ù sang nhà thằng D đưa nó đi viện còn mẹ em thì đi ngủ.
Cái buồng ngủ của nhà em có 2 cái giường, một cái là bố mẹ em ngủ. Còn cái kia là em và ông anh em ngủ. Nói là 2 anh em ngủ chứ đa phần là ông anh em lên trên cửa hàng trên cổng xã ngủ. Chỉ còn mình em ngủ ở cái giường đó. Cái giường của em bên hông lại có một cái cửa sổ nhìn ra vườn và cái ao. Thường thì em không đóng bao giờ để cho mát. Lúc mới vào ngủ mải nghe hóng chuyện nên em không để ý. Bất thần lúc đó em nhìn ra cửa sổ thì một cái bóng trắng đã đứng ở bờ ao tự bao giờ. Em không chắc lắm, nhưng có lẽ là đúng vì lúc đó em hét toáng lên mẹ em chạy sang hỏi làm sao lại hét. Em chỉ tay về phía cái bóng thì bây giờ lại không thấy nó đâu nữa. Mẹ em trầm ngâm và an ủi em rằng chả có cái gì đâu, do em hoa mắt. Nhưng em nghĩ em không thể nhầm lẫn được.
Em thì không thích ngủ với mẹ nhưng hôm nay do hoàn cảnh miễn cưỡng nên phải qua ngủ với mẹ.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
ợt đấy chưa có điện thoại di động đâu các thím ạ, cả xóm mới có 2 chiếc điện thoại bàn. Mà cước phí thì cao ngất. Nhà ông chú cạnh nhà em có một chiếc. Nửa đêm thấy chú em chạy sang gọi mẹ em nghe điện thoại bố em gọi về. Thế là hai mẹ con lại lục tục kéo nhau sang nhà chú. Em líu ríu đi theo sau vì kinh hồn với cái bóng trắng kia lắm rồi.

Sang đó thì bố em gọi về vì lo hai mẹ con ở nhà có chuyện gì chẳng lành và thông báo tình hình thằng D. Nó đã chịu ngủ yên, các bác sĩ vẫn kết luận là ngộ độc thực phẩm thôi. Có thể phải nằm viện 4-5 ngày cũng có thể lâu hơn nữa.

Lúc đó đã là 3h sáng, mẹ em dắt em sang nhà thằng D để thông báo cho mẹ nó tình hình sức khỏe của nó. Sang đến nơi gọi cửa mãi mà k thấy ai ra mở cửa mà cửa ở quê thời đó chỉ cài hờ thôi chứ không khóa như bây giờ. Hai mẹ con em mở cửa vào thì thấy Mẹ và chị thằng D đang thất thần, mặt tái xanh đi. Mẹ em vội vàng vào hỏi xem đã xảy ra chuyện gì. Chỉ nghe bà ấy thuật lại là thói quen của bà ấy là dậy vào khoảng 3h sáng một là để sửa soạn đống rau lang để ra chợ thôn bán, hai là cám bã lợn gà.

Cái bếp ở quê đun bằng bếp rạ nên nếu thím nào đã từng nấu thì biết, bờ tường toàn bồ hóng (Kiểu cái khói+ bụi than bám trên bờ tường). Cái thứ đó mịn mịn, mềm mềm. Bà mẹ thằng dư vào lấy nồi cám vùi trong đống tro ra để chăn lợn chăn gà thì bỗng phát hiện ra trên bờ tường nhà bếp toàn những vết tay to in hằn trên bờ tường. Bà ấy hoảng quá đánh rơi cả nồi cám và chạy lên nhà. Lúc em xuống xem thì cám vẫn còn vung vãi khắp nhà và những vết bàn tay kia vẫn in hằn trên bờ tường. Các ngón tay dài quá khổ của một người. Mẹ em nói có khả năng nào là đứa chị thằng D nấu cơm quệt lên không.


Nó mặt vẫn còn tái xanh chối đây đẩy rằng không có chuyện đó và khẳng định tối qua lúc nó vùi nồi cám vào đống tro thì chưa có một dấu vết trên bờ tường cả. Nói đến đây nó chực khóc vì quá hoảng loạn. Mẹ em trấn an rằng chắc là thằng nào nghịch bậy bạ nên vẽ vào đấy thôi. Trấn an là thế thôi chứ lúc đó ai mà tin được kiểu trấn an đó.

Thế là con ma vẫn không rời đi, nó vẫn quanh quất đâu đây giữa hai nhà bọn em. Không chừng lúc em đang đứng đây nó vẫn ở một góc tối nào đó nhìn em không chừng. Nghĩ đến đó em sởn gai ốc, líu ríu bám lấy chân mẹ em. Một luồng hối hận chạy dọc trong suy nghĩ của em. Em ước rằng chuyện 2-3 ngày trước chưa từng xảy ra, ước rằng em đã ngăn thằng bạn đừng ăn trộm đồ cúng của họ thì đâu ra lắm chuyện rắc rối rầy rà như vậy. Nhưng thời gian làm sao có thể quay trở lại được?

Mẹ em cũng bối rối. Hồi tối mẹ em cũng có thắp hương ngoài sân xin khất vong hồn ấy rằng ngày mai mẹ em sẽ mua đồ lễ, tế đền lại. Không hiểu sao nó chẳng chịu nghe mà tiếp tục đi quậy phá. Các cụ hay có câu, chiều như chiều vong. Các vong thường hay thích nghe lời ngọt mà "cho hoãn" hoặc bỏ qua cho những lỗi lầm của con người ở dương thế. Chỉ cần cúng cáp đầy đủ là được.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Mọi người sau khi xem xét hết cái nhà bếp xem còn chuyện gì quái gở nữa không, sau khi chắc rằng không có điều gì thêm nữa thì đứng đó cũng bằng vô dụng. Mọi người lên nhà, mẹ em kể lại cái "chiến tích" của bọn em cho bà mẹ thằng D nghe. Bà ấy vô cùng lo lắng và hỏi mẹ em cách giải quyết. Mẹ em nói giờ phải cúng tạ lỗi với họ thì mới xong.

Mẹ em bảo bà ấy chuẩn bị hai mâm chay bao gồm: Gạo, muối, trứng sống, cơm cúng, bỏng, tiền âm, tiền dương,oản,... còn mẹ em sẽ chuẩn bị một mâm cỗ mặn bao gồm: gà luộc, thịt luộc, xôi, chè,hương, chén rượu, chén nước,... Mục đích của mâm chay là đưa lên chùa cúng. Giống như lên xin sự bảo hộ, sự dàn xếp của các vị thánh thần vậy. Còn một mâm mặn thì để ra mộ cúng cho thổ công, hà bá và các chư thần tám phương, mâm chay còn lại cũng cúng ở mộ cho các vong hồn.

Còn một việc nữa là phải xin phép gia chủ cái mộ đó. Chứ tự dưng mình đem đồ ra cúng ở mộ của họ tất nhiên là không được. Sáng hôm sau em dẫn mẹ em tới ngôi mộ đó, là một chị còn tương đối trẻ. Mẹ em cho biết là chị này mới chết cách đây chừng 15 ngày. Bị cảm mà chết. Biết được người chết rồi hai mẹ con lại dắt díu nhau đạp con xe phượng hoàng sang nhà ông chồng để thuật lại câu chuyện và xin phép.

Sang đến nhà ông chồng có vẻ hơi bất ngờ . Vì nhà em bán thuốc bảo vệ thực vật nên cả xã đều biết. Vào nhà thì hương án vẫn ở giữa nhà, khói nghi ngút. Em không dám nhìn lâu vào ảnh thờ vì mấy hôm trước còn bị chị ta dọa chỉ còn nước vãi đái ra quần. Ông chồng đeo cái khăn tang trắng dài, mặt xanh xao đi vì gặp chuyện đau buồn. Mẹ em thuật lại câu chuyện, lạ một cái là ông này chả tỏ vẻ gì mà chỉ ừ hữ cho qua chuyện rồi nói mẹ em làm gì thì làm nhưng làm cho mau chóng khỏi rầy rà.

Mẹ em cũng rất lạ, nhưng mà mục đích đã xong rồi thì cũng chả thắc mắc làm gì cho mệt. Xong việc hai mẹ con lại lục tục đạp xe về chùa. Lúc ấy thì mẹ thằng D đã đợi ở đó lâu rồi, mẹ em vào cúng luôn, lúc cúng xong gieo đồng tiền âm dương phải 7-8 lần mới được ( xác suất để ra hai đồng tiền khác mặt nhau là 1/2 phải k các thím nhỉ?) Mỗi lần không được mẹ em lại phải khấn nôm lại (Khấn nôm tức là không thành bài, nghĩ thế nào nói thế). Xin mãi mới đc mẹ em có vẻ đăm chiêu lắm.
 
Mọi người lại về nhà khuân nốt hai mâm còn lại lên mộ phần kia để cúng. Lúc đó em đã mệt lử vì đêm trước phải thức cộng với việc phải đi lại nhiều. Chẳng ai buồn ăn cơm cả mà lên mộ luôn. Mẹ em cúng phải từ 11h trưa tới 3h chiều mới xong. Nhưng lần này lại thuận lợi ngoài sức tưởng tượng. Xin tiền âm dương một phát được luôn. Tuy đói và mệt nhưng xin được luôn nên mặt mẹ em tươi rói. Mẹ em bảo mọi người ổn rồi. Ai cũng nhẹ người. Sau khi hóa vàng và tán lộc thì mọi người đều trở về. Về cỡ khoảng 1-2 tiếng sau thì nghe ở bênh viện thằng D tỉnh táo rồi, nói chuyện ăn cơm được rồi. Có thể 1-2 ngày nữa không có biến chứng gì thì về.

Chuyện có lẽ đã kết thúc ở đây, nếu không có chuyện 1 tuần sau công an về quật mả bà này lên để khám nghiệm tử thi. Mẹ ruột bà ấy nghi ông chồng phải gái nên giết con gái bà. Công an về khám nghiệm quả thật trong người chị này có chất độc. Em thì không dám ra chứ nghe tụi nó nói họ đưa cái xác lên quây một cái bạt rồi mổ banh xác chị ấy ra. Ông chồng bị bắt khẩn cấp để điều tra.

Cỡ ba bốn ngày sau thì ông chồng khai là giết vợ vì phải lòng gái. Có lẽ chị kia chết k nhắm mắt, oán giận vẫn không nguôi mà khi chết rồi không còn nhớ được gì nữa nên trút lên đầu bọn em. Hên một điều nữa là nhà em bán thuốc bảo vệ thực vật như bên trên có giới thiệu. Ông chồng này có đến hỏi mua nhưng bố em biết gia đình này có lục đục nên k bán chứ không bố em cũng rầy rà ( vì thuốc chuột này là thuốc chuột của tàu, bị cấm bán)

Sau vụ đó thằng D cũng không được đi chăn trâu nữa, mẹ và chị nó đảm nhận việc này. Vài năm sau nhà nó chuyển vào Nam, nghe nói là vào Bình Phước. Bọn em cũng không liên lạc gì với nhau nữa. Em cũng k dám bén bảng tới mấy cái đống và nghĩa địa nữa. Mỗi lần nghĩ tới thôi là em đã ớn lạnh rồi.
Các thím thấy không, giữa con người và con người, con người và vong linh luôn có mối quan hệ nào đó không giải thích được. Mình làm chuyện xấu mình nghĩ một mình mình biết là sai lầm. Luôn có những đôi mắt nhìn thấy việc mình làm.

Em xin kết thúc truyện thứ nhất. Nếu được ủng hộ em xin tiếp truyện thứ hai: Cái thùng đấu. Cũng là một câu chuyện trẻ trâu.
Truyện thứ 2: Cái thùng đấu
Truyện thứ hai: Cái thùng đấu.

giới thiệu qua với các thím một chút, quê em ở Kinh Môn, Hải Dương. Nằm ở tả ngạn sông Kinh Thầy. Thực ra là một nhánh của sông Kinh Thầy thôi chứ không phải toàn bộ con sông. Vì con sông đến quê em không hiểu sao lại tách thành hai nhánh. Ở giữa có một cái thoi do đất phù sa lắng đọng nhiều năm tạo thành. Bên đó cũng lác đác có người ở. Nhưng toàn là dân nghèo không có đất sống nên phải liều mình sang đó làm nhà làm ăn kinh tế. Dần dà thì cũng nhiều người ở tạo thành một cái làng nhỏ ở giữa hai nhánh sông.

Con sông chảy bên em nhỏ hơn và nông hơn bên nhánh kia và mọi người vẫn gọi nó là sông Cái. Em hay thắc mắc khoản này, vì đúng ra nó nhỏ hơn và nông hơn thì phải gọi là sông Đực mới đúng chứ. Nhánh bên kia to hơn đáng nhẽ nên gọi là sông Cái thì đúng hơn. Mà thôi kệ, các cụ gọi sao thì mình gọi vậy, có thắc mắc cũng chả giải quyết được vấn đề gì.

Những năm em còn nhỏ, thủy điện ít nên cứ mùa nước lũ là nước dâng lên cao lắm. Dọc theo con sông có 1 con đê bọc lấy nó, ngăn nước lũ vào làng. Năm nào nước lên cao cũng mấp mé bờ đê. Và năm nào cũng có người chết ở đoạn đê của làng em. Trước khi chăn con trâu đực ở truyện trước thì em được giao chăn một con trâu cái nên thường thường chăn ở khúc đê này. Cái đê này đúng là thiên đường của tụi trẻ trâu bọn em, cứ thả trâu thoái mái, đi chơi tẹt ga đến tối trâu tự theo đàn về nhà.

Cạnh con đê này phù sa bồi đắp tạo thành 1 cái vàn. Cái vàn là 1 dải phù sa và cát bồi đắp mà tạo thành. Nó rộng phải cỡ 2-300m và kéo dài dọc theo con đê. Vụ đông quê em thường trồng lạc, đỗ đen ở đó. Đất khá là phì nhiêu. Sau này kinh tế phát triển thì chuyển qua trồng dâu nuôi tằm.

Những năm đắp đê do toàn đắp bằng thủ công nên k thể vận chuyển xa được nên họ thường lấy đất ngay ở cái vàn cát này để đắp con đê. Vô tình tạo thành 1 con sông nhân tạo cũng chạy dọc ngay sát con đê. Sau này có chỗ nông trồng lúa được hợp tác xã cho đấu thầu nên gọi luôn cái con sông nhân tạo này là cái thùng đấu.

Khốn nạn ở chỗ không hiểu tại làm sao, năm nào ở đây mùa nước nổi cũng có 1-2 cái xác lều bều dạt vào. Có lần em còn thấy họ vớt 1 cái xác trôi ở đâu về. Nó đã trương phềnh lên rồi, em có cảm giác nó có thể nổ bất kì lúc nào. Họ vớt lên đắp chiếu ở ngay chân đê cho tới khi có người ở chùa ra cầu siêu rồi chôn ngay ở chân đê phía trong đồng. Năm nào cũng phải có 2-3 cái xác trôi về đây. Mùa nước nổi 1-2 cái thủy triều cũng đưa về 1-2 cái nữa. Cứ đến đoạn này là nó không trôi theo con sông Cái cuốn vào cái thùng đấu này. Nên người làng cứ bảo cái thùng đấu này nhiều ma lắm.
-----------------------------
Nhà em thì có bốn anh em, ba trai một gái. Ông anh cả thì năm đó đang học mỏ ở Quảng Ninh. Còn bà chị thì học Luật ở Hà Nội. Ở nhà chỉ còn em và ông anh trên nên nhiệm vụ chăn trâu giao qua giao lại cho hai anh em. Lúc đó còn nhỏ dại chỉ thích đi chăn trâu thôi chứ ở nhà phơi thóc phơi lúa nấu cơm cực thấy mẹ. Nhất là phơi thóc mà gặp cơn mưa thì thôi đấy. Chỉ có đường nhét nút lỗ cống lại cho thóc khỏi chảy đi chứ trẻ con chạy lúa làm sao kịp. Về là lại ăn đòn toét đít, thực ra nếu để ý chạy từ sớm thì vẫn kịp mà ở nhà trông nhà buồn ngủ toàn ngủ quên.

Ở hàng xóm cạnh nhà em cũng có hai anh em, một thằng thì bằng tuổi ông anh em còn 1 thằng nữa thì lớn hơn 2-3 tuổi. Thằng tên nhỏ tên Trung thằng lớn tên Dũng (xin phép thay đổi tên nhân vật để không nhắc lại người đã quá cố). Sở dĩ em gọi là thằng là vì nhà em và nhà chúng nó có họ bên đằng ngoại. Bọn nó phải gọi anh em em bằng anh. Nhà chúng nó cũng có một con trâu. Do cùng trang lứa nên ông anh em và thằng Dũng hay chăn trâu với nhau đâm mấy con trâu cũng thân nhau. Cứ lùa lên đê là nó lại bắt cặp với nhau ăn chung, khi về cũng thế.

Thành ra em cũng chơi thân với anh em nhà nó luôn. Nhà em và nhà chúng nó cũng chả thân mấy vì xa thơm gần thối mà các thím, không thể tránh khỏi va chạm này nọ, đất đai, con gà con qué, con chó... Nhưng đó là chuyện của người lớn còn bọn em vẫn chơi với nhau như thường và hai gia đình cũng không cấm cản gì.

Hôm đó cũng như thường lệ tới lượt em đi chăn trâu, bên nhà nó thì tới lượt thằng anh (tức là thằng Trung). Em còn nhỏ và ít khi đi chơi hoang nên chả bao giờ cầm cái gì đi ăn cả, họa chăng là bố em làm ở xã thi thoảng cho tờ giấy than họ đã in toe toét tòe toẹt ra rồi đem góp cho chúng nó. Với em thì chả quý giá gì nhưng với tụi nó thì là cả một gia tài đấy. Thằng nào được tờ giấy than đó mà về ốp vào vẽ theo thì đúng là tuyệt cú mèo. Hay thi thoảng em lấy trộm được ít bánh của mẹ em đem sung vào công quỹ với tụi nó.

Mà tụi nó cũng ít để ý tới phần góp của em, vì hồi ấy em học giỏi và gia đình cũng kha khá, đâm ra là tụi nó rất nể em. Từ thằng lớn đến thằng nhỏ. Còn thằng Trung thì khác, nó rất lắm trò. Khi nào đi nó cũng mang theo một cái đọt rơm. Cái đọt rơm được bện bằng rơm rất chắc chắn, kéo dài loằn ngoằn như con trăn. Bọn em thường mang lửa đi và giữ lửa bằng cách đó. Thường một cái đọt ấy cháy có khi dùng được 2-3 buổi chiều nếu bện thật chặt. Nó làm được chứ em thì chịu không biết cách. Hôm đó nó quấn quanh cổ một cái đọt rơm đã nhóm lửa như thế. Nó gọi với qua bờ tường gọi em:
- Ê anh Đ, có nhà không?
Em đáp:
- Có, đi chưa?
Nó bảo:
- Đi.
Nó vừa trả lời vừa toét miệng cười cộng với hành động đưa 1 cái túi mà em đoán là trong đó có chứa hoa quả gì đó rồi. Hôm nào cũng vậy, trưa nó chẳng ngủ. Chạy quanh xóm hái trộm hoa quả mang theo ăn. Hôm nay có vẻ như là nó mang được me và sung đi. Hai loại quả này em không thích lắm sung thì ăn sít cả cổ vào, còn me thì chua vãi đái.

Em cũng vội vàng vào bếp lấy quả ớt với 1 vốc muối đem ra giã chung với nhau để làm đồ chấm. Ông anh em hay chơi hoang hơn thì hay mang hoa quả chứ phần em thì chỉ có mang được muối là hết cửa. Em làm muối thì dở tệ, anh em nhà nó bảo để anh em nó làm luôn cho nhưng em nhất định không chịu vì phải góp một cái gì đó thì ăn nó mới hợp tình hợp lý.

Anh em nhà nó quý em cũng một phần vì em thảo lắm, hồi nhỏ thi thoảng bố em mua cho cuốn truyện tranh em hay mang cho anh em nhà nó mượn đọc. Hồi ấy là truyện 7 viên ngọc rồng với lại dũng sĩ hesman.

Xuống tới đê bọn em thả trâu luôn cho chúng nó tự ăn và kiếm chỗ chơi và ăn số hoa quả đó. Tổng cộng nhóm em có thêm 3 thằng trong xóm nữa là 5 thằng. Thường thường ở trên đê cách vài trăm mét có 1 cái điếm. Cái điếm này dùng để khi nước lụt về khẩn cấp xã lại cử người canh gác để kịp thời thông báo nếu có sự cố về đê. Ngày thường bọn em hay vào đó trú nắng, đánh bài quỳ và ăn đồ. Trong đó thì bọn em vẽ đủ mọi thứ, mà đa phần là mấy thằng mất dạy vẽ hình mất dạy và chửi tục.

Hôm nay không hiểu sao thằng Trung lại cao hứng rủ cả bọn xuống triền đê để ăn, ngay sát cái thùng đấu. Hôm nay gần ngày rằm, nước thủy triều lên khá to. Nước triều mà lên thế này ở cách đó hơn cây số kiểu gì cũng có mấy anh lớn đang đánh rậm tôm, lát chiều tà về thế nào cũng vứt cho bọn em vài con để nướng ăn.

Bọn em bày các thứ ra như mâm cỗ vậy. Thằng Trung thì lục tục treo cái
đọt lên mấy cây dại để đỡ vướng víu và đọt không bị tắt lửa. Đang ăn thì chợt thằng Trung phát hiện ra ở giữa thùng đấu có một vật đang lều bều trôi. Nhìn kĩ ra thì là 1 cái xác trôi dạt ở đâu về đấy. Em thì nhát gan nên nghe thấy chúng nó bảo cái xác chết trôi thì 7 vía đã mất 3 còn có 4 thôi. Em dúm dó vào. Thằng Trung thì hình như chẳng có vẻ gì là sợ sệt cả. Cái tính hay chơi hoang đã ngấm vào trong máu nó rồi. Quái gở hơn nó còn đề nghị tất cả bọn em đáp đất đá vào cái xác đó cho nó trôi đi xa.

---------------------------------------------------------
Lại nói về cái xác, sau khi nó đề nghị quái gở như thế thì chỉ có 3 thằng dám làm còn em và một thằng nữa đứng coi thôi chứ chẳng dám. Chúng nó cũng không bảo gì 2 thằng em cả. Thế là một thằng trẻ trâu nhỏ hơn em cỡ 1 tuổi được giao đi lụm đá và đất cứng dưới ruộng.

Quê em có vụ đông trồng chủ yếu hành và tỏi nên họ cày rất sớm để phơi khô đất cho đất tơi xốp và thoát khí độc. Nên chỉ 1 loáng là thằng nhỏ đã lụm được 1 đống rất to đất và đá. Thủy triều lên nước chảy cũng không mạnh nên cái xác cứ dật dờ trôi cách bờ hơn 20m. Cái xác đó có lẽ là của đàn bà vì em thấy tóc xõa đen cả một khoảnh nước. Nó đã trôi so với vị trí bọn em bày "tiệc" phải hơn 50m. Thằng Trung cũng là một thằng láu lỉnh nên nó đã bắt thằng cu kia tập kết đá cách vị trí bọn em ăn hơn 70m.

Nói thêm về cái thùng đấu này. Khi mới đào thì chỉ có xác chết dạt vào thôi. Nhưng dần dà thì người xã em chết ở đó cũng không ít. Khi thì một năm một mạng, khi thì 2-3 năm một mạng. Họ hay nói là do ma kéo xuống chả biết có phải không nhưng chỗ cái thùng đấu này là chỗ "ưa thích" tập kết của mấy cái xác thì rõ ràng là đúng rồi.

Người chết vì nhiều nguyên nhân, đa phần là do lội qua sông đi làm ở cái vàn mà em giới thiệu lúc trước. Người ta làm đường đi qua rồi nhưng do lười đi vòng mà lội qua thì nhanh hơn. Mà cái thùng đấu này họ đào lại không đều, chỗ nào nhiều phù sa thì họ đào hẹp và nông. Chỗ nào nhiều đất thịt thị họ lại đào sâu và rộng. Thành ra lội qua không biết nông sâu hẫng chân một phát là ra đi.

Lại nói về thằng Trung và 2 thằng kia. Chúng nó đứng và thi nhau đáp đá vào cái xác. Hai thằng nhỏ hơn thì đáp không tới cái xác. Còn cách phải 5-7 nữa mới tới. Chúng nó cũng chẳng nản lòng, hình như việc đáp không tới cái xác làm chúng nó điên lên, chúng nó đáp mạnh hơn. Có thằng lấy đà đáp suýt chút nữa thì chúi đầu xuống nước vì quá đà. Thằng Trung thì khác, nó lớn nên lực đáp của nó dư tới cái xác. Vấn đề của nó chỉ là đáp có chuẩn không. Nó đáp vài viên trúng cái xác, trúng thì trúng nhưng có phát nghe bộp bộp, có phát trúng mà lại nghe đánh tõm. Cái xác bị đáp đá trôi dật dờ ra xa bờ hơn. Chúng nó thách đố nhau đáp trúng một hồi thì cười ha hả với nhau.

Đáp một hồi chán chúng nó lại quay lai ăn me và sung và bàn về việc thằng này đáp giỏi thằng kia đáp dở. Có thằng nhỏ con đi nhặt đá về mà đáp chẳng phát nào tới cón hậm hực nói:
- Tại anh lớn thôi, em mà bằng anh là em đáp bách phát bách trúng rồi.
Thằng Trung thì ba hoa:
- Không dễ thế đâu, quan trọng là kỹ thuật đáp...
Nó ba hoa về việc lấy đà thế nào, đưa góc đáp thế nào... mà bọn em cũng chẳng biết thật hư thế nào. Mà 2 thằng kia có vẻ phục lắm, há hốc mồm nghe.

Khoảng hơn bốn giờ chiều thì mấy anh đi đánh rậm tôm đi qua cho mấy thằng em một đống tôm. Thằng Trung thổi lửa từ cái đọt nướng luôn. Tay nghề nướng tôm của nó với em thuộc hàng tuyệt hảo. Nguồn đốt của bọn em đa phần là cứt trâu khô và củi vụn còn vương vất trên đê. Tầm 4h trời bắt đầu trở lạnh, đốt lửa vừa sưởi vừa nướng tôm thì tuyệt vời rồi.

Đang ăn tôm thì một thằng trong nhóm buồn đi nặng. Nó chạy ra về phía hạ lưu cỡ gần 200m có một bụi tre mọc hoang ở đó. Ị ở đó cho kín đáo và đỡ ngại. Nó đi được cỡ 15p thì thấy nó mặt tái xanh chạy về, mông còn chưa kịp chùi nữa. Đúng như người ta nói nó chạy vãi cả cứt.


Vừa về nó vừa lắp bắp kể, nó đang ị thì có một bóng đen tóc xõa dài cứ trừng trừng nhìn nó, nó sợ chạy không cả kịp kéo quần ngã mấy phát lúc trên đường chạy về đây. Thằng Trung cũng tái mặt, có lẽ nó đã bắt đầu nghĩ về cái xác. Nhưng nó lì lợm không nói gì. Nó bắt thằng kia cả quần cả áo nhảy xuống cái thùng đấu rửa cho sạch sẽ mới được lên. Xong nó táo tợn hơn là dẫn cả bọn bọn em tới cái bụi tre ấy coi. Tất nhiên là chẳng có gì nữa. Cái bụi tre này cũng lắm chuyện huyễn hoặc quanh nó lắm.
-------------------------------------------
Cái bụi tre này do một ông già hay chăn trâu trong làng trồng. Tự dưng rảnh việc ông ấy xin ở trong làng một gốc tre mang ra đó trồng. Chỉ ba bốn năm là bụi tre đã rợp bóng. Khi trước người ta đi làm về mệt người ta hay nghỉ chân ở đây để uống nước hoặc đơn giản là ngồi chút cho đỡ mệt. Quê em người ta tham công tiếc việc lắm. Có khi đi làm tới 7-8h tối mới chịu về. Mà không tham công tiếc việc cũng không được, có mà đói nhăn răng ra. Khổ vậy đấy các thím ạ. Cái bụi tre này là chỗ nghỉ chân quen thuộc của mọi người trong làng cho đến khi rất nhiều lần và rất nhiều người đi làm về muộn đi qua đây nghe thấy những tiếng rì rầm như có người đang nói chuyện gì đó nhưng đến gần thì lại chẳng có ai cả. Thế là người ta tin rằng hình như cô hồn dã quỷ, ma chết trôi đã tụ họp hết ở đây nên chẳng ai bén mảng tới gần nữa. Người trong làng đã bỏ hẳn cái thói quen nghỉ chân ở đây rồi, trừ những trường hợp đặc biệt như thằng cu trong nhóm em vì xung quanh không có bụi rậm nên chui vào đó ị.

Bà thím em có lần còn kể với mẹ em, bà ấy đi nhặt cỏ đỗ ở ngoài vàn cát. Lúc ấy trời đã nhá nhem tối nhưng cái luống đỗ ấy chỉ còn một đoạn nhỏ nữa chưa nhổ xong. Nếu để đến ngày mai đi nhổ thì rất mất thời gian vì đường xa. Thế là bà ấy cố gắng nhổ cho xong. Lúc về qua bụi tre thấy trên lừng chừng cây tre có người ngồi vắt vẻo. Bà ấy còn nghĩ : quái giờ này mà còn ai leo trèo lên bụi tre mà làm gì nữa. Đến gần thì lại chẳng có ai, ớn lạnh xương sống bà ấy ba chân bốn cẳng chạy về mất.

Thằng Trung cũng đã bắt đầu ớn lạnh về cái xác. Vì từ lúc đáp cái xác đi thì không thấy đâu nữa. Nó trôi về đâu mất rồi ấy. Em nghĩ khéo nó vướng dưới gốc bụi tre ấy rồi cũng lên(vì bụi tre đó trồng sát bờ cái thùng đấu, nước thủy triều lên sóng sánh gốc tre) Lúc thằng trong nhóm ra đó đi nặng thì nước vẫn còn chưa ngập lên gốc tre chứ càng về tối nước càng lên cao. Em rùng mình nghĩ tới cảnh cái xác vẫn còn nổi bập bềnh đâu đó quanh bụi tre này. Thế là em đề nghỉ cả nhóm về chứ đứng ở đây chả giải quyết được việc gì. Chúng nó cũng đồng ý vì cũng đã đến giờ cho trâu về nhà.

Mất hai ba hôm sau thì thằng Trung bị trận đòn nhừ tử. Không biết trong nhóm 5 thằng thì thằng nào đã về nhà méc về chuyện cái xác. Người lớn truyền đạt lại với nhau, kết quả đến tai bố thằng Trung và nó lãnh đủ. Bên này em nghe nó bị đòn đau mà giật mình thon thót vì không biết bao giờ tới lượt mình. Bố em cũng là người rất nghiêm khắc. May cho em là bố em hay bán thuốc bảo vệ thực vật và sửa đồ điện ở trên cái quán mà em đã giới thiệu ở phần trước nên bố em không biết chuyện này.

Mấy hôm sau nữa cả 5 thằng lại đi chăn trâu chung với nhau. Nó vẫn hậm hực vì trận đòn đau hôm trước nên lôi từng thằng ra hỏi trừ em. Vì nó biết em rất "trượng nghĩa". Có lần nó sang nhà em đánh rớt cái ấm trà mà bố em được xã tặng mấy chục năm tuổi Đảng ấy. Bố em toàn cất trong tủ kỉnh ko dám mang ra uống. Nó sang nhà em chơi táy máy thế nào đánh rơi rụng mất cái quai cầm tay. Nó sợ chạy vội về nhà lấy keo 502 dán lại đối phó. Hai thằng đã bàn bạc và thống nhất là em sẽ không méc với bố em. Và phải hơn 2 năm sau bố em mới biết chuyện này khi ông quyết định lôi bộ ấm chén này ra sử dụng.

Lần khác thì em bắt được hai anh em nhà nó đang ngồi câu trộm ở cái ao nhà em. Em đang ngủ trong buồng nơi có cái cửa sổ nhìn ra vườn và ao thì thấy 2 anh em nhà nó đang lấp ló câu trộm vì nghĩ nhà em ngủ hết rồi. Em bắt chính quả tang hai thằng đang lọ mọ câu trộm nhà em. Thằng em nó tức thằng Dũng vẫn nói cứng kiểu câu xin một vài con làm gì mà căng. Thằng anh nó thì xin em đừng méc không anh em nó lại no đòn. Em cũng giấu nhẹm cho chúng nó chuyện này.

Nên việc tra hỏi em xem có méc không là không cần thiết, nó chỉ hỏi em xem có hay là không thôi. Khả năng cao nhất là cái thằng lúc trước không dám ném đá vào xác chết với em đó. Vì hai thằng kia có dám méc đâu, méc thì cũng ăn đòn nát đít. Thằng cu kia lúc đầu không nhận nhưng bị dọa nghỉ chơi nên khai thật nó chính là người đã méc chuyện ném đá. Dường như thằng Trung cũng chỉ hỏi để biết thủ phạm thôi chứ nó cũng không có ác ý gì nên cũng bỏ qua cho thằng cu kia.
 
Phải hơn hai năm sau đó. Cái mùa hè mà em không thể nào quên mà ám ảnh em đến tận bây giờ.

Mỗi năm hè đến, tức là mùa đã thu hoạch hết hoa màu ở cái vàn thì đó cũng là thiên đường của bọn em. Khi họ thu hoạch hết rồi bọn em sẽ san phẳng một khu đất đi để làm sân bóng. Cái sân làm bằng đất phù sa này đá bóng cực kì êm chân. Thường thường sân sẽ được chia làm 2 phần. Phần lớn là cho mấy anh lớn đá bóng da, sân này sẽ có khung thành đàng hoàng. Nói đàng hoàng cho oai chứ thực ra chỉ là 2 thanh tre chôn dưới đất và một thanh gác lên trên thôi. Thời ấy với em như thế đã hoành tráng lắm rồi. So với cái sân bé tẹo, cột gôn chỉ là mấy cái dép xếp lên nhau của bọn em thì một trời một vực rồi.

Ngày nào cứ 5h chiều là lũ trẻ trâu già trâu bọn em lại tụ tập ở cái bãi đó đá bóng tới nhá nhem tối mới về. Thằng Trung hay chở em đi bằng cái xe đạp phượng hoàng cà tàng nhà em. Còn anh trai em và thằng Dũng hay bắt cặp với nhau đi sớm rồi. Hôm đó, khi đá bóng xong không hiểu sao thằng Trung còn cà kê không chịu xuống sông Cái tắm mà về. Còn có 4 thằng ở lại. Bọn em chờ mãi mới thấy nó hì hục chạy lên chỗ xe. Người nó vừa lấm lem lại vừa lôi thôi lếch thếch. Hóa ra nãy giờ nó đi ăn trộm khoai ở 1 ruộng khoai họ chưa thu hoạch xong.

Cái chuyện ném đá xác chết dường như sau hai năm bọn em đã quên hẳn đi. Nên khi đi về không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà thằng Trung đòi tắm gần đúng cái vị trí nó phát hiện ra cái xác chết khi xưa. Người nó lấm lem nên nó muốn tắm ù một cái cho xong để tối về nhà đỡ phải tắm (bọn trẻ trâu bẩn lắm). Nhóm đi về có 4 thằng, thì 2 thằng lớn xêm xêm nhau còn 2 thằng nhỏ như em. Nó bắt 3 thằng em đừng trên bờ giữ khoai cho nó để nó xuống tắm.

Nó phi ùm một cái xuống cái thùng đấu lặn một hơi ra giữa dòng. Bọn em thì đang tán dóc trên bờ được cỡ 5 phút thì thằng Trung bắt đầu giờ tay huơ huơ lên trên không. Bọn em ở trên bờ đứa nào cũng nghĩ nó đang trêu vì nó vốn là một tay bơi cự phách. Mùa nước lũ nước to và chảy xiết thế mà nó vẫn bơi thường xuyên qua cái thoi giữa sông được thì cái vũng này làm gì được nó. Nó nhô lên hụp xuống giơ tay vẫy vẫy như kiểu có ai đó đang cố kéo nó xuống đáy sông vậy. Bọn em ở trên bờ lại càng tin rằng nó đang chọc bọn em.

Thằng lớn còn tức mình đôi cục đá về phía thằng Trung cho bõ ghét. Nó vùng vẫy cỡ gần 2 phút thì hình như nó đã không chống nổi cái sức mạnh kéo xuống ở dưới lòng sông. Nó chìm nghỉm không sủi tăm luôn. Cho đến lúc đó bọn em vẫn nghĩ là nó trêu. Phải đến khi 2p sau không thấy nó trồi lên thì bọn em mới tá hỏa. Thằng Trung bị chết đuối.
---------------------------------------------------------------------------------
Thằng lớn nhất trong nhóm lao xuống dòng nước để cứu thằng Trung. Nó bơi ào ào đến chỗ thằng Trung giơ tay khi nãy. Trời đã nhá nhem tối, cách 5-7m là không thấy mặt người nữa, nên việc xác định điểm đó có đúng là điểm thằng Trung chìm xuống không cũng là khó khăn.

Sau một hai lần hụp lặn, thằng lớn tên Bùi không thấy thằng Trung đâu cả. Nó hét lên bờ bắt em chạy về gọi người lớn ra còn nó tiếp tục mò. Thằng nhỏ còn lại thì chạy vào trong đồng xem còn người lớn nào làm đồng không gọi ra kêu cứu. Em lọc tọc đạp cấp tốc về làng. Con đê cách làng em phải đến hơn 2km mà đường thì đường đất chứ nào có được đường bê tông như bây giờ. Thành ra phải mất hơn 10p em mới đạp về đến nhà nó. Em kêu bố mẹ nó bằng cậu mợ. Em chạy thằng vào nhà nó thì thấy bố nó đang đóng sửa gì cái ghế băng nhà nó. Thấy em hớt hải bố nó chặn lại hỏi:
- Gì thế Đ?
- Chìm, chìm rồi.
- Cái gì chìm, nói rõ coi nào - Hình như bố nó đã nghĩ ngay đến việc một trong 2 thằng con bị ngã nước.
- Thằng Trung tắm sông bị chết chìm rồi cậu ơi?
- Ở đâu? Bố nó phát hoảng lên.
Bố nó bế xốc em lên xe luôn, vừa chở em đi bố nó vừa hét kêu cứu để mọi người quanh làng ra phụ tìm chứ k có thời gian nhờ ai nữa.

Được cái thời ấy tình làng nghĩa xóm vẫn còn chan đầy nên nghe bố nó hét thế là khi bố nó chở em đến nơi thì chỉ một loáng sau là cả hơn chục trai tráng đã có mặt, chưa kể trẻ con và phụ nữ. Giờ em lớn rồi mới nghĩ lại không hiểu tại sao thằng Bùi ngụp lặn ở đó một mình mà bọn ma nó lại không lôi đi luôn.

Đến nơi thì thằng Bùi vẫn đang ngụp lặn giữa dòng. Thằng nhỏ kia thì chưa thấy đâu, chắc nó tìm mãi không thấy ai nên chạy quanh đồng rồi(ngu vãi). Thế là lúc đó cỡ tầm hơn 7h tối đã không nhìn thấy gì nữa. May sao người trong làng họ cũng nghĩ ra cầm theo 3-4 cái đèn pin. Ngày trước đèn pin cũng là một thứ quý giá, không mấy người có. Loại đèn 3 pin chiếu được lâu lại càng hiếm. Thế là hơn mười người ngụp lặn xuống cái thùng đấu đó để lặn tìm thằng Trung. Số còn lại chia ra hai bờ xem nó có dạt vào bờ không. Người ta tìm kiếm huyên náo cả một khúc sông. Bố mẹ em cũng tham gia tìm kiếm. Bố em bắt em ngồi im một chỗ cấm được đi đâu, di chuyển là về no đòn nên em không dám ngọ nguậy gì cả mà ngồi im một chỗ.

Bất giác em nhìn về phía bụi tre cách chỗ đó phải hơn 100m, hình như có một cái bóng trắng lờ mờ vắt vẻo trên bụi tre nhìn về hướng này. Em trừng trừng nhìn về hướng đó. Vì hơi xa xa nên em không rõ cái bóng trắng đó là thứ gì. Nhưng nhìn hình dáng thì hệt như cái thứ mà thằng cu con đi ị hồi trước nhìn thấy tả lại. Cũng tóc xõa sang hai bên, không có chân và mặc đồ rộng thùng thình. Em sợ quá chạy vội về phía đám đông đang hóng trên bờ mặc cho lệnh cấm không được rời đi của bố em.
---------------------------------------------------------------------------
Nói ra thì xấu hổ, em định không kể rồi mà để câu chuyện cho đúng nguyên văn thì em xin kể. Đó là việc khi em chạy tới đám đông thậm chí em đã tè cả ra quần vì sợ. Tính em hồi nhỏ nhát lắm các thím ạ, giờ cũng vẫn nhát nhưng đỡ hơn. Mọi người cũng chả quan tâm đến việc đó vì một là do trời tối hai là mọi người đều ngóng kết quả tìm kiếm.

Không hiểu sao cái thùng đấu bé tí tẹo, nước thủy triều nên dòng nước cũng không chảy mấy mà mười mấy người ngụp lặn tìm kiếm khu đó mà mãi không thấy thằng Trung đâu cả. Đến hơn một tiếng sau thì mọi người mở rộng tìm kiếm về phía hạ lưu chứ tìm nát cái khúc thùng đấu đó rồi mà không thấy nó đâu cả.

Cỡ 10 phút sau khi mọi người mở rộng tìm kiếm thì bỗng một thanh niên trong làng thấy cái xác ở cách chỗ nó chết đuối hơn 100m tức là gần ngay sát chân bụi tre. Không hiểu vì lẽ gì mà cái xác đã trôi về tận đó. Tất nhiên thằng Trung đã chết đuối. Người ta lôi nó lên, mẹ nó khóc ngất, thằng Dũng em nó thì khóc òa lên vì thương anh. Bố nó thì đờ đần. Thực ra em chả muốn lại gần bụi tre ấy nữa, nhưng cái xác thằng Trung được lôi lên để ở đó, Mọi người lục tục kéo đến đó thì tất nhiên em cũng phải di chuyển theo. So với việc phải đứng một mình thì việc đi theo đám đông đến gần bụi tre an toàn hơn nhiều.

-----------------------------------------------------------------------------
Cái xác đc đưa lên bờ chỗ bụi tre. Bố nó vẫn hi vọng cứu được nó. Khi ấy nhà em chưa mua xe máy mà trong làng có duy nhất một chiếc xe 76 của ông Huyến trong làng. Sở dĩ ông ấy có là do có con đi Đức gửi về. Ông ấy biết chuyện thằng Trung ngã nước nên đã để xe máy chờ sẵn ở đó. Quê em có cái luật, nói luật thì cũng không chính xác lắm. Phải dùng từ gì nhỉ? Có lẽ dùng từ thói quen thì đúng hơn. Người bị tai nạn bất ngờ dù biết mười mươi là chết rồi vẫn phải đưa đi bệnh viện. Một là để đỡ áy náy sau này, hai là dân làng họ đỡ nói rằng tiếc tiền mà để người chết.

Cái xác thằng Trung được bố nó kẹp với ông Huyến chở đi bệnh viện. Mẹ nó và em nó thì được người ta chở về nhà. Người trong làng cũng giải tán, mặt ai cũng ái ngại và thương xót cho gia đình thằng Trung. Nó mới tí tuổi đầu chứ mấy. Tuy nó hay phá làng phá xóm nhưng chung quy cũng chả ai khó chịu với 1 thằng trẻ trâu cả.

Tới đêm thì bố em từ nhà nó về thông báo với mẹ em là không cứu được thằng Trung. Nó chết lâu rồi, đưa lên chỉ là thủ tục. Lúc đó em vẫn mông lung nghĩ đó chỉ là một giấc mơ, sáng dậy là hết. E sẽ lại được đi chăn trâu với nó.

Bên nhà nó vẫn hắt ánh đèn qua và vẫn xì xầm tiếng người bàn tán. Chắc họ hàng qua phụ đỡ. Bố e về ngả lưng cỡ 15p rồi lại chạy sang luôn phụ đỡ gia đình nó. Mẹ em sau khi nghe bố em báo tin thì sang nhà nó luôn. Em nằm thiêm thiếp đi và ngủ mất. Trong giấc mơ những kỉ niệm với thằng Trung cứ lần lượt hiện về. Trong giấc ngủ em đã khóc nhiều lắm, đến sáng ra cái gối vẫn còn ướt đẫm nước mắt.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Sáng ra, xác thằng Trung vẫn chưa được đưa về. Bên nhà nó mẹ nó cũng không thấy khóc to như tối hôm qua nữa. Chắc vừa mệt vừa hết nước mắt rồi. Ông anh em cũng bần thần, chắc ông ấy cũng buồn lắm. Anh em chơi với nhau từ nhỏ. Giờ đột ngột một thằng ra đi không buồn sao được. Ông ấy đi học mà chả buồn ăn cơm sáng như mọi hôm.

Lúc hai gia đình còn chưa có chuyện xích mích thì 2 thằng đó hay sang nhà em rang cơm chung rồi đi học chung lắm. Giờ xích mích còn gà con qué, con chó con lợn tụi nó ít sang lắm. Nhưng đợt này nhà nó có việc thì bố mẹ em cũng bỏ qua hết hiềm khích mà sang nhà nó từ đêm.

Đến khoảng 9h thì xe bệnh viện chở xác thằng Trung về, em chả được nhìn mặt nó lần cuối. Lúc em chạy sang thì họ đã đưa cái xác vào trong buồng nhà nó nên em không vào được. Mẹ nó lại khóc ngất lên ngất xuống mấy bận, nhìn mà tội tình. Thật sự nhìn cảnh đó không ai cầm được nước mắt.

Khoảng hơn 1 tiếng sau thì họ chở cái hòm về để cho xác thằng Trung vào đó. Đến sáng hôm sau thì người ta đưa nó ra đồng chôn. Đến bây giờ em mới thực sự tin rằng nó đã chết và đó không phải giấc mơ.

Sau cái chết của thằng Trung bố mẹ nó gầy dộc đi. Nhà em có nuôi 2 con vịt đẻ. Tụi nó đến tối thường thường tự mò về chuồng, nhưng cũng có ngoại lệ thi thoảng có buổi tụi nó ở luôn ngoài bờ ao không chịu về. Những lúc như thế em lại phải bơi ra lùa tụi nó về. Nhiều hôm em thấy mẹ nó khóc rũ ở bờ ao. Chắc là thương con quá, giờ chỉ biết khóc ngấm khóc ngầm chứ biết làm sao được?

Quê em nếu năm đó nhà có tang là tết không được đi chúc tết đâu hết. Sợ mang xúi quẩy cho gia chủ. Cái năm em còn nhỏ vẫn còn tục ăn đụng lợn và đốt pháo. Hai mươi tám tết là đã rộn ràng người í ới gọi nhau thịt lợn, đến chiều tối trước khi ăn là đã đốt pháo râm ran rồi. Duy chỉ có nhà nó vẫn im lìm. Ai mà có tâm trạng ăn tết nữa. Bố mẹ em bắt 2 anh em em ngày mùng 1 sang xông nhà cho cậu mợ em cho cậu mợ đỡ tủi. Mới nhìn thấy bọn em sang mợ đã nước mắt ngắn nước mắt dài khóc rểu rảo (gọi là cậu mợ nhưng họ xa lắm rồi). Mặt cậu cũng ửng lên, chắc phải cố gắng lắm mới ngăn được dòng nươc mắt không tuôn ra. Thằng Dũng thì lầm lì không nói gì cả. Ngày tết thì tranh thủ chúc mỗi nhà một tí thôi nên ngồi cỡ 15p là bọn em đi luôn. Tranh thủ chúc nhà khác để kiếm lì xì. Nói chung tết năm đó nhà nó rệu rạc đi.

Qua năm mới là bắt đầu mấy tháng xuân. Ngoài em mấy tháng xuân là tháng rảnh rỗi, chả thế mà các cụ có câu: tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai mở hội, tháng 3 đi chùa. Đó là thời điểm nông nhàn vì lúa còn non không phải chăm sóc gì mấy cả.

Năm đó mẹ em cũng đã biết xem bói. Nhưng mà cái giống xem bói thì: xem được cho người chứ không xem được cho mình. Mẹ em nghe đồn ở xã bên cạnh có người gọi dí hay lắm (gọi dí hay gọi hồn, triệu người chết lên để nói chuyện). Thấy mẹ thằng Trung ủ rũ cả ngày nên mẹ em sang rủ mẹ nó đi gọi dí chung. Từ ngày thằng Trung mất thì sự hiềm khích giữa hai gia đình đã được cởi bỏ đi.

Mẹ thằng Trung cũng đồng ý đi với mẹ em. Em xin đi theo với 2 người vì năm đó còn con nít, chỉ thích đi theo mẹ thôi. Thế là hai bà hai chiếc xe đạp lộc cộc đạp đến nhà bà đồng ấy. Vào đến nhà thì đã có 4-5 người đang chờ đến lượt mình. Thế là hai bà lại phải chờ gần 3 tiếng đồng hồ để đến lượt mình. Mẹ em gọi trước, thủ tục cũng khá rườm rà. Đầu tiên phải đặt vào 3 cái đĩa 3 tờ 10k. Sau đó là đi thắp hương khắp các ban thờ trong nhà bà đồng này. Đi đến ban nào cũng phải khấn tên của người muốn gọi. Trước khi làm thủ tục bà đông cũng nói rõ là có người gọi được có người không, có người lại chi lên có một lần thôi. Mẹ em thì gọi bác em là ông bác đã mất từ khi nhỏ. Đây lại là một câu chuyện khác cũng liên quan đến tâm linh và bùa bèn , cái này em xin kể vào câu chuyện sau.

Đến lượt mẹ thằng Trung gọi nó lên, bà đồng trùm cái khăn kín đầu, khói hương xung quanh nghi ngút. Người bà ấy đang quay vòng tròn thì bỗng dưng giật lên một cái. Bà ấy khóc hu hu. Mẹ thằng Trung biết nó về rồi nên vừa khóc vừa hỏi:
- Trung đấy hả con
Bà đồng vừa khóc vừa trả lời:
- Dạ con đây mẹ ơi
Mẹ nó khóc tu tu lên không nói được câu nào. Bà đồng nói tiếp:
- Mẹ ơi, con chết oan lắm. Chúng nó kéo con xuống đây. Chúng nó đông lắm. Chúng nó không cho con về. Con ở dưới này lạnh và ngộp thở lắm. Hu...hu....hu. Mẹ ơi, con muốn về với mẹ. Hu....hu....hu.
Mẹ nó lại càng khóc nấc lên nhiều hơn. Bà đồng tiếp:
- Mẹ ơi, nó trả thù con vì ngày trước con đáp đá vào nó. Chúng nó tụ tập đông lắm, mẹ cẩn thận em con. Chúng nó muốn bắt em con đấy

Em há hốc mồm, thì ra người kéo nó xuống hôm đó chính là con ma bị thằng Trung đáp đá. Sau vụ đó thì không nghe thấy ai vớt dược cái xác đó, không hiểu nó đi đâu.
Đang nói thì bà đồng như bị ai đó bịt miệng, miệng bà ấy ọc ọc ọc. Bà ấy vùng vẫy dứt cái khăn ra khỏi đầu. Mặt bà ấy tái mét, thở hồng hộc.

Mẹ em và mẹ thằng Trung không hiểu chuyện gì xảy ra. Bà ấy trấn tĩnh lại và đi thắp hương khắp các ban thờ và khấn bái cái gì đấy. Xong coi như không có chuyện gì xảy ra. Bà ấy hỏi 2 người vậy là thỏa mãn chưa.. Mẹ thằng Trung ớ người ra vì xúc động quá có kịp nói với con câu gì đâu. Kể cả lời cảnh tỉnh về thằng Dũng nữa. Không hiểu là như nào.
Mẹ thằng Trung năn nỉ để gọi nó lên lại nhưng bà đồng không đồng ý bà ấy viện cớ rằng đã mệt lắm rồi. Lúc về, bỗng bà ấy gọi mẹ em lại và nói:
- Tôi xem bà cũng là người có căn quả nên tôi mới nói. Thằng con bà ấy bị ma bắt đi đấy chứ không phải chết đuối thường đâu. Lúc tôi đang để nó nhập vào người thì nhìn thấy rất nhiều ma quỷ vây quanh nó và kéo nó đi. Có lẽ hồn của nó chưa nhập mộ đâu mà vẫn bị đám kia giữ ở đâu đó. Và tôi cũng nghe thấy việc thằng cu này nói là bọn kia muốn bắt luôn em nó đi. Tôi thì chỉ biết là thế thôi, bà xem có cách nào nói lại với bà kia thì nói.
 
Mợ em và mẹ em về trong tâm trạng cực kỳ lo lắng và đau khổ của mợ em.( em xin đổi cách xưng hô là mợ thay vì mẹ thằng Trung). Sau đó vài ngày không chịu nổi sự ám ảnh về câu nous của thằng Trung nên mợ lại rủ mẹ em đi gọi lại lần nữa. Nói mãi bà đồng mới chịu vì hình như bà ta cũng thấy có một điều gì đó bất ổn trong này.

Có 1 thím trong này mới cmts là ở Bạch Đằn, khômg biết có biết bà đồng tên Liên chuyên gọi dí ở Thất Hùng không. Nếu biết thì rèview lại cho anh em biết để các thím ấy biết là em không chém gió.

Năn nỉ mãi một hồi bà đồng mới đồng ý làm lễ. Sau khi làm hết các thủ tục cúng bái thì bà đồng cũng xoay người như mấy hôm trước. Nhưng lần này xoay mãi mà chẳng có hiện tượng gì xảy ra. Thằng Trung không chịu lên để nhập vào bà ấy. Xoay mãi bà đồng vã cả mồ hôi hột ra. Cuối cùng cả bà đồng nên mợ em đều chịu, mẹ em và mợ ra về trong tâm trạng chẳng khá hơn lúc đi là mấy.

Mợ em hỏi mẹ em xem vó cách gì có thể giải quyết viẹc này không. Mẹ e cũng bày cho mợ là cúng giải hạn các kiểu. Nhưng sự thực với bất kì sự việc gì thì cũng phải tìm thấy cái gút mắc thì mới giải quyết được. Mà lúc đó chưa ai nghĩ ra đến việc năm xưa thằng Trung ném cái xác mới gây ra tai họa này. Chỉ có em là lờ mờ đoán ra nhưng lúc đó e quá nhỏ để đề xuất một điều gì.
Sau đó, mợ em cũng ra chùa làm lễ dâng sao giải hạn. Tổ chức cúng bái đâu mất một ngày thì phải. Và cũng từ đó thằng Dũng không được đi chăn trâu chăn bò gì nữa hết. Nó buồn thiu vì ngày ấy với bọn em thì chăn trâu là một niềm vui không thể thay thế được. Con trâu nhà nó giờ chủ yếu mẹ nó chăn, nếu không chăn được thì buộc ở chuồng cho ăn rơm.

Bẵng đi một thời gian dài cỡ 6 tháng tức là tiết trời cũng đã chuyển từ thu sang đông. Những cơn gió lạnh đầu mùa thổi về với cường độ tăng dần. Ở quê em có đặc sản là con rươi. Nó gần giống như con cuống chiếu vậy nhưng to hơn và thân mềm hơn. Lúc bình thường nó có màu xanh và ở bên dưới lớp đất phù sa. Đến mùa sinh sản thì con rươi bị "chín". Chúng ngả sang màu vàng và đứt ra từng đoạn nhỏ. Mỗi cá thể đứt đó lại biến thành một con rươi mới. Dạng như sinh sản vô tính vậy.

Ở quê em có câu :"tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm" ám chỉ ngày rươi chín. Những ngày ấy nước nổi và cũng là ngày rươi nổi lên nhiều. Lúc ấy cả làng sẽ chạy ra ngoài đê dùng rổ dứng (một loại rổ nhỏ bằng cái mũ) để hớt rươi chín. Những năm ấy mà rươi nổi nhiều có khi một người bắt được cả cân. Mang về nhà um khế hoặc trộn với trứng rán lên ăn thì chỉ có nuốt luôn lưỡi.

Năm ấy, tháng 10 nước cũng nổi như mọi năm. Cả làng em lao xao mang rổ, rá , thùng xô ra từ trưa. Phải canh vì rươi nổi có giờ chứ không cố định. Cả cái đê dài như vậy phải đến gần 20 tốp người đứng chờ sẵn. Nhà thằng Dũng dường như cũng quên cấm con ra ngoài đê. Nó cũng biết mẹ nó cấm không cho ra đó nhưng lúc đó nó nghĩ người đông như vậy thì chả việc gì. Nó lẻn lẻn sang nhà em rủ ông anh em đi ra đó.

Bữa đó em lại bận đi học chiều nên không tham gia được. Đến chiều nghe ông anh em về kể mới biết. Tầm ba giờ chiều thì rươi bắt đầu nổi. Anh trai em và thằng Dũng cũng nhảy xuống cái thùng đấu ấy để vớt rươi. Hai thằng cũng đã chọn chỗ rất nông để lội xuống vì thằng Dũng vẫn ám ảnh về cái chết của anh nó. Mà cái bản chất trẻ trâu là thế, sợ thì sợ mà vẫn chơi như thường.

Đang bắt rươi ngon lành thì thằng Dũng đột nhiên bị cái gì đấy kéo thụt xuống. Cái chỗ ấy nước nông lắm, chỉ hơn vành bụng một chút thôi. Lúc đó phần vì may anh trai em đứng gần phần vì ông anh trai em tuy bằng tuổi nhưng lại rất to xác nên túm được tay thằng Dũng luôn. Ông anh em kể lại, nó như giống như con cá bị móc câu lôi đi vậy. Cứ nhả ra lại lôi đi, nhả ra lại lôi đi. Ông anh em hoảng quá hét toáng lên. Mấy anh thanh niên lớn nhảy vội đến lôi 2 thằng lên. Thằng Dũng được một trận uống no nước. Nó vừa khóc vừa nôn ồng ộc nước ra ngoài.

Nó kể với anh em là nó như bị một sợi dây lạnh toát quấn vào chân vậy, mặt đất dưới chân nó tự dưng mềm xèo đi và cái dây thít đó lôi nó xuống dưới bùn. Lúc đó nói mấy ông thanh niên lớn còn cười nhạo nói rằng nó bịa ra. Không biết bơi thì nói ra có gì xấu hổ. Chỉ có ông anh em là tin vì lúc cầm trực tiếp kéo tay thằng Dũng lên thì phải giằng co với một thứ gì đó như dây cước câu vậy. Nó vừa lôi vừa nhả.

Buổi chiều hôm đó toàn bộ số rươi bắt được thằng Dũng cho ông anh em hết vì về sợ ăn đòn. Nó với ông anh em cũng giấu nhẹm cả nhà chuyện xảy ra hồi chiều. May ông anh em kể em mới biết. Em thì biết cái thứ đó là cái gì, em láng máng xâu chuỗi sự kiện lại, từ việc ném xác chết, cái bóng ma ở bụi tre, cái chết của thằng Trung, bà đồng, chuyện chết đuối hụt của thằng Dũng. Cả mấy tháng nó mới ra một lần, ra cái là có chuyện liền. Em mơ hồ cảm giác thấy có một sự bất ổn vô hình nào đó.
Cùng thời điểm ấy, bên kia sông tức là cái thoi ở giữa sông em kể lúc trước xảy ra những chuyện vô cùng kì quái. Bên đó họ làm ăn kinh tế, đất rộng nên thả rất nhiều gà, vịt, lợn. Dạo gần đây không hiểu sao cứ mất suốt. Lúc thì 1 con, lúc thì 2 con. Dân làng bên ấy tức lắm họ tổ chức thay phiên nhau để rình bắt cho bằng được thằng trộm để tẩn cho nó một trận. Nhưng lạ một cái là ngày nào rình thì trộm nó không xuất hiện mà hở cứ hôm nào không rình là lại mất. Giống như có nội gián vậy.

Lần này họ quyết định tổ chức rình bắt nguyên 1 tháng trời. Hai mươi ngày đầu tiên thì không có chuyện gì xảy ra, thằng trộm cũng không chịu xuất hiện. Nhưng đến ngày thứ 21 dường như thằng trộm không kiên trì chịu được nữa, đâm nó đánh liều quyết định làm một mẻ vào ngày thứ 21. Vì bên đó dân tình cũng thưa thớt mỗi nhà cách nhau đến vài trăm mét. Họ canh theo từng cá thể hộ gia đình thôi. Đêm đó trời tối om như đấm vào mắt, mùa gió bấc đã hiu hiu thổi se se lạnh. Hôm đó ông Bảy đang rình ở một góc canh cái chuồng gà, nói là canh thôi chứ ban ngày đã đi làm mệt rồi mà ban tối phải canh 20 ngày liên tiếp thì sức đâu chịu cho nổi. Đang thiêm thiếp ngủ thì ông nghe bì bõm ở dưới sông. Nghe thấy tiếng thì ông tỉnh hẳn, phen này bắt được thằng trộm rồi. Ông len lén nhìn ra sông thì thấy chúng nó có tới 2 thằng, mà bọn trộm này ngu, đi ăn trộm mà lại mặc đồ trắng. Chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Ông vơ vội cái đòn gánh mà ông thủ sẵn bên cạnh ra đập cho chúng nó một trận rồi hô hoán lên, chứ giờ hô lên là chúng nó chạy mất. Rón rén tới gần hơn, quan sát chúng nó kĩ hơn.

Tới gần thì gần như tóc tai lông lá trên người ông dựng ngược lên. Chúng nó không có chân, chúng chỉ là những cái bóng trắng hư hư ảo ảo. Gần như nước dạ dày ông muốn trào ngược ra đằng miệng vì quá kinh hoàng. "Hai thằng trộm" mà ông nhìn thấy là hai con ma ở dưới sông lên. Chân ông sụm xuống gây ra tiếng động. Hai cái bóng trắng thấy tiếng động chúng chạy nhanh như gió ra bờ sông. Đúng ra là lướt đi chứ không phải chạy nữa. Phải cơ năm phút sau ông mới trấn tĩnh lại được và hô hoán lên.

Dăm ba hàng xóm ở bên cũng chả biết vì nhà cách nhà xa quá, chỉ có vợ con ông chạy ra xem có chuyện gì hay là ông bắt được trộm rồi. Thấy ông vẫn ngồi thụp xuống đất, chân mềm nhũn đi vì sợ nên vợ ông dìu ông vào nhà bôi cao nóng cho ông tỉnh táo. Sau đó ông thuật lại cho vợ con toàn bộ sự việc chứng kiến trước đó. Vợ ông bần thần lắm, chỉ vì kế sinh nhai nên vợ chồng ông phải rời khỏi thôn làng sang bên này làm kinh tế. Vẫn nghe sông suối nhiều người chết nhưng trước giờ chưa từng xảy ra chuyện như vậy nên hai vợ chồng ông lúng túng ghê lắm.

Sáng hôm sau thì cả cái làng bên em đã biết chuyện đó nhưng cũng chỉ là tò mò, vì cái xóm bên sông ấy chả mấy ai quan tâm. Vụ lùm xùm bên đó em cũng chỉ nghe đến đó còn tiếp đó thế nào em cũng không rõ. Mãi về sau mới biết 2 con ma nó cũng thuộc cái bọn ma ở bụi tre bên bờ sông bên em, chúng đói khát quá nên làm liều
 
Lại nói về thằng Dũng, sau vụ tai nạn nó có vẻ cũng khiếp khiếp nên k mấy khi lén trốn ra ngoài đồng chơi cùng bọn trẻ trâu nữa. Nó chỉ dám me mé ra phía mấy cái đồng gần để bắt châu chấu với nhổ cỏ gà chọi nhau.

Hai trò đó cũng là một trong hai trò tuyệt cú mèo của bọn trẻ trâu. Châu chấu mùa gặt bị nước mưa xối xuống ướt cánh bay chậm lại. Bọn trẻ trâu tụi em rượt theo bắt bằng tay, đi một buổi chiều thì bắt được cả kí. Tối về rang lá chanh ăn với cơm thì ngon tuyệt.

Còn trò đá cỏ gà thì chắc bác nào hay chăn trâu mới biết. Cỏ gà không hiểu chúng nở hoa hay sinh sản mà khi già già có mọc 1 cái u trên đầu, bên trong thường có mấy con sâu. Bọn em hay bứt mấy cái đó đem chọi nhau, cái đầu cỏ thằng nào rơi trước là trận đó thua. Cũng vui phết.

Quanh đi quẩn lại nó chơi mấy trò đó đâm cũng chán. Có bữa bọn trẻ trâu mang về đồng gần một đống dế. Chúng nó làm hố chọi nhau hô ầm ĩ cả một góc đồng. Đâm ra làm thằng Dũng ngứa nghề. Phải hơn 1 tháng nay nó không được đi đổ dế và đá dế rồi. Vì đồng gần không có dế. Không hiểu tại sao lũ dế chỉ thích ở ngoài vàn và ngoài đê. Chúng đục lỗ và đào hang đầy con đê.

Bọn dế này cũng khôn lắm, chúng đào hang cũng không đơn giản. Chúng đào hang chia làm mấy ngách, mỗi ngách lại có một lối thông ra ngoài. Thậm chí có con còn đào hang ngầm dưới nước để chạy trốn khi hang "có biến". Thường thì tụi em phải tìm hết các lỗ đó nhét vào rồi một là đào hai là đổ nước cho chúng nó ngạt thở tự chui lên. Đào thì mất công, mất thời gian nên cách thường được lựa chọn là đổ nước.

Thằng Dũng ngứa nghề nên nó theo mấy thằng trẻ trâu trong xóm ra đê đổ dế. Chúng nó mang theo mỗi thằng một cái non mê để múc nước từ cái thùng đấu nên để đổ lỗ dế. Đến chiều thì chúng nó đã đi cách con đường lên đê đã khá xa. Không hiểu ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào mà chúng nó đã tiến sát bụi tre nơi thằng anh nó chết. Chỉ đến lúc xuống múc nước lên để đổ lỗ dế nó mới giật mình thấy mình đã ở gần bụi tre.

Nó đánh rơi cả cái nón mê khi nhìn vào bụi tre. Rõ ràng trong bụi rậm có một ánh mắt đang nhìn nó thích thú lắm. Nó dựng hết cả tóc gáy lên. Mặc kệ lũ trẻ đang chơi đổ dế trên đê chạy một mạch về nhà. Không hiểu sao mà cái bụi tre đó cứ cố tình kéo nó gần tới nó. Và nó không hiểu ánh mặt lạnh lẽo, có nét châm chọc kia nhìn nó là có ý gì.
Nó sợ và ám ảnh lắm. Cả buổi chiều hôm sau nó nằm vắt vẻo trên cây ổi cạnh bờ rào giữa nhà em và nhà nó. Hai nhà cách nhau chỉ có hàng rào bằng cây râm bụt và ba cái loại cây bụi như dâu, cúc tần. Thấy nó có vẻ buồn buồn nên em lân la lại gần nó nói chuyện cho nó vui. Nó còn chả buồn nhìn vì biết chắc chắn là em rồi.
Em dúi quả ổi đang ăn dở cho nó:
- Này!
- Không ăn.
- Sao thế.
- Sợ quá, hôm qua tao gặp ma mày ạ. Không hiểu sao tao đã quyết tâm không ra ngoài đê nữa mà cứ bị kéo đến cái bụi tre quái quỉ đó. Chiều qua tao còn thấy có cái gì đó trong bụi tre nhìn tao cười cười nữa. Tao sợ quá chạy về luôn.
Nó vừa nói vừa nhóp nhép cắn quả ổi mà em đưa cho nó. Em nghe nó kể đến ma quỷ thôi là bao nhiêu lỗ chân lông trong người dựng hết cả lên.

Cái bụi tre đó thì em biết rồi, kinh tám đời từ hồi cái thằng đi ỉa gặp ma ấy. Mỗi lần phải đi qua nó thì thà em vòng xuống ruộng phía trong đồng mà đi chứ nhất định không lại gần nó. Mà người làng cũng vậy, họ mỗi lần đi qua đều rảo bước thật nhanh.

Hai thằng lặng lẽ nằm vắt vẻo cả buổi chiều trên cây ổi đến tối mới chịu về. Em cố xua đi lo lắng của nó bằng những câu chuyện đi học, chuyện đánh bi, đánh đáo... làm nó cũng nguôi ngoai đi phần nào nỗi sợ hãi lẫn lo lắng.

Người ta thường nói con trai hay thủ thỉ với mẹ, không biết các thím sao chứ em từ bé tới nhớn gần như chuyện gì cũng tâm sự với mẹ mà ít khi nói với bố. Mặc dù bố em rất hiền nhưng cảm giác tâm sự với bố nó cứ sao sao ấy. Đến tối sau khi học bài tới khuya mẹ em thi thoảng hay pha nước chanh đường cho em uống những lúc ấy. Coi như phần thưởng cho sự chăm chỉ của em. Ngày ấy đường trắng nó cũng hiếm lắm các thím ạ. Chỉ khi nào đau ốm hay đi làm về quá mệt mới mang ra uống thôi, còn chanh đường thì lại càng hiếm hơn.

Em vừa nhâm nhi cốc nước vừa kể với mẹ em chuyện hồi chiều thằng Dũng kể với em. Mẹ em vừa nghe mặt vừa tái đi. Chắc mẹ em đã biết độ nghiêm trọng của câu chuyện. Nghe xong mẹ em không nói gì, xoa đầu em một lúc (em thích nhất là được mẹ xoa đầu) mẹ nói em học đi rồi ngủ mai còn đi học thêm sớm.

Học bài xong em lăn lên giường ngủ với ông anh như mọi ngày. Vừa nằm em vừa nghĩ mãi về câu chuyện hồi chiều cho đến lúc chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.
__________________

Hôm sau, không hiểu buổi sáng mẹ em sang nói gì với mẹ thằng Dũng mà đến chiều cả hai người lật đật đạp xe ra chùa.

Cái chùa em cũng thiêng lắm các thím ạ. Ở chùa có một ông sư thôi, vừa làm sư vừa làm "bảo vệ" luôn. Ông sư này thì em chả hiểu ở đâu đến và ở đó từ bao giờ, em cũng không tìm hiểu nên không rõ. Chỉ biết từ nhỏ, trường mẫu giáo em gần cái chùa ấy. Các cô trông trẻ toàn dọa ông sư trong chùa làng "có phép", đứa nào mà qua đó quậy là ông sư hóa phép thành lợn, khỏi về nhà. Nên đứa nào đứa đấy sợ té đái, không bao giờ dám qua đó quậy phá gì.

Tình cờ mẹ em và mẹ thằng Dũng nói chuyện với nhau em mới biết hai bà ra xin nhà sư xem có cách gì phá giải cai tai họa treo lơ lửng trên đầu nhà thằng Dũng đó không. Nhà sư cũng bó tay không có cách gì mà lại giới thiệu sang một ông thầy pháp cách đó 3-4km.

Ông thầy pháp này tên Thuận, cũng khá giỏi. Hay đi tìm mộ, làm bùa kì yên, làm trấn yểm cho mấy xã quanh đó. Ông này cũng hay ra chùa đàm đạo với nhà sư kia về phật pháp, về trà đạo... nên hai ông cũng có vẻ khá thân nhau. Thi thoảng từ mẫu giáo em vẫn thấy ông này đi ra đi vào từ chùa làng. Nên bọn em quy luôn cho ông thầy pháp này là "có phép biến lợn" luôn. Nên thấy ông ta là bọn em đang chơi là núp hết vào trong nhà.
Lại nói về hai bà, sang tìm ông thầy pháp này. Ông trầm ngâm lâu lắm, một lúc thì thấy ông giở từ cái rương trong tủ ra mấy quyển sách. Đeo kính vào trầm ngâm một lúc ông mới cất giọng:
- Tôi hỏi bà này (tức là mẹ thằng Dũng), ông nhà có ăn trộm hay lấy cái gì của xác chết bao giờ không?
- Không thầy ạ, nhà cháu nó sợ xác chết với ma cỏ lắm, chả đời nào dám động đến đồ của người đã khuất đâu.
- Thế thì chắc là con cháu gì nhà bà động đến người chết rồi, bà cố nghĩ lại đi. Chứ tôi coi sách bấm quẻ thì ít có sai lắm.
Suy nghĩ một hồi mợ em mới nghĩ ra chuyện thằng Trung đáp cái xác chết.
- Thôi thế thì đúng rồi, bọn ma chết sông nó kinh lắm. Chúng nó trôi dạt biết bao nhiêu khúc sông mới chọn được chỗ trú chân. Chưa kể theo thông lệ thì bọn chúng phải kéo được người xuống thay thế thì mới được đầu thai. Chắc cái xác này oán khí lớn quá. Nó kéo thằng lớn nhà bà rồi giờ nó lại muốn lôi cả thằng nhỏ xuống nữa.
Mẹ thằng Dũng thất kinh. Không biết lực lượng bọn ma quỷ này lớn thế nào mà chúng cứ dụ bằng được thằng Dũng ra cái bụi tre ấy. Mợ cứ luôn mồm hỏi ông thầy pháp xem có cách nào giải cái tai kiếp này không. Ông thầy đắn đo một hồi rồi bảo: "Trước giờ tôi hay cúng cho họ, ma quỷ thì cũng gặp nhiều nhưng mà tai quái như lần này thì mới thấy lần đầu, thôi hai bà về đi, để tôi xem có gì mai hai bà lại xuống đây tôi bày cho cách thức"

Thế là mẹ em và mợ lại về. Sáng hôm sau hai người lại xuống sớm. Ông thầy bày cho mợ em lễ cúng, nào là xôi, chè, gà, thịt lợn.... cho đến vàng, mã, hình nhân thế mạng. Ông ấy đưa cho mợ một danh sách dài những thứ cần thiết. Hẹn chiều mai khoảng 4h chiều bày lễ ở bụi tre ông sẽ xuống cúng cho.

Hôm sau, mẹ và mợ em dậy rất sớm để đi chợ phiên mua các đồ cần thiết cho lễ cúng. Chợ phiên quê em thường họp vào các ngày có số 2 số 8 âm hàng tháng. Chợ phiên thì đông lắm, các bà các cô có con gà hay túm hành túm tỏi, lớn hơn thì còn lợn, con dê đều mang tới đây bán. Thậm chí có bà chẳng bán chẳng mua gì cũng đi cho đủ số lượng
smile.gif
).

Thế là lóc cóc hai người mua đồ về ngâm gạo đến đầu giờ chiều thì bắt đầu lách cách nấu xôi nấu chè. Chiều lại khoảng hơn 3h chiều thì mọi đồ cúng đã đâu vào đấy. Ông thầy pháp cũng đến. Khoảng đến 4h chiều thì ông thầy bắt đầu lầm rầm cúng.

Bỗng dưới nước trước bàn cúng một vạt bọt sủi tăm lên. Một khoảng rộng phải 4-5 cái lia cứ thế sủi tăm lên. Đến ông thầy pháp lúc đó cũng biến sắc, nhưng ông vẫn kiên trì ngồi cúng tiếp. Nếu cái bọt sủi tăm ấy là một con động vật thì nó lớn cũng phải cỡ hơn 1 cái bàn học sinh.

Mà em biết rằng cái thùng đấu ấy làm gì có động vật nào lớn đến thế, nếu có thì người làng đã gặp rồi. Một lúc cúng xong thì mợ em giật mình vì không thấy thằng Dũng chơi quanh đó đâu nữa. Khi nãy nó còn đứng chơi với em nhưng vừa rồi có bọt tăm sủi lên thì cả em và mọi người đều chú ý vào cái đám bọt sủi ấy mà quên mất thằng Dũng.

Mọi người hoảng hốt chia nhau ra tìm và địa điểm mà không ai hi vọng tìm thấy lnhưng ai cũng chú ý tìm đến là cái thùng đấu. Khoảng 5 phút sau thì bố em tìm thấy thằng Dũng ngay dưới chân bụi tre. Nó bị dẫn ra đó từ bao giờ và bị dìm dưới đó.

Mọi người tri hô đưa nó lên bờ, bố nó làm hô hấp nhân tạo cho nó. Nhưng người nó đã lạnh ngắt từ bao giờ. Mọi người bế xốc nó về làng đưa đi cấp cứu. Nhưng cứu làm sao được nữa. Vậy là cả hai anh em nó đều chết ở cái bụi tre đó. Ông thầy pháp cũng không cúng giải hạn nổi. Ông nói chúng đã thành tinh rồi không làm gì được. Mà do là việc chung nên cũng chẳng ai mời thầy cao tay hơn về xua đuổi lũ ma này đi nữa.

Sau này còn mấy vụ chết đuối ở cái thùng ấy nữa. Có một anh sinh viên về chơi nhà người yêu, đi gặt hộ nhà người yêu. Lúc gặt xong nóng quá nhảy xuống tắm chết ở đó. Rồi trẻ trâu cứ 2-3 năm lại có đứa cũng chết ở đó.

Cỡ khoảng hơn chục năm sau, cái đê cải tạo lại họ ủi hết cả cái đê cũ đi làm lại, trong đó có cả bụi tre. Ở dưới bụi tre họ phát hiện ra một cái hòm bằng đất nung. Trong có cả bùa bèn nguệch ngoạc lẫn đồ trấn yểm. Không hiểu sao lại có ở đó. Vì con đê em cũng k biết làm từ bao giờ nhưng cũng chỉ trong thời đại bố mẹ em thôi không thể có những thứ bùa bèn cổ như này được. Người làng bảo nhau là do thầy Tàu trấn yểm (em thấy vô lý).

Từ lúc cái bụi tre bị san bằng, cái thùng đấu cũng bị đất xô xuống cạn róc thì không còn chuyện gì xảy ra nữa. Phải đến gần chục năm nay em cũng không ra ngoài đó nữa. Vì mỗi lần nhìn thấy nó mắt em lại nhòe đi vì nhớ 2 thằng em thuở thiếu thời.

Sr các thím, vì dạo này công việc quá căng thẳng và bận bịu nên không thể hầu truyện các thím thường xuyên được, chứ không phải chảnh chọe gì đâu. Nếu được các bác ủng hộ mai ngày nghỉ em sẽ bù cho các thím nguyên 1 ngày với câu chuyện của chính gia đình em cũng liên quan một chút đến bùa bèn và ma quỷ.
 
Nếu các thím có theo dõi truyện của em từ đầu hẳn còn nhớ đoạn mẹ em và mợ em đi gọi dí ở xã bên. Lúc đó em chỉ kể đoạn của mợ em chứ không kể đoạn của mẹ em chính là để giành cho câu chuyện này.

Lúc đó mẹ em gọi bác Hai lên để hỏi. Hồi đó mẹ em chủ yếu hỏi về mồ mả, đất cát của gia đình với tình hình các cụ. Lúc đó về đất đai thì bình thường chứ về mồ mả bác em cũng nói mẹ em sửa đôi chỗ. Còn về tình hình các cụ thì bác nói chung chung. Có một điều là khi bác em chuẩn bị về với cõi âm thì còn dặn lại mẹ em một câu là 4 năm sau nhà em sẽ xảy ra một tai kiếp rất lớn. Cứ đến lúc đó xuống gặp bác em mách nước cho.


Thời gian trôi qua mau, ba năm sau, cái thời điểm mà dường như mẹ em đã quên hẳn lời bác dặn thì nhà em xảy ra một biến cố cực lớn, lớn nhất mà đến bây giờ em gặp phải. BỐ EM PHẢI GÁI.

Giới thiệu qua với các thím về bố em một chút. Ông là bộ đội phục viên, ông tưng tham gia chiến trường Tây Nguyên, Lào, Campuchia. Nhà em đầy bằng khen của quân đội Việt Nam và cả những bằng khen bằng những chữ loằng ngoằng tiếng Lào, Campuchia.

Bố em là người khá bảo thủ và gia trưởng. Tỉ dụ như này: cả nhà đều đi làm vất vả nhưng đến giờ bố em về mà chưa có cơm ăn là bố em mắng cả nhà thậm tệ. Mà cái kiểu mắng của bố em gần như là chửi bới, mà chửi bới đến hết bữa ăn mới thôi. Hoặc ở nhà không ai được phật ý bố em cả, nói gì thì lo mà làm theo không được cãi.
Tuy thế ông cũng rất thương con và tần tảo sớm khuya. Có những năm bà chị em thi đỗ đại học Luật. Nhà lúc đó quá khó khăn, mẹ em không đồng ý cho chị chuyển trường (từ dân lập Đông Đô sang đại học Luật). Nhưng bố em thì khác ông đồng ý ngay và nói là lo được. Những năm đó em từng chứng kiến bố em cả đêm sửa đồ điện, ngày lại đi kéo cột điện cho xã. Ông làm sà sã để cho con đủ tiền đi học.

Nói về bố em có thể tựu chung là một con người lắm tài và nhiều tật.
Em sẽ chẳng thể tưởng tượng ra lúc bố em ngoại tình nó như thế nào. Thế mà nó đã xảy ra thật.

Đó là một ngày vào quá trung tuần tháng 8 âm, tức là sau dịp trung thu. Tự dưng bố em đỏm dáng hẳn. Ngày trước mỗi khi lên quán bán hàng bố em thường mặc mấy bộ đồ cũ rích, nhiều cái đã chuyển sang màu cháo lòng không còn nhận ra màu nguyên gốc của nó nữa. Dạo này thì khác, bố em ăn mặc chỉn chu, sơ vin đóng thùng thậm chí đôi lúc còn vuốt keo nữa. Những dịp như thế bố em thường vịn cớ đi lấy hàng trên tận thành phố đi từ sáng tới chiều mới về.

Trực giác của phụ nữ báo cho mẹ em biết là bố em ngoại tình, mẹ em rất bồn chồn nhưng vẫn tin tưởng vì trước giờ bố em là con người rất nghiêm túc, làm gì mà biết đi trai gái. Rồi mật độ gặp mặt của bố em với tình nhân ngày một dày. Sau một vài tháng họ còn hẹn hò gặp mặt nhau ngay trong địa bàn xã. Và phàm là việc gì cũng vậy thà mình đừng làm thì không ai biết chứ đã làm rồi thì thế nào cũng lộ.

Có người bắt gặp bố em chở mụ tình nhân kia đi giữa ban ngày ban mặt, họ đến méc với mẹ em rằng bố em phải gái. Thế là những chuỗi ngày ác mông bắt đầu đến với gia đình em.

Do giường ngủ của em chung buồng với bố mẹ em nên ngày nào cũng nghe thấy tiếng chất vấn của bố mẹ em. Lúc đầu em còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, nhưng dần dà qua nhiều đêm em đã hiểu được vấn đề. Bố em thì chối đây đẩy nói "chỉ là bạn" còn mẹ em thì liên tục đưa ra bằng chứng.

Sau đó một thời gian qua nhiều sự kiện mà em không tiện kể ở đây thì bố em đã thừa nhận là bố em phải gái và bắt cả nhà em công nhận mụ kia là bà lẽ. Nói thì nhanh chứ quãng thời gian đó phải kéo dài đến hơn 2 năm. Và em đã tin rằng trong mỗi chúng ta luôn có hai mặt: một mặt xấu xa và một mặt tốt đẹp. Nên đừng ai quá tự hào vào chính mình. Rồi có lúc chúng ta sẽ không còn là chính mình nữa.
Những lúc đỉnh cao xung đột bố em đánh mẹ em thậm tệ. Nhắc lại bây giờ lòng em vẫn còn nhoi nhói. Nhà em hơn 2 năm trời lúc nào cũng trong tình trạng căng như dây đàn. Sáng ra mặt ai cũng phờ phạc vì cãi nhau cả đêm, đến trưa thì ăn cơm với độc một món rau luộc hoặc canh rau đay, bữa tối y chang bữa trưa, 8h tối lại cãi nhau tới sáng. Ban ngày 2-3 ngày bố em lại đi cặp với mụ kia bỏ nhà bỏ cửa đến tối mới về.

Tất nhiên là không lo làm thì kinh tế sa sút. Đến độ ông anh bà chị em đi học đại học lúc đó toàn phải đi làm thêm để sống chứ nhà không đủ tiền để gửi lên nữa. Em lên chơi với ông anh dịp hè một tháng có 30 ngày thì hai anh em ăn mì tôm 27-28 ngày. Có bữa cuối tháng còn chả có mì tôm ăn hai anh em mang gạo ra nấu cháo ăn cho đỡ đói. Đỡ đói thì đỡ đói thật nhưng cái giống cháo ăn lâu ngày là người nó lả dần đi rất mệt.

Từ một gia đình đàng hoàng trong xóm gia đình em trở thành một gia đình đáng thương hại trong mắt mọi người. Ban đầu mới cãi nhau thì hàng xóm còn sang can, dần dà họ chán chả buồn can nữa.

Lạ một điều là từ lúc em đến tuổi nhận thức được đến giờ bố em chưa bao giờ khóc, nhưng bây giờ những lúc không cãi nhau đêm khuya em vẫn thấy bố em ra nhà tắm khóc nức nở. Mà em không hiểu tại sao khổ sở dằn vặt như vậy mà còn đi gái làm gì, và bố em thừa bản lĩnh để chống lại những cám dỗ đó, tại sao lại mắc phải.

Từ ngày bố em phải gái thì mẹ em bỏ hẳn việc xem bói, chùa chiền, cúng bái. Sau này đến lúc chán quá mẹ em mới năng đi lại. Khi người ta không còn chỗ bám víu nào tin cậy thì người ta thường tìm đến những lực lượng siêu nhiên. Đó là tâm lý chung của hầu hết con người.

Đợt đấy bên kia sông thuộc xã An Bài - Chí Linh - Hải Dương có một ngôi chùa nổi tiếng là thiêng. Nếu bác nào ở Hải Dương thì biết ở HD có hai ngôi chùa đều tên là chùa Cao. Một cái là chùa Cao thờ Trần Quốc Tuấn thuộc xã An Sinh, một cái là cái em vừa nêu. Cái nào cũng là chùa thiêng có tiếng cả.

Còn một việc nữa, có thể các bác thắc mắc. Mẹ em cũng là thầy tại sao không xem ra được gia đình em gặp việc gì mà cúng bái giải quyết. Thật ra làm thầy không như trong phim ảnh đâu các thím ạ. Không phải "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý" mở được thiên lý nhãn nhìn thấu cuộc đời đâu. Nó chỉ là một khả năng mà khi nhìn vào một con người giống như xem một thước phim đen trắng chập chờn lúc có lúc không vậy. Có người nhìn ra có người nhìn không ra là chuyện thường. Mà chính bản thân mình còn nghi ngờ không biết mình có khả năng đó thật không. Chỉ qua nhiều năm nhiều tháng kiểm nghiệm những điều mình nhìn thấy thì mới khẳng định được
Mẹ em lên chùa cũng nhờ mấy thầy ở đó gieo quẻ cho, các thầy cũng nói là bố em bị bỏ bùa. Các thầy thì chỉ gieo quẻ cho thôi chứ còn giải bùa thì các thầy chịu.
Nghe nói cái vụ bỏ bùa này nếu ai đã tìm hiểu thì biết, rất khó giải. Thường thường thì ai là người bỏ thì người đó mới giải được. Các thầy ở chùa cũng bảo vậy. Mà giờ làm sao mà biết bố em bị bỏ bùa ở đâu được. Thế là những cuộc chất vấn hàng đêm lại bắt đầu. Thay vì xỉa xói nhau về chuyện phản bội thì giờ nó lại xoay quanh bố em trúng bùa và bố em đã qua những đâu.
Tất nhiên bố em nhất định không chịu nhận bị trúng bùa và cũng nhất định không nói ra chuyện đã đi những đâu. Người trúng bùa ngải ngoài việc bị mê muội về một thứ gì đó thì biểu hiện bình thường chả khác gì người bình thường các thím ạ. Chứ không phải như trong phim là bị điều khiển hoàn toàn tâm trí đâu.
Trước đây ai cũng nghĩ rằng bố em đã thay đổi phản bội gia đình, nhưng giờ thì câu chuyện lại là việc bố em bị bỏ bùa. Thế là mẹ em tìm đủ mọi cách, tìm đủ mọi ông thầy để xin thuốc giải bùa. Đa phần mấy ông thầy cho thuốc giải bùa có hai dạng một là dạng bùa lá đốt uống, hai là cũng dạng bùa lá nhưng kẹp trong vật dụng hoặc đeo trên người. Xin đủ loại bùa mà chẳng có tác dụng gì cả. Bố em vẫn đi với bà kia đều.
Những năm đó kinh tế gia đình em sa sút ghê gớm lắm. Sao mà không sa sút cho được, bốn đứa con đi học, chồng thì đi gái, vợ thì ngày nào cũng đi theo dõi chồng với tìm cách bắt quả tang chồng ngoại tình.
Những năm đó em từ một thằng học giỏi cũng sa sút ghê gớm, em mê điện tử lắm. Chơi thâu đêm suốt sáng vì có ai quản đâu. Hậu quả là từ một thằng thi giải nhì môn vật lý của tỉnh thì đến năm lớp 12 thi chỉ vừa đủ điểm đỗ trường Thủy Lợi.
Kể thêm với các thím về một chuyện, nhà em chả biết từ đời nào đời nào có một bộ sách tiếng Tàu cổ. Bộ sách đó có 3 quyển, những năm về trước thì chả ai dịch nên cứ truyền từ đời nọ qua đời kia. Nghe bố em kể lại nó đã có từ đời cụ em cách đây 4-5 đời rồi mà các cụ chẳng biết chữ nên cũng chẳng dịch ra làm gì cả. Chả biết bố em tự bịa ra hay có thật mà bố em kể bộ sách này là cụ em lụm được ở trong núi. Ở vùng em là vùng núi đá vôi nên hang động nhân tạo đẹp và sâu rất nhiều, ở trên núi có rất nhiều ốc núi. Ông em vào núi bắt ốc vô tình lạc vào hang động này lúc lụm được là có ba bộ sách và một thanh kiếm gỗ. Mà thanh kiếm gỗ đến đời bố em thì thất lạc đâu mất chỉ còn ba bộ sách.
Bố em nhờ một ông đồ trong làng dịch ra tiếng Việt thì ba bộ sách đó một bộ là về các bài cúng: cúng chiêu hồn, cúng vu lan, cúng cầu siêu… một bộ có đồ hình nói về phương pháp bày trận cúng nói chung nói về đồ hình, pháp trận… Một bộ thì đa phần là về phần chú giải, về y phục cho các bài cúng…. Mà bộ thứ 3 thì đa phần đã mờ chữ hoặc rách nát.
Bản gốc thì vẫn ở nhà em đến đời bố em do nhà ngói cũ kỹ các bản này để trên gác lâu ngày không để ý mưa dột vào cũng hư hỏng tới 60% rồi. Còn bản dịch thì nhà em còn có 2 bộ còn bộ có đồ hình thì ông chú em đã xin, ông chú em hiện cũng là thầy cúng. Nói qua về bộ sách này vì nó có công rất lớn trong việc giúp bố em thoát khỏi bùa ngải.
Cao trào trong mối quan hệ bất ổn nhà em là đợt bố mẹ em ngủ chung mà mẹ em có một sợi dây chuyền 5 chỉ vàng đợt đó sau một đêm không cánh mà bay. Mẹ em thì nhất định đổ diệt cho bố em là bố em lấy, còn bố em thì nhất định không nhận. Cả nhà lục tung cái giường đó lên cũng k thấy.

Ở làng em có một cái miếu cũng rất thiêng, ngày rằm mùng một mẹ em hay qua đó thắp hương lắm. Đợt mất cái dây chuyền mẹ em chán đời lắm, nên rất hay lên đó khấn bái. Bỗng dưng có một hôm ngày rằm mẹ em đi cúng về thì xảy ra một chuyện mà đến giờ em vẫn không thể lý giải được.

Đêm đó, cỡ hơn 12h đêm tự dưng mẹ em gọi em dậy bảo em bằng một giọng lạnh tanh: "Mày lên quán, kiếm cái thang, trèo lên cái xà nhà thứ 3 từ dưới lên cái dây chuyền ở đó". Nói thật với các thím lúc đó em mớ ngủ, nên nửa tỉnh nửa mê mặc quần áo lặng lẽ đi ra cửa sau nhà rồi đi bộ lên quán.

Em không dám lấy xe đạp sợ động mọi người dậy. Đường từ nhà lên tới quán cỡ hơn 2km mà lúc đó đã hơn 12h đêm nên vừa đi vừa sợ ma. Lên đến quán em nhẹ nhàng mở khóa vào nhà thì trong nhà lại không có thang. Cuối cùng không biết làm sao được một mình em bê 1 cái tủ hàng to, một cái tủ hàng nhỏ thêm một cái ghế nữa. Em đứng lên trên đó mà phải nhờ trợ giúp thêm của một cái móc sắt rà đi rà lại lên cái thanh thứ 3 một lúc thì sợi dây chuyền rớt xuống. Đúng cái dây chuyền của mẹ em. Em đút kỹ sợi dây chuyền vào túi lại đi bộ trở về nhà ngủ như chưa có chuyện gì xảy ra.

Sáng ra khi bố em đã đi làm em mới đưa lại cho mẹ em, mẹ em trầm ngâm lắm. Một lúc sau bà mới bảo em: "Cái dây chuyền bố mày lấy đấy, tối qua có người gọi tao dậy bảo chỗ giấu và chỉ cho cách cứu bố mày rồi. Ông ấy nói bày cúng theo (cái gì trận ấy em không nhớ rõ lắm, hình như nhiên đăng trận gì đấy), giờ sang nhà chú L mượn lại cuốn sách về để cúng". Em bán tín bán nghi cũng theo mẹ em sang đó.

Sang mượn được cuốn sách về mẹ em vào trong buồng nghiên cứu lâu lắm. Mãi đến tối muộn mới ra. Mẹ em nói cúng cái này lâu, ngày nào cũng phải bày ra cúng.

Hôm sau chợ phụ mẹ em đi mua phải đến một thùng nến về. Mà chỉ có mua nến thôi chứ chẳng mua thứ đồ cúng gì khác và may một bộ đồ nhìn kì quặc lắm. Thế là từ bữa đó đổ đi, cứ bố em vắng nhà lúc nào là mẹ em bày ra cúng lúc đó. Mà cúng cái này phải cúng trời tối là hiệu quả nhất nếu không thì phải cúng ở phòng không có ảnh sáng. Bố em đi buổi tối thì cúng thêm một lần buổi tối, còn bố em ở nhà thì cúng một lần ban ngày. Cúng chui thôi chứ bố em biết thì chắc chắn k đồng ý.

Không phải nói quá với các thím chứ khéo phải cúng đến hơn một tháng ấy, đều như vắt chanh luôn, mà lượng nến cúng cái này cũng nhiều khủng khiếp. Em tưởng mua một thùng là dư rồi mà khéo hơn một tháng cúng ấy phải mất đến mười mấy thùng nến ấy.

Mẹ em toàn cúng trong buồng, không cho ai xem cả. Có lần em lén xem thấy đốt sáng choang cả một khoảng nền nhà. Em nhìn thấy mẹ em mặc bộ đồ kỳ dị với cúng lầm rầm trong đó hơn một tháng nói thật với các thím em cũng khiếp. Cực kì hoang mang các thím ạ.

Từ ngày mẹ em cúng bái, tự dưng người bố em xanh xao hẳn đi. Đôi mắt cũng dần dần lạc thần. Đến hơn một tháng thì bố em ốm nằm liệt giường ở nhà luôn. Em biết lúc đó mẹ em cũng hoang mang lắm, hoang mang vì không biết có nên cúng tiếp hay không hay dừng lại. Không khéo cúng tiếp chồng mình lại lăn ra bị làm sao thì cũng chết.

Cuối cùng mẹ em vẫn quyết định cúng tiếp, nhưng giờ bố em nằm ở nhà đâm địa điểm cúng phải rời lên quán. Phải đến một tháng rưỡi sau, tức là khoảng hơn 1 tuần sau khi bố em nằm ốm liệt giường chỉ húp được chút nước cháo thì bố em bắt đầu ói. Mà có ăn gì đâu mà ói, toàn thấy ra nước xanh nước vàng. Ói xong là lả đi, trong một tuần đấy em phải chuyển bố em đi trạm xá 4-5 lần ấy. Người ta bảo chỉ là cảm thôi cứ về uống thuốc ăn uống đầy đủ là được.

Cho đến một ngày thì mẹ em mặt rầu rầu bảo em:"Hôm nay là ngày cúng cuối cùng theo trong sách nói, nếu không có gì thay đổi thì tao không cúng nữa"

Ốm hơn mười ngày người bố em rộc đi. Cũng chả thấy con mẹ tình nhân của bố em sang thăm gì cả. (em không muốn kể về mụ này vì em còn rất hận). Ngày kết thúc cúng thì bố em nôn ghê lắm, em cảm giác bố em muốn nôn cả ruột ra ngoài ấy, sợ lắm các thím ạ. Đến tối bố em chẳng ăn được gì cứ thế nôn lên từng cơn. Đến đêm thì bố em tự dưng nôn ra một cục như cục đờm mà màu đen to hơn nắm tay một tí. Nó nhờn nhờn mà em cảm giác nó động đậy ấy các thím ợ. Em không dám nhìn lâu chủ yếu vì mùi nước nôn ra chả dễ chịu tí nào.

Cả nhà em đoán chắc đấy là con ngải hay bùa bèn đó gì rồi. Thế là vội vàng đem đổ ra ao. Sau khi nôn ra cái thứ ấy thì bố em xìu luôn, nằm lả đi không nôn thêm nữa.

Đến hôm sau thì bố em đã ăn được chút cháo và hồi tỉnh dần dần. Một tuần sau trôi qua bố em mới tỉnh táo hẳn. Ông chẳng nói gì, ông bảo không muốn biện minh gì cả. Mãi sau cả nhà gặng hỏi ông mới kể là đợt đó cả lớp họp lớp của ông đi chùa Quỳnh gì đó ở trong Quảng Ninh ấy, vào đó tình cờ có ăn ở một cái nhà dân tộc trên đó với bà kia do bà ta rủ đi. Sau đó về thì xảy ra chuyện như vậy.

Cảm giác không ngừng nhớ ba ta và muốn gặp, không thể kiểm soát được. Có lúc tỉnh táo bố em đã đi du lịch vào tận Tây Ninh với các chú em rồi mà cỡ 1 tuần không chịu được lại phải về.

Bà tình nhân kia của bố em cũng thuộc dạng cave các thím ạ, đi với rất nhiều người. Mà em đoán cũng toàn trúng bùa của bà này.

Giờ nhà em đã ổn định lại nhưng mẹ em vẫn chưa thể quên được những trận đòn roi chửi bới của bố em. Mẹ em nói nếu tâm không có gì thì làm sao có chuyện như thế được. Em nghĩ cũng đúng. Mà giờ cũng thương bố, sau đợt đó tóc ông bạc trắng cả, cũng chẳng vui tươi như xưa nữa.

Nói chung đó có lẽ là sóng gió lớn nhất của gia đình em từ trước đến nay. Em cũng được mẹ cho biết ở cái miếu ấy có ông tướng nào đó ngày trước đi đánh giặc nghỉ chân ở đó. Sau đó ông ấy chết khi đánh trận nên người địa phương lập miếu thờ ở đó. Rất thiêng.
Chuyện gia đình đúng ra không nên kể với các thím thì đúng hơn. Mà chuyện qua rồi nên mạn phép kể các thím nghe vậy thôi. Chuyện này em kể lủng củng quá vì vừa kể cái vị đắng thời gian ấy phải hứng chịu lại trào lên tận óc :(
 
#1 đọc quen quen chủ thớt tự viết hay cop đâu về đấy ? biết là phong tục miền bắc này nọ là nó giống giống như nhau nhưng truyện đ gì đọc quen lắm .:angry:
 
Vậy là có ma,mà chỉ làm ba cái chuyện vặt chứ không hù thằng to này thằng bự kia chết vì sộ.Sống thì chia nhau từng cái bánh cái kẹo mà chết thì hổ báo cáo chồn xông vô nhà nhìn bằng ánh mắt căm thù à ???
 
Vậy là có ma,mà chỉ làm ba cái chuyện vặt chứ không hù thằng to này thằng bự kia chết vì sộ.Sống thì chia nhau từng cái bánh cái kẹo mà chết thì hổ báo cáo chồn xông vô nhà nhìn bằng ánh mắt căm thù à ???
Nếu ma mà có thật? Thì ai dám làm bậy?
 
mở đầu câu truyện luôn là lớn lên ở 1 vùng quê miền núi hoặc đồng bằng gì đó nhỉ :)) có truyện ma nào lớn lên ở newyork hay cali ko để đọc đổi gió tí
 
Back
Top