(Truyện về thời Bách Việt) Thuỷ Tinh

danryan

Senior Member
Các fence, mình đang ấp ủ cho một kế hoạch dài hơi nghiêm túc, lấy cảm hứng từ các truyện cổ tích Việt Nam. Mong là theo đến cùng được. Mình không nhận donate nhé, viết hoàn toàn dựa cảm hứng.Dù lấy cảm hứng từ cổ tích, nhưng nhân vật, tình tiết hoàn toàn hư cấu. Các nhân vật truyền thuyết đều được mình sử dụng một cách hư cấu, chỉ nhằm mục đích tạo ra một câu chuyện có tính chất giải trí cho các fence chứ không nhằm thể hiện bất kỳ quan điểm nào nhé.

Thủy tinh
Tác giả Long Trần
Chap 1. Sinh thành
1.1

Trời âm u, khối mây ẩm rít treo trên đỉnh đầu một màu xám ngoét. Bầu khí trong thế gian đang chuyển lạnh, thị Trang đứng trước hiên nhà, nhìn đám chuồn chuồn bay thấp dự báo sẽ có một cơn mưa to trút xuống như thác. Thị nao lòng mà lo lắng cho chồng mình – Lạc Thịnh, Tù trưởng của bộ lạc Chiêm Việt.

Trang xoa cái bụng to đã nhô lên quá rõ của mình sau lớp váy, gương mặt hiền từ cảm nhận từng cái đạp chân ngây ngô của đứa con chưa biết trai hay gái. Nhưng dẫu có là trai hay gái, cũng là con của thị, đứa con đầu của Tù trưởng bộ lạc Chiêm Việt.

“Ối, bà ơi! Trời chuẩn bị mưa to, bà nghe con vào nhà đi, kẻo nhiễm lạnh rồi bệnh thì chết!”

Con hầu tên Gái chạy từ trong nhà ra, bộ dáng hớt ha hớt hải cứ như trời sắp sập rồi không bằng. Nó cuống quýt mời thị vào nhà trong, nhưng thị không chịu, nói thị cứng đầu cũng được, thị chỉ muốn chồng mình về. Có lẽ thị cũng quá sợ hãi, sợ một ngày đó chồng mình không về nữa.

Do thị quá yếu, dễ động thai, mỗi lần bệnh tật quấn thân là đứa bé trong bụng cũng rơi vào tình trạng nguy kịch. Thị nhiều lần nghĩ đến cái chết, nhưng cha thị, ông Chình, và cả chồng thị là động lực cuối cùng kéo thị ra khỏi cửa âm tào địa phủ.

“Mày vào trước đi, lát tao vào sau.” Trang lắc đầu nói.

“Không được đâu bà ơi, bà đang bầu bí ra đấy! Sao con an tâm cho bà đứng ở đây mãi được?” Gái quýnh quáng không biết làm thế nào với thị, thị là vợ Tù trưởng, nên nó ức lắm cũng làm gì được. Huống gì thị còn đang mang bầu, theo dự đoán của ông Chình, thì hai tuần nữa là thị có thể lâm bồn rồi. “Bà vào nhà đi, bà không nghĩ cho mình cũng phải nghĩ cho đứa bé. Tù trưởng rồi cũng sẽ về thôi, vào nhà với con đi bà ơi!”

Nghe con Gái nó nhắc tới đứa bé, Trang cũng chần chừ. Trên nền trời xám bất ngờ rạch những mảnh sét như chân rết, ngay sau đó liền ầm ầm tiếng sấm rền. Trang và Gái đều giật mình. Con Gái thì không sao, nó là con hầu khỏe như vâm, ăn đứt mấy con hầu khác trong nhà. Nhưng thị Trang thì đang mang thai, gần sinh tới nơi, trong lòng vướng bận nhiều mối âu lo suy nghĩ, muốn quét đi cũng không hết. Tiếng sấm đổ xuống, như hồi trống âm vang sát tai. Thị thấy choáng đầu, tầm nhìn nặng nề hẳn đi rồi ngất đi trong tiếng hét như heo bị chọc tiết của con Gái.

Thị ngất, không biết trời trăng gì nữa.

Rồi thị mơ, nhưng thị không biết là mình đang mơ.

Thị thấy mình đang ngồi trước hiên nhà, trên tay là kim chỉ và cái áo con bị rách, thị vẻ như đang thêu thùa. Ở dưới sân trước nhà có hai đứa trẻ đang nô đùa, một trai và gái. Cả hai chơi đùa vui vẻ lắm, nắng từ đỉnh trời chiếu và vỡ ra trong từng bước chạy bước nhảy của hai đứa. Thị cười theo, nụ cười hạnh phúc và bình yên.

Sau đó, ông Chình từ trong nhà đi ra. Thị chào cha mình, ông gật đầu rồi bảo dẫn hai đứa nhỏ đi chơi chốc lát. Nghe vậy, trong lòng thị bỗng dưng thấy nôn nao, muốn bảo cha thôi để khi khác nhưng thị không nói thành lời được. Ông Chình cũng không để ý, cứ thế mà dắt hai đứa nhỏ đi.

Thị quăng áo vải và kim chỉ sang một bên, tha thiết chạy theo bóng dáng lớn nhỏ dần khuất vào màn sương trắng chẳng biết từ đầu ập tới. Cơn nôn nao trong lòng thị càng đầy lên, như dâng tới tận họng. Thị gắng sức chạy theo, để mình bị màn sương nuốt chửng như bóng dáng của hai đứa con thơ và ông Chình khuất dạng.

Máu. Là máu. Xung quanh vẫn làn màn sương trắng diệp dày không thấy nổi phương hướng, nhưng thị thấy vết máu loang dưới đất, kéo dài vào tận sâu con đường phía trước cũng phủ một màn sương. Thị gọi cha, gọi con. Và không có hồi đáp. Thị sợ hãi, nhưng vì tình thân, thị đi theo vết máu, đi sâu vào thêm màn sương như họng của con quái vật.

Vừa đi vừa gọi cha, gọi con, nhưng vẫn không có tiếng đáp lại khiến Trang chỉ thêm sốt ruột. Tiếng gọi khản cổ, bước chân thị dồn dập bước về phía trước.

Thị ngừng chân.

Máu huyết trong người thị như đóng băng, tâm trí thị trống rỗng trong khoảnh khắc kinh hoàng đang hiển hiện ở trước mắt.

Hai nấm mồ kề cạnh song song, hai tấm bia mộ lạnh lùng chảy máu.

Trước mộ thiêng, cha của thị, ông Chình gục dài dưới đất dính sương với vết chém ngọt ở cổ, máu chảy không dứt, lênh láng xung quanh thứ chất lỏng đỏ tanh gắt mắt.

Thị cứng đờ, rồi lắc đầu khi cơn sợ đã dâng tận họng. Thị hét lên, tiếng thét như chọc thủng trời.

“K-không… không, không a a a a a a a!!!”

Trang bật người tỉnh dậy, rời khỏi cơn ác mộng kinh hoàng. Phải rồi, thị chỉ mơ thôi, những gì mà thị vừa chứng kiến không phải là thật.

“Dậy rồi hả?” Ông Chình bên giường thị, giọng quan tâm hỏi han. “Mày thấy trong người sao rồi? Thôi, uống trước bát thuốc này đi đã.”

Nói rồi ông Chình gọi con Gái, thị còn chưa hoàn hồn nên cứ trân trân mà nhìn con Gái nó bưng bát thuốc vào đưa cho ông Chình. Gái nó nhìn thị lo lắng, nhưng có ông Chình ở đây nên nó không dám nói nhiều, sợ ông rầy nó ồn ào.

“Thuốc đắng dã tật, mày uống cho hết chứ đừng bỏ mứa!” Ông Chình dặn trước rồi đưa bát thuốc cho thị.

“Cha, cha ơi…” Trang bật khóc, thị nức nở, nước mắt lã chã rơi không ngừng trên thấy ông Chình lành lặn trước mặt mình, trên cổ không có vết chém như trong mơ. Thị mừng biết bao nhiêu, nổi sợ vỡ ra thành từng mảnh nhẹ nhõm. Thị vẫn khóc không ngừng, nhưng là tiếng khóc biết ơn vì người cha kính trọng và yêu thương vẫn còn ở đây, trên trần thế này.

“Cha ơi.” Trang sụt sịt nói, mắt vẫn chưa thôi hoe đỏ. “Cha, con vừa mơ thấy một chuyện rất kinh khủng… Con sợ lắm! Con thấy mình có hai đứa con, chúng nó nhảy và nô đùa vui vẻ trước sân nhà. Con thấy cha dẫn hai đứa nhỏ đi chơi. Nhưng con lo lắng quá, con không hiểu vì sao. Rồi con đuổi theo cha, theo hình bóng của hai đứa nhỏ đi thẳng vào màn sương trắng ghê người đó...”

Trang ngừng một chút, rồi cố sức nghẹn ngào thốt ra từng câu từng chữ đớn đau.

“ ác mộng cha ơi… Con thấy, con đã thấy…” tiếng khóc càng thêm xé ruột cào gan. “Con thấy cha chết bên cạnh hai bia mộ không tên!!!”

Trên gương mặt già nua của ông Chình hiện lên vẻ kinh ngạc, rồi sau đó ông nhíu mi, nói với thị:

“Chỉ là mơ thôi, mày đừng suy nghĩ nhiều quá!”

“Không cha ơi…” Thị lắc đầu, rấm rứt nói. “Nhỡ đâu giấc mơ này là lời cảnh báo thì sao? Có khi nào đứa trong bụng bây giờ lại phải nhận kết cục như hai đứa trước không? Còn cha thì sao… liệu rằng cha…”

Thị không thể nào nói tiếp được, những gì sau đó quá sức với thị, nước mắt cứ thế rơi không ngừng.

Thị luôn ước mong về một gia đình đầy tiếng cười của trẻ thơ. Những tiếng gọi mẹ cha của đám con. Vậy mà hai lần rồi, đứa con máu mủ của thị bụng mang dạ chửa liền không thấy ánh sáng Mặt Trời khi còn chưa lọt lòng mẹ.

Thị từng muốn chết theo con, nhưng chồng và cha đều không ngừng ở bên cạnh an ủi và động viên. Chẳng nỡ rời bỏ họ, thị gắng gượng mà sống, rồi lại hi vọng.

Hi vọng cuối cùng cũng kết trái, thị lại mang đứa con thứ ba trong bụng. Niềm vui ập tới, song cũng không thiếu những phiền muộn. giờ còn mơ phải ác mộng, hỏi sao thị bình tĩnh cho được?

“Đừng nghĩ nhiều nữa. Phụ nữ đang chửa thì phải để đầu óc thư thái mới tốt cho mình và con.” Ông Chình nghiêm khắc, giọng ông đầy uy. “Đó chỉ là mơ thôi, lo âu tích tụ khiến mày căng thẳng mơ phải ác mộng. Mày không tin chính mình thì cũng phải tin cha và chồng mày chứ? Chồng là Tù trưởng, còn cha mày được cha Trời ban cho khả năng tiên tri liệu đoán tương lai. Chẳng phải cha đã nhìn thấy? Rằng đứa trẻ sẽ ra đời an toàn và lớn lên khỏe mạnh!”

Đúng rồi, cha của thị có khả năng tiên đoán được trời cao ban tặng. Nhờ đó ông có uy vọng cực kì cao trong bộ lạc. Thị nghe ông bảo đứa trẻ sẽ khỏe mạnh sinh ra thì mừng lắm, nhưng ngay sau đó, thị nghĩ đến hai đứa con đã chết yểu của mình. Thị lại khóc, rồi hỏi cha mình:

“Vậy tại sao cha không cho con biết trước số phận của hai đứa đầu? Cha biết con đã đau đớn dường nào không???”

Thị biết cha có khả năng tiên tri, nhưng ông không hề nói gì nên thị nghĩ không phải cái gì ông cũng nhìn thấy. Thị cũng không dám hỏi. Nhưng giờ chính cha nói là đã được cho biết trước, vậy sao ông không nói cho thị biết? sao ông lại để mặc cho thị đau khổ suốt ngần ấy thời gian chứ?

“Tao xin lỗi. Nó cũng cấu xe tao khi phải giấu mày. Nhưng sao tao có thể bắt mày chịu điều đó chứ khi đã biết mày phải trải qua bĩ cực hai lần? Mình tao gánh là đủ rồi.” Ông Chình nặng nề nói. “Tao không muốn mày phải gánh nỗi đau ấy, nên tao im lặng. nó quá sức chịu đựng… Tao cũng từng thử cố làm gì đó, nhưng vô ích, khi mày mang thai đứa thứ ba. Tao đã từng cầu xin trời đất đừng để mình nhìn thấy gì cả, hoặc cứ mang cái mạng già của tao đi, để đứa cháu thứ ba này được sống!”

“Thật sự là… không thể thay đổi gì được sao?” Thị nhìn ông bằng ánh mắt van nài, chỉ mong cầu ông gật đầu và nói có.

“Tương lai là sự đã định không thể thay đổi.” Ông Chình lắc đầu. “Năm mày mười tuổi, mẹ mày đổ bệnh nặng chắc là mày còn nhớ. Lúc đó, tao làm mọi thứ, mọi cách để có hi vọng cứu sống được mẹ mày. Dẫu là tao đã biết rõ tuổi thọ của mẹ mày không thể kéo dài hơn nữa… Nhưng sao tao có thể nhìn mẹ mày chờ chết chứ? Tao đã từng cố gắng thay đổi tương lai. Vào rừng thẳm tìm thuốc quý, leo lên núi cao hái dược hiếm, lặn lội hay trèo đòi tìm thầy lang cao tay. Nhưng cuối cùng thì mẹ mày cũng ra đi, bỏ tao và mày mà bay về trời. Trang à, ý trời đã định, chạy đằng nào cũng không thể thoát được!”

Trang thút thít, thị đã hiểu nỗi lòng của cha. Thị nghẹn ngào nói xin lỗi.

“Không sao cả.” Ông Chình dỗ dành thị, trong mắt ẩn nét hiền từ của người cha. “Mày cứ an tâm mà dưỡng thai cho tốt, để mẹ tròn con vuông. Tao ở đây, Nếu mày muốn trách cha mày vì không cảnh báo cho mày về hai đứa nhỏ, cứ trách đi. Nhưng đứa bây giờ trong bụng mày không có lỗi, hãy nghĩ tới nó và chăm sóc mình cho tốt. Mẹ mày còn sống luôn thương yêu và cho mày có được tình thương của mẹ dẫu là ngắn ngủi. Nên mày cũng phải cố gắng, để sau này mà có thể cho đứa bé tình yêu thương của người mẹ. Mày hiểu chưa?”

Trang xúc động rồi gật đầu, chịu nghe lời ông mà cầm lấy bát thuốc uống cho hết. Vì con, vì mình, thị nuốt lấy vị đắng nghét trong cổ họng. Đương uống giữa chừng thì thị ngừng lại, hốt hoảng nói:

“Nhưng trong mơ, con… con cũng thấy cha chết nữa… Giấc mơ kinh khủng này liệu...?”

Khuôn mặt già sượng cứng, nhưng rồi vờ như chẳng có chuyện gì rất nhanh. Trang không bắt kịp cảm xúc của ông.

“Chỉ là mơ thôi, mày đừng nghĩ nhiều quá. Uống thuốc cho xong đi rồi nằm nghỉ!”

Ông Chình giở giọng lập nghiêm, rồi thúc thị uống thuốc cho sạch. Không dám cãi cha, thị uống hết thuốc liền trở mình nghỉ ngơi.

Ông Chình nhìn Trang hiu hiu vào giấc rồi khẽ đi ra khỏi phòng, gọi con Gái ra để hỏi chuyện.

“Thằng Thịnh nó đi đâu mà mất hút tới giờ này?” Ông Chình hỏi con Gái.

“Dạ, sáng nay ông Tuân, ông Cống Tuân ấy ạ… Có đến tìm Tù trưởng, hai người nói gì đó với nhau, sau đó vào kho lấy vũ khí rồi đi mất hút tới giờ.” Con Gái nghe ông hỏi, liền nhanh nhảu nói.

Ông Chình nghe vậy liền nhíu mày.

“Thôi, mày vào chăm con Trang, đừng để nó hoạt động mạnh nhiều quá. Biết chưa?”

Gái gật gật rồi lấm lét đi vào trong, nhìn bộ dạng là biết con Gái nó cũng sợ uy ông lắm.

Ông Chình đứng lặng một hồi, rồi chậm chạp quay người đi về hướng kho vũ khí, trời đã mưa rả rích. Bước chân chậm của ông Chình bỗng dưng ngày càng nhanh, chẳng mấy chốc ông đã đi vào kho. Mưa bên ngoài, càng thêm lớn hơn.

Mở cửa kho, ông Chình giật mình khi nhìn thấy kho chứa vũ khí gần như trống trơn. Trong kho có nhiều rương, rương nào cũng đã mở nắp với cái ruột trống rỗng. Duy chỉ có hai rương là còn chưa mở. Ông nhận ra hai cái rương này.

Một cái rương là chứa thanh kiếm quý, được tổ tiên truyền lại rằng đây chính là thanh kiếm của cha Lạc Long Quân.

Một cái rương là chứa nỏ báu.

Trời bất ngờ nổ sầm đì đùng, như ai đang cầm búa bổ đôi thiên địa. Ông Chình bần thần giữa khoảng sáng tối chớp nhoáng của những sét rạch xuống thế gian mấy đường chân rết ghê rợn.

“Phải chăng ngày đó cuối cùng đã đến?”
 
1.2

Lạc Thịnh vừa về tới nhà đã nghe người hầu báo lại chuyện của vợ mình. Ở phía sau Thịnh còn có đoàn người đang đợi hắn, Thịnh nghe người hầu nói xong liền quay sang bảo mọi người đợi mình một chốc, hắn muốn vào xem vợ thế nào.
“Mày phải nhanh lên, chúng ta còn phải đi cảnh báo người trong bộ lạc.” Người lên tiếng là Cống Tuân, bạn nối khố của Tù trưởng Lạc Thịnh. “Phải tiến hành canh chừng cả đêm, không thể buông bỏ đề phòng được. Mày biết mối nguy lớn như thế nào mà!”
Thịnh gật đầu với bạn mình tỏ rõ rằng mình hiểu vấn đề nghiêm trọng của sự tình. Sau đó. hắn xoay người đi vào trong. Con Gái vẫn đứng một bên giường canh chừng cho thị, thấy Tù trưởng vào thì nó khom người lui ra một bên. Lúc này, Trang vẫn còn đang ngủ chưa tỉnh, hắn cũng không muốn đánh thức làm lỡ giấc của thị. Hắn dịu dàng xoa đầu rồi vén lọn tóc lòa xòa ra sau mang tai cho thị, nhìn thị yên ả trong mộng mị.
Được một chốc, Thịnh đứng dậy đi ra xa chỗ thị Trang một khoảng rồi kêu con Gái lại, hắn hỏi:
“Từ lúc tao đi vắng, ở nhà có chuyện gì không?”
Con Gái dạ thưa đáp lời Thịnh:
“Hồi nãy bà có lăn ra ốm một trận hú hồn, con cũng sợ chết khiếp ra. May sao mà có ông Chình ở đây chăm sóc nên cũng không thành chuyện gì lớn.”
Biết thị đã không sao, Thịnh cũng an lòng hơn. Dẫu sao bây giờ hắn cũng có chuyện quan trọng cần phải giải quyết, không thể nào bỏ lỡ được, trách nhiệm của một Tù trưởng đứng đầu bộ lạc không cho phép hắn làm thế.
“Mày chăm sóc bà cho kĩ, giờ tao phải đi ngay, đêm nay cũng không về.” Thịnh lại dặn dò con Gái thật kĩ. “Nhớ, đừng để bà xảy ra chuyện gì, nghe chưa?”
Thấy con Gái gật đầu lia lịa, Thịnh mới an tâm rồi định đi. Tuân và đoàn người còn ở ngoài chờ, Thịnh không muốn họ đợi lâu. Chuyện này dù sao cũng nguy cấp, giải quyết nhanh chừng nào hay chừng đó. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa dợm đi cùng Tuân và đoàn người, Thịnh liền thấy bóng dáng ông Chình đi tới.
“Về rồi còn định đâu nữa?” Ông Chình nhíu mày, không hài lòng bảo. “Sao không ở nhà?”
Thịnh khom người chào lễ với ông Chình, dẫu cho hắn có là Tù trưởng thì hắn không thể nào vô phép với cha vợ, cũng là người đã nuôi dạy hắn trưởng thành.
“Thưa cha, con phải đi cùng thằng Tuân giải quyết một sự cấp thiết. Nếu không đi, con có ở nhà cũng đứng ngồi không yên, lòng bứt rứt khôn nguôi.”
Ông Chình lắc đầu, rồi quay sang bảo với Tuân đang đứng chờ:
“Mày với tụi nó đi đi, thằng Thịnh ở lại.”
“Nhưng cha, con…” Thịnh toan nói thì Tuân bước lên ngăn hắn nói tiếp.
Tuân bảo với Thịnh rằng:
“Mày ở lại đi, tao lo được. Khi nào ổn hay là có gì gấp thì tao sẽ quay vềbáo cho mày biết.”
Thịnh vẫn thấy lo, nhưng nhìn ánh mắt kiên định của Tuân, hắn tạm gạt mối lo của mình sang bên và đồng ý. Ông Chình gật đầu, rồi bảo Thịnh đi theo ông vào trong nhà.
Quay đầu nhìn đoàn người và Tuân rời đi lần cuối, Thịnh thở dài rồi theo ông Chình vào trong nhà.
Vừa vào nhà, ngồi bên đống lửa đã cời than sẵn trong thau đồng cho không gian ấm áp thì bên ngoài lại đổ mưa to. Sấm chớp giật rầm rầm như ai cầm lấy búa bổ vào trời. Ông Chiều đã ngồi sẵn, chỉ đợi Thịnh.
Thịnh ngồi xuống đối diện ông Chình, nói. “Cha muốn nói về chuyện của Trang sao?”
“Đúng.” Ông Chính đanh giọng. “Cho tao một lý do tại sao giờ này mày mới về, có biết vợ ở nhà ngóng trông mày không? Đã về rồi mày còn muốn đi ngay, là chồng mà bỏ mặc vợ thế à?”
Ông Chình giận dữ chất vấn Thịnh, mắt ông long lên chờ Thịnh đáp lời.
“Cha, con không hề bỏ mặc vợ mình. Từ sáng trước khi đi con đã dặn kỹ người hầu là chăm sóc Trang cẩn thận khi con đi vắng. Khi nãy con về nghe người hầu kể lại, con cũng lo cho vợ con lắm chứ, nhưng hiện tại con đang phải lo một chuyện nguy cấp. Con vẫn nhớ như in những gì cha đã dạy bảo: không bao giờ được bỏ rơi người thân của mình. Kể từ ngày mà cha thấy con bọc trong đám lá ở trong rừng, khi con chỉ là một đứa bé sơ sinh chẳng thể biết tại sao mình bị bỏ rơi như thế. Rồi khi cha đã làm điều mà cha mẹ đẻ con không làm được, là nuôi dưỡng con lớn khôn, cha dạy con thành một chiến binh giống như cha đã từng, một người gánh trên vai trách nhiệm bảo vệ.” Thịnh chạm tay vào ngực mình. “Bài học đó vẫn được con cất giữ ở đây này.” Thịnh ngập ngừng. “Nhưng giờ cả bộ lạc này cũng là gia đình của con rồi. Con không thể nào bỏ mặc họ trước mối đe dọa này. Họ đang cần con.”
“Mối nguy gì khiến mày lo lắng đến vậy? Đã có chuyện gì?” Ông Chình cuối cùng cũng bình tâm lại, hỏi Thịnh.
Mưa bên ngoài vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt, thanh âm lộp bộp rơi trên mái gianh và đất sỏi ngoài hiên chẳng khác gì cơn mưa đá. Than hồng trong thau đồng vẫn còn cháy âm ỉ, đôi khi nổ tanh tách mấy tiếng nhỏ.
Thịnh nói, giọng nặng nề như sắp chuyển cơn giông:
“Sáng sớm nay, lũ trẻ chăn trâu bỏ chạy về báo là bị thú lớn tấn công, ở bìa rừng, lúc chúng đang thả trâu. Con thú rất lớn, chúng nó bảo chưa từng thấy bao giờ.”
Ông Chình hỏi lại. “Có đứa nào bị sao không?”
“Không ạ, chúng nó kịp bỏ chạy về báo cho bọn con. Nhưng bầy trâu, mười tám con, khi bọn con đến nơi, không con nào còn sống. Mười tám con, tất cả còn đấy, nhưng không con nào còn sống.”
Ông Chình sững sờ. “Chuyện này chưa từng xảy ra bao giờ. Xưa nay lũ báo chưa từng lấn vào vùng đất của người, huống chi tấn công trâu. Hơn nữa bọn trâu tính rất bầy đàn bảo vệ nhau, lũ báo đâu dám động vào chúng.”
Thịnh trầm ngâm nói tiếp. “Bọn trẻ nói con thú đó đi một mình. Lúc bọn con đến nơi thì thấy lũ trâu hoặc bị cào nát thịt da, không thì cổ bị cắn đứt. Con thú dữ đó chỉ muốn giết chứ không thèm ăn thịt.”
“Không thể nào?” Ông Chình kinh hô, rồi hỏi. “Mày biết nó trông như thế nào không? Nói tao nghe!”
“Bọn con không biết, khi con đến thì con thú bỏ đi rồi. Lũ trẻ tả lại thì con thú ấy cũng to như trâu, có bốn chân rất lớn nhưng mà…”
Thịnh không nói hết câu, bỏ lửng rồi ra chiều suy nghĩ.
“Nhưng mà sao?” Ông Chình nhíu mày, hỏi.
“Tuy bốn chân rất lớn, nhưng dấu chân mà con thú để lại thì rất nhỏ.” Nói xong, Thịnh huơ lấy thanh củi trong thau đồng vẽ lại dấu chân trên nền nhà. “Vì dấu chân nhỏ, đường rừng rậm rạp nên không thể dò được nó. Dấu chân này, giống của một con báo, nhưng con không chắc có phải không, báo không hung hăng và liều lĩnh như thế, và không có con báo nào đủ sức giết 18 con trâu cả. Có một điều con chắc chắn, là con thú sẽ quay lại.”
“Vậy mày về một lát rồi lại đi ngay là vì chuyện này? Mày muốn cảnh báo cho mọi người phải không?”
“Dạ, đúng vậy. Con muốn mọi người từ hôm nay phải ở trong nhà, không cần thiết thì không nên ra ngoài. Gia súc phải được nhốt trong chuồng lồng kĩ lưỡng, không thể thả rông như trước nữa. Con và Tuân thì sẽ chờ nó hoặc tìm nó để giải quyết.”
Ông Chình nghe Thịnh mạch lạc kể lại, nói rõ ràng cho ông nghe tất cả liền bất giác nhớ lại lời của con gái nói về cái chết của mình trong giấc mơ. Thị bảo xác chết của ông có vết cắt ở cổ và trên thân thì có cả vết chém. Rồi Thịnh lại về nhà kể cho ông chuyện con thú dữ này, liệu đây là một điềm báo?
“Sao vậy cha?”
Ông Chình lắc đầu, gương mặt bần thần bị thay thế bởi vẻ điềm đạm thường trực. Thịnh thấy rõ, nhưng cũng không nói gì.
“Con cảm ơn cha đã ở đây lo cho Trang khi con vắng mặt, không thể làm điều đó. Mong cha ở lại đêm nay giùm con.” Thịnh thình lình nhận lỗi. “Khi mà Trang trở thành vợ con, rồi khi con được mọi người trong bộ lạc tin tưởng mà giao cho con trách nhiệm của một Tù trưởng thay vì thằng Tuân. Con đã luôn tự nhủ, tự thề, thề rằng sẽ bảo vệ vợ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cả bộ lạc Chiêm Việt. Nhưng… nhưng, con chưa thật sự hoàn thành trọn vẹn được lời thề nào. Trang đã phải mất quá nhiều nước mắt, đã phải chịu đau đớn quá nhiều… Còn cả bộ lạc, con không biết sẽ như thế nào nếu như không có thằng Tuân giúp đỡ con, dẫu cho rằng vị trí Tù trưởng đã có thể là của nó. Bộ lạc bấy lâu nay bình yên, không thể phủ nhận có nhiều công sức của thằng Tuân. Nó cũng có vợ, và vợ của nó cũng đang bụng mang dạ chửa, nhưng Tuân lo được tất cả. Lo cho cả bộ lạc an toàn, lo cho vợ con khỏe mạnh và an vui. Vậy mà con thì... Lắm lúc con suy nghĩ, người được chọn lên làm Tù trưởng nhẽ ra phải là thằng Tuân, Cống Tuân.”
Dừng một chút sau tràng dài tuôn ra khỏi miệng, Thịnh hít một hơi rồi chậm rãi nói tiếp.
“Con đã định, nếu vợ thằng Tuân sinh con trai, vào hai mươi năm định kì ngày bầu lại Tù trưởng, con sẽ đề xuất cho dân làng bầu con trai của thằng Tuân. Với sự dạy dỗ của Tuân, con chắc chắn con trai của Tuân sẽ làm một Tù trưởng tốt, hơn cả con.”
Ông Chình thở dài, từ khi còn nhỏ Thịnh đã là đứa trẻ trầm hơn những đứa đồng trang lứa. Bởi lẽ Thịnh là một đứa trẻ bị bỏ rơi, nên cách nhìn nhận thế giới cũng khác và trưởng thành hơn rất nhiều so với số tuổi của mình. Nhưng bây giờ hắn nói ra những lời tự tận đáy lòng mình, tức là nó đã dằn vặt Thịnh rất nhiều, rất lâu rồi. Ông Chình nhìn thẳng vào mắt Thịnh, giọng uy nghiêm và dội vang khắp gian sảnh:
“Tao là cha nó, nên tao biết con Trang nó lấy mày vì tin vào khả năng đức tính của mày. Bộ lạc ta cũng thế, mọi người chọn mày vì mày xứng đáng để họ gửi gắm niềm tin. Tao già nhưng mắt chưa mờ đâu Thịnh! Tao cũng thấy được những gì mày đã làm được cho gia đình, và bộ lạc! Tao thấy khát khao không muốn phụ lòng tin của mọi người ở mày, tao thấy mày cố gắng từng ngày. Tao trân trọng đức tín đó ở mày, chẳng lẽ mày không tin tao? Thịnh, mày phải tin vào bản thân mình nhiều hơn!”
Lời ông Chình rót vào tai Thịnh không sót chữ nào, hắn nghe mà xúc động trong lòng khôn xiết. Hắn muốn nói gì đó, nhưng từ ngữ lúc này như bị kẹt trong cổ họng không chạy ra khỏi miệng được. Đúng lúc này, thì Tuân đột nhiên xuất hiện và chạy vào.
Tuân chào ông Chình cho đủ lễ không xấc láo với người hơn vai vế, nhưng thái độ qua loa và có mấy phần nghiêm trọng hiện rõ trên mặt.
“Thịnh, mày phải đi ngay với tao!” Như sợ rằng không khiến Thịnh nhận thức được tầm quan trọng của sự việc, Tuân gằn giọng. “Đi luôn!”
“Có chuyện gì?” Thịnh đứng bật dậy, rời khỏi chỗ ngồi ấm áp có than hồng cháy tanh tách trong thau đồng mà bước về phía Tuân.
“Tao với mọi người đi cảnh báo dân làng thì có người cho bọn tao biết kha khá tin tức về con thú dữ kia. Chuyện này rất quan trọng, mày mau đi theo tao!”
“Có người biết sao? Con thú đó chính xác là con gì, người đó có biết không?”
“Không đủ thời gian đâu, nó khác với mọi thứ chúng ta từng biết, thế nên mày tới đó nghe tận tai thì tốt hơn. Thời gian không còn nhiều, con thú có thể quay lại bất cứ lúc nào, mau đi thôi!”
Trước sự hối thúc của Tuân, Thịnh cũng đành gạt những tâm sự định nói với ông Chình sang một bên. Hắn gật đầu với Tuân rồi xoay người trịnh trọng nói với ông Chình.
“Mong cha giúp con chăm sóc Trang đêm nay, con cần phải lên đường gấp rồi. Chắc có lẽ đêm nay con cũng không về nhà kịp.”
Ông Chình gật đầu, tay khua lên:
“Mày mau đi đi, chuyện của bộ lạc quan trọng hơn.”
Ông Chình đứng dậy tiễn cả Tuân và Thịnh ra tận cửa. Mưa ngoài trời đang ngớt dần. Tuân dẫn đường đi trước, bước chân vội của gã hối thúc Thịnh quan từng thanh âm bồm bộp khi chân trần giẫm trên đất.
Lúc này, Thịnh ngần ngừ ngoái đầu lại, ánh mắt của hắn kiên nghị nhìn ông Chình rồi hắn vội bước tới ôm lấy ông.
“Con cảm ơn cha, vì tất cả.” Thịnh nói trong cơn xúc động của chính mình.
“Thịnh ơi, mau nhanh!”
Thịnh nói biết rồi, hắn nắm chặt hay tay ông Chình và cúi đầu. Lặng người một chút rồi hắn mới chịu rời đi, đuổi theo Tuân vào màn mưa đã dịu cơn.
Thịnh không hề biết rằng, khi Thịnh nắm lấy tay ông thì tầm nhìn của ông chợt bị một ảo ảnh choáng lấy, hoàn toàn bôi mờ gương mặt chững chàng của Thịnh. Ông thấy rõ Thịnh gặp nguy hiểm bởi vòng vây của số mệnh bày ra. Thịnh bị đẩy ngã mà chẳng biết ai đã ra tay, hay thứ gì đã động tới. Ông còn chưa nhìn rõ thì ông đã cảm giác được cái chết – không phải của ông, không phải – đang trườn tới bên cạnh Thịnh, tước đoạt đi hơi thở và cơ hội sống còn.
Thịnh đã rất gần với cái chết.
Để rồi, khung cảnh ảo ảnh mờ mịt kết thúc với mùi chết chóc dậy lên, khiến trực giác của ông phải run rẩy vì điềm báo kinh khủng. Ông không sợ chết, nhưng chưa muốn cái chết đó sẽ ám lấy bất kì ai trong gia đình ông, trong bộ lạc của ông. Nếu có chết, ông chỉ muốn đó là một cái chết già, an yên nhắm mắt trước cảnh sum vầy của người thân.
Ông Chình bừng tỉnh khỏi ảo ảnh trong đầu cũng là lúc Thịnh và Tuân đã song bước rời đi từ khi nào. Ông giật mình hết lên, gọi tên Thịnh, nhưng Thịnh và Tuân đã đi khuất dạng từ khi nào.
Ông Chình đứng lặng thinh, mắt dõi nhìn cơn mưa đã dứt và bầu trời rạng trở lại. Mùi ẩm đất sau mưa dần bốc lên mát rượi, không gian cũng trở nên thoáng đãng nhưng chẳng thể làm nguôi ngoai hay vỗ dịu sự khó chịu, day dứt đang dâng trào trong lòng. Ông có một dự cảm rất tệ, nhưng không kịp báo cho Thịnh. Và dự cảm ấy cứ lớn dần như sự bành trướng của cơn bão mà ông chẳng thể xoa dịu.
Ông không thể làm gì cả.
 
Mình thích share ở đây thôi. Up lên mấy cái đó dính vào mấy điều khoản mệt mỏi lắm.

Sent from samsung SM-G973F via nextVOZ
Lên mấy trang đó lấy lượt xem, lấy fan phát triển đường dài nếu thật có tâm huyết, nghiêm túc. Chứ ông đem lên diễn đàn độ xung CPU VOZ này thì lè tè có mấy người.
 
Back
Top