Xóm Sài Gòn

hieu01clc

Senior Member
Xóm nhà nghèo ở ngoại ô Sài Gòn

Ảnh hưởng của chiến tranh ngày càng khốc liệt ở Miền Nam, thành ra Sài Gòn bung dân số, nhiều người ở tỉnh chạy giặc di tản về Sài Gòn kiếm đường mưu sinh tránh cảnh bom rơi đạn lạc.

Sài Gòn xưa có rất nhiều khu lao động nghèo, phần đông nằm ở rìa đô thành.

Kể ra có khu Khánh Hội (Quận 4 ). Nói tới khu này sẽ nhớ tới cái nhà nhỏ của đại gia đình cô đào Lệ Thủy từ Vĩnh Long lên sống bằng nghề bán chè.

Bên Quận 8 có khu rác Chánh Hưng, khu lò heo Chánh Hưng, Hưng Phú, khu cầu Chữ Y.

Mà Quận 8 có cao sang gì, nguyên cái quận này nằm xế kinh rạch, dân toàn nghèo, Việt nghèo mà Tàu cũng nghèo. Khu chợ Xóm Củi cũng nghèo, khu cầu Nhị Thiên Đường cũng nghèo; ra khu Phú Định, Rạch Cát còn thê thảm.

Sài Gòn hồi xưa chỉ tới cầu Thị Nghè, cầu Trương Minh Giảng, cầu Bông, cầu Kiệu là hết. Mé bên kia là tỉnh Gia Định và toàn ao tù nước đọng, nước lên xuống.

Khu Miếu Nổi xưa là khu lụp xụp, ao rau muống, nước lên xuống. Từ cầu Trương Minh Giảng lên Trương Minh Ký, Bảy Hiền là khu sở rác đô thành, người Bắc di cư 1954 đã cất nhà trên khu này mà hình thành phố xá sau này.

Khu Phú lâm cũng lụp xụp, ngay cầu Phú Lâm có khu Tân Hóa, Cầu Tre cũng rất tạm bợ.

Người lao động buôn gánh bán bưng, làm mướn, làm thợ, đạp xích lô, quét rác, giúp việc (vú em), gác dan... Họ chọn những khu này vì nhà thuê giá rẻ, có cất nhà thì đất cũng rẻ. Họ chia ra những khoảnh nhỏ nhỏ cỡ ngang 4 mét dài 10 mét và mua tole cũ, cây cũ gác lên, tận dụng thùng khuy làm vách, làm cửa.

Nhà nhỏ và thấp, chật nên ban ngày nóng bức, mùa mưa hay dột.

Nam Kỳ mình có từ "xóm" để chỉ những khu nhà bình dân ven đô này, nhà mặt tiền, nhà giàu thì đã là "khu" rồi.

Sài Gòn có vô sô xóm.

Thống kê cho thấy lòng vòng Sài Gòn Gia Định thôi mờ có tới 54 cái xóm chánh thức, thí dụ: Xóm Quán, Xóm Than, Xóm Thuốc, Xóm Trại, Xóm Bột, Xóm Bưng, Xóm Cải, Xóm Chiếu, Xóm Chùa, Xóm Cối, Xóm Củi, Xóm Dầu, Xóm Đình, Xóm Lụa…

Từ cái xóm ta đọc được thuật ngữ ”xóm giềng”, chòm xóm và hàng xóm ám chỉ người chung xóm với nhau.

Chòm xóm là từ rặc văn hóa Nam Kỳ lục tỉnh. Người Lục Tỉnh kêu “chòm” tức là “chùm”, chòm xóm là những người ở chung xóm, trong những cái nhà quây quần kế bên nhau.

Côn đồ xóm Nam Kỳ xưa là "giặc chòm", “giặc xóm".

Xin kể vài xóm nghe chơi...

Mé Quận 4, thủ đô “giang hồ” có cái xóm nổi tiếng dữ lắm, đó là Xóm Chiếu, Tôn Đản đã lên phố, kêu là "khu Tôn Đản".

Xóm Chiếu là đất của thôn Khánh Hội và Bình Ý nằm gần mé kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn. Đất cù lao, nước lên xuống toàn bưng sình, mọc đầy cây bàng và lác.

Có một xóm làm nghề dệt chiếu và lập ra cái chợ để bán. Xóm Chiếu và chợ Xóm Chiếu ra đời là vậy.

Mé Quận 5 có Xóm Cải từ Nguyễn Trãi tới Mạc Thiên Tích. Xóm Cải của đất Chợ Lớn xưa, là đất gò, nơi cư ngụ của những người chuyên nghề trồng rau cải để bán.

Xế cầu Chà Và có Xóm Chỉ ở đường Tản Đà, dân vùng này chuyên làm nghề kéo chỉ. Có cái cầu sắt nhìn ốm nhách như răng bà già tên cầu Xóm Chỉ. Nhớ hồi đầu những năm 90, chỉ vì một cô gái nhảy cầu tự tử, hàng chục người dồn lên cầu coi mà gây ra vụ sập cầu.

Xóm Vôi đất Chợ Lớn là nơi dân chuyên chở đá vôi từ vùng Hà Tiên lên để đốt vôi bán cho người ta xây dựng, ăn trầu.

Gọi là Xóm Củi vì có nhiều vựa bán củi.

Xóm Củi xưa kia là vùng đất hoang, sình lầy, là bến lên củi và vựa chứa củi từ ghe thuyền miền Tây lên. Xóm Củi xưa là đất trũng, nước lên xuống hầu như không có người ở.

Mé bên Bến Bình Đông, Xóm Củi có nhiều cửa hàng tơ lụa của Chà Ấn Độ bán nên có cây cầu có tên là Chà Và.

Cầu Chà Và là một đoạn kinh Vạn Kiếp tức kinh Lấp, kinh này nối Rạch Chợ Lớn qua kinh Tàu Hủ vào rạch Xóm Củi ,sau con kinh này bị lấp làm đường Vạn Kiếp hai đầu cầu Chà Và.

Mé này còn có Xóm Than.

Mé Quận 3 có cái cầu Kiệu được Trương Vĩnh Ký ghi cầu Xóm Kiệu, xưa chuyên trồng củ kiệu. Xóm Lách là con hẻm nối Yên Đỗ với Công Lý ra kinh Nhiêu Lộc.

Có nhiều cái xóm đã biến mất tiêu trong thực tế, chỉ còn trên thư tịch.

Thí dụ Xóm Cối Xay ở chợ Cây Da Thằng Mọi khúc dinh Gia Long, trong bài Gia Định phú có câu “Xóm Cối Xay làm tở mở, chồng sửa họng vợ đục tai.”

Xóm Vườn Mít ở đường Công Lý khúc Tòa án.

Xóm Bột từ bịnh viện Chợ Quán tới bịnh viện Nguyễn Trãi, chuyên sản xuất các loại bột, trong bài Phú Gia Định có câu: "Ngoài Xóm Bột phơi phong trắng dã, nhiều bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoa.”

Xóm Cây Da, Xóm Hàng Dừa, Xóm Tre, Xóm Trúc.

Nổi tiếng nhứt trong thơ nhạc là Tha La Xóm Ðạo, nhưng nó ở Tây Ninh lận, lạc đề rồi...

“Ôi khi hết giặc xong
Hãy về thăm Tha La có trái ngọt cây lành”

Nhạc vàng có thể hiện rõ cảnh nghèo này, xin kể ra.

Xóm cũ mà vắng ngắt thì thương lắm:

“Chiều nay bên xóm vắng
Không tiếng thì thầm chuyện cũ qua”

Và xóm buồn:

"Mười năm trăm vạn lần thương
Anh đành đi để xóm buồn”

Phạm Đình Chương tả:

"Đường về canh thâu
Đêm khuya ngõ sâu như không mầ
Qua phên vênh có bao mái đầu
Hắt hiu vàng ánh điện câu...”
(Xóm Đêm)

"Ánh điện câu" nghe thiệt hay, là câu nhờ đó.

Sài Gòn 1955, Phạm Duy viết bài "Phố buồn" qua giọng Thanh Thúy kéo thì thiệt thê thảm:

"Đường về đêm đêm mưa rơi ướt bước chân em
Bùn lầy không quên bôi thêm lối ngõ không tên
Qua mấy gian không đèn
Những mái tranh im lìm
Đường về nhà em tối đen
Nhìn vào khe song trông anh ốm yếu ho hen
Một ngày công lao không cho biết đến hương đêm
Em bước chân qua thềm
Mưa vẫn rơi êm đềm
Và chỉ làm phố buồn thêm...”

Ốm yếu mà còn ho hen, nhìn anh không muốn nhậu luôn anh ơi, nghèo dữ, nghèo quá xá nghèo, nghèo tróc khu lổ đít, nghèo thiếu ăn mà hom hem da thịt...

Lam Phương có thời gian ở nhà lụp xụp ở Nhiêu Lộc (Thị Nghè), mẹ Lam Phương buôn bán nhỏ ở chợ Đa Kao, bà mẹ nuôi mấy đứa con ăn học trong cảnh nghèo nàn thiếu trước hụt sau.

Sống trong một con hẻm lầy lội, ẩm ướt, nghèo nàn, năm 17 tuổi Lam Phương viết bản “Kiếp nghèo”:

"Lầy lội qua muôn lối quanh
Gập ghềnh đường đê tối tăm
Ngập ngừng dừng bên mái tranh
nghe trẻ thơ thức giấc bùi ngùi...”

Vì muốn mẹ bớt khổ ông đã làm và học bán sống bán chết.

Lúc nào Lam Phương cũng thương mẹ, thấy mẹ cực khổ quá mà không thể nào cho mẹ hết khổ được, ông ôm trong lòng và bản “Đèn khuya" ra đời năm 1958.

"Khi bước chân đi lần trong cuộc đời
Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi:
"Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời
Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay"
Mưa ơi! Mưa ơi! Còn nhớ thương hoài
Nhớ khi mẹ lo sớm chiều
Nhớ nụ cười khi nâng niu
Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền
Biết tìm lại chốn nào
Mẹ ơi biết chăng
Đêm về quạnh hiu...”

Có một bài tên là "Xin thời gian qua mau", người nghe có hiểu thấu ý của bài không?

Tác giả ngồi trong xóm nghèo "Buồn nào hơn đêm nay. Buồn nào hơn đêm nay" và ông cảm thán:

"Thương những đêm trăng tà soi xóm vắng
Đưa em về anh viết thành bài ca
Thương những khi trưa hè nghiêng nắng đổ
Hắt hiu buồn tiếng vọng nhè nhẹ đưa...”

Nghèo không phải tội, nhưng nghèo làm người ta phải rơi lệ vì tủi.

"Cuộc đời sao tăm tối như xa lộ không đèn
Cuộc đời sao u ám như xa lộ tối đen...”

Các bạn có để ý không? Khi muốn diễn tả nghèo người ta hay làm một liên khúc từ "Kiếp nghèo"," Phố buồn","Xóm đêm" ,"Xin thời gian qua mau" và kết là "Nắng lên xóm nghèo".

Không phải tự dưng mà có danh xưng "nhà nghèo" trong thư tịch Việt Nam ta.

Nhìn lại những khu xóm nghèo trước 1975 thấy đáng yêu dữ lắm. Dù nghèo nhưng đường sạch sẽ, kinh rạch sạch sẽ không một miếng rác, cái ý thức của người Quốc Gia chúng ta. Có đâu sau 1975 thói rừng rú, đường xá rác đầy, kinh rạch lềnh bềnh, nước đen thui.

Có đi qua những lúc nghèo, có từng ở những cái nhà lụp xụp nắng cháy da, mưa lộp độp ướt mùng mền mới thương quê hương mình nhiều hơn.

Và sẽ giữ mãi tình thương đó ở trong lòng.

Theo Nguyễn Gia Việt
FB_IMG_1597307305467.jpg
 
Back
Top