Cảnh báo hạn mặn gay gắt

Broadcaster

Senior Member

Tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt không chỉ là thách thức với các tỉnh ĐBSCL mà ngay cả cho TP.HCM khi Nam bộ bước vào cao điểm mùa khô.​


Mặn tăng, nước sinh hoạt ở TP.HCM cũng bị đe dọa

Cuối tuần trước, cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre cho biết nước mặn đã xâm nhập đến hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các nhà máy nước đều bị nhiễm mặn với độ mặn lớn hơn 0,5‰. Triều cường cao khiến xâm nhập mặn lấn sâu vào các tuyến sông chính gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
Vừa trở về sau chuyến khảo sát ở các tỉnh ven biển miền Tây gồm Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) chia sẻ: Những ngày qua khu vực Nam bộ nắng nóng gay gắt. Ở các tỉnh ven biển thêm gió mạnh. Hai yếu tố này làm cho nước bốc hơi nhanh và khô hạn thêm gay gắt.
Bên cạnh đó, dưới sông vào khoảng mùng 3 - 4 tết triều cường cao đẩy nước mặn đi sâu vào các tuyến sông chính, dẫn đến hiện tượng thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương. Trong những ngày tới, lại đến kỳ triều cường rằm tháng giêng sẽ khiến mặn tiếp tục vào sâu trong các nhánh sông chính.
Cảnh báo hạn mặn gay gắt- Ảnh 1.
Những cánh đồng ở vùng ven biển Trần Đề (Sóc Trăng) phơi mình dưới nắng nóng
ĐÌNH TUYỂN​
Số liệu đo đạc từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trên các nhánh chính của sông Cửu Long, chiều sâu ranh mặn 4‰ đã vào sâu từ 40 - 45 km. Riêng sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây xâm nhập mặn lên đến 60 - 70 km. Tính đến ngày 20.2, số liệu quan trắc từ 27 trạm cho thấy có đến 20/27 trạm độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2023 với mức cao hơn phổ biến từ 0,5 - 1,5‰ và cá biệt có nơi lớn hơn đến 5‰.
Đối với TP.HCM, độ mặn đo được tại trạm Cát Lái trên sông Sài Gòn lên đến 8,2‰, cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 2,1‰. Tình trạng xâm nhập mặn trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất của người dân TP.HCM. Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cảnh báo: "Tình trạng xâm nhập mặn hiện nay chắc chắn ảnh hưởng đến nhà máy nước Thủ Đức và Biên Hòa. Tuy nhiên, mức độ cụ thể thế nào còn tùy thuộc vào việc xả nước từ hồ thủy điện Trị An và Thác Mơ. Nếu các hồ chứa nước này xả mạnh vào các đợt cao điểm hạn mặn sẽ giúp đẩy nước mặn ngược ra biển. Cuối tuần này và đầu tuần sau rơi vào đợt triều cường rằm tháng giêng, thêm vào đó là gió mùa đông bắc khá mạnh sẽ tiếp sức đẩy nước mặn từ biển vào sâu trong các cửa sông nên mặn sẽ gia tăng trên khu vực Nam bộ".

Lo thủy điện thượng nguồn tích nước​

Th.S Lê Đình Quyết, Trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết: Vùng cửa sông, ven biển mực nước đỉnh triều cao nhất có thể xuất hiện vào tháng 3 và đạt ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 1, đến tháng 4 và tháng 5 nước xuống nhanh, ở mức thấp dưới báo động 1. Mực nước các trạm trên dòng chính sông Mê Kông xuống chậm trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4 sau ít biến đổi và tăng chậm từ đầu tháng 5.
Dòng chảy qua Cần Thơ trên sông Hậu và Mỹ Thuận sông Tiền nhỏ hơn trung bình nhiều năm 3 - 5%, riêng tháng 3 nhỏ hơn từ 7 - 9%. Hạn hán và xâm nhập mặn sẽ xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh ĐBSCL mức độ khá cao và cao hơn năm 2023, nhưng sẽ không gay gắt như những năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 là những năm xuất hiện El Nino.
"Các địa phương cần có các giải pháp thích ứng với tình hình theo điều kiện cụ thể ở mỗi nơi. Hiện, các kênh rạch tại một số tỉnh ĐBSCL đang cạn dần, nguy cơ thiếu nước cho sản xuất là cao, kèm theo mực nước thấp sẽ là nguy cơ sụt lún đất. Để thích ứng với những nguy cơ trên cần bố trí cây trồng hợp lý, bên cạnh đó là lưu ý các vấn đề về cháy nổ và cháy rừng", ông Quyết khuyến cáo.
Trong khi đó, TS Tuấn lo lắng: Hiện nay đang trong chu kỳ El Nino và khả năng tình trạng hạn mặn gay gắt như 2 đợt El Nino gần đây là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Vì vậy, không nên chủ quan. Đáng chú ý hơn, vấn đề xâm nhập mặn ở ĐBSCL còn phụ thuộc vào lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về. Lượng nước thế nào còn phụ thuộc vào tình hình hoạt động của các đập thủy điện ở Trung Quốc và Lào. Những quốc gia thượng nguồn Mê Kông cũng chịu sự tác động của El Nino ảnh hưởng đến việc sử dụng nước của họ. Bên cạnh đó, hiện tại Campuchia cũng đang lên kế hoạch chuyển nước bằng kênh đào thoát ra vịnh Thái Lan. Về lâu này, nếu dự án này diễn ra sẽ làm cho tình trạng khô hạn ở ĐBSCL những năm tới càng thêm cực đoan.
"Theo khảo sát của tôi trong chuyến đi vừa qua, người dân miền Tây đã chủ động hơn rất nhiều trong việc sống chung với hạn mặn, luôn theo dõi các thông tin thời tiết, khí tượng thủy văn, từ đó đã chủ động tích trữ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Tuy nhiên lượng nước trữ trong từng hộ dân cũng còn hạn chế và khó đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt trong những năm hạn mặn gay gắt như năm nay mà chủ yếu tập trung cho sinh hoạt và chăn nuôi. Đối với ngành trồng trọt, đặc biệt là những loại cây có giá trị kinh tế cao như sầu riêng; ở những vùng bị ảnh hưởng người dân đã chủ động tỉa cây, cắt cành để giảm nhu cầu sử dụng nước cho cây. Bên cạnh đó, để giảm lượng nước bốc hơi, bà con nông dân nên chủ động phủ rơm vào các gốc cây để giữ ẩm. Đặc biệt ở vùng nguy cơ xâm nhập mặn bà con nên kiên quyết không tiếp tục xuống giống lúa vụ tiếp theo để tránh thiệt hại", TS Tuấn khuyến cáo.
 
Trong khi các nước làm mọi biện pháp lấn biển mong có tí đất phát triển thì mình lại không bảo vệ được vùng đất bao năm. Buồn thật.
Mấy năm nay làm nhiều cống ngăn triều nhưng vẫn còn hạn chế quá.
 
Back
Top