Câu chuyện về những cậu ấm ăn chơi

luvita156

Junior Member
Có chuyện này đọc lại vẫn thấy hay với có giá trị giáo dục cao nên post lại cho các bác đọc. Có hai vấn đề chính mà bài muốn truyền tải là:
  • Cách nuôi dạy con cái (không nuông chiều - nếu không sẽ hư hỏng như trong bài)
  • Tác hại của cờ bạc, cá độ.
Bài viết này ở link này:
http://cand.com.vn/Chuyen-kho-tin-n...so-224-Me-oi-con-muon-noi-loi-xin-loi-344041/
TÓM TẮT CÂU CHUYỆN CHO BÁC NÀO LƯỜI ĐỌC:
Tác giả (tg) ở câu chuyện là một người ăn chơi hồi trẻ. May mắn là đc sinh ra trong một gia đình giàu có, nhà mặt phố ở Hàng Bài nhưng ăn chơi phá phách, phải bán đi một căn nhà mặt phố. Sau đó bố mẹ mất đi ko để lại chút tài sản nào cả cho tác giả, thế là tg phải tự thân lập nghiệp và xây dựng cơ đồ giàu gấp vài lần cả bố mẹ khi xưa. Sau này mới biết là bố mẹ vẫn lập di chúc cho tg nhưng chỉ khi nào tg ko ăn chơi nữa mà trưởng thành thì có người mới mang di chúc đến.
Thật ko may cho tg khi có 2 thằng con trai phá phách, đi du học Anh 5 năm nhưng chơi bời, cá độ làm bay mất mấy căn nhà và mấy sổ tiết kiệm. Bị bắt về VN nhưng vẫn k thay đổi, đỉnh điểm là 2014 thì căn nhà mặt phố cuối cùng cũng bị xiết. Hai đứa con của tg cũng ăn chơi như tg hồi trẻ nhưng khác là chúng ko biết hối lỗi mà tập trung sự nghiệp, mà đánh bay hết cơ đồ của gia đình :(

P/s: Mà mấy bạn HN nhà mặt phố giàu nhỉ ==

Chapter 1: Gia đình của tôi
Mỗi năm tết đến xuân về, trong lòng tôi lại xốn xang một nỗi buồn thương nhớ về người mẹ thân sinh ra mình. Đã từ lâu tôi định viết ra câu chuyện của gia đình mình để gửi tới quý báo, nhưng cứ lần lữa mãi bận bịu nọ kia nên tôi chưa thực hiện được tâm nguyện.

Nay, dịp tết Ất Mùi đã cận kề, tôi quyết tâm viết và gửi đến quý báo với mong ước nếu câu chuyện được đăng thì đó là nén tâm hương sám hối của đứa con trai thắp cho bố mẹ, hai đấng sinh thành của mình.

Câu chuyện của riêng cá nhân tôi nhưng thú thực phải sống cả cuộc đời, trải nghiệm mọi nhẽ, thậm chí cả trả giá nữa, tôi mới hiểu hết được những giá trị sâu sắc mà đấng sinh thành đã trao gửi. Tôi xin được chia sẻ ra đây bởi nó muôn đời là bài học đáng suy ngẫm của tất cả chúng ta trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Kính thưa các anh các chị! Tôi sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở phố Hàng Bạc. Cha mẹ tôi có một cửa hiệu nhỏ buôn bán trang sức bằng bạc ở ngay phố. Mẹ tôi là con gái Hà Nội gốc. Phía nhà ông bà ngoại tôi ba đời có cửa hàng bạc trên phố. Mẹ tôi lấy bố tôi là cán bộ ở chiến khu. Bố tôi người Huế, tham gia hoạt động Việt Minh rồi ra Bắc hoạt động cách mạng từ những năm 1945. Bố đi kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc. Những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhà mẹ tôi đi sơ tán lên chiến khu, gặp bố tôi ở đó rồi hai người hẹn hò nhau, yêu nhau. Khi mẹ tôi trở về Hà Nội, trong lòng đã thầm ước hẹn với bố tôi và bà chờ đợi ngày bố tôi trở về tìm bà.

Ông bà ngoại biết chuyện tình cảm của mẹ, ra sức ngăn cản vì mong muốn con gái cành vàng lá ngọc của ông bà tìm được ý trung nhân trong giới tiểu thương buôn bán ở phố Hàng Bạc. Người Hà Nội lấy người Hà Nội, cùng biết làm ăn buôn bán sẽ hợp hơn. Con gái lấy người ngoại đạo, lại đi hoạt động cách mạng bí mật, nay đây mai đó, khó bảo toàn tính mạng, sợ rồi cuộc đời của mẹ sẽ gian lao vất vả, các cháu sinh ra sẽ khổ. Nhưng ý mẹ đã quyết không ai ngăn cản được. Mẹ theo tiếng gọi của trái tim, bỏ nhà, bỏ cửa hàng bạc của bố mẹ trên phố, lên cơ sở cách mạng ở chiến khu Việt Bắc tìm bố.

Theo bố, mẹ giác ngộ cách mạng và hoạt động ở chiến khu. Bố mẹ được tổ chức đứng ra lo đám cưới, mừng hạnh phúc trăm năm. Cuộc sống lúc đó quá gian nan vất vả. Cưới nhau xong, mẹ có thai bụng mang dạ chửa. Mẹ sinh chị Hiên, rồi sinh tôi trong vòng 2 năm. Con mọn, lại sinh dày, tôi đẻ bị thiếu tháng, mẹ lại bị sốt rét hành hạ liên miên nên cả ba mẹ con rất dặt dẹo.

Trước tình hình khó khăn vất vả như vậy, bố khuyên mẹ bế hai chị em tôi về Hà Nội, tìm ông bà ngoại để nương nhờ. Ông bà ngoại vốn rất phong kiến, không chấp nhận đứa con gái không nghe lời bố mẹ, nhưng lại thương hai đứa cháu ngoại nên đã dằn lòng cưu mang mẹ. Ông bà chia cho mẹ 10m2 ở phố Hàng Bạc, cạnh cửa hàng bạc của ông bà. Ông bà cho mẹ một ít bạc trang sức, mở cho mẹ một mẹt hàng trên phố để ba mẹ con tự buôn bán kiếm tiền mà nuôi sống bản thân.

Mẹ dựng cơ ngơi từ mẹt hàng trên phố. Được thừa hưởng năng khiếu buôn bán từ bà ngoại, mẹ nhanh nhẹn và tháo vát, việc bán mua ngày một phát đạt. Bố tôi đi hoạt động cách mạng một mạch hơn chục năm mới về thăm mẹ. Ở với nhau được dăm bữa, bố lại lên đường. Tuổi thơ của chị em tôi hầu như lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ và ông bà ngoại. Vì lý do bố đi công tác suốt, thời gian gặp nhau quá ít nên mẹ không có cơ hội để sinh thêm con. Mẹ lo chăm sóc hai chị em tôi. Việc buôn bán gầy dựng cơ ngơi lo kinh tế do một tay mẹ lo liệu. Chị Hiên lớn lên phụ mẹ bán hàng rồi lấy chồng trên phố, chị tách ra để mở cửa hàng riêng.

Tôi là cậu quý tử của gia đình nên chỉ lo ăn chơi mà không lo chí thú học hành. Bố tôi trách giận mẹ tôi đã quá cưng chiều tôi nên để con hư. Thú thực suốt thời ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, tôi là con cưng không phải nhấc tay đụng chân gì cả. Ăn rồi chỉ có lo học. Nhưng tôi sớm nhiễm những thói hư tật xấu của trai hàng phố. Tôi thích chơi bời lêu lổng, lại có tật mê cờ bạc. Vì học hành lười nhác nên tôi không tốt nghiệp được cấp 3. Bố tôi buồn lắm. Sau này về hưu, không còn công tác xã hội nữa, ông phụ mẹ lặt vặt việc nhà. Ông vẫn thường chì chiết mẹ tôi rằng chính bà làm cho con trai hư hỏng nặng. Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Câu thành ngữ này được bố tôi đay đi đay lại mẹ tôi mỗi khi tôi gây ra chuyện nọ chuyện kia.

Hồi đó tôi nghĩ nông cạn. Tôi thấy mẹ buôn bán tích lũy giàu có, tôi không cần làm gì thì cũng sống cả đời trong vương giả, không thiếu thốn gì. Mẹ tôi có nhiều sổ tiết kiệm tiền tích lũy gửi ở ngân hàng và hai ngôi nhà mặt phố nhỏ hơn phố Hàng Bạc mẹ tậu được trong quá trình buôn bán.

Tôi ăn chơi lêu lổng, lại nghiện cờ bạc, tiêu phá hết của mẹ có tới mấy chục cây vàng. Bố mẹ tôi buồn lắm, lo dạy dỗ khuyên răn tôi thế nào thì tôi vẫn không khá lên được, vẫn chứng nào tật ấy. Một lần do đánh bạc, tôi bị chủ nợ đòi ráo riết đe dọa dùng xã hội đen để lấy tính mạng nếu tôi không trả tiền. Mẹ tôi ngậm ngùi bán đi một căn nhà để trả nợ cho tôi. Sau này tôi mới hiểu, chuyện tôi nghiện cờ bạc đều là do những kẻ cạnh tranh làm ăn buôn bán với mẹ câu nhử tôi vào tròng. Họ muốn nhà tôi khuynh gia bại sản không còn làm ăn buôn bán được nữa để rộng đường cho họ kinh doanh. Cách để tiêu tán gia tài của mẹ nhanh nhất là lôi kéo cậu quý tử chơi sòng bạc, phá nát tiền của của mẹ, làm cho mẹ ngày một khó khăn hơn, nghèo đi vì cái trò đánh bạc từ xưa đến nay, có tiền núi rồi cũng hết.

May thay, tôi sớm nhận ra chân tướng của những kẻ được coi là bạn bè trên chiếu bạc của mình. Nhất là khi nhìn thấy cảnh bố mẹ ngậm ngùi bán đi căn nhà yêu quý mà bố mẹ định sau này cả gia đình sẽ dọn về ở thay cho mấy chục mét vuông chật chội làm cửa hàng trên phố Hàng Bạc. Tôi tỉnh trí lại và quyết rửa tay gác kiếm. Tôi quyết tu tâm dưỡng trí để làm người tốt có ích với gia đình xã hội. Nhưng vì đã quen thói ăn chơi tiêu xài, tôi cũng chẳng học hành được việc gì ra hồn. Bố mẹ tôi cũng không có ý định truyền nghề bạc cho cậu con quý tử, thế nên tôi cũng chẳng học được gì ở cửa hàng bạc cổ truyền của gia đình. Tôi cứ la pha lơ phơ, cơm ăn đã có bố mẹ nuôi. Tôi cũng cố đi học lấy dăm ba cái nghề phòng thân. Tôi học nghề sửa chữa đồ điện, học sửa xe máy. Nghề nào cũng học được dăm bữa nửa tháng là bỏ. Tôi không có đủ kiên nhẫn.

Ngoài ba mươi tuổi tôi mới lập gia đình, lúc ấy bố mẹ tôi cũng đã già xấp xỉ 70 cả rồi. Vợ tôi không ai khác chính là người làm công trong nhà bố mẹ tôi. Cũng do tôi phá phách, bố mẹ không tin tưởng, hàng xóm láng giềng biết tiếng ăn chơi của tôi nên không ai dám gả con gái cho tôi. Chuyện tôi, một quý tử nhà giàu lấy vợ là người làm công ở cửa hàng bố mẹ tôi cũng gây nên ồn ào ở hàng phố. Bố mẹ tôi thì ngược lại, không hề phản đối cuộc hôn nhân của tôi. Ông bà vui vẻ tổ chức đám cưới cho vợ chồng tôi. Cưới nhau xong, vợ chồng tôi vẫn ở với bố mẹ. Vợ tôi phụ giúp mẹ tôi ở cửa hàng, còn tôi thì vẫn cứ lông ba lông bông. Một năm sau ngày cưới, bố tôi lên cơn đột quỵ tim rồi qua đời ở tuổi 70. Năm sau, mẹ tôi cũng theo ông về cõi vĩnh hằng vì căn bệnh ung thư.

Sau đám tang của mẹ tôi đúng 100 ngày, có một người đàn ông đến xem cửa hàng ở phố Hàng Bạc và đưa toàn bộ giấy tờ bố mẹ tôi đã sang nhượng cửa hàng trước khi mất cho vợ chồng tôi xem. Người đàn ông cũng yêu cầu vợ tôi kiểm kê hàng hóa giao trả và yêu cầu vợ chồng tôi dọn nhà đi chỗ khác để ông lấy cửa hàng sửa soạn lại cho công việc kinh doanh buôn bán mới. Tôi quá sửng sốt gọi cho chị gái về họp gia đình để xem có ai biết sự việc này không. Đến lúc này chị cả tôi mới gọi luật sư vào nhà và mở di chúc của bố mẹ ra. Hai chị em tôi choáng váng khi biết mẹ đã âm thầm làm di chúc, sang nhượng cửa hàng, nhà cửa trên phố sau khi bố mất, và trong giai đoạn mẹ biết mình bị bệnh ung thư. Có nghĩa mẹ đã chủ đích làm việc này trong một tâm trạng hoàn toàn tỉnh táo. Tất nhiên ý định của mẹ cũng đã được bố ủng hộ thì mới có chữ ký của bố ở trong di chúc được lập khi cả bố mẹ đang khỏe mạnh.

Trong di chúc bố mẹ không để bất kỳ một chút tài sản nào trong khối tài sản bao gồm hơn chục sổ tiết kiệm, một cửa hàng mặt phố Hàng Bạc và một ngôi nhà ở phố Hàng Điếu. Không chỉ riêng tôi mà chị gái tôi cũng chẳng được mẹ di chúc cho một đồng một cắc nào. Ngôi nhà ở Hàng Điếu mẹ đã bán và gom tiền công đức xây chùa ở quê chồng. Còn cửa hàng bạc ở phố Hàng Bạc, mẹ sang nhượng lại cho chủ khác.

Toàn bộ số tiền sang nhượng mẹ dành xây nhà thờ họ ở quê bố. Trong khi mẹ thừa biết con trai độc nhất của bố mẹ là tôi từ xưa đến nay là thành phần phụ thuộc bố mẹ, đang ở cùng nhà với bố mẹ, đang được bố mẹ nuôi nấng. Chị Hiên thì đã có gia đình chồng con, yên bề gia thất, kinh tế vững vàng nên việc bố mẹ không cho tài sản gì thì cũng không quá ảnh hưởng đến đời sống riêng. Còn tôi, vừa mới cưới vợ, vợ lại đang bụng mang dạ chửa, không có nhà cửa, tôi biết đưa vợ con tôi đi đâu bây giờ. Chủ mới của cửa hàng bạc vẫn đề nghị vợ tôi ở lại làm công ăn lương. Không biết bấu víu vào đâu lúc này, tôi đành để vợ tôi ở lại cửa hàng tiếp tục làm việc cho chủ mới, còn hai vợ chồng dắt díu nhau ra thuê nhà. Tiền lương của vợ ở cửa hàng bạc chỉ đủ để trả tiền thuê nhà và mua gạo. Còn lại hai vợ chồng phải tự tính toán đi làm mà nuôi nhau.

Tôi bị sốc nặng mất ăn mất ngủ cả tháng trời. Người như bị một trận ốm đến độ thân bại danh liệt. Quá cay đắng, tôi mang di ảnh của bố mẹ về ngôi nhà thờ họ ở quê. Ngôi nhà thờ đã được bố mẹ gom toàn bộ tiền bạc của nả dành dụm cả đời để xây cất ở Huế trước khi bố mẹ tạ thế. Thời gian này, vợ tôi sinh cháu đầu lòng. Kinh tế gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn vất vả vô cùng tận. Chị Hiên tôi lấy chồng, phụ thuộc nhà chồng nên cũng chẳng giúp đỡ em trai được nhiều nhặn gì ngoài tình cảm chạy qua chạy lại. Vợ tôi sinh được 1 tháng đã phải bò dậy đi làm, con thơ nheo nhóc. Tôi thì từ bé đến lớn chẳng làm được việc gì ra hồn.

Giờ bố mẹ mất, tài sản không có, tôi đành bần cùng bất đắc dĩ lao ra đường để kiếm tiền phụ vợ nuôi con. Những lúc đứt bữa, nhìn vợ con đói khát, không có tiền mua thịt cho con trai nấu cháo, phải ăn cháo trắng với muối, tôi càng hận bố mẹ tôi, không có chút tình thương con cái mình đẻ ra, đang tâm cho hết tài sản đi không để lại cho con cháu một cắc một hào, để mặc con cháu đói khổ trong cảnh bần hàn.
 
Chapter 2: Bươn chải kiếm sống
Tôi đã trải qua những ngày tháng nhớ đời, cay đắng tủi hận không thể nào quên được. Lần đầu tiên trong đời tôi nếm mùi hèn hạ của một thằng đàn ông vô dụng, xưa nay chỉ biết ăn bám trong cánh tay của bố mẹ giờ bỗng nhiên bị hất ra đường, không còn ai chở che, nuôi nấng. Thằng đàn ông đã 30 tuổi đầu, có vợ, có con thơ mà không kiếm nổi tiền đưa về nuôi vợ nuôi con, xưa ăn bám bố mẹ, giờ lại tiếp tục ăn bám vợ từ những đồng lương ít ỏi của vợ thật là nhục nhã.

Chút lương tri trong tôi trỗi dậy. Nhìn con thơ nheo nhóc, vợ tiếp tục mang bầu lần thứ 2, tôi biết không còn cách nào khác là phải lao ra đường và kiếm tiền bằng mọi giá để nuôi gia đình mình. Sự lười nhác cố hữu của một kẻ chuyên ăn sẵn trong tôi vẫn còn nhiều, cộng với tính sĩ diện hão trai hàng phố nhà giàu vẫn còn giày vò, cản trở tôi trong những ngày đầu bước ra khỏi nhà. Nhưng không còn đường lùi, vì bao thứ cơm áo réo gọi phía sau, nhà thì thuê, con thơ, tiền không có. Tôi chỉ còn nước nhắm mắt làm bất cứ việc gì có thể. Tôi đến cửa hàng sửa chữa xe máy lúc trước học để phụ việc và tiếp tục học nghề.

Hồi đó, Hà Nội chỉ có vài ba cửa hàng sửa chữa xe máy. Nghề sửa chữa xe máy là nghề có tương lai nhất, kiếm tiền tốt nhất. Tôi gần như trốn hết bạn bè, đi cúi mặt, về cúi tai, tránh tiếp xúc hàng xóm, người quen cũ. Bởi lẽ, tôi sợ đến vãi cả linh hồn khi phải chịu đựng ánh mắt tròn xoe ngỡ ngàng của cô dì chú bác hỏi tại sao con lại thế này, tại sao giờ lại như thế kia, nhà cửa đâu, của cải đâu sao phải đi làm thuê cực khổ như thế. Tôi sợ những ánh mắt cảm thông thương xót của những người chân tình, càng sợ hơn những lời mỉa mai, những ánh mắt cười thầm đắc thắng của những kẻ vốn ghen ghét sự khá giả của gia đình tôi trước đây.

Tôi đã trở thành một con người khác, tự tay cắt bỏ quá khứ huy hoàng của một cậu ấm quý tử khét tiếng ăn chơi. Tôi mặc đồ bảo hộ lao động, đội cụp mũ lưỡi trai để khỏi ai nhận ra, làm việc cần mẫn chăm chỉ ở hiệu sửa xe máy với mong muốn cuối tháng được cầm những đồng lương về phụ giúp vợ nuôi con. Ơn trời, sự nhanh nhẹn tháo vát của tôi chắc được hưởng từ gen di truyền của mẹ nên đã giúp tôi học việc nhanh, trở thành thợ phụ rồi thợ cả ở cửa hàng sửa chữa xe máy. Đồng lương của thợ cả hồi đó cũng kha khá nên đủ cho tôi trang trải những bữa cơm có thức ăn cho hai con trai tôi.

Có lao động thực sự mới biết trân trọng quý giá những đồng tiền mình làm ra, mới biết thương mẹ ngày xưa ngậm ngùi bán cả nhà để trả nợ cho con trai cờ bạc. Thương mẹ là có nhưng cũng hận bố mẹ vô cùng vì đã để cho tôi khổ sở chống chọi với cơm áo gạo tiền vào lúc tôi cần sự giúp đỡ của bố mẹ nhất. Nỗi hận đó tôi đào sâu chôn chặt trong lòng. Tôi vẫn làm bổn phận của một người con, một năm về quê hương khói cho bố mẹ một lần. Nhưng sự mặc cảm, cơn giận dữ đê hèn của một đứa con quen thói được chiều chuộng ích kỷ đã che mờ suy nghĩ của tôi. Mặc dù sau này tôi có nhà tử tế để ở rồi, không phải đi thuê nữa nhưng tôi cũng không có ý định đưa bài vị của bố mẹ ra nhà riêng để thờ phụng như đạo hiếu của người Việt với đấng sinh thành. Tôi vẫn còn hận bố mẹ nhiều. Sở dĩ, tôi tích lũy tiền mua được ngôi nhà con con trong ngõ chỉ hai chục mét vuông để cho gia đình vợ con tá túc khỏi phải khổ sở đi thuê nhà là thế này. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, lại giỏi nghề nên tôi có nhiều khách quen, ngoài công việc làm ở cửa hàng tôi được khách quen gọi đến nhà sửa xe, xem xe.

Thời đó chưa nhiều người có xe máy, đồng nghĩa với ít thợ sửa giỏi. Chiếc xe máy là cả một tài sản lớn. Tiền tậu một chiếc xe máy có khi bằng tậu một căn hộ, một mảnh đất. Công việc giúp tôi giao du nhiều với giới nhà giàu. Từ chuyên môn về xe máy của tôi mà tự khách hàng tìm đến tôi để nhờ định giá xe, thậm chí môi giới mua bán xe. Tôi trở thành trùm thợ xe, trùm môi giới mua bán xe máy. Ai cần con xe như thế nào, tầm tiền bao nhiêu đều tìm đến nhờ tôi giúp. Ai cần tiền phải bán xe, hay thích nâng cấp đời xe, đổi con xe tốt hơn, mới hơn cũng tìm đến tôi. Tôi vừa được ăn tiền công cả hai bên mua và bán, được hưởng chênh lệch khi biết làm giá với khách. Dần dần tích tiểu thành đại, tôi có tiền làm vốn để buôn xe, mua ngay con xe khách đang cần tiền bán rồi đợi lúc nào gặp khách, có lãi tôi bán lại.

Hà Nội những năm 1980 vừa bước qua thời bao cấp gian khó, dân còn nghèo, chưa có nhiều cửa hàng buôn bán xe máy và cũng có rất ít người thạo lĩnh vực này. Thế nên việc phát đạt ăn nên làm ra của tôi là lẽ đương nhiên. Sau này có vốn liếng, tôi đổi căn nhà to hơn ở trong ngõ cho vợ chồng và con cái ở. Còn lại tôi đi thuê cửa hàng ở Phố Huế để mở cửa hiệu sửa chữa và buôn bán xe máy.

Công việc cứ thế ngày một phát triển, từ hai bàn tay trắng tôi đã gây dựng được cơ đồ. Tôi đã có đủ tiền để mua cửa hàng mặt phố. Giữa Hà Nội mà có được một mảnh đất 100m² để xây lên ba tầng vừa để ở, vừa để bán hàng thật sự phải là hàng đại gia buôn bán có máu mặt. Tôi đề nghị vợ tôi bỏ cửa hàng bạc trên phố về giúp tôi quản lý cửa hàng sửa chữa mua bán xe máy của mình. Vợ tôi một mực không nghe vì cô ấy muốn giữ lấy nghề truyền thống của nhà chồng. Vợ tôi chấp nhận chạy đi chạy lại hai bên cửa hàng và làm quản lý cả hai bên cửa hàng bạc lẫn cửa hàng xe máy của chồng.

Bao nhiêu tiền tích cóp được tôi đầu tư bất động sản và gửi ngân hàng để sinh lời. Vậy là đã 18 năm trôi qua kể từ ngày tôi bị đẩy ra lề đường để kiếm sống, đúng vào lúc cả hai con trai tôi tốt nghiệp phổ thông trung học và chuẩn bị đi du học ở Anh thì người đàn ông đã mua và trở thành chủ cửa hàng bạc của mẹ tôi năm xưa đến tìm tôi. Ông giới thiệu ông là luật sư, là người bạn tâm phúc của bố mẹ tôi, người giúp bố mẹ tôi quản lý tài sản và công việc trong suốt bao nhiêu năm qua. Mái tóc đã bạc trắng, gương mặt thêm nhiều nếp nhăn vì tuổi tác, ông rất xúc động khi trao cho tôi toàn bộ giấy tờ cửa hàng bạc với toàn bộ số tiền vốn liếng đã sinh sôi nảy nở trong suốt 18 năm qua. Ông cũng đưa cho tôi một phong thư dán kín, ngoài bìa thư đã ố vàng đề rõ bố mẹ tôi gửi cho đứa con trai duy nhất. Tôi run run mở bức thư ra đọc.

“Gửi con trai yêu của bố mẹ! Bố mẹ hy vọng con sẽ đọc những dòng chữ này vào một ngày gần nhất. Khi bức thư đã được mở ra, những dòng tâm sự này đến được với con nghĩa là nơi chín suối bố mẹ đã được ngậm cười, thanh thản trút bỏ những mối quan tâm đau đáu và day dứt tới con.

Con trai, chắc con đã hiểu vì sao ngày bố mẹ tạ thế, bố mẹ đã đẩy con ra đường và không di chúc cho con bất cứ tài sản nào dù chỉ là một đồng một cắc. Nếu con biết được bố mẹ đã rớt nước mắt biết bao đêm, ngày khi nhìn thấy con trai chưa được trưởng thành. Bố mẹ nghĩ mãi về chuyện không thể sống cả đời bên cạnh con để nuôi nấng con, quan tâm chăm sóc con. Bố mẹ sẽ khổ nhiều khi con không thành đạt, không tự lo được cho bản thân mình, không lo được cho vợ của con và các con của con sau này. Bố mẹ đã nghĩ mãi và quyết định đẩy con ra đời, để cho con với hai bàn tay trắng tự lăn lộn với cuộc sống, tự kiếm cơm ăn, tự nuôi sống chính con và các con của con.

Phải quyết định một việc khó khăn như vậy, bố mẹ rất đau lòng. Làm cha mẹ có ai không thương đứa con máu mủ mình rứt ruột đẻ ra và nuôi nấng khôn lớn. Nhưng phải lựa chọn một quyết định quan trọng để giúp con trưởng thành là việc bố mẹ cần phải làm. Dù để đưa ra quyết định này bố mẹ đã phải dằn lòng biết bao. Sau này con rồi cũng sẽ làm cha, con sẽ biết được cha mẹ nặng lòng vì con cái, yêu thương và lo lắng cho con cái thế nào. Con rồi cũng sẽ hiểu món quà quý giá nhất cho tuổi già của cha mẹ là sự thành đạt của con cái, cuộc sống hạnh phúc của con cái. Không gì có thể quý giá hơn, quan trọng hơn món quà này.

Con trai, khi con đọc những dòng chữ này bố mẹ ở trên thiên đường đang mỉm cười nhìn con. Bố mẹ cảm ơn cuộc sống đã thay bố mẹ dạy dỗ con nên người. Đến bây giờ thì bố mẹ đã mãn nguyện rồi con ạ. Yêu thương con trai của bố mẹ nhiều. Mẹ cũng để phần cho chị gái con một chút tài sản rồi. Cửa hàng này, toàn bộ vốn liếng còn lại là của con. Sỡ dĩ nó đến với con muộn hơn lẽ thường là do bố mẹ thực sự muốn chứng kiến con trưởng thành, và chỉ thật sự trưởng thành con mới xứng đáng được nhận nó. Con hãy thay bố mẹ tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề cổ truyền của cha ông để lại. Cầu chúc cho con và các cháu nội của ông bà thành đạt trên đường đời”.

Thưa các anh các chị. Tôi đã khóc khi lần đầu tiên được đọc bức thư của bố mẹ viết cho tôi trước khi ông bà xuôi tay nhắm mắt. Tôi hiểu vì sao phải mất 18 năm sau khi bức thư này được viết, giờ đây tôi mới được đọc nó. Và vì sao tới 18 năm sau, khi tôi đã thành đạt, đã giàu có rồi thì tôi mới nhận được di chúc thừa kế của bố mẹ để cho tôi. Tôi hiểu vì sao ông bà làm như vậy.

Kính thưa các anh các chị. Càng nghĩ tôi càng ân hận giày vò. Lúc nhận được tài sản thừa kế của bố mẹ để lại, tôi cũng không quá vui sướng mà chỉ bất ngờ. Cửa hàng bạc trên phố nay buôn bán cũng khó hơn xưa nhiều. Giờ người ta mở nhiều cửa hàng kinh doanh buôn bán vàng ta, vàng tây, nên các trang sức bằng bạc không thịnh hành và đắt khách nữa. Cửa hàng của bố mẹ tôi cũng thưa thớt khách chủ yếu bán cho nhà có trẻ con, người già trong cách dịp lễ tết. Số tài sản mà mẹ tôi để lại cho tôi đáng giá nhất là cửa hàng 10m² ở mặt phố Hàng Bạcmột số sổ tiết kiệm kha khá đủ để tôi có thể tậu thêm một căn hộ chung cư lúc bấy giờ.

So với số tài sản hiện có mà tôi kiếm được thì của nả bố mẹ tôi để lại không quá lớn. Thế nên sau cơn xúc động, tôi lại bị cuốn đi trong công việc. Mãi mấy tháng sau, đến gần Tết Nguyên đán tôi mới mang thư di chúc của mẹ về quê để đặt lên bàn thờ bố mẹ và thắp hương khấn xin bố mẹ tạ lỗi. Cũng tết năm đó tôi mới làm thủ tục xin rước bài vị của bố mẹ tôi trở ra Hà Nội đặt lên bàn thờ trang trọng ở nhà riêng.

Chắc các anh chị sẽ thấy tôi là đứa con trai vô hiếu, bạc nghĩa khi 18 năm sau nhận được di chúc thừa kế của bố mẹ mới nghĩ đến chuyện đưa bố mẹ về thờ phụng tại bàn thờ gia tiên nhà mình. Nhưng chuyện chưa phải đã hết. Tôi còn làm những điều trái với lời dạy của ông bà tổ tiên, trái với lời nhắn nhủ của bố mẹ tôi lúc tạ thế…
 
Last edited:
Lại quay tay, trư khinh
OSTcRS8.png


Gửi từ Samsung SM-G973F bằng vozFApp
 
Chapter 3: (Phần cuối) Những đứa con hư hỏng
Sau khi nhận lại toàn bộ di chúc bao gồm thư và tài sản bố mẹ để lại, vợ chồng tôi đã làm nốt những phần việc hiếu lễ xung quanh và khép lại một quá khứ nhiều dằn vặt hiểu lầm, lắm trách móc của một người con trai đối với đấng sinh thành. Bố mẹ tôi hẳn cũng đã an lòng trên thiên đàng khi nhìn thấy cuộc sống khá giả và ổn định của người con trai mà họ đã từng lo lắng cho tương lai của nó đến bạc tóc. Bố mẹ tôi sợ rằng sau khi ông bà chết đi, con trai họ không còn ai bao bọc, dạy bảo trưởng thành. Chính vì sợ con trai thiếu vắng sự dạy dỗ của bố mẹ sẽ suốt đời lang bạt kỳ hồ, chẳng làm nên cơm cháo gì, không lo được cho bản thân nên cực chẳng đã bố mẹ tôi đã phải thực hiện nốt biện pháp đặc biệt để dạy dỗ con trai ngay cả sau khi ông bà tạ thế.

Ông bà tin rằng, không có bài học nào, không có trường học nào sâu sắc và nhiều trải nghiệm như bài học cuộc sống, và trường học cuộc đời. Chỉ có như vậy con trai ông bà may ra mới thấm thía để tự vươn lên. Còn nếu thương con theo lẽ thông thường, cho con hết toàn bộ tài sản mà cả đời ông bà chắt chiu dành dụm được trong khi con trai mình không tu chí, không biết lao động, vun vén cuộc sống thì đến tiền núi rồi cũng ăn tàn phá hoại mà hết. Bài học dạy con trai của bố mẹ tôi thật là thâm sâu, ý nghĩa, chứa đựng tất cả tình yêu thương, sự tận tụy nhọc công của bố mẹ đối với tôi, thế mà tôi trên đầu dù đã 2 thứ tóc nhưng đâu đã hiểu hết được ý nghĩa thâm nho của bố mẹ.

Kính thưa quý tòa soạn.

Tôi có hai đứa con trai. Những ám ảnh giày vò về việc đã từng bị bố mẹ hất ra lề đường kiếm sống, dứt khỏi cuộc sống no đủ nhung lụa, quăng quật ra cuộc đời với hai bàn tay trắng những lúc khốn cùng nhất vợ dại con thơ, tự bươn chải vươn lên đã làm cho tôi có một lời thề độc trong tim rằng, không bao giờ tôi để cho các con tôi phải thiếu thốn khổ sở dù chỉ một ngày. Bởi vậy mà tôi rất chiều các con, lo cho các con một cuộc sống đủ đầy không thiếu thốn thứ gì. Tâm thế của tôi là luôn cảm thấy hối lỗi với các con và cố gắng làm tất cả để bù lại những năm tuổi thơ các con tôi nheo nhóc khổ sở thiếu ăn thiếu mặc, thiếu chỗ ở.

Hai con tôi chỉ vất vả cùng bố mẹ trong dăm năm đầu đời. Còn sau đó, các con được lớn lên trong một môi trường đủ đầy không thiếu thứ gì. Những năm cuối của thập niên 90, phong trào đi du học đã dấy lên trong giới nhà giàu ở Hà Nội. Các gia đình có máu mặt về tiền bạc, của cải, hay có thế lực trong xã hội đều gửi các con ra nước ngoài để đi du học, tu nghiệp trở thành những thiếu gia, những cô chủ nhỏ được chăm sóc tận răng cả về cơ sở vật chất lẫn tinh thần. Những thiếu gia, những cô chủ nhỏ này sau một thời gian tu nghiệp tại nước ngoài về, sẽ tiếp tục quản lí công việc làm ăn buôn bán của gia đình, hoặc là đi làm ở những vị trí quan trọng và sáng giá. Có địa vị trong xã hội.

Có ba loại du học cơ bản của các cậu ấm cô chiêu này. Loại thứ nhất là học giỏi xuất sắc, đủ điểm được các trường đại học lớn ở nước ngoài mời đi học tập. Loại thứ hai, học trung bình khá nhưng gia đình có điều kiện về kinh tế, muốn đầu tư cho con cái đi du học kiếm lấy tấm bằng cử nhân thạc sĩ ở nước ngoài về làm sang để xin vào các cơ quan có địa vị xã hội và tiếp tục kế thừa công việc kinh doanh của bố mẹ ở trong nước. Loại thứ ba là học dốt, cộng với phá phách, hư hỏng, thậm chí dính líu đến các tệ nạn xã hội. Gia đình có điều kiện kinh tế nên đã tống các cậu ấm cô chiêu của mình ra nước ngoài mang danh du học để cách ly môi trường xấu, để gián đoạn với bạn bè xấu, thói quen xấu. Các bậc phụ huynh có con hư, gửi con đi du học với mong muốn con tu chí, rèn luyện làm lại cuộc đời, trở thành những đứa con ngoan, những công dân tốt, có ích cho xã hội.

Hai con trai tôi nằm trong nhóm thứ 2 của những học sinh đi du học do bố mẹ có điều kiện kinh tế muốn đầu tư cho con một nền tảng kiến thức vững chắc và những trải nghiệm tốt ở các nước tiên tiến để các con có thể học được những điều hay, những kiến thức quý giá sau này về nước thực hiện được những hoài bão của bố mẹ và gia đình với mong muốn các con có vị trí xứng đáng trong xã hội. Còn công việc kinh doanh buôn bán của vợ chồng tôi thì chỉ là nghề tay trái cho các con làm thêm, mở rộng kinh tế gia đình.

Đầu tư cho hai con trai đi du học ở Anh quốc mỗi tháng ngốn hàng chục triệu đồng. Thật không may cho vợ chồng tôi, không biết có phải thừa hưởng chút gien phá phách của tôi hay không mà hai con trai tôi 5 năm du học ở Anh quốc tấm bằng cử nhân thạc sỹ chẳng thấy đâu mà chỉ thấy tốn kém biết bao nhiêu tiền của. Chúng như cái thùng hút tiền của bố mẹ không đáy, gửi bao nhiêu cũng không đủ.

Đầu những năm 2000, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội khoảng 3 triệu đồng vậy mà các con tôi mỗi tháng ngốn của bố mẹ vài chục triệu đồng vẫn chưa thấm tháp gì. Nhưng có lẽ điều không may mắn nhất đối với tôi ấy là khi gửi con sang Anh quốc du học, trong đám bạn bè các con tôi có một số cháu hư hỏng của những gia đình có điều kiện gửi sang đó. Trong số đó có con của bạn bè tôi. Chúng giao lưu qua lại gặp gỡ nhau. Các con tôi từ chỗ ngoan ngoãn biết vâng lời bố mẹ, khi xa gia đình sang xứ người, thiếu sự quản lý chặt chẽ của bố mẹ nên đã không tu chí học hành mà nhiễm những thói hư tật xấu từ đám bạn bè hư hỏng con nhà giàu được bố mẹ đẩy đi du học.

Không những không tu chí mà các con tôi còn tham gia đường dây cá độ bóng đá, bị chủ nợ truy đuổi gắt gao nguy hiểm đến tính mạng. Tôi phải trực tiếp bay sang Anh mấy lần để giải quyết nợ nần cho con. Mấy năm hai con đi du học, vợ chồng tôi phải bán đến hai căn hộ chung cư và mấy sổ tiết kiệm vẫn không đủ. Năm thứ 5, biết để các con ở xa gia đình chúng sẽ ngày càng lún sâu vào hư hỏng, tôi đã quyết định bay sang Anh đưa hai con trở về nhà.

Về nước, vợ chồng tôi cố gắng mãi, theo sát các con từng bước một để hai cháu lấy được cái bằng cử nhân tại chức. Tôi đổ bao nhiêu tiền của để xin cho hai con trai hai công việc ở cơ quan nhà nước với mục đích rèn các cháu vào khuôn khổ, sống một cuộc sống công chức bình lặng. Thế nhưng những thói hư tật xấu thật khó sửa. Các con tôi vẫn tiếp tục lao vào đường dây cá độ bóng đá. Hết lần này đến lượt khác, bao nhiêu tài sản của vợ chồng tôi trong mấy chục năm tích cóp đều đội nón ra đi. Tôi đã phải bán nốt những căn nhà đang cho thuê cuối cùng để trang trải nợ nần cho hai con trai.


Kính thưa quý tòa soạn!

Thời gian trôi đi, các con của tôi chê lương ít không chịu làm nhà nước mà bỏ việc nhà nước ra ngoài lập công ty máy tính để kinh doanh. Cả hai anh em không đứa nào chịu theo nghề buôn bán xe máy của bố và hàng bạc của mẹ. Rồi hai anh em lấy vợ lập gia đình. Chúng ở chung tất cả trong ngôi nhà mặt phố của vợ chồng tôi mà tôi vẫn còn giữ lại để phía dưới làm cửa hàng kinh doanh buôn bán, phía trên để ở. Các con than thở lập công ty mà đi thuê mặt bằng thì vất vả, lời lãi chẳng được bao nhiêu. Chúng than vãn xin xỏ thế là vợ chồng tôi bàn nhau chuyển hướng kinh doanh nhượng lại cửa hàng bạc trên mặt phố Hàng Bạc cho hai con trai chung nhau mở cửa hàng bán máy tính. Còn hai vợ chồng rút về kinh doanh xe máy.

Thời gian cứ thế trôi đi, vợ chồng tôi cũng đã có tuổi, hai con trai thì đều đã có vợ và có con. Càng ngày việc kinh doanh xe máy không còn hot như xưa vì quá nhiều cửa hàng mở ra cạnh tranh và đời sống sau những năm 2000 người dân còn có lựa chọn mới là đi ôtô nên kinh doanh sửa chữa xe máy không còn là nghề hái ra tiền nữa. Việc kinh doanh máy tính của các con trai tôi mở ra đúng thời điểm nên cũng đủ ăn đủ tiêu. Song các con tôi không biết lợi dụng thời điểm để chí thú làm ăn, mở rộng kinh doanh nên không phát triển mạnh. Thi thoảng chúng vẫn chơi cá độ bóng đá và mất nhiều tiền bạc.

Thưa quý tòa soạn!

Nhìn thấy gia đình hai con trai nay đã nhân lên thành 8 thành viên ở cùng với bố mẹ khá là chật chội, không tránh được những va chạm mẹ chồng nàng dâu, chị em dâu. Cộng với việc các con luôn nỉ non đòi bố mẹ bán căn nhà mặt phố còn lại này để chia tiền cho hai anh em đi ra mua nhà ở riêng nên vợ chồng tôi vì thương con mà suy nghĩ rất nhiều. Cả hai vợ chồng tôi kiên quyết không bán nhà mà di chúc sang nhượng lại căn nhà mặt phố này chia đều cho hai con trai, yêu cầu các con tiếp tục giữ cửa hàng và theo nghiệp buôn bán của bố mẹ. Vợ chồng tôi cũng đã khuyên giải các con rất nhiều và mong các con giữ lại ngôi nhà vốn liếng của bố mẹ một đời dành dụm tích cóp cùng với việc phát triển nghề sửa chữa buôn bán xe máy truyền thống của gia đình. Vì căn nhà xây 4 tầng nên các con có thể chuyển cửa hàng máy tính về đặt ở tầng 2, tầng dưới vẫn là cửa hàng bán xe máy. Vợ chồng tôi chuyển lên Hàng Bạc ở để cho các con tiếp quản căn nhà.

Không ngờ rằng, ngôi nhà mặt phố rộng cả trăm mét vuông vợ chồng tôi để lại cho các con chỉ tồn tại được 5 năm thì sau mùa Word Cup 2014 vừa rồi chúng nó buộc phải chuyển ra khỏi nhà vì xã hội đen đến xiết nợ cá độ bóng đá. Ngày ký mọi thủ tục sang nhượng căn nhà mà vợ tôi khóc như mưa như gió. Vậy là chút tài sản cuối cùng cả đời tích cóp và dành dụm của vợ chồng tôi đã bị hai con trai tôi nướng hết vào cờ bạc.

Kính thưa quý tòa soạn!

Khó có thể nói hết được những thất vọng, buồn bã, đau đớn và hối tiếc của vợ chồng tôi vì đã không nuôi dạy hai con trai nên người. Sau tất cả những sự việc trên, vợ chồng tôi dắt nhau về nhà thờ họ của bố tôi ở quê thắp hương cho bố mẹ tôi và khóc. Giờ đây, vợ chồng tôi lại phải mang bài vị của ông bà trở về nhà thờ họ do mẹ tôi xây dựng ở quê, còn trên Hàng Bạc chỉ để ảnh thờ vọng. Tôi đã không bao giờ hiểu được bố mẹ tôi đâu có cần tôi rước bài vị của ông bà lên ngôi nhà to mặt phố để thờ cúng khi mà tấm lòng của bố mẹ tôi đã không thể hiểu được.

Thông điệp của bố mẹ gửi gắm lại cho tôi, điều mà bố mẹ muốn ấy là mong tôi trưởng thành nên người, tu chí làm ăn, thành đạt và là tấm gương cho con cái noi theo tôi đã không hiểu và không nhận thức được đầy đủ sự thâm nho sâu xa trong ý tứ của bố mẹ. Tôi cũng đã chẳng bao giờ hiểu nổi tấm lòng, sự thông minh, chí dằn lòng hy sinh vĩ đại của mẹ, khi bà chính là người vạch ra tất cả những kế hoạch dạy dỗ tôi sau khi ông bà mất. Tôi đã không thấm thía được nỗi lòng thương con của bố mẹ tôi, đã trách oan những đấng sinh thành. Thực sự tôi mới chính là đứa con bất hiếu. Bài học của bố mẹ tôi dạy tôi, không những tôi không hiểu hết. Giờ này, trước sự thất bại trong việc dạy dỗ các con của mình, tôi dẫu có ân hận cũng chẳng bao giờ còn sửa chữa được sai lầm của mình nữa.
 
Last edited:
giờ có cái nhà mặt phố bất kể hàng gì thì đều đời đời ấm no :( tg đúng là sướng từ trong trứng
 
giờ có cái nhà mặt phố bất kể hàng gì thì đều đời đời ấm no :( tg đúng là sướng từ trong trứng
Đọc mà thấy tiếc cho tg trong bài quá. Cả đời làm lụng, đc vài cái nhà mặt phố thì 2 thằng con phát hết. Có 1 cái nhà thôi là ấm no cả đời rồi.
 
Đọc mà thấy tiếc cho tg trong bài quá. Cả đời làm lụng, đc vài cái nhà mặt phố thì 2 thằng con phát hết. Có 1 cái nhà thôi là ấm no cả đời rồi.
mình đang đọc phần 2,nếu thật sự những gì tg kể thì phải nói tg quá giỏi. Phố huế là phố buôn xe nổi tiếng ở Hn
 
mình đang đọc phần 2,nếu thật sự những gì tg kể thì phải nói tg quá giỏi. Phố huế là phố buôn xe nổi tiếng ở Hn
Chuyện này cũng lâu rồi, năm 2015 (sau World cup 2014), nên mình nghĩ là thật. Theo như lời kể thì tg là trùm buôn xe máy hồi đó, cũng là dạng đại gia, thế mà về già lại gần trắng tay vì 2 thằng con. Mình người ngoài mà đọc cũng thấy tiếc, chứ người trong cuộc ko biết thế nào nữa.
Đúng là sướng mà ko chịu hưởng, ko ăn chơi phá phách thì tài sản cũng cả 100 tỏi rồi :D
 
Mấy thằng cờ bạc còn cứu là nó chơi. Phải bỏ thì may ra nó mới thấm được . Mấy thằng xã hội đen cũng không dạy gì mà giết người cho vướng pháp luật, cùng lắm xiên vài nhát cho nó tỉnh ra thôi. khi chỉ còn cái mạng thì cũng éo ai cho nó chơi lúc đó mới tỉnh được.
 
bình thường. ông tác giả giàu nhưng ko có được cái tâm rộng cái tầm nhìn như bố mẹ ổng, bố mẹ ổng cũng đặt cược thôi chứ biết đâu lúc túng quẫn ổng lại nghiện rồi chích sốc chết mẹ ở xó nào ở HN thì chả có bài viết này đâu.
Tóm lại là đời ông cũng có nhục có vinh, còn đời con ông thì ông cũng chả sống thay chúng nó được. Chấp nhận đi, có thể chúng nó xuống đáy bùn rồi trồi lên, hoặc chìm mãi dưới đáy. Dòng chảy thời gian cả xã hội vạn người, chuyện bt mà.
 
bình thường. ông tác giả giàu nhưng ko có được cái tâm rộng cái tầm nhìn như bố mẹ ổng, bố mẹ ổng cũng đặt cược thôi chứ biết đâu lúc túng quẫn ổng lại nghiện rồi chích sốc chết mẹ ở xó nào ở HN thì chả có bài viết này đâu.
Tóm lại là đời ông cũng có nhục có vinh, còn đời con ông thì ông cũng chả sống thay chúng nó được. Chấp nhận đi, có thể chúng nó xuống đáy bùn rồi trồi lên, hoặc chìm mãi dưới đáy. Dòng chảy thời gian cả xã hội vạn người, chuyện bt mà.
Đang giàu hóa nghèo mà thím bảo bt. Bao nhà thì mới có nhà ntn.
 
Đang giàu hóa nghèo mà thím bảo bt. Bao nhà thì mới có nhà ntn.
Tại bạn ít gặp thôi. Tôi xung cũng biết 5-7 nhà thời mới mở cửa giàu vãi nhái. Sau con phá có thằng ngồi nc còn bảo hội chơi với em chết hơn nửa vì nghiện rồi. Nhà giàu được 1 đời tới đời sau tụt đi nhiều lắm, chẳng qua ko tới mức xuống bùn thôi. Chứ cờ bạc thì giàu với nghèo đều ra đê hết. Nên tôi mới nói là bt. Dòng chảy xã hội thôi.
Làng tôi 1 ông còn trùm tranh tre Xuất khẩu của VN những năm 9x Nguyễn Tấn Dũng còn về gặp doanh nhân tiêu biểu. Giờ 3 thằng con trai phá nát hết sạch luôn. Ông trong bài so với ông tranh tre kia sợ chưa có tuổi gì luôn ấy.

via theNEXTvoz for iPhone
 
Kể cũng tiếc, tg cũng từng cờ bạc nghiện ngập mà vẫn để con mình bị như thế

Gửi từ Vsmart Active 3 bằng vozFApp
 
Tại bạn ít gặp thôi. Tôi xung cũng biết 5-7 nhà thời mới mở cửa giàu vãi nhái. Sau con phá có thằng ngồi nc còn bảo hội chơi với em chết hơn nửa vì nghiện rồi. Nhà giàu được 1 đời tới đời sau tụt đi nhiều lắm, chẳng qua ko tới mức xuống bùn thôi. Chứ cờ bạc thì giàu với nghèo đều ra đê hết. Nên tôi mới nói là bt. Dòng chảy xã hội thôi.
Làng tôi 1 ông còn trùm tranh tre Xuất khẩu của VN những năm 9x Nguyễn Tấn Dũng còn về gặp doanh nhân tiêu biểu. Giờ 3 thằng con trai phá nát hết sạch luôn. Ông trong bài so với ông tranh tre kia sợ chưa có tuổi gì luôn ấy.

via theNEXTvoz for iPhone
bác làm em phải di g trùm tranh tre
 
bác làm em phải di g trùm tranh tre
Có ra không. Ông ý tên là Xuân. Nói chung xuất khẩu từ những năm 9x thì bạn biết rồi, giờ lụi bại cả. Nhớ ngày còn 500d / 1 cái bánh mỳ pate thì tôi ra chơi tết ổng mừng tuổi cho 1 usd. Lần đầu tiên biết socola là gì cũng là ổng cho cái kẹo đầu tiên. Chắc năm 93 thì phải.

via theNEXTvoz for iPhone
 
Có ra không. Ông ý tên là Xuân. Nói chung xuất khẩu từ những năm 9x thì bạn biết rồi, giờ lụi bại cả. Nhớ ngày còn 500d / 1 cái bánh mỳ pate thì tôi ra chơi tết ổng mừng tuổi cho 1 usd. Lần đầu tiên biết socola là gì cũng là ổng cho cái kẹo đầu tiên. Chắc năm 93 thì phải.

via theNEXTvoz for iPhone
hi bác, k có thông tin nhiều thời đấy.
Nhưng em tìm được thông tin tranh tre. Dòng này xuất khẩu từ thời ấy :/ đỉnh thực sự bác ạ.
 
Câu chuyện bạn bịa ra sẽ giúp những thanh niên còn đang chìm trong cờ bạc nợ nần có thêm 1 tia hy vọng rằng ba mẹ nó vẫn còn chút tài sản, nó sẽ tiếp tục chơi, và mơ về cái happy ending VIỄN TƯỞNG vcl đó :LOL:.
 
Back
Top