Chấn thương thể thao, điều không thể lơ là - Kỳ 2: Y học thể thao Việt Nam đang ở đâu?

Cryolite C

Senior Member

Chấn thương có thể đến với bất cứ ai, chơi môn thể thao nào từ chạy bộ, đá bóng, bơi lội, võ thuật... Tập golf cũng có thể làm gãy xương sườn.

Chấn thương thể thao ngày càng xuất hiện nhiều ở các sân chơi phong trào - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chấn thương thể thao ngày càng xuất hiện nhiều ở các sân chơi phong trào - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Có thể ít ai ngờ, nhưng có lần tôi gặp một ca chấn thương gãy xương sườn do chơi golf - môn mà mọi người nghĩ là nhẹ nhàng. Các chấn thương trong thể thao là một lĩnh vực phức tạp, khó lường như vậy đấy", tiến sĩ - bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, một trong những người đi tiên phong về lĩnh vực y học thể thao ở Việt Nam, kể.

Và dù những chấn thương thể thao đã tồn tại suốt hàng chục năm qua, y học thể thao vẫn còn là một lĩnh vực đầy mới mẻ tại Việt Nam.

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh trong một hội thảo về y khoa - ẢNh: NVCC

Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh trong một hội thảo về y khoa - ẢNh: NVCC

Chưa có đào tạo rõ ràng

"Chuyên ngành của tôi vốn là nội soi khớp. Nhiều năm trước, tôi vẫn nhớ hầu hết các ca chấn thương dây chằng đều là do tai nạn giao thông. Nhưng đến những năm gần đây, quá nửa số ca chấn thương dạng này là do chơi thể thao", bác sĩ Tăng Hà Nam Anh đưa ra một ví dụ minh chứng cho tỉ lệ chấn thương ngày càng cao do chơi thể thao.

Đây là kết quả dễ hiểu khi mà phong trào thể thao được nâng cao trong đời sống người Việt, nhưng đi kèm đó cũng là những rủi ro cao về mặt chấn thương. Và rủi ro lại càng cao hơn khi hầu hết người chơi không có nhiều kiến thức về việc phòng tránh, sơ cứu chấn thương. Để rồi khi tình hình xấu đi, ai cũng phải đau đầu với câu hỏi: "Tìm đâu các bác sĩ có thể chữa dứt các chấn thương của mình?".

"Y học thể thao là một lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam. Hiện tại trong các trường y ở Việt Nam hầu như chưa giảng dạy nhiều về lĩnh vực này. Và theo tôi biết hiện chỉ có một bệnh viện chuyên chữa trị chấn thương thể thao là Bệnh viện Thể thao Việt Nam ở Mỹ Đình. Hầu hết các bác sĩ trong lĩnh vực này là dân chấn thương - chỉnh hình sang, vì các chấn thương thể thao đa số đều liên quan đến xương khớp.

Nhưng để chữa trị chấn thương thể thao không đơn thuần chỉ là phẫu thuật. Chúng tôi phải làm sao cho người bệnh có thể quay trở lại và đảm bảo rằng họ không bị tái phát chấn thương. Vì vậy, y học thể thao là một mảng lớn liên quan đến các vấn đề về nội tiết, dinh dưỡng, tập luyện... Để xử lý những vấn đề trong y học thể thao cần có định hướng rõ ràng, vì mỗi người lại có những vấn đề phát sinh riêng biệt. Chẳng hạn như những người có lồng ngực xẹp hay bị bàn chân bẹt thì khó lòng chơi chạy bộ được", bác sĩ Tăng Hà Nam Anh chia sẻ.

Bóng đá là môn có rủi ro chấn thương cao vì tranh chấp dữ dội - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Bóng đá là môn có rủi ro chấn thương cao vì tranh chấp dữ dội - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Tiến bộ từng ngày

Còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực y học thể thao vẫn từng bước được hình thành tại Việt Nam. Hiện tại ở TP.HCM một số bệnh viện đã hình thành khoa hoặc đơn vị y học thể thao. Bác sĩ CKII Võ Châu Duyên, trưởng khoa chấn thương - chỉnh hình và cũng là người đứng đầu đơn vị y học thể thao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (quận 5, TP.HCM), cho biết đơn vị của ông ra đời từ năm 2015 với nòng cốt là các bác sĩ từ khoa chấn thương - chỉnh hình.

"Ngành chấn thương - chỉnh hình là ngành gắn liền với y học thể thao. Một số anh em bác sĩ trong khoa chúng tôi rất đam mê thể thao, đều ao ước có thể phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực này. Hiện tại việc đào tạo ngành này hầu như còn chưa có ở Việt Nam nên các bác sĩ chủ yếu học về lĩnh vực này qua những khóa du học nước ngoài. Như đơn vị chúng tôi sắp sửa gửi bác sĩ sang Thái Lan - là nơi khá phát triển về y học thể thao trong khu vực", bác sĩ Duyên nói.

Vì ngành y học thể thao Việt Nam chưa thực sự phát triển, nhiều người khi bị chấn thương thường tìm đường ra nước ngoài phẫu thuật và điều trị. Nhưng theo bác sĩ Võ Châu Duyên, nhiều bệnh nhân có thể tin tưởng vào ít nhất là yếu tố phẫu thuật ở Việt Nam.

"Đúng là ở Việt Nam chưa có đào tạo chuyên sâu về y học thể thao. Nhưng so với nhiều năm trước, ngày nay bác sĩ chúng tôi được tiếp cận tài liệu nước ngoài khá đầy đủ. Trang thiết bị cũng không quá thua kém một số nước phát triển lĩnh vực này, như máy nội soi, phòng tập vật lý trị liệu... đều đầy đủ. Yếu tố quan trọng nhất là về mặt con người. Một bác sĩ như tôi mổ trung bình 10 - 20 ca/tuần, đó là mật độ rất dày so với bác sĩ nhiều nước phát triển có khi chỉ mổ 2-3 ca/tuần. Các bác sĩ Việt Nam vì vậy rất có kinh nghiệm về mặt phẫu thuật", bác sĩ Võ Châu Duyên nói.

Chấn thương thể thao có thể đến với bất cứ ai, chơi môn nào - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Chấn thương thể thao có thể đến với bất cứ ai, chơi môn nào - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Mặt khác, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh cho biết y học thể thao thực sự phải có một đội làm việc cùng nhau mới có thể giải quyết triệt để các chấn thương của người bệnh. "Nhiều lúc người bệnh đến gặp bác sĩ vì vấn đề về khuỷu tay. Rồi sau đó HLV quần vợt của anh này lại hướng dẫn một cú đánh vốn không tốt cho khuỷu tay. Cứ vậy thì tình hình sẽ càng tệ hơn. Ít nhất giữa bác sĩ, người bệnh và HLV thể thao của người bệnh phải có sự liền lạc với nhau", bác sĩ Tăng Hà Nam Anh nói.

Bác sĩ Võ Châu Duyên cho biết đơn vị của ông sẵn sàng cộng tác với các CLB, trung tâm thể thao trong tương lai. "Đây là mô hình phù hợp, tốt cho cả VĐV, HLV và bác sĩ chúng tôi. Hồi năm ngoái, đội ngũ của đơn vị y học thể thao Bệnh viện Nguyễn Tri Phương từng cộng tác với đoàn thể thao Việt Nam dự Para Games diễn ra tại Hà Nội. Và tôi vẫn thường khuyên các anh em bác sĩ là để có thể hiểu rõ các ca chấn thương, chúng ta cần phải chơi cụ thể những môn thể thao đó", bác sĩ Võ Châu Duyên nói.

...
 
Back
Top