Chi thêm chục triệu đồng du lịch kết hợp đi ăn cưới, công tác

Cryolite.3

Senior Member
https://zingnews.vn/chi-them-chuc-trieu-dong-du-lich-ket-hop-di-an-cuoi-cong-tac-post1381119.html
15 triệu đồng là số tiền mà Hương Giang (23 tuổi, Hà Nội) nhẩm tính mình vừa chi ra cho lần đi ăn cưới người thân ở trong TP.HCM vào cuối tháng 10 vừa qua.

z3929631879687_c6d5f380ddff09eea83ceb2995c1c73a.jpg

Thực tế, tiền mừng chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là chi phí cho vé máy bay, thăm thú quanh thành phố và tranh thủ du lịch 3 ngày 2 đêm đến vùng biển Ninh Thuận.

Giang cho biết muốn tận dụng cơ hội để đi chơi các địa điểm du lịch, thay vì bay vào và bay ra trong vỏn vẹn 1-2 ngày.

“Tôi muốn đi Ninh Thuận từ lâu nhưng ngại việc tỉnh thành này chưa có sân bay, việc di chuyển tốn nhiều thời gian. Cùng một công bay đến TP.HCM, xong việc là có thể bắt xe khách đến Ninh Thuận khá thuận tiện”, Giang chia sẻ.

Theo cô, điều quan trọng là công việc hiện tại linh hoạt ở mặt chỗ làm, không nhất thiết phải có mặt, chấm công mỗi ngày. Cô không cần nghỉ phép dài ngày mà duy trì làm việc từ xa.

Giống với Giang, nhiều bạn trẻ giờ có xu hướng kết hợp du lịch với các mục đích khác như làm việc, dự đám cưới khi điều kiện công việc của họ cho phép.

ton tien an cuoi anh 1
Việc dự đám cưới ở nơi xa khá tốn kém về mặt tiền bạc và thời gian. Dù vậy, khách mời vẫn chấp nhận vì mặt tình cảm. Ảnh: Pexels.

Khoản tốn kém nhất​

Cuối tháng 10, Huyền Lương (24 tuổi, TP.HCM) đặt vé về Hà Nội dự đám cưới của người bạn thân thời sinh viên, cộng với về thăm gia đình sau nhiều tháng xa nhà.

Việc nhận lời mời đi ăn cưới xa phụ thuộc vào hai yếu tố chính là mức độ thân thiết của mối quan hệ và khả năng sắp xếp thời gian tham dự.

“Cuối năm, phần lớn đều bận rộn chạy nốt KPI nhưng tôi vẫn ưu tiên tầm quan trọng của tình bạn. Ngày trọng đại, cô dâu, chú rể chắc chắn muốn có những người bạn thân thiết nhất đến chung vui”, cô bày tỏ.

Trước đó, cô cũng từng bay ra Nha Trang (Khánh Hòa) để dự hôn lễ của một đồng nghiệp chơi thân. Trong 2-3 ngày ở lại, tranh thủ những lúc xong việc sớm, cô dạo chơi ngoài bãi biển và tham quan vài địa điểm khác.

Chung suy nghĩ, Minh Anh (23 tuổi, TP.HCM) cho rằng việc tham gia các lễ cưới ở xa khá tốn kém. Nữ nhân viên kinh doanh online thường chỉ nhận lời đi hiếu hỷ của thành viên trong gia đình hoặc của bạn bè chơi rất thân.

ton tien an cuoi anh 2
Minh Anh chi hơn 4 triệu cho cặp vé khứ hồi. Ảnh: NVCC.

Điều này giúp cô dễ dàng hòa vào không khí của buổi lễ và thấy thời gian bỏ ra xứng đáng.

"Cái hay của việc ăn cưới xa là có dịp trải nghiệm sự khác nhau trong văn hóa vùng miền. Nếu ở miền Nam, thức ăn được mang lên từng món, khách mời ngồi lai rai cả buổi thì tiệc cưới ở miền Bắc diễn ra rất nhanh gọn", Minh Anh so sánh.

Ngoài ra, khi đi ăn cưới xa, không phải tiền mừng, những khoản như vé máy bay, tiền thuê khách sạn mới chiếm nhiều nhất.

Huyền cho biết để tiết kiệm, cô cố đặt chuyến bay từ sớm, trung bình rơi vào khoảng 3-3,5 triệu đồng cho hai chiều TP.HCM - Hà Nội. Chỗ ở, phương tiện di chuyển thường có phía cô dâu, chú rể hỗ trợ sắp xếp.

Còn với Minh Anh, do khó sắp xếp lịch, cô chủ yếu đặt vé sát giờ, dẫn tới chi phí tăng lên. Thay vì ở nhờ nhà người thân hoặc bạn bè, cô chọn thuê khách sạn bên ngoài để tiện sinh hoạt và thoải mái về giờ giấc.

Cô thường chọn loại phòng có mức giá trung bình 700.000-800.000 đồng/đêm. Nhân với 4 ngày vừa đi chơi vừa ăn cưới, con số riêng cho khoản lưu trú rơi vào tầm 3,2 triệu đồng.

Vẫn chạy deadline đều đặn​

Sau đám cưới của đồng nghiệp tổ chức ngoài Hà Nội, Tuấn Nguyên (27 tuổi, TP.HCM) dành 3 tuần ở lại vì vốn yêu thích khung cảnh và những món ăn ngon ở thủ đô. Anh không tính chính xác số tiền bỏ ra, nhưng ước chừng cộng tiền vé máy bay, thuê homestay và đi lại bằng xe công nghệ đã ngót nghét 10 triệu đồng.

Ban ngày, anh lên chi nhánh công ty ngoài Hà Nội làm việc như bình thường, tối tụ tập mọi người đi chơi, ăn uống. "Tôi có nhiều người quen ngoài này nên không thấy lạc lõng hay nhàm chán", anh kể.

Thừa nhận đi ăn cưới xa khá tốn kém, nhưng mục đích chính là du lịch và thay đổi không gian làm việc nên Tuấn khá thoải mái và không quá chắt bóp chuyện tiền bạc.

"Khi chạy deadline ở nơi mới mẻ, tôi dễ có cảm hứng và nảy ra ý tưởng giúp cải thiện hiệu quả công việc. Nếu trót tiêu quá tay, tôi chọn chăm chỉ 'cày' bù lại", anh nhấn mạnh.

Khi được hỏi liệu muốn có thêm những chuyến du lịch kết hợp làm việc, Tuấn khẳng định vẫn sẽ tiếp tục nếu có cơ hội và tài chính cho phép.

"Những địa điểm tôi muốn có trải nghiệm tương tự là Đà Nẵng và Đà Lạt", anh nói.

ton tien an cuoi anh 3
Nhờ kết nối online, dân công sở được linh hoạt lựa chọn nơi làm việc, cả khi họ đang đi du lịch. Ảnh: Freepik.

Công việc bận rộn trong ngành Quảng cáo, khó có ngày nghỉ trọn vẹn khiến các chuyến đi đến Tà Xùa (Sơn La), Y Tý (Lào Cai) của Minh Đức (26 tuổi, Hà Nội) đều là những lần vừa du lịch vừa làm việc.

"Một phần do tính chất công việc, một phần do bản thân mang nỗi sợ bị bỏ lỡ. Trong mắt những người đồng hành, chuyện tôi đi chơi vẫn kè kè máy tính bên cạnh khá kỳ cục vì mọi người chỉ du lịch thuần túy", anh cho biết.

Lâu dần, nhóm bạn thân đã quen với cảnh trong lúc mọi người tranh thủ ngắm cảnh, chụp ảnh check-in, Đức vẫn cặm cụi ngồi một góc làm việc. Khi anh xử lý xong xuôi cũng là mọi người ra về.

"Nhưng cũng có lúc, tôi dành nguyên một ngày ngồi trong quán cà phê trên núi chỉ để làm việc. Khung cảnh thiên nhiên xung quanh tạo cho tôi cảm giác thoải mái và bình yên. Sự tập trung, hứng khởi được đẩy lên nhờ đó".

Trào lưu nghỉ dưỡng kết hợp​

Theo BBC, đi làm và đi chơi vốn là hai khái niệm tách biệt khỏi nhau. Song, xu hướng làm việc từ xa lên ngôi đã giúp dân công sở ở nhiều nơi được lựa chọn vừa du lịch, vừa chạy deadline, tạo thành trào lưu có tên gọi workcation.

ton tien an cuoi anh 4
Minh Đức muốn ngắt kết nối với công việc trong lúc đi chơi. Ảnh: NVCC.

Theo kết luận từ hội thảo “Xu hướng công tác kết hợp nghỉ dưỡng”, một trong những xu hướng quan trọng nhất hiện nay của ngành du lịch và dịch vụ là xu thế công tác kết hợp nghỉ dưỡng.

Nghiên cứu về xu thế này đã tìm ra bốn xu hướng phụ mới nổi đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người đi du lịch:

  • Làm việc linh động từ xa: nhờ xu hướng "làm việc ở bất cứ đâu", dân văn phòng lựa chọn các địa điểm lý tưởng hơn để làm việc như resort biển hoặc khu nghỉ dưỡng ở ngoại ô.
  • Công tác kết hợp nghỉ dưỡng: Ngày càng có nhiều người đi làm có kế hoạch kéo thời gian đi công tác nhằm tận dụng kết hợp với thời gian nghỉ dưỡng và đưa gia đình đi cùng.
  • Những người trau dồi kĩ năng mới và làm nhiều nghề khác nhau để đi du lịch: Những người trẻ đi du lịch nhằm tìm nguồn cảm hứng mới, giao lưu, kết nối và tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp.
  • Gia đình nhiều thế hệ đi du lịch: Những chuyên đi du lịch cùng với nhiều thế hệ trong gia đình, khách hàng sẽ tìm kiếm một điểm đến có thể đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng dành cho mọi lứa tuổi.
Điểm hấp dẫn nhất chính là dân văn phòng đang tận dụng, kết hợp hai khía cạnh để biến việc kiếm tiền trở nên bớt căng thẳng.

Song, thực tế là workcation sẽ không thể thay thế hẳn kỳ nghỉ đúng nghĩa. Người lao động vẫn cần thời gian tạm xa khỏi công việc, nếu không nguy cơ gia tăng căng thẳng và kiệt sức là hiển nhiên.

"Có những hôm ở Hà Nội, tôi muốn đi chơi nhưng lại bị deadline 'dí'. Ăn qua loa cho xong, tôi chạy vội ra quán cà phê để giải quyết nhiệm vụ sếp giao", Tuấn Nguyên nói về sự bất tiện.

...
 
Back
Top