kiến thức Đặc điểm của hệ thống công trình phòng thủ vùng biển dưới Triều Nguyễn (1802-1885)

S T U P I D

Junior Member
Nguyễn Minh Đại


Biển luôn có vai trò và vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Việc xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền vùng biển là vấn đề có ý nghĩa lâu dài, trọng yếu đối với việc giữ gìn bền vững quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ để tạo ra sự ổn định, phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Với tầm quan trọng như vậy, triều Nguyễn đã rất quan tâm đến việc phòng thủ vùng biển. Trên cơ sở đó, triều Nguyễn đã xây dựng một hệ thống công trình phòng thủ ven bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam với quy mô lớn và vũ khí tối tân nhất để bảo vệ vùng lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia thống nhất.


1. Quy mô, mức độ trang bị vũ khí của các công trình phòng thủ có sự khác biệt rõ rệt.


Ở Kinh sư, cửa biển Thuận An được triều Nguyễn đánh giá là “cái thành vàng hào sôi” trấn giữ Kinh thành, cửa ngõ ra biển của Kinh đô Huế, nơi tàu thuyền ra vào Kinh thành buôn bán và là nơi “vài năm nay mỗi ngày một sâu thêm, độn cát hai bên tả hữu ôm lại, cửa biển khác không thể ví được. Ví như đột nhiên có việc gấp thì pháo đài bắn ra, dẫu có thuyền ghe trăm vạn cũng không làm gì ta được” (1). Vì vậy, nhà Nguyễn đã cho tập trung nhiều cơ sở bố phòng tại cửa biển Thuận An như pháo đài Trấn Hải, pháo đài Hòa Duân, tuyến phòng thủ Tam Giang – Sông Hương, Hải Vân quan… Ở thành Trấn Hải, năm 1858 vua Tự Đức cho đặt thêm 2 khẩu súng “Vô địch đại tướng quân” và một cỗ súng “Trấn oai địch đại tướng quân”. Tính đến năm 1861 ở cửa Thuận An có 308 súng cỡ lớn các loại (đại pháo, oanh sơn, quá sơn, thần công, vũ công, đăng uy, thắng cơ, chấn uy, phi sơn), số lượng súng ống và binh sĩ còn được tăng cường hơn vào năm 1881 – 1882.


Ở Đà Nẵng: Triều Nguyễn đã cho xây dựng các công trình phòng thủ và cấp báo ở cửa biển Đà Nẵng như: Thành Điện Hải, thành An Hải, pháo đài Phòng Hải… Với quy mô của hệ thống phòng thủ và sự quan tâm của triều Nguyễn trong việc bố phòng chứng tỏ triều Nguyễn rất chú trọng đến của biển Đà Nẵng. Cụ thể về trang bị vũ khí như sau:


Thời Thiệu Trị, năm 1847, ở thành Điện Hải tổng cộng có 30 cỗ, gồm 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng đồng Tướng quân, 3 cỗ súng gang và 22 cỗ súng gang Hồng y; thành An Hải tổng cộng có 22 cỗ, gồm 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng đồng Tướng quân, 2 cỗ súng gang và 15 cỗ súng gang Hồng y; pháo đài Định Hải tổng cộng có 7 cỗ, gồm 2 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 4 cỗ súng gang Tướng quân, 1 cỗ súng gang Hồng y; pháo đài Phòng Hải được đặt 19 cỗ, gồm 1 cỗ súng đồng Chấn uy Đại tướng quân, 4 cỗ súng đồng Đại luân xa Thảo nghịch tướng quân, 1 cỗ súng đồng Tướng quân, 3 cỗ súng gang và 10 cỗ súng gang Hồng y. Tuy nhiên, một hạn chế của hệ thống phòng thủ Đà Nẵng là sự bố trí dày đặc các căn cứ quân sự nhưng không phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ cho từng căn cứ. Điều này dẫn đến việc chồng chéo, trông chờ nhau. Nó mang tính phô trương hơn là hiệu quả tác chiến.


Ở miền Bắc, những vị vua đầu tiên của triều Nguyễn luôn ý thức rất cao vấn đề chủ quyền biển đảo cả nước nói chung và miền Bắc nói riêng. Năm 1829, vua ban dụ rằng: “Bờ biển nước ta kéo dài việc tuần phòng ngoài biển rất quan trọng”. Mặc dù ở xa kinh đô nhưng không vì thế mà biển đảo miền Bắc mất đi ý nghĩa quan trọng của nó đối với việc bảo vệ vương triều và chủ quyền của đất nước. Chính vì vậy, Gia Long – Minh Mạng đã cho xây dựng hệ thống công trình phòng thủ nhằm khẳng định vị thế người chủ vùng biển đảo, như ở thành tỉnh Quảng Yên cho đặt 30 cỗ súng các loại, 2 cỗ súng đồng Đại luân xa, 4 cỗ súng đồng Phách sơn, 4 cỗ súng đồng Quá sơn, 12 cỗ súng đồng Hồng Y.


Ở miền Nam, nhận thức sâu sắc về vai trò của biển đảo đối với tồn vong của vương triều, năm 1811, vua Gia Long đã căn dặn với triều thần “Côn Lôn, Phú Quốc, Thị Nại, Cù Mông, trẫm cùng tướng sĩ các ngươi đã trăm trận đánh vất vả mới có ngày nay. Lúc yên cũng như lúc nguy, đó thực là đạo giữ nước yên dân” (2). Công việc của phòng biển đảo trở thành nhiệm vụ quan trọng của triều đình và các địa phương, ở đây có các pháo đài đồn lũy quan trọng như pháo đài Hữu Bình, pháo đài Tạ Đình, pháo đài Kim Dữ và quan trọng hơn cả là pháo đài Thanh Hải ở đảo Côn Lôn; đồn Phú Quốc và đồn Hàm Ninh ở đảo Phú Quốc. Ở đồn Phú Quốc được trang bị tổng cổng 12 cỗ súng các loại, trong đó 4 khẩu Hồng y cương pháo, 8 khẩu quán sơn đồng pháo.


Các tấn, bảo được nhà nước cấp phát binh khí để thực hiện nhiệm vụ canh phòng. Tuy nhiên, số lượng binh khí được cấp phát không nhiều và không giống nhau ở các pháo đài trọng yếu miền biển được trang bị vũ khí và phương tiện canh phòng hơn hẳn các tấn, bảo, sở. Các loại vũ khí, nhất là súng thần công được chia đặt, phân phát trong phòng thủ cửa biển, tùy theo mức độ và thời điểm mà đặt nhiều hay ít, trong đó đặc biệt quan tâm tới Thuận An và Đà Nẵng. Bên cạnh đó, các pháo đài trọng yếu còn được cấp phát kính thiên lý để quan sát mặt biển, tuần tra vùng cửa biển, giúp làm yên miền biển và giúp hiệu lệnh treo cờ, bắn súng truyền tin ở các pháo đài được chuẩn xác.


Địa điểm đặt các tấn, bảo, sở, pháo đài được suy tính kĩ lưỡng trong thế tương trợ lẫn nhau. Một số pháo đài cũng được đặt trong sự tương trợ của đồn trạm nơi gần đó, hình thành hàng rào bảo vệ sự yên ổn cho cả phía biển và trên đất liền. Nhiều cơ sở bố phòng, nhất là các pháo đài được xây dựng trên những địa hình núi cao ven biển hay trên những địa hình cao ở những hòn đảo gần cửa biển để phát huy hiệu quả trong khả năng quan sát mặt biển. Ví dụ ải Hải Vân, pháo đài Định Hải, pháo đài Phòng Hải, pháo đài Tĩnh Hải.


Có thể nói hệ thống phòng thủ như trên là dày đặc, cực kì hùng hậu và rất đáng kể ở khu vực Đông Nam Á bấy giờ. Với hệ thống này ít nhiều làm e ngại các thế lực có âm mưu tấn công xâm lược. Ngay cả Rigaul de Genouilly – tổng chi huy cuộc tấn công Đà Nẵng vào năm 1858 đã gửi báo cáo về Paris sau trận đánh ngày 1-9-1858 cũng phải thừa nhận “Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn rất nhiều so với những gì tôi nhìn thấy ở Trung Hoa” (3). Hệ thống phòng thủ này không chỉ thể hiện sức mạnh của triều Nguyễn, mà còn là tâm huyết và quyết tâm của các vua nhà Nguyễn bảo vệ vững chắc cửa ngõ trọng yếu của đất nước trước nguy cơ ngoại xâm tấn công.


Bên cạnh xây dựng các cơ sở bố phòng mới, công việc tu bổ, sửa chữa di dời các pháo đài, tấn, bảo, sở đến những nơi thích hợp hơn đảm bảo sự vững chắc nơi cửa biển cũng được các vua triều Nguyễn quan tâm.


2. Lực lượng bố phòng được quy định ở các công trình phòng thủ dựa trên vị trí, tầm quan trọng của các cửa biển và hải đảo.


Có thể thấy, lực lượng bố phòng được quy định ở các công trình phòng thủ dựa trên vị trí, quy mô và tầm quan trọng của các cửa biển và hải đảo. Các cửa biển nhỏ thì giao cho dân trong vùng phụ giữ (thường gọi là phụ lũy). Tùy theo mức độ quan trọng của cửa biển mà triều Nguyễn tăng cường hay thoái triệt lực lượng tại tấn sở. Hoạt động này chủ yếu được thực hiện vào năm Tự Đức thứ 3 (1850). Riêng Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều đảo và quần đảo quan trọng nên được bố trí thủy quân thực thi nhiệm vụ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải trước đó. Bên cạnh quân đội chính quy, dân trong vùng cũng tham gia đắc lực vào nhiệm vụ tuần phòng vừa canh giữ ngoài khơi. Việc phòng thủ vùng biển ở các địa phương hầu hết nhà nước đều giao quyền chủ động tác chiến cho địa phương, trong đó nhà nước giữ vai trò chỉ đạo.


Ở các tỉnh, tùy theo vị trí mà quân số và biên chế có khác nhau. Các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Trị, Quảng Bình đều chỉ có vệ, số quân của mỗi vệ đều khoảng 500 người. Các tỉnh khác như Quảng Nam, Bình Thuận, Thanh Hóa đều có 2 vệ, riêng Nghệ An có đến 4 vệ. Biên chế ở mỗi vệ gồm 10 đội, mỗi đội 50 người, như thế có khoảng 500 quân thủy ở các tỉnh nhỏ, 1000 quân ở các tỉnh vừa và nhiều nhất là Nghệ An. Tuy vậy cũng cần lưu ý rằng quân số tại cửa biển Đà Nẵng là quân chính quy của triều đình được chia đóng luân phiên thay đổi tại đây: “Biền binh 5 vệ ban trực quân thần sách, hàng năm theo thứ tự phái đi đóng giữ 2 đài Điện Hải, An Hải”, “Hàng năm phái lấy một vệ Kinh binh đi đến hai thành ấy theo quan lãnh binh chia phái đóng giữ các nơi” (4).


Lực lượng quan chế bố phòng của biển chủ yếu là Tấn thủ, Thủ ngữ, Thủ úy, Thành thủ úy. Trong đó Tấn thủ là chức quan cai quản ở các tấn, bảo. Nhưng đến năm 1847, trọng trách coi giữ các tấn, cửa biển lúc này do Tấn thủ hoặc Phòng thủ úy đảm trách. Bên cạnh các chức quan coi giữ của biển ở các cơ sở bố phòng còn có lực lượng quân binh được phiên chế để thực hiện các hoạt động đảm bảo an ninh phòng thủ biển. Số lượng quân binh đóng giữ có thể thay đổi theo mức độ “bận rộn” của công việc. Nhìn chung, tại các pháo đài số lượng quân đóng giữ thường đông hơn các tấn, bảo, sở. Bên cạnh đó ở một số tấn, bảo còn có sự tham gia của dân binh tự nguyện vào hoạt động làm yên miền biển. Ví dụ tấn Cu Đê ở cửa biển tỉnh Quảng Nam, tấn Trà Lý, tấn Diêm Hộ, cửa Lân, cửa Lạn ở tỉnh Nam Định.


Lực lượng phòng thủ này là những người được tuyển chọn từ các địa phương, đặc biệt là những vùng cửa sông, ven biển bởi đây là những vùng có truyền thống đi biển, bám biển.


3. Các pháo đài được xây dựng theo lối kiến trúc Vauban.


Sau khi nhà Nguyễn thành lập, kĩ thuật kiến trúc kiểu phương Tây đã được áp dụng đối với hầu hết các công trình phòng thủ của triều đại này: Từ kinh thành Huế, Gia Định thành, Bắc thành đến thành Điện Hải, thành An Hải, thành Trấn Hải. Thậm chí, cả những đồn canh pháo đài nhỏ (Cô Tô, Ngọc Vừng…) cũng được xây dựng theo kiến trúc Vô băng.


Kĩ thuật kiến trúc Vô băng (Vauban) là một dạng kiến trúc quân sự thiên về phòng thủ, vốn thịnh hành ở Pháp và Tây Âu thế kỷ XVII – XVIII. Kiểu thành Vô băng nổi bật lên với việc bố trí các pháo đài (bastion), những pháo đài gốc (lunnette d’angle), những pháo nhãn (ambrassure), những đường chân thành ngoài (berme), những đường ngoài hào (glacis)… Để áp dụng được kĩ thuật này nhà Nguyễn được sự cố vấn trực tiếp của các sĩ quan Pháp, đắc lực nhất là V.O.Puymanel. Kiểu thành Vô băng đã được triều đình nhà Nguyễn áp dụng phổ biến thời gian từ cuối thế kỷ thứ XVIII sang thế kỷ thứ XIX. Từ Gia Long tiếp đến các Hoàng đế triều Nguyễn sau đó đã cho xây dựng khá nhiều thành lớn theo kiểu nhập ngoại này.


Các quan ải như Hoành Sơn, Hải Vân, đều có kiểu dáng giống nhau. Các đồn lũy dọc tuyến Tam Giang – Sông Hương đều được làm chủ yếu theo hình chữ nhật, phía ngoài có giao thông hào bảo vệ. Thành lũy áp dụng kiểu thành Vauban nhưng có kế thừa và sáng tạo linh hoạt với kiểu thành thời trước của Việt Nam. Hệ thống thành lũy ở Kinh đô hay thành các tỉnh đều xây kiểu Vauban. Các đồn canh phòng mặt biển cũng có kiểu dáng và cấu trúc gần giống nhau.


Nguyên vật liệu xây dựng các công trình phòng thủ rất phong phú, đá xanh, đá gan gà, gạch vồ, đất tre, gỗ các loại, vôi hồ để xây dựng các đập chắn và đồn lũy. Các vật liệu này đều chủ yếu khai thác tại địa phương.


Kỹ thuật xây dựng thành lũy phát triển ở trình độ cao. Việc đóng cọc, xếp đá để xây đập, đắp lũy ở dưới nước cũng như kỹ thuật xây dựng pháo đài và các hệ thống phòng vệ khác đã thể hiện trình độ cao của nền kiến trúc quân sự Việt Nam thế kỷ XIX. Nhưng các đồn, lũy trên tuyến đường biển, đường sông có quy mô nhỏ, hầu hết đều được làm bằng đất và một ít gạch đá. Vì thế, chúng đã không thể bảo toàn trước các loại trọng pháo hiện đại của châu Âu lúc bấy giờ.


4. Hệ thống công trình phòng thủ chủ yếu tập trung ở vùng ven biển, một số đảo ven bờ và chưa có trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


Ở miền Nam, triều Nguyễn đã xây dựng các đồn trú trên đảo, như pháo đài Kim Dữ, xây dựng đồn Phú Quốc ở đảo Phú Quốc. Đây là việc làm quan trọng để tăng cường khả năng kiểm soát vùng biển Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho dựng đồn bảo Thành Hải và pháo đài Thành Hải ở đảo Côn Lôn. Còn ở miền Bắc, triều Nguyễn đã cho xây dựng pháo đài Tĩnh Hải trên đảo Biện Sơn; lập đồn bảo ở Đảo Chàng Sơn; lập đồn ở xã Vĩnh Thực – Vạn Ninh và lập đồn Cù Lao Cát Bà để phòng yên vùng biển đảo.


Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo quan trọng đã được các chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn quản lý và khai thác từ các thế kỷ trước. Sau khi thành lập, triều Nguyễn đã tiếp tục truyền thống của các triều đại trước trong việc quản lý hai quần đảo quan trọng này thông qua việc tái thiết lập đội Hoàng Sa và Bắc Hải có nhiệm vụ khai thác kinh tế và thực thi chủ quyền ở Biển Đông Việt Nam.


Dưới triều Nguyễn, việc quản lý và khai thác tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thực hiện thường xuyên và liên tục. Đây là hoạt động nối tiếp truyền thống từ các triều đại trước. Dưới triều Minh Mạng đã phân biệt rõ hai quần đảo quan trọng này. Hàng năm cứ tháng 3 đến tháng 6, Nhà nước lại cử các đoàn công vụ tại Hoàng Sa. Công việc chủ yếu là đo đạc, cắm mốc, vẽ bản đồ, khai thác sản vật, cứu hộ…


Phương thức xác lập cơ sở pháp lý biển đảo được tiến hành thông qua thiết lập hệ thống hải đồ ở các vùng biển ven bờ phục vụ khẳng định chủ quyền, triều Nguyễn áp dụng phương thức thực thi chủ quyền định kỳ bằng cách cử các đội thủy binh hàng năm gia trực tiếp cắm mốc, đo đạc, vẽ hải đồ để thực thi, bảo vệ chủ quyền của mình. Nhưng ở thời kì này triều Nguyễn chỉ mới dừng lại ở việc khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa qua việc cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu thờ và trồng cây. Do điều kiện tự nhiên và tàu thuyền khó vận chuyển công sự nên thời kì này trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa có các công trình phòng thủ.


5. Hệ thống công trình phòng thủ ở miền Trung, đặc biệt kinh đô Huế và Đà Nẵng được nhà Nguyễn chú trọng hơn so với miền Bắc và miền Nam.


Đối với triều Nguyễn, phòng thủ biển đảo là một trong những vấn đề trọng sự của quốc gia. Phòng thủ từ xa là phương thức phòng bị để đảm bảo cho sự vững bền của triều đại. Ở các cửa biển của các tỉnh nhà Nguyễn đều cho xây dựng, thiết lập hệ thống phòng thủ nhằm đảm bảo an ninh biển đảo. Nhưng trong hệ thống các cửa biển đó, cửa biển miền Trung mà đặc biệt là cửa Thuận An được chú trọng nhất. Xuất phát từ đối tượng ban đầu khi xây dựng hệ thống phòng thủ ở miền Bắc và miền Nam là giặc cướp biển và kiểm soát tàu thuyền ra vào. Nó không giống như cửa biển ở Đà Nẵng hay Thuận An ở miền Trung khi phòng chống giặc ngoại xâm được ưu tiên nhằm bảo vệ cho Kinh đô, chúng ta có thể thấy nhà Nguyễn tổ chức phòng thủ nhằm bảo vệ kinh đô Huế hơn là các nhiệm vụ bên ngoài. Vì vậy, so với các tỉnh ở miền Trung thì các tỉnh miền Bắc và miền Nam, triều Nguyễn vẫn dường như xem nhẹ hơn nhiều trong cách xây dựng thành trì, đặt đồn bảo và các loại súng ống tàu thuyền, điều đó cũng dễ hiểu do xuất phát từ việc các tỉnh ở hai miền không phải là phên dậu trực tiếp bảo vệ cho Kinh thành Huế.


Một bản tâu của Nguyễn Tri Phương vào tháng 7 năm 1867 cho biết ý thức phòng thủ của danh tướng này, đó cũng là một trong những đại diện cho tư tưởng phòng bị lúc bấy giờ: “Xét thấy cửa biển ở kinh đô là nơi xung yếu nhất mà Bình Thuận trở về phía Nam là vùng đất liền với Thị Nại của Bình Định và Đà Nẵng của Quảng Nam, là cửa biển sâu rộng. Lại là vùng đất quan trọng của Tả Kỳ, Kỳ Phụ. Nam Định, Hải Dương trở về phía Bắc vốn là vùng giàu có người đông, là cửa tấn cũng sâu rộng. Nếu bọn chúng có ý đồ xấu thì chúng sẽ gây hấn ở các nơi đó mà Quảng Nam, Đà Nẵng lại gần với Kinh đô thì phải phòng bị. Kinh đô là nhất, thứ đến là Quảng Nam” (5).


Các pháo đài ở kinh thành Huế, Đà Nẵng được chú trọng và xây dựng với quy mô lớn, có thể kể đến như: Pháo đài Hòa Duân có chu vi 712m, thành Trấn Hải có chu vi 302m, thành Điện Hải có chu vi 556m (trong khi đó pháo đài Tĩnh Hải ở Thanh Hóa chu vi 50m, pháo đài Kim Dữ ở Hà Tiên 73m…) xung quanh có các hào sâu bảo vệ, thành được trang bị nhiều ụ súng đại bác cỡ lớn (thành Trấn Hải có 99 ụ súng, thành Điện Hải có 30 ụ súng).


Hệ thống phòng thủ ở hai cửa biển Thuận An và Đà Nẵng đều được trang bị vũ khí hỏa lực mạnh của thời bấy giờ như súng đại bác (gồm súng Thần công, Quá sơn, Phi sơn, Oanh sơn, Xung Tiêu, Chấn Hải…). Súng đại bác được đúc theo kỹ thuật phương Tây. Tuy nhiên, chất lượng và trình độ còn cách biệt rất xa với vũ khí của thế giới thời đó.


Ngoài hai cửa biển được bố phòng chu đáo với lực lượng mạnh là Đà Nẵng và Thuận An thì ở các tỉnh ven biển khác đều có tổ chức phòng thủ với mức độ khác nhau. Nhà Nguyễn đã sắp xếp mức độ ưu tiên trong bố phòng như sau: Kinh sư (Phủ Thừa Thiên), Tả trực (Quảng Nam, Quảng Ngãi), Hữu trực (Quảng Trị, Quảng Bình), Tả kỳ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận) và Hữu kỳ (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa).


Đà Nẵng là cửa khẩu quan trọng hàng đầu của đất nước vào thế kỷ XIX, không chỉ về phương diện quân sự mà cả về thương mại. Đây cũng là cửa khẩu duy nhất được vua Minh Mạng cho phép tàu của phương Tây ra vào buôn bán. Để tăng cường bảo vệ cửa biển này, năm 1813 vua Gia Long cho xây dựng hai pháo đài Điện Hải và An Hải. Đến năm 1823, xây dựng pháo đài Định Hải, năm 1840 xây pháo đài Phòng Hải. Ngoài ra nhà Nguyễn còn cho xây dựng hệ thống đồn lũy kiên cố ở sâu trong cửa sông Hàn: Đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, Hóa Khê, Mỹ Thị, Nại Hiên…quy mô và số lượng của hệ thống phòng thủ chứng tỏ triều Nguyễn rất chú trọng đến cửa biển Đà Nẵng. Thực tiễn về sau, hệ thống phòng thủ Đà Nẵng đã đánh cầm chân và làm vô hiệu hóa quân Pháp khi chúng mở cuộc tấn công nhằm phá thủng tuyến phòng thủ Đà Nẵng để ra chiếm Kinh đô Huế vào các năm 1858-1859.


Có thể thấy hệ thống phòng thủ các cửa biển của các tỉnh ở phía Bắc kinh thành Huế ít được chú trọng hơn so với hệ thống phòng thủ các của biển ở các tỉnh phía Nam kinh thành, ở đây được nhà Nguyễn đầu tư rất lớn nhất là với cửa biển Đà Nẵng. Một điều đáng lưu ý là, mỗi khi Đà Nẵng hữu sự thì các vua Nguyễn (Thiệu Trị, Tự Đức) đều tỏ ra vô cùng lo lắng và tăng cường bố phòng cửa Thuận An. Vua Tự Đức ý thức rất rõ về phòng bị nhưng ông cũng đủ tỉnh táo để nhận thấy đó là một trong muôn việc phải làm ở cửa biển bởi không chỉ phòng bị không là đủ. Nhưng đó là điều không thể không làm mà là sự kế tục lời truyền dạy của các vị vua trước về phòng bị mặt biển.


Như vậy, có thể thấy, do đóng Kinh đô tại Huế nên triều Nguyễn rất chú trọng đến phòng thủ mặt biển mà trực tiếp là vùng biển ở các tỉnh miền Trung với hai cửa khẩu mang tính chiến lược về quốc phòng là Thuận An và Đà Nẵng. Quả không sai trong việc đánh giá vị thế các cảng biển này trước nguy cơ xâm lược từ các pháo hạm phương Tây nên các vua nhà Nguyễn đã tăng cường mọi khả năng phòng thủ kể cả công sự, vũ khí, tàu chiến và quân đội đã làm cho liên quân Pháp – Tây Ban Nha bị thất bại ngay trong trận đánh đầu tiên vào Đà Nẵng năm 1858. Thất bại trong trận Đà Nẵng 1858, Pháp phải từ bỏ chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh để chiếm Kinh đô Huế và phải chuyển hướng tấn công Nam Kỳ. Sau khi chiếm Nam Kỳ mở đầu từ cửa biển Vũng Tàu vào năm 1859, tiếp đó là Bắc Kỳ, cuối cùng chúng mới đánh vào Thuận An ngay sau khi vua Tự Đức qua đời vào năm 1883. Sự kiện này đã đánh dấu sự thất bại của triều đình Huế trong việc phòng thủ đất nước từ phía biển.


Tuy không trực tiếp bảo vệ Kinh đô Huế nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy việc uy hiếp nền an ninh quốc gia thời cận đại đều từ phía biển và khi thất thủ trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước từ miền Bắc hay miền Nam thì sớm muộn sẽ dẫn đến mất chủ quyền; trường hợp quân Pháp tấn công vào Gia Định (2/1859) hay việc thực dân Pháp tấn công bắc kì lần 1 (1873), lần 2 (1882) là một thực tế lịch sử thấm thía sâu sắc cần được nhìn nhận một cách xác đáng, nghiêm túc.


6. Việc xây dựng và trùng tu các công trình phòng thủ được triển khai mạnh mẽ nhất trong bốn vị vua đầu triều Nguyễn.


Vua Gia Long hiểu hơn ai hết về tầm quan trọng của biển đảo, nhận thấy được vị thế của biển và mối lo ngại về việc có thể bị tấn công từ phía biển. Vì thế sau khi triều Nguyễn mới được xác lập, song song với xây dựng bộ máy chính quyền mới thì Gia Long đã chú trọng tới việc phòng thủ vùng biển nói chung và cửa biển Kinh đô nói riêng.


Năm 1806 Gia Long chuẩn định cho đặt tấn thủ cai quản tuần phòng: Tấn Phan Rang 15 tên, Ma Văn 2 tên, tấn Phan Lý 30 tên, tấn Phan Thiết 20 tên… năm 1813 cho xây dựng hai pháo đài Điện Hải và An Hải (năm 1834 đổi làm thành ), năm 1813 đắp thành Trấn Hải – đây là một công trình quân sự quy mô lớn, kiên cố, được các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức luôn quan tâm tu bổ và đặt quan binh phòng giữ.


Minh Mạng lên ngôi sau khi vua cha Gia Long đã cơ bản hoàn thành bộ máy quản lí nhà nước, nên có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế và chú trọng xây dựng hệ thống phòng thủ. Với cải cách hành chính trong năm 1831-1832, đất nước được chia thành 30 tỉnh và 1 phủ Thừa thiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lí nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Các tỉnh chịu trách nhiệm trực tiếp về việc duy trì hoạt động phòng thủ.


Dưới thời Minh Mạng có thể nói hoạt động xây đồn bảo phòng thủ biển đảo được xúc tiến mạnh mẽ, nhất là ở các tỉnh miền Bắc. Năm 1823, chính quyền cho xây dựng pháo đài Định Hải (năm 1823), xây dựng bảo Biện Sơn và pháo đài Tĩnh Hải (Thanh Hóa) (1828), lập pháo đài Thành Hải trên đảo Côn Lôn (năm 1834), đặt pháo đài Ninh Hải trên vùng núi Nha Trang. Năm 1839, nhà vua cho xây dựng đồn Tĩnh Hải và đồn Ninh Hải ở Quảng Yên, năm 1840 xây dựng đồn Thiếp Hải ở Quảng Yên, pháo đài Hổ Cơ ở Bình Định và pháo đài Phòng Hải ở Đà Nẵng…


Mặc dù ở ngôi không lâu, cũng không có đóng góp nhiều cho triều Nguyễn trên tất cả các mặt nhưng vua Thiệu Trị vẫn tiếp nối việc xây dựng đồn bảo để bảo vệ vùng biển đảo mà các vua trước đã làm, cụ thể: Năm 1847 cho xây dựng pháo đài Hòa Duân – đây là công trình phòng thủ bảo vệ cửa biển Thuận An. Năm 1847 Thiệu Trị cho xây dựng thêm 3 bảo (trước đó Minh Mạng cho xây dựng 4 bảo) tất cả là 7 bảo đều đặt súng đại bác để phòng ngự, gọi là Trấn dương thất bảo…


Vua Tự Đức lên ngôi trong bối cảnh vô cùng khó khăn. Cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và các thế lực tư bản phương Tây đã đến rất gần. Nội bộ triều đình lại phân thành các phải chủ chiến, chủ hòa. Nhà vua và triều đình dù đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không thể bảo toàn được Kinh đô và các vùng trọng yếu trong nội địa, vì thế mà hầu như như triều đình Tự Đức không có điều kiện để xây dựng, tu sửa, nâng cấp các hệ thống phòng thủ vùng biển như các vị vua cha.


Năm 1850, Tự Đức cho tổ chức nhân sự bố phòng ở các cửa tấn như: Tấn Cù Mông, Tấn Đà Nùng, Tấn Vũng Lấm, Tấn Xuân Đài, Tấn Phú Sơn, Tấn Đà Diện. Năm 1851 Tự Đức cho bỏ 3 đồn là Nhiếp Hải, Ninh Hải, Tĩnh Hải và giao cho huyện sở tại bắt lính tuần hành do thám. Năm 1857 nghe lời tâu của Đào Trí, vua Tự Đức đã cho xây “Đồn Trấn Dương ở chóp núi (Sơn Trà), để 20 khẩu đại bác; từ thành An Hải đến Sơn Trà, từ thành Điện Hải đến cửa Thanh Khê đều đắp lũy cát, trong gai gốc ngăn giữ…” (6).


Có thể thấy, từ sau thời Minh Mạng, các vua kế tiếp chỉ sửa chữa lại, không có gì cải tiến và đồn bảo xây dựng thêm không nhiều.




CHÚ THÍCH


(1). Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, Tập 3, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr. 60.


(2). Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Tập 1, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr. 881.


(3). Nguyễn Phan Quang (2011), “Thất bại của thực dân Pháp trong ý đồ đánh chiếm Đà Nẵng hòng thực hiện nhanh gọn cuộc xâm lược Việt Nam”, Tạp chí Huế xưa & nay, số 108, tr. 99


(4). Lê Thị Toán (2010), “Phòng thủ cửa biển Thuận An dưới triều Nguyễn”, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 7, tr. 41.


(5). Phước Hải (1999), “Trấn Hải Thành – pháo đài quân sự của triều Nguyễn”, Tạp chí Huế xưa & nay, số 32, tr. 40.


(6). Đỗ Bang (2013), “Triều Nguyễn thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ XIX”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch Sử, số 6, tr. 123.

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2021/12...ng-thu-vung-bien-duoi-trieu-nguyen-1802-1885/
 
Có thể nói hệ thống phòng thủ như trên là dày đặc, cực kì hùng hậu và rất đáng kể ở khu vực Đông Nam Á bấy giờ. Với hệ thống này ít nhiều làm e ngại các thế lực có âm mưu tấn công xâm lược. Ngay cả Rigaul de Genouilly – tổng chi huy cuộc tấn công Đà Nẵng vào năm 1858 đã gửi báo cáo về Paris sau trận đánh ngày 1-9-1858 cũng phải thừa nhận “Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn rất nhiều so với những gì tôi nhìn thấy ở Trung Hoa” (3). Hệ thống phòng thủ này không chỉ thể hiện sức mạnh của triều Nguyễn, mà còn là tâm huyết và quyết tâm của các vua nhà Nguyễn bảo vệ vững chắc cửa ngõ trọng yếu của đất nước trước nguy cơ ngoại xâm tấn công.
Đọc câu in nghiêng thấy tự hào quá các bác ạ :smile:
 
Ngày xưa triều Nguyễn đóng đô ở Huế tuy xa Trung Quốc với Thái Lan nhưng lại dễ bị đánh từ biển vào, đó cũng là nguyên nhân đóng góp vào sự thất thủ của triều Nguyễn với đế quốc Pháp khi kinh thành quá dễ bị uy hiếp
 
Back
Top