Hàn Quốc sản xuất pin giá rẻ cạnh tranh với Trung Quốc

MasterchiefsReborn

Senior Member
https://laodong.vn/the-gioi/han-quoc-san-xuat-pin-gia-re-canh-tranh-voi-trung-quoc-1157017.ldo

Sau nhiều năm áp dụng chiến lược giá cao, LG Energy Solution, Samsung SDI và SK On đang dần chuyển hướng sang pin giá rẻ để cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc.

Đặt kỳ vọng vào pin LFP


SK On - công ty con của SK Innovation - sẽ ra mắt pin lithium sắt photphat (pin LFP) đầu tiên của mình trong triển lãm thương mại InterBattery khai mạc ngày 15.3 tại Seoul, đánh dấu việc chính thức gia nhập thị trường pin cấp thấp đang do các đối thủ ở Trung Quốc thống trị.

“Sau khi áp dụng thành công công nghệ pin dung lượng cao niken cho các tế bào pin LFP, pin của chúng tôi cho phép xe điện có phạm vi hoạt động cao hơn 70 đến 80% so với hầu hết các pin LFP hiện có do các công ty Trung Quốc sản xuất” - một quan chức của SK On cho biết.

Quan chức này nói thêm, dòng sản phẩm mới sẽ giúp đa dạng hóa nhóm khách hàng doanh nghiệp cũng như đảm bảo khả năng cạnh tranh về giá cả.

LG Energy Solution - công ty lớn nhất trong số ba công ty - cũng có kế hoạch giới thiệu pin LFP cho các hệ thống tích trữ năng lượng trong cuộc triển lãm sắp tới.

Trước đó, LG Energy Solution cho biết sẽ chuyển đổi và thiết lập các dây chuyền sản xuất hiện có ở Trung Quốc và Mỹ theo hệ thống sử dụng pin tích trữ năng lượng (ESS) với chất liệu lithium sắt photphat.

Bởi vì nhà máy ở Trung Quốc của LG Energy Solution đặt tại thành phố Nam Kinh đã sản xuất pin lithium niken mangan coban oxit (pin NMC) cho Tesla, nên có nhiều đồn đoán rằng một số pin LFP của hãng có thể được cung cấp cho siêu nhà máy của hãng xe này tại Thượng Hải.

Trước đó, Tesla chỉ sử dụng pin LFP do hãng sản xuất pin lớn nhất thế giới ở Trung Quốc CATL sản xuất.

Một quan chức của LG nhận định: “Pin LFP do Hàn Quốc sản xuất sẽ có ưu thế hơn về chất lượng sản phẩm và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ”.

Mặt khác, Samsung SDI đang tập trung phát triển pin mangan cao mà không có coban. Cùng với niken, coban là một vật liệu pin đắt tiền.

“Pin chứa nhiều mangan có mật độ năng lượng cao hơn so với pin LFP nhưng rẻ hơn và ổn định hơn so với pin NCM” - một quan chức của Samsung cho hay.

Công suất của một tế bào pin mangan cao tương đương với năng lượng của gần như hai tế bào pin LFP cộng lại, giúp việc sản xuất các tế bào pin có hàm lượng mangan cao tiết kiệm được chi phí giống như những tế bào LFP.

Không có lựa chọn rẻ hơn

Theo Korea Herald, nhiều năm trước, LFP bị coi là loại pin cấp thấp chủ yếu được sử dụng cho xe điện Trung Quốc. Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc chuyển sang sử dụng pin NCM cho xe điện cao cấp. NCM là loại pin giá cao, có mật độ năng lượng cao hơn LFP.

Nhưng gần đây, cùng với doanh số bán xe điện tăng, tâm lý thị trường bắt đầu thay đổi. Do cạnh tranh gay gắt, các nhà sản xuất ôtô rất muốn giảm giá bộ pin vì pin chiếm gần 50% giá xe.

Ông Choi Jae-won - giáo sư hóa học tại Đại học Quốc gia Gyeongsang, Hàn Quốc - cho biết: “Giảm giá pin thực sự là cách hiệu quả nhất để hạ giá xe".

“Các nhà sản xuất pin Hàn Quốc có thể áp dụng chính sách giá cao khi nói đến điện thoại thông minh có bộ pin nhỏ hơn, nhưng đối với xe điện lớn hơn, họ phải chịu áp lực lớn hơn trong việc giảm giá pin”.

Ông Yoon Young-soo - giáo sư kỹ thuật năng lượng tại Đại học Hàn Quốc - cho biết: "Các tế bào pin NCM đang dần mất khả năng cạnh tranh khi các nhà sản xuất pin Trung Quốc cho ra đời các loại pin LFP tiên tiến hơn như "pin hình trụ 4680"”.

“Các công ty Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện của họ ngay cả ở những thị trường cao cấp hơn” - ông nói.

Tháng 1.2023, hai nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới là CATL và BYD của Trung Quốc đều thống trị thị trường. Theo báo cáo của SNE Research, CATL đứng đầu với 33,9% thị phần dù không có pin NCM, trong khi BYD đứng thứ hai với 17,6%.

Trong khi đó, ba công ty của Hàn Quốc có chiếm 23,2%. LG Energy Solution với 13%, Samsung SDI với 5,5% và SK On với 4,7%.

Giáo sư Choi nhận định: “Hiện tại, không có lựa chọn nào rẻ hơn để thay thế pin LFP trên thị trường. Nếu không chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang LFP, vốn đang nhanh chóng trở thành bộ pin chính, các công ty Hàn Quốc có thể mất thị trường vào tay Trung Quốc”.

Hiện tại, pin LFP có giá rẻ hơn khoảng 20 đến 30% so với pin NCM.

........
 
Back
Top