kiến thức Học phi công

Airbus A350

Senior Member
Phần 1: Hành trang
Phần 2: Học lý thuyết. https://voz.vn/t/hoc-phi-cong.508859/post-16392150
Phần 3: Huấn luyện bay https://voz.vn/t/hoc-phi-cong.508859/page-3#post-16506175

Chào các vozer. Mình xin phép lập ra thread này, post ở box Kinh tế/Luật do không có box phù hợp với ngành của mình, vả lại ngành mình học cũng có học về Luật Hàng không nên dù sao cũng có chút dính dáng về luật :shame: , nếu mod nào đi qua cảm thấy không phù hợp thì move qua box khác giúp mình, mình cảm ơn. Quay lại chủ đề, mình tạo ra thread với mục đích chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn có dự định học hoặc đang tìm hiểu về ngành phi công, nhằm giúp các bạn có một cái nhìn toàn cảnh về ngành phi công. Mình là 9x đầu cuối (khoảng 96-99 gì mình cũng không rõ :shame: ), nhỏ hơn nhiều bô lão trên voz này nhưng cũng không phải quá trẻ, nên xin phép được xưng mình bạn cho gần gũi, bác nào thấy khó chịu thì thông cảm giúp em. Mình theo dõi voz từ những năm 2015, quá lười reg acc, đến 2019 quyết định reg acc để đua xe thì forum lúc đó khoá reg, mãi đến cuối 2020 mình reg được một nick thì đã bị đi đày ra đảo 4ever do một lần không làm chủ được tốc độ đua :sad: , nên từ đó mình sống healthy & balanced hơn. :burn_joss_stick: Nói sơ về background bản thân, mình là học viên tốt nghiệp phi công cơ bản, đã hoàn thành khoá học bay cơ bản ở một trường bay thuộc châu Úc, mình đã phỏng vấn và đã được tiếp nhận vào một hãng hàng không ở VN. Xin phép không tiện nói tên trường mình học và tên hãng, do trên voz có một số anh em tàu ngầm cùng trường hoặc có quen biết mình :shame: . Nếu mình có thiếu hoặc sai sót gì mong các anh em cùng ngành bổ sung hoặc chỉnh sửa giúp mình. :beauty: . Luyên thuyên vài dòng thôi, mình sẽ vào việc ngay. :matrix:

PHẦN 1: Hành trang

  • Học phi công ở đâu?
Nếu các bạn có dự định làm việc cho Vietnam Airlines, bạn có thể đi học ở FTC hoặc Bay Việt. Vậy hai chỗ này khác nhau như thế nào?

FTC (Trung tâm huấn luyện bay, đơn vị phụ trách việc đào tạo phi công, tiếp viên của VNA): Bạn sẽ thi tuyển đầu vào, khám sức khoẻ, nếu đạt bạn sẽ trở thành học viên của FTC. Sau đó, bạn sẽ học một khoá huấn luyện quân sự tại Trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Dưới đây là một video về khoá học này của một anh cơ trưởng a321.

Học xong khoá này bạn sẽ đi học ở nước ngoài. Toàn bộ quá trình huấn luyện, cả lý thuyết và thực hành, được thực hiện ở nước ngoài. FTC hiện có liên kết với các trường ở Úc, NZ, Nam Phi. Đây là bản danh sách các trường bay của FTC do một vozer gửi cho mình:
6iGcE_gsIS6RPfnTEOzq7MLowbW-90TPWVN-bHiToUSvvzLvHamoRsSC3jy86DhZuuPlEmwxg0y8DIsmn2Rtrx02WIB-ZBfPoBBp0xPjSqtuBhpxLCwQY28VRqxpMlXm8Sjn1VyX


Bay Việt (Cũng là một công ty con của VNA): Giai đoạn lý thuyết sẽ được học trong nước, tại cơ sở của Bay Việt ở Sài Gòn, nằm trong cùng khuôn viên của VNA và FTC. Giai đoạn học thực hành sẽ diễn ra ở nước ngoài. Tuỳ vào nơi bạn học, có nơi sẽ yêu cầu bạn học và thi lại lý thuyết (NZ), có nơi chỉ yêu cầu bạn thi lý thuyết (Mỹ, Úc). Theo các anh em kể, Úc và NZ là hai nơi khá nặng về lý thuyết. (Confirmed :shame: ). BV hiện có liên kết với các trường đối tác ở Úc, NZ, Mỹ. Mình có bản danh sách các trường đối tác của BV, nhưng đã khá cũ và giá cả có thể không chính xác nữa, anh em nào có thì post lên giúp mình nhé. Nếu bạn dự định phỏng vấn cho VNA, bạn vẫn sẽ phải học khoá HLQS ở Nha Trang nhé :D

Khi các bạn hoàn thành xong hết giai đoạn huấn luyện, bạn không bắt buộc phải làm cho VNA, bạn có thể làm việc cho bất kỳ hãng nào miễn là bạn đủ điều kiện. Mình có quen nhiều bạn đi theo đường của FTC, BV và hiện đang đầu quân cho các hãng BB, VJ, Pacific.

Nếu bạn xác định không đi theo VNA từ đầu, vẫn muốn làm việc tại VN, không muốn đi theo đường BV hoặc FTC, bạn có thể trực tiếp đăng ký học bay với các trường bay mà không thông qua trung gian, miễn là các trường được chấp thuận bởi CAAV. Ngoài các trường có liên kết với BV và FTC, còn có các trường bay ở Thái, Philippines, Indonesia, Đài Loan, Canada cũng có khá đông học viên VN theo học. Các bạn chỉ cần google theo cú pháp “Học phi công ở [tên nước]” là ra, bạn liên lạc với trường hỏi về chương trình học, giá cả, và có được CAAV approve không? Thường đội sale của các trường bay khá niềm nở, bạn hỏi gì nó cũng trả lời rất lẹ, chả bù cho lúc học có vấn đề, phàn nàn đến cả tuần sau nó mới giải quyết. :ah:

Sau khi hoàn thành chương trình huấn luyện bay cơ bản và về nước, bạn cần phải học chuyển loại (type rating), tức học lái máy bay chở khách mà hãng của bạn yêu cầu, sau đó học line training, tức huấn luyện cơ phó. Nếu phỏng vấn cho VNA và được nhận, bạn sẽ được đào tạo 2 phần này tại FTC. Nếu bạn không theo VNA, sẽ còn hai đường là đi theo Bamboo, VJ. Bạn sẽ phải tự học chuyển loại, đa số sẽ là dòng máy bay A320, trước khi phỏng vấn và đi line training. Hiện ở VN có một đơn vị đào tạo chuyển loại A320 là BAA, được hai hãng Bamboo và VJ chấp thuận, nằm trong khuôn viên khu biệt thự trên đường Lê Văn Việt, quận9, đối diện ĐH GTVT. Chi phí khoá học dao động khoảng 600 triệu. Ngoài ra, mình biết một số anh em học A320 type rating tại Philippines, thường là các anh em đầu quân cho VJ, còn hiện tại Bamboo chỉ chấp thuận type rating tại BAA.



Bạn cần chuẩn bị những gì?
  • Toán: Kỹ năng tính toán cơ bản, suy luận logic
  • Lý: Kiến thức vật lý cơ bản, không cần quá cao siêu. Đây là những kiến cần nắm để học được môn Principles of Flight, là môn học thiên về vật lý khá nhiều, và như các bạn thấy thì cũng không quá khó. :ah:
Gw4zyEYTPu0PlDp3HNCDgnr-uqnZPksmEAqJgscK-MfXIrJLwvY0oWcqUx6PtlTbTXXx5yjV5OgNiSj6pITHNEzgn2Yk4DRSSs2N_SocXCqi2R72h_rEoJOVkII_1e60DXhdMi4j
9I7SPmJNY40Oe6W567y_ieGvihC7OrFLE8eT2WtkNgP7WVHveB9KA9jsEfbd1UHz224Lx2WKKsp6u6lcbNTYvy-P41CUSGPdNZhQxV2DL1WMo1SMPKcgHkTFJnSAoJRL5KPZSQv7
bINGJUJEHUalCF-8e_kyyLUqmUF1FmKuY8tEDc1zUssamLfP2Dgp1E_nwWkaPM653Am329UIFr0c0MT0icsqKXT8ghWDf2dUVnwmFajfafA05JGqvBDUbYyeMyrEnW9-LfSNL0pJ

  • Tiếng Anh: IELTS 5.5 minimum hoặc TOEIC 550. Nếu bạn xin visa đi học ở NZ, Úc bắt buột phải có bằng IELTS. >6.5 recommended vì bạn sẽ phải đọc rất nhiều tài liệu cũng như giao tiếp bằng tiếng Anh. IELTS dưới 6.0 sẽ khiến bạn rất vất vả trong quá trình học.
  • Sức khoẻ: Sức khoẻ loại 1 (class 1 medical), thời hạn 1 năm. Có 2 đợt khám chính:
  1. Khám sức khoẻ đầu vào (trước khi học bay)
2. Giám định sức khoẻ cho phi công cơ bản (học bay xong, nộp hồ sơ phỏng vấn cho hãng)
Phi công được mọi người truyền miệng phải có một sức khoẻ thiên phú, không được có bất cứ một bệnh gì. Điều đó đúng với tiêu chuẩn sức khoẻ dành cho phi công quân sự do đặc thù phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Tiêu chuẩn sức khoẻ dành cho phi công thương mại có phần nhẹ nhàng hơn phi công quân sự. Các bạn có thể tham khảo tiêu chuẩn sức khoẻ loại 1 (class 1 medical) dành cho phi công thương mại. Tiêu chuẩn có phần nhiều và khó, tuy nhiên mình có thể tóm tắt lại đơn giản cho các bạn, có 3 loại bệnh mà bạn không được phép có, đó là tim mạch, rối loại tiền đình và mù màu. Nếu bạn không có 3 bệnh trên, kể cả khi khám sức khoẻ đầu vào, bạn bị trượt do bị cận thị, viêm xoang, viêm amidan, tay không chạm đến chân, trĩ,… và rất nhiều lý do củ chuối khác, miễn là bạn được cấp chứng chỉ sức khoẻ loại 1 ở quốc gia mà bạn học bay, mà theo nhiều bạn cùng lớp mình đánh giá là khám ở nước ngoài khá dễ thở hơn trong nước, kể cả ở Úc, NZ, Nam Phi…, để đủ điều kiện được học bay, sau đó về nước đăng ký giám định sức khoẻ cho phi công cơ bản (cái khám này dành cho học viên đã học bay xong, dễ thở hơn so với cái khám sức khoẻ đầu vào). Mình có nhiều bạn quen, trượt khám sức khoẻ đầu vào, sau đó đi học bay và về nước đi khám, vẫn được cấp chứng chỉ sức khoẻ loại 1. Tóm lại, bạn không được mắc 3 bệnh trên, và được quốc gia nơi học bay cấp class 1 medical là có thể yên tâm.

Tài chính: Khoảng 5+ tỷ VND. Mình sẽ phân tích như sau, theo chương trình của Bay Việt (BV).

  • Tiền học ở Bay Việt là gần 500 triệu, bao gồm:
ATP: 138 triệu
Phí quản lý: 100 triệu (bạn nào học BV phải chấp nhận cái phí 100tr nhảm nhí này)
MCC: 148 triệu
Jetfam: 50 triệu

  • Tiền học bay cơ bản ở nước ngoài:
2.5 tỷ (tiền học của mình, đã gồm tiền nhà, tiền sinh hoạt)
Các trường bay sẽ báo giá riêng, dao động từ 70,000 ~ 100,000 USD, rẻ nhất thường ở Thái Lan, Philippines, Indonesia, Mỹ, Nam Phi và đắt nhất ở Úc, NZ. (Các trường bay ở ĐNA sẽ không liên kết với BV và FTC). Các bạn đi theo BV sẽ không đi Nam Phi, đi theo FTC sẽ không đi Mỹ, cả hai sẽ có cả Úc và NZ. Các bạn muốn tiết kiệm có thể chọn đi học bay tự túc, không thông qua BV và FTC, tuy nhiên bạn phải đảm bảo nơi bạn theo học được CAAV approved. Thường các bạn lấy báo giá trường nhân cho 1.3 sẽ ra được giá mà bạn sẽ phải trả thật sự, do báo giá dựa trên giờ bay, tiến độ lý tưởng mà bạn sẽ hoàn thành, và mình cam đoan trong 100 ông đi học sẽ chỉ có 1 ông có số giờ bay và tiến độ đúng với kế hoạch trường đưa ra. Bạn chỉ có chậm ít hay chậm nhiều, do việc bay phụ thuộc nhiều vào những yếu tố bạn không kiểm soát được như thời tiết, số lượng máy bay, số lượng giáo viên, cách xếp lịch bay của nhà trường, số học sinh của nhà trường… Tuy nhiên, bạn càng chăm và cố gắng, bạn sẽ bị delay ít hơn.
Theo đánh giá cá nhân, học bay ở Mỹ, Nam Phi là nhanh nhất, trung bình 1 - 1.5 năm, học ở Úc 1.5 - 2 năm, học ở NZ rùa bò nhất, 2 - 3 năm :shot: . Tuy vậy, mỗi trường đều có cái được và cái mất. Có vozer nào học bay ở những nơi này có thể vào chia sẻ về trường bạn học cho mọi người giúp mình :sexy_girl:
  • Tiền học chuyển loại, huấn luyện cơ phó:
80 ~ 120,000 USD, sẽ bao gồm tiền học chuyển loại máy bay thương mại (A320 Family, Embraer…), Line training (huấn luyện cơ phó). Tiền này sẽ dao động theo tuỳ hãng, thường các hãng sẽ không public thông tin này, nhưng bạn có thể chuẩn bị khoảng 140,000 cho an toàn. :what: Một số bạn nếu ký hợp đồng với VNA trước tháng 11/2018 sẽ không mất tiền này, tuy nhiên… :shame: Có hãng Pacific theo như mình biết sẽ chỉ mất 30,000 để học chuyển loại, tiền line hãng sẽ trả (tiết kiệm được 80,000 tiền line, quá hời), tuy nhiên hãng này tuyển không thường xuyên, mỗi đợt tuyển khá ít, và tương lai của hãng này vẫn luôn là một dấu hỏi lớn.

Tổng cộng: Khoảng 5.5 tỷ. :hungry: Các bạn có thể chọn học bay ở ĐNA, ở Mỹ, Nam Phi để tiết kiệm tiền, tuy nhiên lựa chọn nào cũng đi kèm với những đánh đổi, và không có lựa chọn nào vừa ngon vừa rẻ.
Trên đây là những phân tích về chi phí, có thể rẻ hơn hoặc đắt hơn tuỳ theo từng người, mình sẽ có 2 lời khuyên chính cho các bạn, đó là nỗ lực thật nhiều và chuẩn bị thật nhiều tiền :too_sad: . Càng nỗ lực bạn sẽ tiết kiệm tiền, và càng chuẩn bị tốt về tài chính sẽ tránh được việc phải bỏ dở giữa chừng, rất uổng.

  • Thái độ học:
Chăm chỉ, chăm chỉ, và chăm chỉ.
Phi công là ngành đặc thù, nắm giữ trọng trách đảm bảo an toàn cho sinh mạng của rất nhiều hành khách. Do đó, khối lượng kiến thức và kỹ năng các bạn phải nắm vững là rất lớn. Khi bước chân vào giai đoạn huấn luyện, bạn cần xác định sẽ phải dành phần lớn quỹ thời gian cho việc học. Sẽ có người thiên về hàn lâm, kém ở khoản tay chân và ngược lại, có người giỏi ở mảng sách vở, kém ở khâu kỹ năng, tuy nhiên khả năng của con người là vô hạn, nếu bạn cố gắng sẽ hoàn toàn bù đắp được những khuyết điểm của bạn. Nói vậy không có nghĩa bạn sẽ chỉ ru rú ở nhà học bài, bạn cũng cần giao lưu, kết bạn, học hỏi, trao đổi thông tin với bạn bè xung quanh, cũng như giải trí sau giờ học, vì đầu óc tỉnh táo và thoải mái mới có thể làm tốt được việc. :matrix:

Hết phần 1. Mong nhận được góp ý, gạch đá từ các vozer để mình có thể sửa cho lần tới. Cảm ơn các fen đã đọc. :beauty: Các fen có thắc mắc có thể inbox hoặc comment trực tiếp trong thread, mình sẽ cố gắng trả lời sớm nhất có thể.
 
Last edited:
Sao không post ở F17 nhỉ, tưởng không cấm. Mà chi phí khoảng 7 tỷ thì cũng tương đương với chi phí du học Mỹ 4 năm mấy trường top 30 rồi. Không biết đãi ngộ ra trường có xứng đáng với tiền bạc công sức bỏ ra không, chắc là sẽ được giải đáp trong part 2 :sexy_girl:
 
Sao không post ở F17 nhỉ, tưởng không cấm. Mà chi phí khoảng 7 tỷ thì cũng tương đương với chi phí du học Mỹ 4 năm mấy trường top 30 rồi. Không biết đãi ngộ ra trường có xứng đáng với tiền bạc công sức bỏ ra không, chắc là sẽ được giải đáp trong part 2 :sexy_girl:
F17 traffic đông quá, mình sợ loãng thớt, với lại F17 cũng không để được prefix [kinh nghiệm] nên mình post bên này luôn. Đãi ngộ thì có đó, nhưng mà khối lượng công việc và trách nhiệm cũng cao ngất, tương xứng thì theo mình là không. :sad:
quả này ai có điều kiện hẵng theo chứ bỏ 7 tỏi biết khi nào huề vốn
Làm vì đam mê, kiếm cái nghề lận lưng, chứ để làm giàu thì đừng học phi công. :matrix:

via theNEXTvoz for iPhone
 
F17 traffic đông quá, mình sợ loãng thớt, với lại F17 cũng không để được prefix [kinh nghiệm] nên mình post bên này luôn. Đãi ngộ thì có đó, nhưng mà khối lượng công việc và trách nhiệm cũng cao ngất, tương xứng thì theo mình là không. :sad:

Làm vì đam mê, kiếm cái nghề lận lưng, chứ để làm giàu thì đừng học phi công. :matrix:

via theNEXTvoz for iPhone
Chính xác là tiền ba mẹ cho nhiều quá, làm gì để cho đáng, không phải là đốt tiền vô bổ thì học phi công :adore:
 
Chính xác là tiền ba mẹ cho nhiều quá, làm gì để cho đáng, không phải là đốt tiền vô bổ thì học phi công :adore:
Như mình tốn tổng cộng 3.5. Nhà mình ban đầu dự kiến 2 tỷ, 500 triệu đề phòng, tổng cộng lo được 2.5, sau phát sinh nhiều thứ như tiền ăn, tiền ở, tiền giờ bay thêm, nên cuối cùng phải vay họ hàng thêm 1 tỷ, bao giờ trả cũng được, cũng may là chưa phải vay đến ngân hàng. Nói chung nhà mình cùng vừa đủ, chẳng dư dả mấy, may là đi học sớm, chứ như hội sau này thấy mất 6, 7 tỷ thấy cũng xót quá.
yBBewst.gif

Bao giờ winner rảnh lập cái thớt học ngành Dược cho mọi người tham khảo với.
jXIRwTd.png

Đa số các gia đình cho con học phi công cũng gọi là khá giả, nhưng không giàu đến mức như đại gia, chi tiêu các thứ phải dè sẻn. 6tỷ dù sao cũng là một số tiền lớn với các gia đình trung lưu. Con nhà đại gia thường không học phi công, vì hoặc là học ngành khác để nối nghiệp gia đình, hoặc là ăn chơi phá của cho sướng, hoặc là có theo học nhưng vì khó quá nên gãy cánh giữa chừng. Nói vậy chứ mình biết một trường hợp ngoại lệ, nhà nứt đố đổ vách phố núi, một buổi shopping hết chục nghìn biden là chuyện thường, học cực giỏi, nhưng mà những trường hợp này hiếm lắm. :matrix:

via theNEXTvoz for iPhone
 
Last edited:
Như mình tốn tổng cộng 3.5. Nhà mình ban đầu dự kiến 2 tỷ, 500 triệu đề phòng, tổng cộng lo được 2.5, sau phát sinh nhiều thứ như tiền ăn, tiền ở, tiền giờ bay thêm, nên cuối cùng phải vay họ hàng thêm 1 tỷ, bao giờ trả cũng được, cũng may là chưa phải vay đến ngân hàng. Nói chung nhà mình cùng vừa đủ, chẳng dư dả mấy, may là đi học sớm, chứ như hội sau này thấy mất 6, 7 tỷ thấy cũng xót quá.
yBBewst.gif

Bao giờ winner rảnh lập cái thớt học ngành Dược cho mọi người tham khảo với.
jXIRwTd.png


via theNEXTvoz for iPhone
Nói chung là mình thấy có tư duy cho con học phi công là ba mẹ cũng phải ở cái tầm nào về tri thức lẫn kinh tế rồi, thím không cần khiêm tốn :confident:
Ngành Dược thì giờ có quá trời trường dân lập, còn hot hit gì nữa đâu mà kể cho nó bần :pudency:
 
Giờ muốn học kiểm soát không lưu thì bao tiền thím nhỉ, nghề đó có triển vọng với lương tốt không
 
Vừa phải có tiền vừa phải có sức lại còn phải có trình độ, nếu bỏ ra khoảng 10 tỷ đầu tư vào đất cát thì sẽ thế nào nhỉ?
 
Sao không mua hai cái nhà rồi cho thuê nhỉ? thời gian vẫn làm được việc khác ra tiền cơ mà?
 
Phần 2: Học lý thuyết


Ở phần này, mình sẽ nói về chương trình lý thuyết ở Bay Việt, là chương trình mình theo học, được dựa theo tiêu chuẩn EASA của châu Âu. Mình sẽ phân tích dựa trên bộ sách của CAE Oxford, một trường bay khá lớn và nổi tiếng.

Chương trình lý thuyết dành cho phi công thương mại có tên Airline Transport Pilot (ATP), bao gồm 13 môn học, diễn ra trong 6 tháng. Trung bình mỗi môn học kéo dài 2 tuần, môn dài có thể kéo dài 1 tháng, môn ngắn vỏn vẹn trong 1 tuần. Việc học một cuốn sách có độ dày khoảng 600 trang và trong vòng 2 tuần không phải là điều đơn giản, và nhân nó cho 13 môn lại càng khó hơn. :shot: Kết thúc mỗi môn, bạn sẽ phải thi và đạt được ít nhất 75% để được công nhận đỗ. Bạn được thi lại 3 lần, nếu trượt cả 3 lần sẽ phải học lại. Tiền học của một môn khoảng 10 - 20 triệu. Mình sẽ đánh giá độ khó từng môn dựa trên quan điểm cá nhân theo thang điểm trên 10, tỷ lệ đỗ dựa trên số học viên đỗ lần đầu theo quan sát của mình trong lớp với 25 học viên (thấp: dưới 5 người, trung bình: 5-10 người, cao: trên 10 người, rất thấp: 1 hoặc 2 người). 13 môn này bao gồm:



  • Principles of Flight (Nguyên lý bay)
Môn học về các lực tác động lên máy bay, các loại speed, hiện tượng thất tốc (stall)… Là một môn thiên về vật lý và trí tưởng tượng, do khi học về các định nghĩa, bạn sẽ phải tưởng tượng rất nhiều. Đa số lý thuyết thiên về common sense và logic, các bạn có thể suy luận từ những cái cơ bản để ra được cái phức tạp. Tỷ lệ đỗ môn này cao, độ khó 7/10. :matrix:



  • Air Law (Luật hàng không)
Môn học về luật trong hàng không, giống như thi lái ô tô có luật giao thông đường bộ. Các bạn phải thuộc lòng các số liệu, các điều khoản luật, có nhiều cái rất khó nhớ và không thể suy luận, bạn chỉ có cách đọc qua nhiều lần. Cá nhân mình cũng không thể nhớ hết nổi từng đó luật, chỉ nhớ những cái hay dùng, nhớ tìm phần nào ở đâu trong sách. Tỷ lệ đỗ môn này không cao, độ khó 8/10.



  • Operational Procedures (Quy trình khai thác)
Mỗi một hãng hàng không sẽ có một bộ Quy trình khai thác riêng cho từng hãng, gồm các điều khoản luật từ bộ luật hàng không có ảnh hưởng đến quy trình khai thác, các quy định về thời tiết, lựa chọn sân bay dự bị, khai thác trong điều kiện tầm nhìn kém (LVO), quá trình tiếp cận, quá trình khởi hành, chở hàng hoá nguy hiểm,… Môn học này sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát về quy trình vận hành của một hãng hàng không sẽ bao gồm những gì. Môn này có phần tương tự Air Law, tỷ lệ đỗ trung bình, độ khó 7/10, dễ thở hơn Air Law một chút.



  • Mass and Balance (Cân bằng tải)
Tính toán trọng tải máy bay, đảm bảo sau khi bỏ hàng, khách, dầu (trong tiếng Việt, xăng máy bay được gọi là dầu, do loại xăng JETA1 có cùng tính chất với dầu diesel, trong tiếng Anh gọi là fuel chứ không gọi oil một số anh em quen miệng thỉnh thoảng hay dùng từ oil), tải của máy bay nằm trong limit, trọng tâm nằm trong limit, tính toán lượng dầu máy bay cần dùng từ A đến B. Nghe có vẻ cao siêu, nhưng đây là môn học có tỷ lệ đỗ rất cao, theo cá nhân mình đánh giá là dễ nhất trong tất cả các môn, do chỉ cần áp đúng công thức và tính toán cẩn thận, cộng trừ nhân chia đúng là làm được. Độ khó 5/10.



  • Performance (Tính năng máy bay)
Môn này gồm lý thuyết và tính toán. Các bạn sẽ được học lại một số kiến thức từ môn Principles of Flight liên quan đến các lực tác động lên máy bay; các khái niệm vận tốc v1, v2, vr; cách tính toán quãng đường băng cần để máy bay cất hạ cánh với các điều kiện trọng tải, thời tiết, đường băng (đảm bảo máy bay có thể hạ cánh với từng đó độ dài đường ở sân bay dự kiến hạ cánh); cách tính v1, v2, vr… Với các máy bay hiện đại, để tính các thông số trên, bạn chỉ cần nhập số liệu vào máy tính của máy bay, máy tính sẽ đưa ra kết quả chính xác trong chưa đầy 1s. Tuy nhiên, khi học bạn sẽ phải sử dụng các biểu đồ, đồ thị để tính toán, mỗi bài toán thường kéo dài từ 3-15 phút. Các đồ thị và biểu đồ này thường khá rối mắt, gây ức chế cho người làm, chữ số lại nhỏ li ti. Một bước kẻ thước sai trong đồ thị có thể khiến thành quả của cả bài toán bạn làm trong 15 phút đi tong (bạn tính toán, ra được kết quả sai, thấy nó có trong đáp án và nghĩ mình làm đúng, tuy nhiên các thầy dày dạn kinh nghiệm và biết được học viên hay sai chỗ nào nên sẽ đưa đáp án sai vào lựa chọn, thế là bạn dính bẫy :matrix: ). Môn này có tỷ lệ đỗ thấp, độ khó 8/10.



  • Human Performance and Limitations (Y học hàng không)
Môn này nếu dịch sát nghĩa sẽ là giới hạn và tính năng của con người, nhưng cách dịch này nghe không được hay, nên mình sẽ dịch như trên, đó cũng là khái quát về môn học này. Bạn được học về cấu tạo của hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ thần kinh, tiền đình, khái niệm về hội chứng thiếu oxy trong đường máu lên não (hypoxia), tâm lý học, teamwork, stress, các ảo giác gặp phải do trời tối, do hệ tiền đình đánh lừa cơ thể,… Một môn học khá hay và thiết thực, tỷ lệ đỗ trung bình (chắc là sau những kiến thức khó nhằn và khô khan thì môn này như một làn gió mới, nhiều anh em cùng lớp mình ưng môn học này), độ khó 7/10.



  • General Navigation (Định vị bay)
Gồm hai phần:

Lý thuyết: Hình học Trái Đất, các loại phép chiếu bản đồ, các ngày mặt trời có vị trí đặc biệt trong năm, khái niệm ngày giờ, mùa trong năm,… (Bạn đã được học tất cả những phần này ở chương trình địa lý 10 :shame: )

Tính toán: Bạn được học về cách định vị máy bay, xác định hướng, vị trí máy bay dựa vào các điều kiện đề bài đưa ra, chủ yếu dựa vào công thức quãng đường = vận tốc * thời gian, 1 NM (hải lý) = 1.852km = 6080 ft, 1m = 3.24 ft, 1ft = 0.304m… Bạn sẽ học cách xoay một cây thước tròn có tên CRP, trông khá vui mắt, để xác định Groundspeed, Heading từ các dữ liệu Track, Wind, True Airspeed và ngược lại (cây thước có tuổi đời từ thập niên 60, là một phát minh của một kỹ sư người Anh tên Pooley, cây thước còn có thể làm được rất nhiều phép tính khác như đổi đơn vị, đổi các loại speed…) Cái khó của môn này đó là một bài toán sẽ chia thành rất nhiều bước, bạn phải xác định công thức, cách tính phù hợp dành cho từng bước. Tính góc lệch giữa hai kinh tuyến tại một toạ độ vĩ tuyến, tính khoảng cách giữa hai điểm toạ độ…

Là một môn học thiên về logic, tính toán, môn này là khắc tinh của rất nhiều anh em. Tuy nhiên nếu so với các bài toán giải tích, hình học không gian, tính xác suất của cấp 3 thì mình vẫn thấy đơn giản hơn nhiều. Cái khó của môn này là đề thầy cho thường khá dài và dường như không đủ thời gian. :sad: Độ khó 9/10, tỷ lệ đỗ rất thấp. :shot:



  • Communications (Liên lạc)
Cách liên lạc, các khẩu lệnh chuẩn giữa phi công và kiểm soát không lưu. Độ khó 5/10, tỷ lệ đỗ cao.



  • Radio Navigation (Định vị bay vô tuyến)
Lý thuyết về các đài dẫn đường bay, hệ thống GPS, các ưu điểm và khuyết điểm của từng loại. Độ khó 6/10, tỷ lệ đỗ cao.



  • Instrumentation (Thiết bị máy bay)
Giới thiệu các thiết bị, đồng hồ, cảm biến trên máy bay và nguyên lý hoạt động của chúng. Môn này chủ yếu học thuộc lòng, một số kiến thức sẽ liên quan đến môn Principles of Flight. Độ khó 7/10, tỷ lệ đỗ trung bình



  • Meteorology (Khí tượng học)
Bạn được học nguyên nhân tạo ra gió, mây, mưa, dông, bão, tuyết, hiện tượng đóng băng trên máy bay, các khối khí áp cao, khí áp thấp; phân biệt các loại mưa, tuyết, mây; đặc điểm các loại gió chính trên Trái Đất, đặc điểm khí tượng của các các vùng trên thế giới. Đặc biệt, bạn được học cách đọc và phân tích các báo cáo hoặc dự báo thời tiết của sân bay hoặc một diện tích rộng như METAR, TAF, SIGMET. Là một môn khó, phải hình dung nhiều, tuy nhiên nếu các bạn nắm vững được các chương cơ bản, bạn sẽ suy luận được các khái niệm phức tạp của các chương sau. Độ khó 8/10, tỷ lệ đỗ thấp.



  • Airframes and Systems (Cơ khí máy bay)
Trùm cuối của các môn học. Môn này và Gen. Navigation đã đánh rớt và gây ra trầm cảm, ức chế cho rất nhiều anh em. Bạn sẽ học cấu tạo, tên gọi, chức năng của các bộ phận trên máy bay. Môn này được chia thành 3 cuốn sách:

  1. Airframes: Cấu tạo sườn máy bay
  2. Electrics: Điện một chiều và điện hai chiều, cấu tạo pin, acquy,…
  3. Powerplant (động cơ): Gồm cấu tạo, cách hoạt động của động cơ piston 4 kỳ và động cơ turbine. Các máy bay loại nhỏ, được sử dụng cho mục đích huấn luyện thường được trang bị động cơ piston, các máy bay thương mại cỡ lớn (>5700kg) thường được trang bị động cơ turbine. Bạn cần học về hai loại động cơ chính này.
Môn này thiên về học thuộc lòng. Các anh em có background về cơ khí, kỹ thuật hoặc đam mê sửa chữa, mổ xẻ xe cộ sẽ học tốt môn này. Môn này đòi hỏi rất nhiều thời gian và nỗ lực. Độ khó 9/10, tỷ lệ đỗ thấp.



  • Flight Planning and Monitoring (Kế hoạch bay)
Bạn sẽ áp dụng các kiến thức từ các môn Air Law, Performance, Mass and Balance, Gen. Navigation, Meteorology để học cách lập kế hoạch bay (nôm na khi đi từ A đến B sẽ theo lộ trình nào), dựa vào các điều kiện thời tiết để tính toán các thông số hướng bay, vận tốc, thời gian bay, tính lượng dầu. Ngoài đời, kế hoạch bay (flight plan) sẽ do bộ phận Dispatch (điều phái) của hãng bay lập ra bằng phần mềm, phi công sẽ kiểm tra flight plan xem có chính xác không, đồng thời một bản ATC flight plan sẽ được gửi cho các bên kiểm soát không lưu (ATC) liêm quan (bản này sẽ ngắn gọn hơn, chủ yếu là lộ trình của chuyến bay) . Khi lên máy bay, phi công sẽ nhập các số liệu vào máy tính, nhập nơi đi, nơi đến, ứng với mỗi chặng bay sẽ có một hoặc nhiều lộ trình đã được lập sẵn, gọi là company’s route, tuỳ vào lộ trình trong flight plan để lựa chọn. Thường nếu không có thay đổi đặc biệt, ATC sẽ clear cho phi công bay theo flight plan route. Phi công sẽ không phải tự lập kế hoạch bay, tuy nhiên bạn cần biết và hiểu được cách lập, cách kiểm tra flight plan. Cũng như một số ngành khác, bạn cần học cách xử lý bằng công cụ, phương pháp từ thời kỳ đồ đá trước khi sử dụng công nghệ tiên tiến, tự động hơn. :matrix: Mặc dù là môn tính toán, nhưng theo mình môn này tính toán khá nhẹ nhàng, độ khó vừa phải, độ khó 6/10, môn này có tỷ lệ đỗ trung bình.



Kết thúc 13 môn học, nếu bạn đỗ được tất cả 13 môn, kể cả đỗ lần đầu hay thi lại, học lại, chúc mừng bạn đã vượt qua được cửa ải đầu tiên. :beauty: Quãng thời gian chỉ khoảng 6 tháng nhưng với mình, nó dài như cả đời người vậy. Lượng kiến thức bạn đã học rất lớn nên bạn sẽ không thể nhớ hết tất cả, trừ khi bạn là siêu nhân hoặc có bánh mì trí tuệ của mon béo. Mặc dù vậy, bạn sẽ có một bức tranh toàn cảnh về cách vận hành của ngành hàng không, mà theo mình là rất khoa học và chặt chẽ. Trong quá trình học, bạn sẽ biết được những kiến thức nào quan trọng, sẽ sử dụng rất nhiều, đó là những trọng tâm bạn bắt buộc phải nắm vững. Sẽ có những kiến tức cũng quan trọng không kém nhưng khó nhớ, dễ lẫn lộn, đòi hỏi bạn phải đọc sách nhiều lần để nắm vững. Có những kiến thức bạn sẽ không cần nhớ, chỉ học để qua môn, nhưng cũng phải biết nó thuộc môn nào, nằm ở phần nào trong sách. Học được cách tra cứu sách là một kỹ năng rất quan trọng. Hãy nỗ lực nhiều, thành quả sẽ đến với bạn. :shame:



Hết phần 2. Xin phép nhận góp ý và gạch đá xây nhà từ các vozer. Mình sẽ trả lời thắc mắc có liên quan càng sớm càng tốt.
 
Last edited:
Sao không mua hai cái nhà rồi cho thuê nhỉ? thời gian vẫn làm được việc khác ra tiền cơ mà?
Thím mua 2 nhà để cho thuê rồi review cho anh em với :matrix:
Vừa phải có tiền vừa phải có sức lại còn phải có trình độ, nếu bỏ ra khoảng 10 tỷ đầu tư vào đất cát thì sẽ thế nào nhỉ?
Lựa chọn đi kèm với rủi ro. Đầu tư đất có thể trúng đậm nhưng rủi ro quá lớn, mà bản thân mình lại thích sự ổn định, rủi ro ít.
Giờ muốn học kiểm soát không lưu thì bao tiền thím nhỉ, nghề đó có triển vọng với lương tốt không
Cũng tò mò như thím. Theo mình nghe kể (chưa confirm) thì sẽ nộp đơn phỏng vấn cho công ty quản lý bay miền Nam/Bắc, yêu cầu trình độ đại học, trúng tuyển sẽ được gửi đi học ở nước ngoài. Sau khi đào tạo, thím sẽ được điều về các sân bay ở các tỉnh khác để công tác một thời gian . Hy vọng có thím nào làm kiểm soát không lưu lập thớt chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng tìm hiểu. :matrix:

via theNEXTvoz for iPhone
 
Chào đồng râm. :sweet_kiss: Pác bên KQ thì quá ngon lành rồi. :sexy_girl:
Em còn đang an phận lesor, nằm nhà chờ gọi đi học thôi pác.
qDotM7o.gif


via theNEXTvoz for iPhone
Làm kỹ thuật mặt đất cũng lesor thôi thím
4gmOAMB.gif
trước e học trong Nha Trang hay có đội học phi công VietNam Airline vào học lấy chứng chỉ quốc phòng. Thím mà học VNA vào NT thì e bảo kê nhé
CeBgXls.gif


via theNEXTvoz for iPhone
 
Thím mua 2 nhà để cho thuê rồi review cho anh em với :matrix:

Lựa chọn đi kèm với rủi ro. Đầu tư đất có thể trúng đậm nhưng rủi ro quá lớn, mà bản thân mình lại thích sự ổn định, rủi ro ít.
Cũng tò mò như thím. Theo mình nghe kể (chưa confirm) thì sẽ nộp đơn phỏng vấn cho công ty quản lý bay miền Nam/Bắc, yêu cầu trình độ đại học, trúng tuyển sẽ được gửi đi học ở nước ngoài. Sau khi đào tạo, thím sẽ được điều về các sân bay ở các tỉnh khác để công tác một thời gian . Hy vọng có thím nào làm kiểm soát không lưu lập thớt chia sẻ kinh nghiệm để mọi người cùng tìm hiểu. :matrix:

via theNEXTvoz for iPhone
Trình độ đại học mà thím nói là phải tốt nghiệp ĐH nào thì mới được thế.
 
Back
Top