Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết kém sắc

Cryolite 4

Senior Member

Bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay phân cực khá mạnh, bên cạnh một số ít ngành lợi nhuận "tỉ đô" thì hầu hết đều sụt giảm, thua lỗ.

Ngân hàng, chứng khoán tăng trưởng cao về lợi nhuận​

Trong số các doanh nghiệp (DN) đã hé lộ kết quả kinh doanh cả năm 2023, dẫn đầu về con số lợi nhuận khổng lồ là Ngân hàng (NH) TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), ước tính lợi nhuận trước thuế của NH này có thể đạt hơn 41.000 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 15% so với năm 2022. Nối gót Vietcombank, cả 3 NH thương mại nhà nước đều đạt mức lãi hơn tỉ USD.

Trong đó, NH TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) công bố lợi nhuận trước thuế khối NH riêng lẻ đạt 26.750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỉ đồng. Như vậy, lợi nhuận riêng lẻ của NH đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận hợp nhất tăng 18,8%. Tương tự, NH TMCP Công thương VN (VietinBank) thông báo hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Trước đó, NH công bố kế hoạch năm 2023 với con số lợi nhuận riêng lẻ trước thuế là 22.500 tỉ đồng, tăng 10,5% so với năm 2022 và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN (Agribank) ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25.300 - 25.400 tỉ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm 2022.

Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết kém sắc- Ảnh 1.

Các ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận cả năm 2023
Ngọc Thắng

Đối với các NH thương mại cổ phần, một vài đơn vị đã công bố kết quả kinh doanh cũng cho thấy mức tăng trưởng rất cao. Chẳng hạn, NH TMCP Q឴u឴â឴n឴ ឴đ឴ộ឴i (MB) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.200 tỉ đồng, tăng 15% so với năm ngoái và hoàn thành 100% kế hoạch năm. NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đạt lãi trước thuế hợp nhất hơn 9.500 tỉ đồng, tăng 50% so năm 2022 và đạt 100% kế hoạch cổ đông giao. Hay NH Bưu điện Liên Việt (LPBank) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023 với lợi nhuận đạt 7.039 tỉ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước, hoàn thành 117% kế hoạch lợi nhuận… Nói chung, lợi nhuận các NH đều được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng so với năm 2022 mặc dù trích lập dự phòng nợ xấu có gia tăng.

Bên cạnh nhóm NH, các công ty chứng khoán cũng có một năm làm ăn khấm khá khi chỉ số VN-Index năm 2023 tăng hơn 12%. Nhờ đó, Công ty chứng khoán Bảo Minh ghi nhận lãi sau thuế cả năm vừa qua đạt 84 tỉ đồng, trong khi năm 2022 lỗ 96,5 tỉ đồng. Như vậy, với kế hoạch lãi ròng 33,3 tỉ đồng trong năm 2023, công ty đã vượt 152,3% chỉ tiêu này. Công ty chứng khoán MB báo cáo doanh thu năm 2023 đạt 1.816 tỉ đồng, giảm 7% so với năm 2022 nhưng lãi sau thuế tăng 14% lên 584 tỉ đồng… Nhiều công ty chứng khoán chưa công bố kết quả kinh doanh cả năm nhưng chỉ sau 9 tháng của năm 2023 đã ghi nhận sự bứt tốc rất lớn như SSI, VNDirect, Công ty chứng khoán Kỹ thương, VietCap…

Doanh nghiệp sản xuất lợi nhuận đi lùi​

Trái ngược với bức tranh lợi nhuận của ngành tài chính, nhiều DN sản xuất kinh doanh báo cáo kết quả kinh doanh thụt lùi. Nổi bật có thể kể đến Công ty CP thủy sản Mekong báo cáo trong quý 4/2023 lỗ hơn 380 triệu đồng trong khi quý 4/2022 có lãi hơn 3,7 tỉ đồng. Điều này đưa lũy kế cả năm vừa qua công ty chỉ còn lãi sau thuế hơn 703 triệu đồng, giảm gần 96% so với số lãi gần 17 tỉ đồng của năm 2022. Trước đó, chỉ sau 9 tháng năm 2023, hàng loạt công ty thủy sản báo lợi nhuận lao dốc như Vĩnh Hoàn giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022; Công ty CP đầu tư và phát triển Đa Quốc Gia giảm 80%; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang giảm 64%...

Hay như các công ty thủy điện trước đây luôn báo lãi lớn nay cũng có kết quả kinh doanh ảm đạm. Có thể kể đến là Công ty CP đầu tư và phát triển Điện Tây Bắc (NED) báo lãi cả năm 2023 chỉ đạt 3,45 tỉ đồng, giảm 82%; Thủy điện Sê San 4A ghi nhận lãi trước thuế 145 tỉ, giảm 22%… Một số DN vật liệu xây dựng như thép, xi măng cũng có lãi trở lại so với mức lỗ lớn của năm 2022 nhưng vẫn còn thua xa so với từ năm 2021 trở về trước.

Không ngoại lệ, DN dệt may cũng lao dốc lợi nhuận như Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) cho biết doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 17.225 tỉ đồng, giảm 5% và lợi nhuận trước thuế ước đạt 377 tỉ đồng, giảm 69% so với năm 2022 và đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ khi công bố báo cáo tài chính (năm 2015).

Trong bức tranh chung, ngành bất động sản cũng chưa hết khó khăn. Công ty CP địa ốc First Real là công ty bất động sản đầu tiên báo cáo tài chính cả năm 2023. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm nay của First Real đạt 169 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 384 tỉ đồng cả năm 2022 và lợi nhuận sau thuế chỉ còn 19 tỉ đồng, giảm 83% so với năm 2022...

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho rằng bức tranh lợi nhuận năm 2023 kém sắc là điều không bất ngờ. Nhiều công ty gặp phải vấn đề lớn nhất là mức tiêu dùng trong nước thu hẹp rất mạnh, cao hơn cả dự báo. Dù vậy, ông nhận định sang năm mới 2024, tình hình kinh doanh sẽ sáng hơn. Các động lực tăng trưởng trở lại bao gồm đơn hàng xuất khẩu dần được cải thiện và có thể thấy rõ ràng trong quý 2/2024.

Kế đến là việc Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Điều cuối cùng là các chính sách sắp xếp, hỗ trợ lại thị trường bất động sản, gỡ vướng pháp lý cho nhiều dự án cũng sẽ hỗ trợ thị trường từng bước hồi phục. "Lĩnh vực phục hồi sớm hơn sẽ là ngành tiêu dùng, xuất khẩu. Riêng bất động sản còn phải theo dõi và sẽ hồi phục chậm hơn", TS Đinh Thế Hiển chia sẻ.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng giám đốc khối đầu tư chứng khoán - Công ty quản lý quỹ Vinacapital, kỳ vọng kinh tế năm nay được phục hồi, lạm phát tiếp tục ổn định và lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ là động lực lớn cho nền kinh tế. Trong đó, các ngành bất động sản, vật liệu xây dựng, chứng khoán, hàng tiêu dùng và NH sẽ là những ngành có mức tăng trưởng hấp dẫn nhất.

...
 
Back
Top