Nhộn nhịp thị trường mua bán tạng, các bệnh viện đồng loạt cảnh báo lừa đảo

hỏi_làm_gì

Senior Member
Hiện trong danh sách chờ ghép tạng quốc gia có hơn 5.000 ca, nhưng đây là con số nhỏ so với thực tế. Nhiều người ngày đêm vật lộn với sự sống để chờ đợi được ghép mô, tạng nhưng nguồn tạng hiến tặng còn rất hạn chế. Nắm được nhu cầu này, nhiều hội nhóm mua bán tạng trái phép đã xuất hiện.
Nhộn nhịp thị trường mua bán tạng, các bệnh viện đồng loạt cảnh báo lừa đảo

Thông tin Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có ca hiến tạng từ người chết não truyền nhau trên mạng.

Muôn kiểu mua bán tạng
Ghep-Tang-1.jpg
Hình ảnh phóng viên trao đổi với đối tượng môi giới bán thận.

Hình ảnh phóng viên trao đổi với đối tượng môi giới bán thận.

Chỉ cần vào mạng gõ từ khoá “mua bán tạng” sẽ cho ra rất nhiều hội nhóm như Hội hiến ghép mô tạng, Hội những người đăng ký hiến tạng Việt Nam…
Trong vai một người cần tiền, có nhu cầu bán thận gấp, phóng viên vào Hội hiến mô ghép tạng thấy dòng rao môi giới mua bán thận có tên Đ.P.L: “Ai muốn hiến thận, để trả nợ và có vốn làm ăn. Mình nhận tất cả nhóm máu, pháp lý một người ký. Từ 19 đến 42 tuổi. Tất cả chi phí đi lại, ăn uống, ngủ, nghỉ, khám, bên mình lo từ A-Z làm ở Huế và Hà Nội. Được bảo hiểm trọn đời, bảo mật uy tín liên hệ và kết bạn Zalo với mình 0865479xxx”.
Phóng viên đã liên hệ với số điện thoại trên và được hướng dẫn chi tiết. Theo đó, để bán được thận, trước tiên người môi giới hướng dẫn cần phải làm một số xét nghiệm như: Xét nghiệm nhóm máu, siêu âm tổng quát ổ bụng, kiểm tra các chức năng gan thận. Sau khi có các xét nghiệm này, người bán thận phải gửi cho các đối tượng môi giới kiểm tra, khi đạt yêu cầu, các đối tượng sẽ liên hệ trực tiếp lại để thực hiện việc giao dịch.
"Phải xét nghiệm trước để biết được mình thuộc nhóm máu A, B hay O,... Đi kèm với đó là kiểm tra tổng quát ổ bụng xem có gặp vấn đề gì không. Bên chúng tôi sẽ hỗ trợ người bán thận đến bệnh viện xét nghiệm. Nếu người bán thận có nhóm máu O thì mức giá càng cao. Giả sử người có thận nhóm máu O sẽ được mua thận với giá 550 - 600 triệu đồng/quả thận. Còn ở các nhóm máu A hay B thì mức giá sẽ thấp hơn, khoảng 500 triệu đồng/quả thận" - môi giới này cho biết.
Người này cũng thông tin thêm, trước khi thực hiện quy trình bán thận, người bán sẽ được bên môi giới lo cho chỗ ăn ở, chi phí đi lại để tiện theo dõi sức khỏe. Ngoài ra, một giao dịch bán thận sẽ được thực hiện thông qua một thủ tục pháp lý có tên là "hiến tạng".
"Vì nếu nói là mua bán thì khó thực hiện, pháp luật không cho phép việc này nên phải sử dụng từ hiến tạng với mục đích cứu người" - môi giới này nói.
Liên hệ với một môi giới bán thận khác tại Thừa Thiên - Huế với lời quảng cáo: “Cần người hiến thận gấp. Hiện bên mình cần gấp các bạn nam/nữ nhóm máu A, B, O tuổi đời từ 28-40, có gia đình đồng ý. Bên mình lo từ A-Z, nhận tiền trước 30 phút khi vào bàn mổ, được Bộ Y tế cấp bảo hiểm trọn đời, yêu cầu có xác nhận cư trú, căn cước công dân gốc, xác nhận độc thân hoặc giấy đăng ký kết hôn, phiếu lý lịch tư pháp số 1. Liên hệ 033 5693xxx”.
Người này cũng cho biết: "Được gia đình đồng ý thì mới làm việc được. Đặc biệt, người bán thận có tuổi càng trẻ, càng khỏe thì quả thận càng đắt giá. Trung bình khoảng 470 - 480 triệu đồng/quả thận".
Có rất nhiều nhóm mua bán nội tạng, hiến thận, hiến trứng, tinh trùng trên mạng xã hội. Người có nhu cầu bán cũng phải lên tới hàng nghìn người. Phần lớn lý do họ muốn bán thận vì hoàn cảnh.
Một điểm chung là các đối tượng môi giới này đều yêu cầu người hiến phải đóng một khoản chi phí để làm các xét nghiệm, nếu đạt yêu cầu mới bắt đầu làm thủ tục phẫu thuật hiến tạng. Các đối tượng này không chỉ hoạt động trên các hội nhóm, mà còn đến các bệnh viện để lôi kéo, mời chào bệnh nhân và người nhà.
Nhu cầu ghép tạng hiện nay rất lớn nhưng nguồn tạng khan hiếm. (Một ca ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Ảnh: Mai Hằng

Nhu cầu ghép tạng hiện nay rất lớn nhưng nguồn tạng khan hiếm. (Một ca ghép thận tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Ảnh: Mai Hằng

Lừa đảo trắng trợn

Trong khi thị trường mua bán tạng nhộn nhịp trên mạng, nhiều bệnh viện phải đưa ra cảnh báo tình trạng mạo danh bệnh viện lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, có tiếp nhận phản ánh của anh Nam ở Hà Nội về việc đối tượng Nên liên hệ, hướng dẫn anh xác nhận hiến tạng của chị Phong tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Anh Nam cho hay, một người liên hệ nói rằng, bạn gái có đăng ký hiến mô tạng. Nội dung trong giấy đăng ký viết rõ: "Trước khi nhận được chi phí hiến tạng, phía gia đình chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền thăm khám và làm xét nghiệm trước cho người được hiến với số tiền là 14.550.000 đồng. Người này nói tôi sẽ nhận được 250 triệu đồng sau khi ca phẫu thuật hiến, ghép tạng hoàn tất. Nhưng để nhận số tiền này, tôi phải chuyển gần 15 triệu đồng để làm thủ tục xét nghiệm".
Nghi ngờ lừa đảo, anh Nam đã liên hệ với Bệnh viện Nội tiết Trung ương để tìm hiểu kỹ. Bệnh viện cho hay, không có dịch vụ hiến tạng và không tiếp nhận bất kỳ ca hiến tạng nào. Lúc này anh Nam mới "ngã ngửa" vì biết các thông tin đối tượng nói là không đúng.
Tương tự, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng thông báo không có bệnh nhân chết não, có nguyện vọng hiến tạng - nhóm máu B. Các thông tin chính thống của bệnh viện đều được đăng tải trên các kênh truyền thông chính thức của bệnh viện.
Sở dĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phải phát đi thông báo trên bởi liên tục trên mạng xã hội lan truyền thông tin sai sự thật: “Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hiện đang có một bệnh nhân chết não, nguyện vọng hiến tạng - nhóm máu B. Nhờ cộng đồng lan tỏa giúp, nếu có bệnh nhân có chỉ định ghép tim, ghép tạng xin liên hệ để có cơ hội tốt cho bệnh nhân”.
 
Back
Top