• Trưa nay Shopee có tí mã 5/5

Những câu chuyện kì bí của "Người Kể Chuyện"

CHUYỆN VỀ NGÔI NHÀ GẦN KÊNH TÂN HOÁ.

Hôm nay nhận được cuộc điện thoại hỏi thăm của người anh em cũ trong quận 5 hỏi thăm, tôi lại sực nhớ về câu chuyện xưa, sẵn lúc đang rảnh, xin đổi gió kể cho bà con nghe đỡ buồn.
Vì câu chuyện liên quan tới nhiều người thân của anh em bạn bè và ngôi nhà của họ nên tôi sẽ đổi tên và không viết địa chỉ cụ thể xin bà con lượng thứ.
Vào tầm cuối những năm 90 đầu những năm 2000, chúng tôi ở SaiGon, thời điểm đó rảnh nên anh em cũng thoải mái lang thang đây đó kết thân và giao lưu với nhiều bạn bè anh em mới thuộc những cơ quan đơn vị quanh quanh địa bàn.

Trong một lần anh em tụ tập nhậu nhẹt nhân ngày nghỉ ở quận 11, tôi có làm quen một anh bạn đang công tác ở quận 5, anh bạn đã mới nghỉ hưu năm ngoái rồi, và là người vừa đt hỏi thăm tôi.
Anh bạn tôi tạm gọi là Toàn, kém tôi vài tuổi, thấy anh em tôi hay tò mò say sưa với những chuyện lạ nên trong cuộc nhậu cậu em này xin số tôi và nói, chủ nhật tuần sau nếu bọn anh thích em sẽ đưa qua một nơi này cho các anh tha hồ mò mẫm trải nghiệm, tôi còn nhớ có hỏi giỡn cậu em là có “khét” không cậu, Toàn chỉ cười nói với các anh thì em không biết chứ với nhiều người em biết thì nghe họ nói và kể lại thì cũng mặn như nước mắm đấy anh ạ.
Đúng hẹn sáng chủ nhật chúng tôi lái xe qua rước Toàn, lúc đi Toàn còn chỉ chúng tôi rẽ qua Học Lạc có cái ngã tư nhỏ gì đó gần một khu đông đúc, ngã tư có cái bùng binh nhỏ giữa bùng binh có một cái cột hay bức tượng gì đó mà tôi quên rồi, dừng xe và anh vào một tiệm tạp hoá bên đường tìm một người cô để lấy chìa khoá căn nhà, nhân tiện chúng tôi lân la hỏi thêm chuyện từ người cô này của cậu bạn..

Người cô của anh tên Út, Toàn gọi là cô vì cô là em út ruột của cha anh, cô Út trạc trạc tuổi tôi, có khi còn nhỏ hơn nhưng vì lễ nghĩa chúng tôi vẫn gọi là cô cho phải phép.
Xin nói sơ qua về cô Út này chút cho mọi người rõ ạ, cô Út của Toàn là người gốc Cà Mau, quê nội Toàn ở đó, cô Út lên thành phố làm ăn và có làm bé một người đàn ông có tuổi buôn bán thuốc lá và hàng hoá gì đó, nghe nói cũng khá giả.
Cách đó chừng gần chục năm thì người đàn ông đó nói cô Út tìm một căn nhà ở đâu xa xa khu Học Lạc chút, rộng rãi để tính làm phòng trọ cho thuê và cô Út về đó không bán buôn gì nữa chỉ trông coi phòng trọ thôi.
Nhờ bạn hàng ở chợ vải chỉ mối cho cô Út về khu Phú Lâm giáp Tân Hoá mua một căn nhà.
Đi tới bùng binh Phú Lâm thì có con đường kế đường Bà Hom, đi qua trường Mạc Đĩnh Chi hình như giờ nó tên là Tân Hoà Đông hay Hoà Đông thì phải..tôi nhớ mại mại vậy, rẽ ra phía Cầu Tre rồi đi vòng ngược lại, theo hướng rạch Tân Hoá ngược lên phía Hồng Bàng, đường xấu lắm, nghe nói ô tô vào được nhưng vòng vèo lắm nên chúng tôi bỏ xe ở đồn Phú Lâm rồi mượn xe honda đi vào cho chắc.

Khu vực đó lúc đấy tôi thấy còn khá vắng, nhiều ao rau muống ngay cạnh con kênh nước đen thui, ban đêm thỉnh thoảng còn thấy người đi bắt ếch, tiếng ếch nhái kêu om sòm..
Căn nhà đó nằm trong một đường hẻm, nói thật lòng là giờ bảo tôi quay lại tìm nhà đó thì tôi chịu chết rồi, chỉ nhớ lúc đó xung quanh còn nhiều đất trống bỏ không lắm, nó là căn nhà xây phía trước có lầu phía sau chạy dài giống kiểu nhà ống và cơi nới chắp vá tùm lum, bên trong tối tăm và ngột ngạt vì chia làm nhiều phòng, lợp tôn rồi có cả gác xép, lửng.
Căn nhà khá rộng, tầm gần 200m2, có một lối đi vào phía sau qua cửa của căn nhà chính bên ngoài, cô Út nói ban đầu nó không như vậy mà lúc đầu đó là khoảng sân vườn, sau cô mới cho xây cơi nới chắp vá lên làm phòng trọ nó mới kín bưng vậy, tính cho thuê nhưng sau đó khó ở và lúc đó quanh đó cũng vắng vẻ nên cô đành bỏ đó, bây giờ thì chỗ đó chắc đông lắm rồi.
Trên xe lúc qua căn nhà thì cậu Toàn có kể cho chúng tôi sơ qua về lịch sử căn nhà đó, ban đầu thì anh không biết gì nhiều nhưng sau thấy nhiều điều lạ lùng xảy ra ở đó và cô Út bỏ không ở, có thời gian người em trai của Toàn lúc đó mới về công tác ở quận 11, nghe cô Út có nói nhà khó ở thì cậu em này có xin cô Út cho ở nhờ và cô đồng ý.
Nhưng người em này cũng không ở được lâu thì phải bỏ chạy đi nơi khác thuê trọ, nghe thấy lạ nên cậu cất công tìm hiểu xem lai lịch căn nhà đó ra sao…

Theo lời cô Út và một bà trung trung tuổi tên là Sồi, bà này là người Hoa, là người làm của ông Dương, chồng hờ của cô Út, khi cô Út chuyển về đó ở thì ông Dương cho bà Sồi về ở cùng giúp việc cô Út, hai người ở tầng trệt căn nhà, còn lầu trên làm kho để hàng hoá, có một phòng ngủ, phía sau qua mảnh sân thì còn căn nhà nữa bỏ không, như là nhà kho hay chỗ để xe của chủ cũ hay sao đó.
Khi mua nhà thì người Hoa khá kỹ trong việc cúng bái xin phép Thần linh, Thổ Địa vào nhà, nhập trạch vv, nhưng do bà vợ cả ông Dương khá ghê gớm nên mọi việc phải giấm dúi bí mật, cô Út có kể là ngay hôm đầu tiên cúng vào nhà thì bát hương đã cháy bùng lên, dập lửa được một lúc lại cháy bùng tiếp dù mới chỉ có vài cái chân nhang, thịt heo quay và vịt quay cúng xong chặt ra thì bị đỏ, nước đỏ chảy ròng ròng, người Hoa khá kỹ trong việc làm đồ cúng ít khi để đồ bị sống như vậy..

Ăn uống xong tới đêm thì ngoài bà Sồi cùng cô Út lúc đó còn có ba người bạn hai gái và một trai của cô Út cũng tới nhậu cùng ở lại phụ dọn dẹp, do trong bếp chật nên mọi người kéo chén bát ra sân sau thu dọn lại mai người ta qua lấy, đang thu dọn thì một cô bạn bỗng ngã bật ngửa ra đầu đập vào mấy cái bàn ghế đang bày đó đổ máu, anh người yêu phải đưa đi viện khâu mấy mũi.
Tới gần sáng khi chỉ còn bà Sồi, cô Út cùng một cô bạn đang ngủ bỗng nghe một tiếng “rầm” rất to, mọi người vội dậy coi sao thì cái bàn để hai rổ chén bát đã đổ sập xuống, chén bát vỡ văng tứ tung, cửa nhà lúc đó đóng và chẳng có ai thức cả..
Người Hoa vốn rất duy tâm nên ông Dương đã phải mời một thầy cúng từ Hóc Môn sang cúng bái lại vì theo duy tâm thì nhà mới mà đã xảy ra đổ máu với đổ vỡ vậy thì không tốt.
Ông thầy cúng cũng là người Hoa tới cúng, đi lại quanh nhà và mảnh đất xong chỉ lắc lắc đầu nói với ông Dương; Đất này được hướng nhưng dữ khó ở lắm, nếu có ai mua thì bán đi chứ ở thì không tốt đâu, không cẩn thận còn mất mạng…
Nhà mới mua mà thầy nói vậy nên ông Dương không vui lắm, mấy ngày sau ông lại mời thầy nữa ở quận 5 xuống cúng và “trấn” hộ, nghe nói người thầy cúng này giỏi lắm, người này chỉ cầm tay ông Dương một hồi rồi bảo ông Dương xuống bốc một nắm đất bằng tay trái lên cho ông thầy coi, nếu được ông thầy mới xuống cúng, khi cầm cục đất ông Dương mang lên, ông thầy cúng kia lắc đầu nói, đất này dữ lắm có nhiều “người” đang ngự ở đây, nhà của họ rồi nên không làm được gì cả.., ai mua thì nên bán đi.

Do lúc đó mua căn nhà giá rẻ lại rộng nên ông Dương và cô Út đều tiếc nên không muốn bán đi, mà ông Dương cho xây thêm phía sau, nối mảnh sân và hai căn nhà phía trước phía sau, chia phòng ra làm nhà trọ.
Làm nhà trọ chưa được bao lâu thì có chuyện, đầu tiên là mấy thanh niên trọ nhậu say đánh nhau đâm chém nhau gì đó một anh bị đâm chết trong phòng, tốn kém một mớ tiền đến cửa quan, sau đó thì tới cô Út bị bà cả đánh ghen rồi sảy thai, rồi tới một anh người làm của ông Dương khi xuống đó lấy hàng để trên gác khi vác bao hàng xuống thì té cầu thang gãy cả hai tay..
Mấy cô miền Tây lên làm gói La hán quả thì đêm về vừa bước vào cửa gào ầm ĩ, cô Út nằm trong phòng chạy ra hỏi sao thì họ nói có ba bốn người đen xì ngồi ở giữa hành lang từ nhà trước ra dãy nhà sau, nếu một người thấy còn bảo họ mắt quáng gà nhìn nhầm, đây cả ba cô đều thấy, một cô còn tè cả ra quần vì sợ, sau đó vài bữa thì mấy cô đó chuyển đi không dám ở nữa.
Hai mẹ con chị bán vé số ở đó thì than phiền với cô Út là ông già ở nhà cuối vô duyên đi qua phòng mẹ con chị hay thò đầu vào nhìn.
Cả cô Út lẫn bà Sồi đều sửng sốt hỏi ông già nào? Thì mẹ con chị vé số nói ông già tướng nhỏ loắt choắt hay mặc áo cộc tay trắng và quần cộc ở phòng cuối dãy đó..
Phòng cuối đó thì chưa có ai ở cả.

Một lần buổi trưa cúp điện bà Sồi nằm ở cái võng kê trước phòng trọ số 1 kề với căn nhà trên, đang thiu thiu ngủ thì cô giật mình thấy cảm giác lạnh lạnh, mở mắt ra cô giật thót người khi thấy một gương mặt đàn ông như đang đứng ở đầu võng cô cúi mặt xuống nhìn cô, lúc đó cô nằm đầu quay vào trong mặt hướng ra phía cửa ngoài, người đàn ông đó đứng phía sau, hốt hoảng vì tưởng có trộm cô vội vùng dậy ngoảnh đầu lại coi thì thấy một người đàn ông giống như hai mẹ con chị vé số tả đang đi rất nhanh theo hành lang vào dãy phòng phía trong, cô Sồi sợ quá chạy vội ra ngoài nhà, không dám quay vào, lúc đó cúp điện buổi trưa rất nóng nên không có ai bên trong nhà cả, có bảy phòng ngăn và một nhà vệ sinh chung thì chỉ có bốn phòng có người thuê, và chẳng có ai như người đàn ông kia cả.
Cô Út thì kể, cô gặp hai lần, một lần ở chợ về muộn, bà Sồi đang nấu cơm, cô thấy một đứa trẻ đầu rất to đang ngồi lê la dưới nền đất, dưới gầm bàn ăn, ngay sau lưng bà Sồi tay nó cầm miếng dưa cải muối đang bỏ vào miệng, người nó béo mập và nhem nhuốc bẩn thỉu, nó ngước cặp mắt trố lên nhìn cô và ngừng nhai, vóc dáng con nít nhưng mặt nó già đanh, cô vội hỏi bà Sồi, trời, con ai này vậy chế? Bà Sồi giật mình quay lại nói, có mình tui chứ có con ai, chỉ một chớp mắt tích tắc khi hỏi bà Sồi và khi tính chỉ xuống gầm bàn cho bà coi thì chẳng thấy đứa bé đó đâu nữa, chỉ có chiếc nồi cơm điện gần đó, lần đó cô đã rất sợ hãi và hoang mang cô cố tự trấn an mình là đã nhìn lầm thôi, còn lần thứ hai thì cô biết mình không lầm và cô đã quá sợ hãi và ngay hôm sau đi tìm chỗ trọ mới.

Lần đó buổi tối, cô tắm xong tính ra đi ngủ, toilet và phòng tắm thì ở tầng trệt, vừa ra khỏi cửa phòng tắm cô suýt xỉu khi thấy một người đàn ông, chừng 5 mấy 60 tuổi, nhỏ thó mặc áo sơ mi cộc tay màu trắng, quần cụt, đầu hơi hói đứng ngay giữa phòng ăn bếp nhìn cô chằm chằm, gương mặt với hai con mắt láo liên cái mũi nhọn và hàm răng vàng khè những cái răng hơi nhọn nhọn, đang nhe ra nửa như cười nửa như doạ, cô Út đã sợ quá khuỵu cả chân xuống và la không ra hơi gọi bà Sồi, cô kể cái gương mặt của người đàn ông đó ám ảnh cô rất nhiều năm sau này, tới nỗi cô cứ nhìn thấy ai thấp nhỏ đầu hói mắt láo liên là cô lại rùng mình sợ nổi gai ốc..
Xung quanh khu nhà cô Út phía ngoài hẻm thì nhiều nhà cho thuê trọ và nhiều người ở quê lên trọ để làm việc, có thể nói phòng trọ luôn thiếu nhưng nhà cô thì khác, rất ít khi ful phòng, và chẳng ai ở lâu, nói đúng hơn là dám ở lâu, thường khi đi rồi họ mới thì thầm nói với nhau hoặc nói với hàng xóm; Nhà đó có nhiều ma dữ lắm, nửa đêm ngủ mở mắt ra thấy nằm cạnh cái thây to đùng trương sình như con trâu, hoặc những đứa trẻ người căng phồng như trái banh, hoặc một lão già thoắt ẩn thoắt hiện vóc dáng bé loắt choắt với hai con mắt láo liên và chót mũi đỏ hỏn, hay đứng trong bóng tối nhìn người ta chằm chằm hoặc nhe răng chẳng ra cười chẳng ra doạ..
Nghe mọi người kể thì tôi cũng tò mò lắm nên mới rủ thêm hai thằng nữa xin ngủ lại một vài bữa coi có gì không, một thằng thì lại có việc gấp phải công tác, còn lại tôi với cậu em nối khố, hai anh em mua ít heo quay và mấy lon bia rồi mò vào căn nhà đó thử coi sao.
Lúc trước thì thỉnh thoảng công nhân chạy xe honda vào chở hàng đi, vì tầng trên phía ngoài vẫn làm chỗ chất hàng, chỉ có phòng ngủ cô Út là không để hàng, nhưng sau không còn ai ở đó trông hàng hoá thì căn nhà như bỏ hoang, đóng cửa suốt.

Căn nhà vừa sâu, vừa tối dù mái đã lợp vài tấm nhựa để cho sáng hơn chỗ dọc lối đi nhưng do lâu ngày lá cây rụng kín hết, mấy phòng trọ bỏ không phía sau tối om mùi mốc meo và đồ cũ khách trọ bỏ lại vương vãi trên sàn, gác xép tối om om bụi bặm, thật tiếc vì xung quanh ngày nào cũng có người đi tìm nhà trọ mà căn nhà này bỏ không, cô Út cũng ko muốn cho thuê trọ vì cứ ba bữa họ lại xin chuyển rồi xin tiền lại cãi cọ nhau qua lại suốt rồi chán cô ko cho ai mướn nữa.
Chúng tôi thì không sợ những nơi vắng vẻ u ám hay nhiều âm khí, nhưng ở căn nhà đó thử mấy bữa cũng cảm thấy nặng nề u ám hết đầu óc, thắp nhang và hút thuốc thì toàn tắt.. nói thật lòng là ở đó hai lần, một lần bốn ngày, một lần hai ngày, toàn chọn ngày rằm với mùng 1 là anh em tôi mò qua nhưng thật sự là tôi chưa gặp điều gì lạ cả, chỉ có đúng một lần khi tôi mò mẫm vào căn phòng thứ ba bên trái thì tôi vấp chân vào cái quần cũ ai bỏ lại và té chúi nhủi rất đau và phát cáu, còn lại tối anh em ngồi ăn uống còn cố tình lấy đũa gõ vào bát liên tục, nhậu hay ngồi chuyện trò với nhau tới khuya cũng chưa thấy hiện tượng gì, ngoài mỗi sự lạ là nước ở căn nhà đó nhạt nhẽo và có mùi gì đó rất khó ngửi và khó uống, có một lần thì cậu em Th có thắp mấy ngọn nến dọc cái hành lang chúng tôi ngồi rình nhòm mãi ko thấy gì, nhưng quay qua uống trà với nhau lúc sau quay lại thì 6 cây nến phía trong tắt hết, chỉ còn mỗi cây gần cửa lên nhà trên gần chỗ chúng tôi ngồi là còn cháy, mà cửa nhà thì đóng trong đó cũng chẳng có gió lùa vào, chả hiểu sao nến nó lại tắt nữa.

Th. nó cũng lẩm bẩm nói với tôi, nhà này khó ở đấy anh ạ, “linh tinh” lắm, cậu em này giỏi về mấy chuyện đó nên biết, tôi thì ú ớ nên chỉ biết nghe nó nói vậy thôi chứ không biết gì cả.
Sau thì cậu Toàn có nói chuyện với tôi về căn nhà đó như sau, từ khi cậu em cậu Toàn làm ở quận 11 ở đó và phải chuyển đi vì nhiều hiện tượng lạ như cứ đêm ngủ là thấy như có ai nhảy thình thịch ở trong phòng, rồi nhiều lúc nằm chưa ngủ chợt nghe tiếng thở phì phì như có ai nằm phía sau, quay lại thì chẳng có ai, có đêm thì mơ thấy một thằng bé nó cứ lấy đà nhảy lên bụng rồi lên ngực cậu, chỉ là ngủ mơ nhưng sáng dậy ngực đau ê ẩm, rồi có lần đêm đi trực về muộn cậu thấy như có một bóng người trượt theo tay vịn cầu thang xuống căn bếp bên dưới, rồi lăn ra giãy đành đạch như con cá mới bị câu lên… cuối cùng nhiều chuyện mệt mỏi quá khiến cậu này phải chuyển đi chỗ khác.
Sau khi cậu em đi thì cậu Toàn có dò hỏi anh em quản lý khu vực nơi đó, mãi thì cũng có vài cô chú lớn tuổi có kể lại và các cô chú cũng chỉ nghe kể lại thôi chứ không được chứng kiến là mảnh đất đó xưa là cái gò nhỏ dài, ngay giáp kênh người ta có vài lần chôn xác chết trôi sông vô thừa nhận loanh quanh ở khu đất đó, sau này có mấy anh em ông tên Ba cất nhà ở, sau ông này vượt biên thì một căn nhà chính bị kê biên còn lại mảnh vườn, sau thì người em trai, cũng làm lái xe ở một cơ quan công quyền chế độ cũ có xin ở lại mảnh đất của gia đình họ sau khi đi cải tạo về, có đón cả vợ con về sau không rõ sao đó đã treo cổ tự vẫn ở căn nhà phía sau, rồi bỏ không khá lâu, sau đó thì người vợ của ông treo cổ kia có bán cho căn nhà này lại cho người khác, người mua sau mới xây căn nhà một lầu một trệt, trước thì chỉ có căn nhà nhỏ phía sau thôi, qua vài ba người mua bán thì đến lượt cô Út mua..
…..
Lâu quá rồi tôi không đi qua đó nên cũng không rõ nơi đó giờ ra sao, nay chú em gọi điện hỏi thăm tự nhiên sực nhớ ra vụ cái căn nhà này nên viết lại hầu chuyện bà con đọc chơi, biết đâu lại có ai ở gần quanh đó biết về căn nhà đó, hoặc đang ở trong căn nhà đó chẳng hạn😝.
( Câu chuyện lâu rồi tôi cũng cố gắng nhớ lại và hỏi thêm cậu Toàn, nhưng cả hai cũng chỗ nhớ chỗ quên nên có thể lủng củng tý, bà con đọc cho vui và thông cảm nhé)
 
Chuyện hài nha

LAI RAI CHUYỆN Ở MONGKOL BOREI.

Tạm thời chia tay Pailin, Poipet tôi xuống Mongkol hỗ trợ anh Ba L.
Chia tay rừng rú mìn bẫy với đạn bắn tỉa ở Pailin và Poipet tôi xuống chỗ chú Tư N và anh Ba L, đang ở rừng mà được về phố tôi vui đêm trước khi đi ngủ không được, thương chú Tư S cùng anh em ở lại, mừng là sắp được về sì phố cờ hoa tưng bừng.
Sáng sớm tôi cùng thằng Th ba chân bốn cẳng ra vẫy xe, những cái xe đò bụi mù đất đỏ bẩn thỉu người ngợm hàng hoá lèn như cá mòi vù vù chạy qua, tài xế chả thèm ngó ngàng tới hai thằng tôi cầu bơ cầu bất đứng vẫy xe tới sái cả tay chả cái nào dừng, lại phải vào nhờ Thum Min, lục thum Min khệnh khạng trời nóng chết ngốt sơ vin đóng thùng cốt để khoe cây súng ngắn đeo xệ trước bụng chân đi đôi giày sĩ quan cô sa ghin, đổi ba con vịt xiêm lấy đôi giày của anh L, chân thum Min toè như cái xẻng cố ních vào đôi giày khiến anh em tôi cười lăn với nhau.
Thum Min ra giữa đường đứng dạng chân như cao bồi Mỹ mắt gườm gườm nhìn chiếc xe đò chạy tới, tài xế vội phanh nhấc cả đít khi nhận ra thum Min, Ê, cho tao gửi hai “cán bộ cấp cao” đi công tác bay!
Lơ xe cuống quýt đẩy mấy bà buôn chuyến gọn vào cho chúng tôi đứng, đứng chứ làm gì có ghế mà ngồi, xe hôi mù thối um đủ thứ mùi, đoạn đường có hơn ba chục cây mà xe ì ạch chạy tới hơn hai tiếng hàng hoá chất tới mức không còn chỗ chất nữa.

Tới Sisophon anh Ba L đỗ xe chờ sẵn, ôi trời..xe khách đây sao? Chúng tôi tá hoả khi nhìn thấy cái gọi là xe khách mà anh Ba đang đỗ đợi chúng tôi.
Một chiếc xe đốt đời Thành cát tư hãn bẩn nhèm, già nua tuổi tác, lọm xọm còm cõi như một ông cụ già bị hen lại nghiện rượu đang đỗ cạnh bãi đất khai mù, ruồi nhặng và lá bánh la liệt, phía sau xe thằng Thịnh béo như chó thiến hàng cơm, mặt mũi chân tay đen nhẻm đang hì hục cời cời cái lò than, bụi tro bay mù mịt, thấy anh em tôi nó nhe răng ra cười..
Trên xe đủ thứ hầm bà lằng hổ lốn, từ mắm muối gạo thóc, dầu hoả tới gà lợn, con nít đen nhẻm cởi truồng tồng ngồng thản nhiên đái ỉa ngay bậc lên xuống.
Thảo nào tôi thấy khi chú Tư S nói cho hai thằng bay xuống phố đi xe đò chở khách nhé, thấy chúng tôi reo lên sung sướng hỏi chú Tư, xe ngon không chú? Chú tư mím môi cố không cười quay đi nói, má..xe đò đời mới của Pháp mà ko ngon sao bay!!
Thôi kệ, dù sao ở sì phố lái “xe hơi” còn sướng chán vạn chui rúc trên rừng..
Anh Ba L quấn sà rông cởi trần trùng trục đầu đội cái nón tào phớ của lính cam, cổ vắt cái khăn mặt như cái giẻ lau đen xì thấy gớm giục chúng tôi lên xe đi các quý ông.
Cuộc đời lơ xe, tài xế của tôi bắt đầu.

Chúng tôi chia nhau cử con rôn roi chạy than đó, ngày chẵn anh Ba với thằng Thắng chạy, anh Ba lái, Thắng lơ. Ngày lẻ tôi với thằng Thịnh chạy, ban đầu nó lái tôi lơ, tôi thì lúc đó ú ớ tiếng Cam chưa sõi chả biết đằng nào mà tính tiền, nó nói thôi anh lái đi em lơ cho.
Thế là tôi chỉnh chện ngồi vào sau tay lái thứ gọi là “xe hơi” đó, cái xe già nua gần như tất cả mọi thứ đều kêu trừ cái kèn, lọc xọc chạy trên con đường bụi mù mịt xóc nổ đom đóm mắt, ngày ngày hai quệt theo đường 5 từ Mongkol lên Sisophon.
Dậy từ mờ sáng lóp ngóp lên đường, ăn hủ tíu mỗi thằng làm cốc tướng rượu sara xong tưng tưng nổ máy, trưa ăn cơm lại khề khà bia Thái với nhái nướng, bia với nhái vũ nữ chân dài lúc đó là món đặc trưng của các quán nhậu Cam.
Nhái mổ bụng lột da, phơi khô quấn lá chanh hoặc lá bưởi nướng chấm muối chanh ớt, hoặc mắm bò hóc, làm ngụm bia nữa thế là quắc cần câu, ngày đó thì làm gì có thổi cồn như giờ nên các bác tài thoải mái say lướt khướt lái xe 7-80 cái răng một giờ, võng lượn thoải mái mà chả lo bị phu lít lụm.

Đi xe khách cũng vui lắm, tha hồ tán gái, nổ như bom Long bình, tha hồ chém gió bay cả nhẫn, xe khách lúc đó nhiều lắm toàn xe cà rịch cà ẹt vừa chạy vừa sửa, của nợ rôn roi của chúng tôi cũng vậy, hư suốt chúng tôi ngày nào cũng khi đi tươm tất khi về tả tơi với nó, nóng như cái lò hôi xì và bẩn thỉu, vừa chạy khật khừ vừa rơi những cục than còn đang cháy ra đường, khách lẫn heo gà, vịt.. ngồi lộn tùng phèo với nhau, lợn, gà, vịt ị xả láng trên nền xe, con nít cũng vậy..mỗi khi khách xuống là cả xe như một bãi rác, lúc đó cũng có giang hồ du đãng đứng bến bảo kê xếp khách, nhưng các loại đầu gấu đầu mèo đều né cái siêu xe của chúng tôi vì từ lơ đến tài thằng nào cũng to cao lầm lì, mặt vàng bệch sốt rét, tóc tai dài cợp, đít đeo lưỡi lê M16 hoặc lòng thòng cây mác Mỹ dài thượt, chưa kể lúc đó chú Tư N trong vai chủ xe, một ông già nát rượu, gàn dở và hung hăng kiểu coi trời bằng hạt tiêu.
Lúc đó cứ chiều là chúng tôi đưa xe về ghé bến sông múc nước rửa qua xe, rồi chạy vô tút trong chùa Chanh đỗ nhà cô Ba X. nghỉ ngơi.
Từ chợ Mongkol chạy xuôi theo mé sông Mongkol tới ngã ba rẽ trái qua cầu Sisovat bên phải là chùa Ram, tới ngã tư nữa chạy thẳng cũng được, quẹo phải theo bờ sông cũng được nhưng xa hơn chút, chừng vài ba cây là tới chùa Chanh, hai ngôi chùa này đều ngay bên mé sông Mongkol, lúc chúng tôi ở đó thì khu phố chợ khá đông đúc rồi, dân ở đó giàu lắm nhưng phía chùa Ram sang chùa Chanh thì vẫn vắng, hai bên đường toàn lùm bụi rậm rịt và cánh đồng kênh mương thẳng tắp nhưng bỏ hoang không thấy ai trồng cấy gì cả, khi ở đó tôi gặp vài mẩu chuyện lạ xin kể bà con nghe chơi.

Ngôi chùa Chanh lúc đó cũng bị hư hại nhiều do chiến tranh, mới có một vài ông sư quay lại chùa, vì thời Polpot thì chúng lôi cổ tất cả sư sãi ra khỏi chùa, tất cả phải đi cuốc đất hết không có kinh kệ chuông mõ gì cả, lơ mơ là ăn đạn liền, xung quanh chùa rất vắng vẻ, chúng tôi ở chỗ thím Ba X. chỗ đó ngày đấy là một khu đất hoang đối diện trường học bây giờ, cách nhau một con đường đất nhỏ phía sau là rừng cây rồi tới cánh đồng rộng lớn, cạnh chùa là sông Mongkol chảy xuôi xuống hướng Kra om.
Chỗ bãi đất chúng tôi ở có mấy dãy nhà hoang bỏ không, đó là nơi ở cũ của những người dân bị lính pot lùa ra làm ruộng vườn, có mấy cái ao khá to, một cái to và rất sâu lúc nước cạn vẫn nhìn thấy những khúc xương người vàng khè dưới đó, cùng với những hũ tro cốt cũ và những bức tượng Phật.
Ngày trước thì dân hay đem hũ tro cốt lên chùa Chanh để, sau lính pot bắt họ đem những hũ cốt và những bức tượng trong chùa ném hết xuống cái ao đó và cả những người dân lao động khi chết cũng bị quăng xác xuống đó.
Chúng tôi ở trong căn nhà xây lợp tôn, bên trên có một gác lửng đối diện là dãy nhà hoang gần như đêm nào cũng nghe tiếng loảng xoảng, lách cách lục cục vọng sang, cứ như vẫn có người đang ở, vài lần tôi và Thắng sang đó ban đêm soi bắt tắc kè, ban đêm gió ù ù lùa qua những khung cửa trống hoác, cảm giác lạnh lẽo tới rùng mình.
Một lần đêm sửa xe về muộn anh Ba lúc đó đi xe cùng anh Sơn, chúng tôi lúc đó đang ở Poipet, khi đỗ xe ở bãi đất dưới gốc cây xoài thì cả hai anh đều nhìn thấy rất nhiều những bóng người đứng ở cửa dãy nhà hoang bên đó như đang nhìn, hai anh tưởng có dân đâu về ở liền xách đèn pin đi qua tính hỏi thăm, đi tới sát cửa thì hai anh ngơ ngác dãy nhà hoang vẫn tối tăm hoang lạnh chứ chẳng hề có ai.

Còn tôi thì gặp hai lần, đều là một thằng bé con.
Lần đầu là hôm đó tôi nghỉ chạy ở nhà, thằng Thịnh và chú Tư đi câu cá chỉ có mình tôi ở nhà, lúc đó mới chỉ chừng 5 giờ chiều, vẫn còn nắng và rất nóng, tôi nấu cơm xong bê đồ ăn lên cái bàn giữa nhà, tính lấy cái quần tà lỏn đi tắm, ngước nhìn lên gác xép thì tôi giật mình, có một thằng bé con đứng trên đó, nó đứng im nghiêng nghiêng đầu như nhìn tôi, hai con mắt nó rất đen tôi không thể nhìn lầm được, tôi cũng đứng im nhìn lại nó mà trong đầu không hề nghĩ nó là gì cả, mà lúc đó tôi chỉ nghĩ nó là con cháu nhà ai đó xung quanh qua chơi..nhưng sau đó thì người tôi bỗng nổi gai ốc và rùng mình liên tục, tôi vội lùi ra cửa để nhìn lên gác cho rõ hơn, lạ là khi tôi lùi ra cửa thì nó lại như cố lùi vào phía trong, thấy vậy tôi chạy thẳng lên cái thang sắt để lên gác xem nó là ai thì lên hết thang cả căn gác rộng chẳng có bóng người nào cả.
Lúc đó tôi khá hoang mang, mồ hôi toát ra, tôi cứ đứng nhìn quanh quẩn..dưới nền thì chỉ có mấy cái ba lô lép kẹp, một hai cái mền với cái dây vắt ít đồ quần áo, chẳng có gì cả, vậy thằng bé đó đâu?
Tôi xuống thang ngồi vào bàn nghĩ vẩn vơ và thỉnh thoảng lại lén ngước lên gác nhìn, nhưng không thấy gì nữa.

Sau đó tôi có kể lại với anh Ba và Thịnh, thì thằng Thịnh có nói một hai lần ngủ đêm nó có thấy thằng bé này leo trèo từ dưới lên cái thang xong lại tụt xuống thang rồi lại leo lên như vậy nhiều lần trong đêm, do chú cháu tôi nằm ở phía dưới sát cửa, hai bên nhà có hai dãy cửa sổ rất dài nên buổi đêm trong nhà vẫn thấy được mọi thứ.
Thịnh nó nói với tôi hình như trước nó chết ở đây hay sao đó anh ạ.
Lần thứ hai tôi nhìn thấy nó thì nó làm tôi hết cả hồn vì giật mình.
Lần đó là cái sàn xe mọt gỉ quá rồi, đi trời mưa nước bắn hết lên, chú Tư bảo anh em tôi nghỉ sửa xe, chúng tôi đánh xe về bãi, anh em loay hoay cạy miếng sắt sàn xe lên, tôi vác chiếc xà beng vào dãy nhà hoang trước mặt tính cạy tấm tôn nào dày dày tý để lót nền xe.
Dãy nhà đó rất rộng nhưng đã bị cháy một phần, còn lại một phần chừng hơn trăm mét vuông là còn nóc, trong đó lại có những gian nhỏ chia ra làm ba bốn gian gì đó, tuy chia ra từng gian nhưng tường chỉ cao chừng hơn mét, có chỗ ốp những tấm tôn dày thay vách tường gỗ, phía trên là cửa sổ với hàng chấn song trông như nhà tù, đứng một chỗ có thể nhìn được hết các gian, chắc bọn pot làm vậy để dễ kiểm soát người dân bên trong.

Tôi chọn được một tấm tôn và bắt đầu lấy cây xà beng để nạy ra, lúc đó là buổi trưa nắng và nóng, nhưng bỗng nhiên tôi có cảm giác ớn lạnh rùng mình, theo thói quen tôi vội ngồi xuống dừng tay nhìn ra sau lưng, úi trời ơi thật..phía ngăn giữa, cách cái ngăn tôi đang cạy tôn một ngăn, có một thằng bé đang đứng nhìn tôi chằm chằm, lần này thì tôi đoán nó là cái gì rồi, tôi vẫn ngồi im nheo mắt nhìn lại nó, bỗng nhiên nó rụt cái cổ lại và nhe răng trợn mắt lên.., nóng đầu tôi nói, ơ đm thằng nhóc kia mày doạ tao à? Rồi quờ tay rút cây lê đeo sau mông nhằm thẳng nó tôi phi một phát, cây lê bay vút qua hàng song sắt trước mặt tôi nhưng lại vướng vào song sắt bên đó và rơi xuống đất, tôi xách cây xà beng lao sang thì nó không còn ở đó nữa, như biến vào không khí luôn.
Tôi chạy sang nhặt cây lê lên và chạy ra ngoài, đúng lúc anh Ba L mò vào, thấy tôi hớt hải chạy trong ra anh Ba hỏi tôi cái gì vậy? Tôi nói, em vừa gặp ma xong, đm thằng nhóc con nó nhe răng doạ em, anh Ba cười khì khì bảo tôi nhà này nhiều lắm, tao chưa bị doạ nhưng chú Tư bị rồi, ổng qua ị bậy bị nó doạ cho xách quần chạy đấy…
Hai anh em tôi quay vào cạy tiếp tấm tôn, tôi vừa làm vừa liếc mắt nhìn ngang nhìn dọc nhưng không hề thấy nó lần nào nữa.
Một đôi lần sáng sớm tôi và Thắng dậy đi xe, từ cửa nhà bước ra tôi thấy loáng thoáng có những bóng người như đang leo lên leo xuống phía sau xe chỗ cái thùng than, nhưng tới gần thì lại không thấy ai, tôi có nói với thằng Thắng tao vừa thấy có bóng người sau xe đấy, liệu có bị gài lựu đạn không, Thắng nó chỉ tỉnh bơ bảo; Ui kệ mẹ chúng nó, em thấy suốt mà, có lần nó còn ngồi trên xe mình ra tận cầu Sisovat mà anh, chắc nó đi nhờ mình đấy..
Nghe nó nói mà tôi hoang mang, ngồi lái mà mắt cứ liếc gương giữa liên tục, nhưng chẳng thấy gì cả, mà lạ là cứ hôm nào sáng sớm dậy xúc chén cơm ra để ở cửa sau xe là y rằng hôm đó khách đông đuổi không hết.
Cái vụ này tôi nhớ đã đọc ở đâu rồi nhỉ.
À là chuyện bà Bích Hằng kể. Hình như là ở gần bệnh viện nào đó có một tiệm cơm. Bà chủ rất siêng ngày nào cũng mang cơm qua cái cây đa gần đó thắp nhang để cầu đông khách.
Bà Hằng đi ngang qua và thấy trên cây có vài chục đứa trẻ (bóng ma). Tụi nó cứ gần buổi trưa là chạy đến quán nói với bà chủ " Đại ca hôm nay muốn ăn trứng....."
Và nếu làm thế thì tụi nó sẽ hút khách dùm bà chủ.

PS: chuyện của tôi cũng tương tự vậy.
Hồi xưa tôi làm ở ngay khu Rừng Sác, KCN Ông Kèo ấy. Lúc xây nhà máy thì rất nhiều chuyện lạ như công nhân ngủ đêm tại công trường bị tát đuổi đi. Hoặc là khu lò hơi bị ném đá chọc phá, chó sủa inh ỏi không ai dám ngủ.
Thậm chí nhà thầu phụ phải bỏ của chạy lấy người, thay mấy ông luôn. Thằng thầu chính phải xây cái miếu rõ to đẹp để thờ luôn mà.
Lúc tôi làm quản lý thì cũng biết điều nên mỗi tháng lãnh lương mua 1 con gà luộc. Gà ở Long Thành thì rất mỡ màng, ngon lành nhé quý dzi. Tôi mua thêm rượu, thuốc, gạo rồi thắp nhang khấn các vị khuất mặt mày xin mời ăn chút hương hoa mà phù hộ tôi công việc tốt đẹp.
Chắc cũng thế mà suốt 2 năm tôi chả bị hù lần nào. Thậm chí trong năm cuối toàn ngủ 1 mình trong xưởng to oạch mà vẫn gáy phò phò. Công việc thì thuận lợi, sự cố cứ lần lượt xảy ra nhưng vẫn xử lý được. Sau này nghĩ kỹ lại nếu các sự cố mà đồng thời thì chắc bỏ cuộc nghỉ việc. Mỗi lần xử lý 1 sự cố thì lại lên tay nghề mà đủ sức chuẩn bị cho cái sau.
Thôi chả suy nghĩ sâu xa làm gì, cứ nghĩ là mình thành tâm thì họ cũng giúp.

mà lạ là cứ hôm nào sáng sớm dậy xúc chén cơm ra để ở cửa sau xe là y rằng hôm đó khách đông đuổi không hết.
 
Cái vụ này tôi nhớ đã đọc ở đâu rồi nhỉ.
À là chuyện bà Bích Hằng kể. Hình như là ở gần bệnh viện nào đó có một tiệm cơm. Bà chủ rất siêng ngày nào cũng mang cơm qua cái cây đa gần đó thắp nhang để cầu đông khách.
Bà Hằng đi ngang qua và thấy trên cây có vài chục đứa trẻ (bóng ma). Tụi nó cứ gần buổi trưa là chạy đến quán nói với bà chủ " Đại ca hôm nay muốn ăn trứng....."
Và nếu làm thế thì tụi nó sẽ hút khách dùm bà chủ.

PS: chuyện của tôi cũng tương tự vậy.
Hồi xưa tôi làm ở ngay khu Rừng Sác, KCN Ông Kèo ấy. Lúc xây nhà máy thì rất nhiều chuyện lạ như công nhân ngủ đêm tại công trường bị tát đuổi đi. Hoặc là khu lò hơi bị ném đá chọc phá, chó sủa inh ỏi không ai dám ngủ.
Thậm chí nhà thầu phụ phải bỏ của chạy lấy người, thay mấy ông luôn. Thằng thầu chính phải xây cái miếu rõ to đẹp để thờ luôn mà.
Lúc tôi làm quản lý thì cũng biết điều nên mỗi tháng lãnh lương mua 1 con gà luộc. Gà ở Long Thành thì rất mỡ màng, ngon lành nhé quý dzi. Tôi mua thêm rượu, thuốc, gạo rồi thắp nhang khấn các vị khuất mặt mày xin mời ăn chút hương hoa mà phù hộ tôi công việc tốt đẹp.
Chắc cũng thế mà suốt 2 năm tôi chả bị hù lần nào. Thậm chí trong năm cuối toàn ngủ 1 mình trong xưởng to oạch mà vẫn gáy phò phò. Công việc thì thuận lợi, sự cố cứ lần lượt xảy ra nhưng vẫn xử lý được. Sau này nghĩ kỹ lại nếu các sự cố mà đồng thời thì chắc bỏ cuộc nghỉ việc. Mỗi lần xử lý 1 sự cố thì lại lên tay nghề mà đủ sức chuẩn bị cho cái sau.
Thôi chả suy nghĩ sâu xa làm gì, cứ nghĩ là mình thành tâm thì họ cũng giúp.
Ghê bác nhỉ
 
CHUYỆN CỦA CHÚ TƯ.

Dù bận nhưng tôi cố tranh thủ viết câu chuyện này hầu bà con, nó ngắn thôi nên mới viết được chứ dài thì e hơi khó..

Câu chuyện này là một trong vô vàn những câu, mẩu chuyện lạ tôi từng nghe trên những chặng đường tôi từng đi qua, nhưng có nhiều chuyện tôi không muốn kể lại vì nghe có vẻ hoang đường và phóng đại quá, còn câu chuyện này thì có hai nhẽ mà tôi cảm thấy gần như mình là người trong cuộc, thứ nhất là tôi từng ở địa danh nơi xảy ra, từng nhìn thấy một phần câu chuyện, thứ hai là chuyện xảy ra với chú Tư, một “sếp” đáng kính và cũng là một người Cha uy tín của tôi kể lại, tôi biết tính chú nghiêm túc thế nào.
Nhiều lần những lúc chúng tôi rảnh ngồi chụm đầu “buôn chuyện” rồi kể chuyện “ma” với nhau, chú Tư chỉ ngồi im nghe, chú Tư là người từng trải, điềm đạm và hiểu biết sâu rộng nên chú không như người khác một là cấm anh em không được nói “linh tinh” linh tinh ở đây là kể “chiện ma” kiểu “tuyên truyền mê tín dị đoan”, chú chỉ im lặng gật gù ngồi rít thuốc và nghe chúng tôi kể chuyện “lạ” với nhau.

Trong một lần đi câu cá ở sông Mongkol với chú, chỉ có hai chú cháu như Cha và con, chú Tư đã chậm rãi nhỏ nhẹ kể cho tôi nghe câu chuyện của chú, có lẽ chú tin tưởng tôi vì mỗi khi nghe các anh em kể chuyện bao giờ tôi cũng nghiêm túc nghe và im lặng suy ngẫm chứ không phát biểu xàm, hay phủ nhận những câu chuyện của anh em.
Tôi thì không mê tín nhưng tôi vẫn tin vào những điều thuộc bí ẩn cõi tâm linh.

Chuyện xảy ra ở Lào.
Lúc đó chú Tư N ở Lào, còn chú Tư S đã qua Cam, chú Bảy H thì quay về VN, nhóm anh Hải anh Lễ anh Sỉn anh K, X..qua trước chúng tôi ở trung chuyển chỗ chú Tư N.
Nơi này như có bài tôi đã viết, nơi quê hương của con Phu Èng người bạn bốn chân bụi đời khốn khổ và anh dũng của tôi.
Nơi đó là gần sóc Bocum sát dòng Mekong thuộc tỉnh Champasak, ban đầu thì tưởng chỉ nghỉ lại ít ngày rồi di chuyển ngay nên anh em chúng tôi chỉ nghỉ ngơi lấy sức chứ ít khi loanh quanh ngắm nghía xung quanh.
Tới lúc nhận lệnh chờ tiếp thì anh em chúng tôi ngủ chán rồi bắt đầu loanh quanh ra khu bãi gỗ, Vực Sên, vực Vầu chơi, tắm và bắt cá.

Từ chỗ chúng tôi ở ra sông cũng khá xa, cũng phải tầm hơn trăm tới hai trăm mét .
Trên đường đi thì thấy có khá nhiều dấu tích của những căn nhà bỏ hoang còn sót lại, như cột kèo bằng gỗ tốt hay hàng rào đổ xiêu vẹo, dân ở đó tại sao lại chuyển đi và đi lâu chưa thì tôi cũng không được biết, có lẽ họ đi vì mùa lũ nước sông có thể dâng cao gây ngập lụt ảnh hưởng cuộc sống của họ thôi..sau nghe chú Tư nói đó là khu Mè Hui, khu bà hủi.
Một vài lần khi ra sông về, chúng tôi làng xàng rẽ ngang rẽ dọc vào những khu vườn hoang, hay những nhà hoang đã đổ nát, nhìn ngó, hái rau bí, trái cây hoặc bắt ong..khi về, thấy chúng tôi ôm đủ thứ trong tay, chú Tư có vẻ hơi biến sắc hỏi chúng tôi; bay lấy mấy thứ này ở đâu vậy con? Chúng tôi nói với chú tụi con lấy ở mấy vườn hoang trên đường chú ơi, không ăn trộm của dân đâu, chú khẽ gật đầu rồi nói, thôi..từ sau đi ra sông xong về đừng có làng xàng hái lượm gì loanh quanh nha con..
Thấy lạ lạ tôi rụt rè hỏi chú tại sao, chú chỉ ậm ừ nói; ừ thì quanh đó không an toàn chú dặn tụi bay vậy, mà mình ở đây thiếu gì rau cỏ đâu con.
Tôi thì hơi băn khoăn nghĩ ở đây thì có gì đâu mà không an toàn nhỉ? Nghĩ trong đầu thì vậy thôi chứ chú nói thì chúng tôi nghe mà.
Một lần mấy chú cháu xuống sông câu cá xong quay lên, tới hết bãi bồi là lên khu vực cây cối to rậm, có những hàng rào xếp bằng đá đã đổ hết và cả hàng rào cây gỗ to vẫn còn liêu xiêu vài cây.

Phía bên tay phải từ dưới sông lên có một bãi bằng khá rộng, có lẽ từng có một ngôi nhà nào đó ở đó, có một cây Chay rất to, phải cỡ gần hai người ôm, trái chín đỏ chim ăn rơi đầy gốc, trái nó bé thôi nhưng chín ăn rất ngọt.
Câu cá thì tôi là là loại bỏ đi, vì chả mấy khi câu được cá và không có “nghề” bộ môn này dù rất thích câu, câu không được cá thì tôi quẳng cần câu cho mấy anh em và lần mò chui rúc lên mấy khu bãi hoang đó xem có gì, nhân tiện hái ít trái chay ăn, cây to nên khó trèo chỉ đứng dưới nhặt đá chọi cho trái rụng thôi, cuối hè rồi nên trái chín rất ngọt. Hái trái xong thì tôi mò mẫm loanh quanh vào những lùm bụi sâu hơn xem có gì thì chợt phát hiện ra một thứ khá lạ.
Đó đúng hơn là một cái miếu hay một ngôi nhà mồ..người Lào cũng giống một vài nơi ở ta, khi đắp mộ người chết thì dựng lên một ngôi nhà chỉ có cột và mái che bên trên nấm mộ.
Nhìn nó khá chắc chắn tiến tới gần nhìn kỹ thì hình như đó là một nơi để thờ cúng gì đó thì phải, những cột gỗ nghiến to và vuông đóng xung quanh, có đá xếp lên như kiểu làm tường, bên trên là những tấm ván gỗ làm nóc, đã cong vênh vì mưa nắng, vài tấm ván có vết cháy nham nhở rơi bên cạnh, có một viên đá to và có mặt khá phẳng cạnh mặt đá có đắp một cái ụ nhỏ như bát nhang, nhưng không có cây nhang hay chân nhang nào cả, chứng tỏ khá lâu rồi chẳng có ai ghé qua đó..
Khi đang loay hoay chui rúc trong khu rậm rạp đó thì chợt nghe tiếng anh em gọi, tôi vội chui ra thì gặp chú Tư cùng anh em xách cá và cần câu từ sông lên, thấy tôi chui trong đó ra, các anh em khác thì không để ý lắm nhưng tôi thấy thái độ chú Tư rất khác, chú có vẻ hốt hoảng hỏi tôi; mày chui vô đó làm gì vậy con? Con vào nhặt trái ăn với loanh quanh nhìn ngó tý thôi chú..! Ra nhanh đi, mày có phá gì trong đó không đấy? Dạ con có làm gì đâu chú, có gì đâu mà phá chú?
Về, sau không vô chỗ đó nữa.
Chú Tư chỉ nói ngắn gọn như mệnh lệnh, tôi lạ lắm nhưng không dám hỏi gì thêm..

Sau đó thì chúng tôi rút khỏi nơi đó, phải hai năm sau khi chú cháu ngồi câu cá với nhau ở Mongkol thì tôi mới vỡ lẽ ra nhiều thứ qua lời kể của chú Tư, và sau đó tôi có biết thêm vài tình tiết qua lời kể của L, và Th hai người anh em thân thiết của tôi trong cuộc vụ này.

Lần đó nhóm anh Hải ở đó trước chúng tôi, sau nhóm anh chuyển xuống Vực Xoáy thì nhóm tôi tới.
Khi nhóm anh Hải ở đó được chùng gần chục ngày lúc đó mùa mưa, nước sông rất to, một lần anh L lùn xuống giặt đồ và vớt bí, những quả bí đỏ người Lào trồng ở trên sườn núi rất to, tôi từng thấy có quả to như cái bánh xe đạp và dẹt, nước lên bí đâu trôi xuống, anh L lùn ra giặt đồ và vớt bí buổi sáng sớm, khi vớt được một trái bí vác lên, tới gần bờ rào đá lúc đó chưa đổ hẳn thì anh Lâm bất ngờ gặp một bà già ngồi trên bờ tường đó, hơi bất ngờ vì nơi này khá xa dân mà lại thấy bà già này lúc đó mới sáng sớm mù còn chưa tan hẳn, mưa nên trời lạnh nữa.
Anh Lâm hạ quả bí xuống tính định chào bà già và hỏi han vài câu thì đột nhiên bà già cười ré lên và xoè bàn tay như đẩy thẳng vào mặt anh, theo phản xạ anh ngửa đầu tránh loạng choạng suýt ngã, chưa kịp đứng lên thì thấy cổ chân mình như bị ai nắm lấy lôi tuột xuống, người anh trượt theo con đường đất trơn anh vừa đi lên và tuột thẳng xuống mép nước, anh Lâm chỉ kịp hét lên anh em ơi..là chìm nghỉm.

Rất may là anh Ch và anh Tân đi ị bậy buổi sáng nghe thấy báo động cho mọi người và lao xuống phi xuống mép nước tìm anh Lâm, khá lâu mới thấy anh Lâm, anh Lâm bị mắc kẹt tút sâu trong một lùm cây rậm sát mép nước, bình thường nước không lên cao thì chỗ đó là một bãi thoai thoải..
Anh Lâm không nói được vì miệng toàn bùn và mặt mũi tái mét run lập cập, các anh vội khiêng về đốt lửa hơ, cho uống rượu, xoa rượu gừng, mãi mới hồi người và sau đó thì bị sốt nóng, lúc sốt nóng anh luôn miệng la hét thả tôi ra và co quắp như con tôm luộc.
Sau đó mấy hôm lại tới thằng L bị.
Thằng L kể với tôi;
Hôm đó buổi trưa em mò xuống dưới sông tắm vì nóng, lúc đó nước rút xuống thấp rồi, đang ngụp lặn thì nó thấy một cái nón đan, kiểu nón người Lào ở vùng núi hay dùng, giống nón lá của ta nhưng rộng hơn và ngắn hơn đan hơi khum khum phía vành, giống nón người Tàu thì đúng hơn, cái nón nổi lập lờ gần em, thấy lạ lạ vì xuống nước thì cái nón phải chìm chứ đâu kiểu như có người đội nón đứng dưới nước thế này, cẩn thận và cảnh giác em lùi lên phía bờ mắt vẫn nhìn cái nón, nó như trôi theo em có vẻ nhanh hơn, như kiểu có ai đang đội nón ẩn dưới nước phía dưới vì em thấy sóng nước như cuộn lên, em nhảy nhanh lên bờ và tới chỗ để bộ quần áo rút ngay hai cây dao, thằng này là truyền nhân của anh Lê, một nghệ nhân chơi dao găm, nên có hai cây dao găm trong tay nó bình tĩnh ngay, nó bắt đầu tấn thấp và cầm dao chờ..
Cái nón bỗng chìm xuống mất hút dưới làn nước đục, lạ lắm nhưng L vẫn đứng im cầm dao xem, tới cả phút đồng hồ..tới lúc nó từ từ thu dao và tính nhặt một hòn đá ném ra phía chỗ cái nón vừa chìm xem sao thì oà một cái, cái nón chợt trồi lên ngay sát mép nước, dù quá bất ngờ nhưng nó vẫn kịp nhảy lùi lại và phi dao hai con dao bay liên tiếp, một con đầu cắm phụp vào cái nón, con thứ hai bay xuống nước, từ dưới cái nón một người đàn bà nhìn khá quái đản lạ lùng, thân uốn éo như rắn trồi hẳn lên và như lao theo nó, tới tận hàng rào đá, rồi như nhảy vút qua đó rẽ phải vào phía bãi có cây chay rồi mất hút..

L ba chân bốn cẳng lao đầu chạy về miệng hét không ra tiếng, anh em nhào ra ứng cứu và chạy xuống phía sông, nhưng chẳng có ai ở đó cả.
Lần này anh Hải nổi điên, thét gọi mấy anh em sách đồ nghề xuống, anh Hải đạp đổ bức tường và vung cây mác đi rừng phạt cây xông vào phía cây chay, các anh Lễ, anh Sỉn theo sát phía sau, khi phát hiện ra cái ngôi nhà gỗ nhỏ mà tôi từng thấy đó, thực ra nó là cái miếu thờ thì đúng hơn, anh Sỉn là người Lào nên biết đó là miếu thờ ( sau này thì tôi nghe chú Tư nói đó là miếu thờ một người đàn bà bị bệnh phong ko có chồng con, bà này nghe nói phá ác lắm, vật nuôi rồi con nít bị dìm đuối nước liên tục, sau dân sợ phải lập miếu và dọn đi hết. Anh Sỉn thì biết thông tin này rồi do là người Lào nên anh dò hỏi người dân quanh Vực Sên từ sau vụ anh Lâm lùn bị doạ, và chính anh Sỉn nói cho chú Tư biết chuyện này) nghe anh Sỉn nói, anh Hải nổi điên đá tung nóc cái miếu và quát, chúng tôi tới đây không trêu chọc phá phách gì tại sao lại muốn giết chúng tôi.., rồi anh Hải và anh Lễ nổi lửa đốt cái miếu..
Chú Tư đi công chuyện về thấy lao xao vội chạy xuống coi sao, thấy vậy chú ngăn anh em lại và bắt anh em xin lỗi xong dập lửa gác lại những tấm ván mái ngôi miếu rồi chú quát anh em về hết.
..
Sau đó thì tới lượt chú Tư bị.
Hôm đó anh em bạn đưa chú Tư bằng xuồng máy về ghé vào bãi đó, lúc đó chỉ chừng xẩm xẩm chưa tối hẳn, chú Tư lên bờ đi theo con đường nhỏ lên trên, do nhiều muỗi nên chú dừng lại rút thuốc lá tính châm hút để xua muỗi, chưa kịp châm thuốc thì có một bà tầm trung trung tuổi bỗng đâu như mọc lên ngay trước mặt chú Tư cười và chào chú.
Chú Tư nói, lúc đó tao như u mê con ạ, khi bà đó mời chú vào nhà và chú nhớ là bà còn mời chú ăn bí nấu và món bí nấu với cá còn có mùi khai khai lạ lạ nữa, sau khi ăn xong thì bà già đó bảo chú Tư trông hộ nhà để bà ta đi xuống sông làm gì đó, ngồi trong nhà mà chú kể xung quanh như tối om, xong lại sáng ra như ban ngày, đầu óc quay cuồng và hai tai cứ ù đặc nghe ong ong..thấy có mấy cái bao gì đó dài dài vứt dưới nền nhà động đậy, chú mới thò tay mở bao ra, thì thấy anh Hải anh Lễ và cả chú..tất cả đều bị chặt rời đầu gói bên trong..kinh hãi lắm nhưng chú chỉ ú ớ và không thể kêu được..
Tới khi chú tỉnh lại thì thấy anh em đang bu quanh xoa rượu, lau nước nóng, hơ lửa..
..
L kể lại; Anh em nghe tiếng ghe máy ghé vào, nghe tiếng chú Tư chào anh em bạn, rồi chờ mãi không thấy chú lên tắm rửa ăn cơm, anh em chạy xuống phía sông tìm thì không thấy chú, chạy qua bên bạn hỏi thì họ nói chú về rồi.., vậy là báo động tìm kiếm.
Tới tận hơn 12 giờ đêm anh em mới tìm thấy chú đang quỳ phục ngay cạnh cái cây chay, miệng và mặt mũi tóc tai toàn bùn với cỏ rác, rất lạ là mấy chục người cả anh em bạn soi đèn tìm nát quanh khu đó ra tận ngoài bãi Mè mà không thấy, tới khi anh Khìn phải nhờ một người như dạng thầy mo thầy cúng gì đó tìm, ông này cho chẻ nhỏ cây lồ ô ra quấn làm hai bó đuốc, hai tay cầm hai bó vừa múa may vừa đọc chú gì đó rồi đi từ sông lên chỉ chưa tới 10 phút tìm ra chú Tư.
..
Sau khi nhóm anh Hải đi thì câu chuyện này được giữ bí mật nên anh em chúng tôi đến sau không hề hay biết gì.
Và nhóm anh Hải sau đó thì bị tổn thất khá nặng khi qua Cam, anh Hải, anh Lễ, anh Sỉn đều hy sinh.., anh Hải là một người đàn giỏi và hát rất hay, tôi từng kể về anh đã hát bài Nụ cười sơn cước.., còn anh Lễ thì bị chặt đầu và ném xác xuống giếng, anh Sỉn cũng chịu chung số phận..gần phum Ca ron sát biên giới Thái…
….
Sau khi nghe tin các anh hy sinh, chú Tư gục xuống khóc như mưa như gió, chú bỏ cơm, tới nửa đêm chú vùng dậy xách cây mác cùng can dầu gần 10 lít để chạy máy và thắp đèn, gạt anh em ra và ra lệnh tất cả ngồi tại chỗ nghe lệnh tôi, rồi chú xăm xăm đi xuống mép sông, thấy thằng Th chạy sau, chú quay lại nói nhỏ gằn từng tiếng nhưng rõ ràng; Tôi yêu cầu đồng chí quay lại, chấp hành lệnh của tôi, đây là việc của cá nhân tôi...
Đời tôi ở với chú Tư bao năm nhưng chỉ vài lần tôi thấy chú nói câu đồng chí, trừ trong những cuộc họp quan trọng và nghiêm túc, bình thường chú rất hay giỡn và chỉ gọi chúng tôi là tụi bay, hay con, hoặc mấy đứa, ghét quá thì chú chửi mấy thằng giặc…
Lính trận ở rừng thì mỗi khi xưng hô với nhau đồng chí là biết “tới công chuyện” rồi.
Th thì lỳ và cứng cũng ngang chú Tư, nó đứng nghiêm nói; Thưa, tôi là sĩ quan bảo vệ và tôi đang thi hành công vụ, sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ…
Chú Tư bật khóc, chú ôm thằng Th nói, mày đứng đây thôi con, để chú làm, để tao chơi sát ván với nó..
Rồi chú xuống ngôi miếu, Th ôm súng đứng soi đèn, chú Tư nổi điên vung mác chém tan hoang ngôi miếu đập nát mọi thứ và gom lại đổ dầu vào, cởi bộ đồ đang mặc trên người chú quăng vào và nói, oan có đầu nợ có chủ, hôm nay tao là…., tao sẽ đốt hết chỗ này của mày, tao sẽ chịu trách nhiệm…
Rồi chú nổi lửa đốt sạch, mờ sáng hôm sau chú sang bên bạn xin hai dây mìn loại chuyên dùng hạ cây của công binh về quấn quanh cái gốc cây chay đó và kích hoả, cái cây cũng tan nát tanh bành…
….
Tôi đã đi khỏi nơi đó và không được chứng kiến sự việc như Th, em tôi..chỉ được nghe nó kể lại, và cả chú Tư kể lại cho nghe, chú Tư nói với tôi, chú luôn sẵn sàng chờ đón mọi kết cục mà người ta nói là sự trả thù con ạ…
Nhưng cũng như anh T từng cùng tôi phá một cái miếu, cho tới tận bây giờ hơn 30 năm, gần 40 năm rồi chú vẫn bình thường, chú thím vẫn khoẻ mạnh, con cháu nội ngoại đầy đàn..
…..
Tôi tiếc là mình không được chứng kiến tận mắt mọi việc, và cũng không được nhìn thấy “thứ gì đó” ở mảnh đất đấy, nhưng tôi cũng được tận mắt nhìn thấy cái cây và ngôi miếu gỗ đó lúc chưa bị chú Tư “hoá vàng”.
Câu chuyện tôi chỉ được nghe kể từ những người trong cuộc, ngày hôm nay xin kể lại cho mọi người cùng nghe.
 
Mới có vụ nổ căn cứ bên Cam. Ko biết có bàn tay của bác người kể chuyện đạo diễn để dằn mặt tụi cam vụ xây kênh đào ko nhỉ:boss:
 
Vụ ma tà sợ súng đạn như anh này kể có vẻ đúng. Tôi có người quen cũng hay tiếp xúc dạng này họ xác nhận như vậy. Súng đạn, bom mìn họ không có nhưng họ dùng pháo nổ như mình đốt ngày Tết hồi xưa, càng to càng tốt.
 
chắc ko đâu
Tôi nghĩ là có đấy bác. Mịa bọn cam lá mặt lá trái này
QdYMXL7.png

Screenshot_2024-05-03-14-10-59-901_com.kiwibrowser.browser.jpg
 
Back
Top