thảo luận Những cuốn sách lá cổ của người Mày

QUẢNG BÌNH
20 cuốn sách cổ viết bằng chữ tượng hình trên chất liệu lá cây được người Mày truyền lại nhiều đời nay, nhưng hiện không ai đọc được.

Trong căn nhà sàn cũ kỹ nằm giữa những cây cổ thụ rậm rạp, ông Hồ Khiên (59 tuổi, trú bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) đứng nhón chân, cẩn thận lấy cái bao tải trên nóc tủ xuống. Bên trong là 2 cuốn sách lá, được ông và gia đình xem là kỷ vật của tiền nhân, cất giữ cẩn thận từ nhiều đời.

Các nét chữ trong một cuốn sách lá. Ảnh: Hoàng Táo

Các nét chữ trong một cuốn sách lá. Ảnh: Hoàng Táo

Qua thời gian, cuốn sách chuyển màu nâu đậm. Bìa là 2 thanh gỗ dày, khắc họa tiết trang trí. Các trang sách làm từ lá cây, màu trắng vàng, dài 60 cm, rộng 3 cm, được đục lỗ ở giữa và xâu lại thành xấp 140 đến 150 tờ. Sợi dây xâu qua sách dài ra ngoài để người đọc có thể cầm vào dây và xách cuốn sách đi. Sách viết bằng chữ tượng hình, các nét vẫn đậm, rõ chữ. Một số trang bị hư hỏng.

Ông Hồ Khiên nói sách lá được truyền từ thời ông cố, còn trước đó nữa thì không nắm được. Sách chủ yếu dùng để đoán thời vận con người. Người Mày dở một trang sách ra xem nội dung để biết được người này giàu có hay nghèo khổ. Khi có đám tang, người Mày làm lễ rồi lấy sách ra để trên mâm nhôm, đọc trong lễ cúng với hy vọng người chết siêu thoát, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh.

"Hết thời ông nội tôi thì không ai có thể đọc được sách. Tôi chỉ biết gìn giữ truyền thống của cha ông", ông Hồ Khiên nói.

Tương tự, nhà ông Hồ Khăm (54 tuổi, trú bản Hưng, xã Trọng Hóa) cũng lưu giữ một cuốn sách lá với cùng hình thức, chất liệu. "Người lớn nhất trong nhà mất rồi truyền lại cho người kế giữ gìn, chứ tôi không biết được sách có từ đời nào", ông Khăm kể.

20 năm trước, bố ông Khăm mất nên ông được giao nhiệm vụ bảo quản cuốn sách này. "Nghe ba dặn lại cho ai mượn thì phải đòi lại, không được để mất nên gia đình rất quý trọng sách", ông Khăm bộc bạch.

Ông Hồ Khiên cầm 2 cuốn sách lá của gia đình để lại. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Hồ Khiên cầm 2 cuốn sách lá của gia đình để lại. Ảnh: Hoàng Táo

Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa, cho biết toàn xã Trọng Hóa có khoảng 10 dòng họ còn lưu giữ 20 cuốn sách lá. "Sách xưa dùng khi có đám tang, người dân lấy sách đặt lên mâm, thắp đèn đọc để khấn cho người mất phát đạt ở cuộc sống khác và được đầu thai", ông Phin nói. Do không còn người nào có thể đọc được sách nên phong tục cũng như nội dung của sách bị mai một dần. "Xã đề xuất ngành văn hóa có phương án nghiên cứu, dịch thuật, bảo tồn để người dân biết được lịch sử, nội dung tập sách", ông Phin nói.

TS Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, cho hay tháng 11/2015, đoàn công tác của Phân viện cùng với Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán - Huế có chuyến đi thực tế, nghiên cứu về những cuốn sách cổ này. Sách cổ phản ánh một giai đoạn lịch sử, với các lĩnh vực kinh tế, đời sống, văn hóa của con người nơi đây, cho biết họ đã giao thương với những nơi khác. Sau chuyến đi, trong ấn phẩm Liễu quán, số tháng 1/2016, (thuộc Trung tâm văn hoá Phật giáo Liễu quán - Huế), có đề cập đến những cuốn sách cổ của Mày ở phía tây Quảng Bình.

Theo ấn phẩm này, những trang sách cổ làm từ phiến lá cọ, hoặc thốt nốt. Trải qua nhiều đời, việc bảo quản thô sơ trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng sách vẫn còn tốt, chữ sắc nét chứng tỏ "kỹ thuật làm sách của người xưa rất công phu". Chữ viết trong sách là chữ Pali-Thái, một loại cổ ngữ hiện ít người đọc được.
Xem tiếp: https://vnexpress.net/nhung-cuon-sach-la-co-cua-nguoi-may-4359088.html
 
Back
Top