tin tức 'Tam thể' là tác phẩm hard sci-fi với kiến thức khoa học đồ sộ

Dịch giả Lục Hương chia sẻ rằng thách thức lớn nhất khi dịch bộ tiểu thuyết "Tam thể" là khối lượng kiến thức khoa học tự nhiên - xã hội đồ sộ.

Địa cầu vãng sự gồm 3 cuốn Tam thể, Khu rừng đen tối, Tử thần sống mãi của tác giả Lưu Từ Hân là bộ tiểu thuyết thuộc dòng hard sci-fi (tạm dịch: khoa học viễn tưởng nặng đô) của Trung Quốc được độc giả quốc tế biết đến nhiều nhất. Truyện dựa trên Nghịch lý Fermi (hiểu nôm na là đối nghịch giữa việc thiếu vắng bằng chứng rõ ràng về tồn tại của các nền văn minh ngoài Trái Đất và khả năng cao rằng các nền văn minh này tồn tại) và kể về quá trình từ khởi đầu đến hội nhập của nền văn minh Trái Đất với vận mệnh của vũ trụ.

Bộ tiểu thuyết thường được gọi bằng tên của cuốn sách đầu tiên - Tam thể.

Ngày 21/3 vừa qua loạt phim chuyển thể từ bộ truyện đã phát hành trên nền tảng Netflix và được khán giả toàn cầu quan tâm.

Tri thức - Znews đã có dịp trò chuyện cùng người chuyển ngữ bộ sách sang tiếng Việt - dịch giả Lục Hương.


Bộ sách đồ sộ kiến thức khoa học tự nhiên - xã hội
- Cơ duyên nào đã đưa anh đến với việc dịch bộ sách này? Anh có kỷ niệm gì vui trong quá trình dịch?


- Đây là một bộ sách cực kỳ nổi tiếng tại Trung Quốc, và đã đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy trên các trang web bán sách hàng đầu nước này nhiều năm liền, đồng thời nhận được hàng chục nghìn nhận xét tích cực của độc giả và các nhà phê bình.

Khi được dịch sang tiếng Anh, bộ sách đã giành được giải Hugo danh giá cho thể loại sách khoa học viễn tưởng. Chính những điều này đã thu hút sự chú ý của tôi.

Tôi đã đọc một phần tác phẩm và thấy mặc dù dài, tương đối khó dịch, và thời điểm đó sách khoa học viễn tưởng vẫn chưa được đón nhận nhiều ở Việt Nam, tôi vẫn quyết định đề xuất mua bản quyền bộ sách để giới thiệu đến độc giả Việt Nam. Sau khi mua được bản quyền, tôi cũng tự đề cử mình với ban biên tập để nhận dịch bộ sách, may mà được chấp nhận.

Thú thực, quá trình dịch sách rất khó khăn vì phải tra cứu nhiều kiến thức nằm ngoài những gì mình được học, nhiều chỗ phải tra cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung, rồi nhờ bạn bè giải thích thêm về khái niệm. Cũng may, tôi được các bạn biên tập viên hỗ trợ rất nhiệt tình và biên tập rất kỹ lưỡng.


1711620570806.png

Dịch giả Lục Hương. Ảnh: NVCC.


- Lưu Từ Hân nổi tiếng với văn phong phức tạp và sâu sắc. Trong quá trình dịch anh có trao đổi với tác giả để phục vụ cho việc chuyển tải tác phẩm?

- Rất tiếc tôi không có cơ hội trao đổi với tác giả trong quá trình dịch sách. Tuy nhiên, với tôi khó khăn lớn nhất trong khi dịch cuốn sách này không phải về mặt văn phong, mà là về các kiến thức về cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên trong sách.

Việc làm thế nào để đưa các thông tin ngồn ngộn vào sách như vậy mà không khiến độc giả cảm thấy khô khan cứng nhắc là rất khó. Chính tôi cũng không chắc mình đã làm tốt hay chưa, chỉ biết đã làm hết sức có thể.

Thêm nữa, bối cảnh câu chuyện trải rất dài, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc kéo dài hàng triệu năm, và mỗi tập lại nằm trong một thời gian khác nhau, với các nhân vật rất khác nhau, nên khi dịch sang tập mới, tôi có cảm giác bị hẫng, tưởng như chuyển sang dịch một tác phẩm mới chứ không phải dịch tập sau vậy.

- Độc giả cần chuẩn bị tâm thế (và có lẽ cả kiến thức?) gì trước khi đọc tác phẩm được xếp vào hàng "hard sci-fi" này?

- Theo ý kiến của cá nhân tôi, ta nên đọc bất cứ cuốn sách nào với tâm thế cởi mở và thoải mái, sẵn sàng đón nhận cái mới, đồng thời cũng nên duy trì sự tỉnh táo, tra cứu lại khi cần thiết. Về bản dịch này, tôi nghĩ mình đã cố gắng chú thích kỹ lưỡng nhất có thể, để độc giả có thể đọc một cách thoải mái nhất.


Nhiều tác phẩm kinh điển của văn chương sci-fi chưa xuất bản tại Việt Nam

1711620519465.png

Bộ tiểu thuyết Địa cầu vãng sự bản tiếng Việt. Ảnh: Thiên Ái.


- Ngoài "Tam thể", Trung Quốc còn tác phẩm sci-fi nào đáng chú ý?

- Tam thể có thể nói là một cột mốc của thể loại khoa học viễn tưởng ở Trung Quốc. Cuốn sách cũng là tác phẩm khoa học viễn tưởng Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở phương Tây, và cũng khiến nhiều độc giả Âu - Mỹ quan tâm nhiều hơn đến các tác giả thể loại này ở Trung Quốc. Theo tôi được biết, thì sau Tam Thể đã có khá nhiều tác giả sci-fi Trung Quốc đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp…

Còn ở Việt Nam, tôi nghĩ Tam thể cũng góp phần khiến người đọc chú ý nhiều hơn đến thể loại này. Cộng đồng đọc sách khoa học viễn tưởng đang ngày một mở rộng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tác phẩm lớn, thuộc hàng kinh điển của thế giới chưa được giới thiệu, mà theo tôi, trước tiên cần bổ sung khoảng trống này trước đã: Isaac Asimov, Frank Herbert, Arthur C Clarke, Ursula K Le Guin, Philip K Dick… đó chỉ là một vài tác giả viết tiếng Anh, còn tiếng Pháp, tiếng Nga… nữa.

Nếu như muốn giới thiệu thêm một tác giả khoa học viễn tưởng Trung Quốc đến độc giả Việt Nam, tôi nghĩ đó sẽ là một tác giả nữ còn khá trẻ, tên là Hách Cảnh Phương. Cô cũng đã giành được giải Hugo với tiểu thuyết Folding Beijing.

- Theo anh đâu là những nền tảng văn học/văn hóa-xã hội-khoa học đã tạo điều kiện cho thể loại này phát triển rực rỡ như vậy?

- Tôi nghĩ sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ là môt yếu tố không thể không tính đến, đồng thời, họ cũng có một nền tảng rất tốt cho thể loại này nữa. Những tác giả khoa học viễn tưởng kinh điển của thế giới đều đã được dịch và xuất bản ở Trung Quốc từ khá sớm, chính những cuốn sách này đã là nguồn cảm hứng cho các tác giả nổi tiếng sau này.

- Anh đã xem phim chuyển thể gần đây đã ra mắt trên Netflix chưa?

- Tôi chưa xem, nhưng sẽ xem trong thời gian gần nhất.

- Anh có kỳ vọng gì ở bộ phim?

- Tôi thường xem phim chuyển thể với tâm thế thoải mái và không kỳ vọng rằng nó sẽ giống hoàn toàn tác phẩm gốc, miễn sao giữ được tinh thần chính của tác phẩm là được.

 
Đọc sách ông này thì đừng nghĩ chiến tranh giữa các vì sao là các phi thuyền không gian bắn tia laze bùm chéo nửa. Nếu vũ trụ 14 tỉ năm tuổi thì dễ có những nền văn minh siêu cấp ko cần đến các phi thuyền bắn nhau chí chéo, thay vào đó họ chỉ cần thay đổi chiều ko gian, thay đổi các định lý vật lý, hoặc tạo ra những thứ có thể làm một thiên hà tan biến…
 
Nói thật văn mạng tàu tôi không đọc nổi, chưa biết nội dung về sau thế nào nhưng xong 10 dòng đầu tiên là tôi phải cau mặt vì viết quá tệ. Chưa bao giờ tôi đọc cái văn nào ngoài văn tàu mà nó dở tệ về thẩm mỹ như vậy, đấy không khác gì coi thường người đọc; Chưa kể ngay trang đầu đã bịa chuyện vớ vẩn không thực tế về cái vây cá rồi, đọc nữa khác gì tự làm thui chột vốn kiến thức bản thân, thay bằng đống hổ lốn phi logic đâu?
 
Nói thật văn mạng tàu tôi không đọc nổi, chưa biết nội dung về sau thế nào nhưng xong 10 dòng đầu tiên là tôi phải cau mặt vì viết quá tệ. Chưa bao giờ tôi đọc cái văn nào ngoài văn tàu mà nó dở tệ về thẩm mỹ như vậy, đấy không khác gì coi thường người đọc; Chưa kể ngay trang đầu đã bịa chuyện vớ vẩn không thực tế về cái vây cá rồi, đọc nữa khác gì tự làm thui chột vốn kiến thức bản thân, thay bằng đống hổ lốn phi logic đâu?
anh có nhầm ở đâu không vậy???
 
Back
Top