Rước rắc rối, khó tìm việc khi lên mạng nói xấu công ty cũ

Cryolite.

Senior Member
https://zingnews.vn/ruoc-rac-roi-kho-tim-viec-khi-len-mang-noi-xau-cong-ty-cu-post1416690.html
Nhiều nhân sự trẻ công khai chỉ trích nơi làm việc cũ trên mạng xã hội. Rắc rối ập đến khi bài đăng đến tay nhà tuyển dụng mới.

IMGL5762_1.jpg
Xả giận về công ty cũ trên mạng xã hội thường gây ra nhiều hậu quả khó lường. Ảnh: Phương Lâm.

Ngọc Ánh (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) thừa nhận từng nhiều lần viết bài “đá xéo” công ty cũ trên mạng xã hội. Cô mô tả môi trường làm việc cũ độc hại, sếp thích dồn trách nhiệm cho nhân viên dưới quyền.

Những dòng trạng thái của Ánh thu hút khá nhiều lượt tương tác từ bạn bè, người quen. Càng được hưởng ứng, cô càng mạnh tay đăng tải nội dung mới.

“Phần lớn nhân viên đã rời đi đều cùng quan điểm với tôi. Vấn đề nằm ở chỗ họ e ngại nên đành nhẫn nhịn. Trong khi đó, tôi không thể thoải mái nếu mãi ôm ấm ức”, Ánh nói với Zing.

Không riêng gì Ngọc Ánh, nhiều bạn trẻ cũng bức xúc với công ty ở nhiều khía cạnh. Ngoài than thở với bạn bè, họ sẵn sàng “bóc phốt” trong buổi tuyển dụng việc làm mới hoặc các hội, nhóm mạng xã hội.

Theo BBC, trên TikTok, những video “nói xấu” nơi làm việc cũ, cổ vũ nghỉ việc nhận về hàng chục triệu lượt xem. Nội dung của chúng chủ yếu xoay quanh các phàn nàn, chế giễu công việc; từ việc khó chịu khi phải bật camera khi họp online hay việc luôn phải báo cáo công việc với sếp.

Ngoài ra, trên Facebook, không ít hội, nhóm review (đánh giá) công ty xuất hiện, là nơi nhiều nhân viên bày tỏ quan điểm về văn phòng cũ của mình.

Giải tỏa cơn tức lên mạng​

The New York Times, những “vlog sa thải" được xem là nội dung mới nổi trên mạng xã hội, nổi bật là TikTok.

Trong các video này, một số nhà sáng tạo trút bầu tâm sự về người sếp cũ, hoặc phơi bày những hành vi sai trái ở nơi làm việc mà họ từng chứng kiến.

Ý tưởng các nhân viên cũ bóc trần những gì đang xảy ra tại môi trường làm việc không mới. Vào năm 2008, khoảng 9 triệu người Mỹ bị mất việc trong cuộc khủng hoảng tài chính, họ đã chia sẻ thông tin khắp nơi bằng cách gặp gỡ, gọi điện, viết lên Facebook và Twitter.

Tháng 10/2022, Minh Thảo (23 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) quyết định nộp đơn xin nghỉ sau gần 3 năm làm việc tại một đơn vị quảng cáo. Theo nhân sự này, anh thường xuyên phải làm việc thêm giờ mà không được tính công rõ ràng.

Trong một lần lướt Internet, anh bắt gặp bài viết với nội dung kêu gọi nói xấu công ty cũ. Sẵn cơn bực tức, anh soạn bình luận dài để bày tỏ bức xúc.

Chỉ vài phút sau khi bấm đăng, phần chia sẻ của Thảo nhanh chóng thu hút sự quan tâm. Những ý kiến tranh luận liên tục được người dùng mạng gửi lên. Trong vài giờ, nội dung của anh nhận đến hàng trăm bình luận.

"Tôi cũng không ngờ cơn tức của mình lại châm lên ngọn lửa lớn như vậy", Thảo giải thích.

noi xau cong ty anh 1
Những dòng trạng thái bức xúc về nơi làm việc thu hút nhiều lượt tương tác trên mạng xã hội. Ảnh: Phương Lâm.

Khác với Thảo hay Ngọc Ánh, Mai An (21 tuổi, ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) không dám bày tỏ sự bức xúc lên mạng mà chỉ tâm sự với bạn bè.

Cô mới nghỉ việc ở một doanh nghiệp thời trang sau gần một năm gắn bó. Công ty của cô không thuê tạp vụ mà yêu cầu nhân viên tự chia lịch dọn dẹp. Mỗi khi đến phiên trực nhật, cô đều phải đến sớm hơn thường ngày 10-15 phút để thực hiện các công việc như quét dọn văn phòng, lau chùi cầu thang, nhà vệ sinh.

Tuy nhiên, điều khiến An thất vọng nhất và quyết tâm đổi môi trường là chế độ của công ty. Ngoài việc không được đóng bảo hiểm, cô còn bị trả trễ lương khoảng nửa tháng đến một tháng. Thậm chí sau khi nghỉ, An vẫn còn một tháng lương chưa được nhận.

“Công ty cũ của tôi vừa có một đợt nghỉ việc hàng loạt vì mọi người đều bức xúc với chế độ, chính sách tệ bạc. Sau khi nghỉ việc, tôi vẫn phải đốc thúc họ trả nốt lương để có tiền trang trải trong khoảng thời gian tìm việc mới. Phải ‘nói xấu’, tôi mới thấy nhẹ nhõm được đôi chút”, An chia sẻ.

Rắc rối​

Ban đầu, Minh Thảo cảm thấy thoải mái khi có thể viết ra những tâm sự trong lòng. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu mất kiểm soát khi tranh cãi nổ ra.

“Bỗng nhiên ai đó lên tiếng phản bác dưới bài đăng của tôi, cho rằng tôi chỉ đang thiếu trung thực bởi ‘có lửa thì mới có khói’. Tôi bắt đầu lo lắng khi họ dùng lời lẽ thô tục để cãi nhau và không nghĩ mọi thứ lại trở nên phức tạp như vậy”, anh kể lại.

Tình hình tệ đi khi Minh Thảo nhận thấy một chuyên viên tuyển dụng thuộc công ty mình đang ứng tuyển tham gia bình luận. Sợ câu chuyện đi quá xa, chàng trai sinh năm 2000 quyết định xóa nội dung đăng tải.

Những ngày sau đó, anh nơm nớp lo sợ câu chuyện này ảnh hưởng đến buổi phỏng vấn sắp tới. Thậm chí, Thảo đã chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những câu hỏi xoáy sâu vào bình luận kia, hoặc thậm chí là bị loại.

“Sau đó, tôi cũng không dám tùy tiện chia sẻ bất kỳ chuyện gì về công ty, dù cũ hay đang gắn bó, trên mạng xã hội nữa”, Thảo cho biết.

Trong khi đó, Bảo Anh (24 tuổi, ngụ quận 6, TP.HCM) lại không được may mắn như vậy. Tự đánh giá mình là người thiếu tinh tế, cô lập trước danh sách những điều nên - không nên chia sẻ trong buổi phỏng vấn tuyển dụng, cũng như tìm hiểu kỹ về văn hóa công ty thông qua bạn bè là nhân viên tại đây.

Cuộc trò chuyện giữa Bảo Anh và hội đồng nhân sự diễn ra khá suôn sẻ. Song, không khí phòng họp trầm xuống khi cô lỡ miệng so sánh doanh nghiệp hiện tại với công ty cũ.

“Tôi thực sự đánh giá cao các hoạt động gắn kết nhân sự của công ty mới. Họ có nhiều kế hoạch mới mẻ, thay vì lặp lại và mang tính ép buộc như chỗ làm trước kia. Chưa kể, lúc đó, tôi nghĩ đã chắc chắn với vị trí mong ước nên bắt đầu nói chuyện thoải mái và dẫn đến lỡ miệng khi nói doanh nghiệp cũ lạc hậu, khó phát triển”, cô gái 24 tuổi nói.

Ngay sau đó, dù vẫn lắng nghe, thái độ của hội động tuyển dụng đã có sự thay đổi. Ánh mắt mọi người có phần không còn thân thiện như vài phút trước đó.

noi xau cong ty anh 2
Ý tưởng các nhân viên cũ sẽ bóc trần những gì đang xảy ra tại môi trường làm việc không mới, nhưng giờ đây xuất hiện dưới dạng video ngắn. Ảnh: Phương Lâm.

Lợi bất cập hại​

Chia sẻ với Zing, Tuấn Huy (27 tuổi), chuyên viên tuyển dụng của một công ty công nghệ tại TP.HCM, cho biết từng làm việc với một số ứng viên quá vô tư, thoải mái chia sẻ bức xúc về chỗ làm cũ.

Theo Huy, dù chỉ lỡ miệng hay cố trút giận, đây cũng chưa bao giờ là hành động khôn ngoan.

Đây được xem là một kiểu thiếu khéo léo trong ứng xử, dễ gây mất cảm tình với doanh nghiệp mới. Tương tự, ứng viên cũng khó tạo được ấn tượng tốt nếu công khai nói xấu công ty trước đây trên mạng xã hội, dù là trang cá nhân.

"Chắc chắn, ai cũng từng ít nhất một lần tức giận với chỗ làm cũ. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về cách 'xả giận', thay vì chỉ nói mà không nghĩ đến hậu quả. Nhiều đơn vị sẵn sàng đánh trượt bạn nếu phát hiện hành vi tương tự, dù hồ sơ đẹp, năng lực tốt ra sao", anh nói.

Sau 5 năm gắn bó với vị trí tuyển dụng nhân sự, Huy không còn ngần ngại khi phỏng vấn ứng viên "vạch mặt" doanh nghiệp cũ. Anh vẫn lắng nghe, bày tỏ sự thông cảm nếu họ thực sự gặp khó khăn với môi trường làm việc. Song, mọi người cần hiểu rằng thái độ nhẹ nhàng trong buổi gặp mặt của đại diện bộ phận nhân sự không đồng nghĩa với tuyển dụng thành công.

Tương tự, Giang Hoàng (26 tuổi, Hà Nội), chuyên viên tuyển dụng tại một công ty thương mại điện tử, cho rằng thay vì nói xấu, người lao động nên nhờ đến sự trợ giúp pháp lý nếu công ty cũ gây ảnh hưởng quá lớn đến quyền lợi và triển vọng sự nghiệp.

Trong trường hợp vấn đề không quá nghiêm trọng và việc nói xấu chỉ nhằm giải tỏa bức xúc tâm lý nhất thời, mọi người nên cố gắng bình tĩnh. Đồng thời, hãy suy nghĩ về hậu quả của hành động trước khi bêu riếu công ty cũ một cách công khai.

“Trên mạng xã hội, người xem cũng cần tỉnh táo khi đọc các bài nói xấu vì công ty nào cũng có điểm tốt và điểm cần khắc phục. Vì vậy, chỉ có trực tiếp trải nghiệm, bạn mới có thể đưa ra đánh giá khách quan nhất”, Giang bổ sung.

Ngoài ra, cô cũng lưu ý thêm với những người “vạch mặt” công ty cũ khi đi phỏng vấn. Thông thường, người tuyển dụng sẽ hỏi ứng viên lí do nghỉ việc để hiểu thêm về tính cách, mong muốn và cách làm việc.

Khi đó, ứng viên nên trả lời một cách ngắn gọn và hợp lý, chứ không kể xấu với giọng điệu chê bai. Như vậy, người lao động sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá là có cách hành xử chuyên nghiệp và khéo giao tiếp nơi công sở. Đây cũng là một điểm cộng của ứng viên trong quá trình phỏng vấn.

Ngược lại, nếu ứng viên quá vô tư, tiết lộ nhiều thông tin nhạy cảm hay thể hiện thái độ thù ghét thì sẽ bị đánh giá là thiếu nhanh nhạy trong giao tiếp công sở, tuỳ mức độ có thể ảnh hưởng tới kết quả phỏng vấn.

“Tệ hơn, có những trường hợp ứng viên nói xấu công ty cũ nhằm che đậy cho thiếu sót của bản thân, nhưng trùng hợp gặp người tuyển dụng biết về tình hình thực tế của công ty đó. Khi ấy, họ sẽ có ấn tượng rằng bạn này không trung thực và tỉ lệ rớt gần như chắc chắn”, Giang cho hay.

noi xau cong ty anh 3
Người đi làm cần cân nhắc đến hậu quả nếu có ý định nói xấu công ty cũ. Ảnh: Phương Lâm.

Thực tế, không phải ai cũng hài lòng hoàn toàn với công việc của mình. Đôi khi, chính sự bất mãn, khó chịu với công ty đã khiến họ quyết định “dứt áo ra đi”. Lúc này, câu hỏi đặt ra là nhân sự cần làm gì để giải tỏa nỗi bực tức và thuận lợi tìm kiếm nơi dừng chân phù hợp?

Theo Indeed, có khá nhiều giải pháp giúp chúng ta nhanh chóng tham gia trở lại thị trường tuyển dụng với tâm thế tự tin, chuyên nghiệp nhất.

Đầu tiên, hãy cho mình thời gian để nghỉ ngơi sau quãng thời gian làm việc. Nhân sự có thể đi du lịch, tập thể dục, dành thời gian cho thú cưng hoặc người thân.

Thứ hai, sau khi cơ thể và tâm trí đã ổn định, mỗi người có thể lập danh sách những điểm mạnh và thành tích của bản thân để cập nhật CV. Chú ý, nếu có trải nghiệm không tốt tại công ty cũ, đó cũng chính là một trải nghiệm đáng giá dành cho bạn.

Thứ ba, dù có khó khăn, nhân sự cần giữ một thái độ tích cực bằng cách nhắc nhở bản thân về những cơ hội trước mắt và cả thành tựu trong quá khứ.

Sự tích cực và lạc quan cũng rất có lợi khi bạn phỏng vấn với công ty mới. Điều này cho thấy ứng viên là người đáng tin cậy và có thái độ tốt ở nơi làm việc. Nếu cảm thấy bức xúc với công ty cũ, nhân sự nên tự giải tỏa với bạn thân, gia đình thay vì liên hệ với đồng nghiệp cũ hoặc các mối quan hệ cùng ngành.

...
 
Mình chửi thẳng cty cũ khi đang pv đây. Tụi hr cty cũ còn đòi blacklist mới sợ. Thứ nhất cv đẹp thì chả ngán quái j. Thứ 2 là chả cty nào lại đi từ chối một đứa làm việc dc vì đứa đó nói xấu cty đối thủ cả:rolleyes:
 
Mình chửi thẳng cty cũ khi đang pv đây. Tụi hr cty cũ còn đòi blacklist mới sợ. Thứ nhất cv đẹp thì chả ngán quái j. Thứ 2 là chả cty nào lại đi từ chối một đứa làm việc dc vì đứa đó nói xấu cty đối thủ cả:rolleyes:
Đợi kiếm được việc mới rồi hãy nói.
Việc xấu cần được đưa lên để những người sau có sự cân nhắc trước khi vào cty đó.
Buôn có bạn bán có phường câu này luôn luôn đúng. Đám hr hay gd cty nó quen nhau hết nhất là mảng xây dựng.
Tốt nhất ko nên nói xấu. Ko ích gì hết.
Làm nhớ phim billion của hoa kỳ anh nhân viên hơi bất đồng xúc phạm và nói xấu. Kết cục là đi viết blog . Vì ảnh ko bị nvc chơi điện hết các công ty mảng tài chính , kêu ko tuyển.
 
Buôn có bạn bán có phường câu này luôn luôn đúng. Đám hr hay gd cty nó quen nhau hết nhất là mảng xây dựng.
Tốt nhất ko nên nói xấu. Ko ích gì hết.
Làm nhớ phim billion của hoa kỳ anh nhân viên hơi bất đồng xúc phạm và nói xấu. Kết cục là đi viết blog . Vì ảnh ko bị nvc chơi điện hết các công ty mảng tài chính , kêu ko tuyển.
tôi ko cmt gì bài :D vì tôi sắp xin việc.
 
theo mình thấy những ng đi làm bị chửi thường hay onl nhiều hoặc đầu óc ko tập trung lo ra nên mới thế...
 
Back
Top