Sống chất như ông Bảnh - thợ sửa đường ống dẫn nước bất đắc dĩ

Cryolite B

Senior Member

Người dân "khát nước", còn hai công trình cấp nước sinh hoạt "đắp chiếu", ông Trần Văn Bảnh (62 tuổi, thôn Hòa Thuận, xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi) đứng ra nhận "hai cục nợ" và từng bước sửa chữa, tìm nguồn nước cho dân.

Ông Bảnh (phải) cùng người dân nở nụ cười hạnh phúc khi nước sinh hoạt ổn định từ lúc ông tiếp nhận và “hồi sinh” hai công trình cấp nước sinh hoạt “đắp chiếu” - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Bảnh (phải) cùng người dân nở nụ cười hạnh phúc khi nước sinh hoạt ổn định từ lúc ông tiếp nhận và “hồi sinh” hai công trình cấp nước sinh hoạt “đắp chiếu” - Ảnh: TRẦN MAI

Người dân bảo ông Bảnh sống chất, còn ông thì thở dài bởi bất đắc dĩ nhận hai công trình và trở thành thợ sửa đường ống dẫn nước, bà con "réo" lại lên đường xử lý. "Hồi tiếp nhận hai công trình nước sạch ngừng hoạt động, biết khó khăn nhưng vì bà con nên ráng nhận. Chỉ có điều tôi không nghĩ cực như giờ, bỏ thì bà con khổ, mà nhận thì khổ cho mình", ông Bảnh nói.

Đi tìm nguồn nước cho dân​

Lái chiếc xe máy về đến nhà, ông Bảnh thở dốc, ngồi bệt ra hiên. Một lúc sau ông mới "hoàn hồn", mang chiếc túi lỉnh kỉnh dụng cụ sửa ống nước vào nhà. Ông Bảnh vừa đi sửa ống nước ở khu tái định cư Làng Cá về.

Nhấp ngụm trà, ông Bảnh nói: "Ngày nào cũng nước, đường ống. Có bữa sáng sớm kêu ly cà phê ra chưa kịp uống thì dân báo nước yếu, thế là đi sửa đến chiều mới nhớ ra chưa kịp ăn trưa".

Vừa kể chuyện, chuông điện thoại đổ dài, bên kia đầu dây giọng một phụ nữ than nước chảy lúc yếu lúc mạnh. Ông Bảnh tận tình hướng dẫn kiểm tra van nước, nếu không được ông sẽ tới xem xét, xử lý. Sự cố đó người dân xử lý theo hướng dẫn của ông Bảnh đã hoạt động ngon lành.

Nhưng ông Bảnh không được yên khi chuông điện thoại lại reo, lại có người "tố" đồng hồ chạy dù không sử dụng nước. Thế là ông Bảnh lại nói kiểm tra van nước, đường ống ở vị trí khuất xem có bị hở, nước chảy ra không. Một lúc sau, ông Bảnh nhận cuộc điện thoại, một người đàn ông nói: "Cảm ơn anh Bảnh nghen, cái ống chỗ bồn nước bị trụt, nước chảy quá trời".

Ông Bảnh bảo từ ngày "ôm" hai công trình nước sạch này, số điện thoại của ông trở thành đường dây nóng, bà con đều lưu số. Kể về chuyện quản lý hai công trình cấp nước sinh hoạt ở thôn Hòa Thuận, ông Bảnh kéo ngược quá khứ trở về.

Năm 2004, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Đông Hòa đưa vào vận hành, đến năm 2012 công trình tương tự ở thôn Vĩnh Sơn - Đông Thuận cũng đưa vào sử dụng. Nay hai thôn được sáp nhập thành thôn Hòa Thuận.

Nhiều năm liền hai công trình do Hội Cựu chiến binh xã Tịnh Hòa vận hành hoạt động ổn định. Năm 2019 ông Bảnh nghỉ hưu, rời khỏi vị trí chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã thì năm 2020 hai công trình bắt đầu hư hỏng rồi "đắp chiếu".

Bà con rơi vào cảnh thiếu nước. Nhiều người chủ động khoan giếng, nhưng khổ nỗi khu vực gần biển, khoan cạn thì không thấy nước, mà khoan sâu thì toàn nước mặn. Khó khăn nhất là bà con khu tái định cư Làng Cá phải mua nước bình sử dụng.

"Cuối năm 2019 tôi về hưu, công trình giao lại cho UBND xã quản lý. Do không có người kiểm tra, sửa chữa hằng ngày như trước nên công trình hư vặt rồi xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Nước chẳng có một giọt", ông Bảnh kể.

Cuối năm 2020, UBND xã Tịnh Hòa đặt vấn đề mong ông Bảnh tiếp nhận, tìm nước cho dân. Tuổi cao, ông Bảnh từ chối, nhưng rồi tiếc công trình bạc tỉ bỏ hoang, mà dân lại khát khô, ông Bảnh nhận lời. Cái gật đầu ấy gắn khổ cho ông.

Đầu tiên, ông thuê thợ tìm vị trí khoan giếng, khoan nhiều mà nước không có. Chật vật mãi, mới có đội thợ cam kết khoan đến khi nào có nước mới thôi. Lần đó, khoan đến 67m nước mới tuôn trào. Ông Bảnh vui ra mặt và bỏ 100 triệu đồng để khoan thêm bốn giếng nước.

Giải quyết bài toán nguồn nước, ông Bảnh lại lấy tiền nhà đi xử lý đường ống. 250 triệu đồng nữa hết sạch, nước bắt đầu nối về từng nhà dân. Nhìn bà con mừng, ông Bảnh hạnh phúc.

Ông Trần Văn Bảnh tiếp nhận hai công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Tịnh Hòa, từ đó ông trở thành thợ sửa đường ống nước chuyên nghiệp - Ảnh: TRẦN MAI

Ông Trần Văn Bảnh tiếp nhận hai công trình cấp nước sinh hoạt ở xã Tịnh Hòa, từ đó ông trở thành thợ sửa đường ống nước chuyên nghiệp - Ảnh: TRẦN MAI

...

Càng làm càng lỗ nhưng... vui​


Đang cao trào thì ông Bảnh nhận được thông tin đường ống nước bị vỡ, thế là ông lên xe máy rời khỏi nhà. Đến nơi, ông "bắt bệnh" và bắt đầu "chữa trị". Hì hục cắt, nối rồi đóng mở van nước, mất cả giờ ông mới xử lý xong. Ông Bảnh bảo rằng đồ nghề sửa chữa của ông có đủ bộ, máy bơm nước ông dự phòng hai cái, đảm bảo nước về nhà dân 24/24 giờ.

Chính quyền xã Tịnh Hòa rất vui khi ông Bảnh hồi sinh được hai công trình nước và tin tưởng hợp đồng việc quản lý vận hành hệ thống cung cấp nước cho 350 hộ dân. Ông Bảnh cũng bước vào con đường "doanh nhân" từ đó. Nói đến đây, ông Bảnh cười khà khà, mang tiếng kinh doanh, thu phí 8.000 đồng/m3 nước/tháng nhưng ông gánh lỗ liên tục, tháng nào may lắm mới lời nhẹ hoặc hòa vốn.

"Nước hao hụt nhiều nên thu chả đủ chi" - ông Bảnh nói, rồi kể công trình không có tháp nước nên nước từ giếng khoan bơm ngược 1km lên bể xử lý trên rẫy Động. Từ đây, nước chảy qua đường ống chính dài 3,5km rồi mới vào ống nhánh về nhà dân. Đường ống chính đầu tư cả chục năm, lại nằm dưới đường bê tông, nước rò rỉ nhiều nhưng ông không đủ sức đào lên sửa.

"Bảy máy bơm công suất 7.500m3/ngày đêm. Nhưng thực tế lượng nước dân sử dụng chỉ đạt 3.500 - 4.000m3/ngày đêm. Đây là lý do chính, cộng thêm đường ống thường hư hỏng khiến nước hao hụt. Dù lỗ nhưng vui, già rồi ăn được mấy đâu mà cần tiền. Chủ yếu có nước cho bà con, tôi khắc phục dần, vài năm nữa chắc có lãi. Lúc đó, tôi sẽ xin xã giảm giá bán nước xuống thấp hơn", ông Bảnh nói.

Ngộ ở chỗ kinh doanh nước nhưng ông Bảnh lại lo khách hàng sử dụng nước nhiều. Như Trường mầm non xã Tịnh Hòa mỗi tháng sử dụng gần 400m3 nước, tốn 2,5 triệu đồng. Ông Bảnh tiếc tiền, đề xuất trường xây dựng bể lọc thô, xử lý nước từ giếng khoan của trường để sử dụng. Thấy hợp lý, nhà trường bỏ ra 6,5 triệu đồng làm bể lọc nước, ông Bảnh ủng hộ thêm vật tư trị giá 2,5 triệu đồng để hoàn thiện.

Từ khi có bể chứa và hệ thống lọc, Trường mầm non xã Tịnh Hòa chủ động nguồn nước lọc qua máy RO để nấu ăn và uống. Thế là chi phí "mua" nước của ông Bảnh giảm còn 800.000 đồng/tháng. Ông Bảnh có lẽ là "doanh nhân" lạ đời nhất khi tìm cách giảm "sức mua".

Từ ngày ông Bảnh quản lý, hai công trình "đắp chiếu" trở nên hiệu quả. 350 hộ dân không còn khốn khổ vì thiếu nước. Bà con biết ơn ông Bảnh, họ xem ông như người thân. Bà Nguyễn Thị Rí (khu tái định cư Làng Cá) bảo khó kiếm được người như ông Bảnh, nỗ lực tìm nước cho dân rồi xử lý bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hệ thống ống nước, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm để giảm chi phí.

"Nắng mưa, đêm hôm gì mà không có nước, dân gọi là anh Bảnh đến xử lý liền. Bà con biết ơn anh Bảnh, nhờ anh mà ba năm qua bà con thoát cảnh mua từng bình nước về dùng", bà Rí nói.

62 tuổi, ông Bảnh không biết mình còn đủ sức để tiếp tục "kinh doanh" nước bao lâu nữa. Với ông, việc hồi sinh hai công trình cấp nước sinh hoạt chỉ là phương án tạm thời. Nước ngầm sử dụng mãi cũng cạn kiệt, vậy nên ông mong Nhà nước quan tâm đầu tư công trình xử lý nước sạch và đơn vị chuyên nghiệp vận hành, cấp nước cho dân. Nếu điều ấy đến sớm, ông Bảnh sẽ nghỉ ngơi, kết thúc hành trình làm "doanh nhân" ở tuổi xế chiều này...

...
 
Back
Top