Thi sĩ Bùi Giáng - Nguyên Xuân mãi mãi thắm hồng trang thơ

^DOREMINI^

Senior Member
Khi đọc thơ Bùi Giáng (1926-1998) ai cũng bị chìm ngập trong cảm xúc mộng mị và nỗi buồn xót xa. Nhưng nổi bật trong cảm xúc thi ca ông là tình yêu thương cuộc đời và con người. Tính Phật pháp ăn sâu trong từng con chữ: "Rồi tôi lớn lên đi vào đời chân bước/ Cỏ mùa xuân bị giẫm nát không hay/ Chợt có lúc hai bàn chân dừng lại/ Người đi đâu? Xưa chính ở chỗ này". Cỏ mùa xuân ấy chính là linh hồn trong thơ ông.
Mộng du với nàng xuân

Điều kỳ lạ trong cả hai giai đoạn sáng tác "Tỉnh" và "Mê" của Bùi Giáng luôn hiện lên hình ảnh xuân xanh hay xuân nồng, hoặc xuân vui, xuân buồn. Trong không ít giai thoại của thi sĩ về những cuộc tình thơ vơ vẩn và rối loạn tâm trí nhưng luôn ánh xạ dịu dàng và ấm áp của sắc xuân bát ngát nắng vàng. Những cuộc tình trong ông không hề cay đắng và chẳng oán trách một ai. Tình yêu dẫn dắt cuộc đời ông. Cho dù đơn phương hay cô độc nhưng bao giờ cũng vậy ông ngất ngưởng trong cõi mộng tình ái của riêng mình.

Thi sĩ tự hát: "Ngồi đây một bận với ta thôi/ Ủ lại xuân phơi giữa bốn trời/ Gió có dặt dìu về thủ thỉ/ Ngàn tùng soi bóng nước vơi vơi" (Hương bay suối cũ). Đặc biệt ông có tình yêu "Kim cương" sau khi vợ mất đã lâu. Vẻ đẹp kiêu sa của nghệ sĩ Kim Cương ở tuổi 19 đã làm say đắm tâm hồn ông. Cho dù bị xa cách trong tưởng nhớ nhưng suốt bốn mươi năm thi sĩ vẫn thủy chung nỗi cô đơn của mình. Những chồi xuân luôn bật lên trong cơn điên loạn: "Muôn đóa ngàn hồng đua rực rỡ/ Hoa Xuân như lửa nở vì ai".

2-chân dung bùi giáng.png -0
Thi sĩ Bùi Giáng.
Phải chăng đó là suối nguồn dâng hiến đã ướp hương xuân trong tâm hồn thơ Bùi Giáng luôn đằm thắm xanh tươi. Trong bài "Phụng Hiến" nhà thơ đã khóc với sự chia xa cuộc tình: "Nhưng em hỡi trần gian ôi ta biết/ Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi/ Ta chết lặng bó tay đầu lắc/ Đài xiêu ôi xuân sắp rụng mất rồi". Sự ngộ về thời khắc xuân bị rụng rơi đã làm tâm hồn thi sĩ càng thêm yêu cuộc sống. Cho dù nỗi buồn day dứt con tim nhưng nhà thơ luôn hướng tới hy vọng: "Anh mơ ước với ngàn xuân mở rộng/ Quên não nùng sa mạc của yêu thương/ Chân cứ bước theo nhịp hồn cử động/ Em là em anh đợi khắp nẻo đường" (Ly tao).

Phải chăng đó là đạo trong thơ của Bùi Giáng. Ông luôn tìm ra một triết lý nhân sinh nơi cửa Phật và tìm tới sự "Tĩnh lặng" du dương khi: "Lệ đã chảy ròng ròng rớt xuống/ Với xuân về oanh yến rộn bên tai" (Mưa nguồn). Hay đâu đó thật nồng nàn: "Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau/ Tóc xanh dù có phai màu/ Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng" (Nguyên xuân). Thậm chí nhà thơ còn khẳng định: "Thưa rằng ly biệt mai sau/ Là trùng ngộ giữa hương màu nguyên xuân" (Chào nguyên xuân). Người ta nói Bùi Giáng là một đạo sĩ thơ là vì thế.

Lại nhớ có chuyện đạo sĩ luôn ngộ ra những điều ẩn ức trong sự bất thường. Có lần thi sĩ Bùi Giáng tìm tới nhà của kỳ nữ Kim Cương đã phải nheo mắt nói chuyện và không nhìn rõ nụ cười của người mình yêu. Bởi lúc này ông đã cập kề tuổi lục tuần. Thấy thế nghệ sĩ Kim Cương bèn mua tặng ông một chiếc kính. Thi sĩ khấp khởi vui mừng đi khoe khắp phố phường và một tháng sau chiếc kính đã bị trẻ con nô đùa rơi vỡ một mắt. Ông tiếc hùi hụi, khi đến nhà người yêu trong mộng lòng buồn phiền nhưng không dám nói gì.
Nghệ sĩ Kim Cương dỗ sẽ mua cho ông mắt kính khác nhưng thi sĩ lắc đầu mà rằng: "Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi". Ai ngờ câu nói này đã đi vào thơ ông một cách kỳ lạ: "Bỏ trăng gió lại cho đời/ Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa/ Bỏ người yêu bỏ bóng ma/ Bỏ hình hài của tiên nga trên trời/ Bây giờ đối diện riêng tôi/ Còn hai con mắt khóc người một con" (Mắt buồn). Chính cái tứ này đã trở thành âm thanh chủ đạo cho một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bạn thân của Bùi Giáng. Đó là tình khúc nổi tiếng "Con mắt còn lại" với sự ám ảnh qua "Mắt buồn" của Bùi Giáng.

Tình yêu còn mãi

Người đời thường nghĩ ông là nhà thơ hồn nhiên còn sót lại của thế kỷ. Nhưng từ năm 1962, "Mưa nguồn" đã là tác phẩm điển hình cho phong cách thơ trữ tình của Bùi Giáng. Sự biến dạng "hồn nhiên" hay "ngộ nghĩnh" trong thơ ông chỉ xuất hiện từ thập niên 70 thế kỷ XX sau đó. Đặc biệt thơ tình của Bùi Giáng có phong cách độc đáo thể hiện ngôn ngữ tượng trưng hòa lẫn nét truyền thống tinh tế. Những bài thơ hay nhất của ông dành cho người vợ đã mất vì bệnh hiểm nghèo.

Đó là tình yêu thấm đẫm "Nguyên xuân". Người đọc luôn nhớ đến những thi phẩm nổi bật trong tập thơ "Mưa nguồn". Những thi phẩm thể hiện tài năng của Bùi Giáng như: "Phụng hiến", "Không đủ gọi", "Bờ lúa"; Hay có thể là "Biểu tượng", "Màu xuân", "Ly tao"; và có thể kể đến "Biểu tượng", "Người đi đâu", "Mắt buồn"… Đây cũng là những bài thơ được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc chia sẻ nét lãng mạn kỳ ảo của Bùi Giáng.
1-thi sĩ bùi giáng với tác phẩm mưa nguồn.jpg -0
Thi sĩ Bùi Giáng với tác phẩm “Mưa nguồn”.
Mỗi bài thơ của ông luôn để lại sự ám ảnh mộng ảo hoặc ấn tượng dị biệt có một không hai. Nếu ở bài "Mắt buồn" tạo nên sự huyễn mộng ở "Còn hai con mắt khóc người một con" thì ở thi phẩm "Ly tao" Bùi Giáng lại đóng triện cho biểu tượng những ngón tay huyền mi: "Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt/ Để nhìn em qua khe hở du dương/ Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt/ Ồ thưa em ta thấy mộng vô thường". Vẻ đẹp của tình yêu được ông luôn gây dấu ấn say đắm cho dù luôn ủ giấu nỗi buồn: "Em có nụ cười buồn buồn mây mộng/ Em có làn mi khép lá cây rung/ Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng/ Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!" (Ly tao). Người vợ xinh đẹp hiền thục của nhà thơ mất sớm là nỗi đau khổ tột cùng đem lại sự vang dội lắng sâu. Hai người chỉ sống với nhau có ba năm (từ 1945-1948) nhưng tình yêu đối với vợ của ông luôn là điểm tựa cho sáng tạo mãnh liệt qua những tập thơ xuất bản trước năm 1969.

Từ đó nhà thơ sống trong hoài niệm, ẩn ức và mơ mộng với những cuộc tình thực và ảo trong đời mình. Những ngón tay phù du luôn hiện lên cùng con mắt hút hồn: "Con mắt ấy vì sao em khép lại/ Làn mi kia em thử ngước lên nhìn/ Vòng tay đẹp như cành xuân thơ dại/ Ngón la đà sao chẳng chịu đưa tin" (Một buổi trưa). Nếu với 40 năm ông tri kỷ và nuôi mộng yêu trong nỗi cô đơn với nhan sắc Kim Cương, thì cả đời ông lại sống thủy chung và sâu thẳm với nghĩa nặng phu thê cùng người vợ bạc mệnh. Đó chính là tình yêu có thực trong ông: "Chợt ngoảnh lại thấy rằng em ngủ mất/ Em ngủ quên phiền sương rộng trăng ngà/ Hồn bỏ lại mộng thừa trong thớ đất/ Anh nhìn em trong suốt giữa xương da" (Mầu xuân). Và thi sĩ luôn nhớ lời vợ trong suối mơ rằng: "Em bảo rằng - Đừng tuyệt vọng nghe không/ Còn trang thơ thắm lại với trời hồng" (Phụng hiến). Trong cảm thức nhà thơ luôn hài hước và ung dung tự tại ngay cả những lúc bệnh tình phát hỏa.....

https://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-va...yen-xuan-mai-mai-tham-hong-trang-tho-i689127/
 
Back
Top