đánh giá TP-Link Archer AX80 AX6000 - Xuyên tầng 5GHz khá tốt, có WAN 2.5Gbps, sắp hỗ trợ EasyMesh, đảm bảo future-proof

lady_may_cry

Đã tốn tiền
Với việc các nhà mạng 3 chữ, 4 chữ hay 7 chữ dạo gần đây đã và đang tung ra các chương trình nâng cấp gói mạng “up to 1Gbps” đi kèm với nhiều khuyến mãi khá hấp dẫn, mình cũng nhanh tay chuyển từ 7 chữ qua 3 chữ bầu trời và đồng thời nâng cấp luôn con Tenda TX3 AX1800 lên TP-Link Archer AX80 AX6000.

ysztwsQ.jpg

Sở dĩ mình lên thẳng AX6000 luôn vì tính future-proof của nó, đặc biệt khi AX80 nó có sẵn cổng LAN/WAN 2.5Gbps hỗ trợ quay số PPPOE băng thông lớn trên 1Gbps nếu như sau này có nâng cấp gói cước. Giá của AX80 thì anh em có thể check trên các sàn Lazada, Shopee hay Tiki. Mình mua được em này hồi hôm sale 7.7 khoảng 2.x củ (X tiểu học) áp đủ voucher các kiểu, nhìn chung giá chính hãng như vậy chưa rẻ lắm nhưng không đến nỗi phải “ngất trên cành quất” so với mấy con cua hay phi thuyền AX6000 của ASUS. Và cá nhân mình thấy nó khá hợp với môi trường sử dụng gia đình.

I – Thiết kế và phụ kiện

pHlD7TO.png

2hm9jGU.jpg

Về cảm quan bên ngoài, dù trang bị anten ẩn nhưng AX80 sở hữu kích thước khá lớn (200 × 189 × 59 mm). Nó sử dụng chất liệu chủ yếu nhựa trơn phủ đen với thiết kế rất tối giản, tinh tế theo hình thái dọc thay vì nằm ngang như đại đa số các mẫu router khác phổ biến trên thị trường. Điều này làm mình rất thích thú vì nó sẽ giúp không gian đặt router được tiết kiệm hơn, tạo cảm giác gọn gàng ngăn nắp hơn so với các router nằm ngang thường chiếm diện tích kha khá. Cần nói thêm là ngôn ngữ thiết kế của AX80 rất dễ để mình liên tưởng đến một chiếc PlayStation mà cụ thể là mẫu PlayStation 3 Slim khi chúng có khá nhiều điểm tương đồng khi dựng đứng. Với khe thoát nhiệt đặt ở đỉnh, AX80 khi hoạt động khá mát mẻ khi sờ tay vào bề mặt thân chỉ âm ấm cho thấy khả năng giải nhiệt của router này là rất tốt, không có gì để phàn nàn.

yUrSNPI.jpg

Yq4Q5Tp.jpg

Mặt sau của AX80 được khoét 2 lỗ cho phép người dùng có thể bắt ốc để treo tường thay vì để đứng như mặc định từ NSX.

rGlkwAS.jpg

Về các cổng kết nối, AX80 có 3 cổng LAN 1Gbps, 1 cổng LAN/WAN 1Gbps và 1 cổng tương tự 2.5Gbps. Bên cạnh đó, AX80 còn có thêm 1 cổng USB 3.0 để người dùng có thể cắm ổ cứng hoặc SSD di động vào làm FTP Server truy cập dữ liệu qua mạng. Ngoài ra, AX80 còn có nút tắt/mở cứng để tiện cho người dùng reboot router nhanh mà không cần phải thao tác trên app quản lý Tether hay truy cập vào địa chỉ IP của nó. Tương tự như các mẫu router khác, khu vực này của AX80 có lỗ Reset để người dùng trả các thông số router về mặc định theo NSX. Hơn nữa, nếu cảm thấy đèn báo trạng thái của AX80 chói mắt, người dùng cũng có thể bấm nút kế bên lỗ Reset để tắt nhanh không cần qua app.

Oekt6fy.jpg

Cận cảnh dàn đèn hiển thị trạng thái của AX80 là là rất rõ ràng và dễ hiểu với lần lượt là đèn nguồn, sóng WiFi 2.4G, WiFi 5G, Internet, LAN, USB cho FTP Server và đèn báo kết nối bằng WPS.

GXFxcZL.jpg

Phía trên dải đèn trạng thái là nút WPS nhanh giúp người dùng kết nối nhanh chóng với hệ thống mạng WiFi mà không cần nhập mật khẩu. Không biết anh em có hay dùng không nhưng mình thì rất ít khi phải dùng tính năng này. Đó là vì khi người quen tới nhà xài iDevice, mình có thể Share Password rất nhanh bằng iPhone của mình. Do đó, tính năng WPS với trường hợp riêng ở nhà mình là cực kỳ ít dùng, có cũng được mà không có cũng không sao.

gI2y0pq.jpg

Dưới đít AX80 là nơi mà mình sẽ dùng phụ kiện chân đế đi kèm để gắn vào và dựng đứng router trên bàn làm việc. Còn nếu treo tường thì không cần phụ kiện này cũng được.

95Do9Yd.jpg

Phần phụ kiện đi kèm theo AX80 rất cơ bản với loạt giấy tờ thông tin và catalogue hướng dẫn, 1 cáp kết nối và 1 dây cắm nguồn chuẩn EU.
 
Last edited:
II – Cấu hình

Về cách cấu hình AX80, chúng ta có 3 hướng:

  • Thiết lập qua điện thoại
  • Thiết lập bằng ứng dụng Tether (Cũng bằng điện thoại)
  • Thiết lập qua trình duyệt web trên PC

Trong quá trình cấu hình, không rõ là do iPhone 12 Pro Max của mình hay Tether chưa cập nhật mẫu AX80 vào hệ thống nên mình không thể quét ra AX80 trong phần cấu hình của ứng dụng này. Thay vào đó, mình cũng dùng điện thoại nhưng cấu hình AX80 từ màn hình kết nối WiFi trong Option của iPhone luôn cho tiện, không phải dùng PC làm gì cho phiền.

xox5M2e.jpg

AOIjib5.jpg

Đầu tiên, mình lấy dây cáp Cat6 cắm cổng WAN 2.5Gbps từ AX80 vào cổng LAN modem ra Internet (Trong trường hợp này là Tenda TX3 AX1800) và cấu hình theo kiểu router phát WiFi kiểu truyền thống. Hầu như các thao tác được diễn ra rất mượt và mình không gặp lỗi gì trong quá trình cấu hình. Và sau khi tùy chỉnh xong, lúc này mình vào Tether thì nó đã nhận diện được router AX80 trong bảng điều khiển ứng dụng.

DKwk4hQ.jpg

Tại bảng điều khiển Tether, sau khi tạo xong mật khẩu đăng nhập vào AX80, từ mục Home và Clients mình có thể quan sát hệ thống mạng WiFi vừa mới khởi tạo cũng như danh sách thiết bị kết nối vào rất trực quan.

eEEIAtz.jpg

Chuyển qua mục Security, tại đây app Tether sẽ khởi động quét hệ thống mạng để kiểm tra xem có bị lỗi bảo mật không. Qua đó, nó báo cho người dùng biết cần làm những gì để cải thiện tình trạng mạng. Và Tether cũng gợi ý cho mình nâng cấp gói bảo mật HomeShield Pro trả phí, tuy nhiên nhận thấy nhu cầu chưa cần nên mình cứ để đó, từ từ nâng cấp sau. Tới mục Family, người dùng có thể tạo profile lướt web dành cho người sử dụng thiết bị dưới tuổi với tùy chọn lọc web đen, thời gian dùng WiFi, gửi báo cáo lướt web … Nói chung là hỗ trợ tận răng cho người quản trị nắm bắt tình hình dùng mạng của con trẻ.

2i6MSjV.jpg

Tới mục Tools, tùy chọn Quick Setup cho phép người dùng cấu hình lại hệ thống mạng với các tùy chọn tương tự như các bước cấu hình router ban đầu.

Sv0b7Mf.jpg

Tùy chọn Wireless là nơi người dùng sửa đổi tên SSID, đổi pass, chọn cơ chế mã hóa (lên tới WPA3-Personal và WPA2-Enterprise), tùy biến sâu về sóng 2.4GHz và 5GHz.

w1zAzRh.jpg

Tiếp đến là Internet Connection và IPTV/VLAN, hai phần này người dùng có thể xem thêm thông tin địa chỉ IP kết nối cũng như chế độ đi ra Internet của AX80, cũng như một số tùy chọn về IPTV/VLAN mà mình thì không bao giờ đụng đến (Đơn giản là vì không xài IPTV hay VLAN).

Chuyển qua OneMesh, trước đây tính năng này từng là điểm ăn tiền của các router TP-Link khi nó cho phép các router có thể hình thành mô hình mạng Mesh. Có điều là chỉ có các router của TP-Link và có gắn mác OneMesh thì mới hỗ trợ. Tuy vậy, theo thông tin từ trang chủ sản phẩm của TP-Link, trong tương lai gần NSX này sẽ tung ra bản cập nhật firmware cho phép AX80 có thêm tính năng EasyMesh. EasyMesh về lý thuyết cách hoạt động của nó cũng y hệt như OneMesh nhưng với dải thiết bị hỗ trợ rộng hơn, không giới hạn ở mỗi router của TP-Link. Qua đó, người dùng có thể dùng router từ hãng khác có hỗ trợ EasyMesh để gia nhập vào hệ thống Mesh của AX80 tạo ra.

Tiếp theo là tùy chọn QoS và Network Diagnostic, QoS đơn giản là tính năng giới hạn băng thông mạng trên một số thiết bị kết nối vào WiFi nhằm tránh tình trạng hút băng thông trực tiếp làm chậm hiệu năng mạng. Trong khi đó, Nework Diagnostic đúng như cái tên của nó, phân tích tình trạng hệ thống mạng hiện tại để đưa ra khuyến nghị điều chỉnh đến cho người dùng.

aue38bp.jpg

Cũng như nhiều router khác, AX80 cũng cho phép người dùng tạo mạng WiFi khách giúp khách đến nhà truy cập dễ hơn hoặc khó hơn nếu có cài password. Hơn nữa, tùy chọn WiFi khách còn có thêm thuộc tính Local Access cho phép người lạ truy cập được nội dung trong mạng LAN khi đang kết nối vào WiFi khách. Nói thật đây là tùy chọn khá khó hiểu, vì nếu muốn làm vậy thì mình cho họ vào hẳn WiFi của mạng nhà luôn cho rồi, không nhất thiết phải thêm tùy chọn này làm gì. Kế tiếp là tùy chọn chia sẻ nhanh thông tin WiFi nhà cho khách kết nối thông qua mã QR, cách này rất tiện lợi nếu như mình và khách không có số điện thoại của nhau trong danh bạ iPhone. Tùy chọn TP-Link ID dành cho người dùng muốn bind AX80 với tài khoản email nhằm thuận tiện hơn trong việc quản lý router từ xa. Người dùng có thể bật tắt đèn LED hiển thị trạng thái của AX80 cũng như thiết lập thời gian bật/tắt đèn LED bằng chức năng Night Mode. Tùy chọn IPv6 là thứ mình cũng không đụng vào vì không phải ISP nào cũng sẵn sàng cấp IPv6 cho router nếu không có lý do chính đáng. Do đó, mình vẫn cứ xài mặc định iPv4 ra Internet cho khỏe, khi nào ISP sẵn sàng cho chuyển thì chuyển lên iPv6.

eZ4sXrC.jpg

Cuối cùng là các tùy chỉnh liên quan đến Operation Mode (Chuyển đổi chế độ sử dụng từ Router sang Access Point và ngược lại), thời gian router tự reboot, thời gian hệ thống, đổi password router, cập nhật firmware tự động. Nếu muốn tùy biến sâu hơn như mở port NAT, Routing các kiểu thì người dùng sẽ phải vào trang cấu hình trên PC theo kiểu truyền thống. Dưới đây là một số hình ảnh giao diện tùy chỉnh router trên PC khi mình đã cấu hình cho AX80 quay số PPPOE thay cho Tenda TX3.
 
va5PDXL.jpg

Vào trang đăng nhập router trên PC, tại giao diện chính mục Network Map tóm lược khá đầy đủ và trực quan về thông tin hệ thống mạng hiện tại ở nhà mình.

xgr7OAD.png

Qua mục Internet, tương tự như cấu hình trên điện thoại thông qua app Tether, mục này cho phép anh em chọn một trong 2 cổng 1Gbps hoặc 2.5Gbps để đóng vai trò WAN ra Internet. Bổ sung thêm trong mục này là nó có thêm phần điền tên tài khoản Internet để quay số PPPOE nếu như người dùng chọn phương thức đi Internet là PPPOE thay vì mặc định là DHCP.

5xiix7V.jpg

Mục Wireless chức năng cũng tương tự khi tùy chỉnh trên app Tether, nó cho phép người dùng tùy chỉnh ở mức độ cơ bản, có sóng WiFi là done không tùy biến gì thêm. Các mục còn lại nếu đã xuất hiện trên app Tether và có tùy chỉnh chức năng tương đồng với trên app Tether thì mình sẽ không mention lại cho nó loằng ngoằng khó theo dõi.

O9th3wM.jpg

Mục Advanced sẽ là nơi mà người dùng tương tác nhiều nhất khi cấu hình router qua trình duyệt web. Khởi đầu với Status khi nó liệt kê khá chi tiết thông tin IP mạng Internet, LAN, DHCP và Dynamic DNS.

QArotsJ.jpg

Ngoài việc chọn cổng 1Gbps hay 2.5Gbps đi Internet và điền tên tài khoản/password để quay số PPPOE, trong tùy chọn Internet còn cho phép người dùng thay đổi các thông số khác như trị số MTU, Clone Mac, kích hoạt tính năng NAT để mở port cho camera, game, torrent hay bất kỳ dịch vụ nào cần đến. Tùy chọn Internet Port Negotiation Setting chỉ dùng khi converter quang của anh em có hỗ trợ băng thông 2.5Gbps còn không thì để Auto.

fjocir0.jpg

Tới tùy chọn LAN, anh em có thể tùy chỉnh địa chỉ IP nội bộ của router (Trong trường hợp này là 192.168.1.100). Bên cạnh đó, Link Aggregation là tính năng theo mô tả từ TP-Link là sẽ gộp băng thông của cả hai cổng LAN2/LAN3 trên router thành một, qua đó nâng tổng băng thông theo lý thuyết đạt 2Gbps. Tính năng này chủ yếu sử dụng cho thiết bị NAS vốn cần đến băng thông lớn trong hệ thống mạng LAN để hoạt động. Link Aggregation có hai chế độ hoạt động là Static LAG và LACP, mình thì không rành lắm về NAS nên chưa biết cả hai có gì khác biệt. Nhưng có điều kiện thì mình sẽ thử tính năng này sau nếu có thời gian rảnh.

OQqbyOp.jpg

Tiếp đến là các tùy chọn IPTV/VLAN, DHCP Server, Dynamic DNS và Routing. DHCP Server cho mình toàn quyền chọn dải IP cấp cho các thiết bị kết nối vào AX80 cũng như thiết lập danh sách IP dành riêng cho từng thiết bị riêng biệt. Dynamic DNS về cơ bản là giúp việc truy cập hệ thống từ xa mà không cần dùng địa chỉ IP tĩnh được tạo ra bởi ISP, tuy nhiên do cần phải đăng ký tài khoản TP-Link cũng như không có nhu cầu sử dụng dịch vụ này nên mình cũng bỏ qua. Tùy chọn Routing giúp người dùng có thể tạo đường liên thông cho hai mạng khác lớp, cho các thiết bị từ hai mạng này giao tiếp với nhau.

oCTEf1w.jpg

Trong tùy chọn Wireless nâng cao, ngoài các điều chỉnh các thông số cơ bản là SSID/mật khẩu cho hai sóng 2.4GHz và 5GHz cũng như gộp hai SSID thành một với Smart Connect, nó còn có thêm các thông số khác của một chiếc router WiFi 6 điển hình như OFDMA và TWT. Ngoài ra, Wireless Schedule cho phép người dùng thiết lập thời gian phát sóng WiFi và một tính năng phụ trợ khác trong tùy chọn Wireless cho anh em vọc vạch như WMM, AP Isolation,…

ZFHFQFO.jpg

Tùy chọn USB là nơi anh em có thể cấu hình ổ HDD/SSD ngoài của mình thành FPT Server để truy cập trong mạng nội bộ hoặc bên ngoài (Đã cấu hình Dynamic DNS) khi cắm vào AX80. Để nâng tính bảo mật, mình đã kích hoạt Secure Sharing để khi kết nối vào FTP Server sẽ phải nhập tài khoản và mật khẩu có sẵn trong danh sách mới vào được. Hơn nữa, anh em có thể phân quyền cho các tài khoản này với quyền Read/Write hoặc cả hai quyền. Một tính năng khá hay mà mình rất ít khi dùng đến là Time Machine. Nói cách khác, đây là tính năng sao lưu dữ liệu trên các máy Mac và upload file lưu trữ Time Machine đó lên thẳng FTP Server. Tuy nhiên, bất tiện ở chỗ là HDD/SSD ngoài cắm trên AX80 phải được định dạng lại theo chuẩn Apple APFS hoặc HFS+ thì tính năng Time Machine mới hoạt động được. Do đó, trong trường hợp này mình chỉ dùng SSD ngoài định dạng NTFS làm không gian lưu trữ trên mạng nội bộ, để cả máy Windows lẫn Mac có thể vào lấy dữ liệu được.

HZ7lDj6.jpg

Tùy chọn NAT Forwarding giúp anh em có thể mở port cho camera, game, torrent hay bất cứ ứng dụng nào cần mở port. Khi mở port thì chúng ta cần phải liên hệ bên nhà mạng để nhờ gỡ ra khỏi CGNAT thì tính năng mới hoạt động nhé. Bên cạnh đó là các thông số tinh chỉnh UPnP, DMZ và Port Triggering mà mình luôn để mặc định từ NSX vì không có lý do để đụng đến.

SL0Whes.jpg

Đây là chỗ anh em có thể tùy chỉnh các thông số liên quan tới bảo mật của router như tường lửa, lọc MAC, cấp phép truy cập router, tắt mở các giao thức cổng lớp ứng dụng ALG.

JOnreRP.jpg

AX80 cũng có hỗ trợ cài đặt VPN Client lẫn Server luôn. Cách cài đặt thì anh em tham khảo tại đây: https://www.tp-link.com/vn/support/faq/2801/.

80QvLJd.jpg

Như đã đề cập từ trước là IPv6 WAN mình sẽ không kích hoạt vì không phải nhà mạng nào cũng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cấp IPv6 WAN cho khách. Tuy nhiên, với IPv6 LAN thì mặc định AX80 đã cấp sẵn IPv6 cho chính AX80 theo cơ chế cấp SLACC+Stateless DHCP. Kế tiếp tùy chọn kích hoạt chế độ Alexa cho AX80, nhưng muốn sử dụng anh em cần phải có Amazon Echo, Amazon Tap, Echo Dot hoặc thiết bị chuẩn Alexa nào đang hiện diện trong hệ thống mạng. Mình thì không sử dụng nhà thông minh Alexa nên không dùng được cái này. AX80 mặc định đã kích hoạt chế độ OneMesh và luôn sẵn sàng tiếp nhận thiết bị OneMesh khác tham gia vào mạng Mesh. Nhưng mình đang chờ TP-Link cập nhật firmware mới để hỗ trợ EasyMesh, qua đó thì sẽ có nhiều lựa chọn về thiết bị từ nhiều hãng hơn thay vì phải tìm mua đúng của TP-Link.

RzKHL8E.jpg

Cuối cùng là mục System. Tại đây anh em có thể thiết lập cập nhật firmware tự động/thủ công cho router, sao lưu và phục hồi file cấu hình router, trả router về thiết lập gốc, kích hoạt quản lý router từ xa.

FYgfCmA.jpg

Ngoài ra, anh em còn có thể check log xem thông tin về thiết lập chức năng, báo lỗi hay phân tích hệ thống mạng của mình qua các command đơn giản như ping, tracert, v.v…Thiết lập về thời gian thì mình để mặc định, cập nhật theo Internet cho nó nhàn.

hxEHQ5O.jpg

Các tùy chọn Reboot, LED Control và Operation Mode thì mình đã đề cập trong phần cấu hình qua điện thoại rồi. Usage Stats dùng để tùy chọn cho phép gửi thông tin để tham gia nâng cấp trải nghiệm của TP-Link, anh em có thể nhấn chọn có hoặc không tùy ý. Riêng mình thì không có nhu cầu đó nên thôi bỏ qua.
 
III – Thử nghiệm AX80

Trước khi đi vào bài test AX80 thì mình sẽ đưa ra cho anh em sơ đồ mạng trước khi thả em nó vào hệ thống mạng dưới đây:

rHvcU1g.jpg

Trước đây, khi đăng ký gói 3 chữ bầu trời thì bên kỹ thuật hay sale marketing có tư vấn mình lấy router WiFi 6 của họ để quay PPPOE tuy nhiên mình đang có sẵn Tenda TX3 AX1800. Do đó, mình dùng con này quay PPPOE luôn, không dùng đồ của nhà mạng để chủ động thiết bị về sau. Tuy nhiên, với việc các nhà mạng ngày càng đua các gói 1Gbps thì mình nhắm chừng tương lai cổng WAN 1Gbps của TX3 sẽ không đủ đáp ứng, nếu như 3 anh trên ra gói nâng cấp cao hơn 1Gbps sau này. Vì vậy, để chuẩn bị cho cái “mùa xuân” đó thì mình săn ngay con AX80 này hôm sale 7.7 để mai sau tận dụng cổng WAN 2.5Gbps của nó.

Huyên thuyên thế đủ rồi, dưới đây là sơ đồ mạng khi AX80 đóng vai trò router WiFi phát cho cả nhà:

yOPhkg1.png

Sau đây là speedtest ở vị trí lý tưởng (Bắt sóng WiFi 5GHz gần router không có vật cản và cắm dây LAN) bằng laptop HP Elitebook 840 G9 (Có hỗ trợ WiFi 6E) vào giờ cao điểm (8h-10h tối):

hsEL7Mn.jpg

Dưới đây là speedtest tại vị trí các phòng 1 tới 6 xuyên suốt từ tầng 3 xuống tầng 1 cùng thời gian và thiết bị test:

7Nt8QW6.jpg

Sau một lớp cửa ở phòng 1 và 2, AX80 có sự suy hao nhẹ tầm 50Mbps+ ở tốc độ download, còn upload không có vấn đề gì. Tiếp tục đi xuống tầng 2, sự suy hao nhẹ tiếp tục diễn ra ở cả hai phòng 3 và 4 khi download nhưng vẫn đảm bảo tốc độ trên 500Mbps, upload về cơ bản cũng không sụt quá nhiều chỉ tầm 20Mbps mà thôi. Di chuyển xuống tầng 1, AX80 lúc này đã có sự sụt giảm đáng kể ở cả hai chiều download và upload. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn dư sức cho các thiết bị laptop, iPhone, iPad trong nhà mình lướt YouTube 1080p-2K khá nuột nà. Qua đây, chúng ta có thể thấy AX80 khi kết nối sóng 5GHz xuyên qua 1 tầng lầu, tốc độ download/upload suy hao rất ít, gần như không thấy rõ sự khác biệt khi mình vẫn xem YouTube 4K đều đều ở các phòng 1, 2, 3, 4. AX80 chỉ tỏ ra đuối sức khi xuống đến tầng 1, lúc này xem YouTube 4K sẽ phải chờ clip nó buffer, còn 1080p-2K khá trơn tru theo cá nhân mình thấy gì không có gì đáng phàn nàn.

Tất nhiên, không ai đầu tư một con router AX6000 như AX80 mà cho nó phát WiFi như thế này cả. Thay vào đó, mình test tiếp khả năng quay số PPPOE của em nó trên cổng WAN 2.5Gbps thay cho TX3. Và cần lưu ý là khi làm việc này, anh em cần phải dùng tính năng Clone MAC của AX80 để thay đổi MAC đi ra Internet bằng MAC của TX3. Và để phát WiFi cho nhà dùng thì mình tận dụng lại bộ Tenda Nova MW6 3 packs cho mỗi tầng. Có thể sau này khi giá mấy bộ mesh WiFi 6 3 packs xuống mức chơi được thì mình thay Nova MW6 3 packs luôn. Sau đây là sơ đồ mạng khi AX80 đã đóng thay vai trò của TX3.

4tG0h7e.png

Vẫn là bài speedtest quen thuộc nhưng lần này mình chỉ test trường hợp cắm dây LAN trực tiếp vào cổng LAN 1Gbps của AX80.

fP24s0k.png

Kết quả speedtest chỉ khá hơn một chút so với TX3. Điều này là dễ hiểu khi với gói cước 3 chữ bầu trời, mình chỉ được cấp converter 1Gbps và thực hiện bài này ở giờ cao điểm (8h-10h tối). Thời điểm này chắc chắn sẽ có rất nhiều user GPON cùng kết nối vào PON khu vực nên tốc độ sẽ bị ảnh hưởng kha khá. Nói cách khác, để có số đẹp hơn trừ khi anh em “vuốt trụ” được NOC như nhiều ông đã làm trong topic này (https://voz.vn/t/tat-ca-cac-van-de-...n-warn-com-linh-tinh-k-nghiem-tuc-kia.805167/) hoặc thức đêm tầm 12h-2h sáng để speedtest, kết quả sẽ tốt hơn như này nhiều. Nói chung, để tận dụng hết công năng của cổng WAN 2.5Gbps để quay số PPPOE trên AX80, anh em sẽ cần gói Internet có tốc độ cao hơn cũng như nhà mạng cấp cho converter 2.5Gbps thay vì 1Gbps.
 
IV – Các tính năng phụ trợ

Có rất nhiều tính năng mà AX80 cung cấp mà mình thấy khá hay cũng như dễ thực hiện. FTP Server là một trong số đó, và mình cũng thử copy file 7z dung lượng 24GB từ SSD Samsung 850 EVO 500GB gắn trên PC lên FTP Server (Đang cắm SSD TOSHIBA OCZ TR150 480GB qua box USB 3.0 Orico). Lưu ý, PC hiện đang cắm dây LAN tới Switch 1Gbps.

cXLU47Q.png

Với băng thông LAN 1Gbps, không có gì bất ngờ khi tốc độ copy qua mạng lên FTP Server rất đều khi dao động từ 100-110MB/s. Thời gian hoàn thành copy chưa tới 4 phút với file 7z dung lượng 24GB. Trường hợp copy thông qua WiFi thì mình phải setup lại cho AX80 làm router WiFi và TX3 quay số nên mình sẽ thử nghiệm sau và post kết quả lên cho anh em.

Link Aggregation gộp 2 cổng LAN 2/3 thành 1 cổng băng thông lý thuyết lên 2Gbps cũng là tính năng mình rất muốn test nhưng hiện tại vẫn chưa kiếm được con NAS nào để làm đối tượng thử nghiệm. Do đó mình cũng hẹn anh em dịp sau cập nhật post lại vậy.
 
V – Lời kết

Ưu:


Giá chính hãng không quá đắt (Gộp voucher + săn mùa sale) chỉ 2.x củ (X tiểu học) cho mẫu router WiFi 6 AX6000.
Thiết kế đẹp, tối giản, dựng đứng hoặc treo tường để tiết kiệm không gian bàn làm việc.
Hoạt động khá mát mẻ.
Xuyên tầng 5GHz khá tốt.
Có cổng LAN/WAN 2.5Gbps.
Có cổng USB 3.0 để thiết lập FTP Server chia sẻ dữ liệu qua mạng.
Hỗ trợ nhiều tính năng phụ trợ mà một chiếc router WiFi 6 AX6000 nên có như Alexa, Link Aggregation, VPN Server/Client, OFDMA, TWT, v.v…
Hỗ trợ OneMesh với các thiết bị TP-Link hợp chuẩn này.
Quản lý qua app Tether trên điện thoại trực quan dễ dùng.

Khuyết:

Chưa hỗ trợ EasyMesh khi mở hộp (Phải chờ firmware mới).
Chỉ có 1 cổng LAN/WAN 2.5Gbps, nếu có 2 cổng càng ngon.
Update:
  • Đã có EasyMesh, và option này thay thế luôn cái OneMesh cũ.
1-png.2153131
 

Attachments

  • 1.png
    1.png
    79.1 KB · Views: 71
Last edited:
Cpu 4 nhân 1.6ghz, trang chủ để thế, còn con này chưa có hình mổ bụng thì sao biết được nội thất, chờ thôi :shame:
Khả năng cao là dùng chip mediatek 7986B , cùng xung lẫn số nhân . Đa số router wifi sx gần đây đều dùng giải pháp của mediatek vì cấu hình tốt giá rẻ sóng sánh khoẻ hơn so với chip qualcom .
 
Khả năng cao là dùng chip mediatek 7986B , cùng xung lẫn số nhân . Đa số router wifi sx gần đây đều dùng giải pháp của mediatek vì cấu hình tốt giá rẻ sóng sánh khoẻ hơn so với chip qualcom .
filogic830 ~ MT7986, con này ruột lấy từ đám XDR6088 bên TQ thì phải.
tìm trên FCC không thấy đăng kí gì cả.
 
Back
Top