Vợ chồng tài xế công nghệ đón Tết

Cryolite 0

Senior Member

Sáng sớm sau khi đưa con đến trường, anh Bùi Văn Chí Kiên (tài xế công nghệ, 43 tuổi, ngụ phường 10, quận 6) và vợ là chị Huỳnh Ngọc Phượng (42 tuổi) tất bật chuẩn bị cho một ngày dài bươn chải.

Anh Kiên miệt mài với những cuốc xe chở khách từ 5h sáng đến 22h30 - Ảnh: YẾN TRINH

Anh Kiên miệt mài với những cuốc xe chở khách từ 5h sáng đến 22h30 - Ảnh: YẾN TRINH

Anh Kiên là tài xế công nghệ chở khách, còn vợ giao thức ăn. Nhiều năm nay, hai vợ chồng anh đều đón Tết trên đường vì tất bật với những cuốc xe, đơn hàng.

Vất vả nhưng có thời gian đón con, lo nhà cửa​

Còn chừng hai tuần là đến Tết, thế nên những ngày này anh Kiên mong có thêm nhiều cuốc xe trang trải. Trước đây anh làm thợ điện công trình, thu nhập bấp bênh nên chuyển sang tài xế công nghệ năm 2017.

"Ban đầu hãng xe mới ra mắt, tôi nghe người ta giới thiệu nhiều nên đăng ký kiếm thêm ngoài giờ. Tôi thường chạy tới khuya là về, sau đó thấy có thu nhập ổn hơn, thời gian cũng linh hoạt nên quyết định chạy toàn thời gian", người đàn ông gương mặt sạm nắng bộc bạch.

Gia đình anh gồm mẹ vợ, hai vợ chồng và ba người con đang ở thuê trong một chung cư cũ gần 5 năm nay. Hồi năm 2022, sau dịch COVID-19 kéo dài và kinh tế eo hẹp, chị Phượng - vợ anh Kiên - quyết định chạy xe giao thức ăn để hai vợ chồng cùng có đồng ra đồng vào nuôi ba người con lớp 9, lớp 5 và lớp 3. Chi phí tiền học, tiền ăn của cả nhà một tháng tằn tiện cũng chục triệu đồng.

Theo anh Kiên, hiện giờ tình hình kinh tế khó khăn , người dân thắt chặt chi tiêu nên những tài xế xe công nghệ chở khách như anh hay giao thức ăn như chị Phượng có phần bị giảm cuốc xe, đơn hàng so với trước.

Tuy nhiên, giữa bối cảnh nhiều người mất việc trong các công ty, hai vợ chồng nhận thấy làm tài xế công nghệ có ưu điểm không gò bó nhiều, linh hoạt thời gian. Trước đó chị Phượng làm ở đại lý vé số từ sáng sớm tới tối mịt, tuy lương 9 triệu đồng/tháng nhưng không thể đưa rước con nên phải nghỉ.

Làm tài xế công nghệ, anh chị nói mình có thể chủ động tắt mở app. "Lúc nào đưa rước con đi học thì tắt, xong xuôi mở lên chạy tiếp. Mặc dù thu nhập có giảm so với trước nhưng ít ra cũng còn có việc để làm, mỗi ngày chịu khó cày cũng kiếm được hai, ba trăm ngàn đồng", anh Kiên chia sẻ.

Gắng thêm cuốc xe để có tiền xoay xở Tết​

Chị Phượng chạy xe công nghệ giao thức ăn hai năm nay để phụ chồng trang trải chi phí sinh hoạt - Ảnh: DIỆU QUÍ

Chị Phượng chạy xe công nghệ giao thức ăn hai năm nay để phụ chồng trang trải chi phí sinh hoạt - Ảnh: DIỆU QUÍ

Vợ chồng anh Kiên đều cảm nhận tình hình suy thoái đã ảnh hưởng trực tiếp chén cơm của gia đình nhỏ. Do đó, để chuẩn bị cho cái Tết tất bật, ngày nào vợ chồng anh cũng bươn chải khắp các con đường, ngỏ hẻm Sài Gòn từ sáng sớm đến tối mịt để ráng có thêm đơn mới, bên cạnh cân nhắc chi tiêu vun vén, tiết kiệm hơn.

Chị Phượng tâm sự vào ngày lễ thì đơn hàng nhiều hơn, khách đặt xe cũng nhiều, điện thoại nổ cuốc liên tục nên anh chị ráng "cày" mấy ngày đó để có tiền lo chi phí sinh hoạt trong nhà.

Nhà sáu người, chị cho biết mỗi ngày tiền chợ gói ghém lắm cũng phải 100.000 đồng. "Sáng nào hai vợ chồng nếu uống cà phê là phải nhịn ăn sáng hoặc ngược lại. Nhà có mẹ nấu cơm nên trưa nếu đang ở gần nhà thì hai vợ chồng chạy về ăn để tiết kiệm chi phí. Nước uống mang theo chứ không mua bên ngoài", chị kể.


Bên nhau đã 18 năm, những lúc khó khăn, hai vợ chồng động viên "ít ra mình còn san qua sẻ lại với nhau". "May mắn là cả nhà mạnh khỏe nên cũng đỡ tốn tiền thuốc men, chứ nhiều bác tài khác bị bệnh này bệnh kia càng chật vật hơn nữa", chị chia sẻ.

Nhắc Tết, chị nói năm ngoái giờ này còn mua trữ chút đồ Tết trong nhà cho mấy đứa nhỏ, còn giờ chưa sắm sửa gì vì không có dư. Cận Tết, hai vợ chồng vẫn bạc mặt ngoài đường kiếm thêm cuốc xe hay đơn giao đồ ăn. Mấy đứa nhỏ ở nhà dọn dẹp, lau chùi.

Chị Phượng kể động lực cố gắng là khi nhìn các con biết tự học, học khá giỏi và nghe lời cha mẹ. Các con không đòi hỏi cha mẹ phải mua sắm này kia, chỉ bảo rằng mẹ muốn mua gì cũng được. "Mọi năm tôi hay ghé mấy chỗ bán quần áo giảm giá dịp Tết mua mỗi đứa một bộ để mặc cho vui thôi vì Tết nhà tôi không đi đâu chơi xa, ở nhà hoặc lòng vòng thành phố", chị nói.

Trong khó khăn vẫn giúp người khổ hơn mình​

Trong khó khăn, vợ chồng anh Kiên và chị Phượng vẫn động viên nhau vượt qua - Ảnh: YẾN TRINH

Trong khó khăn, vợ chồng anh Kiên và chị Phượng vẫn động viên nhau vượt qua - Ảnh: YẾN TRINH

Công việc đầu tắt mặt tối nhưng anh Kiên và chị Phượng cùng tham gia đội nhóm Đoàn Kết với gần 1.000 thành viên. Anh cho biết nhóm lập ra từ lâu để anh em tài xế chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau khi có sự cố.

Tùy khả năng, hai vợ chồng thường đóng góp vào quỹ chung của đội để giúp đỡ các tài xế khó khăn hơn.

Hai vợ chồng cũng hay tham gia hoạt động thiện nguyện, phát cơm cho người nghèo... Chị Phượng kể: "Dịp Noel vừa rồi, tôi cùng ba chị tài xế khác nấu và phát 200 phần cháo cho bệnh nhân. Tết này chúng tôi dự tính trao sữa và tả cho một cơ sở nuôi trẻ khuyết tật ở quận 7 hoặc nấu cháo cho các bệnh nhi nghèo ở Bệnh viện Nhi đồng Thành phố dưới Bình Chánh".

Nhiều năm qua hai vợ chồng đón Tết trên đường vì đều chạy xe xuyên Tết. Họ chỉ nghỉ vào chiều tối 30 Tết và ngày mùng Một để cúng bái và đưa các con sang chúc Tết họ hàng, sau đó lại mở app nhận cuốc.

Hai vợ chồng dự tính chạy xuyên Tết, nhưng lo lắng không biết có nhiều cuốc xe không. Năm mới, anh Kiên và chị Phượng chỉ mong ước giản dị là có sức khỏe và điện thoại nổ cuốc nhiều hơn. Tương lai gần, họ vẫn gắn bó với công việc tài xế công nghệ, với nắng gió ngoài đường.

...
 
Cả một thế hệ dân số vàng không thể mang lại lực đẩy mạnh như Hàn Nhật mà bị bọn kinh tế chia sẻ bòn hết, buồn thay :sad:
 
Back
Top