Hồi ký của ông tôi, nhân chứng gần một thế kỷ của An Nam và Việt Nam.

E1M1-AHG

Senior Member
Hôm qua trong thread nói về phim Đ,P&P, tôi có nói tới việc cụ thân sinh của ông nội tôi đã từng làm lính tập cho Pháp được nhiều vozer cũng chú ý tới. Tôi cũng nhớ lõm bõm một vài mẩu chuyện mà ông nội tôi kể cho tôi nghe về tuổi thơ và tuổi trẻ của ông, từ bình yên đến gian khó. Thú thật là cũng vì mọi người react khá tốt với những câu chuyện nhớ lõm bõm ấy mà tôi đi lục lại máy tính cũ trong nhà, tối hôm qua thì tìm được tập hồi ký ông tôi viết (đến giờ vẫn thỉnh thoảng update).

(Nghe thì li kì thế thôi, chứ tôi dạy ông tôi cách sử dụng Google Docs từ cách đây 4-5 năm trước, giờ ông tôi vẫn thỉnh thoảng update lại tập hồi ký này trên GDocs trên máy của ông, lỡ cái thinkpad còm cõi ấy có tẻo thì tôi cũng biết chắc là HK vẫn còn đó).

Tôi xin phép đăng những mẩu truyện khá hay của ông lên trên này, để mọi người cùng đọc và xuyên không một chút về một Phủ Lý xứ An Nam yên bình trong mắt của ông Đỗ Mộng Châu, và những hoài bão, giấc mơ trong đất nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà non trẻ.

[Dẫn link các chương tại phần này]
> Một giấc mơ, và một tuổi thơ yên bình​
> Bắt đầu theo học dưới chế độ giáo dục thời Pháp thuộc​
> Tham gia phong trào hướng đạo sinh, vui chơi và học những câu chuyện hào hùng của dân tộc​
> Đám cưới hoành tráng của anh cả với cô dâu thuộc gia đình giàu có của tỉnh; xáo trộn trong việc lên lớp; Nhật đảo chính Pháp và ảnh hưởng tới An Nam​
> Đau xót vì nạn đói '45; Nhìn thấy Việt Minh lần đầu tiên; Mít-tinh dưới ngọn cờ đỏ sao vàng; Cách mạng​
> Tinh thần yêu nước của dòng tộc; Câu chuyện về cụ thân sinh: lập gia đình - Làm lính thợ của Pháp tham chiến CTTG lần thứ Nhất - Giúp Việt Minh giành chính quyền - Về hưu và CCRĐ - và Cuối đời​
> Chia tay gia đình, được Việt Minh huấn luyện; Gặp lính Quốc dân đảng; Học tập, về thăm nhà và nhận lệnh lên đường lên Yên Bái​
> Gặp lại anh Đước, rời xa gia đình để đi công tác theo Việt Minh; Yên Bái thời kháng chiến; Thất học và quyết định đi làm ở tuổi 16​
> Hoạt động bí mật; Hồ Chủ tịch là ai; Tiếp tục được đi học​
> Kỷ niệm với thày cô và bạn bè​
> Nhập học trường Sư phạm; Bị máy bay Pháp "bắn" và những sự kiện khác; Kết thúc năm học đầu, nhận lệnh di chuyển sang Trung Quốc; Hành trình gian khó vượt biên giới phía Bắc và xa hơn nữa​
> Học bên Trung Quốc: Điều kiện sống, khung cảnh nơi đất khách quê người; CCRĐ tại TQ; Không được về nước phục vụ​
> Chuẩn bị để đưa con em Việt Nam sang CHDC Đức học tập​
> Gặp được Bác Hồ​
> Lên đường đi tàu hỏa từ Việt Nam sang Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô và cuối cùng là nước Đức; Học tập và sinh hoạt tại Moritzburg; Lại được gặp Bác Hồ tại nước Đức; Về nước​
> Kỷ niệm khó quên về Bác khi đi làm nhiệm vụ, chuyển từ giáo viên sang công tác cho Bộ ngoại giao​
> Lần cuối được gặp Bác​
> Chứng kiến khi làm phiên dịch cho ĐSQ CHDC Đức: quê nhà bị bom đạn Mỹ tàn phá, kẹt bánh xe tại cầu Hàm Rồng, gặp gỡ và chứng kiến các chiến sĩ bảo vệ đất nước, đến Khu phi quân sự vĩ tuyến 17​
> Nhận lời mời cùng Đại sứ Đức sang thăm vùng giải phóng Lào, hợp tác của CHDC Đức sau giải phóng đất nước​
> Được dịp ghé thăm CHDC Đức và những lần phiên dịch cho sự kiện quan trọng của đất nước; đưa các em thiếu nhi Việt Nam sang hồ Frauensee, CHDC Đức để trao đổi văn hóa​
> Lập gia đình và sinh con, những suy nghĩ cho đoạn cuối hồi ký.​
===HẾT===​
 
Last edited:
Tựa của người cháu:

Ông tôi hiện giờ vẫn đang sinh sống tại nhà riêng ở Hà Nội, trên mảnh đất mà chính ông đã mua bằng tiền đi làm của mình từ những năm 70. Hiện giờ sức khoẻ ông vẫn tốt, tương đối minh mẫn so với các bạn U100 cùng lứa, chỉ có vấn đề khá lãng tai và ngang như cua, như lời con cháu vẫn hay nói.

Thông tin về hai cụ thân sinh của ông tôi thì tôi cũng đang thu thập, chủ yếu là qua ông nội tôi, và những ghi chép rất chi tiết của em út ông nội tôi (đã mất gần 10 năm nay). Tôi sẽ edit post này khi có thêm những thông tin và câu chuyện liên quan tới hai cụ thân sinh của ông nội tôi.
1708495400790.jpeg

Ảnh: Thơ về cụ của ông Đạt (người con út, đã mất năm 201x)

Ảnh chụp cha tôi tại Hà Nội, tháng 5/1959.
Trước khi làm cộng tác viên Viện Hán Nôm

TƯỞNG NHỚ SONG THÂN
SANG PHÁP (1914-1919)

Từ biệt quê hương bước xuống tầu
Tình nhà thương nhớ quặn lòng đau.
Chiến tranh đất Pháp tràn thế giới
Nguy hiểm thân mình giữa biển sâu.
Ba đại dương mờ trong sóng bạc
Một hành trình đến cuối trời Âu.
Ngày về mong đời trong tâm trí
Nghĩ đến vinh quang chỉ bạc đầu.*

*Cha tôi được về nước cuối năm 1919 với tấm bằng danh dự Diplôme d'honneur của nước Cộng hoà Pháp tặng.
* Trong quốc ca Pháp có câu:
Allons enfants de la Patrie,
Le jour de gloire est arrivé !
Hỡi các con của Tổ quốc
Ngày vinh quang đã đến rồi!

- Đó là ngày về.

Cụ thân sinh của ông nội tôi làm lính tập cho Pháp trong Thế chiến 1, sinh ra 5 người con. Hiện nay chỉ còn ông nội tôi (áp út)

Đọc thêm về cụ theo hồi ký của ông nội tôi:
BỐ MẸ TÔI (phần 1), và Phần 2.
 
Last edited:
TRẢI NGHIỆM ĐƯỜNG ĐỜI
Hồi ký của Đỗ Mộng Châu

Thân tặng các thành viên trong đại gia đinh
cùng bạn bè và sinh viên, học sinh cũ
của tôi

TUỔI ẤU THƠ

Tôi sinh ra vào đầu những năm ba mươi của thế kỷ trước, tức là vào thời thuộc Pháp, trên thế giới còn chưa có hai từ Việt Nam. Lớn lên một chút là thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lúc này bọn Nhật đã tràn vào Đông Dương. Rồi đến thời kỳ sôi nổi trước, trong và sau Cách mạng tháng 8 năm 1945. Sau đó đến cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ đất nước bị chia cắt, thời kỳ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và cuộc chiến đấu gian khổ chống Mỹ cứu nước với chiến thắng lịch sử giải phóng miền Nam ngày 30/4/1975, Rồi sau đó là thời kỳ không kém phần gian khổ, đất nước vẫn phải gồng mình trải qua cuộc bao vây cấm vận của các thế lực thù đich, và hai cuộc chiến nữa ở Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc. Sau đó đến thời kỳ Đổi Mới với những thành tựu vĩ đại cả ở trong và ngoài nước. Tôi đã trải qua tất cả các thời kỳ đó với những trải nghiệm không quên mà tôi sẽ kể ở những trang dưới đây.

ooOoo​

Nơi tôi ra đời là thị xã Phủ lý, tỉnh lỵ của tỉnh Hà Nam, một thị xã lúc ấy chỉ có khoảng mười con phố nhỏ mà phần lớn là đường rải đá, nằm bên dòng sông Châu giang. Trước khi sinh ra tôi, mẹ tôi nằm mơ được một ông cụ già tóc bạc phơ như một ông tiên cho một viên ngọc. Do đó mẹ tôi định đặt tên tôi là Ngọc. Nhưng bố tôi bảo Ngọc là tên một bạn thân của bố tôi thường hay đến thăm gia đình, nên rồi bố mẹ tôi thống nhất đặt tên tôi là Châu, Mộng Châu, để kỷ niệm giấc mơ nói trên của mẹ tôi, lại là tên con sông êm đềm chảy bên thị xã . Cái tên Mộng Châu nghe có vẻ con gái, nhưng tôi là con trai. Trên tôi có anh cả tôi tên là Hân, lúc này anh đang đi học trường thành chung ở Hà Nội (Thời Pháp thuộc bậc học này gồm 4 năm, rồi sau đó mới đến bậc trung học hay còn gọi là bậc tú tài). Sau anh tôi đến hai chị gái, tên là Tuất và Liên, rồi đến tôi và 6 năm sau tôi còn có một em trai nữa tên là Đạt, thuở nhỏ hay cười nên còn có tên là Tiếu. Gia đình tôi thuộc loại "thường thường bậc trung". Bố tôi lúc đó là một viên chức làm việc trong dinh Tuần phủ tỉnh Hà Nam. Mẹ tôi sau khi sinh ra tôi bị mất sữa, nên phải nhờ một người con dâu nuôi của ông ngoại tôi lên làm vú nuôi cho tôi mà tôi gọi là U Ơm (Lúc bé tôi nói chưa sõi, chính ra tên bà là Ngơm). Trong nhà còn có một anh cùng quê với mẹ tôi lên giúp việc tên là Đước, xuýt xoát tuổi anh tôi. Từ năm 1938 còn có một người con chú tôi, lớn tuổi hơn tôi, cùng lên ở với gia đình tôi.



Lúc tôi ra đời thì gia đình tôi đang ở phố Quy Lưu. Tuổi thơ ấu của tôi trôi qua yên ấm, không có gì đặc biệt. Tôi còn bé quá nên cũng không nhớ được nhiều. Tuy vậy cũng có một số việc mà cho đến bây giờ tôi vẫn không quên. Ví dụ như có một đêm, lúc ấy tôi mới khoảng lên ba lên bốn gì đó, mẹ tôi bế tôi ra ngồi ở hiên gác hai để xem cháy chùa Bầu ở gần đấy, Và một đêm khác, tỉnh giấc, thấy đói, tôi bảo mẹ tôi "mẹ ơi, con đói". Mẹ tôi dậy lấy bát cơm còn thừa lúc tối và vài con cá bống kho cho tôi ăn. Bát cơm nguội ăn với cá bống kho trong cái đêm thời thơ ấu đó tôi còn nhớ đến bây giò, dù mấy chục năm sau này, qua Bắc Kinh tôi được ăn tiểu táo với món yến hiếm hoi, nhưng vẫn thấy không ngon bằng bát cơm cá bống ngày ấu thơ đó.



Ở phố Quy lưu này tôi vẫn còn có vài kỷ niệm nữa mà đến nay đã hơn 80 năm qua tôi vẫn còn nhớ. Đấy là kỷ niệm về một ông gần nhà tên là ông Cai Nuồi, tóc búi củ hành, mắt xếch trông rất dữ tướng. Vi vậy các bà mẹ, bà chị trong phố thường lấy ông ra làm ngáo ộp dọa trẻ con. Điều đó đối với tôi cũng không ngoại lệ. Cứ mỗi lần hờn quấy là anh Đước lại dọa tôi "nín ngay không có anh bế sang ông Cai Nuồi bây giờ !" Thế là tôi ngoan ngay ! Hay là dạo đó thỉnh thoảng lại có một cái xe ô tô kiểu như xe tải bây giờ chạy dọc trên đường phố để quảng cáo trà Ninh Thái. Cái loa điện trên xe đã cũ vang lên khắp phố "chè ngon đây, chè ngon đây", nhưng anh Đước lại nói trệch ra bảo tôi : "Nó đi bắt trẻ con hư đấy ! Em nghe thấy không, loa trên xe đang réo 'Trẻ con đâu ? Trẻ con đâu ?' Không ngoan là anh bế ra cho nó bắt đi đấy !" Lời dọa đó có hiệu nghiệm ngay.


Nói thế chứ anh Đước rất yêu tôi, thường cõng tôi đi chơi nhiều nơi trong thị xã, và tôi cũng rất mến anh. Thời gian đó, thị xã Phủ lý chưa có điện. Trên hè phố có nhiều cột điên xi măng cốt thép để ngổn ngang, chuẩn bị cung cấp điện cho thị xã. Tôi cũng nhớ là lúc đó các nhà trong thị xã đâu đã có nước máy dùng riêng, mà ở hai đầu các phố có máy nước chung cung cấp nước cho các gia đình trong phố.
 
Last edited:
DỌN NHÀ - HỌC VỠ LÒNG VÀ SƠ HỌC



Khoảng tôi lên 4 lên 5 gì đó, gia đình tôi dọn sang phố Bờ Hồ. Anh Đước đi lấy nước cho gia đình vể nói với các chị tôi : "Phố nhà ta tên là phố Du Lạc !" Các chị tôi cười bảo : "Không phải đâu, đó là biển tiếng Pháp 'Rue du lac' có nghĩa là phố bên hồ !". Phố này còn có mang một tên dân giã là "phố cô đầu", do trong phố có một số nhà làm nghề "hát cô đầu", tối tối vang lên tiếng đàn phách, trống chầu gọi là "tom chát", hòa với dọng hát nỉ non của các cô gái vì nhà nghèo hay do một hoàn cảnh éo le nào đó buộc phải làm nghề này với làn điệu cổ "hát ả đào", mà ngày nay đang được phục hồi lại dưới danh nghĩa "di sản văn hóa phi vật thể".



Việc gia đình tôi dọn sang phố Bờ hồ đối với tôi cũng là bắt đầu một giai đoạn mới trong thời thơ ấu. Lúc này tôi đã lên 5 và năm sau tôi học vỡ lòng do một anh tên là Đôn dậy. Anh là cháu ông thừa Giới, bạn của bố tôi ở cạnh nhà. Mọi người khen tôi sáng dạ, chỉ mấy tháng sau là tôi đã tập tọe đọc và viết được rồi.



Sau Tết Nguyên đán năm 1938, bố tôi xin cho tôi vào học lớp 5, gọi là lớp đồng ấu - cours enfantin - của bậc tiểu học 6 năm thời Pháp. Lúc này đã là nửa năm học rồi, nhưng bố tôi quen thầy Đán, giáo viên dậy lớp này, nên thầy nhận cho tôi vào học. Cũng vào thời gian này, bố tôi cũng xin cho cháu tên là Riễm, con chú ruột tôi, vào học ở trường tiểu học Phủ lý. Chú ruột tôi bị tai nạn mới mất, bố tôi đưa cháu về nuôi. Em họ của tôi lớn tuổi hơn tôi và học lớp trên, nhưng tôi tưởng cả 2 anh em đều học chung một lớp nên cứ đứng lên đi tìm. Thầy Đán phải nhắc tôi trong lớp phải ngồi yên một chỗ không được đi lại lung tung ,và khi biết tôi tìm người em họ thì thầy bảo tôi cậu ấy học ở lớp khác. Tôi rất buồn và cảm thấy bơ vơ, lần đầu tiên trong đời không người thân thích bên cạnh. Mọi cái đều lạ lẫm với tôi. Ngay cả giờ ra chơi phải ra khỏi lớp chơi ở sân trường đối với tôi cũng khác thường. Tôi lại lo hết giờ học thì làm sao một mình biết lối về nhà. Liệu người nhà có ai đi đón tôi không?

Tôi mừng rơn khi hết buổi học thì trông thấy anh Đước đang đứng thập thò ở gần cửa ra vào vẫy gọi. Tôi ôm chầm lấy anh, mọi cảm giác cô đơn, bơ vơ một mình đều tiêu tan. Và dần dần tôi thích nghi với hoàn cảnh mới.

ooOoo​

Hết hè năm học đó, tôi lên học lớp tư gọi là lớp dự bị - cours preparatoire - do thầy Thức dậy. Năm học trôi đi không có gì đặc biệt. Hàng ngày anh Đước dẫn tôi đi về. Tôi cảm thấy lớn rồi nên không để anh cõng trừ những hôm trời mưa. Thầy giáo và bố mẹ tôi đều vui lòng vì tôi học chăm chỉ và thuộc loại học sinh khá trong lớp. Sang năm học , tôi lên lớp sơ đẳng hay lớp 3 - cours elementaire - học thầy Vũ Tử Lưu, cũng là bạn quen của bố tôi . Ở cái thị xã nhỏ bé này thì các viên chức quen nhau cả . Lúc này gia đính tôi dọn sang một nhà ngôi nhà vừa xây xong ở bên kia đường ngay cạnh một cái hồ sen lớn. Đó là một ngôi nhà tây hai tầng rất hiện đại thời đó của ông Bạch Văn Thung, anh ruột chị dâu tôi sau này,

===========
Ghi chú của thằng cháu:

- Trên Thư viện số của TVQGVN (một dự án số hoá cực đỉnh của TVQG), có một bài báo năm 1929 nói về vụ tai nạn xe hơi có ông Bạch Văn Thung, may mắn không gây thiệt hại về người.
1708496225191.png


- Về chi tiết "Rue du Lac" và "phố Cô đầu", cái này tôi sẽ cần phải check lại xem có đúng là ở Hà Nội không. Bởi google thì thấy phố Cô đầu là chỉ Khâm Thiên, còn Rue du Lac theo VNExpress nói là đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay. Phố cổ Hà Nội sau gần 100 năm (https://vnexpress.net/pho-co-ha-noi-sau-gan-100-nam-3821242.html) -> ông nội tôi vừa xác nhận lại trong chiều nay là không phải Hà Nội, mà đây là con phố ở Phủ Lý!
 
Last edited:
LỚP SÓI CON CỦA TỔ CHỨC HƯỚNG ĐẠO SINH


Năm học lớp ba này của tôi có mấy sự kiện đáng kể.

Sự kiện thứ nhất đó là việc bố mẹ tôi xin cho tôi gia nhập tổ chức Hướng đạo sinh, lớp "Sói con", do thầy Lưu làm huynh trưởng. Lớp "Sói con" này mặc đồng phục, áo sơ mi cộc tay xanh lơ, quần soóc tím than có quai đeo vai, khăn quàng mầu vàng, vai áo có đính một mẩu vải nhỏ hình tam giác có mầu theo từng tổ, đầu đội mũ chào mào mầu nâu có viền xanh, chân đi dép cao su trắng nhãn hiệu "con hổ". Các em "sói con" hàng tuần sinh hoạt vào sáng thứ năm - thuở đó mỗi tuần học sinh tiểu học được nghỉ 2 ngày, chủ nhật và thứ năm.

Ở lớp "Sói con" này tôi được trải qua những năm tháng tươi vui, bổ ích, được học những kiến thức sơ đẳng nhưng rất đắc dụng trong cuộc sống hàng ngày, được rèn luyện ý chí vươn lên vượt khó khăn. Tôi nhớ mãi những buổi sinh hoạt vui chơi, ca hát, nhẩy múa, đóng kịch, tập luyện những kỹ năng cần thiết từ dễ đến khó hợp với lứa tuổi. Rồi những buổi đi thăm những nơi danh lam thắng cảnh trong tỉnh, những buổi cắm trại ngoài trời, những cuộc thi vui tươi, những bữa cơm tập nấu, nhất là những buổi nghe anh huynh trưởng hay các bạn do anh mời đến kể về đất nước tươi đẹp có nhiều sản vật quý giá của ta, về lịch sử hào hùng của dân tộc, về các sự tích từ thưở xa xưa trong thời kỳ dựng nước, đấu tranh xây dựng và bảo vệ nước nhà. Chúng tôi đặc biệt hứng thú khi nghe những chuyện kể về các vua Hùng, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, 3 lần chiến thắng giặc Nguyên, và về các anh hùng dân tộc khác như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đề Thám, vua Hàm Nghi v.v... Những câu chuyện kể đó khiến cho lòng yêu nước cứ thấm dần vào tâm trí non nớt của chúng tôi.

80 năm đã trôi qua, một thời gian dài như thế nhưng có những kỷ niệm từ thuở ấy mà tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ, như những cuốn phim hằn sâu trong trí óc. Ví như thời tôi ở trong tổ chức "sói con" này, chúng tôi thường được học những bài hát cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Pháp mà tôi vẫn còn nhớ lõm bõm vài câu như bài "tạm biệt" có câu "Si nous nous ne verrons. mes freres, ce n' est qu' un au- revoir" (Nếu rồi đây chúng ta không gặp nhau nữa, thì bạn ơi đó cũng chỉ là tạm biệt mà thôi) hay "Frere Jacque, frere Jacque, dormez vous ?" (Anh Giắc ơi ! Anh Giắc ơi ! Anh còn ngủ ư ?). Bài hát này còn được đổi lời thành bài đồng ca vui nhộn trước mỗi bữa ăn như sau "Giờ ăn đến rồi ! Giờ ăn đến rồi ! Mời anh xơi ! Mời anh xơi ! Giơ đũa lên anh em nào ! Ta chúc nhau ăn ngon nào ! Xin mời anh! Vui thật vui!"

Đặc biệt tôi nhớ mãi một cuộc đi cắm trại rất thích thú ở một vùng đồi núi trong tỉnh Hà Nam mà tôi xin kể lại như sau :

Sáng sớm một ngày chủ nhật đẹp trời, chúng tôi tập trung ở nhà thầy Lưu. Có 4, 5 anh Sì-cút (CT: scout) Hướng dạo sinh cùng đi với chúng tôi. Trước tiên chúng tôi đi bằng đò dọc trên con sông Châu giang nước chẩy êm đềm, cảnh vật. hai bên bờ rất đẹp. Trên thuyền chúng tôi thi nhau hát thật vui vẻ. Sau đó chúng tôi lên bờ đi bộ khoảng vài cây số đến một ngôi chùa cổ trên một đỉnh đồi thấp. Trước mặt ngôi chùa là một bãi cỏ khá rộng. Quanh đó là rừng thưa và một con suối nước trong vắt. Chúng tôi cắm trại trên bãi cỏ đó, có thi nhau xem lều của tổ nào trang hoàng đẹp nhất. Chúng tôi tự nấu cơm, làm thức ăn dưới sự giúp đỡ của các anh hướng đạo sinh lớn đi cùng. Rồi các tổ lại thi kéo co, thi hát rất vui. Buổi chiều chúng tôi được đi tắm ở một thác nước gần đấy. Buổi tối có một cuộc đốt lửa trại. Lại thi diễn kịch, múa hát đến tận khuya, Đêm đến, chúng tôi đã tưởng được ngủ trong lều dù có chật, nhưng anh huynh trưởng lại bắt vào ngủ trong chùa vì sợ nằm ngoài sương lạnh. Chỉ có các anh hướng đạo sinh là được ngủ trong lều, luôn thể để canh gác. Chúng tôi còn ăn uống, vui chơi, nghe kể chuyện cả nửa ngày hôm sau, đến quá trưa mới quay về thị xã.



Sự kiện thứ hai là cuối năm học lớp ba, tôi bị ốm phải bỏ kỳ thi hết bậc sơ học tiểu học. Có đỗ kỳ thi này mới được thi lên bậc tiểu học tiếp theo, bắt đầu từ lớp nhì năm thứ nhất - cours moyen 1re annee. Thế là tôi buộc phải "đúp" lớp ba, mặc dù sức học vào loại khá. Cũng vì thế năm đúp lớp ba này tôi học vào loại nhất nhì trong lớp, cuối năm học được nhận phần thưởng xuất sắc. Đặc biêt trong kỳ thi chuyến tiếp lên lớp nhì năm thứ nhất sau kỳ nghỉ hè năm đó, tôi đỗ thủ khoa, đem lại niềm vui lớn cho thầy Lưu và bố mẹ tôi.
 
Last edited:
HỌC TIẾP 3 NĂM CUỐI BẬC TIỂU HỌC
VÀ MẤY SỰ KIÊN TRONG GIA ĐÌNH


Năm hoc lớp nhì năm thứ nhất, tôi học thầy Mẫn, Nguyễn Khắc Mẫn, giáo viên kiêm văn sĩ thời đó. Trong năm này bố tôi bị đổi lên mạn ngược, làm việc tại dinh Tuần phủ Bắc Giang. Anh Đước cùng đi để giúp bố tôi trong sinh hoạt hàng ngày. Thời đó người ta coi Bắc Giang là mạn ngược , và cũng là thời kỳ quân Nhật tràn vào Đông Dương, đóng quân tại thị xã Phủ Lạng Thương, tỉnh lỵ tỉnh Bắc Giang. Đó cũng là cái cớ khiến máy bay Mỹ thường bay đến ném bom thị xã này. Trong một lần như vậy, bố tôi nấp trong hầm trú ẩn, bị sức ép bom Mỹ làm méo mặt, bố tôi dùng thuốc gia truyền chữa mãi mới khỏi. Từ ngày ấy bố tôi chạy chọt để được chuyển về làm việc tại "miền xuôi".

Năm 1941 cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng trong gia đình tôi . Sau khi tốt nghiệp bậc thành chung, thời đó còn gọi là đỗ "đíp-lôm" , anh tôi chuyển sang học lớp sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học ở trường Bưởi, Hà nội, tức là trường Chu văn An cạnh Hồ Tây ngày nay. Sau đó anh tôi trở thành giáo viên tiểu học và được bổ ra làm hiệu trưởng trường Phong doanh đặt tại làng Thượng Đồng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Anh tôi cưới vợ năm 1942, lấy chị Bạch Ngọc Điền, một thiếu nũ xinh đẹp, em gái út ông Bạch văn Thung có nhà cho bố mẹ tôi thuê như tôi đã kể ở trên.

Tôi vẫn còn nhớ những sự việc chính của đám cưới này. Đám rước dâu đi bằng một đoàn xe kéo từ nhà gái ở đầu cầu bên kia sông Châu, dọc qua phố Chính, đến đầu phố Bờ Hồ là phố có nhà trai thì mọi người xuống xe đi bộ. Cô dâu đội khăn hồng, mặc áo dài nhung mầu huyết dụ, quần sa tanh trắng, chân đi hài, bốn bề che kín bằng dù của các cô phù dâu, khiến trẻ con ở phố phải nằm rạp xuống đường để xem mặt cô dâu ! Một bánh pháo đùng dài treo từ ban công tầng hai xuống trước cửa ra vào nhà trai nổ vang khiến đám rước dâu phải đừng chờ cho đến khi pháo nổ xong mới dám vào nhà. Khách khứa, người hai họ tấp nập đi lại, cỗ bàn linh đình suốt cả ngày.

Sau đám cưới mấy tháng, bố tôi đưa chị lớn của tôi lên Bắc Giang để chăm nom cơm nước cho bố. Mẹ tôi, chị thứ hai, tôi và em tôi về làng Thượng Đồng ở cùng vợ chồng anh tôi, để cho ba chị em tôi tiếp tục học tập ở trường Phong Doanh. Tuy ngôi trường đặt ở một làng quê nhưng khang trang, tường xây, mái ngói, 3 phòng rộng rãi. Nhưng vì chỉ có 3 phòng nên phải ghép hai lớp với nhau ; lớp 5 với lớp 4, lớp 3 với lớp nhì năm thứ nhất, lớp nhì năm thừ hai với lớp nhất. Trước đấy trường này là của huyện Phong Doanh, sau huyện này bị giải thể, sát nhập với huyện Ý Yên. Bắt đầu từ năm lớp ba, hoc sinh đã phải học, nghe viết và nói tiếng Pháp, chỉ còn số ít môn tiếng Việt. Lúc đầu thì khó, nhưng dần dần cũng quen đi.

Năm hoc 1941-1942 tôi học lớp nhì năm thứ hai - cours moyen 2e annee - do anh tôi giảng dậy. Năm học sau đó tôi lên học lớp nhất - cours superieur. Cả hai năm học này, tôi vẫn giữ được sức học khá trong lớp. Cuối năm lớp nhất, học sinh phải lên thi tốt nghiệp bậc tiểu học 6 năm gọi là thi "séc" (tiếng Pháp viết tắt CEPFI) tại thành phố Nam Định, cách trường khoảng hơn 20 km. Mẹ tôi đưa tôi đi thi, tá túc ở nhà bạn bố mẹ tôi. Tôi đỗ kỳ thi "séc" này. Thời đó đấy là một vinh dự lớn. Đây cũng là kỳ thi "séc" cuối cùng của thời thuộc Pháp.

Trong mấy năm cuối bặc tiểu học này, tôi thường hay đọc những sách truyện nhỏ dành cho thiếu nhi. Đặc biệt tôi say mê với loại truyện trinh thám, kiếm hiêp mà bố mẹ tôi thường cấm ! Nhưng tôi vẫn qua được bậc tiểu học 6 năm thời đó vào loại khá. Nhưng rồi tình hình thế giới và trong nước đâu có đem lại cho tôi những thuận lợi như trước.

Sau khi tôi đỗ "séc", gia đình tôi dù là thuộc loại trung lưu thời đó, nhưng cũng không có đủ điều kiện cho tôi được học tiếp lên bậc bậc thành chung 4 năm, vì thời đó chỉ ở các thành phố lớn mới có trường thành chung. Hơn nữa đang là thời kỳ bom đạn, tôi còn ít tuổi, nên bố mẹ tôi cũng không yên tâm gửi tôi một mình đi xa ăn học. Thế là tôi phải tạm ngừng việc học lên bậc thành chung ở đây, và do gia đình tôi quen với ông hiệu trưởng mới của trường Phong Doanh - ông này vốn là bạn anh tôi và vừa lên thay anh tôi đổi lên dậy học ở thị xã Yên Bái- nên gia đình xin cho tôi dự thính học lại lớp nhất cho khỏi quên mặc dù tôi đã đỗ bằng "séc" ! Tất nhiên năm học này đối với tôi quá nhàn hạ.

ooOoo​

Tháng 2 năm 1945, bố tôi được đổi về làm việc ở huyện lỵ Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông. Thế là đầu tháng 3 năm đó, gia đình tôi chuyển lên huyện lỵ Phú xuyên ngay trước ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, đem lại [..] độc lập cho triều đình Huế. Chính phủ của vua [..]BĐ được thành lập do TTK làm ThTg[..]. Đây thực chất là chính phủ [..] của [..] Nhật.


==========
Ghi chú của thằng cháu:
 
Last edited:
cảm ơn chủ thớt, nhờ chủ thớt hỏi lại xem ông biết nhiều về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm không
:byebye:
 
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM Ở HUYỆN PHÚ XUYÊN



Ở Phú xuyên, bố mẹ tôi thuê một ngôi nhà nhỏ ngay trước cổng chợ huyện và cạnh đường quốc lộ số 1. Do đó hàng ngày tôi được chính mắt chứng kiến nạn đói làm chết 2 triệu dân ta ngày ấy như thế nào, đồng thời cũng được trải qua thời kỳ sôi nổi tiền khởi nghĩa ở huyện này. Hàng ngày tôi thường thấy những xe bò đi nhặt xác người chết đói trên đường và đồng thời trông thấy một số anh thanh niên tóc húi ca-rê, mặc quần soóc phóng xe đạp trên đường quốc lộ mà bọn trẻ chúng tôi thường xì xào bảo nhau “Việt Minh đấy !". Rồi chúng tôi thấy nhiều khẩu hiệu dán ở ga hay ở chợ “Ủng hộ Việt Minh" “Đả đảo độc lập giả hiệu” “Đả đảo chính phủ Nam triều Trần Trọng Kim” “Đả đảo phát xít Nhật “ v.v... Em họ lớn của tôi lúc này đang học ở trường kỹ nghệ Hà Nôi, thỉnh thoảng về thăm nhà lại đem theo một số truyền đơn của Việt Minh. Có lẽ lúc này anh cũng đang hoạt động cho Mặt trận này. Thỉnh thoảng lại có tin chỗ này dân nổi lên cướp kho thóc, chỗ kia có một tên lính Nhật đi lẻ bị bắt cóc ! Chiều chiều bọn trẻ chúng tôi thường ra ga Phú xuyên cạnh đường sắt chạy qua huyện lỵ hô nho nhỏ "Việt Minh vạn tuế ! Việt Minh Vạn tuế ! Đả đảo phát xít Nhật !"

Thế rồi buổi sáng ngày 20 tháng 8 năm đó (1945), chúng tôi thấy một đoàn người rất đông vác cờ đỏ sao vàng, vũ trang gậy gộc, giáo mác kéo đi ngoài cánh đồng gần đó. Đoàn người này kéo nhau vào huyện lỵ, chiếm dinh viên quan huyện. Lúc này bọn trẻ chúng tôi cũng ùa theo đoàn mỗi lúc một đông. Chúng tôi trông thấy một vài anh có mang cả súng trường dẫn đầu đoàn biểu tình. Mọi người hô vang các khẩu hiệu “ Cách mạng Tháng 8 thành công muôn năm ! Viêt Minh vạn tuế ! Đả đảo chính phủ bù nhin Trần Trọng Kim ! Việt Nam vạn tuế !" Lúc này sao mà lắm cờ đỏ sao vàng thế. Trên thềm dinh viên quan huyện có đặt một chiếc bàn, hai bên hai anh thanh niên cầm hai khẩu súng trường. Một anh hô lớn ; "Ai đang trèo trên cây, xuống ngay ! Yêu cầu mọi người trật tự !” Cuộc mít tinh bắt đầu bằng hai phát súng trường bắn chỉ thiên. Rồi một anh Việt Minh thanh niên lên nói. Anh cho biết hôm trước Cuộc Cách mạng Tháng 8 đã nổ ra thắng lợi ở Hà Nội và hôm nay huyện Phú xuyên cũng noi gương vùng lên đập tan chế độ thực dân phát xít và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân... Sau đó hai chị Việt Minh đầu cũng húi ca rê. quần soóc, lên hát bài Tiến quân ca: “Đoàn quân Việt Minh đi…” Mọi người phấn khởi hô vang các khẩu hiệu ủng hộ cách mạng ủng hộ Việt Minh giành chính quyền.


Cuối buổi mít tinh, tôi mạnh dạn tiến đến sát anh cán bộ Việt Minh mang khẩu súng trường và nói:
- Anh ơi, lúc nãy anh bắn súng chỉ thiên nổ vang, em thích lắm. Nhưng ta ít súng thế, nhỡ bọn Nhật đóng ở gần cầu Guột kéo lên thì làm thế nào, vì chúng nó có nhiều súng lắm.

Anh điềm tĩnh trả lời :
- Sợ gì hả em. Chúng nó vừa thua trận phải đầu hàng quân đồng minh, còn đang hoang mang, không dám giở trò gì đâu. Hôm qua ở Hà Nội chúng nó không dám can thiệp vào cuộc cách mạng giành chính quyền của ta. Vả lại dân ta hàng triệu triệu người đồng tâm nhất trí theo Việt Minh làm cách mạng giành chính quyền thì không có lực lượng nào cản nổi.

Tôi lại quay sang các chị Việt Minh lúc nãy :
- Các chị ơi, lúc nãy các chị hát bài gì hay thế, hùng dũng quá. Các chị còn ở đây lâu không ?

- Em hỏi làm gì ? Một chị đáp lời.

- Chúng em muốn học bài hát đó rồi phổ biến lại cho mọi người ở đây. Các chị có thì giờ dậy chúng em không ?

Chị trả lời tôi :
- Ô, thế thì tốt quá. Hai giờ chiều nay các em đến đây gặp các chị. Các chị sẽ dậy các em bài hát đó

Thế là ngay chiều hôm đó, một số thiếu nhi chúng tôi được các chị dậy bài "Tiến quân ca", bài hát cách mạng đầu tiên chúng tôi được học, và ngay tối hôm đó chúng tôi đã dậy truyến lại cho một số thanh thiếu niên ở huyện. Chỉ mấy hôm sau bài hát này đã vang lên khắp phố phường ngõ hẻm ở huyện lỵ.

Ngay sau khi cách mạng nổ ra thành công ở huyện lỵ Phú xuyên, Việt Minh cùng một số thanh niên hăng hái nhất đi về các làng xã trong huyện cùng nhân dân giải tán chính quyền cũ, thành lập chính quyền cách mạng, giải thích 10 chính sách của Việt Minh, trấn áp bon cường hào gian ác và bọn phản động ngoan cố. Ban ngày, mọi người goi nhau đi gia nhập các đoàn thể cách mạng như thanh niên, phụ nữ, tự vệ, thiếu nhi, hội họp, nghe các anh chị Việt Minh nói chuyện. Tối tối, moi người rầm rập tập luyện gậy gôc, gươm giáo tự tạo, hò hát đến tận khuya. Một khí thế vô cùng hồ hởi và mạnh mẽ bao trùm khắp các nơi trong huyện.

Phần tiếp: BỐ MẸ TÔI
 
Last edited:
cảm ơn chủ thớt, nhờ chủ thớt hỏi lại xem ông biết nhiều về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm không
:byebye:
Không bác ạ, có vẻ ông nhà em cũng chỉ biết vụ NVGP như mọi người biết thôi, tầm năm 5X thì ông cụ lúc đó đang ở CHDC Đức, tại sao thì hồi sau sẽ rõ hehe
 
Back
Top