Hồi ký của ông tôi, nhân chứng gần một thế kỷ của An Nam và Việt Nam.

ĐI DỊCH Ở CHDC ĐỨC​

Ngoài những đợt đi dịch trong nước, theo yêu cầu của các cơ quan trong nước và có sự đồng ý của Đại sứ CHDC Đức tại Việt Nam, tôi đã nhiều lần đi dịch cho các đoàn Việt Nam sang CHDC Đức.

Lần đầu là đi dịch cho một đoàn cán bộ công đoàn Việt Nam sang nghỉ tại CHDC Đức vào mùa hè năm 1971 theo lời mời của tổ chức ban là Liên hiệp công đoàn tự do Đức (FDGB). Tôi xin kể về chuyến đi dịch này :

Đoàn gồm 20 cán bộ công đoàn các tỉnh miền Bắc và tôi. Tổng công đoàn cử ra một ban đón tiêp và thực hiện các công việc chuẩn bị cho đoàn lên đường. Năm ngày trước khi lên máy bay của hãng INTERFLUG CHDC ĐỨC để bay sang nước bạn, toàn đoàn đã tập trung đầy đủ tại nhà khách của Tổng công đoàn. Ban đón tiếp tiến hành ngay việc lấy hộ chiếu ở bộ Ngoại giao và xin vi-sa ở Đại sứ quán CHDC Đức rồi tới cơ quan hàng không CHDC Đức để lấy vé máy bay, Toàn bộ chi phí cho 3 tuần đoàn nghỉ ở CHDC Đức, kể cả vé máy bay đi về, đều do Liên hiệp Công đoàn tự do Đức đài thọ. Ba ngày trước khi đoàn lên đường, một đồng chí trong ban tuyên huấn Tổng công đoàn đến nói tóm tắt về quá trình thành lập nước CHDC Đức, về tình hình hiện nay của nước bạn và về sự giúp đỡ chí tình của nước bạn đối với ta. Ngày hôm đó tôi cũng được yêu cầu nói về những phong tục tập quán ở CHDC Đức và về những điều cần chú ý khi sang nghỉ ở nước bạn. Hôm sau, đoàn bầu trưởng đoàn và 2 phó đoàn trong đó có tôi chịu trách nhiệm về mặt đối ngoại, liên hệ với phía bạn.

Đoàn chúng tôi lên đường đúng ngày bạn hẹn.

Các bạn Đức đón tiếp đoàn chúng tôi rất nhiệt tình và chu đáo, đưa đoàn chúng tôi tới nghỉ dưỡng ở một vùng có tên là Bad Kosen là nơi tắm bùn nổi tiếng ở Đức. Từ nơi này, chúng tôi còn đươc. đi thăm mấy trung tâm du lịch, đi thăm một vài xí nghiệp công nghiệp và nông nghiệp và dự một cuộc mít tinh lớn đoàn kết với Viêt Nam đang trên tuyến đầu chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tôi cũng đi dịch cho một đoàn khác của công đoàn ta sang nghỉ tại CHDC Đức vào năm 1981. Mọi việc tương tự như lần đầu, nhưng các bạn Đức lần này bố trí cho đoàn nghỉ tại một vùng cạnh hồ Werbellinsee tuyệt đẹp ở phia Bắc CHDC Đức. Chúng tôi còn được bạn cho đi thăm thủ đô Berlin hai ngày, nhờ đó tôi có dịp gặp lại một số người bạn Đức đã từng làm việc với tôi ở Đại sứ quán CHDC Đức tại Hà Nội.

1709456197582.jpeg

(Ảnh từ Google)

Mùa thu năm 1978 tôi đi dịch cho bà Hà Thị Quế, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng một cán bộ Ban tuyên giáo TƯ Đảng sang CHDC Đức để giải thích cho các bạn Đức hiểu rõ về việc ta giúp các lực lượng cách mạng Cam-pu-chia đập tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt và tình hình căng thăng giữa ta và Trung quốc trong vấn đề này. Đồng thời, đồng chí Hà Thị Quế cũng tiến hành các cuộc trao đổi với bà Chủ tịch Hội Phụ nữ CHDC Đức về các vấn đề quan hệ giữa hai hội.

Năm 1986 tôi đi dịch cho một cán bộ cấp cao của Ban Tuyên giáo TƯ Đảng ta sang nước bạn để giải thích về chính sách "Đổi mới" của ta. Đây là cuộc phiên dịch khó khăn, vất vả nhất đối với tôi vì trước hết là vì phải dịch trực tiếp tại chỗ (spontan) không có sự chuẩn bị trước về văn bản. Tôi có một chị phiên dịch người Đức dịch tiếng Việt cùng hợp tác. Hai chúng tôi cùng nhau đoán trước và chuẩn bị dịch các khái niệm tiếng Việt rất mới lạ như "chế độ bao cấp", "làm chủ tập thể" và các từ ngữ khác mà các phiên dịch của các Đại sứ quán cũng như các cơ quan thông tấn trong ngoài nước ở Hà Nội khi đó còn chưa thống nhất và rất lúng túng trong cách dịch. Chị phiên dịch người Đức cũng nói, ở Đức cũng chưa tìm ra các từ dịch thích hợp. Chúng tôi đành thống nhất với nhau là sẽ "dịch vòng tròn", tức là tạm dùng một từ tiếng Đức có nghĩa giống tương đối, và khi dịch thì có lời giải thích ngắn gọn để các thính giả hiểu cụ thể hơn. Chúng tôi cũng phân công với nhau : Tôi dịch trực tiếp cho đồng chí cán bộ tuyên giáo Việt Nam, còn chị sẽ dịch những câu hỏi và những ý kiến của các thính giả Đức gồm khoảng 200 cán bộ tuyên huấn một số ngành. Cuối cùng thì mọi việc đều suôn sẻ. Chúng tôi mệt phờ, nhưng cũng vui mừng trước những lời khen của thính giả !

X
X X​

Còn một chuyến đi cũng được gọi là đi công tác sang CHDC Đức, nhưng đối với tôi nó nhẹ nhàng thoải mái chứ không vất vả khó khăn có phần nguy hiểm như những cuộc đi dịch sang vùng giải phóng Lào hay vào tuyến lửa miền Trung trong thời chống Mỹ hoặc chuyến đi dịch vất vả như tôi kể ở trên. Cuộc đi lần này xuất phát từ ý đồ của Đại sứ CHDC Đức, chắc đồng chí muốn thưởng riêng cho tôi. Đồng chí gợi ý với Trung ương Đoàn thanh niên tự do Đức (FDJ) có công văn gửi cho Trung ương Đoàn thanh niên lao động của ta mời 4 thiếu nhi của hai trường kết nghĩa ở Hà Nội là trường Việt - Đức và trường Dịch Vọng sang nghỉ hè tại CHDC Đức, do một cán bộ Việt nam làm trưởng đoàn. Mọi phí tổn của đoàn này do phía bạn đài thọ. Khi cử cán bộ của Đại sứ quán sang TƯ Đoàn Việt Nam để chuyển công văn mời, Đại sứ dặn đồng chí cán bộ này thông báo với Trung ương Đoàn thanh niên Việt Nam người phụ trách đoàn các em sẽ do Đại sứ quán đề nghị là đồng chí Châu, phiên dịch của Đại sứ quán, đã từng là giáo viên phụ trách thiếu nhi tại trường thiếu nhi Khu học xá Trung ương. Đồng chí Vũ Mão, khi đó là Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn, lúc được báo cáo về việc này nói ngay : Tưởng ai, chứ anh Châu thì đồng chí biết quá đi rồi, vì chính anh Châu là phụ trách của đồng chí hồi đồng chí còn học cấp hai trường này. Thế là danh sách các em và trưởng đoàn được ấn định và được gửi lên Vụ Lãnh sự bộ Ngoại giao để làm hộ chiếu và sau đó chuyển sang Đại sứ quán CHDC Đức để xin visa.

CHDC Đức hồi đó có nhiều cơ sở nghỉ đông và nghỉ hè ở những vùng núi và cạnh những hồ lớn phong cảnh tuyệt đẹp dành cho các đoàn thể quần chúng quản lý. Riêng các em thiếu nhi được ưu tiên nhất, có những trại nghỉ quốc tế khang trang, đầy đủ tiện nghi. Đoàn Việt Nam được nghỉ 3 tuần lễ hè tại trại thiếu nhi quốc tế bên hồ Frauensee. Năm ấy ở trại này ngoài thiếu nhi Đức. còn có nhiều đoàn từ các nước xã hội chủ nghĩa, và cả từ một số nước tư bản tới; đó là con em các đồng chí cộng sản hoặc các đảng công nhân cách mạng của các nước này như Pháp, Chi-lê, Nhật.

Ngoài những ngày tươi vui bổ ích với nhiều hoạt động phong phú, các đoàn còn được đi thăm một số nơi ở CHDC Đức. Đoàn Việt Nam tuy ít người nhưng cũng góp phần của mình vào những hoat động đó, Các em đã hướng dẫn các bạn quốc tế lấy giấy gấp chim, ngựa, thuyền, tầu thủy. Các em nước ngoài quen với những đồ chơi bán sẵn, nay rất hứng thú và tự hào về những đồ chơi giản dị nhưng do chính tay mình làm ra. Đoàn Việt Nam còn thực hiện một việc mà không có một đoàn khác nào làm được. Đó là một hôm chúng tôi xin phép trại vào nhà bếp nấu một bữa cơm Việt Nam, mời đại điện ban phụ trách trại, nhà bếp, bác sĩ trại, cô cán bộ Đoàn thanh niên tự do Đức cùng đi với đoàn, bác công nhân chuyên việc chăm sóc cây hoa trong trại với nồi cơm nấu như ở nhà, mấy món bằng nguyên liệu thông thường như thịt lợn xay. trứng gà, hành tây, tỏi, cà chua, su hào cà rốt, được 4 em cùng tôi chế biến thành các món cà chua cắt đôi nhồi thit xay, trứng trộn thịt xay rán lên với chút hành băm nhỏ và hạt tiêu, bát trộn su hào, hành tây, cà rốt thái miếng ngâm dấm tỏi, món thịt xay viên tròn bóp dẹt rán và món canh thịt, trứng, cà chua. Tiếc rằng không có bát nước mắm quen thuộc bên nhà. Các khách Đức vừa ăn, vừa khen lấy khen để một cách thành thật, có lẽ cũng vì lạ miệng.

Nhớ đêm lửa trại, các em nắm tay nhau vòng trong vòng ngoài nhẩy nhót với tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ những cây loa quanh đấy. Các đoàn đều có tiết mục góp vui. Đoàn Việt Nam ít người nhưng cũng ra hát mấy bài ca Việt có tôi đệm đàn ăc-cooc-đê-ông, và đặc biệt là một bài hát tiếng Đức khiến nhiều bạn nước ngoài ngạc nhiên vì nghĩ rằng chỉ trong có một thời gian ngắn đoàn Việt Nam đã hát được tiếng Đức mà theo các bạn Đức đánh giá là khá chuẩn, có biết đâu rằng các bạn Việt Nam đã hát bài này rất nhiều lần trong nước, vì trường các bạn là trường kết nghĩa với các trường Đức cơ mà !

Ba tuần lễ trôi qua nhanh chóng. Các em thiếu nhi các nước chia tay nhau tạm biệt, có em khóc thút thít. Chắc rồi đây các em cũng khó quên những ngày tươi vui ở trại hè này.
 
LẬP GIA ĐÌNH​

Tôi lấy vợ vào thời gian sau khi đến làm việc cho Đại sứ quán CHDC Đức được hơn một năm, thời kỳ đế quốc Mỹ đang hung hăng ném bom miền Bắc. Vợ tôi nguyên là sinh viên trường đại học sư phạm Nga văn Hà Nội. Khi chúng tôi lấy nhau thì vợ tôi vừa trở thành cô giáo Nga văn cấp ba phổ thông trung học, và phải đi sơ tán cùng trường. Hai năm sau, vợ tôi sinh con trai đầu lòng. Đó là thời kỳ chiến tranh gian khổ, thiếu thốn mọi bề, hầu hết các thứ đều phải mua bằng tem phiếu. Vợ tôi sau khi sinh con, nhờ một bà chị người mảnh mai đi khám mất sữa, được cấp tem mua mỗi tháng bốn hộp gọi là sữa hộp có đường nhãn hiệu Mộc Châu - đâu phải như hộp sữa Ông Thọ bây giờ. Gọi là sữa hộp có đường, nhưng thật ra là hộp sắt dầy có đường lổn nhổn nửa phần bên dưới, nửa phần trên là lớp sữa đặc mầu lờ lờ ! Nhưng thời chiến, thế là may mắn lắm rôi.

Năm năm sau, chúng tôi lại có con thứ hai, con gái, như vậy là "có nếp có tẻ" như mọi người thường nói. Nhưng lúc này cũng đúng vào lúc Mỹ quay lại đem máy bay đánh phá thủ đô và nhiều thành phố khác ở miền Bắc. Ba mẹ con lại phải đi sơ tán theo trường. Các đồng nghiệp của vợ tôi nói đùa : "Biết mà, bà này (tức là vợ tôi) mà đẻ con là chúng mình phải chạy tóe khói !". May thay, thất bại trong âm mưu ép Việt Nam phải ký dự thảo hiệp định Pa-ri có lợi cho chúng, đầu năm 1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pa-ri chấm dứt chiến tranh và phải rút quân về nước.

Cuộc chiến đấu của nhân dân ta để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn kéo dài mấy năm nữa với chiến thắng vĩ đại của "chiến dịch Hồ Chí Minh" lịch sử, giải phóng Sài gòn ngày 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng thời kỳ thiếu thốn gian khổ thời hậu chiến đâu đã qua, phải mãi nhiều năm sau đất nước ta mới dần dần đạt được những thành tựu to lớn như ngày nay. Cũng như mọi gia đình khác, dần dần đời sống gia đình tôi cũng được cải thiện về mọi mặt. Đến nay phải nói rằng tôi rất may mắn có được một gia đình vợ con dâu rể đề huề. Các con, các cháu tôi đều có trình độ cao đẳng, đại học hoặc trên đại học và có công ăn việc làm ổn định.

ooOoo
ĐOẠN CUỐI​

Tôi dùng hai từ "Đoạn cuối" mà không dùng từ "Đoạn kết", vì từ "kết" nghe gần với âm "hết", mà thời gian và khả năng làm việc của tôi đâu đã hết ! Sau khi rời Đại sứ quán CHDC Đức một thời gian ngắn, tôi làm việc cho văn phòng đại diện công ty liên doanh ô tô Mercedes-Benz-Vietnam tại Hà Nội với danh nghĩa trợ lý giám đốc. Sang năm 1998 tôi mới về nghỉ, nhưng vẫn làm công việc giảng dậy tiếng Viêt cho người nước ngoài và tiếng Đức cho người Việt cho đến mấy năm gần đây.

Những dòng cuối này được tôi viết vào những ngày toàn quốc đang gồng mình chống chọi với đợt thứ tư dịch Covid-19. Đại dịch Corona này đã bùng phát đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc 2, 3 năm trước, sau lan ra toàn thế giới, trong đó có Việt Nam ta. Đợt thứ tư này ở ta so với 3 đợt trước gay go hơn nhiều, nhất là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành Nam bộ. Hiện trong những ngày cuối tháng 7 sang đầu tháng 8 năm 2021 này, Hà Nội đang tiến hành giãn cách toàn thành phố ( kể cả các huyện ngoại thành). Nội bất xuất, ngoại bất nhập ! Khẩu hiệu cần quán triệt là "chống dịch như chống giặc". Nói thế để thấy tầm quan trọng của tình hình và phải tuân thủ triệt để các biện pháp phòng chống mà chính quyến đề ra, chứ thời gian dịch bệnh này đâu có thể so sánh với các thời kỳ chiến tranh trước kia. Bây giờ, tuy có nhiều khó khăn gian khổ, nhưng vẫn có đầy đủ điện nước. Tôi tin chắc rằng nhất định Việt Nam ta rồi cũng sẽ chiến thắng giặc corona covid này, như đã làm trong các cuộc chiến chống bọn giặc ngoại xâm Nhật, Pháp, Mỹ, Tầu trước đây,

X
X X​

Nhìn lại toàn bộ quá trình đường đời diễn ra gần 90 năm qua, từ khi ra đời cho đến nay, trải qua biết bao nhiêu sự kiện, biết bao nhiêu kỷ niệm, tôi thấy mình cũng đã có phần cống hiến nhỏ bé cho đất nước, không đến nỗi phải tủi hổ vì cuộc đời vô vị. Cuộc đời của tôi cho đến nay có nhiều nỗ lực của bản thân, có nhiêu khó khăn cũng như thuận lợi và may mắn. Những trang tôi viết trên đây là những trải nghiệm trong đời, trải qua mấy giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, từ giai đoạn cuối thời Pháp-Nhật thuộc, qua thời kỳ mở đầu kỷ nguyên độc lập tự do của Tổ quốc, rồi đến thời kháng chiến 8, 9 năm gian khổ chống thực dân Pháp, tiếp theo là cuộc chồng Mỹ cứu nước với chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam năm 1975, tiến sang thời kỳ xây đựng xã hội chủ nghĩa trong toàn quốc thống nhất. Thời kỳ tưởng như hòa bình vĩnh viễn mà vẫn phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc, nhưng cuối cùng nhờ "ĐỔI MỚI", đất nước mới đạt được những thành tựu như ngày nay.

Đặc biệt, điều tôi nhớ nhất là những lần tôi may mắn được gặp Bác Hồ và hai lần được chọn lên Phủ Chủ tịch dịch phục vụ Bác. Nếu như trong suốt những năm công tác dài hơn nửa thế kỷ kể từ năm 1955 là năm tôi may mắn được gặp Bác lần đầu và được Bác giao nhiệm vụ, tôi có được chút ít thành tích nào đó, thì đều là nhờ có Bác mà suốt đời tôi không bao giờ quên. Đây cũng là điều tôi muốn nói lên nhất để kết thúc tập hồi ký "Trải nghiệm đường đời" này của tôi.


Hà Nội, tháng 8 năm 2021
Đỗ Mộng Châu
 
Last edited:
Các bác ơi, sao các bài thread về phim Đào, Phở và Piano trên VOZ đều bị oops hết thế nhỉ. Em search google ra link nhưng vào toàn bị oops hết.
 
Như vậy cũng là hết nội dung phần hồi ký mà ông tôi đã viết, thú thực là ban đầu tôi cũng chỉ định đăng những phần nội dung thời Pháp thuộc và Kháng chiến chống Pháp, nhưng cũng nhờ mọi người phản hồi khá tình cảm nên mình cũng quyết định đăng lên gần như toàn bộ hồi ký của ông mình. Có thể mình sẽ quay lại đây đăng thêm 1 số chú thích nho nhỏ khi có thêm thông tin, nhưng mình vẫn sẽ theo dõi đọc phản hồi hay câu hỏi của mọi người nhé.

Một lần nữa xin cảm ơn mọi người đã đọc và chúc sức khỏe ông nhé :)
 
Như vậy cũng là hết nội dung phần hồi ký mà ông tôi đã viết, thú thực là ban đầu tôi cũng chỉ định đăng những phần nội dung thời Pháp thuộc và Kháng chiến chống Pháp, nhưng cũng nhờ mọi người phản hồi khá tình cảm nên mình cũng quyết định đăng lên gần như toàn bộ hồi ký của ông mình. Có thể mình sẽ quay lại đây đăng thêm 1 số chú thích nho nhỏ khi có thêm thông tin, nhưng mình vẫn sẽ theo dõi đọc phản hồi hay câu hỏi của mọi người nhé.

Một lần nữa xin cảm ơn mọi người đã đọc và chúc sức khỏe ông nhé :)
Có chuyện gì hay ho kiểu khó tin hoặc tâm linh gì không thím ? Thời xưa chắc ma mãnh nhiều.
Tôi còn nhớ lần ra Nam Định, ông anh bảo là núi Gấu (không nhớ rõ núi gì) là TQ hồi xưa đào vàng gì đấy.
 
Có chuyện gì hay ho kiểu khó tin hoặc tâm linh gì không thím ? Thời xưa chắc ma mãnh nhiều.
Tôi còn nhớ lần ra Nam Định, ông anh bảo là núi Gấu (không nhớ rõ núi gì) là TQ hồi xưa đào vàng gì đấy.
Chuyện tâm linh thì bà nội tôi có chứng kiến, trước tôi cũng kể một lần trên voz rồi - link. Ông tôi thì hình như chả tin mấy chuyện ma mãnh nên hình như chả có ma mãnh nào đụng vào để mà kể.

Còn chuyện bọn tàu ở quanh Nam Định ông nội tôi cũng có nói, đấy là núi Gôi, nằm trên đường từ Ninh Bình ra Nam Định. Khoảng thời gian là tầm năm 50-60 gì đấy, có người thì nói là bọn Tàu vào đông lắm, còn ngăn người dân lại gần, 1 thời gian sau thì đi ra ùn ùn các xe tải che bạt kín mít. Còn ông tôi thì kể là không đến mức ấy, mà chỉ có các đoàn chuyên gia của nó nhỏ lẻ đi vào khảo sát thôi, bởi bên ấy vẫn lưu truyền câu truyện là thời xưa quân Tàu chôn vàng trong hang của núi Gôi.
 
Chuyện hay quá, văn của các cụ ngày xưa cũng trau truốt hơn bây giờ. Mình đợt trước có đọc mấy email bố mình gửi cho bạn bè hoặc người thân thì thấy viết rất nhẹ nhàng nhã nhặn.
Rất ngưỡng mộ cuộc đời của ông bạn, như ông viết “không đến nỗi phải tủi hổ vì cuộc đời vô vị”. Chúc ông và gia đình bạn nhiều sức khoẻ nhé.

via theNEXTvoz for iPhone
 
Back
Top