Người Con Gái Thiên Thanh

Số báo 1
Tôi tên Trung Anh, sinh ra vào những năm cuối cùng của thế kỉ 20 đầy hoài niệm. Sinh ra ở trong một gia đình cũng gọi là tầng lớp trung lưu miền Bắc. Tuổi thơ của tôi, phải nói rằng, tuy tôi sinh ra ở thành phố, nhưng những cái ngày mà tôi ngây ngô đuổi bướm bắt chim, lại gần như hoàn toàn gói gọn trong hình ảnh của làng quê xóm cũ.
Bố tôi hồi đó là tài xế lái xe chở hàng từ biên giới về phân phối cho các tiểu thương. Đến cái hồi mà tôi được khoảng 3 tuổi, thì bố tôi gây tai nạn. Tôi cũng chỉ nhớ thoang thoáng lại là hồi đấy gia đình dư ra được mấy đồng là phải nộp tiền bồi thường cho người ta, còn bố tôi phải đi cải tạo. Thành ra mẹ tôi phải đi Đài Loan làm công nhân hòng mong cho cuộc sống của gia đình nhỏ này khấm khá hơn một chút. Riêng cái ngày mà mẹ tôi đi, tôi nhớ như in rằng tôi không có đủ can đảm để ra chào mẹ. Tôi cứ lấp ló sau cây sấu trước nhà, có lẽ hồi đấy tôi sợ, sợ cảm giác chia ly, sợ là nếu tôi ra nói lời tạm biệt, tôi sẽ chẳng có đủ can đảm mà khóc oà lên mất.
Rồi thành ra ngày bé của tôi đều xa bố và mẹ, nên ông bà nội đón tôi về quê. Và từ đó, những ngày tháng tuổi thơ mơ mộng của một đứa nhóc mới lên năm lên ba đang dần được hình thành.
Nhớ cái hồi mà bố tôi còn chưa phải đi trại, cái hồi mà tôi tầm 3 tuổi ấy, tôi đã nhận thức được rất nhiều sự vật trong cuộc sống, và cái mà người lớn cảm thấy rất thích ở nơi tôi, đó là tôi thuộc cả cái bảng chữ cái tiếng việt. Cứ ngày nào tôi ra trước cửa nhà chơi là các cô, các bác hàng xóm lại vẫy tôi lại, chỉ vào mấy cái biển quảng cáo và hỏi tôi xem đó là chữ gì. Tiếng lành thì đồn xa, thành ra cái ngày mà tôi đi học mẫu giáo 3 tuổi, cô giáo đưa tôi quyển truyện và bảo tôi đọc thử. Tôi cũng chẳng có hứng thú gì với cái bộ môn mà đến lớp 1 người ta mới bắt đầu dạy cho con trẻ. Nhưng phần thưởng khi tôi đọc đúng quyển sách đấy lại là 1 hộp sữa tươi. Khỏi cần phải nói, tôi ngồi đọc tỉ mẩn từng chút cho cô xem, đọc kĩ , chậm rãi từng chút một, sợ đọc sai thì cô sẽ cất hộp sữa đi, công sức đổ sông đổ bể.
Xong xuôi, có vẻ như cô thấy năng khiếu nơi tôi, cô thưởng tôi hộp sữa, tôi ngồi hút trong thích thú, nhưng không ngờ rằng ác mộng của tôi sắp bắt đầu.
Sau cái ngày đọc quyển truyện dày có 4-5 trang cho cô nghe thử, hôm nào cô cũng gọi tôi lên trước lớp để đọc quyển truyện đó cho các bạn nghe. Thành ra sau này khi lớn, tôi dần hình thành cảm giác sợ đứng trước đám đông và phát biểu điều gì. Và thực ra nỗi sợ ấy lại là khởi nguồn của nỗi sợ khác: Sợ đi mẫu giáo. Thế là từ đó, cứ lần nào ai đó bắt tôi đi học, là tôi lại khóc thét lên, tuyệt vọng. Nên là từ đó, tôi gần như chẳng bao giờ đến trường, trừ mấy ngày lễ hay là buổi tổng kết.
Sau khi mà tôi về quê sống với ông bà, thì ông bà lại muốn cho tôi đi học mẫu giáo để làm quen với bạn bè ở nơi đây. Vả lại hồi đấy bà tôi vẫn chưa nghỉ hưu, nên thành ra tôi ở nhà thì chằng có ai trông tôi 24/24 cả. Nên là, tôi đi học.
Cái ngày đầu tiên tôi đi học mẫu giáo trở lại, mặc dù trường mới, lớp mới, cô giáo, bạn bè mới. Thế nhưng cái cảm giác sợ đi học lại hiện lên trong tôi, bất chợt. Và tôi khóc toáng lên, mặc dù mới chỉ đi qua cổng trường được vài ba bước. Nhưng cô giáo mới hiền hơn cô giáo cũ, rất nhiều. Cô nắm tay tôi, ân cần , hỏi han tôi đủ thứ, dỗ tôi bằng một chiếc kẹo xinh xinh. Thành ra tôi cũng nín hẳn, nhưng do cô chỉ là một phần thôi. Cái lí do chính mà tôi nín là do thấy các bạn cùng lớp cười tôi khóc nhè.
Và thế là tôi bắt đầu tập lớn.
 
Last edited:
Số báo 2
Dần dần tôi cũng quen trường, quen lớp. Ngày ấy lớp chia thành 3 tổ vui chơi chính: tổ xây dựng, tổ ẩm thực và tổ bác sĩ. Tôi chọn tổ xây dựng, và đam mê làm kĩ sư từ thuở đó đã hình thành nên một cậu sinh viên của trường Đại học Xây dựng. Nhưng đó là chuyện của sau này.
Và như bao trường mầm non khác, tiết mục được yêu thích nhất trong tuần của các bạn nhỏ chính là ngày thứ 6, ngày phát phiếu bé ngoan. Hồi đó tôi thích phiếu bé ngoan lắm, cái bộ sưu tập phiếu bé ngoan của tôi, dán kín cả cái lưng tủ quần áo bằng gỗ mít của ông bà. Tôi mê mẩn cực kì, cứ đi học về là tôi lại dành cả tiếng đồng hồ bên cạnh những tấm phiếu bé ngoan xinh xinh đó mà chẳng thấy chán.
Rồi cái thời chỉ ăn ngủ và chơi ấy cũng qua đi, rời xa cánh cổng năm nào mà tôi đứng khóc, một cánh cổng mới, khang trang hơn mở ra dành cho tôi, tôi vào lớp 1.
Tôi học lớp 1B, cô Thu chủ nhiệm.
Đặt tay lên cái khoá kéo bạc màu của chiếc cặp da cũ , tôi mở ra, cầm lên quyển vở ô ly mới cứng cùng một chiếc bút chì. Tôi để quyển vở ngay ngắn lên bàn và mở ra những trang đầu tiên để tập viết. Chữ đầu tiên tôi đặt bút vào tập viết, là chữ e. Tôi nắn nót đưa bút theo cái cách mà cô dạy, nhưng chữ đầu tiên mà tôi viết, chẳng giống như chữ cô viết chút nào. Tôi quay đầu bút lại và tẩy. Nhưng do tôi quá nắn nót nên thành ra vết chì cũ tẩy không sạch được do hằn quá sâu.
Và tôi khóc.
Dù vậy, tôi vẫn cố để cho âm thanh không phát ra, sợ các bạn cười, cười như cái cách mà tôi thấy hồi tôi còn học mẫu giáo. Hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má làm trang giấy, và cả chữ e đầu tiên mà tôi viết, ướt nhoè.
Cô thấy tôi, liền bước tới, an ủi, và cầm tay tôi, cùng tôi viết hết cả trang giấy chữ e ấy. Mặc dù tay có chút ê ẩm, nhưng tôi cảm nhận được một cảm giác gì đó thật sự ấm áp đang nhen nhóm ở trong trái tim nhỏ bé của tôi. Có lẽ những kí ức ấy, tôi sẽ chẳng thể nào mà quên được.
Đến giữa năm học , mẹ tôi về Việt Nam. Tôi nhớ mẹ lắm, cái ngày đi đón mẹ ở sân bay, tôi mặc bộ quần áo mà tôi cho rằng là đẹp nhất trong tủ đồ của tôi, mặc dù cái nào cũng cũ, có cái còn sờn cả vai. Mẹ về Việt Nam lại tiếp tục đi làm kiếm tiền để trả hết nợ. Nên tôi vẫn ở với ông bà nội. Mẹ mua cho ông bà và tôi một chiếc ti vi màu, mua cho tôi một bộ quần áo mới cứng. Tôi mê lắm, nâng niu không dám mặc, sợ mặc sẽ sờn vai, âu yếm đến mức đi ngủ tôi cũng ôm theo.
Đến hồi tôi học lớp 3, ông tôi vác về một cái đầu truyền hình kĩ thuật số. Và từ đó, tuổi thơ của tôi cũng gắn liền với chiếc đầu cùng với kênh VTC11. Còn khi ở trường, tôi lại có rất nhiều niềm đam mê khác. Ở trường tôi, đến đồ chơi cũng phân theo mùa như thời tiết: Mùa bắn bi, mùa đánh quay, mùa đập ảnh, lia dép,... Đến giờ tôi vẫn chẳng hiểu khi nào là chuyển mùa, chỉ nhớ rằng khi mà bạn bè chuyển từ bắn bi qua chơi quay là tôi cũng chơi theo. Thế là cuộc sống của tôi cứ xoay vòng, đều đặn sáng đi học, rồi chơi quay, bắn bi,... tối về là lại dán mắt vào kênh truyền hình VTC 11. Tôi xem từ cái ngày đầu tiên mà nó ra mắt, khi mà góc trái màn hình vẫn còn hai chữ thử nghiệm và kênh luôn đóng vào lúc 9h mỗi ngày.
Hồi ấy mê nhất vẫn là Thất kiếm anh hùng, cứ tối hôm trước xem xong một tập, hôm sau ra lớp là cả đám lại tụ tập lại bàn về nội dung phim, đến ra chơi là lại chạy quanh sân trường dưới cái nắng oi ả của mùa hè. Vào những ngày trời lộng gió, lũ trẻ con trong làng lại rủ nhau ra đồng thả diều. Cuộc sống bình yên và đầy mơ mộng ấy, là cuộc sống mà đến sau này, tôi của hiện tại, chỉ có thể nhớ về. Vì khi lớn, những lo toan, những xô bồ và áp lực cuộc sống lại làm ta muốn sống lại những ngày xưa kia.
Sống với ông với bà đến hết năm lớp 4 thì tôi về thành phố với bố mẹ do gia đình đã bình ổn trở lại. Thực tế mà nói thì hồi ấy tôi lại thích về thành phố hơn, tuy nhà tôi ở ngoại ô nhưng vẫn hiện đại hơn nhiều so với làng quê đồng ruộng. Lúc ấy nhà tôi có cái máy tính. Khỏi nói, từ lúc về với bố mẹ tôi đâm đầu vào mấy trò điện tử trên web khá nhiều. Hồi ấy tôi bị nghiện mấy trò trên Zing, nhất là Gunny với Hàng rong. Thế mà chả hiểu sao tôi vẫn được cô chọn vào đội tuyển thi thành phố và được giải nhì môn toán lớp 5. Vậy là sang kì 2, tôi lại xuống hẳn trung tâm thành phố để ôn đội tuyển tỉnh. Lúc mới tập trung thì lớp có đến 40 người để thi loại để lấy ra 20 người đi thi tỉnh. Cái tầm mới về với bố với mẹ, chí tiến thủ của tôi cao ngất trời. Vì hồi đó ở thành phố có quá nhiều truyện tranh, đồ chơi,... thu hút ánh mắt của một cậu nhóc mới 9-10 tuổi. Và tất nhiên, tôi phải có thành tích tốt thì mới có quyền sở hữu chúng. Đến cuối cùng, tôi cũng lọt được vào top 20 để đi thi tỉnh và được giải ba. Khỏi phải nói, bố mẹ tôi tự hào rất nhiều. Thế là nghiễm nhiên trong mắt gia đình và những người xung quanh, tôi trở thành một thằng học giỏi.
Lên cấp 2, do tôi được giải tỉnh nên được tuyển thẳng vào lớp chọn của cả thành phố. Cả khối lớp chọn có 3 lớp: C1 chuyên toán, C2 chuyên văn và C3 chuyên anh.
Tôi? Tất nhiên là vào C1
Bước vào lớp mới, tôi nhận ra, lớp có 30 người thì hết 25 người từng đi học đội tuyển tỉnh với tôi. Thành ra cái lớp C1 này cũng chỉ là bình mới rượu cũ. Nên gần như chẳng ai phải giới thiệu gì về bản thân.
Giáo viên chủ nhiệm bước vào, đập thật mạnh cây thước gỗ lên mặt bàn, và nói:
- Chào các em, cô tên Thuỷ, sẽ là chủ nhiệm của các em trong 4 năm tiếp theo, hi vọng cả lớp mình sẽ cùng tạo ra thật nhiều kỉ niệm trong suốt quá trình này nhé!
Sau mấy màn chào hỏi sơ sơ, bọn tôi ổn định vị trí để bắt đầu cho bài học mới.
Hồi còn đi học đổi tuyển tỉnh năm ngoái, tôi đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng của lớp, nên tôi hơi kiêu một chút và bỏ bê việc học để cắm mặt vào Gunny. Và từ đó, chuỗi tháng năm tụt lùi dần về vấn đề học hành của tôi bắt đầu.
Từ top 3, tôi dần dần tụt xuống những vị trí cuối, dần đánh mất sự tôn trọng trong mắt thầy cô và bạn bè. Còn bố mẹ tôi? Đánh có, mắng có, chửi có, nhưng dù làm thế nào thì tôi vẫn chẳng tiến bộ. Thành ra tôi luôn là đứa đội sổ của lớp, đi thi thành phố thì luôn chỉ được giải khuyến khích. Nên đến năm lớp 9, lớp C4 được mở ra để phục vụ cho thi những môn Lý , Hoá , Sinh, thì tôi nằm trong danh sách bị chuyển lớp.
Bản thân tôi hồi đó cũng dần chấp nhận với việc trình độ học của mình dần đi xuống. Tôi dành nhiều thời gian cho game hơn. Hồi đó, như bao người khác, tôi bị cuốn theo trò Liên Minh Huyền Thoại. Nhờ đó, tôi có một năm lớp 9 đầy khủng hoảng.
Nói trắng ra thì đó là một năm ác mộng đối với tôi, nhiều mặt.
 
Số báo 3
Thế là tôi bị thuyên chuyển sang cái lớp C4. Chủ nhiệm cũng là chủ nhiệm mới, tên Thư, dạy sinh học.
Tôi ngồi bàn 3, cùng Hải Anh, con gái, học C3 cũ. Phía trên là thằng Mai Hoàng, cũng là "cựu” C1 như tôi, và thằng Duy, C2 cũ. Tôi thì chẳng ưa gì cái tính của thằng Hoàng, người thì lùn, nhỏ thó, nghịch thì toàn nghịch ngu mà lại còn hay thích nói xấu người khác. Thành ra mặc dù học cùng lớp cũ, nhưng mà tôi lại ghét nó ra mặt, gần như chẳng bao giờ thèm chơi với cái hạng người như nó. Và tất nhiên, khi tôi ghét nó ra mặt thì nó cũng ghét tôi y nguyên. Từ đó nó bắt đầu nói xấu tôi này nọ với những đứa còn lại trong lớp.
Biến cố đến với tôi khi mà một đứa trong lớp bị mất tiền, và thằng Hoàng, nó đổ ngay cho tôi:
- Em thưa cô, em nghi là bạn Trung Anh lấy trộm tiền, vì dạo này em thấy bạn ấy đi đánh điện tử nhiều hơn bình thường. Còn có dư ra để nạp vào game nữa.
Ngay lập tức, tôi phản pháo:
- Ủa tao đi chơi, tao nạp thì liên quan gì đến tao, tiền bố mẹ tao cho tao ăn sáng, t làm gì là việc của tao. Mày chẳng có bằng chứng gì buộc tội tao cả, nhỡ đâu mày là thằng lấy thì sao?
Thế là bà giáo cho tôi với nó cầm cặp nhau dốc ngược sách vở ra để bới, lục cả người. Xong xuôi, người tôi chẳng có đồng nào, tất nhiên. Nhưng tôi không hiểu ở chỗ, tại sao chẳng có bằng chứng gì để buộc tội tôi, mà tôi lại là người bị lục soát? Hay do quy chuẩn về sự ngoan ngoãn trong mắt của bà giáo là không được đi net, rằng nhịn ăn sáng để chơi điện tử là sai? Mặc dù vậy, mọi sự tức giận, cay cú trong suy nghĩ của tôi đều chỉ nhằm đến một đối tượng, thằng Hoàng.
Tôi ấm ức, bực dọc, và tìm mọi cách để trả thù nó. Đến giờ ra chơi, nhân lúc nó không để ý, tôi thút nhẹ cái máy tính nó để trên bàn r vứt ra ngoài cửa sổ. Nhìn cái máy tính nằm lăn lóc ở dưới cái mương khô đầy rác, tôi tự cảm nhận được sự thoả mãn của việc trả thù. Xong việc, tôi lại về chỗ ngồi của tôi, ngồi ngay ngắn và nở một nụ cười tự mãn.
Và đó là điều ngu ngốc nhất mà tôi làm trong suốt 15 năm cuộc đời.
Buổi trưa hôm ấy, khi vừa ăn xong, tôi đang chuẩn bị ngủ một giấc ngắn, thì bỗng cái điện thoại cục gạch của tôi reo lên.
Trên màn hình là một số lạ.
Tôi thầm nghĩ chắc do ai gọi nhầm số, đơn giản là tôi mới chỉ học lớp 9, ngoài bạn bè và thầy cô cùng người thân trong gia đình, thì ai có thể biết số của tôi? Mà số của họ thì tôi lưu trong danh bạ máy hết rồi. Ấn nút huỷ cuộc gọi, tôi dần ngả đầu xuống gối, bất chợt, điện thoại tôi lại reo lên.
Vẫn là số lạ đó.
Trong đầu tôi dần có một cảm giác khó hiểu, nhưng chỉ một chút thôi, và tôi vẫn tắt máy rồi nằm xuống.
Và số đó, lại gọi cho tôi, lần thứ 3. Nhưng lần này, tôi bắt máy.
  • Alo, ai đấy ạ?
  • Alo, đây có phải là số máy của bạn Trung Anh không?
Đầu dây bên kia là tiếng nói của một người phụ nữ trung niên, khá nhỏ nhẹ.
  • Dạ vâng, cháu là Trung Anh đây. Cho hỏi ai đấy ạ?
  • Cô là Chiến, mẹ của bạn Mai Hoàng đây. Cô có chuyện muốn hỏi cháu?
  • Vâng, có gì cô cứ hỏi đi ạ?
  • Cô hỏi thật nhé, cháu lấy máy tính cầm tay của con cô để đi bán lấy tiền chơi điện tử phải không ?
Tôi giật mình, không nghĩ là thằng khốn nạn ấy lại nghi ngờ tôi. Mặc dù là tôi vứt cái máy tính của nó đi thật, nhưng tôi không ngờ rằng nó lại nói với mẹ nó tôi lấy trộm đồ để lấy tiền chơi điện tử. Trong suy nghĩ non nớt của tôi khi ấy, tôi liền chối tội.
  • Dạ.. kh..không ạ? Sao cháu lại làm như thế được, chắc là bạn ấy nghĩ nhầm đấy? Cháu đã bao giờ ăn cắp của ai đâu?
  • Không sao cháu ạ, nếu cháu làm thì cháu cứ nhận, cô sẽ không kể việc này với Hoàng nhà cô, nhưng ít nhất cháu phải nhận lỗi nếu cháu có làm, để nếu đúng thật thì cô sẽ xử lí riêng với cháu chứ không làm ảnh hưởng tới bất kì ai.
Thế là tôi đành thú thực việc tôi làm, từ đầu đến đuôi. Tôi cũng nhấn mạnh là hiện tại nó nằm ở cái mương sau trường để tránh bị vu oan. Và khi cuộc trò chuyện kết thúc, tôi đã lầm tưởng thế là xong, và tự trấn an bản thân bằng một giấc ngủ.
Nhưng tôi đã nhầm, đây mới chỉ là bắt đầu, một bắt đầu cho chuỗi ngày tủi hờn suốt cả một năm cuối cấp 2 của tôi.
 
Last edited:
Số báo 4
Tổng quan của đoạn sau cuộc trò chuyện, thì mẹ của thằng Hoàng cũng bảo là chỉ cần tôi trả lại cái máy tính cho nó, thì mẹ nó cũng sẽ bảo nó xin lỗi vì đã vu oan cho tôi về cái vụ mất tiền lúc trước, nên là tôi cũng đồng ý. Bởi nếu kéo dài cuộc gọi thì tôi cũng chẳng thể nào mà nói lí được với người hơn tôi tận ba chục tuổi.
Thế là tôi mắt nhắm mắt mở, dắt vội chiếc cào cào thân yêu của tôi ra , cắm đầu cắm cổ phóng một mạch tới trường. 12 giờ trưa, cả trường không một bóng người, đến cả ông bảo vệ già cũng khoá cổng trường để về nghỉ trưa. Loay hoay khoá càng chiếc xe thân yêu vào song sắt của cổng, tôi lại phải chạy một vòng ra sau trường. Khổ nỗi cái mương nằm giữa tường của trường và tường của nhà dân, nên thành ra tôi ở trong một tình huống vô cùng khó xử.
Suy nghĩ một hồi, tôi quyết định trèo tường phía cổng trường vào còn hơn là nhảy vào nhà dân. Bởi nếu có con chó nào được thả rông trong sân nhà người ta, hay thậm chí tệ hơn, người ta xách tôi lên phường, thì há chẳng phải là tôi đi một sải dài hay sao?
Tường nhà trường cũng gây khó khăn cho tôi chẳng kém, trên bờ tường là chi chít những mảnh sành, mảnh chai bia vỡ đập ra rồi trát xi kéo dài xuyên suốt chu vi của trường để chống trộm. Mở vội ngăn khoá kéo của chiếc cặp da, tôi lấy ra quyển vở Ngữ văn, môn tôi học dở nhất. Bởi nếu vở có hỏng thì tôi càng có lí do để khỏi chép bài. Tôi ghim quyển vở thật chắc lên tường, ngập hết cả mấy mảnh sành, thế là tôi có một lối nhỏ để trèo qua một cách khá dễ dàng.
Chạy một mạch ra con mương đằng sau trường, may nó chỉ là con mương khô, nên chiếc máy tính của thằng Hoàng vẫn đang nằm lăn lóc trong đống lá, nhặt vội chiếc máy tính lên, phủi sạch. Sau đó tôi nhẹ nhàng ấn nút nguồn của máy.
"May quá, máy vẫn chạy, chứ không là mình đền ốm ” - Tôi thầm nghĩ.
Sau đó tôi lại trèo ngược ra cổng trường, mở khoá xe, vội vàng đạp ra quán net tranh thủ chơi một chút, vì trường thì chưa mở cửa, mà tôi cũng chẳng thể về, vì chắc tầm 40-50 phút nữa là vào lớp.
Sau khi thoả mãn bản thân bằng một trận thắng, tôi đến trường. Dựng chú cào cào ngay ngắn ở nhà để xe, tôi chạy lên lớp, tay thì kiểm tra lại xem chiếc máy tính kia có bị lỗi lầm gì không.
Bước vào lớp, tiến đến chỗ thằng Hoàng, đặt chiếc máy tính lên trước mắt nó, tôi nói:
- Đây, máy tính của mày đây, tao đội nắng đi tìm lại cho mày vì đây là lỗi của tao. Giờ thì tới lượt mày xin lỗi tao về vụ mất tiền của cái Trang. Sau đó coi như tao với mày hoà.
Cứ tưởng là mọi chuyện sẽ diễn ra hoàn toàn theo cái cách mà tôi suy đoán, nhưng không, tôi đã lầm.
  • Xin lỗi mày? Mày phải thấy biết ơn tao vì tao không làm to cái vụ mày ăn cắp cái máy này của tao để bán lấy tiền chơi điện tử.
  • Tao ăn cắp của mày bao giờ hả thằng chó? Mày đừng có mà vu oan cho tao, tao chỉ vứt máy mày qua cửa sổ, chứ chẳng ai thèm ăn cắp đồ của cái thằng rẻ rách, khốn nạn như mày.
Không nói không rằng, nó đứng lên trước bục giảng và nói:
- Anh em trong lớp nghe tao nói. Hôm trước, vụ cái Trang mất tiền, tao đã đưa thằng Trung Anh vào diện tình nghi, và lục soát nó trước cả lớp cho anh em thấy, nhưng tao chưa đủ chứng cứ để buộc tội nó. Hôm qua tao mất máy tính, tao đã nghi ngay là thằng Trung Anh làm, nên tao về bảo mẹ tao gọi cho nó, mẹ tao còn bật loa ngoài cho tao nghe để xác định thằng Trung Anh là thằng thủ phạm. Giờ anh em tin tao nói gì chưa? Mẹ nó, sau anh em tránh xa cái thằng ăn trộm ăn cắp này ra, kẻo mất hết.
Trong tôi khi đó, hỗn độn cảm xúc, giận có, buồn có, tức có,... Tôi chẳng hiểu sao cuộc nói chuyện của tôi và mẹ nó mà mẹ nó còn bật loa ngoài cho nó nghe. Khốn nạn! Khốn nạn từ mẹ đến con, chả trách thằng con chơi bẩn tính như thế, hoá ra là do di truyền.
Dĩ nhiên, nó đưa ra được đầy đủ chứng cứ rành rành, mọi người không tin nó thì tin ai. Cảm thấy nhục nhã, tôi xách cặp chạy về, úp mặt vào gối.
Tôi khóc.
 
Last edited:
Số báo 5
Rồi chuyện đó cũng đến tai bà chủ nhiệm " yêu quý ” của tôi. Và dĩ nhiên, bà ta theo phe thằng Hoàng. Hôm sau ra lớp, có tiết của bà chủ nhiệm, tôi bị khinh ra mặt. Không chỉ bởi những người bạn bè xung quanh tôi, mà còn có cả chủ nhiệm.
Tôi ngồi học trong tuyệt vọng.
Ra chơi, thằng Hoàng tiến đến chỗ tôi ngồi, đập mạnh và nói:
- Giờ cả trường này biết mày là cái thằng ăn cắp nhé, haha. Nên là lo mà sống cho đàng hoàng, tử tế và vừa mắt tao một chút. Giờ người ta tin tao, chứ không tin mày, nghe chưa?
Tôi lặng thinh, trong đầu rối bời với hàng vạn dòng suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Tôi buồn, buồn lắm. Rồi chúng nó còn rêu rao tên tôi khắp giờ ra chơi:
- Chúng mày ơi, lớp tao có thằng ăn cắp, mọi người tránh xa nó ra nhé, không lại mất đồ oan.
Cố lết cho xong mấy tiết học cực hình để về nhà và chạy thật nhanh lên phòng. Tôi nằm im, suy nghĩ. Vừa nghĩ vừa tự trách bản thân mình sao ngu quá. Và tôi nhớ ông bà, tôi nhớ những người bạn cũ của tôi ở làng. Vì tình bạn của chúng tôi hồi đó chân phương, không toan tính.
Mẹ tôi cũng biết chuyện do bà chủ nhiệm gọi điện về, nửa tin tôi, nửa tin cô giáo. Nhưng mẹ vẫn an ủi tôi, hiền lành:
- Nếu con làm sai, thì con nên nhận lỗi, còn nếu có gì uẩn khuất, thì nói cho mẹ, ít nhất còn có mẹ luôn bên con. Cố học cho hết cấp 2, lên cấp 3 là bạn bè trường lớp thay đổi, rồi con sẽ ổn thôi. Mẹ tin con.
Tôi oà khóc, tâm tư giản đơn của một đứa nhóc lớp 9 được giãi bày hết ra cùng với mẹ.
Ít nhất, khi cả thế giới quay lưng lại với tôi, tôi vẫn còn gia đình.
Tôi vẫn cứ đạp lên quá khứ mà học tiếp thôi. Thi cuối kì 1, chúng nó thì chia nhau ra học, photo phao,..., còn tôi thì phải thức đến đêm muộn để nhồi hết đống sử, địa,... vào đầu. Vì tôi biết , nếu tôi dùng phao, tôi sẽ bị chúng nó tố cáo với giám thị, và cũng sẽ chẳng ai nhắc bài tôi cả.
Tôi làm bài khá tốt, trung bình kì 1 vẫn được 8.4, vẫn là học sinh giỏi, ổn.
Đầu kì 2, tôi thi thành phố.
Tôi chỉ được giải khuyến khích môn Vật lí thôi, vì ai cũng quay mặt với tôi, nên ngồi trên lớp học như cực hình vậy, học không vào. Đã thế còn phải ôn thi kì 1, nên thành ra tôi chẳng còn muốn phấn đấu cho kì thi thành phố nữa. Thành ra tôi bị đẩy xuống cuối lớp ngồi, bàn đầu dành cho bọn nhất, nhì thành phố để ôn thi chọn đổi tuyển tỉnh.
Từ đó mọi sự chú ý của giáo viên đều đổ dồn cho lũ bàn đầu, nên tôi có làm gì ở bàn cuối cũng chẳng ai quan tâm. Lúc hứng lên, tôi ngồi ôn bài, lúc chán, tôi bỏ về, ra làm vài ván điện tử để xả stress. Ít ra, tôi cảm thấy như thế này còn đỡ hơn là bị chú ý nhiều, vì giờ trong lớp, không ai là bạn của tôi cả. Không một ai.
Đôi khi tôi vẫn cảm thấy tự hào về bản thân, ít nhất tôi còn được giải khuyến khích, còn thằng Hoàng thì không.
Sự xuất hiện của một vài nhân tố bàn đầu cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi đôi chút, trong đó có thằng Bách. Thật sự khuôn mặt của nó quá ấn tượng, mồm nó vẩu, môi nó dày, nhô ra như con chim vậy. Đã thế nó còn tự nhận mình là otaku ( thời này thì chắc chắn sẽ gọi nó là wibu ) . Như mọi thành viên khác, nó cũng không ưa tôi, nên tôi cũng chẳng coi nó ra gì, ngược lại nó còn là đối tượng bị tôi trêu, đơn giản nó chẳng thể nào giấu được cái hàng môi cong tớn và hàm răng hô như vậy đi được.
Cái lần nặng nhất, tôi như mọi khi, cứ khen đểu hoài cái bộ răng của nó, và lần này nó không nhịn được, nó đấm tôi. Tôi cũng chẳng vừa, vớ ngay cái compa bằng gỗ, đập thật mạnh vào vai nó. Tôi đập mạnh đến mức mà cái compa gãy làm đôi, vai nó tím bầm, nó khóc.
Bà chủ nhiệm sau khi biết chuyện, bắt tôi ở lại, xin lỗi nó, và ngồi giảng đạo cho tôi:
- Anh nên xem lại hành vi của mình đi, đã ăn cắp còn đánh nhau, loại như anh thì sau này làm gì cho xã hội. Người ta được giải nhì tỉnh môn Sinh, còn anh có cái gì? Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu, nghe chưa? Liệu mà viết cho tôi cái bản kiểm điểm. Loại như anh mà cũng ước mơ thi vào trường chuyên lớp chọn thì cũng hay thật, tự lượng sức mình đi.
Tôi mặc kệ, biết thừa bà giáo trù mình từ cái vụ của thằng Mai Hoàng, nên tâm hồn tôi cứ treo lửng lơ theo những áng mây trôi là là trên bầu trời xanh thẳm. Ngồi nghe chán chê thì bà giáo Thư cho tôi về. Mẹ tôi cũng được gọi điện để thông báo, nhưng mẹ không mắng tôi, cũng chẳng nói gì. Tôi biết mẹ buồn, tôi cũng biết tôi làm vậy là không đúng, nhưng giữa một tập thể đang đè nén tôi xuống, thì ít nhất tôi cũng phải vùng lên đôi chút để chứng minh tôi là một người không dễ bắt nạt. Con giun xéo lắm cũng quằn mà thôi.
Từ dạo đó, chúng nó cũng ít dây dưa vào tôi hơn, trong mắt bạn bè, tôi được gắn cho cái mác trộm cắp, đầu gấu. Tôi cũng chẳng quan tâm, tôi học cho bản thân tôi, sống cho bản thân tôi, nên chẳng việc gì phải sống vừa lòng, sống cho đúng với những ngôn từ phát ra từ những chiếc miệng bé xinh tự cho mình là lẽ phải. Tôi mặc kệ, hôm nào thích thì tôi học, đôi lúc chán chán lại ra quán net làm ván điện tử chơi chơi. Nhưng tôi lại rất tích cực học thêm để chuẩn bị cho kì thi chuyển cấp sắp tới. Đến cái mức tôi học thêm cả vào ngày bế giảng, bà giáo gọi điện cho mẹ tôi báo là tôi đi chơi điện tử, nhưng mà con của mẹ đang ngồi lù lù trước mặt ngồi học ngoan ngoãn. Thành ra mẹ tôi từ dạo đó cũng ghét bà chủ nhiệm luôn. Và dĩ nhiên, bức ảnh chụp tập thể lớp cuối cấp hôm ấy, không có mătj của tôi.
Ngày thi cấp 3 đã tới, tôi thản nhiên đút chiếc bút bi cùng máy tính vào túi quần sau, lấy hết can đảm, tôi bước vào phòng thi....
 
Số báo 6
Sau kì thi ấy, tôi về quê chơi với ông bà nội một thời gian, để tận hưởng cái khí trời trong xanh của làng quê, của mùa thu bên đồng cỏ xanh mướt. Ngắm nhìn những nhánh mạ non đang rung rinh trong nắng hạ, tôi chợt cảm thấy yên bình. Ngồi giữa đồng lộng gió, khoé mắt tôi rưng rưng. Thực sự tôi rất nhớ, tôi nhớ tôi của những ngày xưa, tôi nhớ bạn, nhớ bè, nhớ nhũng ngày trèo lưng trâu thả diều, nhớ những ngày bẻ ngô tập nướng,... Nhìn lại bản thân, nhìn vào thực tại, tuy hụt hẫng, nhưng phải chấp nhận thôi. Tôi lớn rồi. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi từ một đứa nhóc ngây ngô từng khóc oà khi bước vào lớp mẫu giáo, giờ đây đã chuẩn bị là một học sinh cấp 3. Ông bà tôi cũng già đi nhiều. Nên tôi dành cả hè để tận hưởng những khoảnh khắc ấy. Lại cùng ông vác xô đi câu cá, nhưng lần này ông không thể cõng tôi như hồi còn thơ nữa. Cùng bà vào bếp thổi lửa, tôi cũng chẳng còn khóc vì cay mắt khói như xưa. Thời gian thực sự rất khắc nghiệt, tôi thì ngày một lớn, còn ông bà thì ngày một già đi. Rồi một ngày nào đấy, ông bà cũng bỏ tôi mà đi mất. Thành ra tôi cũng hay vận động ông bà dậy tập thể dục, thổi lửa, cuốc đất,... tôi đều làm thay, chỉ mong ông bà sống khoẻ cùng con cháu thêm thật nhiều năm nữa.
Hết kì nghỉ hè, tôi trở về thành phố, náo nức, nhộn nhịp, nhưng đâu đó, tôi lại cảm thấy mình trống rỗng đến lạ kì.
Kết quả thi cấp 3 cuối cùng cũng có. Tôi đỗ , đỗ vào trường chuyên. Khỏi nói, mẹ tôi tự hào lắm. Tôi cũng vui, thành quả mình bỏ ra là vô cùng xứng đáng, nhưng tôi còn vui hơn cả, là thằng Hoàng và thằng Bách đều trượt khỏi trường tôi.
Và cuộc sống của tôi, lại bước sang một trang mới. Khép lại những tháng ngày u tối cuả những ngày cuối cấp 2. Mở ra trong tôi một tương lai tươi sáng, một tương lai vui tươi bên bạn bè, và hơn cả, là một tương lai mà tôi có em.

Ngày đầu nhập học.
Tôi có một thói quen, mà theo tôi nghĩ đó là một thói quen khá là nề nếp, đó là không bao giờ đi trễ, kể cả khi đi chơi, đi họp hay đôi khi chỉ là vài cái hẹn đi nhâm nhi ly cà phê buổi sáng. Thành ra tôi tự biến mình trở thành một cái đồng hồ sinh học. Sáng nào cũng vậy, đều như vắt tranh, tôi đều mở mắt vào 6 giờ sáng. Nặng nề nhấc cái thân hình còm nhom chưa nổi 60kg ra khỏi mép giường, tôi uể oải gấp vội cái chăn, vệ sinh cá nhân rồi đóng cho mình bộ thùng sơ vin chuẩn chỉ áo trắng quần âu. Nhét vội tờ 10 nghìn mà sáng sớm, trước khi đi bàn, mẹ đều để ở bàn uống nước, đút vào túi.
Cái tiết trời đầu thu, ngồi trên chiếc xe đạp, tôi hít một hơi thật sâu để tận hưởng bầu không khí trong lành của buổi sớm. Từ hôm nay, sẽ không còn những tháng ngày học hành vất vả như những ngày ôn thi cấp ba, cũng chẳng còn những người bạn cùng lớp năm lớp 9, mà nếu cho tôi được dùng một từ để miêu tả, thì chắc chắn, đó là từ " hãm ”.
Cái trường cấp ba của tôi to lắm, rộng hơn rất nhiều so với cái trường cấp hai hay cấp một mà tôi từng theo học. Dắt chiếc xe để vào đúng ô của lớp mình, tôi chậm rãi bước, một phần tôi muốn ngắm trường, nhưng chủ yếu là tôi vẫn chưa hình dung được cái lớp của tôi nó nằm ở đâu.
Toàn bộ học sinh mới đều phải đến phòng hội trường ở nhà trung tâm. Căn bản lớp tôi cũng có đến quá nửa là học sinh trong địa bàn thành phố mà tôi quen, nên thành ra sự hồi hộp trong tôi cũng chẳng còn, có cả những đứa bạn từng học với tôi từ hồi lớp 5, rồi lên C1, rồi giờ lại học cùng cấp ba.
Sau khi cả hội trường ổn định vị trí, là một vài tiết mục văn nghệ, rồi thầy hiệu trưởng lên phát biểu đôi lời. Kết thúc buổi lễ bằng một tràng pháo tay, 35 học sinh lớp 10 Toán,theo chân cô chủ nhiệm, bước vào lớp, bắt đầu bài học đầu tiên.
Lúc mới vào thì ai cũng như ai thôi, đều có một cảm giác lạ lẫm. Nên ngay chiều hôm đó, cô Hiền chủ nhiệm tổ chức cho chúng tôi một buổi liên hoan nho nhỏ, để chúng tôi có thể làm quen và hiểu nhau hơn.
Ngày hôm sau.
Sau khi vứt cái cặp vào giữa chỗ ngồi mà tôi chọn hôm qua, tôi chạy xuống bàn cuối để tám xàm với mấy thằng bạn học. Thấy tôi, Mạnh kéo tôi lại, đề xuất.
  • Ê Trung Anh , lát tan học làm tí điện tử giao lưu đê, lớp mới bạn mới, đánh ván cho quen anh quen em.
  • Ừ đấy, mẹ chứ bạn bè muốn quen một là kèo nhậu, hai là kèo bóng, ba là kèo điện tử, thôi thì cứ làm kèo điện tử đã cho đỡ chán. Chứ cả hè tao có đánh ván nào đâu, chai mẹ hết trình độ rồi. - Tuấn nói
Thằng Tuấn này học thì trâu bò, nhưng đi chơi thì toàn mõm, nên mặc dù nó nổ to nhưng anh em gần như chẳng ai tin, vì gần như 100% là nó sẽ bùng. Nên thằng Đoàn chen ngay lời:
- Đ* mẹ cái thằng bạc rách, đánh thì non, trình thấp vc rồi mà cứ như thách đấu, gạ kèo nhưng có bao giờ thấy đánh đâu. Bao giờ lết xác được ra cái quán net thì hẵng gạ.
Mấy đứa này học chung với tôi từ lớp 5 tới giờ, tốt xấu gì cũng hiểu hết, với lại cũng chán, nên tôi xin thay luôn chân của thằng Tuấn:
  • Tính thằng Tuấn như thế nào thì anh em cũng phải hiểu chứ, nói đi 10 buổi thì 9 buổi bùng. Quen lắm rồi, chửi làm gì cho mệt. Để tao thay nó cho, đủ 10 thằng làm 2 team rồi chứ.
  • Ờ, còn mỗi mày là đủ, chứ tin thằng Tuấn thì lát ra quán Đức Thảo 9 thằng nhìn nhau mà cười à.
Sờ vào túi, có mỗi 10 nghìn ăn sáng mẹ cho.
" Thôi hôm nay lại nuốt nước bọt tạm cho đỡ đói vậy, chơi game vẫn vui hơn”- tôi nghĩ.
Hôm nay là tiết đầu tiên của môn vật lý. Căn bản bọn tôi học chuyên, lại còn chuyên Toán,, nên thành ra cũng xác định sẵn tư tưởng là học sẽ là học nâng cao hơn so với bình thường. Ấy nhưng không, khi thầy Long, giáo viên dạy lý đặt phấn viết những nét đầu tiên lên bảng, tôi mới cảm thấy sốc:
- Bài đầu tiên chúng ta học hôm nay là đạo hàm, nếu có gì không hiểu, các em có thể thắc mắc hoặc về tham khảo sách giáo khoa toán 11 và 12.
Cả lớp ngơ ngác nhìn nhau. Tuấn mạnh dạn hỏi:
- Thưa thầy, bọn em chưa học bài nào của lớp 10, sao lại học kiến thức lớp 11 và 12 ạ? Hay thầy dạy nhầm giáo án khối trên.
Thầy Long cười, nói:
- Kiến thức các em học là kiến thức chuyên, chủ yếu lấy từ vật lý đại cương của đại học xuống, muốn học được thì phải học những cái cơ bản này trước. Nên cảm thấy học được thì giở vở ra ghi bài, còn không thì ngồi trật tự, tôi không bắt các em học. Cơ mà nếu không học thì không thi học kì được đâu nhé, vì đề học kì là trường tự ra, điểm thấp các em tự chịu.
Chưa gì mà tôi đã cảm thấy vỡ mộng với bài học đầu tiên của cấp ba rồi. Thế mà tôi cứ tin mấy anh chị bảo lên cấp ba là nhàn, là thoải mái. Buổi đầu tiên học môn chuyên, tôi ghi kín 15 trang vở, tay tôi như muốn gãy đến nơi. Ấy thế mà lúc tan học đi đánh điện tử, 10 ngón của tôi lướt trên bàn phím nhẹ nhàng như gảy đàn tranh, kể ra cũng tài. Học thì mệt thật, nhưng cảm giác hoà đồng, cảm giác được học, được chơi mà không bị ai kì thị, không bị ai ghét bỏ hay đánh giá, là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất.
 
Last edited:
Số báo 7
Kết thúc một ngày mệt nhoài, tôi lại về nằm lăn lộn trên cái giường yêu dấu. Nếu có ai đó hỏi tôi việc tôi thích nhất là gì, thì chắc chắn, đó là nằm, chỉ nằm thôi, không ngủ....
Sau khi ăn xong bữa tối, rửa bát đũa xong xuôi, tôi lại chạy tót lên, đăng nhập vào facebook để kiếm tìm một sự giải trí nhẹ nhàng cuối ngày. Thật sự mà nói, cái hồi đấy chỉ ngồi lướt facebook và lướt haivl.com cả ngày cũng được, gần như chẳng bao giờ có thể chán. Lướt web chán chê, tôi quay qua cái trò mà hồi đấy thực sự, thực sự luôn là tôi cực kì thích thú, mặc dù xét trên quan điểm cộng đồng thì đây không phải là hành vi tốt. Đó chính là lập acc clone đi comment chửi và tán gái dạo.
Chẳng hiểu sao hồi đấy tôi lại nghiện ghê gớm cái việc nhắm bừa một cái comment trên facebook và lao vào chửi mặc dù chẳng có lí do gì cả. Chỉ là đơn giản tôi thấy vui, nhất là chửi mấy đứa để avatar hoạt hình, hoặc mấy đứa chơi teencode là ôi thôi, tôi chửi cho lên bờ xuống ruộng. Nhất là khi cái acc clone của tôi còn nằm vùng trong rất nhiều group của mọi thể loại, nên không hiếm để bắt gặp mấy đứa như thế.
Mục tiêu hôm nay của tôi là một thằng trẻ trâu nào đấy để avatar hình đô rê mon luôn ạ, tên cũng để tiếng nhật luôn. Tôi cười khẩy, bắt đầu công cuộc cách mạng đẩy lùi trẻ trâu tràn lan trên facebook. Mặc dù tôi cũng tự nhìn nhận việc mình chửi bừa một ai đó trên mạng xã hội cũng trẻ trâu không kém. Nhưng như người xưa đã có câu " lấy độc trị độc”, tôi không vào hang cọp sao bắt được cọp con, nên là tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những ngôn từ không mấy thân thiện:
  • Mẹ cái đứa không cả dám để avatar là mặt mình mà cũng đi comment dạo giảng dạy người khác làm người à?
  • Ủa chứ tôi thích tôi để không được à? Ai cấm được tôi để hình đoremon không ? Ủa rồi ông để ảnh ông làm hình nền thì thể hiện điều gì? Thể hiện là ông thượng đẳng hơn tôi à? Mà chắc gì avatar ông đã là ảnh thật của ông?
Nhìn thấy nó nói thế xong, tôi cũng hơi chột dạ. Căn bản nó nói có sai chỗ nào đâu, chả lẽ acc clone đi chửi nhau lại để mặt mình thật, thế thì khác gì tài khoản chính của mình. Cơ mà tôi cũng chẳng vừa, thành ra hai đứa quay qua lí sự cùn rồi lại thành chửi nhau.
  • Mẹ cái thằng doremon này, nói ít làm nhiều, nổ cho tao cái địa chỉ, xem mặt mũi tên tuổi mày ra sao mà cứ đòi lên mặt dạy đời người khác?
  • À thế à, được, tao ở đường AA, thành phố XX, có giỏi thì đến mà tìm, đến được thì cho tao cái hẹn, nhé, thằng thiểu năng.
Tôi lại giật mình thêm lần nữa, ra là nó còn cùng thành phố với tôi ạ, tính ra nhà nó tương đối gần nhà tôi nữa chứ. Cơ mà sau biến cố năm lớp 9, thật sự tôi lúc này đang trở nên rất lì, cùng lắm là cả hai bên gọi hội va chạm nhau một trận cũng được. Nhưng mà thế thì lại vô duyên quá, chửi nhau với một đứa trên mạng rồi gọi hội thì thành ra tôi còn trẻ trâu hơn nó cả vạn lần. Suy đi tính lại, tôi quyết định đấm tay đôi với nó, 1v1, thắng làm vua, thua làm chó, thế thôi
  • Á à, được rồi, thế thì hẹn mày chủ nhật tuần này, ở công viên H nhé, đừng có bùng kèo, không tao tìm đến tận nhà mày đấy, doremon ạ.
  • Được, tao lại sợ mày ghê cơ, xem mày đánh được tao mấy đòn?
Chốt lại là tôi với nó hẹn nhau ở công viên vào chiều chủ nhật, thú thực thì tôi còn chả hiểu ở cái thời điểm đấy tôi đang nghĩ gì, làm gì. Vô duyên vô cớ hẹn đánh nhau với người lạ, nghe nó cứ bị ngang ngang làm sao ấy. Nhưng mà lỡ hẹn rồi, giờ xin huỷ thì lại hèn quá. Suy nghĩ một lúc, tôi cũng tặc lưỡi cho qua.
" Đánh thì đánh, sợ quái gì bố con thằng nào, nếu nó to hơn mình thì hẵng lo, đây còn nhỏ hơn mình 1 tuổi, sao phải sợ?” - tôi nghĩ.
Sau khi chốt nhanh cái lịch hẹn, thoáng nhìn đồng hồ, cũng gần 12 giờ đêm rồi, mắt cũng mỏi, tôi tắt máy tính, nhảy lên giường và dần chìm vào giấc ngủ.
 
Số báo 8
Tính tôi thú thực cũng kì kì, nghĩ đi nghĩ lại, tôi thú thực cũng chẳng hiểu tại sao vô duyên vô cớ hẹn người lạ đi đánh nhau. Càng nghĩ càng thấy buồn cười. Tự nhìn lại bản thân mình: cao có 1m67, nặng có 51-52 cân, cảm giác con kiến nó đẩy mình còn ngã. Ấy mà chả hiểu sao lúc đấy tôi vừa ngu vừa lì như thế đấy.
Chiều chủ nhật.
Dắt xe ra khỏi nhà, tôi cũng chẳng dám mang gậy gộc gì theo. Về cơ bản quan niệm của tôi khi đánh nhau thì chỉ cần tay không là đủ. Nhưng lí do chính mà tôi không mang "hàng” theo là bởi vì tôi sợ nhỡ đâu lại dính dáng đến hình sự. Trường tôi trường chuyên mà, chỉ cần ban giám hiệu nghe loáng thoáng học sinh trong trường tụ tập đánh nhau, không cần biết ai đúng ai sai, ai đánh ai trước, chỉ cần là học sinh của trường là chắc chắn bị đuổi. Nên tôi cũng chỉ muốn cùng lắm là có một vài vết bầm trên cơ thể là quá đáng lắm rồi, chứ sử dụng vũ khí thì lúc đấy có trốn đằng trời cũng chẳng hết tội.
Phóng xe ra điểm đã hẹn, nhưng trái ngược với suy nghĩ của tôi, chẳng có ai ở đây cả. Thế là tôi lại được đà, gác nhẹ chân chống xuống và ngồi vắt vẻo trên yên, tôi ngó ngang dọc rồi tủm tỉm cười.
" Chắc thằng này nó sợ rồi, cuối cùng cũng chỉ là loại nửa mùa, chỉ được cái mõm” - tôi nghĩ.
Tôi ngồi đó một lúc lâu, ít nhất cũng phải hơn nửa tiếng đồng hồ. Nghĩ bụng chắc tên này sợ mình nên không dám đến, tôi cười trừ rồi gạt chân chống lên, chuẩn bị đi về. Bỗng có một giọng nói lanh lảnh phát ra từ phía sau:
- Ê, mày là thằng chửi nhau với tao ở trên facebook đúng không ?
Tôi ngoảnh lại nhìn, khá ngạc nhiên, vì trước mặt tôi lúc này là một đứa con gái, dáng nhỏ, nhìn kĩ thì cũng dễ thương. Nhưng tôi có bao giờ chửi nhau với con gái đâu nhỉ? Tất cả những lần chửi nhau trên mạng, mục tiêu của tôi đều chỉ là những thằng ranh con tập lớn.
- Chắc bạn nhầm mình với ai rồi, chứ tớ có bao giờ cãi nhau với con gái bao giờ đâu? Lại còn là trên facebook nữa.
Vừa nói, tôi vừa gạt gạt tay ra hiệu con nhỏ đó né ra, chứ nó cứ đứng chặn đầu xe tôi, thì tôi về kiểu gì đây?
- Không, tao không nhầm, tao là cái đứa để avatar đoremon đây, là cái đứa mày chửi hôm trước ấy, nhớ không ? Mày hẹn tao ra đây cơ mà ? Rồi mày chưa nói gì mà đã trốn về à?
Tôi giật mình. Trong đầu tôi lúc này, là sự giao thoa của hàng ti tỉ dòng cảm xúc hỗn loạn. Tôi, một thằng con trai sắp đến cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, mà lại hẹn đánh nhau với một đứa con gái, thật chẳng ra thể thống quái gì.
Mà trông bộ dạng nó cũng đâu giống đi đánh nhau sống còn với tôi? Nó còn mặc đồ ngủ để ra gặp mặt cơ mà? Kì cục.
  • Cái gì? Mày là cái đứa để avatar doremon đấy á?
  • Ủa chứ còn gì? Mày chửi tao ghê thế cơ mà, còn hẹn gặp, thì tất nhiên tao phải ra chứ?
  • Thế thì tao chịu thôi, quan điểm của tao trước giờ không đánh con gái. Nếu mày có nhu cầu thì mày có thể đánh tao, chứ tao không đánh mày.
  • Hơ, khiếp thế, trên facebook chửi tao kinh lắm cơ mà? Sao tự nhiên giờ lại giở cái giọng anh hùng đấy ra? Buồn cười ghê. Chửi tao trẻ trâu thì hẹn tao ra đánh nhau để làm gì, thể hiện mày trẻ trâu hơn tao hả?
  • Ừ thì... tao không biết mày là con gái, tao cứ tưởng thằng trẻ con nào. Thôi thì... tao xin lỗi, được chưa? Chứ giờ chẳng lẽ tao với mày lại đánh nhau thật.
  • Cái gì cơ, mày đã xin lỗi lại còn thêm câu được chưa vào sau, khác gì mày vừa đấm vừa xoa. Không chấp nhận. Mày hối lỗi thì bao tao đi ăn, có thế thôi.
Tôi lúc đó thực sự như chết đuối vớ được phao, lập tức đồng ý. Chứ chuyện này mà lộ ra thì bạn bè chúng nó cười mình chết. Chấp nhận vét đĩa số tiền ít ỏi của mình còn hơn là ê mặt vì hẹn đánh nhau với một đứa con gái. Thầm trách bản thân có lớn mà chẳng có khôn. Thôi thì..... tốn tiền vậy. Tự dưng mua việc vào người vô duyên vô cớ. Thôi sau xin chừa, không dám chửi nhau với ai trên mạng nữa. Móc hết túi này túi nọ, tôi cũng vét được sơ sơ khoảng vài chục nghìn. Tôi nói:
  • Đây, tao còn có mấy chục, chắc cũng đủ để mày ăn vặt một bữa, cầm lấy đi, tao đi về.
  • Không, mày phải mua cho tao ăn cơ, chứ thế này chưa thấy sự hối lỗi của mày.
Nuốt cục tức vào trong, nước mắt tôi dường như đang chảy ngược. Sao có mỗi cái việc ăn vặt thôi mà còn cầu kì. Cho tiền rồi thì cầm đi, lại còn bắt tôi đi mua cho nó. Thôi thì đã thương thì thương cho trót. Tôi hỏi:
  • Thế mày thích ăn gì, tao đi mua cho?
  • Không, mày phải cho tao đi theo, chứ nhỡ đâu mày lại kiếm cớ bỏ về. Không được, chắc chắn mày sẽ trốn về. Mày đèo tao đi ăn, rồi tao tha cho.
  • Ủa thế xe mày đâu, chứ yên sau của tao là chỗ của bạn gái tao ngồi, nghe chưa, là bất khả xâm phạm.
  • Mày có bạn gái rồi hả?
  • Ờ thì... chưa, nhưng sau này sẽ có, nhất định.
Tức thì, nó cười phá lên như điên:
- Ha ha, thế mà còn làm màu, làm như sẽ có người bằng lòng để mày chở cơ đấy, haha. Thôi, không nói nhiều, chở tao đi ăn, nhanh không tao đổi ý, tao về tao khoe khắp cái thành phố này là mày hẹn tao ra đánh nhau bây giờ.
Vừa xấu hổ, vừa tức, nhưng tôi chẳng thể làm gì được vì đơn giản tôi là người sai trước. Tôi nín thinh, ngậm bồ hòn làm ngọt, tự trấn an bản thân là chỉ chiều nó nốt hôm nay thôi là sẽ ổn. Thế là tôi đèo nó, bon bon dạo quanh thành phố trong cái nắng nhẹ nhàng của một ngày chủ nhật cuối thu.
 
Số báo 9
Hai đứa dừng chân cạnh một xe bán xiên que ăn vặt. Hồi đó tôi cũng mê lắm, nhưng mà hồi lên đại học, nhìn những xe xiên như thế này, toàn nhặt lại xiên dưới đất lên rồi xiên lại, làm tôi hoàn toàn mất cảm tình và vị giác.
Nó kéo nhẹ áo tôi, hỏi:
  • Ê, tao không mang tiền đâu, mày mang bao nhiêu để hai đứa mình ăn còn lựa lựa xíu, không là chết dở đấy.
  • Thì mày cứ ăn đi, ăn được bao nhiêu tao trả, thiếu tiền thì tao ở lại làm thuê cho bác một buổi, lo gì.
  • Thôi, ai lại ăn chịu rồi để mày ở lại bao giờ, kì lắm. Với lại tao cũng chỉ ăn được vài ba xiên thôi, không ăn nhiều đâu.
Tôi bật cười, ra con bé nó cũng không phải là xấu tính quá mức, ít nhất thì nó còn thương cái túi tiền của tôi. Tôi gọi hẳn 10 xiên tính tiền cho chẵn. Tính ra cũng chỉ có 2 ngàn một que xiên, cũng rẻ. Tôi đẩy cho nó 5 cái, tôi cầm 5 cái, nói:
- Nè, tao cứ gọi mỗi đứa 5 cái đã, mày ăn hết tao lại gọi thêm, không gọi sớm để nó lại nguội, nhé? Ăn đi.
Nó gật gật cái đầu, nhẹ nhàng lót một tờ giấy ăn rồi mới cầm que xiên, chắc con bé sợ dính dầu vào tay. Tôi thì khác, cứ tay không cầm lên mà chén, các cụ cũng bảo ăn bẩn sống lâu mà.
Vèo một cái, tôi chấm mút hết 5 que xiên của tôi. Đưa tay lên khoé miệng vuốt nhẹ một đường, thế là sạch. Quay sang nhìn nó, nó còn chưa ăn hết cả xiên đầu tiên. Thành ra tôi lại phải đợi nó ăn, lâu thật. Chống tay lên cằm, ngồi vắt vẻo trên yên xe, giờ mới có thời gian nhìn thật kĩ gương mặt của nó. Xinh, xinh thật, da nó trắng nõn, trắng hơn cả da tôi, mặc dù tôi là một thằng khá là ghét việc đi nắng nên ai nhìn cũng khen tôi trắng trẻo.
Như cảm nhận được ánh mắt dò xét của tôi, nó quay qua nhìn, hỏi:
  • Tao có chỗ nào dị lắm hả? Hay mặt tao có cái gì mà mày cứ nhìn tao suốt thế?
  • Làm gì có. Chỉ là tao đang đợi mày ăn xong thôi. Ăn nữa không, tao mua thêm cho?
  • Thôi thôi, tao ăn chỗ này còn chưa cả hết, hay mày ăn nốt dùm tao đi, nhé?
  • Mày ăn đi, đi với tao là mày cứ ăn cho thoả thích, không việc gì phải ngại.
Nói rồi, tôi vỗ tay vào túi quần tôi:
  • Tao còn nhiều tiền, mày thích ăn gì, tao mua cho.
  • Khiếp, thế mà nãy còn kêu hết tiền, giờ lại mạnh miệng thế.
Rồi nó nhìn tôi, bật cười. Nụ cười rạng rỡ ấy, còn đẹp hơn cả bông hoa đẹp nhất mà tôi biết, rạng rỡ hơn cả ánh dương ngày nắng hạ. Và nụ cười ấy, đã làm tôi rung động, sự rung động đầu tiên của cuộc đời. Tôi đỏ mặt, gãi đầu:
  • Ờ thì... tại tao tưởng mày ăn khoẻ lắm, nên tao mới lo hết tiền.
  • Xí, mày thấy đứa con gái nào ăn được khoẻ hơn mày chưa mà nói thế. Thôi, tao ăn xong rồi này, mày đưa tao về nhé?
Tức thì, nó nhảy vọt lên yên sau xe của tôi, lắc lư cái đầu, rồi vỗ vỗ cái yên trước. Tay nó còn đeo cái lúc lắc màu bạc. Thành ra khi nó vỗ vỗ yên tôi, cái lúc lắc khẽ rung, tạo nên thứ thanh âm trong sáng, thứ thanh âm dai dẳng bám theo tôi đến tận bây giờ.
Đưa nó về cổng công viên, chợt nhớ ra, tôi quay qua hỏi:
  • Cơ mà tao còn chưa biết tên mày, nãy giờ chỉ toàn gọi mày là doremon thôi. Mày tên là gì thế?
  • Hì, ừ nhỉ, tao cũng quên nói tên, tên tao là Linh, Nguyễn Trần Hạ Linh, nhớ nhé, không được quên đâu, quên là lần sau tao đấm mày á.
Tôi gật đầu, hứa:
  • Ừ, tao nhớ dai lắm, không quên đâu, về nhé?
  • Ừ, về nhé.
Ngồi một mình trên chiếc xe yêu dấu, tôi lại bon bon trở về nhà, trong lòng cảm thấy nao nao khó tả.
Thứ hai đầu tuần. Như thường lệ, hôm đấy là tiết chào cờ. Xui tận họng nên hôm chào cờ lại đến phiên tôi trực nhật. Thành ra nhìn mấy thằng cùng lớp hú nhau mò ra cổng trường gặm bánh mì, bỏ lại tôi xếp ghế một mình giữa sân trường cũng cảm thấy không mấy dễ chịu.
Vẫn như những tiết chào cờ mọi khi, vẫn là bài quốc ca vang lên hùng hồn trên chiếc loa rè đã có phần xuống cấp của trường, chỉ có điều, hôm nay tôi hơi lạ.
Hình như tôi tương tư.
Hôm nay, thay vì ghép ghế ngồi tám xàm ba láp với mấy thằng bựa trong lớp, tôi lại yên vị ngồi ở ghế cuối hàng. Ngồi nghĩ đến chuyện hôm qua, tôi lại cười vẩn vơ trong vô thức. Có vẻ như thằng Đoàn nhận thức được điều gì lạ ở tôi, nó hỏi:
- Ê Trung Anh, mày bị dở hơi à, mà nãy giờ cứ cười suốt thế mày? Hay là mày chơi đá à? ** má, nếu có chơi đá thì xa xa tao ra ấy nha, không có khi mày chơi không sạch, mày thở ra mùi đá tao ngửi tao lại nghiện.
Thật sự là cách tư duy của nó như một thằng ngu vậy, cơ mà tính ra cũng vui. Ít nhất nhờ câu hỏi thẳng tuột có pha một chút trêu đuà của nó khiến tôi định thần lại đôi chút. Lắc nhẹ đầu, tôi nói:
- Đâu ra, mẹ mày, nghịch thì nghịch thật nhưng đéo ai lại chơi đá tầm này, điên à? Qua tao thiếu ngủ nên nãy giờ tao đang mơ màng, mà mày quay mẹ mày lên đi, nay tao khó ở, để tao yên tĩnh xíu.
Ánh mắt nó toát ra cái vẻ khó hiểu, nó nhìn tôi một hồi lâu, rồi lại quay lên bắt chuyện chửi thề với lũ ghế trên. Còn tôi? Tôi hôm nay chả hứng thú gì hết, tôi chỉ cần sự yên lặng thôi, dù chỉ một chút cũng được, vì trong đầu tôi hiện tại, chỉ toàn là hình bóng của Hạ Linh.
Rồi mấy màn phát biểu hàng tuần của thầy hiệu trưởng cũng kết thúc. Mấy thằng con trai chúng tôi, như thường lệ, lại kề vai bá cổ nhau rồng rắn đi xuống căn tin.
- Ê chúng mày, hôm nay thằng Trung Anh lạ cực, đéo hiểu sao tự dưng nay lại chui xuống cuối hàng rồi tủm tỉm cười sau lưng tao. Có khi nào nó có ý đồ gì với tao không? Cái ** má, nếu có thì mày bỏ ngay cái ý nghĩ đấy đi nhé, đúng thật thì tao đập mày ra bã luôn chứ đéo đùa, mông tao sau này chỉ dành cho người yêu vỗ thôi, mày thì nhịn.
Ủa rồi tự nhiên nãy giờ tôi tưởng tượng chả được bao nhiêu, đầu óc toàn nghĩ về Linh. Ấy thế mà đầu thằng này lại nhảy số toàn những cái đếch gì không biết. Thành ra tôi lại phải biện minh cho bản thân trước cái trí tưởng tượng vô hạn của thằng Đoàn.
- Mẹ mày, đùa đéo vui đâu thằng gay, đéo ai thèm sờ mông mày. Nói từ nãy là qua tao thức khuya, thiếu ngủ, có thế thôi. Lằng nhà lằng nhằng, chả lẽ lại đấm mày thật.
Chả hiểu sao bình thường mấy trò đùa này đối với tôi cũng thường nhật như cái cách mà mặt trời mọc rồi lặn thôi, tôi quá quen rồi. Ấy thế mà bằng một lí do gì đấy, hôm nay, tôi lại tỏ ra khó chịu và muốn ở một mình. Cầm lon bò húc lên, dốc thẳng vào miệng một hơi, tôi chạy lên lớp, bỏ lại đằng sau là ánh nhìn dò xét của mấy con chim lợn đang chưa hiểu chuyện gì xảy ra.
 
Last edited:
Số báo 10
Cả sáng hôm đó, tôi nằm ườn ra như con cá chết trôi vậy, ai động chạm gì đều bơ sạch, hoặc là tôi sẽ sửng cồ lên và đuổi chúng nó ra xa tôi vài mét. Chúng nó nhìn tôi khó hiểu, rồi tặc lưỡi quay đi. Điều tôi mong nhất bây giờ, thú thực, đó là được về nhà, ôm trọn cái máy tính hết khoảng thời gian còn lại. Thực sự bằng một sức mạnh vô hình nào đấy, tôi lại tò mò và đặt ra rất nhiều câu hỏi. Và như mọi người cũng biết, tất cả đều quy về một đối tượng, Hạ Linh.
Rồi tiếng trống tan trường cũng vang lên rộn rã. Tôi chạy thật nhanh ra nhà xe, nhảy vội lên chiếc yên xe mà tôi đã ngồi mòn đến láng bóng. Phóng thật nhanh về nhà, hi vọng, chiều nay em được nghỉ như tôi, để tôi có thể hỏi, hỏi hết những câu hỏi trong đầu tôi từ nãy tới giờ. Về đến nhà, tôi còn quên cả chào mẹ, chạy tót lên phòng rồi ấn nút nguồn của cái máy tính.
Em có online.
Lòng tôi nhảy cẫng lên vì vui sướng. Nhưng chưa nói được gì thì tiếng gọi quen thuộc vọng lên từ dưới tầng một:
- Thằng kia, mày có xuống ăn cơm không thì bảo, hay là tao phải cơm bưng nước rót cho mày, hả. Có mỗi cái ăn vào mồm thôi cũng phải để giục.
Trong đầu tôi lúc đấy cực kì phân vân, là nhịn đói để được nhắn tin với nàng, hay là xuống nhà ăn cơm.
Đến cuối cùng, vẫn là có thực thì mới vực được đạo. Cơ mà lí do chính là tôi sợ mẹ nhiều hơn, chứ không xuống, mẹ mà lên thì chắc dàn máy của tôi chắc hoá thành hương thành khói mất. "Vẫn cứ nên là nghe lời thôi” - tôi nghĩ.
Cầm đũa lùa vội bát cơm, tôi kết thúc bữa cơm của mình trong vòng chưa đầy 2 phút rồi lại chạy tót lên phòng. Cuối cùng thì tôi cũng có một khoảng thời gian riêng tư để có thể làm những gì mình muốn.
  • Hú, mày có ở đấy không đoremon ơi-Tôi hỏi.
  • Tao đây tao đây, mà mày biết tên thật của tao rồi còn gì? Gọi tao là Hạ Linh hoặc ít nhất là Linh thôi cũng được. Chứ đừng gọi tao là doremon.
  • Tao gọi gì thì kệ tao? Với lại mày kém tao một tuổi cơ mà, mày phải gọi tao là anh chứ?
  • Mày mơ đi, về tuổi đời thì mày hơn tao thật, nhưng trong suy nghĩ, mày chỉ là một đứa trẻ con không hơn không kém thôi. Nên là tao chẳng có lí do gì để gọi mày bằng anh cả.
Có vẻ như lần gặp nhau đầu tiên của tôi và Linh đã làm mất hết điểm trong mắt em rồi thì phải. Thôi thì mình làm thì mình chịu thôi, tôi cũng không để ý đến cái cách xưng hô nữa:
  • Ừ thôi thì thôi, tao chẳng ép mày. Mày thích gọi tao gì thì gọi. Cơ mà hôm nay đầu tuần đi học, mày có gì vui không, kể tao nghe với?
  • À đấy, mày không nhắc tao cũng chẳng nhớ đâu, tao kể cho nè.
......
Tôi cũng chẳng còn nhớ em đã tíu tít kể những gì với tôi, nhưng ngồi nói chuyện với em cả buổi chiều, thực sự tôi cảm thấy cực kì sung sướng. Nó giống như một cơn nghiện vậy, càng nói chuyện, cảm giác lâng lâng vui sướng đang chạy trong huyết quản càng tăng. Sau một hồi tâm sự hàn huyên đủ thứ trên trời dưới đất:
  • Cơ mà sáng mai mày rảnh không?
  • Sáng mai á? Không, tao đi học mất rồi, sao thế?
  • Không phải, ý là mai mày có rảnh không thì qua đưa tao đi học với?
  • Ủa thế xe mày đâu?
  • Xe tao hỏng rồi, chưa sửa xong, mai mày qua đón tao nhá?
  • Được được được, nhất trí.
  • Nhớ nha, đừng cho tao leo cây. Tao mà leo cây là mày chết với tao á.
  • Nhất trí nhất trí.
Lòng tôi khi ấy, nhảy cẫng lễn trong vui sướng. Trong khi tôi còn đang tìm ra lí do để gặp em thì em lại tạo cơ hội cho tôi rồi. Thầm cảm ơn ông trời có mắt, tôi vội vàng cầm cái giẻ lau chạy xuống, lau thật sạch cái gác ba ga xe của tôi. Thế là ngày mai, tôi lại được chở em đi rồi.
Sáng hôm sau, tôi dậy cực sớm, sớm hơn hẳn 20 phút so với mọi ngày. Gấp chăn, gác màn lại cho hẳn hoi rồi tôi chạy vào nhà tắm để đánh răng, rửa mặt. Xong xuôi đâu đấy, cầm cái lược trên tay, tôi chải nhẹ mấy đường. Tính tôi thì không hay chải tóc, lúc nào tóc rối thì mới chải thôi, chứ bình thường thì chỉ cần dùng tay vuốt ngược ra sau vài cái là đủ. Dắt vội chiếc xe ra ngoài, tôi đạp thật nhanh đến cổng công viên. Đợi em một hồi lâu, mãi sau mới nhìn thấy cái bóng dáng tung tăng của em chạy đến. Tôi bật cười, hỏi:
  • Nhìn cái dáng mày chạy trông vui chưa kìa. Thế ăn sáng chưa, tao dẫn mày đi mua bánh?
  • Tao chưa, đi mua bánh bao đi, tao thích ăn bánh bao lắm.
  • Được, thế thì tao với mày đi ăn bánh bao.
Giữa cái sáng se lạnh của tiết trời thu miền Bắc, tôi và em, mỗi người cầm trên tay một chiếc bánh bao nóng hổi. Nhìn em cười tít mắt bứt từng mẩu bánh ra, nhỏ nhẹ ăn. Em ăn như một bé mèo con mới cai sữa mẹ vậy, khác hẳn tôi, táp hai miếng là hết cái bánh. Thực sự tôi hi vọng có chút hơi tiêu cực, đó là mong em ngày nào cũng hỏng xe, để tôi có thể đưa em đi trên chiếc xe đã tróc sơn đôi phần mỗi ngày.
Dừng xe trước cổng trường em, vươn nhẹ cánh tay lấy chiếc cặp xinh xắn trao trả lại về với chủ. Em cũng nhảy xuống, đưa tay đón lấy chiếc cặp rồi ôm vào lòng.
  • Thôi tao vào lớp nhé, lát mày không cần phải đón tao đâu, lát tao kêu bạn chở rồi, cảm ơn mày rất nhiềuuuuuu.
  • Có gì đâu, tao có thể đưa mày đi học mỗi ngày nếu mày thích.
  • Chắc chưa, nói là làm á?
  • Quân tử nhất ngôn, nói là làm.
Đợi em khuất bóng sau cánh cửa lớp học, tôi mới yên tâm phóng tới trường tôi.
Bước vào lớp, tự dưng hôm nay có một không khí gì đó hơi khác lạ, vỗ vai hỏi nhẹ thằng Đoàn:
  • Ê mày, hôm nay có gì mà túm năm tụm ba ghê vậy?
  • Mẹ mày, qua chạy về sớm thì có nghe ai nói đâu. Qua sau khi mày chạy về trước là cả lớp ở lại nghe thằng Tuấn bí thư nó phổ biến việc 20/11 rồi chia việc mà làm chứ còn gì. Chúng nó tụ tập ở kia là để làm báo tường thôi.
  • Ơ thế chính ra tao về trước lại hay, hơ hơ. Thành ra giờ tao chả phải làm gì, đỡ mệt.
  • Hay cái đếch gì, mày ngu bỏ mẹ, qua những thằng nào ngon thì được chọn viết báo tường thôi. Còn mày về trước là mày dở rồi, mày phải đi tập văn nghệ.
  • Cái gì cơ? Tập văn nghệ á?
 
Số báo 11
Cái sự sợ đám đông là điều mà tôi đã phổ biến cho tất cả các thành viên trong lớp từ thời Napoleon cởi truồng rồi mà chúng nó còn đẩy tôi đi văn nghệ được. Thật sự lúc đấy tôi bị sợ, sợ cái cảm giác đứng trước đám đông như hồi mẫu giáo đã từng.
-Ê đéo ổn, chúng mày biết là tao bị sợ đám đông mà. Tao lên tao thành trò cười cho thiên hạ mất.
-Đéo sợ, anh em lên hết mà, còn báo tường để cho mấy đứa con gái nó khéo tay thì nó làm. Tiện chữa cho mày cái bệnh sợ đám đông luôn, nhể ? - Hùng vỗ vai tôi, nói.
-Tao bảo không là không, chúng mày điên à, tao bị run đấy, đéo diễn hay hát hò được cái gì đâu. Tìm đứa khác thay vị trí của tao đi, không thì sắp xếp lại đội hình, báo tường tao làm gấp đôi chúng mày cũng được, nhé, xin đấy.
-Không, ý bọn tao đã quyết, danh sách đã gửi, không đi thì bị hạ hạnh kiểm, thế thôi.
Nói thật thì tôi không tức, nói trắng ra là không thể nào tức nổi cái bọn này. Tôi chỉ sợ thôi, tôi sợ cái ánh mắt của cả một tập thể chăm chăm nhìn vào tôi y như cái cách họ đang ngắm một con chim chào mào ở trong một cái lồng son để nó mua vui cho người ta vậy. Mà tính của thiên hạ thì tôi lại quá rõ, người ta chỉ quan tâm bạn sai ở đâu, chứ không quan tâm bạn đúng như thế nào. Nên chẳng may tôi có tập đến mức hát hay như Bằng Kiều thì chỉ cần tôi bị đứt hơi một quãng thôi là coi như xong việc. Mà tôi lại không dám trốn, rất sợ bị đánh vào hạnh kiểm, mẹ tôi mà biết được là toi ngay. "Thôi thì phó mặc cho số trời thôi”- Tôi thở dài ngao ngán.
Lớp tôi thì có một cái tính rất là hay ho, đó là rất hay ăn vặt, nhưng chỉ đám con trai với nhau thôi. Không hiểu vì lí do gì mà chúng tôi đều cảm thấy ăn vặt trong lớp rồi nói chuyện nơi cuối lớp là một thú vui gì đấy vô cùng tao nhã. Hôm nay cũng vậy, và thằng Quân là người khơi mào, nó đập nhẹ vào lưng từng thằng một rồi thì thầm:
-Ê, thế chiều nay anh em có "pạt ti” không để bố mày còn nhịn ăn sáng?
Quay sang thì nhìn thằng nào cũng gật đầu. Chết thật, mỏ khoét hơn cả lũ con gái. Mà lớp tôi là cái kiểu "sao cũng được”. Nghĩa là khi động đến một vấn đề cần lựa chọn giữa nhiều phương án, thì gần như 100% lũ con trai sẽ trả lời đúng ba từ: sao cũng được.
Cơ mà hôm nay thì khác, chả hiểu sao tâm hồn ăn uống của mấy thằng khứa dâng cao thế., thằng nào thằng nấy đều gật đầu lia lịa. Cơ mà tôi vẫn đang bị sốc vì cái việc tôi phải đi văn nghệ, nên tâm trạng có hơi hỗn độn một chút. Nên là khi chúng bạn quay qua hỏi tôi, tôi chỉ lắc nhẹ cái đầu. Và tất nhiên, khi cả lũ đều đồng ý mà chỉ cần một cá thể không chịu theo, là sẽ bị "ép” phải theo. Giống như cái cảm giác tải một tập tin hay một ứng dụng nào đó, mà nó đến 99% là nó dừng vậy. Mà thiếu một người thì cảm giác ăn nó lại mất ngon. Nên là chúng nó bảo:
-Thôi, buồn làm chó gì, bọn tao cũng phải đi thì mày sợ cái gì, sống chết có nhau. Giờ cứ vui lên một bữa thì chết ai. Cứ ăn đi, nhé, bọn tao hôm nay sẽ rộng lượng bao mày.
-Ừ thì biết là thế, nhưng mà tao khác, bọn mày khác. Chứ thằng nào cũng cảm nhận giống thằng nào thì cả quả đất mấy tỉ người này ai cũng như nhau à?
-Tư duy kiểu đấy thì nó lại khác, đây chỉ là cái hoạt động của trường, sau ra trường muốn còn chẳng được. Coi như là lưu giữ kỉ niệm đi, ha? Với lại ai lại chơi cái trò giận cá chém thớt ấy. Thôi cứ chốt là chiều nay "pạt ti” nhé? Ok không?
-Ừ, anh em thế nào thì tao theo, chứ không theo ra chơi chúng mày lại đè đầu cưỡi cổ tao ra thì còn gì là người.
-Đấy, biết thế từ đầu có phải đỡ lằng nhằng không? Chốt nhá.
-Ờ thì chốt, nhưng mà mày vẫn phải bao tao đấy.
-Biết rồi, mẹ, có 10k thôi mà tính với chả toán. Tao cũng nghèo như mày thôi, haizz.
"Thôi thì mọi sự cũng đã rồi, chấp nhận vậy. Chứ giờ muốn cũng chẳng rút được, danh sách văn nghệ cũng nộp rồi. ” - Tôi nghĩ.
 
Số báo 12
Có vẻ như tầm này chỉ có giời mới cứu được tôi.
Về tới nhà, lùa vội hai bát cơm cho đỡ xót bụng. Tranh thủ có hơn nửa tiếng ngắn ngủi, tôi lại lao đầu vào mấy con game online mà người lớn cho rằng đó là vô bổ. Thực sự thì tôi nghĩ tầm tuổi của tôi ai cũng vậy thôi, cứ tranh thủ, dù chỉ vài phút cũng sẽ cố đăng nhập vào máy tính để chạy cho xong vài cái quest của võ lâm, kiếm thế hay đơn giản chỉ là nửa ván đột kích. Tôi cũng vậy. Về cơ bản thì tôi cũng đang bị stress nữa. Đang yên đang lành có một buổi chiều đẹp trời để online treo game hoặc nhắn tin với Linh, thì tôi lại phải ở lại tập văn nghệ. Nghĩ thôi cũng thấy bực mình.
Chiều đến.
Bước vào cửa lớp, xộc thẳng ngay vào hai lỗ mũi của tôi là cái mùi que cay không thể nào lẫn đi đâu được, mà hồi đấy chúng tôi còn gọi là mùi trung quốc. Cái thứ mùi cực kì cơ bản bắt buộc phải có ở trên mấy gói que cay hoặc thịt hổ. Nếu không có mùi ấy ư? Thế thì chắc là hàng rởm hoặc là hết hạn rồi. Chợt nhớ ra là chiều nay lũ con trai chơi trò liên hoan vụng. Cơ mà may, chúng nó đóng tiền thay tôi rồi, cũng đỡ phải nghĩ nhiều. Cúi nhìn nhẹ hai cái gầm bàn cuối lớp. Ôi thôi, nào bim bim, que cay, thạch dừa, bỏng ngô,... bày la liệt, chật ních cả hai cái ngăn bàn. Khiếp thật, chắc do thằng nào thằng nấy chuẩn bị sẵn tinh thần văn nghệ nên là nay liên hoan to gấp 3-4 lần mọi khi. Nhưng mà vẫn chỉ là bọn bàn cuối chúng tôi ăn thôi, gọi là liên hoan vụng mà.
Tiếng trống trường vang lên rộn rã, đứa nào đứa nấy lại yên vị vào chỗ ngồi rồi đợi giáo viên tới. Trong khi đó, mấy thằng cuối lớp như bọn tôi, vẫn thản nhiên ngồi nhâm nhi mấy cái thứ quà vặt của thời niên thiếu. Kệ, dù sao giáo viên có biết cũng sẽ bỏ qua cho chúng tôi thôi, nhiều quá hoá nhờn rồi.
....
Cuối cùng cũng hết giờ học, khi mà đầu tôi vừa nhảy số, xách nhẹ cái cặp rồi rón rén bước lẫn vào giữa đám con gái mà đi, thì mấy thằng khựa kia lại kịp thời móc tôi quay lại. "Thế là phải tập hẳn hoi rồi”- Tôi nghĩ.
Sau khi lớp giải tán hết những thành phần không liên quan, trong lớp hiện giờ chỉ còn lại đúng 15 mống, tính cả tôi, toàn nam, để đi văn nghệ.
Thằng An lớp trưởng cầm cái thước gỗ to bản, gõ mạnh lên bảng, nói:
  • Rồi ok, toàn bộ anh em chúng ta, theo như đã định sẵn, phải chuẩn bị một tiết mục văn nghệ để chào mừng ngày nhà giáo VN. Hiện tại thì cũng không còn nhiều thời gian đâu, nên anh em có ý tưởng gì thì nêu ra, rồi sau đó biểu quyết. Đầu tiên anh em chọn là hát hay là múa trước đã, rồi sau đó mới chọn nhạc nền, ok không?
  • Ok - Cả lũ đồng thanh.
Tư duy của tôi hiện tại đó là: khi mình không muốn làm việc gì đấy hẳn hoi hoặc đơn giản là mình bị ép, hãy cứ làm việc mình dở nhất. Giữa hát và múa ư? Tất nhiên là múa rồi. Nên khi giơ tay biểu quyết, tôi dĩ nhiên là sẽ múa. Múa xấu thì sẽ bị loại, có thế thôi, còn vòng loại trước khi phải lên sân khấu chính cơ mà. Thế là khi biểu quyết, tôi liền giơ tay chọn ngay phần múa. Ít nhất thì mất mặt trước mấy thầy cô tổng phụ trách làm giám khảo văn nghệ, còn dễ chịu hơn gấp vạn lần là hơn 1000 học sinh cùng giáo viên xem mình làm trò hề. Cơ mà thế quái nào, nhóm có 15 thằng, cả 15 thằng đều giơ tay múa thật. Đầu tôi nhảy số, thôi chết rồi, quên mất, lớp mình có đứa nào biết hát đâu, đi karaoke hát còn lệch beat thì làm ăn gì, thảo nào cả 15 mạng người đều chọn múa.
  • Tuyệt vời, thế là các anh em đều đồng ý là múa chứ gì? Chốt luôn. Giờ anh em tính thế nào? Múa hẳn hoi làm dấu ấn của một thời cấp ba huy hoàng, hay là múa hời hợt để cho bị loại ngay từ vòng gửi xe, chọn đi.
  • Tao có ý kiến - Hùng nói.
  • Ừ, mày nói nghe xem.
  • Tao nghĩ, anh em nên làm một lần văn nghệ cho nó hoành tráng. Dù gì năm nay mình mới vào trường, chuyển cấp chưa phải học hành gì nhiều. Với lại tạo luôn ấn tượng trong mắt thầy cô. Sang năm 11 với 12 thì thôi. Ấn tượng ban đầu là ấn tượng đẹp nhất. Cứ chơi trội một lần đi, nhể? Sợ gì.
Tưởng chừng như mấy lời nói của nó sẽ chẳng có tí thuyết phục nào. Nhưng không, mấy thằng ngu kia có vẻ như bị cảm động, và thế là chúng nó chốt luôn là tập hẳn hoi và phải tạo điểm nhấn, mặc kệ cho ý kiến trái chiều của tôi. Đúng là một thì chẳng cãi lại 10, huống chi đây là 14. Sau khoảng gần một tiếng đồng hồ, chúng nó chốt luôn bài Quê tôi của Thuỳ Chi, và thống nhất luôn là mặc váy múa quạt luôn cho nó máu. Thằng An lớp trưởng cũng đi đầu phong trào, nói:
  • Ok chốt luôn bài này. Từ bé tới lớn tao chưa bao giờ thấy thằng nào múa bài này mặc váy cả. Anh em giờ phải mạnh dạn lên, chống phân biệt giới tính. Anh em phải cho mọi người thấy, không chỉ bọn con gái mới biết mặc váy múa quạt.
  • Đồng ý, đồng ý- Cả lũ hô vang.
Rồi xong, sau khi thấy 14 thằng đồng thanh là tôi như chết nửa phần hồn rồi. Phân công xong, chốt mai bắt đầu tập, chúng tôi cuối cùng cũng giải tán.
Tối. Vẫn là tôi, bên bàn máy tính.
  • Này Linh, chắc tầm 2-3 tuần này tao hơi bận đấy. Có gì thông cảm nhé, cuối tháng tao đưa mày đi chơi bù.
  • Sao thế, mày bận gì à, hay mày ghét tao rồi?
  • Làm gì có. Tại tao phải tập văn nghệ mừng 20/11.
  • Cái gì cơ? Văn nghệ? Mày á?
  • Ừ, tao, văn nghệ, rồi sao?
  • Haha, tao chỉ không tưởng tượng ra mày sẽ tham gia mấy phong trào của trường lớp sôi nổi như thế này đâu. Nếu không phải vì tao năm nay chuẩn bị thi chuyển cấp thì chắc tao cũng sẽ tham gia ấy. Mà này nhá, tao hát siêu hay luôn. Nào tao hát cho mày nghe.
  • Hứa nhá, cơ mà tao không hát, tao múa cơ, bài Quê tôi ấy, biết không?
 
Số báo 13
  • Cái gì, Quê tôi? Ý mày là cái bài của Thuỳ Chi á?
  • Ờ đúng rồi.
  • Haha, thế mày có mặc váy để múa bài này không, haha.
  • Có.
  • Thật?
  • Ừ, thật.
....
Mặc dù nó không nói gì tiếp theo để cố tỏ ra đồng cảm với tôi, cơ mà tôi vẫn tưởng tượng được ra cảnh mà Hạ Linh cười phớ lớ đằng sau cái màn hình này. Tôi cũng chả buồn tức nó hay gì, có khi tức nó nó còn tức ngược lại tôi. Thành ra sau đấy chả đứa nào nói gì.
5 phút sau...
10 phút sau...
  • Ê Trung Anh, mày giận tao đấy à?
  • Đâu có? Sao tao phải giận mày? Tao giận mày vì cái gì?
  • Ờ thì.... chắc do tao ngồi cười từ nãy tới giờ.
  • Không.
  • Mày giận tao thật à? Đừng giận tao nữa, mai mua kẹo đền cho, nhé?
  • Tao có giận đâu?
  • Thôi đừng nói kiểu đó, tao biết thừa mày giận, tao xin lỗi, được chưa? Khiếp, mỗi thế cũng giận.
Ủa rồi tôi có giận nó đâu ta? Ủa hoá ra trong khoảng thời gian từ nãy tới giờ, có vẻ như trong đầu nó tự dựng thành câu chuyện rằng nó cười tôi thì tôi dỗi nó. Khiếp, tôi có phải như bọn con gái quái đâu mà động tí là lên cơn tự ái. Cơ mà thành ra từ đó đến hết buổi tối, cuộc nói chuyện chả ra cái thể thống quái gì vì một đứa cứ tưởng đứa kia giận, một đứa thì lại thanh minh, phủ nhận lời đứa kia.
Sáng hôm sau, vẫn đến trường, như mọi ngày. Nhưng lạ ghê, ở cửa lớp, tôi thấy bóng ai đó quen quen.
Là Hạ Linh? Ừ, là nó thật, cái bóng lưng này không thể nhầm được. Tôi chạy tới vỗ nhẹ vai nó, nói:
  • Sao mày lại ở đây? Sáng nay không đi học à?
  • Không, nay tao được nghỉ. Với lại tao qua mang kẹo cho mày. Đừng dỗi tao nữa nhé?
  • Tao thề là tao không có dỗi mày mà. Chả hiểu trong đầu mày toàn tưởng tượng những cái gì đâu không. Cơ mà thôi, cho kẹo thì tao xin, hì. Cơ mà có cần đưa về không, tao đưa mày về.
  • Thôi, mày vào học đi kẻo muộn, tao về một mình cũng được, được nghỉ mà, lo gì.
  • Ừ, thế đi cẩn thận.
Nó gật nhẹ đầu rồi chạy tót ra cổng, để lại tôi ngơ ngác một hồi rồi lững thững bước vào lớp. Vừa mới ngồi vào ghế, chưa cả nóng mông thì chúng nó đã ra kéo tôi đẩy vào góc lớp.
- Á à, thằng chó này, mày có bạn gái mà mày giấu anh em nhé? Thế bây giờ mày muốn thế nào, công nông hay lên cột.
Tôi là tôi chả muốn chọn trò nào cả. Lên cột là cái trò 2 thằng cầm 2 chân rồi đập háng tôi vào bất kì cái cây hoặc cột nào mà chúng nó muốn. Còn trò công nông thì bẩn hơn nhiều, đó là một thằng cầm luôn hai chân, rồi lấy chân nó luồn vào háng tôi và rung với tần số cực nhanh. Mà chả hiểu sao lại có người thiết kế được mấy cái trò chơi mang tính huỷ diệt tương lai thế giới như thế này. Vội chối bay chối biến, tôi lắc đầu:
  • Làm gì có, chúng mày điên à, không phải bạn gái tao.
  • Lại bảo không phải, nhìn hai đứa mày chim chuột mà trong lớp bao nhiêu trái tim mỏng manh chưa một lần biết yêu đang dần hoá đá không, hả? Không nói nhiều, anh em, công nônggggggg.
Thôi xong, cuộc đời tôi bế mạc rồi. Chúng nó đè tôi ra, mặc cho tôi vùng vẫy như cá mắc cạn. Nó đè tay tôi xuống, rồi thằng Tuấn, nó là người sẽ thực hiện nhiệm vụ cao cả bậc nhất, rung chân. Tôi phải thề rằng, nó là cá cảm giác thốn nhất trong đời mà từ bé đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy thốn như vậy. Trò này tôi đố ai trụ nổi 1 phút, 10-15 giây là đã tan nát cuộc đời rồi. Cũng may mà chúng nó biết điểm dừng.
Quay trở lại chỗ ngồi với chú chào mào có vẻ như là sắp gãy cánh đến nơi, tôi vẫn cố nở một nụ cười thật tươi để đón chào ngày mới. Bóc vội cái kẹo mà Linh vừa đưa cho tôi khi nãy, đưa vội vào miệng mà ngậm lấy ngậm để, hòng quên đi cái cảm giác đau đớn vừa xảy ra. Đúng là trời cao mà không có mắt.
Chiều hôm ấy, quay trở lại với vấn đề văn nghệ, bọn tôi phải nhờ mấy đứa con gái phụ đạo với biên tập múa cho. Tập thì ít, cơ mà tán phét với lại gõ đầu nhau thì nhiều. Nhưng chí ít buổi đầu tiên, bọn tôi đã phân định vị trí đều sang hai bên cánh gà, cũng như nghe cho nhuyễn cái beat nhạc. Sau đó mỗi đứa con gái sẽ có công tác huấn luyện cho một thằng con trai. Đàn ông đàn ang mà, chân tay cứng còng chứ đâu mềm dẻo, uyển chuyển như mấy đứa con gái đâu, thằng nào thằng nấy lớ nga lớ ngớ. Tôi thì khá may mắn, được cái Ngọc, thủ quỹ của lớp kém về cái món văn nghệ này. Nói sơ qua thì Ngọc khá xinh, trắng, cũng hiền nữa nên thành ra cũng đỡ. Ít ra như vậy thì tôi tập còn hiệu quả hơn đôi chút.
 
Last edited:
Số báo 14
Thứ 7
Hôm nay, tôi lại phải đi tập văn nghệ. Thực sự mà nói thì học buổi sáng, có mỗi buổi chiều nghỉ ngơi tắm rửa ngủ nghỉ, mà chúng nó cũng cướp khỏi tay tôi được. Cơ mà bọn con gái bảo là nếu hôm nay chỉ cần vắng một, nhắc lại là chỉ vắng một đứa thôi, thì ngày mai, chủ nhật, phải đi tập. Và dĩ nhiên, chả thằng khỉ khô nào lại muốn mất oan cả ngày chủ nhật đẹp trời để đi tập văn nghệ, đúng chứ ? Nên là thôi, đã cố thì cố cho trót, mặc dù muốn trốn lắm, nhưng mà nghĩ đến cái màn công nông của thằng Tuấn hôm trước, tôi lại thấy thương cho chú chim nhỏ bé của tôi, thật sự.
Không hiểu tại sao từ dạo tập văn nghệ, để ý thấy Ngọc cũng hay nhìn tôi, nhìn nhiều, nhiều lắm. Mặc dù cảm thấy khá là khó chịu, nhưng mà tôi cũng ngại hỏi. Nếu hỏi ra mà lại không phải như tôi nghĩ thì thành ra nó lại quê, quê nặng là đằng khác. Chúng nó sẽ quy cho tôi cái mác ảo tưởng, ảo tưởng sức mạnh là được người khác thích. Tôi cũng chẳng quan tâm, hiện tại tôi chỉ thích mỗi Linh, thế là đủ.
Hôm nay theo như chỉ đạo của "cấp trên”, thì tôi phải tập trung ở nhà thằng An lớp trưởng để tập. Về cơ bản thì nó là lớp trưởng, hết. Thế nên bọn con gái nghiễm nhiên có thể trưng dụng nhà nó vào mục đích của tập thể. Tính ra cũng còn có hơn một tuần để tập thôi, nên là cũng phải gấp rút, tập nhanh, gọn, động tác phải thuần thục dần để còn ghép với chạy sân khấu. Nay tập tốt thì ít ra tôi sẽ có một ngày chủ nhật đẹp trời để hẹn Linh đi chơi. Tại 3-4 ngày gần đây, mải bận việc lớp với đi học thêm, tôi cũng ít nhắn tin với Linh lại, nói trắng ra là nhắn tin có phần qua loa. Thôi thì cố nốt cho qua cái kì 20/11 này rồi dắt Linh đi ăn bù một bữa cho thoả nỗi niềm, âu cũng như là lời xin lỗi.
2 giờ chiều.
May quá, 14 con lợn còn lại cũng biết đường mà đến cho đủ, không thì chắc tôi tức hộc máu mà ngã ra đất mất. Sau khi đã tụ tập đầy đủ còn hơn cả mấy cái hội nghị thượng đỉnh của cơ quan cấp cao, thằng An lớp trưởng hắng giọng:
  • Nào nào, vào vị trí để tao bật beat mà duyệt này. Nhớ là phải tập đều nhé, không đều là tập lại, hôm nay không đều mai phải đi tiếp đấy, rõ chưa?
  • Rõ - cả lũ đồng thanh.
  • Tao bật đài này, vào vị trí, 3,2,1.. bắt đầu.
" Quê tôi có cánh diều vi vu, xa xa luỹ tre làng....”
Chạy từ cánh gà vào này, phẩy quạt này,.... từng động tác đều được 15 thằng chúng tôi thao tác cực kì chuyên nghiệp. Thằng nào thằng nấy, đều muốn chạy mượt ngay từ lầ đầu tiên để còn về cho sớm. Hôm nay duyệt từ đầu đến cuối mà không có sự chỉ dẫn của bọn con gái nữa rồi, nên bọn nó chỉ ngồi dưới xem thôi. Chẳng hiểu do địa hình địa lợi là tôi đứng gần như là trung tâm sân khấu, hay là do tôi có gì đặc biệt, mà Ngọc nó cứ chăm chăm nhìn vào tôi. Đấy, đây chính là thứ tôi sợ khi phải bước lên sân khấu đấy, sợ ánh mắt của người khác cứ nhìn chằm chằm vào tôi khi mà tôi biểu diễn ấy. Nên là tôi cứ phải vừa nhẩm lời bài hát, vừa tập trung chạy đội hình cho chuẩn chỉ để át đi nỗi sợ thôi. Cơ mà khỏi phải nói, mấy thằng khứa lớp tôi tập tành hẳn hoi trông cũng đâu ra đấy hết. Từ khua tay múa chân, rồi cả cái động tác đứng chụm lại rồi đưa quạt lên xuống nữa, phải nói là đều tăm tắp. Mấy bà con gái bên dưới lại còn vỗ tay làm cho mấy ông tướng được đà múa càng dẻo. Tiếng nhạc kết thúc, bọn con gái vỗ tay như được mùa, khen lấy khen để:
  • Ối dồi ôi, làng nước ra đây mà xem trai lớp 10 Toán tập văn nghệ này, máu chưa kìa, mà múa cũng dẻo nữa, hay quá.
  • Mọi khi thấy ông Tuấn này cứ đấm bạn bôm bốp mà nay múa còn dẻo hơn cả chị em mình ấy nhỉ.
  • Ui xời, bọn tôi đỉnh thật mà, cơ mà khen bọn tôi 1 thì cũng phải khen các bà 10. Không có các bà hướng dẫn thì làm sao bọn tôi múa dẻo như thế này, nhể? Nên là tôi đề nghị, lát tập xòn cả lũ đi ăn chè, thế nào.
  • Nhất trí.
.........
Nhìn mấy đứa chúng nó khen nhau mà tôi cũng vui lây. Cơ mà tôi vẫn sợ việc phải lên sân khấu, nên tôi chọn cách ra bậc thềm ngồi. Chí ít thì việc hít thở sâu sẽ giúp tôi bớt căng thẳng đi đôi chút. Ngồi thẫn thờ một lúc thì tự nhiên một bên má tôi lạnh buốt. Theo phản xạ, tôi quay sang thì thấy Ngọc, trên tay là chai nước khoáng lạnh, đang dí vào má tôi.
  • Nay ông múa tốt quá nhỉ. Ông mà che cái mặt đi có khi tôi còn tưởng ông là bạn nữ nào lên múa thay cơ. Nói chung là đỉnh đỉnh lắm luôn í.
  • Thế hả, cảm ơn bà. Do bà dạy tôi chứ tôi có biết gì đâu mà khen. Với lại tôi còn gượng lắm, sợ đám đông mà. Nãy mấy bà nhìn tôi là tim tôi suýt rớt ra ngoài vì sợ đấy. Cơ mà thôi, kệ, ít nhất có có đóng góp, tham gia với lớp như thế này, thì sau này khi ra trường, tôi sẽ không hối tiếc.
  • Ông có nhiều suy nghĩ người lớn quá nhỉ. Mới có lớp 10 mà đã suy nghĩ đến việc ra trường, chả hiểu kiểu gì. Thôi uống nước đi cho đỡ căng thẳng.
Cầm chai nước lên, tôi tu một hơi hết quá nửa. Nhận thấy Ngọc vẫn còn gì đó thắc mắc với tôi, tôi liền hỏi:
  • Mặt tôi dính gì hay sao mà bà nhìn suốt thế?
  • À không, không có gì. Tôi định hỏi xem mẫu người ông thích là như thế nào í ?
 
Last edited:
Back
Top