Người đàn bà ở ngã ba sông Bồ Đề

Cryolite.A+

Senior Member
(CATP) Người đàn bà có khuôn mặt ráo hoảnh, nhìn ngang vẫn thấy những đường nét của một người trải qua những năm tháng kham khổ ở làng chài Tam Giang, đó là chị Phan Thị Thủy (48 tuổi). Đối diện nhà chị Thủy là gia đình của một nạn nhân trong vụ đại nạn tàu câu mực vừa xảy ra ở làng chài vào đêm 17 rạng sáng ngày 18/10 ở quần đảo Trường Sa. Ngoài 2 ngư dân chết, đến giờ phút này, vẫn còn 13 ngư dân mất tích.

Nơi ngã ba sông


Con sông Cửa Lớn ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam chảy ngang xã Tam Giang, Tam Quang thì rẽ thành ngã ba sông Bồ Đề, sông Đầm Dơi và sông Cửa Lớn. Cụ Lương Văn Ngao (SN 1921) từng kể về thời còn đò ngược, đò xuôi, các chàng trai hay nhắc câu: "Ta về đây ngã ba sông/Bờ tre xanh biếc một dòng nhớ thương". Chị Phan Thị Thủy lớn lên và chỉ xiêu lòng những chàng trai vươn vai trên những con tàu rời làng, bỏ sau lưng ngã ba sông rồi ra Hoàng Sa, Trường Sa. Đoạn kết của câu chuyện là một ngày, chị bỗng dung trở thành người đàn bà gò lưng kéo lưới trên sông Bồ Đề.

Tôi chưa thấy làng quê nào có khung cảnh buồn như ở ngôi làng nằm trên ngã ba sông Bồ Đề, chỉ một thôn nhưng có tới mấy chục nghĩa trang của các dòng họ. Mộ người và nhà cửa nằm lẫn với nhau. Mộ nằm sát đường đi, chiếm hết diện tích ở trên những ngã ba đường có địa thế tốt, mộ sát hông trường học... Sống lâu thành quen nên không ai cũng cảm thấy bình thường.

7a2-5297.jpg

Nghề câu mực khơi đang ở giai đoạn thịnh vượng nhất, ngư dân kiếm được từ 60 - 120 triệu đồng/phiên biển 3 tháng, nhưng lại mang nhiều rủi ro

Nghe vài người dân nói "kia là nhà báo", góa phụ Lê Thị Gòn (69 tuổi) làm quen, chỉ tôi ra thăm ngôi mộ của chồng bà mới được xây dựng lại, nhưng là "mộ gió”. Hóa ra ở ngôi làng này rải rác "mộ gió” khắp nơi.

Tôi giật mình với câu chuyện những người đàn bà ở ngã ba sông Bồ Đề, thoáng đã thành người không chồng. Ngày 27/4/2011, ngư dân Trần Quang Thống, SN 1954 thả thúng từ tàu đánh cá xuống biển để đi câu mực ở quần đảo Trường Sa. Một tai nạn hy hữu xảy ra khi có tàu vận tải băng ngang qua, đè nghiến chiếc thúng và ông Thống mất tích giữa thanh thiên bạch nhật. Hàng ngày, bà Gòn ra đứng ngó về ngã ba sông và đếm tháng ngày trôi qua.

Rồi 2 người con trai là Trần Quang Lạc, Trần Văn Minh lớn lên, tiếp tục nhảy xuống tàu đi câu mực. Con của bà nếu bị những vụ tai nạn nhỏ thì trở về đều giấu biệt, vì không muốn những người đàn bà ở nhà thêm lo lắng. Về phần mình, bà Gòn thốt lên câu: "Thôi, sinh nghề tử nghiệp, chứ biết làm sao. Ở Tam Giang này không câu mực thì làm nghề gì, làm nghề trong sông thì làm sao đủ gạo nấu".

Tôi gặp chị Thủy, nhắc chuyện "mộ gió” của bà Gòn, chị Thủy kể chuyện đời rồi nhắc tôi ra thăm ngôi "mộ gió” nổi tiếng nhất ở xã Tam Giang. Buổi chiều ở Tam Giang nắng nhẹ, nhưng nghe từ "mộ gió”, trong lòng tôi có chút chếnh choáng, cảm giác như mình đang trôi đi trên một tần số lạ. Lạ, vì tới xứ sở ngã ba sông đầy gió, thoảng mùi bùn đất, cát bụi và nhận ra số phận của những người đàn ông dám đi xa, dám làm chuyện lớn, khát vọng chinh phục, mặt trái của một cuộc đời ngang dọc là đôi khi họ lại tan đi như một cơn gió thoảng sau khi sống quãng đời huy hoàng.

7a1-5297.jpg

Chị Phan Thị Thủy bên ngôi mộ gió ghi tên 4 người thân

Thót mình giữa dòng đời

Nghề câu mực được ngư dân ví von như đi Grab. Tàu mẹ chở ngư dân và thúng chèo ra Hoàng Sa, Trường Sa. Những ngư dân này câu được mực sẽ chia phần trăm cho chủ tàu. Cứ buổi chiều thì thả thúng rời tàu mẹ đi câu, sáng sớm quay trở về. Đêm một mình trên thúng, thỉnh thoảng có lốc xoáy thì dàn thúng trôi lạc, úp thúng và có ngư dân không về, làng chài lại thêm ngôi "mộ gió”.

Mười bảy năm sau đại nạn Chan Chu, những người đàn ông vẫn tiếp tục rời làng ra Hoàng Sa, Trường Sa trên những chiếc tàu làm nghề câu mực. Ông Phan Trinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Giang cho biết, riêng địa phương này có 48 tàu câu mực. Theo chia sẻ của ông Trinh, càng xảy ra nhiều vụ tai nạn thì ngư dân càng nỗ lực hơn trong việc nâng cấp tàu. Thời xảy ra cơn bão Chan Chu, tàu của làng chài chỉ dài chừng 21m, công suất máy tàu chỉ từ 500 - 700 CV. Còn hiện nay, ngư dân đã nâng cấp lên, tàu dài 27 hoặc 30m, có tàu đã lắp máy lên đến 1.200 CV.

So với nghề đánh lưới, 48 tàu chỉ là một nhóm tàu nhỏ. Nhưng đối với nghề câu mực, 48 chiếc tàu đã là một đội hùng binh khá hoành tráng trên biển. Bởi, một tàu câu mực chở theo hơn 50 ngư dân. Vì vậy, riêng trai tráng nghề biển trong làng đã cần có tới 2.400 người. Đầu năm, những người đàn ông rời làng ra Hoàng Sa 3 tháng, sau đó tiếp tục đi thêm 2 - 3 chuyến ở quần đảo Trường Sa. Nơi nào đàn ông tụ hợp ngồi nhậu để chia tay trước khi lên đường, đó là nơi người đàn bà có thể nghe lỏm được vài chuyện mà người chồng không bao giờ kể.

Mùa biển đầu năm 2023, ở bên này sông, thuộc xã Tam Quang, chị Mai Thị Nghị (42 tuổi) lắng tai nghe lỏm được chuyện ông chồng là ngư dân Đinh Văn Phương đi câu mực đã bị lọt giàn. Qua câu chuyện vài người kể lại, chồng của chị rớt từ giàn phơi mực trên nóc xuống thành tàu, nhưng anh tự khắc phục nỗi đau rồi lại tiếp tục đi câu. Còn vài người vợ khác thì nghe tin ông chồng hối hả dáy thúng (chèo) để né vòi rồng, trong khi miệng la to "bả tới, ông vòi rồng tới đó!".

7a3-5297.jpg

Bà Lê Thị Gòn ngồi nói về "mộ gió”

Thời đi thuyền nhỏ, ngư dân chỉ mang theo được thúng có đường kính khoảng gần 3m, nửa đêm có gió lốc thì thúng lại chìm. Nay ngư dân đóng tàu lớn, nâng cấp song song với đan thúng rộng 5m, nặng hàng trăm ki-lô-gam. Những cơn gió lốc không còn lật được thúng, sóng cao khoảng 1m thì thúng vẫn bồng bềnh trên sóng nước. Số vụ tai nạn giảm đi rất nhiều, nhưng do ngư dân đi câu cá trong mùa đông nên thường đối mặt với "vòi rồng".

Mười bảy năm về trước, bốn người thân trong gia đình chị Thủy xuống tàu, ra khơi đi câu mực, chị giật mình thon thót mỗi khi ai đó nhắc chuyện lỡ ban đêm gặp "ông vòi rồng". Vụ hai tàu câu mực của ngư dân tỉnh Quảng Nam vừa bị chìm, anh Nguyễn Văn Tân ở xã Tam Quang và nhiều ngư dân kỳ cựu dự đoán, đó là những tai ương bởi "vòi rồng". Vào tháng 10, ở quần đảo Trường Sa thường hay xuất hiện "vòi rồng" hút nước. Mỗi khi một đám mây đen phía đường chân trời sà thật thấp, sau đó xuất hiện thêm 2 cái đuôi dài từ từ nhúng xuống nước là trên biển bắt đầu xảy ra một trận cuồng phong.

Các ngư dân mô tả, "vòi rồng" tiến tới gần sẽ phát ra âm thanh ầm ĩ, tiếng rít ghê hồn và mọi người phải tháo chạy thật nhanh để tránh né. Nhưng nếu thời tiết xấu, tầm quan sát hạn chế thì không phát hiện được. "Vòi rồng" chỉ ghé qua 30 giây là mọi thứ sẽ tan tành, nó sẽ hút giàn câu mực lên trời và ấn mạnh tàu xuống biển.

Gắng gượng đứng lên

Đi 2 bên sông Bồ Đề, gặp nhiều người phụ nữ, vợ các ngư dân câu mực, chị Thủy là hình tượng người đàn bà, thân nhân của 200 ngư dân xấu số từng nằm lại trong siêu bão Chan Chu 17 năm về trước. Chị nói về cuộc đời của người đàn bà làng biển "hẫng chân", rồi để lại lời khuyên, an ủi với vợ các ngư dân chẳng may phải đắp "mộ gió”.

Chị Thủy một nách đàn bà ở làng chài với 2 cậu con trai. Người chồng mất, cha chồng và 2 người em nằm chung trong 1 ngôi "mộ gió”. Một mình chị gánh đống nợ vun tới đầu, nợ ngân hàng hơn 300 triệu, nợ bên ngoài gần 400 triệu đồng. Từ chủ của một chiếc tàu câu mực, chị trở thành người đàn bà gầy nhom, tần tảo trên sông Bồ Đề. Chị sắm được tấm lưới cước và chèo chống chiếc đò nhỏ ra sông đánh lưới để mua gạo, mua rau kiếm sống qua ngày, nuôi 2 người con trai học hành.

Sông dần dần ít cá, chị vào xí nghiệp làm công nhân may mặc, nhưng rồi lương không đủ trang trải, lại tiếp tục đi làm nghề buôn thúng, bán bưng, nước mắt lưng tròng ở ngã ba sông. Rồi chị chuyển sang nghề buôn cá từ năm 2017, cứ 3 giờ sáng ra bến, chở cá lên chợ. Chị từng bỏ ra 3 năm ngóng chờ. Chị luôn chờ phép màu, nhưng giờ thực sự tất cả đã tan vào gió.

...
 
Back
Top