Những câu chuyện kì bí của "Người Kể Chuyện"

Sắp 30/4 rồi, thím @cuteomegai pm ổng viết về kỷ niệm những ngày tháng 30/4 hoặc lúc ổng sắp rút quân khỏi Cam đi nào.
a36H9kK.png
để hỏi ổng
 
Này gom 2 post vào 1 đọc cho dài nhé các bác

NHỮNG NGƯỜI BÁN DAO CHỊU THẦN BÍ

Tôi nhớ chính xác là vào tầm tháng 3 âm lịch, hôm đó là tết Thanh Minh năm 1997 của người Trung Quốc, khi đó tôi đang ở Lãnh Thuỷ Than- Vĩnh Châu, nơi đó tiếp giáp với Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam.
Vào buổi chiều muộn khi tôi đang ngồi câu cá ở bên hồ Lâu Các thì anh T. một người anh đáng kính, đã chạy ra gọi tôi; Mau theo anh, anh chở tôi trên chiếc xe đạp khung sườn ngang cao nghêu có cái chuông to bằng nửa quả dừa đằng trước mà dân ở đó hay dùng, chạy dọc theo con đường làng Thị Lâu..lúc đó trời gần tối và thấy anh rất vội vàng, và có vẻ như tìm kiếm ai, nên tôi không dám hỏi anh câu nào, chỉ quẳng chiếc cần câu vào bụi cây liễu rồi lên xe anh chở.
Hai anh em cứ đèo nhau chạy ra tận chân đập là hết bìa làng, anh chỉ nháo nhác như tìm kiếm gì đó chứ chúng tôi không biết hỏi ai do dân ở đó nói tiếng Cám - một ngôn ngữ địa phương của họ mà chúng tôi không hiểu nhiều lắm- cuối cùng tới cả gần chục cây số thì hai anh em dừng lại khi ánh nắng đã tắt hẳn và con đường vắt qua cánh đồng mờ mịt vào thung lũng chẳng còn bóng người nào…
Tới lúc đó tôi mới hỏi anh; Anh tìm gì thế?
- Anh vừa nghe nói có người bán dao đi qua làng, chạy ra gọi em cùng đuổi theo đây..tiếc quá, không gặp họ rồi!


Thú thực, lúc đó tôi lần đầu nghe tới người bán dao dạo này, chứ trước đó chỉ nghe nói tới người bán đá lửa và chỉ thêu rong thôi chứ chưa nghe và chưa biết tới người bán dao rong..
Sau này tìm hiểu thêm từ nhiều người già, tôi mới biết thêm vài thông tin, chắc có lẽ anh tôi đã từng nghe và biết những câu chuyện kỳ lạ từ những người bán dao rong này nên anh mới vội vàng đuổi theo và kiếm tìm như vậy, và cho tới tận bây giờ anh vẫn tiếc nuối khi hôm đó chúng tôi không gặp những con người kỳ lạ đó.
Chỉ thời gian gần đây khi mọi câu chuyện lạ kỳ được tung lên trên mạng thông tin internet thì những câu chuyện về những người bán dao dạo ở TQ ngày xưa được nhiều người trên thế giới biết tới, còn ở tại nơi đó thì ở những vùng nông thôn xa xôi nhiều người có tuổi hẳn không xa lạ.
Đây không phải câu chuyện ma quỷ hay tâm linh rùng rợn gì đó, nhưng với cá nhân tôi thì qua lời kể từ miệng những người già đáng kính, nó thật kỳ bí và lạ lùng. Tôi tiếc rằng chưa một lần được nhìn thấy những người bán dao kỳ lạ đó ngoài đời thực, hay thậm chí là ngôi mộ của họ..
Những người già kể lại rằng, những người bán dao này xuất hiện từ rất lâu đời ở TQ, nhưng gần như chẳng ai biết gốc tích họ ở đâu, có chăng chỉ nghe qua thổ ngữ thì chỉ đoán họ là người địa phương đó, còn cụ thể là ai, ở chỗ nào thì chịu..
Những người bán dao thường ăn mặc tồi tàn, gánh gánh dao làm bếp đi bán rong khắp hang cùng ngõ hẻm, nhưng hầu hết là bán xong và thu tiền ngay..thì có ở nhiều nơi không riêng TQ. Nhưng những người bán dao dạo thường xuất hiện vào lúc chiều tà và thường bán dao xong không lấy tiền ngay mà hẹn tới một thời điểm nào đó mới quay lại thu tiền mới là điều lạ lùng mà có lẽ chỉ nơi này mới có.

Đó là những người bán hàng lạ lùng và bí ẩn, họ thường đưa ra những lời tiên tri rất ngắn gọn và cụ thể, ai tò mò muốn hỏi thêm cũng chẳng thể có câu trả lời nữa..
Họ có khả năng tiên tri nhiều thứ, từ sự tăng giảm của giá cả tiêu dùng tới sự thịnh suy của thời thế, thậm chí tai ương sắp xảy ra..cho những người dân nơi họ đi qua. Sở dĩ họ bí ẩn và kỳ lạ là những tiên tri của họ gần như đều đúng tới 9/10, tuy nhiên họ không phải là những người xem bói dạo, thầy tướng số, tử vi, hay phù thuỷ..mà chỉ đơn giản là đi bán dao..chịu, vậy thôi, lời lãi chưa biết, không cần thu tiền ngay và hành tung bí ẩn, khiến họ trở nên bí ẩn và lạ lùng.
Ban đầu, người ta còn nghi ngờ những người này thuộc giới hắc đạo, ban ngày đi “tăm tia” đợi đêm xuống hành sự trộm cướp, thế nhưng hoàn toàn không phải vậy, chẳng có vụ trộm cướp nào xảy ra.
Một người bạn già của anh T. tên là S.Z có kể lại, khi còn làm công an tại Chu Châu, Hồ Nam, một lần anh S.Z đã cất công theo dấu một người bán dao dạo này, khi vô tình gặp họ đang bán dao, anh cùng một đồng sự đã bí mật theo dõi người bán dao đó tới vài chục km. Người bán dao đi thong dong trên đường, thỉnh thoảng lắm mới đập hai con dao vào nhau cho phát ra tiếng kêu cùng lời rao; Ai dao bếp nàooo.., không nhìn ngang ngó dọc, cũng không sốt ruột khi cả ngày không bán được con dao nào, tới tối họ vào quán ăn, chỉ gọi vài cái bánh bao và xin một ống nước, rồi ra chỗ vắng vẻ hoặc rừng nghỉ đêm, ngồi thiền chứ không nằm ngủ.
Họ thong dong như đang đi du ngoạn chứ không phải là mưu sinh, và hai lần theo dấu họ anh S.Z đều mất dấu họ một cách bí ẩn, như họ đột ngột bốc hơi luôn, một lần qua một khúc cua vắng vẻ, họ gần như biến mất, một lần thì cũng ra tới cổng một ngôi làng, chỉ một con đường vắng chẳng còn thấy bóng dáng họ đâu nữa.

- Có thể chúng tôi đã không tập trung, hoặc là đã nhìn nhầm sang người khác, anh S.Z nói, chứ họ không thể là ma quỷ hay phù thuỷ như lời đồn đại đâu.
“Sở Cẩm” bên đó từng có những hồ sơ về những con người bí ẩn làm nghề bán dao hay những vật dụng làm bếp, làm nông này.., theo tôi nghe lỏm được thì họ đơn giản chỉ là những người nghèo khổ lang thang, từ Bắc chí Nam, khắp hang cùng ngõ hẻm, họ không biết chữ và chỉ nhớ láng máng tên và quê quán vì đã phiêu bạt, thậm chí có người bị mù loà, họ lương thiện và hoàn toàn vô hại với xã hội chỉ lần mò đổi mồ hôi lấy miếng ăn, chẳng có gia đình và vợ con, cũng chẳng có gốc tích cụ thể..
Với gánh dao làm bếp nặng trĩu trên lưng họ đi khắp ngang cùng ngõ hẻm, có lúc rao bán, và nếu người mua nghe thấy mà chạy ra mua dao, thì cuộc mua bán có thể sẽ diễn ra bình thường, là tiền trao, cháo múc..nhưng khi họ không rao bán mà có người lại hỏi mua thì sẽ là câu nói;
-Tôi sẽ bán chịu cho cô, chị, bà, anh..vv!
-Anh không sợ mất tiền sao?
-Không, tôi không sợ..
  • Vậy khi nào anh quay lại đây lấy tiền???
  • Khi nào con sông này không còn chảy qua đây nữa, tôi sẽ quay lại lấy tiền, và giá lúc đó sẽ tăng gấp năm, hoặc gấp mười lần…
Trời, con sông này cả ngàn năm nay nó chảy qua đây rồi, để nó thay đổi dòng hoạ có ngàn năm nữa à..
Và người mua nhanh chóng đồng ý.
Hoặc;
  • Khi nào dòng sông này có màu đỏ như máu thì tôi sẽ quay lại lấy tiền.
  • Khi nào trong làng có con gà mái thứ ba gáy lên thì tôi sẽ quay lại lấy tiền.
..
Vào những năm xa xưa khó khăn, người dân còn nghèo và đời sống khó khăn, nên gần như bất cứ vật dụng gì của họ cũng đều mang khái niệm là “gia tài” nên một con dao làm bếp tốt cũng là một đồ vật giá trị mà chẳng phải ai cũng có như bây giờ..
Người bán dao biết chữ thì chỉ cần ghi địa chỉ người mua cẩn thận vào một cuốn sổ, còn không biết chữ thì họ ghi nhớ trong đầu một cách thần kỳ- điều này tôi từng chứng kiến và nó là sự bí ẩn của bộ não con người, ông trẻ tôi là một thầy thuốc nam, ông không hề biết chữ, nhưng ông nhớ từng bài thuốc bao nhiêu vị thuốc và số lượng, trọng lượng ra sao, tới lúc già ông bảo con cháu ghi lại từng bài thuốc vào 4 cuốn sổ tới hơn 300 trang, với hơn 200 bài thuốc, chẳng thiếu hay thừa một vị thuốc nào, điều đó khiến tôi hoang mang về sự ghi nhớ của bộ não của ông..- những người mù cũng ghi nhớ như vậy.
Và rồi, một người mua chịu được loan báo khắp làng xóm, những người khác cũng kéo tới và mua..chịu, người bán dao vui vẻ bán, trong chốc lát thì sạch bách dao rựa, và người bán dao cũng rời đi.

Một năm rồi hai năm, người ta đã quên chuyện mua chịu con dao, cho tới khi thiên tai ập xuống, ngọn núi đã sạt lở xuống chắn ngang con sông khiến nó đổi dòng, làng mạc phía bên kia trôi theo dòng nước lũ, nhưng bên này vẫn còn nguyên và yên ổn.
Dòng sông Dương Tử đã có thời điểm cạn khô hoặc đỏ rực một màu như máu khiến người dân vô cùng hoang mang lo sợ..
Và gà mái gáy luôn là điềm gở, một con gáy lên vài chục người biết, hai con gáy lên thì cả trăm người biết, tới con thứ ba thì là nỗi khiếp sợ bao trùm lên cả làng cả huyện. Tai hoạ có khi chưa tới nhưng ai cũng sợ hãi bởi lời nói của người bán dao chịu năm xưa.
Người bán dao năm nào quay lại, người ta kinh sợ mà trả đủ tiền, thậm chí có những người đã chuyển đi không còn ở nơi đó nữa, đã phải quay lại đưa tiền cho người quen để nhờ họ trả cho người bán dao ngày xưa..
Tại sao lại là bán dao mà không phải là bán thứ gì đó đáng giá hơn, khi mà một lãi 5 lãi 10 sau một hai năm?
Những thứ đáng giá thì có thể người dân nghèo không đủ tiền, và nó không phải là thứ công cụ thiết yếu cho cuộc sống thường nhật của họ, và còn một lý do nữa người ta kỵ khi mua hay xin hoặc lấy một con dao của ai đó, tôi xin kể chuyện này ở một bài khác.
..
Ngoài những lời tiên tri về thiên tai hay điềm gở báo, thì còn những tiên tri về thời thế, vận mệnh của đất nước đó, như máu chảy đầu rơi, ly tán hợp tan..mà người bán dao chịu nói ra thì còn những điều khác đôi khi mang những màu sắc dị đoan, không qua kiểm chứng cụ thể nên tôi không muốn kể lại, nhưng với tôi thì nó khá lạ lùng và khó lý giải, vì những người bán dao này không phải là những người “xem bói” dạo hay thầy tướng số tử vi dạo rất nhiều ở TQ.
Những người bán dao chỉ thường tự nói ra điều hoạ hay phúc cho một ai đó một cách tự nhiên, và họ cũng không nhận sự báo đáp khi người kia tránh được hoạ tai, hay gặp phúc đức.
..
Có nhiều những mẩu chuyện lượm lặt trên đường theo bước chân tha phương của tôi, tôi không muốn tìm kiếm điều gì mà chỉ đơn giản là sự tò mò, tò mò ở những điều bí ẩn khó lý giải mà nó lại sảy ra, nhiều việc tôi thấy bằng chính con mắt của mình, tuy nhiên tôi chẳng có đủ trình độ hay sự hiểu biết để có thể phân tích hay giải thích được điều gì, chỉ đơn giản là kể lại cho mọi người nghe cho vui, tôi không phải người mê tín nên có thể con mắt nhìn của tôi hơi khác một chút xíu.
Những người bán dao chịu thì nổi tiếng trong dân gian thậm chí trong cả văn học TQ, họ luôn có một thân phận kỳ lạ và bí ẩn, thậm chí có người còn phân tích đó là những bậc thầy về kinh doanh maketting, hoặc nắm bắt về thời cơ đầu tư sinh lời, hoặc là thành viên của “Thiên cơ các” hay là hậu sinh của Quỷ Cốc Tử, một nhân vật bí ẩn và rất giỏi về huyền thuật, tướng số thần bí…


=========================================================

LAN MAN ĐẦU TUẦN

Thời tiết ngày càng kỳ cục, Việt Nam thì lúc lạnh lúc nóng, Lào thì sương mù dày đặc triền miên, Cam thì chưa tới mùa mưa nhiều nơi đã mưa chết cò rồi, xong lại nắng như đổ lửa, có điểm chung là những đất nước này đã tàn phá môi trường một cách không thương tiếc, rừng nguyên sinh phòng hộ cơ bản là gần như đã phá xong, thuỷ điện chặn dòng chảy, và khu công nghiệp mọc như nấm. Tương lai là con người sẽ phải hứng chịu nhiều bất thường nữa từ thiên nhiên, nói chính xác hơn là từ chính con người…

Hôm qua một người bạn tôi chợt lên cơn sốt rét, dù đã tới gần 30 năm nay bạn không còn bị sốt rét nữa.
Có một điều khá lạ là không riêng bạn tôi, ngay cả bản thân tôi cùng với khá nhiều các anh cựu lính từng ở Cam trở về, tưởng rằng sau bao năm tháng cơn sốt đã ngủ yên, nào ngờ gặp lại cảnh cũ người xưa nó lại trỗi dậy.
Nguồn nước ở nơi này thật kinh khủng, chắc có lẽ ông bà phải gánh còng lưng mới có thể thoát khỏi sốt rét nếu là lính từng ở đây mất bà con ạ..gần như ai cũng bị, không nặng thì nhẹ. Có người chết ngay trong cơn sốt đầu tiên, có người may mắn qua được..sau sốt thì người lính thành thân tàn ma dại theo đúng nghĩa, mắt thất thần, nhìn đâu cũng thấy hoa hoè hoa sói, đom đóm bay lượn, tai ù đặc, máu như sôi và não như khô cả lại, da xanh mét và pha sắc vàng ệch, đôi môi thâm đen như người nghiện xì ke, mọi sự trao đổi chất trong cơ thể dường như dừng cả lại, chỉ có cơn đói và khát thì cồn cào, chả có gì ăn thì người lính uống nước cho khỏi đói, và họ uống như muốn cạn cả dòng sông nước..rồi liêu xiêu vờ vật tới nỗi ruồi đậu lên mặt cũng chẳng thể đuổi nổi..
Tôi từng bị những cơn sốt như vậy, một dạng sốt rét huyết sắc tố kinh hãi đái và nôn cả ra máu, may mắn là không chết, nhưng đang từ 73kg tôi còn 51 kg chỉ trong chưa tới 10 ngày, người như một bộ hài cốt chỉ có thể bò, tai ko nghe thấy gì và mắt cũng chẳng nhìn thấy gì ngoài một màu tím và cam loè nhoè, cứ đứng lên là mọi thứ quay cuồng rồi lại ngã khuỵu xuống, miệng nói lảm nhảm vô nghĩa, tay cứ quờ quờ bắt chuồn chuồn.. không còn cầm nổi chiếc bidong đựng nước mà anh em khác đưa cho, mọi người đã mặc cho tôi bộ đồ lành lặn nhất và đưa lên võng chuyển từ rừng Amlenh ra lên trực thăng về viện 7, anh em lo tôi sẽ chết giữa đường. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi chỉ luôn miệng bảo anh em buộc dây giày lại cho tôi, vì tôi sợ khi chết mà chân trần, một điểm yếu nhất là tôi không quen đi chân trần, còn quần áo hay bất cứ thứ gì, ko có cũng chẳng sao.. Lúc đó nói thật, tôi muốn chết để thoát khỏi cái cảm giác kinh khủng đó, rồi hôn mê chẳng biết gì tới tận 5 ngày rưỡi, khi tỉnh lại còn thấy cả bó nhang ai đó mua sẵn cho mình để trong cái ba lô rách, trên đầu nằm. Chắc ông bà gánh dữ lắm nên tôi lại quay lại trần gian rong ruổi tiếp..

Mùa mưa hồi đó ở Cam sao nó kinh khủng thế, mưa thối đất thối cát suốt ngày đêm, anh em miền Nam hay có câu đùa vui; Giang hồ hiểm ác anh không sợ, chỉ sợ giặt đồ đ có chỗ phơi, quả đúng thật từ thằng người tới quân trang ướt không còn một thứ gì khô khi phải luồn sâu, cứ đội mưa gió mà đi lầm lũi, vì có chỗ nào mà trú mưa ở những cánh rừng xác xơ đó, mệt quá thì nằm vật ra ngủ mặc cho mưa xối xả lên mặt, có người sặc cả nước mưa.
Mưa nước lên tới đâu là cá có tới đó, cá nhiều vô kể, nhưng thứ mà người lính luôn thèm và cần là rau xanh thì chẳng có, bất cứ mùa nào. Tôi từng ăn như một con trâu bị bỏ đói khi vớ được mấy quả đu đủ xanh lè, toàn nhựa, ăn xong đắng ngắt miệng và cồn cào cả ruột gan, rồi say thứ nhựa đu đủ đó sùi cả bọt mép khi ở thung lũng Thamabeng, một thung lũng tử thần chỗ nào cũng có xương người và mùi thum thủm nồng nồng của tử khí luôn vảng vất xung quanh, có tới mấy ngàn người chết trong cái thung lũng đó, ở lại căn cứ bỏ hoang của trung đoàn 141 xây dựng, nơi này nổi tiếng là nhiều “ma quỷ” nghe các anh từng ở đó nói lại vậy.

..
Qua Samraong thì dễ thở hơn chút, vừa mới yên bình nhưng dân bắt nhịp cuộc sống mới rất nhanh, lại buôn bán tấp nập ngược xuôi, hàng viện trợ từ biên giới qua, phum sóc giàu lên và thay đổi từng ngày, xe gắn máy chạy vè vè khắp nơi, cả xe hơi, tung bụi đỏ mù mịt. Ở lộ 68 này giáp biên giới Thái, có nhiều kỷ niệm với tôi, từ chăn bò tới đi bắt ong, bắt kiến, bắt cá, đào chuột tới chở mía thuê..
Chả biết cái nông trường 126 moi đâu ra mấy cái xe Giải phóng cũ rích, để làm phương tiện vận chuyển mía và dứa, đường thì xấu, lái thứ của nợ đó đúng là trần ai, tay to như cái phích bà con ạ, xe thì to, chở thì nặng mà không có trợ lực lái bằng điện hay bằng hơi, chỉ có trợ lực bằng cơm thôi, tay lái bay hết cả ốp nhựa còn trơ mỗi cái xương sắt, vần muốn nổi hạch nách, đã thế còn hai côn nữa mới lộn ruột, côn ra số, xong lại côn để vào số..gọi là ối giời ơi luôn, lái xong về đêm vẫn còn nằm mơ tay vần chân đạp..cửa thì cột dây thép hay làm cái chốt như chốt cửa chuồng gà , đường xấu nhiều chỗ mở sẵn cửa xe có lật là bay như ếch, nhảy dù ngay, kính thì không có, nóc thì ko có trần chống nóng, ngồi trong cái của nợ đó ì ạch bò giữa mùa hè Cam không khác gì ngồi trong lò bát quái.
Mà chả biết sao chỗ tôi ở gần mấy cái phum, phum nào cũng giàu lắm, người ta đi buôn bán tấp nập, nhạc xập xình ngày đêm, rồi chỗ nào cũng thấy cờ bạc, ăn nhậu búa xua, bia bọt tưng bừng, lễ hội hay đám cưới thì khỏi nói luôn, bão gọi là sập sàn..
Nhớ tới lễ hội lại nhớ tới một kỷ niệm khá vui.

Lúc đó chúng tôi ở cua chữ V trên lộ 68, đi từ Samraong lên phía biên giới Thái, qua nông trường cao su 31 lên chừng gần 2 chục cây, chúng tôi ở gần một ngôi chùa bỏ hoang, trước mặt là cái trường học có mấy lớp vỡ lòng i tờ ê a, con nít mới được đi học lại nhưng khó khăn lắm mới điệu cổ chúng đến lớp được, chúng đi hầu sòng bạc hay đá gà có tiền hơn mà.
Cạnh đó có ba cái phum, ngoài cùng sát rừng mai là phum Sơ nang, rồi tới phum Sơ nang chây, cuối sát suối cạn là phum Nang chếch hay sơ nang chếch tôi quên mất rồi.
Một hôm quân báo K báo về có một “con cá to” Sơ rây K, về phum Sơnangchay họp hành gì đó, tình hình khi đó vẫn loạn xà ngầu, chính quyền thì ngày ta, đêm giặc..
Đơn vị bạn vội triển khai bủa lưới, nhân đang có lễ hội năm mới của họ, trống kèn tưng bừng thâu đêm suốt sáng, lính bạn cải trang thành dân đi hội trà trộn vào phum, chúng tôi chỉ hỗ trợ vòng ngoài, trong vai những người đi bắt ong, rồi chờ tối trời mật phục ở cây cầu sắt qua suối cạn đi sang phía Kapchoeng, Thái..đó là đường rút chạy khi bên trong phum bị vây bắt, để qua Thái nhanh nhất.
Mấy anh em mặc sà rông nằm dưới gầm cầu, cầu sắt nhưng ván sàn bằng gỗ, chả ngờ là chỗ “ếch nhái” của trai gái phum ra diều gió, họ tụ tập hò hát rồi uống bia rượu cãi chửi nhau chí choé trên đầu chúng tôi, thậm chí trước khi vào phum nhảy múa các cô còn vén váy xè xè “đánh dấu lãnh thổ” nữa, qua khe ván chảy xối xả xuống đầu mấy thằng bên dưới, bia rượu lắm vào đái khai mù..
Đơn vị bạn đan lưới kín quá nên chẳng thằng nào rút được ra, tới sáng anh em tôi vào phum, người ướt sũng khai mù.

Dân phum tụ tập rất đông, khi biết chúng tôi từ gầm cầu lóp ngóp chui lên nhiều cô gái đã ngượng đỏ bừng mặt, chắc do đêm qua có vén váy đánh dấu lãnh thổ trên đầu chúng tôi.
Có chừng hơn 20 người tình nghi bị lính K trói nằm dưới đất, có bốn nhà sư thì được ngồi trên ghế, chẳng hiểu sao khi tới, tôi cùng anh L đều không quan tâm tới đám bị trói nằm dưới đất, đã được xác định là tàn quân, mà chúng tôi chú ý tới mấy ông sư kia hơn. Đám lính bạn thì đang lục tung hai ngôi nhà dài để tìm vẫn không thấy “con cá to” kia đâu.
Tôi mò vào phía ngôi nhà dài (nhà tổ chức sự kiện của họ) không vào nhà mà loanh quanh phía ngoài đằng sau xem xét, một lính K chạy từ vườn cam phía sau về cầm theo một chiếc túi vải, bên trong có hai cuốn sổ một cây bút, gói thuốc lá city gold, một chiếc khăn cà ma vải lụa (người giàu dùng vải lụa, người nghèo hay dùng vải coton bình thường) và một khẩu súng k59 hai hộp tiếp đạn đầy đạn..bảo người lính dắt ra chỗ tìm thấy cái túi, tôi tìm quanh thì đúng như tôi dự đoán, phía dưới hai tàu lá thốt nốt rụng là những lọn tóc hoa râm..
Quay trở lại chỗ mấy nhà sư ngồi, chúng tôi đã vồ ngay “nhà sư” già đang ngồi ung dung trên ghế trước sự ngỡ ngàng của hắn. Khi biết bị vây không thoát được nó đã bảo cận vệ cạo tóc bằng con dao găm rất sắc của tên cận vệ và mặc ngay bộ đồ vàng của nhà sư vào tính giả chết bắt quạ, ve sầu thoát xác nhưng không thành.

Buổi chiều đó chúng tôi được họ mời ăn món lạp Khmer cay nổ đom đóm mắt.., món này là một trong những món mà tôi cảm thấy ngon trong những món ăn của họ ở đây. Thịt bò bắp thái mỏng và ướp với nước chanh cho tái, sau đó trộn gia vị hành, tỏi, tiêu, sả và ớt cùng nước mắm, đường thốt nốt nên vị ngọt không nhiều lắm, ăn rất ngon bà con ạ.
Còn món thịt bò xào kiến nữa, họ treo miếng thịt bò vào gần tổ kiến đỏ, phải tìm tổ to và con kiến cũng to, lũ kiến bu vào cắn miếng thịt chuyển màu, rồi họ bắt cả lũ kiến đó, xào chung với thịt bò cùng rau thơm, hẹ với nhiều thứ gia vị khác, có nơi thì chỉ bắt kiến xào chung chứ ko cần để nó cắn vào miếng thịt, ăn có mùi hơi khai và hăng hăng cay cay, đó là vị của nọc kiến.
Chúng tôi vừa ngồi đánh chén vừa nháy mắt với các cô gái nhảy múa vì chưa tới lễ hội Bom chaul chnam ( té nước) mà đêm qua đã được các cô té nước trước rồi.
 
Những miếng ngọc bội.

Định kể cho bà con nghe vài mẩu chuyện nhỏ từ đêm qua mà chuyến bay dài và mệt quá không thể viết nổi nữa, mong mọi người thông cảm.
Sáng sớm nghe anh em thông báo ngoài Bắc nhiều nơi đã râm mát lại sau hai ba ngày đổ lửa, vậy là mừng rồi.
Nay xin kể lại cho bà con nghe một mẩu chuyện cũ, từ những ngày tôi còn trong rừng rú lan man tới tận những năm 2000, câu chuyện xoay quanh những miếng ngọc bội cũ, mà tôi vô tình có được và cũng vô tình nhìn thấy nó.
Ngày đó chúng tôi ở Pailin, một hôm phía bạn bắt đâu được mấy người dân buôn, trong đó họ tình nghi có hai người là quân báo của pot trà trộn vào, một trong hai người này là đàn bà, chị ta trông chừng hơn 40 tuổi, người thấp đậm, da đen tóc ngắn đặc trưng những người đàn bà thời khmer đỏ, tuy cố tỏ ra vô tội nhưng nhìn qua nhiều biểu hiện là anh em biết bà này không phải “dạng vừa” đâu.

Khi kiểm tra tư trang của chị này, tôi nhớ láng máng có một số tiền khá lớn vào lúc bấy giờ, có thể nói nó hơn một gia tài của người dân chung khi đó ở cái đất nước mới giải phóng khỏi sự huỷ diệt của chính những kẻ cầm đầu cái chính phủ tàn ác Khmer Đỏ.
Khoảng chừng gần 20 ngàn đô la Mỹ, vài chục ngàn riel và cả vàng lá nữa, có tới 2-30 miếng vàng được quấn cẩn thận ở hai bắp chân chị này, chị ta luôn miệng leo lẻo khai là dân buôn thôi.
Lần đó thứ tôi chú ý trong cái túi đeo bên người của chị ta là một cái túi rút dây như túi con nít ngày xưa hay đựng mấy viên bi, trong đó có mấy miếng ngọc màu xanh rất nhạt, nó được mài rất cầu kỳ và không giống bất cứ thứ đồ trang sức nào.
Những miếng ngọc phỉ đó có hai miếng dẹt cỡ chừng gần bằng ba ngón tay, hai miếng thì mài hình trụ to bằng ngón tay..hỏi chị ta là cái gì thì chị ta ấp úng nói không biết, chỉ biết là của lính pốt lấy của dân giờ chị ta có nhiệm vụ đem bán để mua lương thực thôi…
Sau đó chừng hai năm, khi tôi ở Xiem Riep, gần đường 12, cạnh cái phum gì đó tôi không còn nhớ tên, chỉ nhớ ngoài phum có cái hồ nước hình chữ L rất to, gần hồ có ngôi chùa bỏ hoang nóc bị đạn bắn tè le, tượng thì bị lũ pốt đập vỡ quăng lung tung.
Có con đường cũ toàn đá lổm nhổm chạy qua đó, ngay đầu đường vào là những dãy nhà sàn chỉ cao tới tầm ngang bụng, dân bán đồ lung tung, từ mắm muối tới rượu thốt nốt cùng thuốc lá và bia Thái lan tới vải vóc đủ thứ..
Buổi trưa và chiều tà chúng tôi hay mò ra đó mua thuốc lá, thỉnh thoảng có tiền thì mua lon bia cọp trắng, cọp vàng của thái nhấm nháp, uống xong giữ cái lon lại ngắm nghía rồi làm hộp đựng lặt vặt.

Lúc đó hay nghe một bà cụ già bán thuốc rê kể chuyện về một ngôi miếu thờ cũ thấp nhỏ, kế một ngôi nhà xây bị bắn nát bươm chỉ còn trơ lại vài bức tường. Bà cụ xưa ở đó bị lùa vào công xã hơn năm trời nhưng may mắn là lũ pốt bị đánh bỏ của chạy lấy người nên bà thoát chết lại lần hồi quay về nơi ở cũ, con cháu và chồng bà đã chết và lưu lạc hết, bà sống với một cô cháu bị câm gầy nhỏ cỡ chừng mười mấy tuổi.
Bà cụ cùng hai cô nữa đứng tuổi họ từng là dân ở đó từ nhỏ, nghe họ kể nhiều chuyện từ ngôi nhà bị bắn sập đó và ngôi miếu thờ nhỏ. Đó là ngôi miếu thờ xây kiểu người Trung Quốc, ngay ngã ba đường cũ, con đường này giữa hai dãy nhà xây mặt đường nhưng gần như đã đổ nát hết vì đạn bom, dân trở về dựng nhà sàn theo con đường mới vào cái phum theo lối men bờ hồ, con đường cũ và những dãy nhà đổ nát hoang tàn cỏ trúc mọc lút đầu người, nghe các cô và bà cụ kể về ngôi miếu thờ, tôi đã tò mò chui vào xem, bên trong nó có một bát nhang bằng đá xanh khá to đổ nghiêng, mái sau ngôi miếu đã sập xuống, ngôi miếu chỉ rộng chừng vài ba mét vuông, đồ thờ đều đã vỡ hoặc bị đập quăng xung quanh, thứ làm tôi chú ý trong đó là một miếng đá gì đó trông nó màu xanh nhạt, tôi chú ý vì nó rất giống với những miếng ngọc mà của nữ quân báo ponpot giữ trong người mà tôi từng biết, tôi không nhặt mà chỉ cầm lên xem xét rồi để lại đó…
Tới bao nhiêu năm sau tôi mới được biết đó là những miếng ngọc thật, và nó ẩn chứa những bí mật khủng khiếp đằng sau mà một người bạn Trung Quốc kể lại cho nghe vào những năm 2 ngàn..
Khi đó chúng tôi chỉ hay ra hóng bà cụ kể chuyện ma quỷ và bùa ngải thôi. Không riêng bà cụ và các cô kia kể mà cả mấy sĩ quan bác Hiêng cũng nói nhiều tới chuyện “ma tà” ở con đường có cái miếu và những ngôi nhà đổ nát đó, xương xẩu ở cái mảnh đất đó hậu chiến thì đầy ở khắp nơi, chúng tôi quá quen rồi, có khi cất cái lán ở bao nhiêu ngày rồi tới lúc nó nghiêng vì mưa phải đào lại lỗ chôn cái cột thì mới biết đang ở trên cả bãi xương người, xuống khe suối bắt cá cua moi dưới bùn là chạm vào xương hay hàng búi tóc, cái giếng nước ăn bao lâu, tới lúc nó vào mùa khô cạn xuống đào thêm cũng lại khuân lên cả mớ xương người đen xì..chả ai còn nhớ cảm giác sợ nó thế nào nữa, nhưng vẫn thích và tò mò về chuyện “ma” họ kể lại.

Bà cụ và mấy cô thì thấy và biết từ lâu rồi, nhưng mấy anh lính mới ở đó cũng từng gặp…
Một lần anh L từ Sisophon về sớm, tới ngã ba chỉ tầm 4-5 giờ sáng, trong ánh sáng mờ mờ của bình minh anh L thấy một cô gái vác một cái bình nước bằng đất nung trên vai, bận một cái xà rông màu vàng nhạt rất đẹp, và trên đầu quấn một cái khăn màu đỏ rực lạ lùng, cô gái đi từ dưới bờ hồ nước lên ngang trước mặt anh L và một người nữa đang chở nhau trên chiếc xe honda Dam, hai anh cùng bảo nhau cô nào mà đẹp thế, anh kia thì không biết vì từ xa tới, còn anh L thì vội vã dừng xe băn khoăn nghĩ không biết cô gái đó là ai, vì anh chưa gặp, dân quanh đây không có ai trông như vậy cả, lại còn đi lên phía con đường bỏ hoang phía trên sau lưng nhà dân nữa, đứng nhìn một hồi cho tới khi cô gái đi khuất, chỉ còn cái khăn đỏ trên đầu cô gái như một bông hoa mộc miên khổng lồ cứ thấp thoáng thấp thoáng sau những bụi cỏ trúc rất cao.
Lúc đó thì anh L chưa nghĩ gì nhiều, chỉ khi cô gái đi qua thì có một thứ mùi kỳ lạ hăng hắc, hôi hôi, thum thủm bay trong gió thì anh mới nổi hết gai ốc trên người, còn anh kia thì bị đau đầu chóng mặt tới tận đầu giờ chiều mới khoẻ lại.
Chúng tôi nghe anh kể lại thì chỉ biết lè lưỡi nhìn nhau, vì cả bà cụ và vài anh lính bạn cùng kể lại giống như vậy, anh L thì không cùng chúng tôi lê la ra dân nghe chuyện, anh cũng không biết cái giai thoại cô gái đội khăn màu đỏ đó mà nói các anh bịa ra để trêu chúng tôi làm gì.
Theo lời bà cụ kể thì ngày xưa nơi đó là nhà của những người Hoa buôn bán làm ăn, nơi đó từng là một con phố giàu có buôn bán tấp nập, có nhiều người Hoa sinh sống từ rất lâu rồi, cái miếu cũng xây từ rất lâu rồi từ bé bà cụ đã thấy nó, còn có một cây sảng cổ thụ nhưng thấp ở cạnh miếu, nhưng có lẽ đạn pháo khiến nó tan nát và đã chết rồi, chỉ còn ngôi miếu.
Ngày trước thì mỗi khi đầu tháng mùng hai âm, hoặc 16 âm thì người Hoa buôn bán nơi đó hay tới ngôi miếu này cúng bái, người ta đồn rằng đó là ngôi miếu thờ thần giữ của, đó là ba cô gái còn trẻ bị chôn sống theo tục yểm giữ kho của của người Hoa ngày xưa, thực hư thì tôi không biết mà chỉ nghe bà cụ kể lại thôi, lúc trước thì chẳng nghe ai nói thấy “ma tà” gì ở đó, chỉ từ khi chinh chiến xảy ra, đổ nát rồi chết chóc thì mới xảy ra chuyện lạ đó, nhiều người đã nhìn thấy một hoặc hai cô gái, có khi thấy cả ba cô, lúc thì họ bơi lặn dưới cái hồ nước, lúc thì họ đi ngang qua đường giữa buổi chiều tà, không có mưa nhưng người cô nào cũng ướt sũng nước, các cô đi thân hình uốn lượn như những con rắn và đặc biệt là mặc những chiếc xà rông rất đẹp, màu thì có thể khác nhau nhưng có một thứ giống nhau là ba cô đều trùm ba chiếc khăn đỏ sậm như màu máu ở trên đầu. Những chiếc khăn đó không phải khăn karma của người khmer mà nó giống khăn che mặt của người Hoa cổ ngày xưa..

Tôi thì chưa được nhìn thấy tận mắt hình ảnh đó, chỉ là nghe kể thôi, theo lời bà cụ nói thì đó là hồn ma những cô gái bị chôn sống làm thần giữ của của người Hoa ngày xưa, có lẽ bom đạn làm vỡ phong ấn và họ đã thoát ra ngoài…
….
Vào tầm đầu năm 2000, khi ở Hồ Nam, một anh bạn tôi là người Miêu, có rủ tôi vào Nan Lĩnh để xem tận mắt lễ minh hôn của người Miêu tại những vùng xâu vùng xa của quê hương anh, nhưng do điều kiện lúc đó tôi không thể đi được vì đường tới đó rất xa và phải đi bằng nhiều phương tiện trong đó có cả cưỡi ngựa nữa mới tới được nơi đó.
Nghe kể về tục minh hôn nhiều, nhưng khi biết mà không thể tới xem tận mắt quả là tiếc nhưng biết làm sao được…
Đó là tục cưới vợ hay chồng cho người đã chết, hoặc còn sống.
Xin dài dòng thêm một chút về cái tục lệ quái đản này của người TQ xưa (thậm chí nay vẫn còn ở một số nơi hẻo lánh)
Tục minh hôn này có từ lâu rồi, tôi cũng chẳng biết nó có từ khi nào, chả buồn tìm hiểu làm gì vì nó ghê rợn quá.
Chỉ biết rằng ngày trước những gia đình giàu có ở TQ khi mà chẳng may con cái họ chết sớm khi chưa có vợ con thì họ sẽ tìm một gia đình khác cũng có con cái chết trẻ để cưới cho con trai họ, đám cưới diễn ra như thật chỉ khác là tổ chức vào ban đêm và cô dâu chú rể là những hình nhân chứ không phải người thật.
Còn gia đình nào có con gái mất trẻ thì nếu họ không tìm được người nam cũng chết trẻ để cưới làm chồng thì họ có thể cưới chồng là người đang sống cho con họ, họ quan niệm là con gái là con người ta nếu chết sớm thì chẳng ai thờ cúng sẽ khổ nên phải cưới chồng và gia đình chồng sẽ lo việc thờ cúng, nên những nhà giàu mới có tiền mua chồng sống cho con bằng những khoản tiền khá lớn, còn con trai mất sớm không cưới vợ cho thì có thể người con đó sẽ lôi theo người nhà làm bạn cho vui…
Thậm chí có nhiều vụ án đào mồ trộm mả chỉ vì họ tìm thấy người chết hợp tuổi với con họ nhưng gia đình kia không muốn thế là họ lén đào trộm mộ lấy hài cốt đem về làm lễ cưới cho con như kiểu bắt vợ của người Mông ta.
Còn có những gia đình có con muộn vợ muộn chồng họ cũng làm đám cưới âm cho con cái, họ cho rằng bị mắc duyên âm nên không thể lấy vợ hay chồng, mà khi chết mà không có vợ hay chồng thì sẽ là ma dữ, không tốt..vv.

Tuy không xem được tận mắt cái đám cưới ma đó, nhưng bù lại, tôi được biết thêm khá nhiều chuyện tưởng như vô tình..
Anh bạn không phải là nhà khảo cổ nhưng anh sưu tầm và hiểu biết về cổ vật khá nhiều.
Vô tình tôi thấy những miếng ngọc trong bộ sưu tập của anh, khi hỏi anh thì mới vỡ lẽ ra nhiều.
Đó là những miếng ngọc Hoà Điền, bạch ngọc là loại ngọc quý nhất trong các loại ngọc nổi tiếng ở TQ, và ngày trước người ta không dùng bạch ngọc làm đồ trang sức mà họ chỉ làm đồ thờ cúng, thứ ngọc đó trở nên tâm linh hơn khi ngoài việc làm đồ thờ cúng họ còn mài giũa nó thành thứ để chèn “cửu khiếu”.

Những người giàu có hay vua chúa xưa khi chết thường ướp xác hai chôn cất rất cầu kỳ, ngoài những loại thuốc dấu để dùng ướp xác, thì những cái xác đó còn được chèn vào “cửu khiếu” đối với đàn bà, và “thất khướu” đối với đàn ông, đó những lỗ trên cơ thể như hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng và hậu môn, cơ quan sinh dục..vv.
Khi người ta chôn giấu của cải, người ta thường bắt những thiếu nữ còn trinh chỉ từ 13 đến 15 hoặc nhiều lắm thì 17 tuổi, họ cho những người này ăn chay tịnh và tắm rửa ngâm mình trong những thứ dầu thơm, sau đó gây mê họ, đổ sâm vào đầy miệng rồi gắn xi lại và đậy ngọc lên “cửu khiếu” rồi chôn sống những người này, cùng những “thuật chú” do những thầy tế làm lễ, biến họ thành những hồn ma giữ của cho người khác..Những người bị chôn sống đó có thật và chẳng biết họ có giữ được của cải cho những người giàu không nhưng cái tục lệ đó thật tàn bạo và ghê rợn.
..
Tôi chưa nhìn thấy những bộ xương kiểu đó, nhưng đã được nhìn thấy những miếng bạch ngọc oan nghiệt đó.
Anh bạn không phải người duy tâm, giống như tôi..nhưng cũng phải thừa nhận có “điều gì đó” kỳ lạ quanh những miếng ngọc này, đó là mùi nó toát ra..
Thỉnh thoảng những miếng ngọc toát ra thứ mùi rất thơm, nhưng có lúc rất khó ngửi và kinh tởm, và có nhiều chuyện lạ xảy ra ở cái phòng anh để những thứ đồ cổ đã sưu tầm được…
Như một lần vô tình anh để cây đao của đao phủ xưa gần những miếng ngọc đó, chẳng có sự tác động gì, nhưng ngày hôm sau những mảnh ngọc tự động bị rạn nứt, những vết nứt chân chim rất đều nhau như mạng nhện nhưng mảnh ngọc không bị tách rời mà vẫn liền lạc.
Những tấm gỗ quan tài quý dù đã rửa sạch vệ sinh sạch bằng đủ thứ hoá chất nhưng cứ khi nào nhìn thấy tấm ván đó chuyển màu nâu xỉn xỉn hình cái xác từng nằm trên tấm ván đó là y rằng ngày hôm sau trời đổ mưa, dù có đang giữa kỳ nắng hạn không phải mùa mưa…
 
@cuteomegai chuyện này nghe ghê phết. Mặc dù không chết, không ma quái nhưng cứ đụng đến những người Hoa thời xưa thì có vẻ u ám quái đản.
Dạo này tôi đang đọc truyện " Người bắt quỷ" khá hay, nhưng đến chương 124 thì hết.
Ai biết đọc tiếp ở đâu không nhỉ ?
 
Back
Top