Những câu chuyện kì bí của "Người Kể Chuyện"

MÙA MƯA

Thế là mùa mưa cũng đến, thời tiết dịu mát hẳn rồi, Đông Nam bộ nhiều nơi đêm và sáng còn lạnh..
Đêm mát mấy anh em rủ nhau đi câu cá, cần câu thì hiện đại mồi câu cũng phải mua rất cầu kỳ, nhưng rốt cục vẫn chả ăn thua, chắc do cá giờ khôn hơn ngày xưa mình câu chăng🤣.
Ngày ở rừng không có lưỡi câu còn lấy cái lò xo trong hộp tiếp đạn mài thành lưỡi câu, rất sắc và nhọn nhưng ko có ngạnh nên câu phải biết cách, không thì có khi giật lên khỏi mặt nước rồi vẫn văng ra rơi lại. Câu cá thì ở Biển Hồ là sướng nhất bà con ạ, lấy cái dây phanh xe đạp uốn móc câu, bốc một nắm cơm nguội theo, móc nửa hột cơm vào cái lưỡi câu là tha hồ cá bống, nhưng phải làm cái rổ như cái vợt để khi kéo cá lên là phải hứng không cá lại về nước ngay.
Ngoài cá bống biển ra thì tôi thấy cá bống ở Biển Hồ là to kỷ lục toàn cỡ ngón chân cái, cá biệt tôi từng thấy có con to gần bằng cổ tay người lớn, người ta ở đó gọi nó là bống hổ, vì trên người nó lớp vảy có hoa vằn vện như da hổ, loại cá này khá lạ, có thể thay đổi màu theo ánh nắng, khi nắng to nó có màu nhạt như màu nước phù sa, khi trời sắp tối nước chuyển màu tối sẫm thì nó cũng có màu đen như cá lóc vậy.

Cá ở Tonle nhiều, to và phong phú chủng loại, cá dữ như cá sấu, tượng long cũng có, tôi thì chưa hạ được con nào, nhưng có nhiều anh em khác đã từng hạ được loại đó, và cả cá quý hiếm như cá hô, ngày ở Stungtreng tôi cũng hai ba lần được ăn, dân vạn chài kéo lưới bắt được nó. Con cá hô giống na ná con cá chép nhưng màu khác và vảy rất to, có trứng thì vảy ở bụng có màu đỏ rực, khi đó thì nó cũng là loại cá hiếm nhưng chưa đắt đỏ như về sau này, dân chài lưới thỉnh thoảng bắt được nó và họ tổ chức thịt nó ăn nhậu luôn chứ ít khi đem bán, vì loại cá này nhanh chết và nhanh trương nếu không có đá cục bảo quản thì phải.
Tầm từ tháng 5 tới tháng 8-9 là mùa của cá hô, cứ sau mưa nước to và đục ngầu là dễ có cá đó, nửa đêm nó thường kêu cục cục cục rất rõ trên sông, người ta nói đó là tiếng nó đớp bọt sóng, tiếng kêu đó y như tiếng ta vỗ tay dưới nước.
Tuy nhiên có nhiều dân chài gốc Việt họ lại kiêng ăn loại cá đó, vì lý do tâm linh gì đó tôi cũng không biết. Ở Biển Hồ tôi từng gặp một vài thợ săn cá sấu, một công việc nguy hiểm và có nhiều chuyện ly kỳ xung quanh việc săn bắt loài cá nguy hiểm này.
Cũng giống như người đi rừng, những người làm công việc chài lưới sông nước rất tin tâm linh và nhiều kiêng kỵ, họ gặp nhiều chuyện lạ lùng nhưng hiếm khi họ kể lại những chuyện đó, có kể thì họ cũng khá dè dặt kiệm lời, dường như họ không quan tâm ai tin hay không tin, mà có vẻ như họ tránh không muốn nhắc tới cái thế lực siêu nhiên vô hình đó.
Lúc ở đó tôi gặp một chuyện khá lạ lùng.

Có một bà cô chuyên thu mua tôm cá và bán các thứ đồ tạp hoá và cả nước đá lẫn dầu cho tàu bè dùng, bà cô này tầm hơn 60 tuổi là người gốc Việt nghe đâu ở Kiên Giang thì phải.
Nhà cô ở gần ngã ba Ô túc ngay bên bờ sông Sang ke, từ ngày xưa tới tận bây giờ nơi đó người ta vẫn nuôi cá bè. Cô này tôi nghe gọi là cô Hai Rong, theo tên của chú chồng, chú Hai lấy cô là lẽ, chú Hai đã có gia đình ở Xiemriep rồi nhưng đi tàu sông nước qua nơi này gặp cô là đồng hương nên gá nghĩa thêm lần nữa.
Cô Hai ban đầu buôn bán trái cây nhà cô cũng có vườn khá rộng sau lấy chú Hai thì mở rộng thêm buôn bán thêm nhiều thứ, vợ cả của chú Hai đó thì có tới 4 người con trai, đó là một trong số những gia đình may mắn thoát nạn diệt chủng ponpot vẫn còn giữ lại được mạng sống và tài sản vì lý do nào đó. Cô Hai thì cũng từng có chồng và một con gái khi lấy chú xong có thêm một con gái nữa.
Mọi chuyện đang yên ổn sau những biến cố chung thì lại xảy ra tai hoạ.
Tàu của chú Hai Rong bị chìm ngay cửa sông Sang ke, chẳng ai dám trục vớt cái tàu đó vì khi nó chìm thì mũi tàu quay vào phía trong bờ, tôi nghe nói từ những người làm nghề sông nước là đó là dấu hiệu “Bà Cậu” muốn bắt ghe..”Bà Cậu” là một khái niệm gì đó mang tính tâm linh rất kinh khủng với những người sông nước, và khi “Bà” muốn bắt ghe thì từ thợ lặn tới thợ kéo ( những người chuyên làm công việc trục vớt tàu đắm) đều không dám trục vớt cái ghe đó, nếu mũi ghe quay ra sông thì người ta sẽ vớt, còn mũi quay vào thì họ sẽ bỏ cái ghe đó cho “Bà Cậu”..
Chú Hai đã bỏ mạng theo cái ghe, mất người và mất của rồi nhưng mọi thứ chưa yên, sau khi chú mất vài tháng thì người con trai cả của bà vợ cả cũng chìm ghe và chết mất xác theo, rồi tiếp tới người con trai thứ ba mới chỉ mười mấy tuổi bị tai nạn mìn cũng chết. Người ta nói bị “long ngọp” hay “lon ngọp” gì đó, na ná như kiểu “trùng tang” của ta. Lúc chú Hai bị nạn thì cô Hai cũng có mời thầy chùa về cúng “rước vong, gọi vong” cẩn thận lắm, nhưng chả hiểu sao vẫn không “cắt trùng” được, cô Hai uất quá quay ra chửi mấy ông sư ăn hại, vì theo cô mấy ông sư cứ nói không sao, không sao..nhưng cuối cùng tai nạn vẫn giáng xuống, giống như khi hỏi các ông sư xem ngày làm việc gì đó quan trọng, họ thường nói ngày nào cũng được, họ tỏ ra không mê tín vì họ ăn chay niệm Phật thì họ nghĩ ai cũng được độ như họ, và họ ẩu lắm, rốt cuộc thì họ chả sao chỉ tội nợ cho khổ chủ rước sư về làm lễ thôi, không tin vào ”ma quỷ” nhưng lại tin có kiếp sau mới nực cười..cô Hai nói vậy.

Rồi cô hai cùng bà vợ cả phải nhờ tới thầy pháp cao miên khác làm lễ trấn yểm gì đó sau cái chết của cậu con trai thứ hai, cậu này đang yên lành bỗng như bị nhập điên điên dở dở moi đâu ra quả lựu đạn cầu mini ngậm vào miệng lặn xuống sông cho..nổ để bắt cá, cái xác bị bay hết phần đầu và ngực vì quả lựu đạn phát nổ.
Thường thì theo dân gian nói “trùng” chỉ bắt nội tộc, có nghĩa là con trai, còn con gái thì ít bắt hơn, nhưng lại bắt con dâu hoặc vợ…nên cô Hai sợ quá chuyển nhà đi lên lộ 6 Xiemriep hướng đi Anhkor Wat để ở và chuyển sang làm vườn trái cây và cà phê, sợ và tránh xa sông nước.
Nhiều người kể lại rất nhiều lần họ vẫn thấy chú Hai quanh quẩn về cái ngã ba nơi cô Hai ở cũ, hoặc đứng dập dềnh trên sóng trong đêm nhìn những ghe thuyền đi qua nơi chú chìm tàu ngày trước, tôi thì chưa bao giờ nhìn thấy nên không rõ có đúng vậy không nữa.
..
Khi ở ngã ba dưới, đường 68 đi hướng biên giới Thailan, ngã ba trên là hướng vào Ampil, ngã ba dưới rẽ phải vào thung lũng Rovieng, tôi được biết một câu chuyện thương tâm và ghê rợn, câu chuyện đó ám ảnh tôi tới tận bây giờ.

Một lần, một đơn vị quân báo của bạn luồn sang phía biên giới, lúc đó nơi đấy rất nhiều nguy hiểm vì lũ tàn quân được cha chú hà hơi đã ngóc đầu dậy và liên tục có những cuộc tấn công vào các đơn vị thuộc chính quyền mới, cùng những bãi mìn mênh mông bao la đầy chết chóc..
Ban ngày những người lính đặc nhiệm tìm nơi ẩn náu và quan sát tình hình địch quân, ban đêm thì cách một ngày họ từ cái khe sâu leo lên mỏm 408 để bật máy thông tin “lên đài” báo tình hình về trung tâm và cũng rà sóng nghe ngóng phía những đơn vị địch quân phối hợp hay liên lạc với nhau.
Ngày đó chưa hiện đại như giờ nên những phương tiện truyền tin còn đơn giản và lạc hậu, máy thông tin vô tuyến phải tìm điểm cao hay bắc cây đài mới có thể liên lạc tốt được, do mang vác máy lích kích và sợ mưa gió hư hỏng, nên họ đã giấu máy ở điểm cao đó, tới giờ hẹn thì lên liên lạc.
Khu vực đó mùa mưa thì mưa thối đất thối cát và đêm lạnh muốn đông máu lại, còn mùa khô thì khủng khiếp không kém, khắp nơi cây cối xơ xác cháy vàng dưới ánh nắng như thiêu, có khi lên tới bốn mấy năm mươi độ, đất nơi đó nhiều khoáng sản nên có nơi màu đen gần như than, những người lính rách rưới lê bước với đủ thứ trên lưng và đen xì như những con trâu vậy.
Nhóm quân báo ẩn náu tại một khe cạn, nơi có những ghềnh đá khổng lồ tách vỡ ra, họ phải trú ẩn ở đó vì nguồn nước, ở cái khe đó có một nguồn nước, có ngày nước chảy thành dòng nhỏ, nhưng có ngày nó chỉ ri rỉ ra đủ cho những người lính khỏi chết khát thôi, ăn ở sinh hoạt đều phải kín đáo nguỵ trang và xoá dấu vết cẩn thận, đề phòng địch phát hiện và úp bất ngờ.
Họ cắm một thân cây tươi vào phía nước rỉ ra, và moi phía dưới đặt một chiếc vỏ dừa khô nhặt từ rừng cao su ra, phủ lá và rêu lên để che thứ quý giá đó.

Qua đêm cũng đủ khỏi chết khát, thế nhưng hai ba đêm, họ phát hiện những dấu vết lạ và nước bị mất, nghi ngờ biệt kích Thái hay đặc công pot hiện diện xung quanh, những người lính thận trọng phục kích tại đó để xem, tới đêm thứ hai thì họ phát hiện tiếng động lạ, cùng một hình bóng mờ mờ trong đêm đen, nhìn như một bóng ma, bóng đen này mò mẫm di chuyển và lòm khòm trông khá lạ lùng tới nơi có cái gáo dừa chứa nước kia, lấy nước trong đó và nhanh chóng bò đi, do lúc đó gần sáng, nó cũng khôn chờ gần sáng mới ra lấy nước mới có nhiều…
Hai quân báo bám theo được chừng hơn trăm mét thì nghe một tiếng “oành” của mìn Kp2 nổ, khi hai lính bò tới nơi phát ra tiếng nổ thì một hình ảnh kinh khủng, một con người đen thui tóc trùm tới gần rốn xoăn tít, mắt trắng dã..những mảnh quần áo rách rưới treo trên cái cơ thể gầy gò đó mới cho họ biết đó là con người.
Một người đàn ông gầy gò trơ xương, tóc tai như người rừng tay trái cụt và quấn một nùi giẻ cáu bẩn, hai chân bị mìn đã bay mất tới đầu gối, một chân tới gần bẹn..người này chưa chết, chắp tay lậy hai lính quân báo và thều thào nói xin hãy cứu con của ông ta đang ở một thân cây đổ ngang cách đó trừng trăm mét.
Những người lính đã tìm được đứa bé đó dưới cái gốc cây đổ ngang, nó đang ngồi nhặt những con kiến để ăn, và nhặt cả những cứt sâu đục thân đùn ra hay cứt giun đất đùn lên bỏ vào miệng nhai..
Người đàn ông cho biết, anh ta là lính thuộc trung đoàn cận vệ Nông pênh, (một đơn vị khét tiếng tàn ác) sau khi rút chạy về đây anh ta bị thương cụt tay trái, đơn vị anh ta đã bỏ rơi anh ta cùng đứa con gái nhỏ giữa rừng trước khi rút chạy qua Thái, anh ta đã phải lần mò với một bàn tay và đứa con nhỏ buộc lại đeo trước bụng tới gần hai tháng trời trong rừng nơi này..
Cái trung đoàn cận vệ này là nhóm lính đặc nhiệm chuyên truy lùng, giết chóc thanh trừng hay bảo vệ các “yếu nhân” lãnh đạo, toàn những “đặc nhiệm” thứ thiệt nên khả năng tồn tại trong tự nhiên cực cao nên anh ta mới có thể cùng cô con gái sống sót trong cái cánh rừng chết chóc này suốt bao ngày như vậy. Anh này đã kiếm từ giun tới dế, chim chóc, cây lá..bất cứ thứ gì có thể bỏ vào miệng để cố gắng cho đứa con khỏi chết, khi phát hiện ra đám lính quân báo đến lấy nước tại cái khe nước anh ta đã không dám ra mặt vì sợ bị giết mà chỉ lén lút đợi tới gần sáng mới ra lấy nước cho con uống…

Nếu không vì những tội ác mà đơn vị anh ta gây ra cho những người dân, anh ta ra hàng những người lính thì có lẽ đã không chết thảm như vậy.
Sau khi chôn lính pot đó xong, những người quân báo đã đem cô bé kia về, 9 tuổi nhưng nó chỉ như đứa bé 4-5 tuổi, gầy gò trơ xương và hôi thối bẩn thỉu, bụng trương to vì giun sán khi tắm và cắt tóc cho nó xong thì nhìn nó ngồi ai có mặt ở đó cũng phải quay đi, nó như một bộ xương với cái đầu và cái bụng quá khổ, xương sống nhô lên dọc theo lưng, chân tay người ngợm chi chít sẹo vì gai cào, nó nói rất ít và luôn sợ người lạ, nó luôn vồ lấy cái ca đựng nước khi ai cho uống và uống tới giọt cuối cùng, điều tôi bàng hoàng nhất là khi người ta hỏi nó cha lấy nước ở đâu cho uống, nó nói không có nước cha cho liếm máu ở tay cha chảy ra…thật khủng khiếp, nhưng cũng cảm phục tình thương của người cha đó dành cho đứa con của mình.
Sau đó thì một bà chủ buôn đã xin nuôi cô bé đó, bà chủ buôn là người Thái có chồng theo LonNon và đã bỏ chạy sang Mỹ cùng cô con gái, còn mình bà kẹt lại.
Rồi bà chủ buôn bị lính pot lẻn vào nhà ném lựu đạn cướp hết tài sản, đứa bé đó vẫn may mắn sống sót và không hề bị thương tích một cách thần kỳ.
Sau đó thì một nhân viên UN người Đan Mạch hay Na Uy đã nhận nuôi cô bé này và đưa về nước họ.

Câu chuyện này là một trong rất nhiều những câu chuyện khủng khiếp mà tôi từng gặp hay chứng kiến mà chưa có dịp nhớ và kể lại.
Trong thâm tâm, thực lòng tôi rất thương và mong cô bé đó sẽ có một cuộc sống hạnh phúc hơn, một tương lai tươi sáng hơn.
Và tôi cũng cảm động ngả mũ trước tình thương mà người lính pot đó đã dành cho cô con gái của mình, đúng với câu hổ dữ không ăn thịt con, dù có thể ở đâu đó, thời điểm nào đó anh ta đã từng giết rất nhiều người…
 
LAN MAN NGÀY NẮNG

Tôi được nghỉ chút, trước một chuyến đi, ngồi nhớ lại một vài mẩu chuyện tầm phào xin kể lể cho bà con nghe, nếu ai lười đọc xin bỏ qua vì nó dài dòng và lan man ạ, tầm phào nữa.
Nhìn nắng này lại nhớ chuyện cũ ở những nơi ngày trước tôi ở.
Lâu rồi..
Ngày đó tôi ở đường 5, từ Sisophone đi Battambang, qua Mongkol borei gần tới Prey tetoeng hướng lên Battambang. Từ Sisophone lên qua chợ Mongkol rẽ trái vào hướng chùa Dongrul, ngày đó thì cái ngã ba Khilik nó chưa đông và đẹp như bây giờ, nơi đó thì không giàu có như Mongkoy borei nhưng cũng khá hơn so với nhiều nơi khác, đường xá đẹp và nhiều nhà xây xen lẫn nhà sàn, nhà sàn ở Cam thì nhiều nơi khác so với Lào hay Việt Nam, nó chỉ cao tới bụng hay cùng lắm ngang ngực người ta thôi, và nơi này cũng khá lạ là phía sau khu dân cư ở đông thì là rất nhiều những cái trảng rộng mênh mông ngút tầm mắt và toàn lúa ma mọc với sậy nếu có nước, còn không thì cỏ tranh, cao lút đầu người cùng với ô rô và ngành ngạnh mà cây ô rô thì gai đã kinh rồi nhưng so với ngành ngạnh thì chỉ là hàng tôm tép thôi, vì gai ngành ngạnh dài tới 15-20 cm có lần tôi thấy có anh bị nó đâm xuyên qua cả bắp tay, nhức buốt sưng vù, và những con sâu ở cây đó cũng là nỗi khiếp đảm của tôi, nó to như ngón chân cái béo múp và xanh lè.
Ở đó chúng tôi được huyện đội cho ở nhờ một căn nhà.

Mới đầu thì chả biết gọi đó là căn nhà gì, vì nó rộng lắm và có cả tường bao quanh, tuy rằng phần đa những bờ tường rào đó đã đổ, xung quanh phía sau thì không có dân ở, chỉ là trảng trống và đồng lúa ma với táo dại.
Nghe vài người nói lại thì nó xưa là nhà của một điền chủ thời trước, qua thời LonNon và Polpot lấy lại làm công sở, nhà việc, có thời gian nó được làm bệnh viện, trạm xá dã chiến của quân tình nguyện, dân gần đó phía ngoài bờ kênh khá đông nhưng chẳng mấy khi họ dám bén mảng tới ngôi nhà này, buổi tối có đi qua thì họ cũng đi rất nhanh, ban đầu chúng tôi cũng không để ý lắm cứ nghĩ họ ngại gì đó, sau máy múc về múc cái con mương phía bên phải khu nhà để khơi thông lấy nước từ kênh sang làm ruộng thì cơ man là xương người dưới cái mương nước nửa khô nửa nước đó, chắc thời Polpot nhiều người chết ở đó.
Trước khi chúng tôi ở thì có vài đoàn từng ở, tôi có nghe một vài anh em từng ở đó sau lên Xiemriep kể lại nơi đó nhiều “ma quỷ” lắm..họ kể nhiều và chúng tôi cũng chỉ biết ngồi hóng thôi, chứ đâu nghĩ có ngày được vinh dự về đó mà ở đâu.
Ngôi nhà này chia làm ba dãy rộng lắm, một dãy chính giữa và hai dãy hai bên, hình chữ U, nhưng dãy bên trái thì đổ gần hết nên bỏ hoang, chúng tôi ở mấy căn phòng dãy chính giữa, ngay bãi đậu xe và cái cột cờ.

Ở nơi đó hai ba lần tôi đã gặp chuyện lạ.
Lúc đó phương tiện đi lại của chúng tôi ngoài xe honda ra thì còn có một chiếc xe ô tô hiệu Citrooen, lúc đó thì chiếc xe đó thuộc loại xịn sò lắm bà con ạ, một hôm anh Q đi về muộn, trời mưa, anh phàn nàn là đèn cos cái xe cứ chiếu lên trên khiến anh khó nhìn đường, thế là hai anh em mở nắp cabo chỉnh lại cái đèn cho dễ nhìn, chỉnh đèn thì một anh ngồi trong xe nổ máy bật đèn, một anh vặn con ốc hoa mai ở phía sau cụm đèn cho ánh đèn lên cao hay xuống thấp theo ý.
Hai anh em loay hoay chỉnh khi anh Q vừa đóng nắp cabo lại tôi ngồi phía trong xe bật đèn pha, khi ánh đèn pha chiếu lên bờ tường phía dãy nhà ngang bên phải thì tôi giật mình. Ngay trên mái hiên dãy nhà là vài bóng người đen thui ngồi trên đó, chân thả xuống phía dưới đu đưa, tôi mở cửa xe ra chỉ cho anh Q, anh Q cũng giật mình sững người giây lát, rồi hai anh em nhanh chóng “tác chiến” ngay, cùng móc súng ra lên đạn và vẫy nhau áp sát, và ngỏng cổ nhìn lên…nói thật, ban đầu tôi nghĩ là anh em ở nhà leo lên cây vú sữa để bắt ong, vì trên cái cây vú sữa cổ thụ trùm nóc nhà ngang đó có một tổ ong, trời mưa ong ướt cánh thì anh em lên bắt thôi, nhưng khi anh em tôi tiến tới gần thì những bóng đen kia tự nhiên đứng dậy và tụt lùi vào phía trong mái nhà. Sững người lại một lúc, anh Q gọi anh em nhà giữa ra, thì mọi người vẫn còn đang ngủ chứ không có ai đi bắt ong cả, chúng tôi nhanh chóng chia ra hai mũi bao vây kín cái nhà ngang lại, soi đèn kiểm soát phía dưới, anh T lấy cái thang sắt ra bắc lên phía cái ô cửa trên có nóc nhô lên và trèo lên, Th thì trèo lên cây vú sữa, tôi thì leo lên vai L trèo lên phía vành hiên phía sau căn nhà, cả ba anh em cùng quan sát phía trên nóc nhà…chẳng có ai trên đó cả, chỉ toàn lá mục từng lớp dày và trơn tuột..
Tất cả lại tụt xuống, nhưng chưa hết sự lạ. Cái xe đang nổ máy chiếu đèn pha sáng trưng bỗng nhiên rú ga ầm ĩ phụt cả khói đen xì ra nhưng không có ai ngồi trên xe, anh T vội chui vào xe tắt máy và bật đèn trần kiểm tra, cửa xe thì vẫn mở mà không có ai trong xe, chẳng hiểu sao máy xe lại rú lên từng nhịp như có ai đạp ga vậy..
Đó là một lần.

Lần sau thì còn lạ hơn nữa.
Hôm đó cũng tầm tháng 6 tháng 7, trời rất nóng, anh em ngồi họp với nhau, lúc đó chúng tôi dùng đèn gió đá, loại đèn chế thủ công từ cattut đạn pháo 37 thành, nó rất sáng, ánh sáng như đèn neon, khi đang ngồi họp thì tôi là người ngồi đầu tiên ngoài cái bàn tròn dài, đối diện tôi là cậu L, bỗng L gõ nhẹ lên mặt bàn và đưa mắt nhìn tôi rồi khẽ nhướng mắt ra phía ngoài sân, theo ánh mắt L, tôi nhìn ra phía sân, thì trời..có tới gần chục cái bóng đen xì đứng im lìm ngoài sân trăng, tất cả anh em đều nhìn thấy không riêng hai chúng tôi, anh Q đang chủ trì đứng phắt dậy quát to; Ai phía ngoài kia, các anh đơn vị nào?? Bộ phận nào??
Có tiếng bên ngoài, tiếng Việt giọng miền Nam; Chúng tôi mất chốt rồi..mất hết rồi chừ chạy về đây…!!
Đúng lúc đó thì cây đèn gió đá bỗng phè lửa như lửa hàn, ngọn lửa nửa xanh nửa đỏ cách xa cái đầu ống đèn tới 10 phân và kêu phì phì, tất cả anh em đều giật mình tá hoả nhảy bật dậy hết, anh Gi. vồ lấy cây đèn chỉnh lại lửa, ai dùng loại đèn đó hẳn biết khi mở xoay nước vào nhiều thì nó sẽ phù lên như vậy, nhưng lúc đó tất cả anh em tôi 8 người không ai đụng tới cây đèn cả..
Khi cây đèn bình thường trở lại thì ngoài sân không còn ai cả, chỉ có cậu T được phân công ngồi cổng gác, chạy vào nói; Các anh gọi gì em?
Chẳng có ai gọi cả, cậu T đang ngồi gác thì có một người đi ra vỗ vai nói giọng Nghệ An, Hà Tĩnh nói, mấy ổng gọi em vào trong, để đó anh coi cho..
Lạ là lúc đó đơn vị chúng tôi 9 người nhưng không có ai người Nghệ Tĩnh cả, nhưng cậu Thịnh vẫn nghe và đứng lên chạy vào trong sân nhà như một cái máy vô thức…
..
Sau đó vài ngày thì anh em nhiều người lại nhớ lại, lúc anh Q hỏi thì ngoài sân có nhiều tiếng lao xao trả lời, trong đó có câu ..Q16, mà Q16 thì chỉ tham chiến ở đó và đã rời đi lâu lắm rồi, chẳng còn ai ở lại..
Tất cả chúng tôi 5 anh em còn sống vẫn nhớ như in hình ảnh và âm thanh đêm hôm đó của họ, những bóng người chỉ màu đen, quần áo rách và xắn cao tới gối, người mang mũ người không, và không có quân trang, hay ba lô gì cả..
Có lẽ là những người anh của trung đoàn anh hùng đó vẫn còn lẩn quẩn ở nơi đó mà chưa về Việt Nam.
Nếu như một mình tôi nghe thấy hay nhìn thấy thì tôi sẽ nghĩ chắc mình hoa mắt nghe lầm thôi, nhưng tất cả anh em đều thấy, thậm chí còn ngửi thấy mùi chua mốc nồng nặc lúc đó khi những cái bóng đen đứng ngay phía cửa bốc ra…thì thật chẳng thể giải thích được gì hơn, chỉ có thể nói là một hình ảnh bí ẩn và lạ lùng.
..

Câu chuyện thứ hai mà tôi nhớ lại và kể cho mọi người nghe thì còn lạ lùng và bí ẩn tới phi lý hơn nữa.
Sau đó một thời gian chúng tôi chuyển lên Svaychek thuộc Battambang, gần cầu 176 hướng vào Tacong..
Nói tới “bùa ngải” ở Campuchia, thì phải nói tới Tacongcrao, giống như khi ta nói tới dân ca quan họ thì phải nói tới Bắc Ninh vậy. Một thứ “phi vật thể, vô hình” nhưng đầy bí ẩn, ám ảnh và khiếp sợ với nhiều người..
Bây giờ thì tôi không biết “bùa ngải” có còn hay không, nhưng lúc đó thì tôi tin là nó có thật, vì rất nhiều chuyện tôi biết về cái “thế giới” đó, và từng trực tiếp “va chạm” với thứ đó, như tôi vẫn nói, tôi không phải người mê tín và yếu bóng vía, thậm chí từng là kẻ vô thần, nhưng những gì tận mắt chứng kiến, mắt thấy tai nghe, tay sờ mà vẫn phủ nhận thì chắc chỉ kẻ ngu mới vậy.
“Bùa ngải” anh em tôi biết và thấy nhiều, tuy nhiên tôi sẽ không kể những chuyện đó sâu, vì mất công những người chưa biết, chưa thấy, chưa gặp lại vào chửi tôi nói dóc để “câu lai, câu viu” nó mất hay bà con ạ.
Tôi chỉ xin kể một câu chuyện này, nó có tý chút liên quan tới chuyện “bùa ngải”.
Lúc đó chúng tôi ở phum Solsaong cách ngã ba Kralanh chừng gần 10 km, dân rất đông. Ngày trước thì không có dân mấy nhưng sau giải phóng thì dọc biên giới đường buôn lối mòn qua Thái buôn bán nhiều như mạng nhện, nên người tứ xứ đổ về đó đi buôn bán, lúc đó cái sự buôn bán nó cực khổ trăm bề chứ không đơn giản, bị mìn chết, rồi tàn quân cướp giết, hiếp nhẹ thì bị chúng tóm được bắt đào hào, có tới hàng trăm km hào giao thông nham nhở khắp nơi do các lực lượng tàn quân bắt dân đào.
Chúng tôi ở nhờ nhà vườn của một cặp vợ chồng người Thái, nhà này có tất cả 6 người, hai vợ chồng ông bà tên thật là gì thì chúng tôi không biết chỉ nghe gọi là ông bà Lăng, ông Lăng có luyện bùa và từng có thời gian làm trưởng phum Saong đó. Ông bà Lăng có ba người con, đều là gái và một bà mẹ già hơn 80 tuổi, hai cô con lớn cùng bà mẹ thỉnh thoảng vẫn vượt biên buôn hàng hoá từ Thái về. Còn bà cụ già mẹ ông bà Lăng thì chúng tôi chẳng thấy mặt bao giờ, chỉ nghe thấy tiếng bà ho và thỉnh thoảng hát ư ử trên nhà, bà ở riêng một căn nhà sàn gỗ rất chắc chắn, còn nhà ông bà Lăng là căn nhà xây hai tầng quay lưng ra đường phum xung quanh trồng rất nhiều cam, chanh.

Một lần cậu em mới đã lén ăn trộm vài quả cam để ăn, và kết quả là nó bị đau bụng lăn lộn và đi ngoài, không phải bình thường mà đi kiết lỵ, lúc đó mà bị kiết lỵ thì rất nguy hiểm vì dễ kiệt sức và chết rất nhanh, vì thuốc men thiếu.
Bình thường thì chúng tôi chỉ cần tìm mua ba quả trứng vịt rồi luộc lên chấm với đường ăn là khỏi, nhưng cậu em này vẫn không khỏi, bí quá chúng tôi nhờ cậy ông bà Lăng và phải nói thật là cậu em có bẻ trái cam trong vườn nhà ông bà ăn, chúng tôi khiêng cậu em lên cho nằm ở cái sân trước cửa nhà ông bà, sau khi hỏi vài câu, ông Lăng đi lên nhà, tôi không biết ông dùng thuốc gì chỉ thấy hai bàn tay ông ướt và có mùi gì như rượu bay ra, ông đặt tay vào bụng nó rồi vuốt ngược lên ba lần, sau đó hất đầu ra hiệu bảo chúng tôi khiêng nó về, chứ cũng không cho uống thuốc hay gì cả, vậy mà cậu em khỏi ngay trong buổi chiều..thật lạ lùng.
Một hôm, tôi và anh Tân được mời qua đơn vị bạn ăn nhậu nhẹt, đi vòng đường chính thì xa, anh T dắt tôi đi cắt “góc phương vị” như trinh sát, qua giếng nước rìa cái ao nhà ông Lăng, qua dãy nhà để đồ làm vườn của nhà ông, loanh quanh làm sao chúng tôi đi nhầm lên phía căn nhà sàn của bà cụ ở, theo đúng quy tắc cắt thì gặp cái ao to đó phải lội qua bên kia rồi định hướng lại “phương vị” mà ao thỉ toàn đỉa trâu dài cả 2-30 phân, bố thằng nào dại mà lội xuống, hai anh em lại vừa đi vừa nói chuyện rỉ rả với nhau chả để ý đường nữa, tới lúc vào vườn cam chanh thấy ngôi nhà sàn rồi mới biết “lộn chuồng” đang ngáo ngơ tìm đường đi thì tôi thấy anh T bấm vào vai tôi ra hiệu im lặng, và anh liếc mắt lên sàn ngôi nhà gỗ kia, tôi và anh thấy trước sàn gỗ, có một đứa bé ngồi, cách chừng chục bước chân thì tôi trông đó là một đứa bé, tôi còn nghe cả tiếng nó hát hay nói gì đó, thanh âm the thé thì đúng là của đứa trẻ thật. Tò mò không biết đứa trẻ nào hai anh em cùng tới gần xem, thì ôi thôi..hoá ra không phải.

Đó là một bà già nhỏ bé đang ngồi múa may và hát gì đó, thoáng thấy chúng tôi bà vỗ hai tay vào sườn như con gà vỗ cánh rồi cười hé hé, lạ là tuy tiếng cười phát ra nhưng khuôn mặt bà rất giận dữ, bà nhe bộ răng cái còn cái mất ra như doạ chúng tôi.
Tự tiện vào nhà người Lào hay người Thái là điều mà nhiều nơi họ kiêng, nên chúng tôi không dám vào mà chỉ len lén đi qua, lấm lét liếc trộm bà già đó như hai thằng ăn trộm thôi. Bà cụ già lưng còng gập, cởi trần và quấn một cái sà rông phía dưới, bà ngồi trên một tấm nệm vải đen xì cáu bẩn kinh người, cái đầu chồ ra đằng trước và tiếng cười phát ra he hé nhưng mặt bà lại như đang giận dữ, thấy lạ quá tôi đứng lại quên cả phép tắc lịch sự cứ nhìn bà chằm chằm, một mùi xú uế bốc ra từ phía bà, thấy vậy anh T kéo tai tôi lôi đi.
Vừa chui qua rào lên tới ngang con dốc thì nghe tiếng xe máy, chả hiểu sao lại gặp ông Lăng, ông ta nhìn chúng tôi có vẻ rất giận dữ, khi nghe chúng tôi nói qua xã đội ăn cơm với anh em, ông không nói một câu nào chỉ gật đầu rồi rồ máy phóng đi. Tôi cứ thắc mắc tại sao thái độ ông ta lạ vậy nhỉ? Mà chẳng biết hỏi ai, hỏi anh T thì anh cũng như tôi thôi.
Sau đó vài hôm khi lần mò trong Thmaloung ra, vừa lên cây cầu gỗ thì chúng tôi bị phục kích bất ngờ, vì lâu lắm rồi không ai bị, tôi đi đầu phúc tổ ba đời quả đạn M79 rơi chỉ cách chưa tới 1 mét, không nổ mà xoay tít phụt khói, anh Thiện đi sau tôi túm tóc tôi giật ngược nhào xuống mương nước tay trái anh móc súng ngắn ra bắn lại, chơi kiểu “tao ngộ” này thì anh Th là bậc thầy, trời trăng sáng lờ mờ mà tôi nghe rõ tiếng “póc” của đạn từ súng anh Th vào đầu thằng cầm M79, nó quay quay như con gà tôi nện thêm bốn năm phát nữa nó mới nằm im, còn hai thằng kia một thằng chạy mất hút sau mấy lùm cây, một thằng chạy ra phía đồng lầy, tôi đuổi theo làm vài phát nữa thì hết đạn, vừa móc hộp tiếp đạn mới ra chưa kịp thay thì thấy nhoàng lửa một cái, bùn nước toé loe, tưởng ăn lựu đạn nó nhưng hoá ra không phải, thằng chạy trong bụi kia đã bắn AT, loại gắn trên súng AK, anh L bị thương nặng..hai anh em xốc anh L chạy về, các anh em khác nghe súng nổ cùng du kích bạn xách súng ùa ra phía chúng tôi.

May mắn tới thần kỳ, tôi chỉ bị một mảnh đạn AT như một miếng sắt uốn cong vào bả vai, nó trổ xuyên qua bên kia như ta móc lưỡi câu vào thân con cá để câu vậy, vào phần mềm và nhẹ nên tôi còn không thấy đau, chỉ khi anh em thấy máu chảy và khi cử động cái áo móc vào thì nhoi nhói chút tôi mới biết.
Lên trạm xá nằm mấy hôm thì thì tôi mới hóng được chuyện khá lạ do cô Pai y tá kể cho nghe, là dạo này không biết có dịch gì đó hay bị chất độc gì của tàn quân nó rải hay sao mà có tới 4-5 ca người dân tới đẻ toàn bị chết con, có vụ chết cả mẹ lẫn con…
Tới sau đó chừng chục bữa, hôm đó sáng sớm chúng tôi nghe ầm ĩ phía ngoài, mấy anh em vội chui ra hóng coi chuyện gì, thì thấy lính bạn ùa vào nhà bắt trói ông Lăng, chả hiểu sao. Ban đầu thì anh em nghĩ là ông Lăng là pot chìm thôi, chuyện dân là pốt, pốt như dân, hay ngày là ta đêm là địch ở đây thì quá bình thường hơn cơm bữa không có gì lạ cả..
Nhưng vụ ông Lăng kia lại không phải vậy, họ bắt ông ta tội trộm…xác chết.
Ở Cam nhiều nơi lúc đó tôi gặp thấy khá lạ, con nít chết có nơi thì thiêu như thiêu người lớn tức là chất củi đốt, có nơi không thiêu cũng chả chôn, mà người ta quẳng ra sông, xin thề là vậy, nếu nơi nào gần sông họ thả ra sông rồi làm cái bè bỏ lên đó quần áo với gạo ghiếc gì đó sau đó là xong, tôi cũng không hiểu có phải tục lệ của họ vậy không..
Thật tiếc là sau đó tới chừng 9 giờ tôi và anh Th phải đi Sisophone, ra đó hai ngày sau thì anh em rút hết để đi Pailin, anh Chun Sên xã đội phó lấy xe ô tô cùng vài người lính chở anh em lên Sisophone, tới nơi, lúc ăn cơm chiều thì tôi mới sực nhớ ra vụ ông Lăng, lúc đó thì đi rồi thì có gì ngại nữa, tôi hỏi anh Sên vụ việc ông Lăng là sao, thế là anh Sên với mấy anh lính tranh nhau kể chúng tôi mới ngẩn người ngớ ra với nhau..

Theo anh Sên kể lại thì ông Lăng là thầy bùa, người Cam thì họ thừa nhận và không giấu diếm chuyện “bùa chú” gì đó, bản thân anh Sên cũng là thầy bùa, anh giờ lên tướng và đã nghỉ hưu đầu năm 2000. Theo các anh nói lại thì ông Lăng luyện bùa và bùa công nên phải nuôi “binh” có nghĩa nôm na như là phải đi bắt những linh hồn vất vưởng về trói buộc và nuôi họ để họ phục vụ cho những mục đích riêng của ông ta, nhưng do ông này bị phạm gì đó..gọi là “thul” đại loại như kiểu ăn chay mà lỡ tay gắp miếng thịt chó vậy, nhưng ăn chay theo Phật thì khác, Phật thì từ bi có thể bỏ qua ( chứ không thì khối thằng sư đểu mỡ hành, trơn lông đỏ da thời nay Ngài vặn cổ đem xuống ngục trị tội lâu rồi) chứ theo ma thì ma lại khác Phật, một là một hai là hai chứ không có chuyện ú ớ, phạm là bị quật ngay.
Ông Lăng này đã giết bốn cô gái và cắt đầu đem về luộc chín lóc thịt ra rồi chôn bốn góc căn nhà sàn gỗ, nhưng vẫn không ngăn được việc bà mẹ bị quỷ nhập, theo như người Cam kể, thì nuôi “binh” phải là thầy cực giỏi mới có thể trị được “âm binh” và “âm binh” tụ đông sẽ sinh tà khí hoá “quỷ”.
“Quỷ” thì là một khái niệm hoàn khác “ma”…túm lại là tôi sợ “khái niệm” này và luôn tránh không dám hỗn hào đụng chạm tới, vì đó không phải trò đùa bà con ạ…
Khi người nuôi “binh” bị lỗi “thul” đại khái như những lỗi ko ăn kiêng, tà dâm, chui qua dây phơi đồ, hay để người khác phá nơi nhốt “binh” hoặc làm gì đó trái với lời nguyền của hệ phái họ theo..vv, thì “pháp” của thầy bùa mất linh và “âm binh” trỗi dậy làm phản, người ta vẫn nói tới nhiều người dùng “bùa ngải” rồi không tuân thủ “luật” bị quật lại đó. Nghiệp quật của hệ phái đó sợ nhất là “hoá Quỷ”, ông Lăng đã phải đi bắt con nít mới sinh về phục vụ cho bà mẹ già hoá Quỷ trong nhà, thực ra bà mẹ già đó hình như đã chết lâu rồi, ngự trong cái thân xác đó có thể là một “thực thể” khác chứ không phải con người, chuyện này kể ra có vẻ hoang đường và khó tin, tôi cũng không biết và không dám nói gì, nhưng bản thân tôi từng nhìn tận mắt vài ba trường hợp mà người ta nói bị “Quỷ” nhập kiểu vậy, và nghe nhiều người kể, tuy nhiên ngày trước nhiều hơn chứ giờ không thấy nói nữa.

“Quỷ” thì chỉ cười hoặc gầm gào, gầm gừ với nội lực rất mạnh phát ra thôi chứ không nói tiếng như con người, và con người không thể đối đầu với “khái niệm” đó, những tay xưng là thầy onlin nhan nhản trên mạng vỗ ngực nói bắt “Quỷ nghìn năm tuổi” là nói phét, 100% là nói phét bà con ạ, tôi dám đảm bảo là vậy, không phải như họ nổ đâu, ba cái “vong ma” còn nổ được chứ thứ kia thì còn lâu..
Bà cụ già kia hoá “Quỷ” hay bị “Quỷ” nhập gì đó, tôi thì không được chứng kiến lúc người ta lôi ra từ căn nhà gỗ đó, chỉ nghe kể lại là những người lính đã phải mời những nhà sư tới cùng nhau làm “phép” gì đó, và khi ông Lăng đi đâu đó về thì bị họ ập vào bắt khi lục trong chiếc giỏ xé ông buộc ở bên xe ra thì có một hài nhi đang trương phình, không hiểu ông ta lấy cái xác ở đâu và bằng cách nào, và có một người trong số những người có con chết kia đã chôn xác con trong vườn nhà, nhưng khi họ ra đào lên xem thì chẳng còn gì ở đó nữa, cái xác đã bị đào lấy mất từ lúc nào và đất lấp lại như bình thường.
Còn bà mẹ kia khi người ta phá cửa vào thì đã gần như thối rữa cả hai chân hai tay dù chỉ có hai ba ngày sau khi ông con bị bắt, các thầy tu, thầy pháp phải lấy “đạo bùa” úp lên mặt và đóng cọc mun xuống cái xác, 6 cây cọc hai chân, hai tay, một cây ở ngực và một ở miệng sau đó đưa lên giàn thiêu.
Thật tiếc là những công đoạn đó tôi không được chứng kiến chỉ nghe kể lại, tôi chỉ được may mắn nhìn thấy bà già đó trước đó ít ngày, có vẻ như đó là một cơ thể còn sống, vì tôi thấy bà cụ đó vẫn cử động được, và chỉ nghe bà cười thôi chứ không nghe thấy nói gì cả, và tôi có ngửi thấy mùi thối bốc ra, nhưng lúc đó thì chỉ nghĩ rằng do bà ở dơ thôi chứ hoàn toàn tôi không hề nghĩ một chút gì về những việc khác, nếu lúc đó mà có nghe ai đó xì xào nói gì về bà cụ đó bí ẩn ma quái thì chắc tôi cũng cố nán lại xem cho kỹ hơn chút, rồi sau đó ba chân bốn cẳng zọt cho lẹ.
Chuyện cũ lan man và dài hơi, chỉ đọc cho vui chứ tôi không cần bà con phải tin làm gì cho ám ảnh thêm ạ.
 
cá biệt tôi từng thấy có con to gần bằng cổ tay người lớn, người ta ở đó gọi nó là bống hổ, vì trên người nó lớp vảy có hoa vằn vện như da hổ, loại cá này khá lạ, có thể thay đổi màu theo ánh nắng, khi nắng to nó có màu nhạt như màu nước phù sa, khi trời sắp tối nước chuyển màu tối sẫm thì nó cũng có màu đen như cá lóc vậy.
Người ta kêu bằng cá bống tượng.
Con bằng cổ tay người lớn là bình thường.
maxresdefault-4.jpg
 
Người ta kêu bằng cá bống tượng.
Con bằng cổ tay người lớn là bình thường.
View attachment 1847227
Được ăn con này chưa thím kid ?
Ở SG có chỗ nào bán không nhỉ ? Con này mà nướng muối hoặc lẩu chắc ngon chết luôn
nEFecFa.png

Truyện đọc hấp dẫn mà buồn quá. Đọc khúc Q16 mà cứ quay lại đọc hoài. Rất thương và nể những người dám hy sinh vì đất nước.
 
Được ăn con này chưa thím kid ?
Ở SG có chỗ nào bán không nhỉ ? Con này mà nướng muối hoặc lẩu chắc ngon chết luôn
nEFecFa.png

Truyện đọc hấp dẫn mà buồn quá. Đọc khúc Q16 mà cứ quay lại đọc hoài. Rất thương và nể những người dám hy sinh vì đất nước.
Con này đâu có hiếm đâu thím.
Cứ chiên sơ lên rồi chưng tương thôi. À mà nướng muối ớt cũng tốn bia lắm. Cái biển Hồ aka Tonlé Sap thì cá nhiều lắm mấy thím.
 
Con này đâu có hiếm đâu thím.
Cứ chiên sơ lên rồi chưng tương thôi. À mà nướng muối ớt cũng tốn bia lắm. Cái biển Hồ aka Tonlé Sap thì cá nhiều lắm mấy thím.
Chỗ nào bán thím ơi?
 
Back
Top