bigbang
Senior Member
Công ty dược phẩm Đức BioNTech sẽ hợp tác với Chính phủ Anh tiến hành thử nghiệm vắc xin trị ung thư theo công nghệ mRNA từ tháng 9 năm nay, mang lại những tín hiệu vui trong cuộc chiến chống ung thư của nhân loại trong gần ba thập niên qua.
![]()
BioNTech tin rằng sắp đạt được mục tiêu tạo ra vắc xin ngừa ung thư - Ảnh: iStock
Trước tiên cần giải thích vì sao mRNA có thể giúp con người sáng chế ra vắc xin.
Thế hệ vắc xin tương lai
mRNA, hay còn gọi là RNA thông tin, là một trong những phân tử sinh học chứa dữ liệu di truyền được sao chép từ ADN trong nhân bào, sau đó được dùng như một phương tiện chuyên chở gene để sản xuất ra các thụ thể phục vụ những hoạt động bảo tồn sự sống, sinh sôi của tế bào đó.
mRNA nhỏ gọn và chỉ mang trên mình những mật mã tối cần thiết cho việc sản xuất protein ở không bào, nên bất cứ thực thể sống nào cũng cần đến chúng, kể cả vi rút.
Vì mRNA có thể tồn tại ở không bào một cách dễ dàng và thụ thể có thể được mã hóa trực tiếp, nên nhiều vi rút đã chọn dạng phân tử sinh học này để chứa đựng bộ gene của chúng. Vi rút SARS-CoV-2, tác nhân gây đại dịch toàn cầu COVID-19, cũng không là ngoại lệ.
Thông thường cách bảo vệ cơ thể những người chưa nhiễm trước một dịch bệnh là tiêm chủng vắc xin. Chúng ta đã quá quen với việc này, vì từ khi lọt lòng mẹ được 2 tháng tuổi, cơ thể chúng ta đã được trang bị, huấn luyện với một đội ngũ "nhà binh" miễn dịch trước nhiều thể loại bệnh phổ biến.
Giải thích một cách ngắn gọn là hễ thực thể gây bệnh có bất cứ thành phần nào tạo được phản ứng nhớ ở hệ miễn dịch thì sẽ được trưng dụng làm công cụ tạo nên vắc xin cho loại bệnh đó.
Những thành phần này bao gồm những phần nhỏ của thực thể gây bệnh hoặc bất hoạt (không gây bệnh).
Chúng ta đã dùng nhiều thành phần khác nhau của các thực thể gây bệnh để bào chế ra những vắc xin hữu hiệu. Trong những năm 1980, giáo sư Katalin Kariko đã sớm bị những phân tử RNA mê hoặc.
Những nghiên cứu của bà đã là nền tảng tuyệt vời cho sự ra đời của vắc xin COVID-19 sử dụng mRNA. Cách làm này cho phép chúng ta "đánh cắp" các mật mã di truyền của vi rút, dùng chất béo bảo bọc đưa mảnh mRNA vào tế bào của chúng ta và huấn luyện hệ miễn dịch của chúng ta sẵn sàng khi tiếp xúc trực tiếp với vi rút phiên bản thật.
Công nghệ nano này đã giảm thiểu thời gian bào chế vắc xin từ gần một năm xuống còn vài tuần, đáp ứng được nhu cầu bách thiết ngăn chặn sự lây lan quá độ của đại dịch COVID-19, cứu sống sinh mạng của hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.
https://tuoitre.vn/trien-vong-vac-xin-ngua-ung-thu-ra-sao-20230114001000032.htm