Truyện ngắn Azit Nexin cho anh em giải trí và suy ngẫm đầu năm

levinsety

Senior Member
Nếu các Fen đã từng thích thú và đam mê giọng văn châm biếm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, ... thì mình giới thiệu đến các bạn 1 đại văn hào của Thổ Nhĩ Kỳ với giọng văn cực kỳ hài hước mà sâu cay.

Có lẽ nếu ông ấy mà biết đến Voz thì chắc là 1 huyền thoại.

Sau đây mình chia sẻ vài truyện ngắn của Azit Nexin cho ae giải trí cuối tuần nhé ^^.

Mặc dù tác giả viết những truyện này cách đây khoảng 40 năm nhưng ae thử xem có giống hệt bây giờ không nhé.

Hội nghị các nhà phẫu thuật lần này họp ở thành phố Liubơlitxơ. Nghe đâu đấy là một hội nghị có tầm quan trọng đặc biệt. Hội nghị lần thứ mười này đã thu hút sự chú ý của các nhà phẫu thuật lừng danh nhất thế giới, và có số người tham dự đông chưa từng có. Phóng viên từ khắp các nước đua nhau kéo về dự hội nghị, mặc dù đây chưa phải là một sự kiện có sức hấp dẫn đặc biệt như mặt trận đá bóng hay một cuộc họp báo có các cô đào điện ảnh tóc đen, tóc vàng lên khoe các kiểu quần áo lót. Các nhà phẫu thuật nổi tiếng nhất từ hai mươi ba nước đã đến báo cáo tại hội nghị, trong số đó có cả những bậc danh y có thể tháo lắp các bộ phận của cơ thể người dễ như ta tháo lắp một cái đồng hồ hay một khẩu súng trường tự động vậy! Vì thế các báo chí, sau khi đưa tin về những mẫu quần áo tắm mới nhất và về những vụ giết người rùng rợn, thấy cũng cần phải nói vài dòng về hội nghị các nhà phẫu thuật.

Ngày thứ nhất của hội nghị dành cho lễ khai mạc. Ngày hôm sau toàn thể hội nghị nghe báo cáo. Ngày thứ ba thì bắt đầu tranh luận về các báo cáo. Nhà phẫu thuật nổi tiếng của Mỹ, bác sĩ Cladêman, bước lên diễn đàn cùng với người trợ tá. Các phóng viên báo chí và vô tuyến truyền hình hấp tấp giở sổ tay và bút máy. Các quan khách ngồi kín phòng họp thì đeo ống nghe vào tai để chuẩn bị nghe. Cố nhiên là mỗi người chọn lấy một trong bốn thứ tiếng mà mình nghe thông thạo nhất.

– Kính thưa các bạn đồng nghiệp – Bác sĩ Cladêman bắt đầu nói. – Tôi xin trình bày với các bạn hiện có mặt tại hội nghị thứ mười này về cuộc phẫu thuật lý thú nhất trong cuộc đời 35 năm làm nghề mổ xẻ của tôi. Như các bạn đã biết, cho đến nay, chưa một nhà phẫu thuật nào có thể làm được cái việc thay vân tay trên đầu các ngón tay. Lịch sử y học chưa từng biết đến một trường hợp nào và sách báo cũng chưa từng nói đến một thí nghiệm nào như thế. Người ta chỉ biết rằng, dù lớp da tay có bị thay bao nhiêu lần chăng nữa, thì lớp da mới bao giờ cũng có hoa vân giống hệt lớp da trước. Chính vì thế mà cảnh sát có thể dễ dàng phát hiện ra những tay găngxtơ chuyên nghề nậy tủ sắt và những thủ phạm giết người.

Trong lần phẫu thuật gần đây, tôi đã thí nghiệm thành công việc thay đổi vân tay trên đầu các ngón tay. Trước mắt các bạn đây là ngài Tômatxơ, một kỹ nghệ gia nổi tiếng của Mỹ mệnh danh là “Vua thụ tinh nhân tạo”. Ngài còn có biệt hiệu là “Giếch đấm vỡ quai hàm”. Với biệt hiệu này, ngài đã được Cục điều tra liên bang ghi tên vào sổ đen. Suốt mười năm trời cảnh sát ra công truy nã nhà khoét tủ sắt lão luyện này, nhưng đều vô hiệu. Sở dĩ như vậy là vì, sau mỗi chuyến đi hành nghề về, tôi lại làm phẫu thuật thay vân tay cho ngài Tômatxơ, tức “Giếch đấm vỡ quai hàm”. Tôi xin cam đoan với các bạn rằng, phẫu thuật thay vân tay không phải là công việc phức tạp nhất mà còn là công việc kiếm bẫm nhất, vì cứ mỗi lần như vậy tôi lại được nhà bẻ khóa chia cho hẳn một nửa số của lấy được.

Bây giờ, tôi xin chiếu cho các bạn xem một đoạn phim giới thiệu lại kỹ thuật của công việc mổ xẻ này.

Tất cả các nhà phẫu thuật có mặt trong phòng đều nhất trí công nhận ông bạn đồng nghiệp Mỹ của họ quả là chuyên gia tài ba nhất trong lĩnh vực mổ xẻ. Nhưng bản báo cáo tiếp theo của nhà phẫu thuật Anh đã khiến họ phải thay đổi ý kiến. Ngài B. Lainânxơ bước lên bục cùng với một ngươi nữa.

– Kính thưa các đồng nghiệp? Tôi xin kể cho các bạn nghe một phẫu thuật vốn được coi là phức tạp nhất và đáng chú ý nhất trong lịch sử y học thế giới. Người mà các bạn thấy đang đứng cạnh tôi đây là hạ sĩ Mêchiu. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai, một mình ông đã hạ sát được 26 kẻ thù. Nhưng chẳng may một mảnh lựu đạn của quân địch đã cứa đứt đầu ông. Tôi đã chế thành công một thứ keo dán đặc biệt và đã gắn được chiếc đầu vỡ ấy lại cho ông, trông còn đẹp hơn cũ. Bây giờ thì có bom nguyên tử cũng không thể làm chiếc đầu này rời ra được nữa. Và đây, tôi xin trình bày với các bạn bí quyết pha chế thứ keo này…

Nỗi kinh ngạc của những người dự hội nghị thật không sao tả xiết. Ai cũng tin rằng không còn được nghe bản báo cáo nào thú vị hơn thế nữa. Nhưng diễn giả tiếp theo – một nhà bác học Pháp – đã bắt họ phải thay đổi ý kiến. Ông này bước lên diễn đàn với một trang giai nhân tuyệt sắc tóc vàng, mặc quần áo tắm. Trông thấy cô ta, các vị khách có tuổi đang ngồi trên ghế bỗng đều cựa mình nhấp nhổm.

– Thưa các bạn đồng nghiệp kính mến – Nhà bác học Pháp bắt đầu – Tôi muốn kể cho các bạn nghe về một phẫu thuật chỉnh hình có một không hai. Tôi hi vọng các bạn sẽ đánh giá đúng công trình sáng tạo của tôi, nếu tôi tiết lộ cho các bạn biết rằng, người con gái xinh đẹp tóc vàng mà vừa trông thấy các bạn đã phải trầm trồ xuýt xoa này, chính là bà mẹ vợ tôi năm nay đã 65 tuổi.

Sau đó diễn giả cho biết thêm một vài chỉ tiết: sở dĩ ông làm phẫu thuật ấy chẳng qua là muốn trả thù người vợ phụ bạc. Sau khi biến bà mẹ vợ thành một người đàn bà trẻ đẹp ông lại tìm cách bắt nhân tình với bà ta. Cuối cùng, diễn giả trình bày cơ sở khoa học của phát minh kỳ diệu này.

Các diễn giả khác tiếp tục lên báo cáo. Người nào cũng có phát minh phi thường. Chẳng hạn nhà phẫu thuật Đức tuyên bố:

– Con người khi chết không có nghĩ là tất cả các bộ phận đều ngừng hoạt động… Ở người chết vì bệnh nhồi máu chẳng hạn, tim tất nhiên không làm việc được nữa, nhưng ở các cơ quan khác vẫn hoạt động như thường. Còn ở người chết vì bệnh lao thì chỉ có phổi là ngừng hoạt động thôi. Vì thế theo tôi, khi tim hay phổi ngừng hoạt động, thì vẫn chưa thể coi là con người đã chết. Tôi đã lấy những bộ phận còn tốt của người chết để tạo ra những người mới. Trước mắt các bạn – nói đến đây nhà phẫu thuật Đức chỉ vào một thanh niên có vóc người cường tráng trông như thần Apôlông – là một người mà chân vốn là của nhà lực sĩ chết vì bệnh viêm ruột thừa, thân là của nhà đô vật chết vì chứng hoại thư còn đầu là của một bệnh nhân lao.

Các đại biểu hội nghị cho rằng nếu hôm sau nhà bác học Nhật không đưa ra được một phát minh gì mới lạ hơn nữa, thì phẫu thuật của bác sĩ Guynte người Đức lấy các bộ phận sống của người chết để tạo ra người mới quả thực phải coi là phát minh kỳ diệu nhất trong tất cả các phát minh đã báo cáo tại hội nghị.

Nhưng bản báo cáo của nhà phẫu thuật Nhật Himisiama đã làm cho cử tọa hết sức kinh hoàng. Chỉ vào một người đứng bên cạnh, nhà phẫu thuật nói:

– Đây là một người Nhật, do bị tật cà nhắc nên trong thời gian chiến tranh thế giới thứ hai không được gọi vào lính. Không chịu nổi vết nhục tinh thần như vậy nên ông đã mổ bụng tự sát, moi hết ruột gan ra, rồi chém thành từng khúc…

Ngày cuối cùng của hội nghị đã đến. Các báo cáo viên – người nọ muốn tỏ ra mình giỏi hơn người kia, người sau kể những chuyện ly kỳ hơn người trước. Tất cả mọi người có mặt ở hội nghị đều đã lên phát biểu. Riêng có một vị bác sĩ suốt từ đầu đến cuối vẫn chỉ ngồi im nghe các đồng nghiệp của mình, không nói qua một lời nào. Vị chủ tọa quay sang hỏi ông ta:

– Thưa ngài, chả lẽ ngài không có phẫu thuật gì kể cho hội nghị nghe hay sao ạ?

– Có chứ! Nhưng không biết cái phẫu thuật của tôi có đáng để các vị chú ý hay không?

Có nhiều tiếng nói từ trong phòng:

– Có! Có! Chúng tôi muốn nghe ông phát biểu.

– Ai đến dự hội nghị đều phải báo cáo hết!

Thấy mọi người khẩn khoản yêu cầu. Vị bác sĩ bèn bước lên diễn đàn.

– Thôi được, – ông ta nói. – Nếu các vị muốn, tôi xin kể cho các vị nghe về phẫu thuật cắt amiđan của tôi.

Cả phòng cười rộ lên: sau những phát minh “động trời” như thế mà còn dám nói đến chuyện cắt amiđan.

Tiếng cười làm diễn giả phật ý:

– Thưa các vị! Sở dĩ tôi cố ý hạ thấp giá trị phẫu thuật của tôi chẳng qua vì khiêm tốn mà thôi. Nhưng tôi không thể chịu được cái thái độ giễu cợt của các vị. Vừa nghe nói đến cắt amiđan, chưa gì các vị đã cười rồi!

Mọi người càng cười khỏe.

– Cái trò trẻ ranh ấy mà cũng dám gọi là phẫu thuật?

– Tôi thì những việc ấy tôi chẳng thèm làm!

– Làm nhà phẫu thuật mà nói những chuyện ấy thì thật xấu hổ!

Những tiếng la ó càng làm diễn giả tức giận:

– Nhưng các vị có biết người được tôi cắt amiđan là ai không đã chứ?

– Là ai thì có liên quan gì đến phẫu thuật nhỉ? Có là ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc thì cũng thế thôi!

Diễn giả đỏ bừng cả mặt, nói liền một thôi.

– Nhưng người tôi cắt amiđan là một nhà báo!

Các đại biểu lại phá lên cười rũ rượi.

– Nhà báo, nhà buôn, viên chức hay anh lính thì có khác gì nhau?

Diễn giả giơ tay nói:

– Xin các vị trật tự! Vâng, thưa các vị, không có gì khác nhau. Nhưng vì hồi đó vừa ban hành luật báo chí, các nhà báo không sao mở mồm ra được, nên tôi buộc lòng phải cắt amiđan cho anh ta thông qua đường… hậu môn!

Vẻ giễu cợt trên mặt các quan khách vụt biến mất, nhường chỗ cho vẻ kính phục sâu sắc đối với diễn giả. Những tràng vỗ tay vang lên như sấm. Toàn thể các nhà phẫu thuật dự Hội nghị quốc tế lần thứ mười đều nhất trí thừa nhận phẫu thuật cắt amiđan của các vị bác sĩ ấy là sự kiện lừng lẫy nhất trong lịch sử y học.
 
Một lời khuyên rất hữu ích cho ae ^^.

Tôi bắt được 1 cuốn sổ tay dưới gầm bàn trong nhà. Nhưng hỏi người nhà thì không ai nhận. Ai cũng bảo: “Không phải của tôi!” Cuốn sổ xinh xắn, bọc bìa xanh, có hàng chữ nổi mạ bạc trông rất đẹp. Tôi mở ra xem là của ai. Vừa đọc trang đầu tôi đã thấy kinh ngạc. ở đó có ghi tên, địa chỉ, số điện thoại của 1 ông to, ông rất to. Lật trang sau cũng lại thấy ghi lần lượt tên, địa chỉ, số điện thoại của 3 nhân vật khác cũng rất có danh tiếng. Cứ thế tôi giở hết trang này đến trang khác và nỗi kinh ngạc của tôi mỗi lúc 1 tăng.

Các bạn cứ nghĩ xem: trong nước có bao nhiêu nhà hoạt động chính trị tai to mặt lớn, bao nhiêu quan chức có thế lực, thì địa chỉ của tất cả các vị này đều được ghi vào sổ. Người kém vế nhất trong số đó cũng là 1 tổng giám đốc. Tôi lại còn để ý thấy thêm 1 điều này nữa: các nhà hoạt động chính trị có tên trong sổ đều là những người hiện đang cầm quyền. Ai ở vào địa vị tôi mà chẳng phải ngạc nhiên? Ðối với tôi, cuốn sổ ghi địa chỉ những người có thế lực thật chẳng khác gì 1 trái bom nổ chậm. Ðúng là có kẻ nào thù hằn đã ném nó vào nhà tôi. Tôi chưa hình dung được cuốn sổ ghi địa chỉ những nhân vật tiếng tăm này có thể gây cho tôi điều gì rủi ro. Nhưng có điều không nghi ngờ gì nữa là nó được ném vào gầm bàn tôi với 1 ý đồ xấu xa. Tôi hoảng sợ vô cùng. Rất có thể, sắp có người bấm chuông gọi cửa ngay bây giờ, rồi bọn cảnh sát mặc thường phục sẽ ập vào nhà tôi và bảo: “Ðưa quyển sổ đây!” Còn tôi thì sẽ run như cầy sấy, hỏi laị: “Quyển sổ nào ạ?” Họ sẽ lục soát căn phòng tôi và tìm thấy ngay cuốn sổ dưới gầm bàn, như thể chính tay họ đã đặt vào đấy vậy.

Tôi biết chắc mọi việc sẽ xảy ra đúng như thế. Ðứa khốn kiếp nào ném quyển sổ vào nhà tôi, hắn đã đi báo cảnh sát! Rõ ràng la tôi đã sa vào cái bẫy hết sức nham hiểm rồi!

Bọn cảnh sát vớ được cuốn sổ sẽ hỏi ngay: “Nào, nói đi! Anh ghi địa chỉ tất cả những quan chức lớn nhỏ vào đây để làm gì? Anh muốn lập hồ sơ theo dõi lý lịch cá nhân của họ à? Anh sửa soạn tống tiền họ chăng? Hay anh định mưu sát?”

Lạy chúa! Lúc ấy tôi biết trả lời họ ra sao? Mà dù tôi có phân trần, thanh minh thế nào chăng nữa, chắc đâu họ đã tin tôi?

Thôi, tôi phải đem đốt ngay cuốn sổ rồi tung đám tan ra cho gió cuốn đi thôi!

Nhưng không biết đứa khốn nạn nào đã giăng bẫy đưa tôi vào tròng mới được cơ chứ? Tối hôm qua tôi có 3 người bạn đến chơi. Trong bọn họ thì 1 người là giảng viên trường đại học, 1 người làm việc ở thư viện trường tổng hợp, còn người nữa là giáo viên văn học…

Tôi đang đút cuốn sổ vào lò sưởi nhà tắm để chuẩn bị đốt thì có chuông gọi cửa. Anh bạn Halit của tôi đến.

Tôi quen anh đã 20 năm nay, anh làm việc ở thư viện trường đại học tổng hợp, và là một trong 3 người đã ngồi chơi ở nhà tôi tối hôm qua. Halit cũng đang hoảng hốt như tôi. Anh hỏi tôi:

-Sao trông anh tái nhợt đi thế?

Tôi cũng hỏi lại anh:

-Này, nhưng cậu cũng làm sao vậy?

-Lạy chúa, anh có thấy cuốn sổ tay tôi đánh rơi ở đây hôm qua không?

Tôi đưa cho anh quyển sổ:

-Quyển này phải không?

Anh nắm lấy tay tôi, reo lên:

-Giời đất ơi, đúng rồi! Thế mà tôi cứ tưởng đánh mất ở đâu, lo không thể tả được!

Tôi dẫn anh vào phòng làm việc.

-Còn tôi thì cũng được 1 mẻ hết hồn – tôi thú nhận – Cậu hãy nói thật cho tôi biết, cậu ghi từng ấy địa chỉ của những người có tai mắt để làm gì vậy?

Ðến lượt anh ngạc nhiên:

-Ô hay! Thế chả nhẽ anh chưa có quyển sổ ghi địa chỉ những người tên tuổi à?

-Chưa!

-Lạy Chúa, thế thì anh phải lập tức ghi ngay đi, rồi nhét nó vào túi ấy! Anh muốn biết tôi viết những địa chỉ ấy vào sổ để làm gì phải không? Ðây này, tôi sẽ nói cho anh nghe. Anh chắc biết tôi vốn thích sưu tầm bút máy. 1 số bút thì tôi mua, còn 1 số thì người ta cho, trong túi tôi có được đến mươi, 15 chiếc. 1 hôm, tôi đến khách sạn thăm 1 nhà thơ Ðức mới sang. Anh ta biết tôi thích chơi bút máy nên tặng tôi 1 chiếc. Vừa ra khỏi khách sạn là tôi rẽ ngay vào 1 góc phố và không nhịn được “Ta phải xem cái bút thế nào đã!” – tôi tự nhủ. Chắc anh biết trong túi tôi lúc nào cũng có chiếc kính lúp. Tôi lấy kính ra soi cái ngòi và thấy nó có vẻ hơi thô. Tôi viết thử vào cuốn sổ mấy chữ tình cờ hiện trong óc: “Nhỏ và đẹp”. Thường tôi vẫn mang theo 1 tờ giấy ráp mịn hạt để mài ngòi bút. Cái ngòi này nếu về nhà tôi mài thêm tí nữa thì nét sẽ nhỏ và đẹp hơn. Tôi cầm lấy kính định xem lại cái ngòi 1 lần nữa, thì bỗng có ai nắm lấy 2 vai:

-Anh đang làm gì vậy?

-Tôi ấy à? Tôi đang xem chiếc bút máy chứ có làm gì đâu!

-Thế đấy! Nghĩa là xem bút máy hả? Vậy chứ anh làm nghề ngỗng gì?

-Tôi ở trường đại học… – tôi không kịp nói hết câu.

-ái chà, nghĩa là giáo sư cơ đấy! Thưa ngài giáo sư, rất hân hạnh!… Chà!…

1 ngươi trong bọn họ thụi cho tôi 1 quả vào sườn bên trái khiến tôi loạng choạng.

-Thôi, alê, đi!

-Các ông xem lại cho. Chắc có sự hiểu nhầm gì đây!

-Ði!

Tôi lại bị quả đấm nữa vào sườn bên phải và đành phải bước. Biết làm sao được!

Chúng tôi đi về bóp. Tôi bị đẩy vào 1 căn phòng. Nhưng chờ mãi mà không thấy ai đến. Lát sau có 1 tay bước vào:

-Ngồi xuống đất ấy! – lão ta nói.

-Tôi không ngồi thế được! – tôi đáp.

-Cái gì? Không ngồi thế được hả? ái chà, ra cái điều ta đây giáo sư cơ đấy! Ghê chưa? Thôi, có gì trong túi bỏ hết ra đây!

Tôi đặt lên bàn tất cả mọi thứ trong người: 14 chiếc bút máy, 2 quyển sách, cuốn sổ tay, 2 tờ giấy ráp mịn hạt. Lão ta chỉ vào những chiếc bút:

-Ðây là cái gì?

-Bút máy.

-Ra thế!… nghĩa là bút máy đấy! ái chà, giáo sư mà lại! Oai quá nhỉ?

Tôi không sao nói xen được 1 câu để giải thích cho lão ta hiểu rằng tôi không phải là giáo sư, mà chỉ là 1 nhân viên trông thư viện ở trường đại học thôi! Lão ta cầm lấy chiếc kính lúp:

-Còn đây là cái gì?

-Kính lúp!

-Ra kính lúp đấy! Chà, giáo sư! Chà!…

Thêm 3 người nữa đến. Họ cũng xúm vào xem đồ vật của tôi. 1 người cầm tờ giấy ráp lên hỏi:

-Cái gì thế này?

-Giấy ráp.

-Giấy ráp gì mà lạ thế? Nhẵn như không ấy! Anh định bịp ai vậy hả?

-Ðây là loại giấy ráp mịn hạt!

-Ra thế! Giấy ráp mịn hạt cơ đấy! Chà, giáo sư! Này, giáo sư này!

Vừa nói, lão ta vừa nện vào vai tôi 1 cái. Xem chừng sự việc đâm ra lôi thôi.

-Thưa các ông – tôi nói – chắc có sự hiểu lầm thế nào đây. Tôi không rõ tại sao các ông lại đưa tôi về đây, chứ tôi thì cả trường đại học ai cũng biết, nhà báo nào tôi cũng quen. Tôi không làm gì đáng để các ông đối xử như vậy.

1 tay đang giở cuốn sổ của tôi ra xem, quát:

-Im ngay!

Bỗng mắt hắn chợt sáng lên:

-Thế còn cái này là cái gì?

Hắn chỉ vào mấy chữ “Nhỏ và đẹp” tôi viết trong quyển sổ để thử chiếc bút máy người ta vừa cho.

-“Nhỏ và đẹp” – tôi nói.

-“Nhỏ và đẹp”? Hay nhỉ!

-Vâng, “nhỏ và đẹp”!

-Thế là cái gì?

-Chẳng là cái gì cả!

-Chẳng là cái gì thì anh viết vào đây làm gì?

-Ðể tôi thử ngòi bút…

-Thế đấy! Ðược, nhưng sao anh không viết chữ gì khác mà lại chọn đúng chữ “nhỏ và đẹp”?

Quả tình nào tôi có nghĩ gì đến chuyện ấy.

-Tôi không biết – tôi nói – tự nhiên tôi nghĩ ra mấy chữ ấy, thế là tôi viết luôn vào…

-Thế đấy! “Nhỏ và đẹp”! Chà, giáo sư đấy! Chà… Chúng tôi sẽ cho anh biết thế nào là “nhỏ và đẹp”! Các ông nghe thấy hắn bảo gì chưa? Hắn bảo tự nhiên hắn nghĩ ra đấy! Thế sao tự nhiên anh không nghĩ ra chữ khác?

1 người trong bọn họ bước lại chỗ cô thư ký đánh máy. Họ bắt đầu lập biên bản. Tôi sợ vã mồ hôi. Biết đâu những chữ “nhỏ và đẹp” tôi tình cờ viết ra lại là mật mã của 1 tổ chức gián điệp thì nguy to! 14 chiếc bút máy, cuốn sổ tay, chiếc kính lúp, 2 quyển sách, tờ giấy ráp mịn, “nhỏ và đẹp”! Ai mà chẳng phải nghi ngờ! Tôi bối rối không còn biết làm gì nữa. Trong lúc đang lập biên bản, 1 tay vẫn tiếp tục giở cuốn sổ của tôi ra xem. Bỗng hắn dừng lại ở 1 trang, sau đó đưa trang này cho cả bọn xem. Họ thì thầm gì với nhau 1 lúc, rồi tình thế bỗng nhiên thay đổi hẳn. Người vừa xem cuốn sổ của tôi đã chỉ cho cả bọn xem 1 chỗ ghi trong sổ.

-Xin lỗi ngài – lão ta quay lại hỏi tôi – người này đối với ngài là thế nào ạ?

-Ðấy là bạn học cũ của tôi – tôi đáp – Chúng tôi gặp nhau hôm kia. Anh ta đưa tôi đi ăn hiệu, cho tôi địa chỉ và tôi ghi vào đây.

Những điều tôi nói hoàn toàn đúng sự thật. Quả tình tôi có gặp 1 người bạn xa nhau đã lâu. Tôi cũng không biết rằng anh ta là 1 tổng giám đốc.

Gã cảnh sát vẫn đang cầm cuốn sổ của tôi bỗng nở 1 nụ cười, xun xoe bảo:

-Chết chửa! Thế ra ông tổng giám đốc là bạn thân của ngài?

-Ðúng thế… Hồi còn đi học chúng tôi thường trêu chọc anh ấy.

-Thật hân hạnh quá! ấy kìa, sao ngài không ngồi xuống? Ghế đây ạ! Xin mời ngài!

Sau đó, gã quay lại bọn kia:

-Ai bảo các anh dẫn ngài về đây hả?

Rồi quay lại phía tôi:

-Xin mời ngài!

Chúng tôi bước vào 1 căn phòng bày biện sang trọng, tôi đi trước, bọn họ theo sau. Họ mời tôi ngồi vào chiếc ghế bành. 1 tay nói:

-Hôm nay nóng qúa. Ngài dùng 1 chút nước giải khát nhé?

-ấy chết, xin các ông chớ bận tâm làm gì!

Tuy vậy nước giải khát vẫn được mang ra. Chúng tôi chỉ còn lại 2 người trong phòng. Bọn kia kéo nhau ra ngoài cả.

Người đang tiếp chuyện hỏi tôi:

-Thưa ngài, ngài đến thăm chúng tôi có việc gì không? Ngài có cần gì không ạ?

ThánhAla ơi! Thế là thế nào nhỉ? Tôi có cần gì không à? Chả nhẽ không phải chính họ đã vừa tóm cổ tôi mà lôi về đây hay sao?

Nhưng bây giờ, giữa lúc họ đang đối xử lịch sự với mình như thế, mà lại đi bảo rằng mình bị lôi cổ đến và bị đánh thượng cẳng tay hạ cẳng chân, thì xem ra không tiện.

Vì thế nên tôi đáp:

-Tôi đến… chẳng qua để hỏi thăm sức khoẻ các ông thôi!

-Ôi, thật quý hoá! Chúng tôi rất đội ơn ngài! Chúc ngài cũng được khoẻ mạng! Thật quả là vinh dự cho chúng tôi. Lạy Chúa! Ðược ngài đến thăm!

Tình thế không ngờ lại xoay chuyển 1 cách tốt đẹp như vậy. Nhưng dù sao, tôi nghĩ cũng phải chuồn ngay, kẻo nhỡ đâu sự việc trở nên rắc rối.

-Các ông cho phép tôi về! – tôi nói.

Lão ta đứng lên tiễn tôi ra tận cửa. Tôi bước thật nhanh để mau mau thoát khỏi chốn này, không dám nghĩ đến chuyện đòi lại bút máy, cuốn sổ và chiếc kính, vì sợ phải nhắc đến chuyện hiểu lầm vừa xảy ra. Thôi! Chả cần!

-Thưa ngài!… thưa giáo sư! Ngài còn quên đồ đạc!

1 tên trong bọn bỗng chạy theo tôi, gọi. Hắn mang bút máy, tờ giấy ráp, cuốn sổ và kính lúp lại cho tôi.

-Thưa giáo sư, ngài là bạn của ông tổng giám đốc thật đấy ạ? – hắn hỏi.

-Ðúng thế – tôi đáp – Nhưng sao ông lại hỏi vậy?

-à, chả là dạo này đang có “mốt” như thế.

Ai thấy người sang cũng muốn quàng làm họ cả. Ngài hiểu chứ ạ? Ðể lúc nào có việc cần thì bảo: “Ðây là bạn tôi!” và thế là thoát. Mà chúng tôi thì làm sao biết được kẻ ấy có đúng là bạn thật hay không? Nhưng ngài thì đúng là bạn thật chứ ạ?

-Ðúng, tôi là bạn thật.

Hắn chìa cho tôi mâu giấy.

-Thưa ngài, tôi đã viết lai lịch của tôi ra đây. Là để phòng xa như vậy. Nếu ngài có dịp gặp ông tổng giám đốc thì… e hèm…

Kể đến đây, Halit bảo tôi:

-Từ hôm ấy, cứ biết được địa chỉ của ai trong số những bậc tai mắt của ta là tôi ghi ngay vào sổ. Ðến lúc tưởng mất quyển sổ, tôi lo quá anh ạ! Có những địa chỉ này chẳng khác gì được bảo hiểm tài sản và tính mạng vậy. Anh cũng nên có 1 quyển sổ như thế mới được. Nhưng cần nhớ 1 điều là hễ có ai về hưu do sức khẻo hay bị cách chức thì phải lập tức xoá ngay tên khỏi sổ, nếu không thì có khi mang vạ vào thân đấy!… Thế thật anh không biết gì về những quyển sổ ghi địa chỉ những bậc có thế lực trên cõi đời này à?

-Không!

-Vậy thì hỏng to rồi người anh em ạ! Bây giờ ai cũng phải giữ cái của này trong túi áo để phòng khi bất trắc thì giở ra. Vì có ai biết được điều gì sẽ xảy ra với mình lúc bước chân ra khỏi cửa? Ngày xưa thì có những tấm bùa hộ mệnh hay câu thần chú giúp người ta thoát khỏi ốm đau, tai hoạ. Bây giờ thì có sổ ghi địa chỉ thay cho những thứ ấy. Mà lại hiệu nghiệm hơn nhiều!…
 
Bao nhiêu tượng nhỉ?

– Khách sạn gì mà xây lâu đến thế kia chứ!

– Chứ gì, ngần ấy thời gian thì xây được cả thành phố chứ đâu chỉ là một khách sạn.

– Sao lâu thế nhỉ? Hay là ta chọn nhầm cánh thầu khoán?

– Khách sạn này cũng có mấy nhà thầu nước ngoài xin việc, không hiểu sao các ông ấy lại ưng nhà này, cũng chẳng phải vì nhà ấy đòi ít, cũng chẳng phải họ làm tốt các hợp đồng khác, cũng chẳng phải vì họ chiều mình. Sự thể ra sao tôi phải quan sát đã rồi mới dám nói.

Hoá ra là quan cũng nhiều mà cung cách cũng lắm; nào mở tiệc ăn mừng, nào cắt băng khởi công, nào quan lớn tự tay đặt viên gạch đầu lấy may. Rồi chiêu đãi dưới trên, ăn một miếng nhớ đời, rồi báo chí rùm beng, bài to, ảnh nhớn.

Ít lâu sau hàng rào khách sạn tương lai mọc lên.

Một hôm có 3 chiếc xe con đỗ cạnh công trường. Nào phải ai xa lạ, chính là các vị quan chức nước nhà bước xuống xem xét bề thế công trường.

– Sao hành lang lại hẹp thể nhỉ? – Ngài trưởng nhóm hỏi.

– Bẩm quan, cái đồ án thiết kế nó vậy. – Người kỹ sư đáp, – hành lang đã rộng đến năm mét…

– Chắc ông cho rằng chúng tôi không thấy cái khách sạn nào bao giờ hẳn? Tôi đã ở các ôten ngoại quốc, hành lang của họ còn rộng nữa. Thôi được cứ cho rằng hành lang theo thiết kế đi, nhưng số lượng hành lang ít quá. Khách sạn mà có mấy cái hành lang như thế. Không làm được thì thôi, đã làm thì làm cho ra làm. Tiền dân, tiền nước!. Phải biết xót chứ… Ông kỹ sư ngậm tăm.

– Còn các ngài nghĩ thế nào? Khách sạn lớn mà có mấy cái hành lang như thế chẳng phải là ít hay sao? – Quan lớn hỏi bầy tuỳ tùng.

– Hơi ít, thưa ngài.

– Dạ bẩm ít ạ.

– Ít quá chứ ạ…

Và thế là hợp đồng với nhà thầu ấy bị huỷ.

Trong lúc chờ giám định phân xử, bản thiết kế được thay đổi: hành lang nhiều hơn, rộng hơn.

Việc thi công đồ án mới đang triển khai thì một ngày kia lại có mấy chiếc xe con dừng bánh bên đường. Lại có mấy nhà đương chức đến nom việc. Đi đầu là một ngài bệ vệ nhất. Vừa thấy cái lỗ cửa ra vào, ngài hỏi liền:

– Chỗ này làm gì đây?

– Dạ, phòng khách đấy ạ, – đại diện hãng thầu mới đáp.

– Phòng khách? Phòng khách quái gì mà thế này?

– Dạ bẩm, việc chưa xong, mai kia chúng con lát đá sơn tường, kẻ hoa…

– Hiểu rồi, tức nghĩa là phòng khách chứ gì… Nhưng ta hỏi, phòng khách có phải là nơi đấu ngựa không? Làm gì có phòng khách như bãi quần ngựa ấy? Tiền dân, nghĩ mà xót ruột…

– Bẩm ngài, chúng con làm theo thiết kế…

– Lạy Chúa, cái mà các anh gọi là thiết kế, nó không phải là bài kinh Coran bất di bất dịch. Phải thay thiết kế, phải thay đi mới được.

Nhà thầu chịu nghe không dám ho he. Theo ý mới, các phòng khách đều được thu nhỏ.

Công việc đang chạy, thì một hôm lại có mấy quan phóng xe con đến xem khách sạn. Ngài đương quyền dẫn đầu đội khảo hạch nói chung là vui, nhưng đúng lúc ra đến cửa, ngài mới nhìn lên trần băn khoăn hỏi:

– Thế không làm mái vòm, trần cuốn à?

Câu hỏi làm nhà kiến trúc sư trẻ tuổi bủn rủn đầu gối, anh ta chết lặng đi mấy phút, bây giờ mới đủ sức định thần để hỏi lại.

– Xin ngài thứ lỗi, con không hiểu, ngài định nói mái vòm, trần cuốn thế nào ạ?…

– Đó mới là kiến trúc lối Thổ. Những người vào khách sạn sẽ là người nước ngoài, vì thế khách sạn phải theo lối Thổ ta… Anh xem nhà cửa nước Thổ bao giờ lại không có mái vòm, trần cuốn.

– Nhưng thua ngài, trong bản thiết kế…

– Thiết kế là cái gì? Nhờ nhà thầu làm thiết kế bao giờ chả vậy. Họ biết gì về kiến trúc và tâm hồn ta nào?

Các quan tùy tùng cúi cả đầu xuống.

– Nhà thế này thì ai cần? Nhất thiết phải có mái vòm, trần cuốn. Trông thấy tiền dân, tiền nước mà xót cả ruột.

Làm mái vòm, trần cuốn cho cả nhà thì tốn phí quá nhà thầu chỉ dám theo tinh thần dân tộc ở một đôi chỗ dễ nhất.

Công việc xây cất đã đến lúc hòm hòm thì giới chức quyền lại theo bánh xe con lăn đến. Ngài quyền cao đi trước buồn rầu nhận xét:

– Úi dà! Sao lại làm nhiều hành lang thế nhỉ? Phòng thì ít, lối lại nhiều. Ở đây dễ lạc như vào rừng… Thật xót tiền dân…

Làm đi làm lại mãi chẳng còn biết thời hạn ra sao? Công việc mịt mùng không dứt. Báo chí đã bắt đầu đưa đẩy. Muốn nhanh nhà thầu phải đổi kiểu mái. Nhưng những cuộc tranh luận bất đồng lại nổi dậy. Dùng ngói gì bây giờ? Ngói bản xứ hay ngói Mácxây. Cuối cùng phương án ngói bị đổ và mái được làm bằng bê tông thường.

Công việc gần xong thì bỗng bụi đường tung dưới bánh xe con.

– Thế gạch men đâu? Khách sạn Thổ mà không có gạch men là thế nào? – Các quan khách kinh ngạc hỏi.

Sau đó mọi người vào phòng khách. Phòng khách không có một cây cột. Ngài trưởng đoàn bảo:

– Ở đây không có cột, mà cột lại cần. Cầu trời cho mái đừng sập…

– Bẩm ngài an tâm, không sập được đâu ạ, chúng con đã tính.

– Đã tính? Đến lúc nó sập thì đem tính của các anh ra mà trừ à?

Ngài quay lại đám sau lưng:

– Thế nào, các ông, trần sập được chứ?

– Bẩm, được ạ…

– Thế nào cũng đổ, nặng thế kia cơ mà? Lại còn đồ đạc trên ấy nữa… Rồi người vào lại đông… Thế nào cũng đổ…

– Nổ như bom ấy chứ…

– Bao nhiêu là tiền vứt qua cửa sổ… Thật xót tiền nhà nước… các anh nghe không? Ai cũng bảo đổ… Thêm mấy cái cột có phải là lạ kiểu…

Chiều ý mới, các phòng khách đã có thêm cột.

– Một ngài dẫn đầu một đoàn lãnh đạo khác đã biến dãy cột vuông thành gạch vụn. Trong sách giáo khoa thư ngài học hồi bé, ngài thấy có ảnh đền đài Hy Lạp toàn cột tròn cả, chứ không lai căng thế này. Tiền nhà nước vứt ra cửa sổ thật là xót ruột…

– Bẩm quan, dễ như trở bàn tay thôi, chúng con sẽ có cột tròn.

Đến lúc tường ngoài đã chạm trổ hoa văn thì một quan lớn đến thăm, trách cứ:

– Những công trình hiện đại người ta dùng mặt tiền bằng kính chứ!

Cuối cùng rồi cũng đến lúc mọi việc coi là xong xuôi. Chỉ còn một việc cuối cùng. Một ngài quan khác nhận xét rằng cầu thang dốc quá, người đứng tuổi lên có phần mệt.

– Bẩm quan, còn thang máy. Vị nào trọng tuổi thì còn thang máy.

– Nếu vậy thì xây cầu thang làm gì? Các anh chả biết xót tiền quốc gia! Cầu thang cũng phải có ích chứ.

Sửa xong cầu thang. Một nhà kiến trúc sư nổi tiếng nước ngoài đến thăm.

– Một kiến trúc trứ tác! Xứng đáng làm đại bản doanh hên hợp quốc.

Gạch men mặt tiền và trên tường, mây hành lang, mái vòm, trần cuốn, chấn song sắt hình họa kim hương, mái nhà có ô văng, những thứ đó hoàn toàn theo tinh thần Thổ Nhĩ Kỳ. Ngược lại, chóp mái lại theo đúng phong điệu Bắc Âu. Những cầu vồng phòng khách mượn lối cung đình Thổ. Phòng khách chính giống lối đại sảnh, thậm chí còn lớn hơn những đại sảnh Aten… Rồi còn những mẫu mực xuất sắc của lối kiến trúc Ý… Nhà tắm, nhà vệ sinh rập theo kiểu Mỹ. Rồi lối xây Ấn Độ, đường Trung Hoa… Tất cả cùng nhau chen vai thích cánh.

– Tuyệt! – nhà đại kiến trúc ngoại bang thốt lên, – làm sao các ông có thể đưa nổi mọi lối kiến trúc vào một lâu đài như thế!

– Chúng tôi xây đi xây lại cái trứ tác này suốt chín năm đấy! Mà lại còn tằn tiện được bao nhiêu tiền dân!

Ông chủ nhiệm công trình tự hào đáp lại.
 
Điệp viên này sang VN thì sống sót được bao nhiêu phút nhỉ?

Y là điệp viên cỡ thượng thặng. Tên tuổi của y, ngay từ khi y còn sống, đã được ghi vào lịch sử tình báo thế giới. Quãng năm dài hoạt động ở phương Ðông đã cướp đi của y nhiều sức lực, nhưng không vì thế mà trông y mất vẻ điển trai rắn rỏi. Nhà nước đặt toàn bộ hy vọng vào người điệp viên OX-13 của mình, coi y là niềm tự hào của ngành tình báo quốc gia.
Một ngày nọ, OX-13 được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Trước khi đi hoạt động ở một nước nào, công việc đầu tiên của OX-13, tất nhiên là phải học tiếng nói của nước ấy. Năng khiếu ngoại ngữ của y quả là có một không hai. Kinh nghiệm cho y thấy rằng, học ngoại ngữ tốt nhất là học trên giường, nên OX-13 quyết định cưới một người vợ bản xứ để hoàn thiện thêm tiếng Thổ của mình. Việc chọn một cô gái thích hợp đối với y không phải là điều khó khăn. Ngay cả cái điều kiện hóc búa mà bố mẹ vợ đưa ra, bắt chàng rể tương lai phải theo đạo Hồi, y cũng vượt qua một cách dễ dàng. Vốn là một người có tư tưởng dễ dãi và bình đẳng đối với các vấn đề tôn giáo, nên y đã dũng cảm chịu đựng một phẫu thuật khá nguy hiểm cho một người ở vào lứa tuổi y, để đang là Risa Vêlinh, y có thể biến thành Rêsát Vêli.
Chỉ sau chưa đầy hai, ba tháng, tiếng Thổ của OX-13 đã có thể coi là tuyệt hảo.
Vậy là cuối cùng, y đã tự thiết lập xong cho mình một vị trí vững chắc trên đất nước xa lạ và tạo được những điều kiện hết sức thuận lợi để hoàn thành sứ mạng mà người ta giao phó cho y ở xứ sở này. Nhưng chính vào lúc đó, trong cuộc đời y đã xảy ra một biến cố bất ngờ. Chắc các bạn cũng biết, nhiều khi một môi trường mới mẻ hay một hoàn cảnh xa lạ có thể làm cho con người bỗng thay đổi hẳn. Ðối với OX-13 cũng vậy. Việc chuyển theo đạo Hồi, việc cưới vợ Thổ, và việc chung sống với những người Thổ làm cho trái tim đá, ý chí sắt và thần kinh thép của y đột nhiên trở thành mềm yếu. Chuyện đó thoạt nghe có vẻ khó tin, nhưng sự thực lại hoàn toàn đúng như vậy. Có thể, cái bầu không khí ấm áp chân thành bao bọc xung quanh Rêsát Vêli đã làm cho lòng y trở nên hiền dịu. Trách nhiệm của nghề tình báo bắt đầu làm y thấy nặng nề khó chịu: y cảm thấy chán ghét cái công việc lén lút chống lại những con người dễ thương và tốt bụng ấy. Y tự nhủ sẽ đến đầu thú tại cơ quan phản gián Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ thú nhận hết mọi chuyện với họ, rồi muốn ra sao thì ra!... Y đã chuẩn bị tất cả với ước vọng duy nhất là làm sao thoát khỏi cái trò chơi mà y đang vướng vào, để được sống yên ổn hạnh phúc trong cái tổ ấm gia đình, bên cạnh người vợ yêu và những con người trung thực đáng mến.
Thế là y quyết định đi thực hiện ý định đó.

Rêsát Vêli bước vào một toà nhà lớn. Chẳng hề đắn đo, y gõ cửa căn phòng đầu tiên mà y gặp, rồi đứng ngay tại ngưỡng cửa, y báo ngay cho một viên chức ở đó biết rằng: Y, Rêsát Vêli, hay Risa Vêlinh, hay OX-13, chính là gián điệp của nước ấy nước ấy, và được phái sang đây để tiến hành một nhiệm vụ đặc biệt.

Danh tiếng của đại cường quốc quả là có một tác động kỳ lạ đối với người viên chức nọ: vừa nghe thấy cái tên ấy, anh ta không còn chú ý gì đến hai tiếng "gián điệp" nữa, mà vội vàng đứng phắt dậy, cúi rạp người trước Rêsát Vêli, kính cẩn tự giới thiệu tên tuổi và chức vụ của mình.

- Rất hân hạnh được quen biết ngài! Xin mời ngài ngồi! - anh ta nhắc lại với giọng đầy xúc động.

Không! Rêsát Vêli quả là không nhầm khi nghĩ về cái dân tộc đáng quý này! Ngay cả với một tên gián điệp họ vẫn tiếp đón với nụ cười niềm nở! Y rút thuốc lá ra mời người viên chức, đoạn ngồi xuống ghế và bắt đầu nói:

- Tôi là điệp viên OX-13. Tôi được phái sang đây với mật danh là Risa...

- Thưa, chúng tôi có thể giúp gì cho ngài? - người viên chức nhã nhặn ngắt lời y - Ngài cần gì ở chúng tôi ạ?

Rêsát Vêli chưng hửng:

- Nhưng tôi là... gián điệp mà! - y do dự kéo dài giọng.

- À, tốt lắm!... - nhân viên nọ suy nghĩ - Chắc ngài muốn làm việc cho chúng tôi phải không ạ? - rồi không đợi trả lời, anh ta nở một nụ cười đon đả nói tiếp - Vậy xin mời ngài lên tầng 2, phòng 228 ạ!



Tại phòng số 228, người ta nghe Rêsát Vêli một cách hết sức chăm chú, rồi cuối cùng hỏi y:

- Thế nhiệm vụ của ngài là gì?

- Ðặt mìn gây các vụ nổ ngầm - Rêsát Vêli đáp.

- Bộ phận của chúng tôi hiện nay đã được bổ sung đầy đủ. Trong thời gian tới chắc cũng chưa có chỗ khuyết. Nên rất tiếc chúng tôi không thể bố trí cho ngài việc gì được!

Nhà tình báo nổi tiếng, vốn là người hết sức bình tĩnh, nghe thấy thế bỗng cảm thấy thần kinh của mình không còn được bình thường nữa. Y nói như hét:

- Nhưng tôi đã nói với các ngài rằng tôi là một điệp viên! Một tên gián điệp!...

- Tuyệt lắm! Nhưng ngài muốn gì ở chúng tôi? Ngài muốn chúng tôi che chở cho ngài ư?

- Nhưng tôi là một điệp viên nước ngoài! Chả lẽ ở đây không có ai giải quyết vấn đề của tôi cả hay sao? - rồi bằng một giọng run run, Rêsát Vêli nói tiếp - Tôi sẽ khai hết tất cả các điều bí mật!

- Á, à! Thế thì lại là chuyện khác! Nếu vậy xin ngài quá bộ leo lên một tầng nữa, sau đó rẽ tay phải, rồi đi theo hành lang đến căn phòng cuối cùng. Ở đó người ta phụ trách các vấn đề nổ mìn.



Rêsát Vêli leo lên tầng 3.

- Thưa ngài, tôi là nhân viên tình báo...

Viên quan chức ngồi ở bàn thậm chí không thèm ngẩng đầu lên.

- Ai bảo ông đến đây?

- Không ai cả, tôi tự đến...

Viên quan chức tức giận rời mắt khỏi đống giấy tờ:

- Tôi hỏi, ai chỉ cho ông đến phòng tôi?

- Ở phòng 228 người ta cho tôi biết là ngài phụ trách vấn đề nổ mìn.

- Vâng, đúng rồi! Nhưng nổ mìn cũng có nhiều cách khác nhau.

- Tôi chuyên về phá cầu.

- Ðấy! Ông thấy chưa? Nếu thế thì lại không thuộc bộ phận chúng tôi! Mìn là mìn, mà cầu là cầu chứ!...

- Thế thì tôi phải đến gặp ai ạ?

- Gặp ai ấy à? - viên quan chức suy nghĩ một lát rồi đáp - À, phải rồi! Ông hãy lên tầng 4, ở đó họ sẽ chỉ dẫn cho!

Khoảng 10 phút sau, Rêsát Vêli đã ngồi trong một căn phòng khác và đang trình bày. Người ta nghe y rất chăm chú rồi hỏi y:

- Ngài chuyên làm nổ các loại cầu gì?

Nghe hỏi thế Rêsát Vêli cảm thấy như chính mình cũng sắp bị nổ tung.

- Sao? Chả lẽ các ngài không biết có những loại cầu gì nữa hay sao?

- Chúng tôi biết. Cầu thì có cầu đá, cầu bê tông, cầu gỗ... Nhưng mỗi loại cầu chúng tôi có bộ phận nghiên cứu riêng.

- Nếu vậy, tôi chuyên về cầu bê tông - Rêsát Vêli thú nhận.

- Nếu thế thì ngài đến nhầm chỗ rồi! Ngài phải lên tầng năm, phòng số 501 cơ! Ở đó họ phụ trách vấn đề của ngài.



Sau khi nghe Rêsát Vêli trình bày, viên quan chức phòng 501 suy nghĩ một lát rồi cầm lấy máy điện thoại.

- Bẩm ngài!... Có một người đến chỗ chúng tôi tự xưng là điệp viên và khai ra biết làm nổ các cầu bê tông. Xin ngài cho biết phải xử trí với anh ta thế nào ạ? Dạ... dạ! Bẩm vâng ạ! Và với vẻ hài lòng, anh ta quay sang Rêsát Vêli, lúc này bỗng thấy hy vọng là chuyện của mình sẽ được giải quyết - Tốt nhất là ngài hãy làm theo lời khuyên của cấp trên chúng tôi và hãy tìm gặp ngài Hasim.



Ngài Hasim chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối câu chuyện của Rêsát Vêli rồi hỏi:

- Xin lỗi, ngài có thể cho biết ngài phá nổ cầu bằng phương pháp gì không ạ?

Rêsát Vêli nóng bừng mặt:

- Nhưng... bằng phương pháp nào thì các ngài cần gì phải biết?

- Xin ngài hãy bình tĩnh...! E... hèm! Ngài bảo ngài là một điệp viên mà ngài lại dễ xúc động quá!... E... hèm... Chắc ngài cũng biết rằng ở chỗ chúng tôi người nào thần kinh không vững thì không thể làm việc được... Tại sao tôi hỏi ngài như thế? Là vì đặt thuốc nổ có dây cháy chậm rồi châm ngòi là một chuyện, còn gài mìn giờ, hoặc mìn điều khiển theo cự ly lại là chuyện khác! Mỗi cách chúng tôi có bộ phận phụ trách riêng...

- Tôi có thể sử dụng cả hai cách! - Rêsát Vêli cáu tiết quát - Tôi là điệp viên! Các ngài có hiểu không? Một điệp viên ngoại hạng! Tôi biết làm tất cả! Các ngài rõ chưa?

- Nếu vậy, đó không phải vấn đề chúng tôi phụ trách! Xin mời ngài xuống tầng một, phòng thứ ba, bên phải cơ ạ!



Tuy đã gần như tuyệt vọng, nhưng Rêsát Vêli vẫn kể lại từ đầu đến cuối. Giọng y đã uể oải, chán nản. Viên quan chức của phòng ba, bên phải, tầng một, vừa nghe y nói, vừa đổi chân luôn luôn, ra chừng khó chịu. Y đã đứng lên mặc áo măng tô, chốc chốc lại liếc nhìn đồng hồ.

- Tốt lắm, ông bạn thân mến ạ! Mọi việc rõ cả rồi. Nhưng sao ông đến muộn quá vậy? Giờ làm việc hết mất rồi! Văn phòng đã đóng cửa. Mà chuyện của ông lại rất quan trọng và đòi hỏi mất nhiều thời gian!...

- Nhưng có phải lỗi tại tôi đâu! Suốt ngày tôi cứ bị người ta đuổi đi hết phòng này đến phòng khác.

- Ồ, ông bạn ạ! Tôi rất hiểu ông. Nhưng ông cũng phải hiểu cho tôi chứ! Là hết giờ làm việc mất rồi!

Rêsát Vêli há hốc mồm. Nhưng viên quan chức đã bước ra phía cửa.

- Thôi, xin lỗi ông bạn! Ngày mai thế nào ông cũng đến nhé! Nhưng nhớ đến sớm một chút đấy!



Rêsát Vêli, tức Risa Vêlinh, cũng tức điệp viên trứ danh OX-13, vừa mệt mỏi lê bước trên phố vừa miên man suy nghĩ: "Thế là rút cuộc ta không thoát khỏi cái trò chơi quái gở này... Lại phải tiếp tục cái công việc quái gở... Và hơn nữa, lại ở cái đất nước cũng hết sức quái gở này!...".
 
Người lái xe vừa kêu xong tên bến cuối ” Cuôctulusơ”, tôi đã bám ngay ở cửa xe. Nhưng giật mãi cánh cửa vẫn không mở. Tay nắm không tài nào xoay được. Người lái xe bảo:

-Vặn về bên trái !

Tôi vặn về bên trái. Tay nắm vẫn không xoay. Người lái xe lại hét to từ bên trong :

-Bên trái ! Đã bảo là bên trái cơ mà ! Anh chưa bao giờ ở trong quân đọi hay sao ?

Tôi nghĩ, chả lẽ mình quên mất đâu là tay sao đâu là tay phải thật rồi sao ? Đằng sau xe chúng tôi đã ùn lại một dòng xe : cả xe con, xe tải, xe chở khách. Cảnh sát giao thông hú còi inh ỏi.

-Xoay sang trái đi !

Vẫn không mở được.

Người lái xe nhoài người ra mở cửa, và tôi chui lên xe. Ô tô chuyển bánh. Người lái xe cáu thực sự. Sao lại có người tối dạ đến như thế được nhỉ ! Đến giờ vẫn không phân biệt được đâu là bên trái, đâu là bên phải. Người nào cũng giải thích. Mà một việc quá đơn giản. Xoay sang trái một cái là xong !

Không phải nói khoe, nhưng tôi được cái tính rất tốt nhịn. Một khi tôi đã sai thì mặc cho người ta chửi mắng đến mấy, cũng không bao giờ tôi cãi lại một câu.

Anh lái xe tiếp tục lầu bầu :

-Không hiểu loại người đến cửa xe tắc-xi cũng không biết mở thì sống trên đời này làm gì nữa !

Mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ. Nhưng suy cho cùng, anh ta đúng, và hành khách ai cũng đồng tình với anh ta.

-Chẳng qua là do tính bừa bãi cẩu thả thôi anh ạ.

Một ông béo chêm vào.

-Cái dân ta cẩu thả lắm !

-Ôi tôi ngán quá rồi ! Có lẽ phải mở lớp riêng chuyên dạy cách mở cửa xe mất !

-Ồ không, anh bạn ơi, có dạy người ta những thành tựu văn minh cũng vô ích thôi. Kẻ nào sinh ra đã ngu rồi thì dạy mấy cũng chẳng làm hắn ta thông minh lên được đâu.

Đến quảng trường Êminhiô ông béo kia muốn xuống. Thì đây đến lượt ông ta mở cửa không được. Lần này anh lái xe quát tháo với ông ta:

-Bên phải ! Vặn tay nắm sang bên phải !

-Không mở được anh ạ .

-Ai bảo ông vặn sang trái ? Đ.mẹ cái nhà ông “tẩm” ! Ở ngoài thì vặn sang trái, còn ở trong phải vặn sang phải chứ !

-Nhưng cái tay nắm chết tiệt này không thể nào xoay được. Sang trái sang phải đều không được.

Anh lái xe lại phải nhoài người ra mở hộ. Ông béo cố lách người chui ra ngoài. Người lái xe lúc nãy đã cáu lắm, quay sang chửi tục liên mồm. Không đủ sức chịu đựng những cái đó, tôi bỏ ý định đến Cuôctulusơ, nhưng không dám xuống vì sợ không mở được cửa.

-Ngu như bò!…

-Bác tài ơi, tôi xuống đây…

Tôi cầm tay nắm xoay sang phải. Đội ơn thánh Ala, tôi đã ra được ngoài. Ban nãy tôi để ý cách người lái xe mở cửa quả không uổng công. Tôi chờ xe khác.

-Đi Cuôctulusơ à ?

-Vâng.

Xe đỗ ngay trước mặt tôi. Không đợi người lái xe chửi , tôi thử xoay sang bên trái . Nhưng không xoay được. Tôi ấn mạnh hơn. Mạnh đến tê cả tay.

-Ấn lên trên ! Ấn lên trên ! – Người lái xe kêu to.

Tôi kéo tay nắm lên trên – cửa mở ra. Anh lái xe bắt đầu càu nhàu:

-Dân Xtămbun toàn những đồ vô tích sự !

-Chỉ được cái nhong nhong suốt ngày ngoài đường !

-Cửa xe Tắc-xi cũng không biêt mở thì đừng sống trên đời này làm gì nữa, cũng mang tiếng là người!…

Các bạn thử chịu đựng những câu nói mỉa mai châm chọc như vậy xem ! Cả lái xe và hành khách đều cho là tôi có lỗi.

Đến Carakiô có người muốn xuống nhưng không mở được cửa.

-Kéo lên trên ! – Anh tài xế không nói, mà quát lên.

-Nó không lên !

-Ấn nào !

-Ấn rồi, nhưng vẫn không lên.

Anh lái xe thò tay mở cửa, ông khách bước xuống, tôi cũng vội bước theo. Vì chỉ sợ lúc nữa chính tôi cũng không mở cửa được. Vậy là tôi xuống Carakiô. Vất vả lắm mới bắt được xe tắc-xi. Tôi xoay tay nắm sang trái, không được, sang phải, cũng không được. Kéo lên – Ôi ! Ấn xuống – Chà ! Không làm sao mở nổi. Tôi đã cầm chắc bị nghe chửi. Xoay nắm bốn phía đều vô hiệu.

-Đẩy mạnh ! Đẩy thật mạnh !

-Về phía nào ?

-Về phía phải đẩy chứ còn về phía nào ! Thế anh không biết đẩy hay sao ? Đẩy mạnh vào trong !

Từ bé tôi chưa thấy cửa tăc-xi phải đẩy vào trong để mở.

-Không đẩy cửa mà đẩy tay nắm !

À, đây rồi, may quá ! Cửa đã mở ! Còn anh lái xe ?

Bạn tưởng anh ta im lặng sao ?

-Không người nào là không phải dạy…

-Không phải người, mà là lừa ! Ông khách ngồi ngay phía ngoài chêm vào.

-CỬa chưa đóng ! – Anh lái xe quát to ngắt lời ông ta.

Ông khách mở cửa rộng hơn một chút rồi “sập” mạnh một cái – không được ! Ông ta “sập” mạnh cái nữa – vẫn không được.

-Kéo mạnh vào, – người bên cạnh nhắc ông ta.

Bốp ! Xình ! Xình !

-Nhẹ thôi, nhẹ thôi – anh lái xe mắng ngay.

-Không tôi phạt ông hai nhăm curusơ bây giờ !

Nhoài người ra đóng cửa, anh lái xe vẫn chưa thôi !

-Tuần nào cũng chữa cửa ! Kiếm được bao nhiêu vào tiền chữa cửa hết ! Không phải công việc nữa, mà đúng là cực hình ! Ở nhà ông không có cửa hay sao ? Cửa này giống như đồng hồ ấy, chỉ sập nhẹ một cái là đóng thôi !

Một hành khách muốn xuống bến Galataxarai. Cửa không mở được. Lại quát tháo, chửi mắng, lại sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới…Cuối cùng cửa cũng mở, và tôi lại theo ông khách bước xuống ngay.

-Xe đi Cuôctulusơ phải không ?

-Phải,xin mời !

Nói “xin mời” thì dễ, nhưng cứ thử lên xem ! Tôi cầm lấy tay nắm. Nâng lên trên không được, kéo xuống dưới cũng không được, vặn sang trái, sang phải đều không ăn thua, đẩy vào trong cũng vậy…

Mẹ kiếp ! Tôi cố hết sức. Đến đại lực sĩ Iuxun sống lại cũng không mở được cánh cửa này.

-Kéo về phía mình !

Chà ! Hóa ra bí quyết là ở chỗ đó ! Tất nhiên bác tài lập tức lên lớp cho tôi một bài. Nhưng không, tôi không thể nhịn được nữa:

-Này, người anh em – tôi bảo anh ta – Mỗi xe cấu tạo một khác. Chúng tôi có lỗi gì trong chuyện đó ? Loại thì vặn sang bên phải, loại vặn sang bên trái, loại kéo lên, loại ấn xuống, loại đẩy vào trong, loại thì kéo ra ngoài…

Anh tài xế điên tiết thật sự:

-Chả nhẽ những cái vặt vãnh như thế mà cũng không nắm được hay sao ? Xe “Ford” thì tay nắm xoay sang bên trái, “Studebaker” thì tay nắm xoay sang phải, “Chevrolet” thì đẩy vào trong, “Khimanôp” thì kéo về phía mình, “Fiat” thì đầu tiên vặn sang phải, rồi ấn mạnh, “Biuki” thì đơn giản nhất: lúc đầu xoay sang trái, sau đó sang bên phải, rồi hơi kéo về phía mình một chút, sau đó hơi nâng lên một chút rồi kéo thật mạnh xuống, sau đó lại hơi kéo về phía mình một chút, ấn nhẹ một cái rồi đẩy vào – thế là xong, cửa mở ngay…

Anh lái xe cứ liến thoắng kể tên các loại xe và cách mở cửa của từng loại. Nghe anh ta nói mới ngọt làm sao ! Nhưng cuối bài diễn thuyết của mình anh ta vẫn mắng cho tôi mấy câu:

-Chỉ có đồ ngu mới không biết những chuyện đơn giản như thế !

Có một ông khách cũng lên tiếng ủng hộ anh ta:

-Đúng là ngu quá sức ! Cả thảy có độ hai ba chục loại ô tô. Sống ở Xtămbun mà không thuộc nổi những chuyện như vậy thì đem vứt xuống biển cho rồi…

-Đúng thế – anh lái xe sung sướng họa theo – người như thế chết quách đi, sống làm gì !

-Ngữ ấy chỉ đáng nhai rơm rạ…

Ông khách vừa lên tiếng sát mạt tôi xuống bến tăc-xi. Nhưng ông ta chưa kịp chui ra khỏi xe bỗng kêu váng lên:

-Ái-ái-ái ! Ái-ái-ái !

-Cái gì thế ? Làm sao vậy ?

Cho chết. Đồ con lợn ! Hắn bị cánh cửa kẹp ngón tay cái. Máu chảy ròng ròng, còn hắn thì cứ đứng và chửi :

-Cái cửa chó chết ! Trong đời này chưa bao giờ thấy cánh cửa nào chết tiệt như vậy !

Trong khi hắn cứ đứng than vãn, người lái xe đã cho tăng hết ga và chúng tôi lao về phía Khabie. Ở chỗ đó có một ông khách muốn lên xe nhưng không sao mở được cửa. Cửa xe nặng như cửa pháo đài. Tôi nói không sai, giá như quốc vương Mêchmet Phatikhơ, người hồi xưa cứ mỗi tuần mở cửa thành phố một lần, có sống lại cũng không thể mở nổi.

-Ấn vào! Tôi bảo ông ấn hộ cái ! – Người lái xe hét to .

-Ấn vào cái gì ?

-Lần đầu tiên ông đi ô tô hay sao ? Ấn vào cái nút chứ còn ấn vào cái gì !

Các bạn có biết cái nút ấy nó nằm ở đâu không ? Nếu không các bạn đoán thử xem. Nó nằm ở trong xe, sau tấm kính cửa sổ. Tôi ấn vào nút, còn ông khách ở ngoài ấn vào tay nắm, và cửa mở ra. Tôi từ từ nhảy xuống đường.

Tôi quyết định đoạn còn lại sẽ đi bộ.

Nhưng một chiếc xe ở đâu bỗng đỗ ngay bên cạnh tôi.

-Bác về đâu ?

-Cuôctulusơ !

Tôi nhìn bác tài. Một người đứng tuổi. Tôi nghĩ bụng, chắc ông này không chửi bới. Trong xe có ba hành khách. Mọi chuyện đều tốt đẹp, nếu như…cửa mở ra được. Bây giờ tôi đã biết mỗi loại xe đều có cách mở riêng của nó. Nên trước khi sờ tay vào nắm xe tôi hỏi ngay:

-Xe mác gì đây bác ?

-“De Soto”

-“De Soto” à ? Loại xe này mở như thế nào nhỉ ? Không thấy cái tay nắm nào cả…

-Đẩy !

Tôi đẩy.

-Ấn !

Tôi ấn.

-Kéo ! Kéo về phía mình ! Xoay đi !

-Tôi xoay rồi.

-Xoay mấy vòng ?

-Hai.

-Không, xoay lại đi. Phải ba vòng cơ!…

Bác tài giúp tôi, nhưng chính bác ta cũng không mở được. Cuối cùng, với sự hợp tác của tất cả – lái xe và hành khách bên trong – Tôi thì ở ngoài- chúng tôi mới mở được cửa. Nhưng bây giờ lại không đóng được. Tôi kéo, người lái xe kéo – không đóng ! Thấy vậy tôi bèn lấy hết sức đóng thật mạnh làm cả cái xe rung ầm ầm…Không biết ở chỗ nào nghe “sập” !

-A ha ! Đóng được rồi ! – Bác tài vui vẻ reo lên.

Chúng tôi bắt đầu lên đường. Ông tài không lúc nào ngơi mồm. Xe ông ta giá những năm chục ngàn lia, vậy mà trong vòng có một năm hành khách đã khéo biến nó thành mớ sắt vụn ! Không ai có chút hiểu biết gì về cách lên xe, cách đóng mở cửa…Tháng nào cũng phải sửa…Và những lời kêu ca khác đại loại như vậy. May mà lần này những lời mắng nhiếc ấy không nhằm vào tôi.

Bến cuối cùng – Cuôctulusơ. Một hành khách định mở cửa. Lập tức tôi muốn khoe ngay những hiểu biết của mình:

-Đây là xe “De Soto”. Nhấc tay nắm lên rồi kéo về bên trái.

Hành khách thứ hai vội chạy đến giúp, tiếp đó là hành khách thứ ba. Đích thân bác tài vừa càu nhàu vừa ra mở hộ. Nhưng không ai mở được. Chúng tôi bắt đầu đẩy mạnh từ phía bên kia- cũng không ăn thua gì. Chắc chúng tôi bị kẹt ở đây mất. Bác tài hì hục toát mồ hôi, văng ra đủ mọi thứ tục tĩu nhất…Một số chúng tôi loay hoay với cánh cửa bên phải còn số khác thì cố nậy cánh bên trái. Nhưng cả hai cánh cứ như những cánh cửa sổ ma trong chuyện cổ tích – cố thế nào chúng cũng không chịu mở.

-Kéo nút ra ! Ấn vào ! Tì thật mạnh !

Phía sau chúng tôi ùn cả lại một dòng xe điện, xe ô tô. Có tiếng còi cảnh sát giao thông. Bác tài phải đánh xe vào sát vỉa hè. Một ông khách nóng toát mồ hôi phải cởi áo vét. Một người lấy chân đá thình thịch vào cánh cửa. Một bà đi cùng xe với chúng tôi cứ hét toáng lên:

-Cứu tôi với ! Cứu tôi với !

-Khẽ mồm chứ bà ! Đừng làm người ta thêm hoang mang. Người ta lại tưởng chúng tôi bị bắt cóc bà.

Một viên cảnh sát chạy đến. Người bắt đầu xúm đông lại.

-Có chuyện gì thế ?

-Cửa không mở được. Người trong xe không ra được. Bà khách khóc thút thít, ông tài thì văng những lời lẽ tục tằn nhất chửi hành khách làm hỏng cả cánh cửa, đám đông thì cứ ôm bụng cười…

-Có ai có rìu không ?

-Rìu không mở được đâu. Phải dùng búa !

-Tốt nhất là gọi thợ đến…

Trời đã bắt đầu tối. Chúng tôi vẫn bị nhốt trong xe. Khán giả và những người quân tử mỗi lúc một đông . Cửa thì vẫn không mở được. Một anh lái xe khác mách nước cho bác tài của chúng tôi:

-Này, anh bạn, hãy cho xe đến Ênisekhia. Ở đó có ông thợ rèn tên là Yankô, ông ta mở được đấy ! Hôm qua tôi chở khách đi Biucđere cũng gặp chuyện như vậy. Vặn hết hơi cửa vẫn không mở. Đến năm hiệu sửa xe nhờ mở cũng không được, cuối cùng đến ông Yankô mới mở được đấy !

Nghe lời khuyên của anh ta, chúng tôi đến Ênisekhia tìm hiệu sửa chữa của ông Yankô. Tất nhiên ông đã về nhà. Người ta cho người đến nhà tìm ông. Chúng tôi thì sắp chết ngạt trong xe. Một giờ, có khi đã hai giờ trôi qua. Cuối cùng ông thợ đến. Ông loay hoay với cánh cửa của chúng tôi một lúc rồi bảo:

-Các ông phải đến Taclabasư, ở đấy có ông thợ tên à Ybô, chuyên môn chữa khóa, ông ta sẽ mở được.

Chúng tôi đi tìm ông Ybô.

-Cái lẫy khóa bị rơi vào bánh răng – Ông Ybô giải thích.

-Thế phải làm thế nào bây giờ ?

-Bây giờ tối rồi, không làm được đâu. Để mai ban ngày xem may ra thì chữa được.

Nghe thấy thế chúng tôi ai nấy van nài:

-Ông Ybô, xin hãy cứu chúng tôi, bao nhiêu hy vọng đặt cả vào ông ! Ông muốn lấy bao nhiêu chúng tôi cũng xin trả. Một trăm, hai trăm cũng được.

Bà khách lại bắt đầu thút thít:

-Trời ơi ! Làm sao bây giờ ? Làm thế nào báo được cho chồng tôi bây giờ ?

Cuối cùng ông Ybô cũng thương hại chúng tôi và bắt tay làm. Nhưng đến khoảng mười hai giờ đêm ông kiệt sức.

-Không được. Việc này mất thời gian lắm. Phải chui qua cửa sổ mà ra vậy !

Mọi người để bà khách ra đầu tiên. Bà này thò đầu qua cửa sổ, những người ở ngoài đường kéo bà ta ra. Có một ông khách béo quá đẩy thế nào cũng không qua lọt. Tiếp theo đến lượt tôi. Cuối cùng tôi lại được hít thở bầu không khí tự do ! Sau đó chúng tôi lại bắt tay kéo ông béo. Người ta gọi cả tôi đến giúp một tay. Khi lôi được một nửa thì ông ta hoàn toàn bị mắc kẹt trong cửa sổ, kéo ra không được mà đẩy vào cũng không xong ! Thành thử ông ta cứ nằm vật người trên thành cửa sổ, nửa người trong xe, nửa người ở ngoài.

-Cố giúp tôi với – ông béo lạy van. Lúc này chúng tôi muốn đẩy ông trở lại cũng không được nữa.

Lát sau tôi cũng bỏ đi nên không biết sự việc cuối cùng kết thúc ra sao. Nhưng các bạn có thể dễ dàng đoán ra được, kể từ đó không bao giờ tôi dám đi ô tô đến Cuôctulusơ.
 
Các viên chức cảnh sát của nước Panacôrigia đang thực tập tại khóa huấn luyện của Cục điều tra liên bang Mỹ. Tháng cuối cùng của đợt huấn luyện ở 6 tháng này, dành để thực tập sử dụng một thành tựu mới nhất của khoa hình phạm học, gọi là “Máy phát hiện nói dối”. Ngài Hari Oenxơ, giảng viên của lớp học, nói với sáu viên cảnh sát Panacôrigia đang lắng nghe ông một cách hết sức chăm chú:



– Thưa các ông! Đề tài buổi học hôm nay của chúng ta là “Máy phát hiện nói dối”, một công cụ hỗ trợ đắc lực cho cảnh sát trong việc điều tra, phát hiện. Chiếc máy do các nhà khoa học Mỹ sáng chế này sẽ làm cho công việc của chúng ta được giảm nhẹ đi rất nhiều. Chẳng hạn, có 10 người chúng ta tình nghi là thủ phạm gây ra tội ác. Khi gần chiếc máy này lần lượt vào từng người và tiến hành hỏi cung, máy sẽ phát hiện được những lời khai dối trá, và do đó, giúp ta tìm ra đúng thủ phạm.



Ngài Hari Oenxơ ra lệnh mang “Máy phát hiện nói dối” đến rồi nói tiếp:



– Như các ông thấy đấy, chiếc máy nhỏ này gồm có bốn đồng hồ kiểm tra. Bây giờ chúng ta sẽ thí nghiệm chiếc máy này với một phạm nhân.



Người ta dẫn một người đàn ông cao khoảng 1m92, ăn mặc hết sức sang trọng vào phòng, cho ngồi vào một chiếc ghế. Giảng viên Hari Oenxơ giải thích:



– Một cái đồng hồ ta sẽ cắm vào rốn phạm nhân, cái thứ hai nối vào tim, cái thứ ba vào đầu, và cái thứ tư vào xương cụt. Ta đã biết rằng các phản ứng của con người được biểu hiện rõ nhất là ở bốn điểm đó. Nếu phạm nhân khai không đúng thì vùng rốn của y sẽ có mồ hôi toát ra và máy sẽ phát hiện được ngay lập tức, vì nó có khả năng phản ứng rất nhạy đối với bất kỳ hiện tượng chảy mồ hôi nào, dù rất ít và kín đáo, kể cả những trường hợp chảy mồ hôi mà mắt thường không thể quan sát được. Đồng thời kim của đồng hồ đo tim sẽ nhảy lên, kim máy đo não sẽ vạch ra một đường vòng cung, còn chuông của máy nối với xương cụt sẽ reo khi phạm nhân bị kích thích mạnh. Bằng cách đó ta có thể kết luận một cách chính xác kẻ bị tình nghi có tội hay vô tội.



Thưa các ông! Bây giờ ta bắt đầu tiến hành thí nghiệm. Tội nhân mà chúng ta sẽ dùng để thử chiếc “máy phát hiện nói dối” này là Fara Puasinô, một công dân Mỹ gốc Ý. Bố đẻ ra cụ cố ông ta, bị kết án về tội ăn cướp tàu biển, tội đồng lõa với các âm mưu của bọn cướp và tội cưỡng bức ba đồng bọn của mình ngồi lên một cái cọc nhọn, sau đó đã bỏ chạy sang Mỹ và được công lý và pháp luật ở đây che chở. Con người hăng hái ấy, sau khi đã giết tám người bạn cùng đi tìm vàng với mình thì bị hạ sát bởi tay người thứ mười, có để lại một người con trai, tức ông nội ngài Fara Puasinô của chúng ta đây, khiến cảnh sát Mỹ vẫn còn có việc làm. Fara Puasinô phạm tội ác đầu tiên năm 13 tuổi trong một vụ ăn cướp nhà dây thép. Sau khi bị giam hai năm ở trại cải huấn, bị cáo tham gia hoạt động trong các đảng cướp Ancapôn và Đilinbghe, mở một sòng bạc, rồi chuyển sang hoạt động một mình, trở thành thủ lĩnh của một đảng cướp có mạng lưới tay chân rải khắp bang Chicagô. Tính đến nay Fara Puasinô đã bắt cóc 4 trẻ em và 20 phụ nữ, ăn cướp gần 100 nhà băng, buôn hàng lâu, gây ra hai vụ án mạng, chuyên buôn bán phụ nữ da trắng. Trở về già, lúc đã mệt mỏi vì các hoạt động làm ăn bất chính và sau khi đã nghỉ ngơi bốn năm ở trại giam Xing Xing, Fara Puasinô bước vào con đường làm ăn lương thiện và trở thành một trong những nhà kinh doanh nổi tiếng của Mỹ. Ông có hẳn văn phòng riêng ở phố Uôn, làm chủ một tờ báo và ba tạp chí, làm giám đốc hãng chế tạo thép từ sắt tây và là hội viên của bốn ông ty khác. Ngoài ra ông còn có cổ phần trong nhà băng mà trước đây ông đã từng ăn cướp.



Một cảnh sát Panacôrigia hỏi ngài Hari Oenxơ:



– Thế bây giờ ông Fara Puasinô bị kết tội gì?



Ngài Hari Oenxơ đáp:



– Ông ta phạm tội đã phóng ô tô với tốc độ 121 cây số giờ ở đoạn đường cấm phóng nhanh quá 120 cây số giờ.



Các cảnh sát Panacôrigia háo hức đợi nghe thuật lại một tội ác gì rùng rợn, nghe nói đến cái tội quá nhỏ nhặt như vậy thì đưa mắt nhìn nhau chưng hửng. Ngài Hari Oenxơ lại nói tiếp:



– Cảnh sát không tìm được thủ phạm, nên chúng tôi cho bắt tất cả những người bị tình nghi đến đây. Nhờ chiếc máy này người ta đã xác minh được là họ không có tội. Bây giờ chúng tôi sẽ làm thí nghiệm cuối cùng với ngài Fara Puasinô này.



Nói đoạn, giảng viên đưa phích cắm vào ổ điện, bật công tắc rồi quay sang hỏi bị cáo:



– Ông Fara Puasinô? Hôm thứ năm, 19 tháng ba, hồi 14 giờ 31 phút 13 giây, ngồi sau tay lái chiếc “Rôn Roixơ” màu xám, bên cạnh cô nhân tình thứ mười bốn của mình là Ana, trong bộ quần áo thể thao màu xanh da trời, với chiếc cà vạt đỏ chấm trắng mà hiện ông đang thắt đây, trên đoạn đường số 159, ông đã phóng nhanh với tốc độ bị cấm là 121 kilômét giờ, có đúng không?



– Không!



Khi Fara Puasinô trả lời “không”, thì lập tức kim của máy đo rốn nhảy lên, kim máy đo tim vạch ra một đường cong, kim máy đo não ghi lại một đường ký hiệu và chuông của máy nối với xương cụt reo vang. Ngài Hari Oenxơ quay lại nói với các cảnh sát Panacôrigia:



– Đấy, các ông thấy không? Fara Puasinô nói dối và máy đã phát hiện ra sự dối trá của ông ta.



Tất cả cảnh sát Panacôrigia đồng thanh bảo:



– Máy này mang sang nước chúng tôi sẽ mất hiệu nghiệm ngay! Hơn nữa các phương pháp điều tra cổ truyền của dân tộc chúng tôi còn tốt hơn cái máy này nhiều?



– Không thể thế được! – Ngài Hari Oenxơ nói. – Máy này dùng ở bất cứ nước nào cũng đều hữu hiệu như nhau hết!



– Nhưng ở nước chúng tôi nhất định nó sẽ mất công hiệu? – Các cảnh sát Panacôrigia vẫn khăng khăng cãi.



Thái độ quả quyết của họ khiến ngài Hari Oenxơ nổi máu tò mò. Ngài bèn xin Cục điều tra liên bang cho nghỉ phép và lên đường sang Panacôrigia. Tại Cục an ninh quốc gia, người ta dẫn một người đến trước mặt ngài Hari Oenxơ. Đúng như cách ngài Hari Oenxơ đưa Fara Puasinô ra giới thiệu với họ, cảnh sát Panacôrigia cũng đưa một tội phạm của mình ra giới thiệu với nhà chuyên gia Mỹ:



– Tên này biệt hiệu là “Sói” Hakiđiki, hắn giết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người hàng xóm. Đây là lời tự thú của hắn…



Ngài Hari Oenxơ chăm chú đọc lời khai của kẻ sát nhân. Quả thực y thú nhận đã giết năm mạng người. Chính tay y đã ký vào bản tự thú.



Các cảnh sát Panacôrigia nói với ông bạn người Mỹ:



– Bây giờ ông hãy dùng cái máy hỏi cung của ông để thử xem hắn khai thế nào?



Ngài Hari Oenxơ bật máy, rồi hỏi phạm nhân:



– Có đúng anh là “Sói” Hakiđiki đã đâm chết vợ, mẹ vợ, em vợ và hai người láng giềng không?



– Không!



Ồ lạ quá! Mấy cái kim đồng hồ không cái nào nhúc nhích. Chuông cũng chẳng thấy kêu.



– Đ..u..ú..ng! – Ngài Hari Oenxơ kéo dài giọng – Quả thật sang nước các ông chiếc máy này không còn công hiệu nữa. Nhưng tại sao vậy nhỉ?



Một cảnh sát Panacôrigia đáp:



– Vì giá sinh hoạt đắt đỏ, dân nước tôi phải thắt bụng chặt quá, nên rốn của họ không thể toát mồ hôi được nữa. Còn tại sao tim không thể đập mạnh hơn được, thì cũng dễ hiểu thôi: dân chúng đã quá quen với ý nghĩ là bất cứ lúc nào cũng có thể được ăn bánh ô tô, tàu điện, hay thậm chí đang ngồi trên tàu, trên xe cũng có thể được về chầu giời, vì đường xá vừa hẹp lại vừa xấu, nên chả còn gì có thể khiến họ sợ. Các câu hỏi của ông đối với họ thì có mùi gì! Họ đâu có thèm hồi hộp! Bây giờ tôi sẽ giải thích để ông hiểu tại sao cái máy đo não lại không hoạt động được! Vì người ta nói dối nhau nhiều quá, nói dối nhau suốt ngày, vợ dối chồng, chồng dối vợ, người bán nói dối người mua, người mua đánh lừa người bán, người thuê nhà nói dối chủ nhà, rồi chủ nhà lại dối người thuê nhà, nghĩa là nói dối nhau tuốt tuồn tuột, người nọ nói dối người kia, thành thử có nói dối thêm một lần nữa trước cái máy của ông thì họ cũng trơ ra… Còn cái xương cụt của họ thì khỏi cần nói! Cứ xô đẩy chen lấn nhau để vào sân vận động, cứ ngồi ê đít xem đá bóng, cứ đấm đá nhau túi bụi để chen vào rạp hát, cứ nhấp nha nhấp nhổm trên ghế băng các công sở để chờ xin việc hết ngày này sang ngày khác, nên xương cụt của họ đã mất hết cảm giác, không còn có phản ứng gì nữa. Nhất là lại đối với các kích thích nhẹ như thế!



Nghe xong những lời giải thích, ngài Hari Oenxơ quay sang hỏi “Sói” Hakiđiki:



– Vừa nãy anh quả quyết rằng anh không có tội. Thế sao trong tờ khai anh lại thú nhận là đã giết năm người, mà lại còn ký tên hẳn hoi?



“Sói” Hakiđiki đáp:



– Cứ để người ta hỏi cung ông xem ông có khai không nào!



Ngài Hari Oenxơ hỏi mấy viên cảnh sát:



– Làm sao các ông tóm được hắn?



– Có gì đâu! – Các cảnh sát trả lời. – Người ta báo cho chúng tôi biết ở một ngôi nhà nọ, trước đó một tuần, có năm người bị giết. Nửa tháng sau khi nhận được tin, chúng tôi lập tức cho người đến điều tra ngay. Lục soát qua loa một hồi, chúng tôi tìm được ngay những cái xác đã thối rữa trên nền nhà. Nhưng hung thủ đã không còn ở đấy. Bởi vì có năm người bị giết, nên chắc chắn phải có người giết họ. Chúng tôi ra thông cáo: “Yêu cầu kẻ nào giết người đến ngay Sở cảnh sát”. Nhưng vẫn không thấy hắn đến. Cho đăng báo: “Truy nã hung thủ” nhưng vẫn không tìm ra. Chúng tôi lại cho dán yết thị khắp nơi: “Ai tìm được hung thủ sẽ được trọng thưởng”, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. “Chúng tôi đã thi hành mọi biện pháp có thể thi hành rồi! Bây giờ thì đừng có ai oán trách chúng tôi nữa nhé!” – Chúng tôi bảo như vậy, rồi ra lệnh tóm cổ tất cả những tên nào hơi có vẻ giống thủ phạm. Trong số đó cố nhiên là phải có kẻ giết người. Vì hắn có bay đi đằng trời! Sau đó chúng tôi tiến hành hỏi cung theo phương pháp riêng của chúng tôi. Cuộc hỏi cung chưa kết thúc, nhưng đến hôm nay đã có mười tên thú nhận là đã can tội giết người. Tên này là một trong số đó.



Ngài Hari Oenxơ tròn xoe mắt.



– Các ông có thể thử phương pháp của các ông với tôi được không – Ngài hỏi.



– Tất nhiên là được chứ! – Các cảnh sát trả lời. – Xin ngài chờ một phút. Xin mời ngài? Đây là 8 phòng tra khảo của chúng tôi.



Ngài Hari Oenxơ bước vào căn phòng đầu tiên người ta chỉ. Mười phút sau, từ căn phòng đó vọng ra những tiếng la hét, van xin, khóc lóc, rên rỉ ầm ĩ, xen lẫn những tiếng rắc! Bốp! Chát! Rồi người ta thấy ngài Hari Oenxơ lao ra khỏi phòng như một mũi tên, miệng kêu váng:



– Thôi, khỏi cần vào các phòng khác!



Nhân viên của Cục điều tra liên bang Mỹ vừa thú nhận rằng: chính ông là tên “Sói” Hakiđiki đã đâm chết năm người, và đã ký tên vào bản tự thú.



Các cảnh sát nói với nhà chuyên gia Mỹ:



– Thế là chúng tôi đã tìm được 11 tên giết người. Ông chính là tên thứ mười một!



…Khi chia tay với ngài Hari Oenxơ, các cảnh sát Panacôrigia nói với ông:



– Tìm thủ phạm đối với chúng tôi không khó. Cái khó là làm sao tìm được tội để gán cho họ. Giá các ông phát minh được loại máy có thể giúp chúng tôi tìm ra cho mỗi thủ phạm, dù chỉ một tội gì đó, thì hay quá!
 
Một hôm, cách đây chừng bảy, tám tháng, có người bạn hỏi tôi:



– Tại sao anh không đeo kính?



– Làm sao tôi phải đeo?



– Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa! Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu?



Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn lúc gần lúc xa đều không rõ nữa.



Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy, để nhìn thấy tôi, người ta bảo: bác học đấy!



Vậy là tôi đi khám đốc tờ. Khám xong ông này bảo tôi:



– Anh bị cận thị! Một phảy bảy nhăm đi-ốp!



Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!



Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:



– Tôi có thể giới thiệu với anh một bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem.



Ông bác sĩ này xem mát tôi, rồi xem chiếc kính.



– Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mua cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!



– Thế thì tôi bị làm sao ạ?



– Viễn thị! Hai đi-ốp.



Tôi lại mua kính mới. Đeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Đâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe, như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có thể đi đưa đám là hợp.



Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:



– Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! Ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!



Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật: máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng nhoáng.



Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi.



– Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị. Giáo sư giận lắm.



– Quân ngu! Anh không phải cận thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị.



Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội cái gì bây giờ như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn phòng tôi sống hàng chục năm nay, dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Định viết, giấy đã chạy khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấp bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván… Nhưng hại nhất là tôi không ăn uống gì được. Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi xúp nóng bốc ngay dưới mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát xúp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa. Một anh bạn phải dắt tay tôi dẫn đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:



– Đứa nào cho anh mua cái kính này đây? Đúng là đồ lang vườn dốt nát! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!



– Thôi! Cứ để thánh Ala trừng phạt hắn! – Tôi nói.



Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì cũng hóa hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên hóa thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón.



Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Đức về.



– Ai bảo anh đeo kính này?



– Làm sao ạ?



– Sai chứ còn làm sao nữa!



Hóa ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối nữa.



Xung quanh tôi tối như hũ nút.



– Đứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?



– Nhưng tôi không nhìn thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!



– Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!



Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới… Bây giờ các vật ở xa trông lại hóa gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thủy, thì lại bước ngay xuống biển… Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn, thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu loạn thị, thì ông sau phán là bị đục nhãn mắt. Đeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhãn mát, nhìn cái gì cũng ra màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu. Nhìn phía trước nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Đi trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ phải bước từng bước dài như lạc đà vậy.



Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn ngay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn một mét. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy.



– Cái kính của tôi đâu rồi? – Tôi hỏi.



Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì… Thánh Ala ơi!… Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá! Vật nào đúng vật nấy, rõ như một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ như vậy. Hay kính của người khác chăng? Không! Đích thị kính của tôi đây mà! Đúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không làm sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thủy đâu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng:



– Kính của anh sao thế kia? – Vợ tôi hỏi.



– Làm sao?



Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết.



Chúng ta thiếu thầy thuốc là thế, nhưng một số người vẫn phải chạy sang Âu, sang Mỹ kiếm ăn! Thì ra có những nhà thông thái nửa mùa của chúng ta muốn rằng các bác sĩ trẻ học ở nước ngoài trở về trước hết phải qua một kỳ sát hạch rồi mới được hành nghề.



– Anh về nước làm gì? – Một bác sĩ già, giàu kinh nghiệm, làm giám khảo hỏi.



– Ðể làm việc, để chữa bệnh ạ.



– Hừm, tất nhiên… Ngoài ra anh còn biết làm gì nữa?



– Thế là thế nào ạ?



– Thế là thế, chứ còn thế nào nữa? Thí dụ, biết sáng tác nhạc, làm thơ, đóng phim, buôn bán… Hay cũng có thể anh có khả năng làm nghị viện, làm bộ trưởng, làm chính khách… Tất nhiên anh sẽ phải làm một việc gì như thế chứ.



– Dạ, không. Cháu chỉ chữa bệnh thôi ạ. Cháu con nhà nghèo, làm cho nhà nước lương không đủ ăn, nên cháu sẽ làm tư…



– Hà… hà… hà… Không có ham chánh, phó giáo sư mà đòi làm tư? Thế lấy ai dẫn khách cho anh lúc đó?



– Tức là dẫn bệnh nhân ấy ạ?



– Phải, khách ấy mà…



– Chắc là bệnh nhân tự đến lấy…



– Làm sao bệnh nhân tự đến được?



– Nếu bệnh nặng thì có xe chở đến…



– Ðược rồi, vậy cái người chở bệnh nhân ấy tên là gì?



– Làm sao cháu biết được tên anh ta, anh ta đã chở cho cháu bao giờ đâu.



– Tôi không hỏi tên riêng mà hỏi cái loại người chở khách bệnh nhân ấy gọi là gì?



– ?…



– Loại đó gọi là lái, như là lái buôn ấy… Ðằng này là lái y học. Như anh chẳng hạn, anh cũng không bao giờ gửi bệnh nhân phòng khám công đến bác sĩ tư, phải không nào? Nếu không ai chỉ thì sao bệnh nhân đến chỗ anh được? Một điều như thế mà ở nước ngoài người ta cũng không dạy anh hay sao? Thôi được, bây giờ anh nói đi, thế nào là hữu ái nghề nghiệp?



– Là tương trợ lẫn nhau, phải không ạ?



– Thế là anh không biết rồi, để tôi giảng cho mà nghe. Giả dụ bây giờ có người đến kêu với anh là bị bệnh trĩ. Anh khám xong rồi gửi đến cho một người chuyên về phụ khoa…



– Người ta bị trĩ sao lại gửi đi phụ khoa?



– Bạn anh ăn tiền rồi lại gửi cho một người bạn káhc chữa răng…



– Nhưng…



– Tay nha sĩ ấy lại gửi đi da liễu, da liễu lại gửi đi chiếu điện, chiếu điện lại gửi đi nhãn khoa. Cuối cùng hắn ta bị gửi đi thần kinh. Ðến lúc ấy thì thần kinh của hắn cũng suy sụp thật… Nếu hắn còn đủ cơm ăn nước uống thì rồi tự hắn sẽ khỏi bệnh, nhược bằng không thì hắn sẽ chết và bệnh cũng hết. Chết rồi hắn lại còn phải rơi vào tay thầy thuốc một lần nữa, đó là tay giải phẫu lâm sàng. Thôi, bây giờ anh nói đi, anh phải làm gì để được nổi tiếng?



– Cháu sẽ cố gắng điều trị giỏi và sống có lương tâm…



– Hức!… Nghe đây! Anh phải lăng xê lên báo một câu quảng cáo: “Người nghèo khám không lấy tiền. Hàng ngày khám sau bữa cơm trưa.” Khi khách đến hơi đông anh rút xuống chỉ khám thứ hai, thứ năm… Sau đó mỗi tuần một lần, sau đó mỗi tháng một lần… Khi khách đã kéo đàn kéo lũ mà đến thì anh thôi không khám xuông nữa. Từ đó về sau anh cứ tăng dần tiền khám. Người ta sẽ nghĩ rằng chắc anh phải có những bí quyết gì ghê gớm lắm thì mới lấy đắt như vậy. Thế là tất cả bệnh nhân đổ xô đến… Sau đó anh lại phải cho đăng báo những lời bệnh nhân gửi đến tri ân… Thôi, còn trường hợp này, nếu một bệnh nhân đến mà anh không tìm thấy bệnh gì thì anh xử lý như thế nào?



– Cháu sẽ bảo rằng anh ta khoẻ…



– Chặc… chặc…! Thế mà cũng đòi làm bác sĩ! Chẳng lẽ trên đời lại có người hoàn toàn khoẻ mạnh? Mà nếu như quả thật hắn ta không có bệnh gì thì anh cũng phải cho hắn một cái đơn chữ rất ngoáy đến nỗi hắn không tài nào đọc được rồi bảo hắn ra hiệu thuốc… Dù anh có viết trời đất gì đi nữa thì thằng chủ hiệu rất tâm lý kia sẽ tìm ra ngay vô khối bệnh tật cho khách… Hừ, anh càng viết mờ mịt bao nhiêu thì tờ hoá đơn lại càng rành mạch bấy nhiêu… Ngoài ra anh lại phải thường xuyên viết báo về nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn “Bàn về chế độ thuê nhà”, “Công tác bảo vệ rừng”, “Ðạo đức người lái xe”, “Vì sao người ta mất trí”… như thế là để tên tuổi anh thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và mọi người sẽ nói rằng: anh ta hiểu biết ghê thật! Phải khéo léo làm sao sau này lên được chức thị trưởng, tỉnh trưởng, nghị sĩ hoặc thậm chí bộ trưởng… Ðó, ta nhìn thấy rất rõ rằng anh không thể làm nổi bác sĩ đâu… Tốt nhất là anh nên quay lại chỗ anh mới học bên Ðức, bên Mỹ gì đó!



– Cháu xin cám ơn, chúc bác khoẻ!



– Anh cũng khoẻ nhé, đừng có ốm đấy!
 
Tôi vòng từ hiệu “Hàng nội hoá” ở phố Bachêcana sang nhà Bưu điện mới và thấy một dòng người xếp hàng dài lũ lượt. Hàng người như một cái đuôi! Mà không phải là một cái đuôi thường, đây là một cái đuôi có xoắn có nút hẳn hoi, như là một cái đuôi ngựa thồ.



Ngã tư bị nghẽn tắc. Bọn tài xế thò tay ra cửa sổ, đập thình thịch vào thành xe, càu nhàu.



– Đúng lúc này thì cấm còi! Các cậu cứ phóng qua cái đám này xem sao nào!



Còi nào cho lại được, có bắn cao xạ cũng chẳng ăn thua. Đoàn xe dùng chắn sốc gạt người để mở đường tiến lên với tốc độ mỗi mét năm phút, có khi còn ít hơn.



– Chen đi đâu thế!



– Nhìn đằng trước kia!



– Nhìn đằng sau xem!



– Đứng vào hàng đi!



– Hàng nào?



– Hàng nào chẳng được, cần gì!



– Bạn ơi, những người này không sao bỏ cho biết phép văn minh được. Chúng ta đang ở thế kỷ hai mươi. Mà thế nào là thế kỷ hai mươi? Là văn minh. Thế nào là văn minh? Văn minh thứ nhất là bom nguyên tử, thứ hai là xếp hàng. Muốn sao thì bạn cũng phải nắm được hai thứ này. Cẩn thận! Khéo bước hụt đấy!



– Không, ông bạn ơi, chưa đủ đâu. Văn minh còn là có nilông, chất dẻo, kẹo cao su. Ngoài ra xin báo cáo với ngài còn cả quần áo tắm nữa… Cẩn thận, mù à? Dẫm ngay vào chỗ chân rộp của người ta!…



– Còn lưỡi dao cạo an toàn “Gilét” thì sao? Các ngài quên à? Đã nói đến văn minh là phải nói đến “Gilét”.



– Thế còn “hu-la-húp”? Này, đừng có chen, đồ khỉ!



– Tôi biết rõ một điều: chừng nào chúng ta còn chưa biết cách xếp hàng thì chưa ra người gì cả. Ối! Lách đi đâu thế này?…



Đằng sau có người quát:



– Dẹp ra một tí! Bẩn đừng có trách!



Một người qua đường bảo bạn cùng đi:



– Đã có hàng thì phải xếp mới được! Nghe lời khuyên thông tuệ đó, tôi cũng đứng vào. Thật ra là thế này: Chỉ cần anh dừng lại một cái là đằng sau có một hàng nối ngay lập tức.



– Lạy trời phù hộ cho cái người đã nghĩ ra xếp hàng!



– Đừng quên tắc xi đấy nhé! Xếp hàng là một, tắc xi là hai.



Bà lão đứng trước tôi hỏi:



– Mua gì chẳng được? Đã có hàng thì cứ xếp.



– Chắc chắn người ta sẽ bán cho một thứ gì đây.



Mấy phút sau chính người nói câu đó lại hỏi người bên cạnh:



– Cậu có biết xếp hàng mua gì không?



Rồi anh ta lại phải trả lời đúng câu hỏi đó của người khác:



– Mua gì chẳng được.



Một người nói:



– Không có hàng thì làm sao dẹp được nạn đầu cơ.



Một người khác hùa theo:



– Cái bọn đầu cơ làm chúng ta khánh kiệt! Ai nghĩ ra cái lối xếp hàng này hay thật…



Hai anh cảnh sát, một người đứng cuối, một người đứng đầu luôn miệng hô:



– Đừng ồn!



– Đứng vào hàng!



– Dẹp ra cho xe đi!



Chúng tôi bước nhau tiến lên, đúng hơn là nối nhau từng tấc đất mà tiến. Chín giờ sáng tôi có hẹn một người. Bây giờ đã gần chín giờ.



– Này ông bạn, ông đến sau tôi. Đừng có làm trò cù lần như thế!



– Có nhà ông cù lần thì có, ông bạn chí tôn ạ. Tôi đứng đây từ bẩy giờ sáng. Người này đến cũng chen lên trước, người kia đến cũng chen lên trước, tôi đã không thèm nói, nhưng xem ra không nói không được.



Một người đứng trong hàng nói:



– Cuộc đời là thế bạn ơi, không làm gì được đâu. Như tôi ăn lương Nhà nước đã hăm hai năm. Những bọn nhãi ranh hôm qua, nay đã là trưởng phòng, giám đốc cả. Ai cũng thế, cứ đến là chen lên trước…



– Xin lỗi ông, sắp bán gì thế?



– Dào, chính tôi cũng chẳng biết nữa. Đúng hai tiếng rồi, người bảo bán lốp ôtô, người bảo bán dầu hoả.



– Tôi mua lốp làm gì?



– Cái nhà cô này, thế mà cũng đòi nói! Nếu thánh Ala đã cho ta lốp thì mai đây sẽ cho ta cả chiếc ôtô.



– Liệu có bán cả bốn chiếc lốp một lúc không đấy?



– Cái đó thì không biết. Chưa ai ra khỏi hàng, có ai mà hỏi.



– Thế họ chuồn đi đằng nào cả?



– Người ta bảo ra cửa sau để khỏi chen lấn.



Đến mười rưỡi. Dòng người mỗi lúc một dài.



– Nếu bán lốp thì phải có giấy cơ đấy. Không giấy không bán cho đâu.



– Giấy nữa? Giấy của Đảng dân chủ à? Sáng danh Chúa, chứng ta đều là người dân chủ cả đấy!



– Bán dầu thì thèm vào đứng.



– Bán gì chẳng được, miễn là có.



– Dầu đựng vào túi à? ác thật, nhà có can mà không mang đi kia chứ.



– Lấy tích kê đã, rồi chạy về nhà lấy can vẫn kịp.



– Lại còn tích kê nữa cơ à?



– Cậu ở đâu mà ngốc thế? Chẳng nhẽ người ta biết cậu hẳn! Đừng có hòng!… Này, còn phải nói thế nào nữa, đừng xô anh em thế!…



– Xin lỗi anh đằng sau họ đẩy.



– Ông hiểu cho, tôi còn có việc cần…



– Việc cần!… Xem ông ấy kìa! Theo ông, những người khác đều ăn không ngồi rồi cả hay sao? Ai chả có việc. Ông cứ chờ đấy, chẳng sao cả đâu.



– Tôi xin hỏi, không biết đến trưa có mua được không nhỉ?



– Tôi nghĩ rằng… Chen đi đâu thế này? Anh muốn ngồi lên vai tôi à?



– Không kính lão tí nào. Giáo với chả dục!



– Hẳn là ông đã ngoài bốn mươi tuổi?



– Sao anh lại nghĩ thế?



– Bởi vì khi người ta ngoài bốn mươi xuân, người ta thường cho rằng trên đời không còn ai lịch sự và tử tế cả…



– Ông có biết bán gì không?



– Inxulin.



– Inxulin? Nó là cái gì thế?



– Thuốc chữa bệnh đái đường.



– Vậy tôi dùng làm gì? Của nợ!



– Người anh em gàn quá đấy! Thế nào là của nợ?



– Cứ mua đi rồi bán lại. Ông Guinút hàng xóm nhà tôi chỉ có thế mà giàu to đấy. Mua ở đây có hai đồng rưỡi mà bán được những hăm nhăm đồng.



– Các ông biết không, thế hoá ra nước nhà có lĩnh vực hoạt động mới.



– Thế ông nghĩ sao? Này, xếp hàng không phải là chuyện đùa đâu. Người ta xếp hàng mà xây được nhà đấy… Bỏ cái cùi tay ra khỏi đầu tôi đi?



– Tốt nhất là ông cất cái đầu của ông ra khỏi cùi tay tôi thì có!



– Xin lỗi, ông làm ơn cho biết người ta bán gì vậy?



– Vải thô.



– Gì nữa? Mỹ chứ còn gì. Bây giờ cái gì cũng Mỹ cả.



– Không phải vải thô đâu. Không biết cũng đòi nói. Xi măng!



Bà già đứng trước tôi nổi giận:



– Không phải vải thô, không phải muối, cũng không phải dầu hoả. Các người không nghe đài hả?



– Nghe chứ. Nhưng sao?



– Ngài thị trưởng cấm mọi thứ xếp hàng, trừ xếp hàng mua cà phê thì được. Bây giờ còn xếp hàng gì khác ngoài cà phê nữa.



Cái tin cà phê truyền như điện trong đám xếp hàng.



– Cà phê à? Hay quá nhỉ!



– Cà phê thì tôi xếp hàng hai ngày cũng được. Cứ phải là mua được rồi mới chịu đi.



– Lệnh thế này: Chỉ được phép xếp hàng mua cà phê thôi. Xếp hàng mua thứ khác thì bị trừng phạt.



Mười một giờ trưa… Chỉ còn độ mươi bước nữa là tới quầy hàng. Các rèm cửa sổ đều buông kín nên không biết bên trong làm gì.



– Người ta có bán người không?



– Mỗi người năm mươi gam.



– Đừng hòng. Mỗi người năm mươi gam thì làm sao đủ cho mọi người được.



– Được có năm mươi gam thì riêng tôi, tôi chẳng thể đứng lâu như thế này được.



– Thì cốt sao được năm mươi gam đi. Rồi sau mình cho thêm hai cân đậu vào, trộn đều lên, thế là có hai cân rưỡi cà phê hảo hạng rồi.



Một người bảo bạn:



– Này, mình quên không mang tiền, cậu đưa cho mình hai đồng rưỡi đi.



Người kia đáp:



– Được thôi nhưng không phải cho vay: cậu đưa cho mình nửa suất cà phê của cậu.



Người la, người kêu cứu, người bị chen bẹp, người đánh rơi ví, người bị lạc bạn… Tóm lại đủ mọi cảnh trên đời… Người ta xô đẩy mọi phía, chèn ép mọi phía… Cuối cùng, tôi cúi đầu xuống chui vào tấm rèm sắt hé mở.



Người bán hàng hỏi bà già trước tôi:



– Cụ mua số mấy?



– Lại còn số nữa?



– Không số sao được? Cụ ơi, mau lên hết giờ rồi. Nói đi cụ!



– Đã xay rồi à? Cháu ơi, bảo họ xay cho già mịn vào nhé. Mịn nhất ấy…



– Mịn hay không thì cũng thế thôi, cụ ạ. Chỉ còn đằng có tuyết thôi.



– Cha mẹ ơi, già này sống đến bạc đầu mà chưa bao giờ thấy cà phê có tuyết cả.



– Cà phê gì nữa? Cháu hỏi cụ mua số mấy cơ mà?



– Số ba mươi lăm. Cho già loại có nơ ấy…



– Cụ lại nói chuyện gì vậy.



– Thế không phải cháu hỏi số giầy à?



– Cháu bán mũ, cụ ơi, mũ ấy mà,..



Người bán hàng lấy mũ trong hộp ra.



– Cha mẹ ơi, già mua mũ làm gì? – bà già nói – mà lại là mũ đàn ông nữa chứ…À, mà thôi, đã xếp hàng chắc là rẻ hơn. Thôi, cứ cho già một chiếc, già mua cho thằng con trai. Bao nhiêu ấy nhỉ?



– Sáu mươi tám đồng bẩy hào ba.



Bà cụ trả tiền và lấy một chiếc mũ màu cà phê. Bây giờ đến lượt tôi. Người bán hàng nói:



– Mũ Ý đấy thưa ông, ngày mai ông không mua nổi nữa đâu. Bây giờ mua cái gì cũng thế, không phải là dễ. Ông chọn mau lên…



Đông cũng như hè, có bao giờ tôi đội mũ đâu. Nhưng nghĩ một tí, tôi quyết định rằng nếu đã xếp hàng thế này hẳn là rẻ, tôi liền mua một cái.



Người đứng sau tôi kêu ầm lên, vẻ nóng ruột, tựa hồ người ta sắp bán hết mất mũ, không còn đến lượt anh nữa:



– Cho tôi bốn chiếc đấy nhé. Một chiếc số năm sáu và ba chiếc số năm bẩy. Màu nâu hoặc màu be.



Tôi trả sáu mươi tám đồng bẩy hào ba xu và lấy một cái.



Lối ra đầu kia. Phải trèo lên một cái thang rồi đi cửa sau phố khác. Lúc ấy là mười hai giờ kém mười lăm. Mua được cái mũ rẻ tôi mừng quá quên cả mệt.



Tôi ôm hộp mũ đi cho đến chiều tối. Lúc năm giờ chiều tôi, ra bến ca nô về nhà. Đến quầy vé tôi thấy có người gọi tôi:



– Giepđét!



Tôi quay lại thì anh Buckhan – “gương lé”, bạn học cũ với tôi. Anh ta bị đuổi khỏi trường Lixê vì hạnh kiểm xấu. Tôi sẽ kể hành tung của anh ta cho các bạn nghe. Dưới chân anh ta đặt một cái gương con để ngắm đùi các cô gái. Một bữa anh ta bị phát hiện và đuổi học. Từ đấy anh ta mang biệt hiệu “gương lé”. Lâu lắm tôi không gặp anh ấy.



– A, Buckhan, xin chào! Thế nào, khỏe chứ?



– Cám ơn, cũng khá.



– Bây giờ cậu làm gì?



– Phò phạch!



– Phò phạch gì?



– Có gì làm nấy. Mình phò bọn con buôn đi bán hàng ế. Chẳng hạn hôm nay mình giúp một thằng Do Thái bán chín trăm bảy mươi cái mũ.



Nghe đến chữ “mũ” tôi đã giật mình, bèn hỏi:



– Cậu bán thế nào?



– Dễ thôi. Hàng của người ta xếp xó. Trong làng buôn ai cũng biết mình cả.



Hắn ta đến chỗ mình. Đôi bên thoả thuận hăm lăm phần trăm lãi suất. Đến ba giờ chiều mình bán hết trơn. Cầu trời phù hộ cho hắn, hắn phải trả mình tám trăm năm mươi đồng. Đáng lẽ mình được chín trăm đồng, nhưng cửa kính quầy hắn bị vỡ, thiệt hại chia đôi.



– Như vậy cậu làm sao bán được chỗ hàng ấy?



– Chỉ cần vài ba đồng là mình thuê được chừng mười lăm thằng ma cà bông. Trong nửa giờ bọn ấy tổ chức được một dãy xếp hàng trước cửa hiệu. Cũng chả đến nửa giờ đâu. Ai đi qua thấy xếp hàng cũng đứng lại. Cậu biết không, ở nước ta bây giờ người ta đâm mê xếp hàng. Mà khi xếp hàng rồi thì đuổi họ cũng không được. Sau đó thì cầu biết đấy. Như chiều nay chẳng hạn: chúng nó bán được hết mũ và đóng gọn cửa hàng. Dân chúng mua như cướp ấy. Vất vả lắm mới kìm được. Bọn ngốc nhiều lắm bạn ạ.



– Đúng đấy – Tôi liền đồng tình.



– Cậu không thể hiểu hình dung được có bao nhiêu thằng ngốc trên đời.



– Hình dung được chứ. Lại còn những thằng ngu đến mức…



Thật là vô khối giống lừa.



– Giá cậu được nhìn mặt những thằng ngốc ấy…



– Nhìn cái quái gì? Mình biết thừa rồi. Nhưng loại mũ ấy có rẻ được chút nào không?



– Rẻ gì, thứ ấy cửa hàng nào chả có.



– Mình cũng muốn xem… Không, không phải xem lũ ngốc đâu, mình muốn xem mũ ấy…



– Còn mười lăm phút nữa ca nô mới đến. Đi với mình, mình sẽ chỉ cho cậu xem mũ ấy trong các cửa hàng.



Tôi nhìn những ô kính tủ hàng mà không dám tin vào mắt mình nữa: ở đâu cũng toàn thứ mũ tôi vừa mua sáng nay. Giá đồng loạt: sáu mươi tám đồng bảy hào ba xu.



– Như thế nghĩa là đáng lẽ được mua thoải mái trong bất cứ cửa hàng nào thì bọn ngốc kia nhất thiết phải chen lấn nhau xếp hàng, huých đạp lẫn nhau, xé quần áo của nhau rồi mới mua được thứ hàng đó với giá cả đó? – Tôi hỏi giả bộ như không có chuyện gì xảy ra cả. – Trên đời này nhiều thằng ngốc thật đấy.



Ngốc khổ ngốc sở ấy chứ! Ngày mai mình sẽ đi bán điếu cho cửa hàng Grant. Lão còn ế đến hàng ngàn chiếc điếu chứ không ít.



– Điếu cũng mua à?



– Bọn ngốc ấy cái gì chẳng mua. Bán điếu cũng mua mà thậm chí đến xe điếu cũng mua hết, miễn là xếp hàng. Mình chỉ sợ độc có mỗi một điều.



– Điều gì? Sợ không đủ hàng bán. Đám người ấy phá nhà chứ chẳng chơi.



Tôi với Buckhan – gương lé trở về chỗ canô. Đến nơi anh ta hỏi:



– Cậu cầm cái gì thế?



Tôi giấu hộp ra sau lưng để anh ta khỏi nhìn thấy nhãn.



– Mua một đôi dép về nhà ấy mà. – Tôi trả lời cho qua quít.



Về nhà tôi để mũ lên bàn.



Lúc làm việc thỉnh thoảng tôi ngẩng đầu lên nhìn. Một mặt nó gợi nhớ cái xuẩn ngốc của tôi, mặt khác, nó cũng là một nguồn an ủi; thật hú vía, suýt nữa ngày mai tôi đi mua xe điếu thì sao? Biết dùng nó làm gì được?
 
Mỗi ngày một chuyện thôi. Đăng nhiều một lúc thế ko tiêu hoá được đâu.

ps/ Tôi cũng đọc của tg này.
 
Back
Top