Truyện ngắn: Bạn gái tôi lớp 8

Truyện tâm linh


Bạn gái tôi lớp 8


Có một câu nói rất hay Chuyện tâm linh ma quỷ chỉ dùng để giao tiếp với kẻ ngu dốt. Đáng tiếc tôi được xếp vào loại thoái hóa giống, sống phải nương nhờ cửa Cha cửa Mẹ. Gạch đá là điều không thể tránh khỏi. Mong dù hay dở có thể đi đến hồi kết.

Điều tuyệt vời nhất của thanh xuân

Ai cũng có tuổi trẻ, những năm tháng đẹp đẽ rực rỡ, không lo nghĩ, được sống và làm những điều mình muốn. Tôi cũng vậy. Có một khoảng thời gian tuyệt vời đi làm gần nhà cùng thằng bạn thân với nhiều kỉ niệm như: rủ nhau trốn việc lang thang như chó dái đi bắt bô kê mon (pokemon), hai thằng nhà quê lên phố mua sh, cảm xúc ngồi sau vô lăng thằng mới đi học lái xe 2 ngày, chuyện yêu đương, những vui buồn trong cuộc sống và đặc biệt là yêu một cô gái kì lạ, một cô gái mà mọi người cho rằng tôi vã quá tưởng tượng ra, hoang tưởng, ấu dâm, ngáo đá, xúc tép nuôi cò, vân vân và mây mây. Một cô gái 4 năm qua luôn sống trong những giấc mơ của tôi.

“A scattered dream that's like a far-off memory... a far-off memory that's like a scattered dream... i want to line the pieces up... yours and mine.”
"Một giấc mơ rải rác giống như một ký ức xa vời ... Một ký ức xa xôi giống như một giấc mơ bị phân tán ... Anh muốn xếp các mảnh ghép lại ...Của em và của anh."


Mạch truyện

Lần đầu tiên thấy em
Động thổ và Phán quan
Khai trường
Nhưng mà anh thích em cơ
Ga tàu
Bữa vào
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 1
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 2
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 3
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 4
Án âm dương 1
Án âm dương 2
Án âm dương 3
Án âm dương 4
Án âm dương 5
Án âm dương 6
Nước phế quân tàn độc 1
Nước phế quân tàn độc 2
Nước phế quân tàn độc 3
Nước phế quân tàn độc 4
Nước phế quân tàn độc 5
Nước phế quân tàn độc 6
Thủy thần 1
Thủy thần 2
Thủy thần 3
Thủy thần 4
Thủy thần 5
Thủy thần 6
Hoa bưởi trắng 1
Hoa bưởi trắng 2
Hoa bưởi trắng 3
Hoa bưởi trắng 4
Hoa bưởi trắng 5
Hoa bưởi trắng 6
Hoa bưởi trắng 7
Hoa bưởi trắng 8
Gần như hoàn hảo 1
Gần như hoàn hảo 2
Gần như hoàn hảo 3
Gần như hoàn hảo 4
Gần như hoàn hảo 5
Bất đối xứng 1
Bất đối xứng 2
Bất đối xứng 3
Bất đối xứng 4
Bất đối xứng 5
Bất đối xứng 6
Bất đối xứng 7
Bất đối xứng 8
Mùa hoa để lại 1
Mùa hoa để lại 2
Mùa hoa để lại 3
Mùa hoa để lại 4
Con rối người 1
Con rối người 2
Con rối người 3
Con rối người 4
Con rối người 5
Con rối người 6
Con rối người 7
Con rối người 8
Con rối người 9
Con rối người 10
Con rối người 11
Con rối người 12
Phụ lục
Cho vàng vàng không cầm mà cầm phải cưt 1
Cho vàng vàng không cầm mà cầm phải cưt 2
Cái mầm cây ở cổ
Ngôi nhà hoang ven sông
Con chó một mắt 1
Con chó một mắt 2
Con chó một mắt 3
Lỗ ban thất hào 1
Lỗ ban thất hào 2
Lỗ ban thất hào 3
Lỗ ban thất hào 4
Lỗ ban thất hào 5
Lỗ ban thất hào 6
Lỗ ban thất hào 7
Lỗ ban thất hào 8
Ẩn thân pháp
Hai thái cực của A la hán
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 1
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 2
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 3
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 4
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 5
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 6
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 7
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 8
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 9
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 10
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 11


Lần đầu tiên thấy em

Nói qua một chút, tôi là Long, làm ở một công ty xây dựng nhỏ, đến bản thân tôi cũng chả biết mình làm cái chức vụ quái gì trong công ty, chỉ biết mọi người gọi tôi là Long vật tư. Mua bán vật tư là tôi, cấp giám sát vật tư cũng là tôi, nhiều khi không có người thì cầm gương toàn đạc, đóng đinh bê tông, căng dây lấy cao độ cũng là tôi, bạn thân tôi tên Toàn kĩ sư xây dựng. Hai thằng được Sếp giao cho xây một ngôi trường mới mà công ty vừa bỏ thầu trúng. Ngôi trường nằm ở vùng đất có những quả đồi thấp và thoải đan xen nhau, trước kia của người Hoa khai hoang sinh sống, sau 1979 người Hoa bị trục xuất thì dân mình vào mở mang khai phá,trồng trọt chăn nuôi. Giờ thì cũng đã tấp nập nhộn nhịp hơn phố, đường bê tông bề ngang 8m vào đến cổng, nhưng nhiều thứ của người Hoa thì vẫn còn lại cho đến bây giờ. Đến thực địa khảo sát xem xét nơi xây trường mới thì nó vẫn thuộc quỹ đất của ngôi trường THCS cũ, cổng trường đã cũ kĩ rêu phong nhưng vẫn rực rỡ màu hoa giấy tươi mới trong nắng hè. Hiện tại là mùa hè, mùa học sinh nghỉ học. Cổng phụ vẫn mở nhưng tôi gọi bác bảo vệ cho phải phép. Khi bác bảo vệ già vẫn còn đang nheo mắt lần chiếc chìa khóa phòng giám hiệu kiêm phòng khách trong chùm chìa khóa để mời bọn tôi vào uống nước, tôi đang loay hoay quay dọc nhìn ngang xem bản vẽ thì thằng bạn tôi gọi tôi lại.
Long ơi, ra đây tớ bảo.
Gì thế bạn
Tưởng có việc gì hóa ra. Một em gái cấp 3 khoảng lớp 10,11 tầm gần 1m6 mặc áo dây quần cộc theo bộ, kiểu đồ ngủ bộ, mùa hè bọn con gái hay mặc, vải lụa satin mềm màu đen, người đầy đặn, nước da sáng, đùi trắng không tì vết, mặt tròn, tóc búi cao đang cho một bé trai tầm 2, 3 tuổi ăn. Chỉ có thể lói nà Ngọt canh xương ống đậm đà thịt thăn.
Mấy em gái cấp 3 mới lớn như thế này luôn là một bầu trời mơ ước với chúng tôi - một thế hệ thiệt thòi.

Hai thằng nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống làm em ấy quay lại nhìn. Các bạn cũng hình dung ra rồi đấy, 2 thằng đực người yêu không có, vã toàn tập lén lút nhìn một cô gái mới lớn với ánh mắt toát ra sự thèm thuồng làm cô bé cảm thấy khó chịu,bất an bế cậu em trai lên chiếc ghế ngồi của trẻ con sau xe mini xanh, đạp xe về mất.
Em nó về làm hai thằng tay lau dớt mồm thở dài tiếc nuối. Quay lại với chuyện trường lớp, bác bảo vệ mời chúng tôi vào phòng giám hiệu uống nước, báo hôm nay thầy hiệu trưởng không lên được, chúng tôi cũng bảo không sao, cũng không cần thiết lắm, xin phép bác cho chúng tôi đi xem nền móng, hỏi qua về địa thế, chất đất. Mọi thứ đều tốt trừ một vài việc nhỏ. Việc đầu tiên là nơi đặt lán trại công nhân nằm bên cạnh mộ tổ của một nhà Hoa kiều, như bác bảo vệ nói là năm nào tầm này họ cũng về cúng khấn, năm nay chắc cũng tầm 1 tuần nữa là họ lại về thôi. Tôi đưa mắt nhìn qua bờ tường rào, một ngôi mộ tròn, to, cổ kính nằm giữa vườn thanh long đang đơm hoa kết trái. Việc thứ hai là gần chỗ đào móng trường mới, có một căn hầm nhỏ, tương đối nông của người Hoa bỏ lại, trong cũng chẳng còn của nả gì, ngòai một thứ đất nâu mềm, dẻo như đất sét nhưng khi thằng bạn tôi véo lấy một ít cầm lên, ra ngoài ánh sáng mặt trời thì khô, cứng lại rất nhanh. Cũng không hề gì, chúng tôi tính đào tránh nó ra một chút là được. Bao năm nó nằm đây thì cứ kệ nó thôi. Có kiêng có lành. Còn ngôi mộ tổ kia thì là đất của một hộ dân cách trường đúng một bức tường thấp, nhắc nhở công nhân, thợ xây chuyện ăn ở vệ sinh là xong thôi. Nhưng nắm đất nâu kia lại làm tôi nhớ về một câu chuyện truyền miệng từ xa xưa trong này. Cho vàng, vàng không cầm mà cầm phải cứt.
 
Last edited:
Trước chuyện về công ty cũ, kể qua chút về

Cái mầm cây ở cổ


Hồi bé tầm 12, 13 tuổi tôi hay theo các anh lớn hơn ở xóm đi đá bóng. Trong đó có một anh rất đặc biệt. Anh Tùng cá trê. Anh này gầy, đen trông lèo khoèo nhưng cứng như sắt, mỗi lần thúc vào tím hết cả người. Anh có cái môi chề, đá bóng chạy nhanh, chân dẻo, đảo bóng hay vặn sườn rất khó chịu. Anh Tùng không chỉ đá bóng giỏi mà còn biết rất nhiều về cây thuốc. Bố anh đi rừng làm gỗ rồi lấy mẹ anh, cô ấy là người dân tộc Miên hay Mán gì đó tôi cũng không nhớ rõ, nhưng sân nhà anh lúc nào cũng thơm mùi cây cỏ phơi khô. Đi đá bóng xây xát chảy máu thấy ra vặt lá chuối với nắm cỏ ven đường nhai nhai đắp vào. Thuốc tây toàn nghiền nhỏ rồi rắc lên vết thương chứ không mấy khi uống. Đợt ra hố bom bắt ốc, tôi bị con đỉa trâu ôm vào chân, mút máu, hất mãi không ra. Anh Tùng nhìn rồi cười:
Chết cha mày đi, quả này con đỉa nó mút cho tóp người vào con ạ.
Thấy tôi rơm rớm nước mắt, ông ấy chạy đi kiếm lá gì ấy, không cho vào mồm nhai như mọi khi, bảo là lá khá độc, lấy đá chà, rồi dùng que tre hất hất cái bã lá vào chỗ lưng con đỉa. Tí một, làm rất cẩn thận. Con đỉa quằn quại nhả chân tôi ra thì ngay lập tức ông ấy lấy nước với cỏ rửa sạch chỗ chân bị đỉa bám của tôi rồi nói:
Hất nó ra thì dễ nhưng tao muốn thử cái lá này. Nó độc thật.
Đợt hè mấy thằng vào rừng tắm suối, theo anh Tùng đi lấy lá thuốc. Đúng cảnh ăn được bữa cỗ chạy ba quãng đồng. Đi đến héo cả người mới nghe tiếng nước chảy ào ào mát lành. Anh Tùng thì chẳng có vẻ gì vui, có lẽ đang bực vì ngó nghiêng tìm mãi không thấy cây thuốc thì thằng Cường ngồi chọc chọc một cái cây lá răng cưa như lá tía tô. Ông Tùng quát to:
Lá han đấy. Cút ra ngòai kia, tí nữa ngứa rách thịt ra bố không cõng mày xuống được.
Thằng Cường thấy bắt đầu ngứa ngứa ở tay, định gãi, anh Tùng lại gắt:
Gãi cái cứt à, đừng có gãi, đi ra đây. Anh Tùng lôi thằng Cường ra suối thì tay đã mẩn, đỏ hết lên. Ngâm nước đến nhợt cả da mới cho nhấc lên thì không còn thấy ngứa nữa.
Nhưng khổ nhất là thằng Tình, đi qua một bụi cây không đụng chạm gì, chả ai làm sao thì kêu rát, gào lên như phải bỏng. Nó bị lở sơn. Bụi cây vừa đi qua là cây sơn. Sơn bắt tùy mặt và nó có cơ địa dị ứng. Anh Tùng lại một phen khổ sở. Trong lúc anh đang chạy ngược chạy xuôi, hòa nước muối loãng với lá cây rửa cho thằng Tình thì tôi tự nhiên như có người dắt ra, bước một bước hai đi ra một tảng đá cạnh suối. Tôi thấy có một cái cây rất lạ, lá mập mạp, có bông hoa trắng, cánh trong suốt, đang nở, long lanh lấp lánh theo ánh nước.
Tôi gọi anh Tùng ra:
Anh ơi, cây này có bông hoa đẹp chưa, có phải cây độc không?
Anh Tùng nghiêm nét mặt lại hỏi:
Mày nhìn thấy nó có hoa à?
Thì đúng là hoa đang nở còn gì.
Đây là cây ngải, không phải hoa. Nó chọn mày để theo rồi.
Ông ấy lầm rầm nói trong miệng vài câu tiếng dân tộc rồi bứt lấy một mảnh lá cây bảo tôi ăn.
Tôi bắt đầu thấy sờ sợ hỏi:
Ăn vào có chết không đấy?
Nhai đi, chết thì tao đền.
Chết rồi thì còn đền cái đéo gì nữa. Em mà chết em về hềm cả nhà anh.
Mẹ mày, mày mà không ăn thì mới chết.


Ban đầu cũng chả thấy có gì lạ, chỉ là tôi nhìn cây cối ban đêm hay thấy có những đốm sáng nhỏ xung quanh cành lá như ánh đom đóm nhưng sau này gặp chuyện liên quan đến người âm thì nó mới phát tác. Một kiểu báo hiệu mà tôi không thích một tí nào. Đợt đó thằng anh con bác tôi đi chăn trâu ở bãi Cấm, ra chỗ âu nước, có một cái sọ người chả biết từ đâu lộ ra sau con nước rút. Và tôi chả thể hiểu vì sao anh tôi lại có một hành động ngu người, lấy đá ném vào cái sọ. Được vài phút nó như ma làm, chạy như có người đuổi, không biết đi đâu mất. Cả nhà nhốn nháo đi tìm, đủ các ao hồ, bờ bụi, cống rãnh không thấy. Đến tờ mờ tối cổ tôi bắt đầu có vấn đề, cảm tưởng như có một cái mầm cây đang mọc, vươn rễ trong cổ họng. Rất tức, khó chịu, tôi thấy xung quanh cây cối các vệt sáng lấp lánh dẫn thành đường ngược về nhà bác tôi, xuyên qua cửa sổ vào trong giường. Tôi đi theo luồng sáng ấy thì thấy thằng anh tôi đang nằm run như chó phải bả trong gầm giường. Hồi ấy bé, cũng chẳng biết anh tôi bị làm sao, chỉ thấy nhà mời thầy ở làng vào cúng. Tiếng tụng kinh, gõ mõ vừa dứt thì mặt anh tôi cũng giãn ra, không còn run nữa, mồ hôi chảy ròng ròng, rồi chìm vào giấc ngủ. Đó là lần đầu tiên cái mầm cây trong cổ phát tác. Phải rất lâu sau đó, khi đi làm ở công ty cũ, là lần thứ hai.
 
Last edited:
Chuyện ở công ty cũ

Ngôi nhà hoang ven sông

Công ty cũ của tôi là một trạm bê tông. Như bao trạm bê tông khác, đặt ở cái bãi cạnh bờ sông, tiện cho việc cấp nước, nhập nguyện liệu như cát, đá. Sếp thì là nữ, đồng bóng nên hay chửi nhưng rất thương người. Cứ mùng Một ngày Rằm bà ấy đi lễ lạt về là anh em lại có xôi gà, bánh kẹo ăn. Hồi mới vào chẳng thân ai ngòai anh thủ kho. Anh này trông thư sinh, nho nhã nhưng lại hay nghịch ngầm. Hôm đó anh thủ kho rủ tôi, anh kế toán nội bộ đi cổ vũ, xem ông ấy đá PES ăn tiền. Mỗi quả 50 nghìn. Ông ấy thắng được hơn 5 triệu về khao bia, say bét tè lè nhè, ngủ như chết. Lại mơ mơ màng màng thấy có một cô gái đội nón, áo chấm bi to thời trang của những thập niên 90, ngồi trên một thuyền gỗ trên sông nhìn tôi trên bờ như đang thích tôi lắm. Tôi cũng chả quan tâm nhiều vì chắc lại ma đùa, cũng quen rồi. Nhưng sáng hôm sau đi ăn sáng, anh thủ kho lại thở ra vài câu nghe đứng hết cả tim gan:
Hôm qua say mơ thấy một con bé đội nón, mặc đồ ngày xưa gọi mày lên thuyền, nhìn mày như thích nó lắm.
Tôi chột dạ nhưng vẫn vờ gạt đi:
Thôi anh đừng dọa em nữa.
Ông thủ kho lại điềm đạm nói:
Anh phét mày anh không bằng con chó. Trước ngoài bãi nguyên vật liệu ven sông có con bé chết trôi dạt về đấy.
Chiều, hết ca tôi cũng bán tín bán nghi mò ra bãi vật liệu, cát đá ngổn ngang. Thực sự tôi cũng chỉ tập trung đi công trình, việc kĩ thuật xây dựng là chính, cũng chưa bước chân ra chỗ này lần nào. Nay ra cho biết. Ra tới nơi, anh thủ kho đang bận đo cát ở tàu, chửi nhau thừa thiếu um lên với bọn tàu cát. Tôi nhìn xung quanh, có một cây đa to cạnh một ngôi nhà cũ đóng cửa im ỉm như nhà hoang. Tôi chờ anh kho xong việc, rồi gọi hỏi về cái nhà:
Anh ơi ở đây đựng cái gì đấy ạ.
Anh kho không hiểu sao lại mập mờ đáp:
Nhà hoang từ xưa ấy mà, mà tốt nhất là chú không nên biết, lại ăn chửi đấy.
Anh kho nói vậy xong có việc đi luôn, tôi cũng không dám hỏi thêm nữa, thở dài ngao ngán. Trời đã chợp tối, nhìn ra bờ sông nhặt hòn đá đáp xuống, lòng buồn mơ hồ. Định quay lưng về thì thấy cây đa cạnh ngôi nhà hoang xào xạc gió, cổ tôi chợt lên cơn tức, lại cái cảm giác ấy, cảm giác như có mầm cây mọc ở cổ họng, rất khó chịu. Trong khoảnh khắc như ảo giác mắt nhìn xuyên qua cánh cửa đang khóa của ngôi nhà hoang kia, bên trong là một cái miếu thờ. Tôi lắc đầu định thần thì hết, cơn tức ở cổ cũng dịu dần đi.
Về đêm tôi mơ thấy một cảnh thôn quê xưa cũ, một ngôi nhà nhỏ ngòai bờ đê, bên bến nước, cạnh cây đa, có con con đò. Đẹp như bức tranh thu Nguyễn Khuyến. Một cô gái mời tôi vào nhà nhưng tôi không vào mà mải đuổi theo luồng sáng từ cây đa tạo ra. Kẻ đuổi theo ánh sáng mặc kệ ánh mắt người có thiện tình.
Hôm sau đi làm, không hiểu kiểu gì tôi và ông anh kho bị Sếp bà gọi vào chửi. Vì chuyện nói linh tinh ma quỷ vớ vẩn rồi nhành sang chuyện công việc. Việc đi làm bị chửi nhiều cũng thành quen, trong đầu chả lưu lại chữ nào, chỉ dạ vâng cho có theo phản xạ. Đầu óc tôi đang thắc mắc nghĩ về chuyện khác. Khi ăn sáng chỉ có hai thằng nói chuyện riêng. Mỗi thằng biết một nửa, cũng chẳng kể với ai. Thôi đúng rồi...
Nghe no chửi xong, hai anh em về nói chuyện. Tôi hỏi:
Đằng nào cũng ăn chửi rồi, cái nhà hoang là cái miếu thờ con chết trôi đúng không anh?
Anh kho đáp:
Chú cũng mơ thấy nó đúng không? Chú cứ giấu giếm không nhận nên anh cũng không nói.
Tôi lại thắc mắc:
Sao Sếp biết nhỉ, hay bà ấy chỉ chụp mũ anh em mình chứ biết sao được.
Anh kho nói tiếp:
Xôi gà chú được ăn là ra cúng ở miếu nó mang về đấy. Vừa nãy không phải Sếp chửi đâu, nó tức nó chửi vì mời vào nhà mà không thằng nào vào đấy.
 
Last edited:
Chuyện ở công ty cũ

Con chó một mắt

Một hôm đi làm ca đêm, trời nổi cơn giông gió, sấm ì oàm chớp giật đùng đùng trên nền trời. Đổ âm cho công trình trong rừng nên mưa gió vẫn phải đi. Tiếng chó ở đâu đó hú vang vọng trong đêm. Bác Đông bảo vệ già, đảo nồi cháo đêm trên bếp nói:
Chắc tiếng con một mắt đấy.
Mấy anh lái xe bồn bê tông chặn lời:
Ông lúc nào cũng con một mắt
Bị mấy thằng nó bắt thịt từ lâu rồi, đến mấy thằng ăn cũng chết cả rồi, giờ về với Diêm Vương hết rồi vẫn "Con một mắt đấy" .
Bác Đông đáp:
Nó thành tinh rồi thì giết làm sao được.
Mấy anh lái xe lại châm chọc:
Ông ăn thịt vào đi, ăn chay lắm đâm ra lẩn thẩn rồi đấy.
Tôi thấy lạ liền hỏi:
Sao lại thành tinh hả bác.
Mấy anh lái xe lên tiếng:
Thôi mày đừng hỏi nữa. Nghe chuyện ông Đông có khác gì chuyện cổ tích.
Ông Đông nổi tiếng bốc phét không chớp mắt.
Tôi hiếu kì, bác Đông cũng chưa kịp trả lời thì tiếng còi trạm trộn báo, anh em mặc quần áo mưa, mũ bảo hộ, lên đường ngay. Đường tối như hũ nút, chỉ có ánh đèn xe loang loáng yếu ớt, đủ nhìn hai vệt bánh với cây cối hai bên đường. Ảm đạm, buồn tẻ. Anh lái xe kể chuyện, giọng chầm chậm theo vết bánh xe dần hằn in trên nền đất. Khi bác Đông tới làm bảo vệ thì không biết từ đầu có một con chó hoang đến. Con chó bị một vết chém ở một bên mắt, hay ngồi ở bãi vật liệu, mọi người gọi là con một mắt. Con một mắt hay gầm gừ khi ai đó lại gần, chỉ có bác Đông hay cho nó ăn là chạm được vào người nó. Có mưa lớn sấm to, nó thường hú lên vài tiếng, rồi sợ sệt, chạy núp vào chân bác Đông. Những vết sẹo trên thân con chó cho thấy một điều, nó đã rất nhiều lần trốn thoát khỏi bọn đánh bả, trộm chó. Có lần hình như nó ăn phải bả, lù đù lết về đến bãi cát, rồi ngã vật ra, ai cũng nghĩ nó chết, nhưng không hiểu sao hôm sau đã chạy nhảy bình thường, cảm giác hôm trước với nó chỉ là một giấc ngủ thoáng qua. Một ngày mưa to gió lớn rảnh việc, bài bạc thua tan nát, ba kẻ bá dơ, một thợ đúc cọc, một thợ điện, một thợ sửa chữa xe cơ giới bàn nhau:
Kiếm ít thịt chó giải đen đê!
Vừa lúc một tiếng sấm to nổ giữa trời, con chó một mắt sợ tiếng sấm chạy rúc vào góc hiên như mọi khi, nhưng buồn cho nó hôm nay bác Đông lại về quê ăn cỗ. Quanh nó toàn người lạ và 3 kẻ máu lạnh.
Nhìn thấy con chó, 3 kẻ bá dơ bàn nhau:
Đây chứ đâu!
Ông Đông về biết bảo sao?
Con chó hoang chứ ông Đông mua bao giờ, cho nó ít cơm thừa chứ nuôi được ngày nào.
Rồi con chó bị bắt thịt, bác Đông về thì sự đã rồi. Lạ một điều, tuy rất quý con chó nhưng khi nghe tin bác Đông như biết trước, không quá ngạc nhiên hay gay gắt với ba kẻ kia:
Lần sau các chú thịt thì bảo trước tôi một tiếng, tôi mua con khác về nuôi. Có con chó đêm hôm cũng đỡ nhiều.
Khoảng một năm sau, tay đúc cọc bê tông kia say rượu, đâm vào cột điện ngay đường vào trạm trộn, đầu không đội mũ bảo hiểm, đập xuống đất. Mọi người phát hiện ra thì đã chết từ bao giờ. Công an về điều tra, kết luận tai nạn giao thông tử vong do say rượu, không có yếu tố ngoài tác động vào. Chuyện chả lạ nhưng qua lời bác Đông nói lại thành lạ:
Tôi đã bảo chó thành tinh, đừng có ăn thì không nghe. Giờ nó về trả thù, lôi đi làm trâu ngựa cho nó. Hai ông còn lại không đi cúng khấn gì đi. Cứ liệu hồn.
Tí thì có xô xát, gây gổ giữa bác Đông và hai tay bá dơ còn lại kia. Chuyện cũng thôi, lâu cũng chẳng có gì kì lạ xảy ra. Cho đến một năm sau đó. Tay thợ điện kia đấu điện cho trạm, điện hở, giật văng ra, không có dây an toàn, rơi từ trên cao xuống, vỡ sọ mà chết.
Công an lại về kiểm tra. Kết luận do tai nạn lao động. Thực sự cũng chẳng có gì mờ ám. Nhiều người nhìn thấy lúc thợ sửa điện, tai nạn xảy đến. Chỉ khổ Sếp lo chuyện gia đình cho người bị nạn, rồi lo liệu công an, báo chí,... Xã hội mà.
Bình thường thì chả ai nhìn
Phốt lên một cái cả nghìn follow
Tay bá dơ sửa chữa cuối cùng cũng bắt đầu có chút giật mình về câu nói của bác Đông. Nhưng đời hắn cũng đã nát lắm rồi, cờ bạc nợ nần, vợ bỏ con bỏ, nghĩ cũng không dài được đến thế. Sếp bà thương tình, vẫn cho làm để cày trả nợ nhưng cấm anh em trong trạm cho vay tiền.
Một năm sau, hắn thì vẫn thế, chứng nào tật ấy, lãi mẹ đẻ lãi con. Một trưa nắng, hắn vẫn chui gầm ô tô tải sửa chữa như thường ngày. Mọi người đã vào cơm trưa cả rồi. Mỗi mình hắn loay hoay với cái chốt ben xe tải. Chả biết sao lại ngã từ thùng xe rơi xuống, đầu đập xuống đất. Đưa đi viện không kịp. Công an lại về điều tra. Sau khi xem xong camera xưởng, kết luận tai nạn lao động. Vậy là 3 kẻ thịt con chó một mắt đều đã chết, mọi người cũng chỉ cho là tai nạn, trùng hợp ngẫu nhiên, còn bác Đông được mang thêm cái tiếng ác mồm, xúi quẩy.
 
Last edited:
...

Sau Chiến tranh biên giới 1979, chính trị căng thẳng, bế quan tỏa cảng, thời kì này có thể coi là thời kì khó khăn hỗn loạn của những người Việt làm ăn, kiếm sống bằng tiếng Trung. Thầy bỏ dạy, trò bỏ học nhưng một thanh niên vẫn không bỏ cuộc. Ngày ngày đi làm thuê, lang thang xứ người để học chữ. Vào một ngày, anh thanh niên được vào ngồi ở một thư viện sách tại Quảng Đông, lật từng trang của cuốn sách cũ, đánh vần từng con chữ tượng hình: "Cội nguồn người Việt: người Bách Việt, người Thục, người Hoa Hạ". Anh sung sướng vỡ òa. Tức là mình không phải con cháu chúng nó, mình không bị Hán hóa, chúng nó cả nghìn năm qua giết thầy đốt sách cũng không đồng hóa được dân tộc mình. Việc anh học chữ Hán cũng chỉ để tìm lại cội nguồn, gốc tích xưa thực sự của cha ông, tổ tiên mình. Tư liệu lịch sử của mình sau thời kì bị đô hộ tối tăm ấy đâu còn. Chi bằng ta tìm của kẻ thù, dù lịch sử là viết cho kẻ thống trị nhưng ít ra nó còn chắp bút viết, chí ít ta còn có căn cứ để đoán biết. Không thể cứ mãi mù mờ vài câu chuyện truyền thuyết Con rồng cháu tiên, vài ba cái Trống đồng cả Đông Nam Á này đều có được. Nhưng những năm tháng bôn ba Đài cảng, Hồng kông lại đưa anh thanh niên này đến một bước ngoặt mới mang tên Tử vi lý số. Đây là thứ mà có một trái tim hướng thiện, học bài bản đúng đường sẽ dẫn đến việc tạo phúc, đi tu. Anh thanh niên này cũng không ngoại lệ. Ngày trở về Việt Nam, anh quyết định xin vào một ngôi chùa đi tu, quy y cửa Phật. Ngày ngày kinh kệ tạo phúc giúp đời. Nhưng nào trời có chịu lòng người. Thứ Phật giáo trong anh là Phật giáo nguyên thủy tuyệt đối chứ không phải thứ sư sãi ăn chay tính ngày, đi cúng làm kinh tế như thứ đang hiện hữu ngay trước mặt anh đây. Một người anh thân thiết trong chùa khuyên:
Vạn vật đều cần phải thay đổi để thích ứng thời cuộc, chùa chiền cũng không ngoại lệ ngoài lẽ sinh tồn ấy.
Việc thấy người ta chẳng lo hoàn thiện kinh sách, lo lót cho kì thi ngày vào hạ rồi đỗ đạt như giọt nước tràn ly, anh chịu không nổi mà bỏ đi, lòng suy nghĩ đầy chua chát:
Cũng đúng mà, sư không biết làm kinh tế thì xây sao được chùa lớn, chùa không nguy nga tráng lệ đến thánh thần cũng chẳng muốn về nữa là con hương đệ tử.
Nhà Phật nói người ta vốn có tuệ tính thiên nhiên, thông suốt vô ngại, biến hóa bất thường, ai tu chứng được phần đó gọi là thần thông. Anh đã gần đạt đến cảnh giới ấy, nhưng cũng chỉ vì một chữ "Tình" mà mãi mãi không thể đến được với cõi Phật. Khâm Thiên Giám là một tổ chức có từ đời nhà Nguyễn, nơi tập hợp của những người xuất chúng, trên thông thiên văn dưới tường địa lý được nhà nước chu cấp dùng như cố vấn khi cần. Hiện tại Khâm Thiên Giám vẫn còn và hoạt động bí mật như một tổ chức tình báo tránh ánh mắt dò xét mê tín của người đời. Thực tế họ đều là những người đầu óc, giỏi thuật toán và xác suất thống kê. Nếu thực sự có số phận thì họ là những người được Thiên mệnh lựa chọn để một thời điểm bất chợt nào đó, gánh vác vận mệnh một đất nước. Cũng như nuôi người bao năm chỉ để dùng một việc. Miễn là đúng lúc kịp thời. Người ta hay đùa, mấy nước châu Á nghìn đời tử vi lý số, vỗ ngực nhiều thầy giỏi vẫn bị bọn Tây nó đè đầu cưỡi cổ bao năm. Cha ông ta cũng có đôi câu thơ chữa thẹn
"Vận con vẫn thua vận cha
Vận người chịu thua vận nước nhà"
Các Giám Tử, những con người tài năng cả đời không ai biết ấy ẩn sau bóng tối, dưới những danh phận giả mà đến bố mẹ, vợ con cũng không hay. Khi danh phận bị tiết lộ tức là người ấy không còn danh nghĩa một Giám Tử, không còn là người của Khâm Thiên Giám nữa. Kỳ thi tuyển vào Khâm Thiên Giám cũng cực kỳ khắc nghiệt. Anh được tham gia kỳ dự thi nhờ người quen ở chùa cũ, giờ đã là trụ trì một ngôi chùa có tiếng. Ban giám khảo của kỳ thi ấy là một cụ rất giỏi về Tử vi lý số, am hiểu Tử Bình, Lịch pháp. Gieo quẻ cụ thấy có một người xuất chúng, một thời điểm có khả năng che được mắt trời, đẩy hạn chết của người khác lên sớm. Vượt người thường rồi cũng không qua nổi người thường. Cụ rất muốn giúp và muốn dùng người này. Cũng thấy trước người này sẽ tới nhưng bỏ về phút cuối nên cẩn thận bày bố người căn dặn:
Nếu thấy người thế này thì tìm mọi cách giữ lại rồi gọi tôi.
Anh thanh niên đến và bỏ về đúng như dự liệu. Nhưng ông cụ không thể lường anh thanh niên này có Tha tâm thông, đọc trước được ý nghĩ của cụ. Mỉm cười mà bỏ đi.
Bến xe phía Tây, vài người theo lời ông cụ đứng suốt từ sáng. Anh thanh niên vầng trán cao, dáng mảnh khảnh, lướt qua lên xe ngồi mà mấy người kia không hề hay biết, chỉ cảm giác có nắng hay luồng sáng vụt qua. Cả ngày mấy người được giao việc đều không thấy người cần tìm gọi về báo tình hình. Ông cụ thở dài:
Ta đã tính sai một bước, sự đã rồi. Âu cũng là ý trời.
Chữ tình kia chẳng phải tình yêu mà là tình thương với một con chó. Anh thanh niên nuôi con chó bị mất một bên mắt nhiều năm, khi nó chết linh hồn nó vẫn theo anh xin anh làm chủ nó mà không chịu đi. Người đàn ông này thương tình, bao lần Phán quan làm mưa sấm sét mất ánh điện, dẫn lính tuần tra, bắt những linh hồn không chịu siêu thoát theo dòng luân hồi, anh này luôn tạo một luồng sáng cạnh người che chở cho con chó thành tinh. Rồi mọi chuyện cũng phải đến hồi kết. Rất nhiều năm sau đó, trong giấc mơ của một người đàn ông lam lũ, một vị sư trụ trì đi mây bước gió đến.
Con chó là ta viết sớ dâng trời xin đem quân bắt, Phán quan sẽ đến luận công tội nay mai.
Việc cả đời tu tập chẳng "phò vua giúp nước" được gì, chỉ để đẩy hạn chết của 3 kẻ mạt kiếp. Bản thân thấy có đáng không hả Hà Tiến Đông?
 
Last edited:
...

Việc đã làm thì Bách Chiết Bất Hồi, lương tâm... Bất Hối
Trước mặt tôi, bác Đông nói câu này có chút ngập ngừng nhưng bình thản. Có lẽ do tôi chăm chú vào câu chuyện quá, cũng chẳng biết từ lúc nào, bác Đông đã lấy giấy Nhật trình cũ gấp thành 3 con hạc giấy đặt lên bàn rồi chậm dãi nói:
Đã tham gia trò chơi tử vong ấy, là dám giao kèo với thần chết. Không vững vàng, kiên định thì người ta cũng không thực hiện hợp đồng đâu.
Bác nói rồi nhặt lấy 2 con hạc giấy, vò nát trong lòng bàn tay, vứt vào sọt rác.
Tôi lờ mờ hiểu ra, mắt nhìn trân trân vào con hạc giấy còn lại trên bàn, còn chưa biết phải nói gì thì bác Đông lại đọc vài câu thơ:
"Gặp phải lúc đi đường lỡ bước
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ?"
Câu chuyện trên bác Đông kể với tôi vào một buổi chiều muộn, vắng người, ngày đi làm cuối cùng của tôi tại công ty cũ, khi tôi đi gặp và chào tạm biệt mọi người. Tâm trí tôi lúc ấy như bị quá tải, hỗn độn ngổn ngang, người cứ đần ra. Tôi cũng chẳng hỏi thêm bác bất cứ thứ gì nữa. Chỉ chúc bác ở lại có sức khỏe, công tác tốt. Thật buồn là lời chúc của tôi chẳng được như ý. Dịp cuối năm ấy, tôi được tin bác Đông mất. Tôi có liên lạc với anh em cũ trước cùng làm, đi viếng. Cũng như những lần ngồi uống nước chia buồn, nghe gia đình nhà đám tâm sự khác, sắp mất bác Đông cũng có dấu hiệu mà người ta hay gọi là "dở người", xin nghỉ làm, về nhà anh em ruột chơi. Bác chẳng bệnh tật gì, ngủ một giấc và không bao giờ thấy tỉnh dậy nữa. Một cái chết mà dân gian hay gọi nhẹ tựa "lông hồng", còn y khoa gọi là đột quỵ não hay tai biến. Về tôi cứ thấy buồn buồn, một người đàn ông hiền lành, tốt tính, cả đời ăn chay, chẳng vợ chẳng con, chỉ có mỗi con chó làm bạn rồi cũng... Nó cứ bị không thỏa đáng. Khoảng hơn một tháng sau, tôi mơ thấy một giấc mơ kì lạ. Trước cổng một ngôi trường Phật giáo, vị sư trụ trì đang đứng cạnh một đứa bé như chờ ai đó. Đứa bé khoảng 5 tuổi, thi thoảng ngước lên nhìn vị sư trụ trì hỏi:
Ông ơi, bố con đâu? Bố con sắp đến chưa?
Một lúc sau thấy từ xa, sau lớp mây khói mờ mờ ảo ảo, một dáng người mảnh khảnh, vầng trán cao, khuôn mặt hiền lành quen thuộc, tay đang lau những giọt mồ hôi sau một chặng đường dài, trên áo có tấm thẻ tên: Hà Tiến Đông.
 
Last edited:
Ga tàu


Lan man quá, quay trở lại chuyện trường lớp. Một ngày Chủ nhật bận rộn, dân xây dựng mà, có hỏi thứ Bảy hay Chủ nhật có khác gì thứ Hai không thì tôi cũng không biết phải trả lời thế nào. Gần đến giờ về ăn cơm vẫn phải phi con Sirius 8 năm tuổi, nổ bô vào công trường nhận một mớ sắt thép chuẩn bị cho sàn mái tầng 1. Vừa lúc xong việc, giấy tờ hóa đơn kí nhận, ôm một mớ thì bác Thành bảo vệ trường gọi vào nhờ:
Mày trông hộ bác với bác Linh một lúc, có con vịt về hai thằng già làm tí đánh chén.
Cứ ngồi ở phòng Giám hiệu ấy, có mỗi cái két sắt phải trông thôi.
Tôi phì cười nhận lời kèm theo lời nhắc:
Cháu chỉ ngồi được 30 phút thôi đấy.
Định ra sau lán trại chú Rạng chém gió cho đỡ buồn thì mấy ông cũng đi uống bia mất hình mất dạng từ bao giờ. Vậy là còn mỗi mình tôi ngồi giữa phòng Giám hiệu kiêm phòng Tiếp khách. Ngó nghiêng nhìn quanh, bằng khen, thông tư, văn bản cả đống, thấy tủ tài liệu vẫn mở. Tôi ra định đóng lại thì thấy một File hộp Deli cỡ A4 màu xanh da trời có ghi: Học bạ 8A. Chả hiểu sao tôi lại hó háy mở ra xem. Kể cũng buồn, thế là ngồi giữa bàn Hiệu trưởng, mở học bạ xem xem cháu nào học giỏi, học dốt như đúng rồi. Nhưng rồi cái không cần thấy thì lại thấy. Một gương mặt trông quen quen. Tôi nghĩ nghĩ một lúc. Ai nhỉ? À, cô bé 1m6. Ảnh là từ lớp 6 nhưng nước da trắng nổi bật. Chắc chẳng nhầm đâu. Huỳnh Kim Khánh. Sức học làng nhàng, quanh năm Tiên tiến. Xem một lúc, chán, tôi cho lại chỗ học bạ vào hộp, sắp xếp ngăn nắp, cho hộp vào tủ rồi đóng lại cẩn thận. Tiếng bác Thành với bác Linh từ cổng trường vọng vào:
Đúng vịt chạy đồng ăn thóc. Ăn miếng nào vào miếng đấy.
Ông thấy tôi đánh tiết canh vịt ăn có được không?
Hai ông bạn già đi vào, ngồi pha chè uống nước, tôi xin phép về cơm. Về ngang qua đoạn có đường tàu cắt ngang thì chợt có tàu tới, chị gác trạm thổi còi kéo barie hai bên xuống.
Trong lúc đứng chờ tàu qua, tôi ngó nghiêng sang bên, một chị đi xe ga, kính đen, áo nắng quần quây kín mít đang quát đứa con trai chẳng biết đã tuột yên xe xuống lại gần barie nhìn tàu từ bao giờ:
Đi ra đây mau! Ngày xưa ở đây có đứa bị tàu đâm chết đấy. Cấm chỉ nghe chưa!
Thứ Hai đầu tuần, tôi đi làm từ rất sớm, chẳng phải vì có việc gì gấp hay chăm chỉ, cần mẫn đi sớm về tối với công việc. Trong này có quán bún thịt nướng rất ngon, thằng Toàn mới phát hiện được nên 2 thằng phải đi hốc ngay cho nóng. Con lợn Toàn đã chễm chệ ngồi ở quán từ bao giờ gọi điện thoại giục giã khi tôi vừa đến đường tàu. Tôi dừng xe nghe điện thoại thì chợt thấy, ở dãy nhà cách trạm gác đường tàu vài bước chân, tại hiên một ngôi nhà ống hai tầng rất đẹp, cô bé 1m6, là Kim Khánh mặc chiếc quần lửng màu nâu, áo phông cộc tay trắng cổ tròn, đang vén tóc mai, cầm chổi quét sân. Sao mọi hôm không thấy nhỉ. Chết mẹ sáng chưa ăn gì bị bếch à. Tôi bị đứng hình suy nghĩ chốc lát rồi đi. Bây giờ mà một cô con gái nhà có điều kiện sáng sớm cầm được cái chổi quét sân là một điều khá lạ, có lẽ được một bà mẹ mẫu mực dạy bảo từ nhỏ. Tôi cũng chỉ nghĩ được có thế, còn đang lú ruột lấp mề với món bún thịt nướng. Gần đến cửa quán, đã thấy thằng Toàn đứng vẫy vào như lơ xe vẫy khách. Ngồi vào bàn chút là đã có 2 bát bún thịt thơm mùi nước dùng, ngọt mùi thịt được mang ra. Ngon, bổ rẻ đúng kiểu nhiều bún nhiều thịt tiền vẫn thế. Đang chuyện trò này nọ, ăn uống no say thì thằng Toàn chợt nhắc đến giấc mơ. Tôi trêu:
Lên nhà gái ăn cơm được bữa mà đã mơ đặt tên con rồi à?
Không mơ thấy ma.
Tôi ngạc nhiên dừng đũa:
Sao nghe căng thẳng thế. Nói rõ ràng ra xem nào.
Thằng Toàn bắt đầu kể:
Mơ thấy đi làm qua trạm gác đường tàu một đoạn thì có một cái ga tàu nhỏ người qua lại lác đác, vài băng ghế chờ. Trên một băng ghế chờ có bà mẹ còn khá trẻ, đẹp đang ngồi chờ tàu cùng cô con gái rất xinh khoảng 17,18 tuổi. Bà mẹ đội mũ vải vành nhỏ, mặc áo dạ nữ dáng dài, đi guốc đều tông màu đen, đôi chân trắng, thon gọn, trông rất sang trọng. Cô con gái nhí nhảnh đang giúp mẹ thoa lại chút phấn nền trên mặt còn bà mẹ dùng gương ở hộp phấn ngắm lại gương mặt mình. Mình đi ngang qua, ở phía đằng sau băng ghế ấy, khoảnh khắc mình ngoảnh mặt nhìn vào cái gương ở hộp phấn thì chỉ thấy khuôn mặt bà mẹ chứ không hề thấy đứa con gái đâu. Không hiểu sao mọi thứ qua cái gương nhỏ ấy đều rất rõ ràng, gương mặt thanh tú của bà mẹ, những băng ghế, cây cối xung quanh, kể cả bóng dáng mình đi qua. Chỉ có cô con gái bên cạnh là không thấy đâu.
Tôi trấn an thằng Toàn:
Bạn xem lắm phim hoạt hình Nhật quá nên vậy thôi. Phim nào chả thấy nhà ga, đường tàu.
Thằng Toàn đáp:
Kia nó là ga tàu điện thời hiện đại chứ không phải ga đường sắt, băng ghế gỗ từ thời bao cấp như ở trong mơ bố ạ.
Thằng Toàn nói xong tôi cũng cạn lời, chả biết nói gì thêm.
Hai thằng ăn sáng xong phi xe lên trường luôn. Vào nhà xe thì gặp bác Thành bảo vệ trường, thằng Toàn hỏi bác Thành:
Bác ơi trong này trước kia có nhà ga không ạ?
Tôi gàn:
Bạn bị dở à. Ai xây ga tàu trong này bao giờ.
Nhưng điều dở hơn là câu trả lời của bác Thành:
Có đấy. Chỗ trạm gác tàu, đi dịch lên một đoạn, ngày xưa có một nhà ga nhỏ chuyên dụng cho bộ đội khu vực, sau này được chuyển thành xưởng cơ khí máy nông nghiệp.
Hôm đó mọi việc kém vui hơn mọi khi, tôi lo cho thằng Toàn hơn, vì những thứ thế này, ít nhất tôi cũng đã từng trải qua. Người ta nói cũng đúng: "Thứ đáng sợ nhất là thứ mình chưa biết nó là gì chứ không phải thứ mình đã biết là nó đáng sợ" .
 
Last edited:
Bữa vào


Hai, ba ngày đẩy nhanh tiến độ, nắng chày chày như khò chó trên mái nhà, mọi thứ đã sẵn sàng, sàn đi xong sắt, mô men ổn, cốp pha đã chèn, bạt hộp đã đóng. Đến chiều thì chính thức xong chờ mai đổ bê tông. Chú Hoàn cai xây cho thợ bữa vào, mời kĩ thuật là tôi với thằng Toàn cùng Kĩ thuật trưởng ăn ngay tại lán. Cả thợ lẫn khách là 4 mâm, Sếp tôi đương nhiên cũng được mời nhưng Sếp xin phép từ chối như bao dịp không cần thiết khác. Tầm 8 giờ tối, tôi nhấc đít xin về. Rượu bia cũng chẳng mấy, thịt chó không ăn, tôi kiếm cớ về làm Báo cáo tình hình sử dụng nguyên vật liệu giai đoạn 1 cho Sếp, phắn về trước. Tôi lôi thằng Toàn ra góc vắng:
Uống vừa thôi, hốc đi còn về ngủ. Mai ông đi đổ bê tông đấy chứ không phải lên phòng ngồi điều hòa như người ta đâu.
Thằng Toàn ậm ừ cho có, rồi lại vào tâm sự với chú Hoàn, anh Kĩ thuật trưởng, Thợ xây chuyện kĩ thuật. Kĩ sư thì các bạn hiểu rồi đấy, 10 thằng thì 9 thằng hấp, thằng còn lại vừa bứa vừa hấp. Ngồi thì một nghìn lẻ một đêm không hết chuyện. Tôi đi xe chầm chậm ra đến phố, bỗng một chiếc xe máy lạ ngược chiều vụt qua sát sạt. Cái cặp tôi để ở chỗ dải yếm xe bay một nơi, chiếc giày dẵm gót bên bị quệt thì bay một chỗ, còn mỗi tất không. Tôi dừng xe, lật đật đi tìm cặp, tìm giày, mồm không quên chửi đổng.
Về nhà đánh thêm 2 lưng cơm, tắm rửa, trèo lên giường ngủ sớm. Mịa ngủ sớm ngon giấc quá lại thành dậy muộn. Cuống cuồng phi vào công trường, cũng chẳng kịp liên lạc gì với thằng Toàn. Vào may quá bọn bê tông vừa lên. Tôi hay đùa mấy ông ấy, xe bơm bê tông chẳng khác gì cái điếu bát, phải có thằng điếu đóm thông lõ rồi mới cắm được cái cần dài vào mút lấy mút để. Thằng Toàn không thấy đâu. Gọi hay nhắn tin đều không được. Nghĩ là nó say rượu, ngủ chưa dậy, lên sau. Đầu đang nghĩ lí do phòng khi Sếp vào kiểm tra đột xuất còn biết mà chữa chạy cho nó. Ngồi trên mái tiếng bê tông, tiếng thợ xây san, cào lạo xạo, tiếng đầm dùi xoèn xoẹt. Thi thoảng nhắc chỗ này, chỉ chỗ nọ luôn mồm. Nhìn đồng hồ đã 10 giờ sáng, chốt xong khối lượng vẫn chẳng thấy thằng Toàn đâu. Khoảng 5 phút sau thì anh Kĩ thuật trưởng gọi điện:
Toàn hôm qua uống rượu tai nạn đâm vào bảng tin, em chỉ đạo thợ làm cho cẩn thận nhé. Sếp có hỏi thì bảo nó ngã cầu thang ở nhà. Bị qua loa thôi
Tôi nghe xong như rụng rời. Xong việc phi xe vào thẳng nhà nó luôn. Bố nó bán hàng tạp hóa, ông ấy vẫn ở nhà, chắc thằng Toàn bị nhẹ thật. Tôi chào bác, hỏi cho có lệ rồi đi lên tầng chỗ thằng Toàn nằm luôn. Mở cửa ra thấy ông bạn tôi trần trùng trục, còn mỗi cái quần sịp đùi, tay, chân, mặt mũi đều xây xát phù nề hết cả. Bị nặng nhất là chân phải vào đầu gối và cái cằm rách chắc phải khâu 5 mũi là ít. Nó bảo tôi lúc ấy cũng say, đang đi thì có con chó trắng băng qua, nó tránh không kịp, lao vào bảng tin, rồi văng ra, dân quanh đó đưa về, điện thoại thì còn nhưng chiếc G shock đeo ở tay thì không thấy đâu nữa.
Tôi hỏi:
Thế con chó đâu? Chủ con chó có ra bắt đền không?
Người ta bảo không có con chó nào cả. Ở đây cũng không nhà nào nuôi chó trắng.
Tôi an ủi nó:
May rồi, ngã ở đấy còn đỡ, ra đường tàu thì chắc... cũng không dám nghĩ đến. Tôi thở dài, quay ngược thời gian tìm về giấc mơ kì lạ của tôi với cô bé Kim Khánh, trong giấc mơ ấy thằng Toàn đuổi theo một con chó màu trắng rồi đi đâu mất. Có lẽ mọi chuyện mới chỉ bắt đầu.
 
Last edited:
Back
Top