Truyện ngắn: Bạn gái tôi lớp 8

Truyện tâm linh


Bạn gái tôi lớp 8


Có một câu nói rất hay Chuyện tâm linh ma quỷ chỉ dùng để giao tiếp với kẻ ngu dốt. Đáng tiếc tôi được xếp vào loại thoái hóa giống, sống phải nương nhờ cửa Cha cửa Mẹ. Gạch đá là điều không thể tránh khỏi. Mong dù hay dở có thể đi đến hồi kết.

Điều tuyệt vời nhất của thanh xuân

Ai cũng có tuổi trẻ, những năm tháng đẹp đẽ rực rỡ, không lo nghĩ, được sống và làm những điều mình muốn. Tôi cũng vậy. Có một khoảng thời gian tuyệt vời đi làm gần nhà cùng thằng bạn thân với nhiều kỉ niệm như: rủ nhau trốn việc lang thang như chó dái đi bắt bô kê mon (pokemon), hai thằng nhà quê lên phố mua sh, cảm xúc ngồi sau vô lăng thằng mới đi học lái xe 2 ngày, chuyện yêu đương, những vui buồn trong cuộc sống và đặc biệt là yêu một cô gái kì lạ, một cô gái mà mọi người cho rằng tôi vã quá tưởng tượng ra, hoang tưởng, ấu dâm, ngáo đá, xúc tép nuôi cò, vân vân và mây mây. Một cô gái 4 năm qua luôn sống trong những giấc mơ của tôi.

“A scattered dream that's like a far-off memory... a far-off memory that's like a scattered dream... i want to line the pieces up... yours and mine.”
"Một giấc mơ rải rác giống như một ký ức xa vời ... Một ký ức xa xôi giống như một giấc mơ bị phân tán ... Anh muốn xếp các mảnh ghép lại ...Của em và của anh."


Mạch truyện

Lần đầu tiên thấy em
Động thổ và Phán quan
Khai trường
Nhưng mà anh thích em cơ
Ga tàu
Bữa vào
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 1
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 2
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 3
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 4
Án âm dương 1
Án âm dương 2
Án âm dương 3
Án âm dương 4
Án âm dương 5
Án âm dương 6
Nước phế quân tàn độc 1
Nước phế quân tàn độc 2
Nước phế quân tàn độc 3
Nước phế quân tàn độc 4
Nước phế quân tàn độc 5
Nước phế quân tàn độc 6
Thủy thần 1
Thủy thần 2
Thủy thần 3
Thủy thần 4
Thủy thần 5
Thủy thần 6
Hoa bưởi trắng 1
Hoa bưởi trắng 2
Hoa bưởi trắng 3
Hoa bưởi trắng 4
Hoa bưởi trắng 5
Hoa bưởi trắng 6
Hoa bưởi trắng 7
Hoa bưởi trắng 8
Gần như hoàn hảo 1
Gần như hoàn hảo 2
Gần như hoàn hảo 3
Gần như hoàn hảo 4
Gần như hoàn hảo 5
Bất đối xứng 1
Bất đối xứng 2
Bất đối xứng 3
Bất đối xứng 4
Bất đối xứng 5
Bất đối xứng 6
Bất đối xứng 7
Bất đối xứng 8
Mùa hoa để lại 1
Mùa hoa để lại 2
Mùa hoa để lại 3
Mùa hoa để lại 4
Con rối người 1
Con rối người 2
Con rối người 3
Con rối người 4
Con rối người 5
Con rối người 6
Con rối người 7
Con rối người 8
Con rối người 9
Con rối người 10
Con rối người 11
Con rối người 12
Phụ lục
Cho vàng vàng không cầm mà cầm phải cưt 1
Cho vàng vàng không cầm mà cầm phải cưt 2
Cái mầm cây ở cổ
Ngôi nhà hoang ven sông
Con chó một mắt 1
Con chó một mắt 2
Con chó một mắt 3
Lỗ ban thất hào 1
Lỗ ban thất hào 2
Lỗ ban thất hào 3
Lỗ ban thất hào 4
Lỗ ban thất hào 5
Lỗ ban thất hào 6
Lỗ ban thất hào 7
Lỗ ban thất hào 8
Ẩn thân pháp
Hai thái cực của A la hán
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 1
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 2
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 3
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 4
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 5
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 6
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 7
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 8
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 9
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 10
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 11


Lần đầu tiên thấy em

Nói qua một chút, tôi là Long, làm ở một công ty xây dựng nhỏ, đến bản thân tôi cũng chả biết mình làm cái chức vụ quái gì trong công ty, chỉ biết mọi người gọi tôi là Long vật tư. Mua bán vật tư là tôi, cấp giám sát vật tư cũng là tôi, nhiều khi không có người thì cầm gương toàn đạc, đóng đinh bê tông, căng dây lấy cao độ cũng là tôi, bạn thân tôi tên Toàn kĩ sư xây dựng. Hai thằng được Sếp giao cho xây một ngôi trường mới mà công ty vừa bỏ thầu trúng. Ngôi trường nằm ở vùng đất có những quả đồi thấp và thoải đan xen nhau, trước kia của người Hoa khai hoang sinh sống, sau 1979 người Hoa bị trục xuất thì dân mình vào mở mang khai phá,trồng trọt chăn nuôi. Giờ thì cũng đã tấp nập nhộn nhịp hơn phố, đường bê tông bề ngang 8m vào đến cổng, nhưng nhiều thứ của người Hoa thì vẫn còn lại cho đến bây giờ. Đến thực địa khảo sát xem xét nơi xây trường mới thì nó vẫn thuộc quỹ đất của ngôi trường THCS cũ, cổng trường đã cũ kĩ rêu phong nhưng vẫn rực rỡ màu hoa giấy tươi mới trong nắng hè. Hiện tại là mùa hè, mùa học sinh nghỉ học. Cổng phụ vẫn mở nhưng tôi gọi bác bảo vệ cho phải phép. Khi bác bảo vệ già vẫn còn đang nheo mắt lần chiếc chìa khóa phòng giám hiệu kiêm phòng khách trong chùm chìa khóa để mời bọn tôi vào uống nước, tôi đang loay hoay quay dọc nhìn ngang xem bản vẽ thì thằng bạn tôi gọi tôi lại.
Long ơi, ra đây tớ bảo.
Gì thế bạn
Tưởng có việc gì hóa ra. Một em gái cấp 3 khoảng lớp 10,11 tầm gần 1m6 mặc áo dây quần cộc theo bộ, kiểu đồ ngủ bộ, mùa hè bọn con gái hay mặc, vải lụa satin mềm màu đen, người đầy đặn, nước da sáng, đùi trắng không tì vết, mặt tròn, tóc búi cao đang cho một bé trai tầm 2, 3 tuổi ăn. Chỉ có thể lói nà Ngọt canh xương ống đậm đà thịt thăn.
Mấy em gái cấp 3 mới lớn như thế này luôn là một bầu trời mơ ước với chúng tôi - một thế hệ thiệt thòi.

Hai thằng nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống làm em ấy quay lại nhìn. Các bạn cũng hình dung ra rồi đấy, 2 thằng đực người yêu không có, vã toàn tập lén lút nhìn một cô gái mới lớn với ánh mắt toát ra sự thèm thuồng làm cô bé cảm thấy khó chịu,bất an bế cậu em trai lên chiếc ghế ngồi của trẻ con sau xe mini xanh, đạp xe về mất.
Em nó về làm hai thằng tay lau dớt mồm thở dài tiếc nuối. Quay lại với chuyện trường lớp, bác bảo vệ mời chúng tôi vào phòng giám hiệu uống nước, báo hôm nay thầy hiệu trưởng không lên được, chúng tôi cũng bảo không sao, cũng không cần thiết lắm, xin phép bác cho chúng tôi đi xem nền móng, hỏi qua về địa thế, chất đất. Mọi thứ đều tốt trừ một vài việc nhỏ. Việc đầu tiên là nơi đặt lán trại công nhân nằm bên cạnh mộ tổ của một nhà Hoa kiều, như bác bảo vệ nói là năm nào tầm này họ cũng về cúng khấn, năm nay chắc cũng tầm 1 tuần nữa là họ lại về thôi. Tôi đưa mắt nhìn qua bờ tường rào, một ngôi mộ tròn, to, cổ kính nằm giữa vườn thanh long đang đơm hoa kết trái. Việc thứ hai là gần chỗ đào móng trường mới, có một căn hầm nhỏ, tương đối nông của người Hoa bỏ lại, trong cũng chẳng còn của nả gì, ngòai một thứ đất nâu mềm, dẻo như đất sét nhưng khi thằng bạn tôi véo lấy một ít cầm lên, ra ngoài ánh sáng mặt trời thì khô, cứng lại rất nhanh. Cũng không hề gì, chúng tôi tính đào tránh nó ra một chút là được. Bao năm nó nằm đây thì cứ kệ nó thôi. Có kiêng có lành. Còn ngôi mộ tổ kia thì là đất của một hộ dân cách trường đúng một bức tường thấp, nhắc nhở công nhân, thợ xây chuyện ăn ở vệ sinh là xong thôi. Nhưng nắm đất nâu kia lại làm tôi nhớ về một câu chuyện truyền miệng từ xa xưa trong này. Cho vàng, vàng không cầm mà cầm phải cứt.
 
Last edited:
Con rối người

VI


Ông Tuyên cay đắng lắc đầu:

-Cái này cụ Huỳnh Tịnh Của gọi là Ác nhơn tự hữu ác nhơn ma chứ Ngài nào mà đòi đền đòi điện.

Bà Nhạn gạt phắt đi:

Báng bổ cái miệng ông. Tội vạ đâu tôi chịu. Ai chết trước thì được mồ được mả.

Ông Tuyên chảy nước mắt. Mạt vận cái họ Huỳnh hay chữ hay nghĩa nhà ông phải chịu cảnh xứ lạ đồng xa tha hương cầu thực. Bà Nhạn cũng vì chồng vì con mà ba chớp ba sáng, ba dãy bảy ngang thành ra thế. Rồi mọi sự làm ăn đều nở như hoa, ngược cũng thành xuôi, thông đồng bén giọt theo chước tính của bà Nhạn. Dù phất lên như diều gặp gió, nổi lên như bọt phải soda nhưng ông Tuyên chẳng lấy làm vui, trước sau đều lời ngọt tiếng nhạt khuyên ngăn bà Nhạn vì ông là người hiểu rõ nhất cái kiểu làm ăn đi đêm gặp ma, dựa hơi người chết, bất quá nhân gian của vợ mình. Khổ nỗi mọi sự lại chẳng được như ý ông. Ngày thợ xây đào móng xây điện thờ cũng là lần đầu tiên bà Nhạn phát điên. Đôi mắt mất hồn người của bà Nhạn long sòng sọc, nhau mặt nhíu mày đập phá đồ đạc. Sức đàn bà phụ nữ mà thanh niên bốn năm người giữ không lại. Cái hồn phách ma quỷ phải hình người ấy chỉ thẳng vào mặt ông Tuyên mà nói:

- Ngươi còn muốn còn vợ còn con thì bỏ ngay cái ý nghĩ bẻ nạng chống trời, bang môn lộng phủ ấy đi. Ngươi cùng là đám con cháu dòng tộc ta mà bạ ăn bạ nói, trở thói bôi trung xà ảnh. Cái thứ cố cùng, cà răng múc mắt như ngươi ta đối đãi đâu tới nỗi cám treo để heo nhịn đói, đâu bắt cao lễ dễ thưa mà người ninh ninh tạo phản.

Tiếng vang giọng đanh như vẽ vân vẽ mây, có gang có thép như cửa miệng nhà quan khiến ai thấy cũng rợn người khiếp vía. Ông Tuyên phải gập gối cứng lưng mà lạy cái hồn ông Tướng sanh oanh thác liệt, có bóng Thần giá Thánh ấy mới chịu thoát khỏi xác phàm bà Nhạn.

Chẳng phải nói, tin bà Nhạn được ông Tướng thiêng họ Huỳnh nhập lan khắp làng trên xóm dưới. Tiếng lạ đồn xa, người người biện lễ lớn lễ bé về điện bà Nhạn mà xin quyền xin phép. Ai cũng tấm tắc bà đồng Nhạn nói đúng lắm, như thả ma xó trong nhà gọi cổ ra thưa vậy. Nhưng thần trí bà Nhạn ngày một kém. Bị quở bị hành, giở điên trở ngộ ngày một nhiều. Mới sáng, đã nghe tiếng tay hất chén đĩa vỡ loảng xoảng, ông Tướng nhập vào bà Nhạn đang quát mắng:

-Con gái mày đến tháng mà mày dám bảo nó hái cau têm trầu cho tao ăn à.

-Này thì cau này! Này thì trầu này!

Sau mỗi tiếng Này thì là một nhát dập đầu xuống mặt bàn của bà Nhạn. Nghe như có người túm tóc mà dúi, tưởng đập mạnh đến ứa máu trán.

Ông Tuyên vội vàng chạy vào, tay phải nắm tóc giật ngược cái đầu đang lạy xuôi lạy ngược của vợ ngửa lên trời, bàn tay trái bụm chặt che mắt vợ lại. Người bà Nhạn co giật như lên cơn động kinh, đầu run bần bật ngoảnh cổ về phía ông Tuyên mà nói, răng nghiến ken két:

-Chúng mày phải hô thần nhập tượng cho tao

Nói dứt lời thì người bà Nhạn cũng mềm lũn ra, mồ hôi đẫm đìa lưng áo. Đứa con gái ông Tuyên sợ xanh mặt mày, vừa dọn dẹp vừa dấm dứt khóc.

- Hô thần nhập tượng hay còn gọi là khai quang điểm nhãn là nghi lễ linh thiêng và được tổ chức rất trang trọng. Nghi lễ này xuất phát từ thuyết Âm Dương cổ đại, từ chẳng có gì mà sinh ra Âm, Dương, sau đó cả hai điều hợp với nhau, sinh sinh hoá hoá không ngừng mà tạo ra trời, đất, con người cùng vạn vật. Nghi lễ khai quang của Đạo giáo được hình thành, lấy cái vô hình trong vũ trụ, có đủ linh tính với pháp lực vô biên đem nhập vào trong thần tượng. Sau khi đem thờ phụng thì tôn tượng ấy trở thành linh hiển. Dân gian chỉ biết có một chiều xuôi của nghi lễ khai quang điểm nhãn là sau khi linh khí an ngự trong pho tượng thì những loài ma quỷ sẽ không dám quấy quả, người cúng bái sẽ được thần linh chứng giám mà không biết còn một chiều ngược lại dù hiếm nhưng vẫn có. Đó là sau khi khai quang điểm nhãn, được người đời thờ cúng thì ma quỷ cũng có thể mập mờ đánh lận con đen, mua quan bán chức, chễm chệ ngồi uy nghi, được coi ngang hàng thần linh trong sổ bạ thần tộc. Cũng đã qua rồi cái thời đất sỏi chạch vàng, chùa tàn Phật quý. Từ thời hợp tác đã từng có mấy anh trợn trạo cười cười một cách láu cá hỏi cô thống (từ chung để chỉ những người làm nghề cúng bái):

-Bây giờ đến núi ông Bụt cũng bị phạt trụi lấy gỗ làm củi, bị đào bới để tìm đá ong, lấy đất sét nung gạch, thì không ai còn gặp ma quỷ đâu nữa. Thời buổi táo tợn đến ma quỷ giọi tàng hình cũng hết chỗ trú. Thế thì ma quỷ đi đâu? Hay ma quỷ đã bị người trần cắt hộ khẩu?

Cô thống giương cặp mắt bạc phếch, trông chỉ rặt lòng trắng, như màn sương làn khói, nói với cái giọng thanh thảnh thế này:

-Đừng tưởng đất này đã hết ma. Ma còn đang đẻ sinh đôi sinh ba nữa cơ đấy! Các vị có nhớ hôm trước hợp tác họp để đòi chia ruộng khoán không? Cứ như cuộc chọi gà, chọi trâu ngày xưa! Chả ai chịu nhả miếng nào. Cả làng có mỗi xứ Đồng Chùa là thượng đẳng điền, thì từ ông cán bộ đến bà xã viên, ai cũng muốn vơ giật về mình. Có đời thuở nào anh em ruột cũng cãi nhau, tranh nhau đất hương hoả ngay ở đấy. Vợ chồng bỏ nhau mỗi người một niêu, hợp tác giao ruộng, ai cũng tranh thửa tốt. Vợ chồng thách nhau giữa làng: mày mà làm ông phá. Mấy là đòi ruộng cũ không được thì bù lu bù loa lên, cứ nhao nhao như chào mào ăn dom! Xưa nay người ta chỉ sợ người chết chứ ai sợ người sống? Chỉ sợ ma chứ ai sợ người. Thế mà hôm ấy tôi đi nhận ruộng hộ con cháu, thấy hốt quá. Nhìn chả thấy người đâu, toàn ma. Những thân người sống ngồi đấy mà mà cấm còn nhận ra ai nữa. Càng nhìn càng thấy đúng là những ụ mối, những bao bì dựng ngược, cái cao cái thấp lố nhìn đầy nhà! Những con ma tham, ma ác từ đấy chui ra, con nào cùng lành chanh lành chói mồm năm miệng mười, chả còn bùa đâu mà yểm cho xuể! Đấy, các người đừng có vội tí toé, ma nó vẫn ngủ gà ngủ gật ngay trong lòng các người!

Ông thầy pháp Phí được mời về làm lễ hô thần nhập tượng có nói hết cho ông Tuyên cái sự trên khiến ông lòng dạ bồn chồn suy đi tính lại. Ông pháp Phí mới thoáng trông thấy bà Nhạn ngồi gật gật gù gù bên cửa điện đã ngoảnh ra, toát mồ hôi trán mà giục:

-Thứ này nuôi cả đàn ma đói quỷ khát như kẻ làm vua chúa, dùng người không có ân hậu, như con chim bay cao chết, cái cung hay giấu, có việc thì dùng hết việc là bỏ. Mình không hầu được thì cứ làm cho nó cái đền, biện tượng hô thần cho xong rồi để người đời thờ cúng cung phụng. Đừng phá ngang làm càn kẻo họa chết cả nhà chứ chẳng chơi đâu. Đúng là còn người còn tham thì còn tà còn ma.

Vào lễ bà Nhạn chỉ ngồi không đội khăn giữ hình niệm kinh nghe mõ, sắm sửa lễ lạt đều tay bố con ông Tuyên chạy đi chạy lại. Mọi sự thành ra chạy lờ mắc đó, chạy chỗ nhỏ mắc chỗ to cũng chỉ vì tờ sớ oan nghiệt. Ông Tuyên không biết từ lúc nào và vì lí do gì mà lôi ruột cỗ sớ điểm quan của ông Tướng họ Huỳnh ra thêm nét. Huỳnh hay Hoàng đều là cùng một chữ 黄 nhưng ông Tuyên lại thêm bộ thủy vào đầu thành chữ 潢 là ao nước, thêm cái nghĩa kép nhuộm vải, thiếp sơn. Chữ hoàng 黄 trong 黄氏家族- Gia tộc họ Hoàng giờ đã thành chữ hoàng 潢 trong 弄兵潢池- Lộng binh hoàng trì. Là tạo phản. Ý nghĩa sâu cay đến điếng người. Thứ có xuất thân từ bùn ao mương nước muốn nhuộm giấy thiếp sơn để lộng binh hoàng trì.

Đến đêm thì bà Nhạn phát cơn điên, lao vào giường đứa con gái hiếm hoi duy nhất đè ra bóp cổ. Miệng không ngừng gào lên:

-Dám làm hỏng việc lớn của tao thì vợ con mày phải chết.

Nghe tiếng giãy giụa sợ hãi tột độ, tiếng ú ớ nức nở của đứa con, may sao ông Tuyên theo kịp. Ông buộc tay buộc chân nhét giẻ vào miệng vợ rồi nhốt lại trong phòng. Đứa con gái dù ngạt thở gần chết, đôi mắt nhòe nước vẫn nhìn bố mà thều thào:

-Bố ơi! Bố đừng đánh mẹ

Ông Tuyên mắt đỏ au, im lặng không nói gì cố giữ bình tĩnh. Im ắng được lúc thì nghe thấy tiếng xe máy, tiếng gọi cổng rất vội. Là thầy pháp Phí. Ông pháp chưa kịp nói điều gì ông Tuyên đã rào trước:

-Thầy nghe tôi giải thích.

Nghe xong ông pháp Phí chỉ thở dài:

-Anh làm thế là triệt đường sống vợ con anh rồi!
 
Last edited:
Lâu rồi em không thấy thread hiện lên ở page 1 CTLT làm em tìm không thấy đâu em còn tưởng thím không viết rồi:beat_brick: hoá ra thread đã được chuyển sang mục Truyện Voz rồi.:surrender:
 
Con rối người

VII


Sau đêm đó, ông Tuyên cho bà Nhạn đi trại tâm thần. Sáng sớm gió đã lồng lộng đón chuyến xe người làng gọi hộ vợ chồng ông. Gió tới sau hè gió đè bụi chuối, gió qua bụi ruối gió đuổi chào mào. Vậy mà lạ thật ông Tuyên lại chỉ nghe như ảo thanh tiếng trẻ con cười nói ồn ã đang văng vẳng bên tai: Ma bụi tre thì lên trại chuối, ma bụi duối thì xuống trại hòm khiến ông thở dài sườn sượt. Không vì phải sượng mặt trước chòm xóm mà do cái cảm giác băn khoăn, day dứt và tự trách mình đang dấy lên trong lòng. Thời còn ruộng sào cấy khoán chỉ có đội Cường cái đồng chí Hùng Cường mà hai vợ chồng thời chân lấm tay bùn vẫn hay cười chê, vì ăn không ghi khống cho dân nên mới phải một ngộ chín giả vờ đi trại tâm thần để xí xóa trách nhiệm. Giờ vợ ông chẳng phải cán bộ gián tiếp ăn công điểm mà vẫn tham đến phát ngộ thật. Ma xui quỷ khiến nhử cho cặp giầy giò mà không biết dù có ăn vã hết giò thì vẫn còn chừa lại bột gạo trắng dã nhạt tuếch, nuốt thì nghẹn, nhai thì dính răng. Người nào có ai cho không ai cái gì bao giờ nữa là ma, cái thứ chết thối thây trương xác đổi ván sang tiểu mà vẫn còn tham lên quan tiến chức, thành ông tướng ông tượng. Bà Nhạn lên bệnh viện tâm thần hai hôm thì được cho về. Vì bệnh bà chưa nặng, vẫn còn thần sắc con người. Bác sĩ có ý mà bảo cho về vì uống thuốc mê tiêm thuốc lú dài ngày không ngu cũng thành ngộ. Ông Tuyên cũng sợ cảnh phải nhìn thấy vợ mình được thả ra trong tiếng chuông giờ ra chơi, giữa bốn bề lưới sắt mắt cáo cùng đám bệnh nhân điên ngộ, là người mà không giao tiếp với nhau bằng tiếng người kia. Nhưng sáng về hẵn còn đi nhà này nhà kia chơi, chiều đến bà Nhạn đã lại lên cơn ngộ, chửi bới đập phá không mắt nào mà trông được. Bà lại như con mèo điên chó dại lao vào đứa con gái khiến ông Tuyên nghiến răng sôi máu chặt nắm đấm. Đây là lần đầu tiên ông Tuyên phải thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Phải đấm phải đá khiến bà Nhạn tỉnh ra mà về lại hồn xác con người. Bà Nhạn miệng mếu máo gọi con, người ngồi xệp xuống trước mặt con bé, ôm chầm lấy nó rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để, rồi lại ôm chầm lấy. Đầu tóc bê bết rối bù, nước mắt giàn giụa. Ông Tuyên giằng đứa con gái từ trong lòng bà Nhạn ra mà quát:

-Bà đừng hành hạ con bé nữa!

Bà Nhạn nghe xong lại gào lên tủi đời rồi lao đầu vào góc nhà, bị ông Tuyên kéo lại, ngã giật ngửa ra nền nhà lên cơn động kinh nuốt lưỡi. Ông Tuyên vội vàng cậy hàm răng đã cứng đơ, lập cập như phải rét của vợ ra cho ngón tay mình chèn vào, ngoảnh cổ quát đứa con gái đang đứng chôn chân khóc lóc đi gọi người giúp. Vẫn biết ngón tay là nơi chứa những đầu thần kinh thụ cảm, bị cắn đau đến váng óc buốt đầu nhưng ông Tuyên cực chẳng đã, vẫn phải dùng cái cách sơ cứu chả hay ho gì này. Bà Nhạn lại lên viện tâm thần. Là lần hai. Ngón tay ông Tuyên chèn vào miệng vợ bị cắn sâu nhưng chỉ rơm rớm máu, không đau. Cũng vì rối lên lo công lo việc cho vợ, ông chẳng bụng dạ đâu mà đi khám xét gì, chỉ băng gạc để đó. Đến đêm thì vết thương mới mưng lên phát sốt, trong giấc mơ mồ hôi vã ra bết đầu ướt gối có ông quan đội mũ cánh chuồn xử ông bị chặt một đốt tay ngón cầm bút do tội ghi xằng viết bậy. Thẻ lệnh quăng xuống, con chặn giấy bằng gỗ to bản đập đánh chát xuống mặt bàn làm ông Tuyên giật mình tỉnh giấc. Nhìn vết đau mà ông Tuyên đâm hoảng. Hôm trước mới chỉ lấn bấn đau do phù và hơi làm căng da, bóp mạnh vào mới có cảm giác nhói mà giờ đã phù to lan lên phần lành, có mùi chuột chết, ấn vào có tiếng nổ lép bép dưới da. Lên tới bệnh viện thì ngón tay ông Tuyên đã chuyển màu tái như thịt cá, nhạt, máu không chảy nhưng chuyển nặng. Là hoại thư sinh hơi, bác sĩ ngay lập tức lấy mẫu đi nhuộm gram định danh vi khuẩn và mở rộng ổ nhiễm trùng. Có 3 mệnh lệnh chính được ghi bằng dòng chữ bác sĩ loằng ngoằng trên bìa giấy đầu giường bệnh:

-Mổ sớm, rạch rộng

-Oxy cao áp

-Kháng sinh

Kết hợp làm càng sớm càng tốt

Ông Tuyên được cho vào mổ ngay để xử lý ngoại khoa. Rạch rộng các vùng hoại tử, rạch đến tận các vùng có máu nuôi, để hở, tưới nước oxy liên tục, làm trong môi trường vô khuẩn. Khí hơi thoát ra qua vết rạch rộng, phá hết ngõ ngách. Nhưng vẫn phải cắt cụt đầu chi nghĩa là phải tháo khớp bỏ đi một đốt ngón tay. Mỏm cụt được để hở, tưới nước oxy liên tục cùng kháng sinh bằng xông Redon. Oxy cao áp làm ngừng nhiễm khuẩn và giới hạn ổ hoại tử được dùng theo đợt cứ 8 giờ một lần. Rồi nằm nội khoa cắt thuốc kháng sinh liều cao và bù toàn thân qua dịch truyền. Trên giường bệnh ông Tuyên không giận vì bàn tay phải chặt cụt, tháo ngón của mình mà thấy căm khi nghe lời giải thích của bác sĩ. Chuyện là khi lấy mẫu nhuộm gram định danh vi khuẩn, anh bác sĩ trẻ thấy có sự bất thường. Vết thương của ông Tuyên là một vết răng người cắn rất rõ và sâu. Nhưng con vi khuẩn yếm khí được chỉ mặt vạch tên trên tấm mẫu lại không phải họ Fusobacterium trực khuẩn kỵ khí gram âm thường có mặt trong khoang miệng và ruột người mà lại phần lớn là họ Clostridium một giống trực khuẩn gram dương có trong bùn và đất cát. Anh bác sĩ biết là khiếm nhã khi thăm hỏi một bệnh nhân nằm bệnh viện Quốc tế chuyện có đi làm đồng hay xuống tát ao mấy ngày qua không nhưng anh vẫn hỏi. Hỏi qua hỏi lại đến phát phiền mà câu trả lời của ông Tuyên vẫn là không. Kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra vết hoại tử của ông Tuyên là do vết cắn sâu từ hàm răng của một người đã từng có lượng bùn đất lớn trong khoang miệng làm cầu dẫn cho trực khuẩn Clostridium khu trú. Hay nói toạc ra ông bị một người tâm thần ăn bùn đất nhiều hơn ăn cơm lên cơn ngộ cắn. Ông Tuyên căm nhưng là căm chính mình. Trước những cuộc thi thuyết trình, hùng biện tiếng Anh ở trường lớp, con gái ông hay bảo: Bố chúc con Break a leg đi. Ông một thời sách vở đàng hoàng lắm nhưng khổ nỗi cũng vẫn lọt thỏm trong bài thơ ma cà bông:

Cậu kia cắp sách đi đâu

Cậu học chữ Tầu hay học chữ Tây?

Học chữ Tây không tiền không việc

Học chữ Tầu kẻ biết người nghe

Thời ông Tuyên còn ở trong vẫn chuộng ngộ nị mà ra cơm ra gạo, họa huần có chút toa moa chứ tiếng Anh thì chịu chết, ông cũng tỏ vẻ cấp tiến hỏi con gái nghĩa nó là gì. Khi con gái ông hồn nhiên đùa: Là mong cho bị gãy chân bố ạ. Bà Nhạn nghe thấy tưởng thật xua xua tay mà gạt đi: Phỉ phui cái mồm ăn mắm ăn muối. Trong tiếng cười hì hì của con gái, ông dần nhận ra nó chỉ là một lời chúc may mắn. Bên cạnh mỗi người đều có những con quỷ ẩn náu, bẻ gãy chân chúng đi, mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn là để nó tự tung tự tác chốn đông người. Đã bao lần ông chúc con gái mình Break a leg rồi nhỉ? Rồi chính ông lại sơ hở để con quỷ bên mình gợi lên lòng tham làm lu mờ tâm trí. Ông cương quyết ngay từ đầu thì vợ ông đâu dám làm càn để giờ phải chịu cảnh điên ngộ, gia đình ông đâu đến nông nỗi này. Ông nhớ lại về giấc mơ ông quan đội mũ cánh chuồn rồi nảy sinh suy nghĩ chơi đến cùng với đám ma quỷ này. Một hóa long hai xong máu. Không giường bốn thước hai thì quan tài bốn thước bảy. Sự sợ hãi lo lắng trong ông bay biến thay vào là những suy tính để cứu lại gia đình. Nhẹ bằng lông quăng không đi thì Nặng bằng chì quăng xa lắc. Chắc chắn sẽ có cách.
 
Con rối người

VIII


Cũng có người hỏi giờ nhà cửa lanh tanh bành ra thế thì anh em họ hàng ông Tuyên ở đâu. Nhà neo người nên chỉ có dì út bên bà Nhạn lặn lội tàu xe ngược từ trong ra. Dì út thẳng tính ai làm nấy ăn chứ không ưa của. Thấy anh chị nhà ngói cây mít, giàu có vững chắc thì lại xa, không thích gần. Vì tình ruột thịt mới ra chứ không phải dạng người đắm đò giặt mẹt vơ vào mình. Nhưng nhà ông Tuyên giờ đúng cảnh giậu đổ bìm leo chó ỉa trèo. Ma quái quấy khắp nhà trên nhà chái dưới. Bìm bìm leo nhà gạch thật rồi. Dì út nằm ngủ cùng cháu gái mà phải bóng đè, nằm giường mà như có bàn chân dẵm bình bịch vào mặt, ngủ không được sâu giấc, thấy lờ mờ mê tỉnh nhà toàn những bóng người xám mờ ra vào đi lại, rinh rích như chuột chạy đầu nhà. Dì út vốn bạo dạn cứng vía nên chẳng sợ, người có tí tẹo nhưng gan to cũng cho là liều. Lại phải tính bánh đa. Dĩnh dịch tròn tròn, khô giòn ướt dẻo. Trông thế mà dám xách can mua xăng về định đốt điện may người xung quanh biết ý kịp khuyên ngăn. Chưa hết tuần ông Tuyên đã xin ra viện nhưng dở hơi là ở nhà dì út bắt đầu có những biểu hiện khác thường. Nghe con gái ông kể cứ một hai giờ đêm là dì út lại ra sân gạch đứng chửi bới một mình. Cứ mày tao như cãi lộn với người. Con chó nhà thì rúc đầu vào cái nón mê bà Nhạn hay đội, nằm gọn khoanh chân sau, chân trước ôm vào cái nón như bịt tai mà rên ư ử. Chó đội nón là gở thật rồi! Ông Tuyên vội chạy đi tìm thầy pháp Phí. Người đời hay mỉa gọi ông pháp Phí là ông Phí Huyền Vũ. Chẳng phải khen ông có cốt cách tứ linh mà ý chỉ cái tính nhát cáy, thấy khó là thụt như rùa phải sấm của ông. Ông Phí là thầy pháp mà trùng bè nhẹ thì mới biện chữ vẽ bùa, nặng thì hay gởi sang người khác ông cho là cao tay hơn để tránh liên lụy. Ông ưa những thứ lễ lạt nhà Thánh, dựng điện lập đền, hô thần nhập tượng hơn. Tài phép không phải ông không có, nhưng dùng rất dè. Hàng quán hay đùa nhau không biết ông pháp Phí có nuôi âm binh không mà đến mở hàng lại đắt như tôm tươi chứ chẳng ế. Quân âm binh nhà ông pháp Phí trộm vía còn hơn đám mèo thần tài đứng vẫy tay, mốt tận mãi bên Nhật mang về. Chẳng hiểu sao chuyện nhà bà Nhạn ông Phí lại chịu giúp. Đang nói chuyện rất rõ ràng rành rọt bỗng giọng ông pháp như bị lạc quẻ. Nó giống những lời trăng trối, những tiếng giãi bày cuối đời hơn là những lời sấm thường hay thở ra từ miệng các thầy:

-Đừng có đập tượng phá điện. Nó dậy quân lên quật có người chết tươi chứ chẳng đùa đâu. Đối với đám ma tà muốn nhanh thì phải từ từ. Miếu hoang cả năm không có nén hương thì mất thiêng. Một khi đã gõ cửa thì phải chờ câu trả lời. Thi thoảng, tôi vẫn thấy mình ở đâu đó ngoài kia. Ở những nơi mà con người đối xử với nhau bằng sự tử tế chân thành. Mặc dù kết quả hay hậu quả đôi khi chồng chéo vào nhau, phải chịu cảnh đầu trần đi giữa trưa nắng như giời đày. Đôi khi ngu dốt, vụng về chẳng nhớ nổi tại sao. Chỉ biết nhớ một khoảng trời nào đó, chúng ta những con người đã từng không vì đồng tiền mà hết lòng vì nhau, dẫu có đôi phần tính toán. Mà cũng có phải đâu, không tính toán chẳng lẽ không có giá trị gì. Người ta vẫn nói cái gì mà cũng quy ra vật ngang giá thì buồn lắm. Mà không quy ra, sao đo được nỗi buồn để biết buồn đến bao nhiêu.

Ông Tuyên cũng không thể ngờ rằng đó là nỗi buồn đẹp đẽ cuối cùng của ông thầy pháp. Một đêm mưa gió, Phí Huyền Vũ dậy quân nhưng không nghiệm. Chập sáng sau đã thấy mấy anh câu ếch, rấm lươn kháo nhau ông pháp Phí cởi truồng tồng ngồng múa may ngoài đê, trông khó coi lắm. Nghĩ cho cùng cũng là cái sự tan nghiệp hạn đời nhà ông pháp Phí. Thành thử ông Tuyên lần đỏ mắt không ra người trừ nổi cái điện ma bà Nhạn rước về. Thầy dởm thầy thật nghe thấy tiếng ông pháp Phí phải ngộ con cái đang nuôi báo cô thì đều cắp tráp chạy. Mà dì út đêm nào cũng tay chống nạnh ra sân chửi đổng thế này cũng sắp thành bà Nhạn thứ hai đến nơi rồi. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng tàn bén chân mày, có một người đàn ông từ phương xa lặn lội tới. Anh ta chẳng phải đến trừ ma diệt tà theo lá thư máu của ông pháp Phí như đám người làng đang loạn cào cào lên đồn thổi. Anh ta tên Chỉnh, là bộ đội phục viên, đi lần nhà bà Đỗ chỗ ao nước ngay nhà ông Tuyên, nhà có con trai liệt sĩ tên Thông hy sinh trong chiến trường Quảng Trị. Nghe nói hai người thân nhau như anh em, cùng trong đại đội 9, Thông là chính trị viên, Chỉnh là đại đội trưởng. Sau khi giải phóng xong khu vực Thành cổ, đại đội của Chỉnh và Thông vác súng 14ly5, loại súng nhỏ của pháo phòng không, cùng đơn vị bộ binh đánh thốc vào phía tây giáp Huế thì bị cối trực thăng và lính nhảy dù của địch phục kích. Cả đại đội 9 chẳng còn ai ngoài Chỉnh và một anh quân khí tên Liêm. Vật đổi sao dời, cái tay Liêm chiến sĩ quân khí lên chủ nhiệm hậu cần một trung đoàn lớn. Còn anh Chỉnh thì xin về lại gốc gác giáp miền núi của mình quăng quật làm kinh tế, giúp quê hương xóa đói giảm nghèo. Ai cũng cho là dại gọi là Chỉnh trâu, Chỉnh húc.

Nhìn đôi mắt điềm tĩnh của Chỉnh không ai nghĩ người đàn ông này đã từng trải qua những ngày tháng ác liệt tàn khốc nhất của chiến tranh. Với những ngày vào mùa mưa. Nước đổ sầm sập trắng rừng. Địch huy động tổng lực mọi thứ quân trên trời, dưới đất công ra quyết liệt. Trận địa của Chỉnh và Thông ngày nào cũng bị pháo địch chà xát, chẻ tướp cây cối cày đất lên như voi quần. Nhiều cái chết của đồng đội đến suốt đời Chỉnh không thể quên. Chết vì pháo phát ngang người. Pháo tiện tứ chi. Chết trong trận đánh giáp lá cà không cân sức. Và đói, và mưa làm sập đường, nước ngập lút cát ngầm, nên bên ngoài không tiếp tế vào được. Gạo của cả đại đội chỉ còn tính từng bát. Đến bữa hái từng ôm rau môn thục, rau tai voi, và một thứ rau có vị ngọt mà lính ta gọi là rau mì chính, rồi độn thêm ít gạo như rắc lá phép nấu cháo húp. Người nào người ấy gầy hóp lại, không còn đoán ra tuổi. Ai cũng mắt trắng môi thâm vì sốt rét. Hạnh phúc lúc ấy thật đơn giản là được ăn một bữa cơm no, ngủ có chiếu và buộc màn thật căng bốn góc.

Ấy vậy mà thời bình này lại đang đảo điên quá, đang có điều tiếng không hay, suy đi xét lại về liệt sĩ Thông, cản trở đường kết nạp Đảng của con trai út Thông. Vì vậy mà Chỉnh phải về đây, trước thăm bà Đỗ, thăm vợ con Thông sau là để dằn mặt một ông tá ông tướng. Là Liêm. Hàng ngày chính trị viên Thông phải trực tiếp điều hành công việc ở khu vực hậu cứ đặt bên bờ suối dưới chân đồi. Một buổi sáng địch câu pháo phạt sạch cây cối, rồi máy bay lên thẳng đáp xuống đổ quân ngay dưới chân đồi bên bờ suối đúng chỗ đại đội đặt hậu cứ. Một trận đánh giáp lá cà giữa bọn lính dù, lính thủy đánh bộ của địch với những người chưa quen đánh bộ binh của ta, gồm tất tật anh nuôi, quân khí, y tá và mấy chiến sĩ đang ốm do chính trị viên Thông chỉ huy. Biết bên ta không cân sức, Chỉnh dẫn một tổ cắp AK từ đỉnh đồi băng xuống. Nhưng chưa tới nơi thì chiếc trực thăng HU-1A đã cất mình lên, hối hả bay về Huế. Mắt Chỉnh hoa lên choáng váng khi anh nhìn thấy một... hai...ba... bốn thi thể chiến sĩ ta nằm ngổn ngang. Nắng sớm chiếu trên những vũng máu chảy đẫm bên người. Không nhìn thấy chính trị viên, Chỉnh gào lên, giọng khản đặc:

- Thông! Thông đâu rồi?

Nghe tiếng Chỉnh, cậu chiến sĩ quân khí bò từ trong bụi cây. Một cánh tay bị thương, cuốn bằng cả chiếc áo lót màu đất thó to xù. Cậu khóc nức lên:

- Đại đội trưởng ơi, chính trị viên chết rồi! Chính trị viên tự sát rồi!

- Cái gì? Mày bảo cái gì? Hả?

Chỉnh nhảy bổ lại, hỏi như quát. Cậu chiến sĩ càng khóc rống. Cậu tức tưởi kể:

- Quân địch đông quá. Chính trị viên Thông chưa kịp bố trí đội hình, thì chiếc máy bay lên thẳng đã hạ xuống như mọt cơn bão. Địch từ trong đó nhảy túa ra. Trong khi ấy hai chiếc khác vẫn bay sát ngọn cây, thấp và khuất đến mức súng đặt trên đồi không hạ nòng bắn được. Cả khu rừng náo loạn như bị nhồi vào giữa cơn lốc. Đạn bắn thẳng, cối cá nhân của địch từ trên bắn xuống, từ chiếc máy bay vừa hạ bắn ra như tung một trận mưa lửa. Ta bị mất chủ động ngay từ đầu. Khi phát hiện ra khẩu pháo mới chữa đang để trong ụ làm dự phòng, đám lính dù lên nhào vào như hổ đói thấy mồi. Chúng hò nhau lôi ra đưa lên máy bay. Một tốp khác vội vã khiêng hai thằng chết, một thằng bị thương lên theo rồi máy bay nổ máy, bộ cánh quạt chém giồ ào ào cuốn bụi đất và lá cây mù mịt. Mấy thằng lính táo tợn còn định kéo một tử sĩ của ta lên máy bay. Chính tri viên Thông từ bên kia bờ suối nhào sang xả AK. Anh bắn bị thương một thằng nữa. Chúng vừa bắn lại vừa dìu nhau nhảy vội vào khoang cửa sắt. Chiếc HU-1A cất mình ngay lên khỏi mặt đất. Đạn từ máy bay vẫn vãi ra như trấu. Tất cả những việc ấy bọn địch làm rất nhanh. Đến mức khi cả ba chiếc máy bay đã khuất trên đầu rừng, thì một vài người ít ỏi sống sót ở hậu cứ mới thấy hết vẻ khốc liệt của trận đánh chớp nhoáng. Chính trị viên Thông người đầy bụi đất vàng khè, đầu không mũ chân tập tễnh đi quanh khu hậu cứ nhàu nát, khét sặc mùi thuốc súng, mùi nhựa cây đắng hắc. Vừa đi anh vừa rên rẩm:

-Chết hết rồi! Chết hết rồi! Trời ơi!

Anh cúi xuống nắn tay chân, vuốt quần áo từng liệt sĩ, miệng nói lảm nhảm như dặn dò điều gì. Đến khi tới chiếc hầm cất khẩu 14ly5 dự phòng, Thông mới sững người ra, đứng như trời trồng. Vì lúc địch cướp súng, Thông đang cùng hai chiến sĩ nuôi quân chống trả với đám lính rằn ri bên bờ suối. Thế là anh đã để lọt vào tay địch vật quý nhất của người lính. Dạo ấy địch ra rả trên đài, trên báo về thành tích bắt tù binh, thu vũ khí Việt cộng. Từ cái bình tông, cái mũ cối của ta, chúng vớ được, cơ quan chiến tranh chính trị của chúng cũng mang ra triển lãm, rồi dựng lên những trận đánh rùng rợn để khuếch trương chiến quả. Vậy thì cả một khẩu 14ly5 vừa chữa xong này, chúng sẽ ầm ĩ thế nào?

Thông bỗng đưa tay lên bứt tóc, đấm ngực, giọng khản đặc đau đớn:

- Chết hết rồi! Mất hết rồi! Thế này thì còn sống làm gì!

Và sự khủng khiếp đã đến. Cậu chiến sĩ quân khí lúc ấy vừa bò lên khỏi một hố đất, gọi líu lưỡi:

Chính trị viên, em đây!

Nhưng một phát súng ngắn đã nổ đánh đoàng. Chính trị viên Thông đổ người xuống một bờ hào. Người chiến sĩ quân khí hét lớn và cũng ngã vật ra.

- Phải im ngay! Phải khâu ngay miệng lại! Tuyệt đối không được nói chuyện này với ai nghe chưa?

Chỉnh nắm áo cậu chiến sĩ quân khí dặn dò mà như quát nạt.

- Coi như anh Thông hy sinh vì đạn giặc nhớ chưa?

Thế mà Liêm đã nuốt lời, đã quên lời hứa năm xưa. Chỉnh bỏ tấm ảnh chụp cùng Thông trong ví ra, ngồi bên bờ ao lẩm nhẩm một mình:

-Đến nước này thì tao phải lên tận nơi đốp vào mặt nó! Chính nó là thằng sợ lên trận địa nhất, cho nên viện mọi lý do là súng hỏng hóc phải mang xuống hậu cứ để chữa cho yên tĩnh. Đã mấy lần tao với mày vặc nhau vì nó. Mày thì chỉ sợ nó chết vì lúc ấy chỉ còn mình nó là biết sửa chữa. Tao thì muốn đưa nó lên chốt để có gì sửa chữa ngay trận địa. Nó đã ỷ vào mày để nằm ở hậu cứ. Thấy mặt tao là nó lảng, nó tránh. Bây giờ nó định trả ơn mày thế này đây!

Vừa lúc thì dì út nhà ông Tuyên thần trí điên dại chạy ra ngõ, lao đầu xuống ao nước. Anh Chỉnh vội bỏ cả ví cả ảnh trên bờ xuống kéo lên. Mà thấy nặng như có người đang cố ấn đầu cô gái xuống bùn. Cứ lôi tóc lên lại ngụp xuống. Đến lúc mắt trước mắt sau nhìn thấy chiếc ví của Chỉnh, không hiểu sao cô út nhà ông Tuyên bỗng kêu ré lên rồi chết ngất. Mọi người xung quanh lại xúm đông vào, tiếng bước chân bịch bịch của ông Tuyên ngoài đồng về. Cũng may mà có anh Chỉnh.
 
Con rối người

IX


Tối ông Tuyên có mời anh Chỉnh bữa cơm thường, chén rượu nhạt. Những giọt nếp làng trắng đục chẳng phải giọt nước cành dương nhưng khiến ông thấy thanh thản, nhẹ nhõm mà nói ra những phiền muộn trong lòng. Ngạc nhiên là anh lính phục viên không lấy làm khó chịu vì chuyện ma tà ngược đời, thòng đong cân cấn đuổi cò nhà ông Tuyên. Anh chăm chú lắng nghe rồi giải thích:

-Anh chị ra ngoài này lâu nên quên. Chuyện tà đạo, nạn mê tín trong nam đáng sợ hơn ngoài bắc. Từ thời đàng trong đàng ngoài, nạn mê tín dị đoan trong dân đã gần như là quốc nạn, với những tà thuật ghê rợn tung hoành. Tin theo các đạo sĩ, thầy địa lý, nhiều người dân có tục “rửa gân”, “nghiệm gân” bằng cách đào lấy hài cốt cha mẹ, bậc tôn trưởng để chiêm nghiệm việc tốt xấu. Không những thế, vì mê tín dị đoan mà người ta còn quật mồ để hủy hoại vất bỏ xác chết, gọt đầu, làm thương tổn đến tử thi, trộm quần áo của xác chết. Vua Gia Long đã từng nói:

“Kẻ có tà thuật đều giả trá, lừa dối cho người nghe sinh biến đổi rối loạn trong lòng, vẽ bùa, viết khoán, nhờ pháp thuật để sinh nhai; chuộc mạng, chiêu hồn, lấy con bệnh làm của báu. Thậm chí có kẻ phù đồng ấp bóng, bịa ra lời nói của thần, kiêng ăn, cấm thuốc, kẻ đau ốm không thể cứu lại được. Lại có những thuật làm người bằng giấy, làm ngựa bằng cỏ, ném gạch đá vào nhà, đốt cháy nhà cửa, cùng những bùa thuốc làm mê hoặc, đã lấy pháp thuật để quấy nhiễu người lại đến tận nhà để xin chữa, lừa dối trăm cách, thực là mối hại lớn của nhân dân”.

Luật Gia Long, luật hình phần nhân mạng có phần nói đến việc không chỉ quật mồ người thân chiêu hồn xem điềm tốt xấu, còn có tình trạng những kẻ ngu muội, u mê giết người lấy nội tạng luyện bùa thuốc. Hình luật dành cho tội phạm dạng này có đoạn: “Phàm những người lấy tai mắt, tạng phủ của người sống đem mổ xẻ ra làm bùa thuốc, nếu có người thân thuộc tố giác ra, hoặc bắt giải nộp quan, thì nếu đã hành động rồi, kẻ thủ phạm vẫn không được tha tội”.

Luật hình nhân mạng thời bấy giờ còn có tội danh khá lạ kỳ: làm ra hay nuôi chứa loài sâu có độc để giết người. Loài sâu độc mà ai đó nuôi để giết người là sâu gì, cách nuôi ra sao, luật hình-nhân mạng cũng như các thư tịch cổ triều Nguyễn còn để lại không nói rõ. Nạn trấn yểm, dùng bùa chú để hại chết người cũng nằm trong phạm vi cấm đoán của triều đình Gia Long: “Nếu kẻ nào khắc vẽ hình người để yểm phản, làm phù chú nguyền rủa, muốn làm chết người khác (kể cả người thường, con cháu, nô tỳ, người ở đợ, bậc tôn trưởng, hạng dưới, ít tuổi) đều khép vào tội mưu giết người (đã hành động nhưng chưa làm cho bị thương) mà trị tội. Vì thế mà đến nỗi chết người, đều chiếu luật “mưu giết người”, mà trị tội. Nếu chỉ muốn làm cho người ta bị tật bệnh khốn khổ thì được giảm kém tội mưu giết người đã hành động rồi, nhưng chưa làm cho bị thương 2 bậc”.

Rồi anh bộ đội phục viên lại hỏi:

-Anh Tuyên có biết vì sao ông pháp Phí dậy quân mà không ứng không?

Nhìn vẻ ngơ ngơ như bò đội nón của ông Tuyên, anh Chỉnh chỉ lắc đầu cười:

-Ông pháp Phí là người gốc Bắc nên xin quân theo thẻ lệnh nhà Trần, mà cương vực Đại Việt thời Trần sau khi Chiêm Thành dâng hai châu Ô Lý đất cũng mới chớm đến Đà Nẵng. Anh chị là người gốc Sài Gòn không thuộc diện quản lý của nhà Trần thì dù có đi xin ấn hay vải đỏ áo bào cũng khó lòng mà nghiệm.

Rồi Chỉnh húc lại hỏi với, giọng ngập ngừng lấp lửng:

-Xét lại các tội trạng trên anh thấy chị đã phạm bao phần? Có đáng bị như giờ không?

Ông Tuyên cứng miệng tái mặt, anh Chỉnh thở dài bỏ chiếc ví da sau túi quần, rút tấm ảnh ra rồi nói:

-Khi cô út bị nhập đâm đầu xuống ao, thứ khiến con ma hoảng sợ thả thân thoát bóng chạy không phải tại nhìn thầy hình tôi hay ảnh liệt sĩ Thông. Cái ví da cũng chẳng có bùa biền gì mà là do sợ hãi người có khuôn mặt trong tờ tiền này.

Anh Chỉnh đưa ra tờ 100 đồng tiền VNCH năm 1966, trên nền hoa văn rực rỡ đỏ sắc là hình ảnh của một võ tướng, gương mặt cương trực đậm chất người miền trong, ô sa với quan triều đuôi rồng cuộn trước ngực, là người đã hai lần chịu trách nhiệm thay vua trông coi toàn bộ miền Nam Việt Nam thời bấy giờ, trấn ải 5 trấn Phiên An, Biên Hòa, Ðịnh Tường, Vĩnh Thanh (sau được tách thành Vĩnh Long và An Giang), Hà Tiên. Tổng trấn Gia Định Thành - Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.

-Thứ mà anh bảo ma quỷ thành tinh cho vợ ăn lộc bắt làm thầy khi còn sống cũng không phải hạng người tầm thường. Nếu tôi không nhầm thì ông tướng họ Huỳnh đó chính là Lý Chính hầu – Huỳnh Công Lý, một người sử sách không chép nhiều về thân thế, nhưng là sủng thần dưới thời vua Gia Long, từ một phó đội thường Túc trực nhị hàm may ra đến hàng Ngũ phẩm là cao mà chỉ trong chưa đầy 2 năm đã được thăng làm Vệ úy Tam phẩm, đường quan lộ thần tốc, từng làm tới Phó tổng trấn Gia Định Thành. Công lắm tội nhiều, vì tham nhũng mà bị xử tội chết, ông ta là hình mẫu thờ cúng lý tưởng của cán bộ thoái hóa, biến chất hiện giờ.

Anh Chỉnh lại phân tích:

- Phó tổng trấn Hoàng Công Lý từng đem 10 vạn dân đào sông từ thành Phiên An thông đến Mã Trường Giang tạo An Thông Hà. Sông này ở phía tây nam trấn, nay là kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, trước từ kênh Thông, qua Sài Gòn đến Lao Giang nhưng xa xôi, nhỏ hẹp, quanh co, nông cạn. Sau đổi đường cũ, đào kênh mới, từ kênh Thông thẳng đến sông Mã Trường, dài hơn 9 dặm, ngang 7 trượng 5 thước, sâu 9 thước. Đường sông thông, thuyền bè đi lại ngày đêm nối nhau, bén thành chỗ bến sông đô hội, người ta đều khen là tiện lợi. Vua Gia Long rất tín nhiệm Hoàng Công Lý trong việc xây đắp, thổ mộc. Hơn nữa Huỳnh Công Lý còn hỗ trợ trấn thủ Định Tường Bửu Thiện hầu Nguyễn Văn Phong lấy hơn 9000 dân nạo nét sông Bảo Định ở Mỹ Tho, đào cho kinh Vũng Gù ở cửa sông Vàm Cò Đông (Tân An) thông với sông Tiền ở Mỹ Tho. Lý Chính hầu đã từng được coi là hiện thân của Rồng, tạo long kết thủy, sông nước đàng trong chỗ nào cũng có bóng dáng Huỳnh Công. Lý vốn là võ tướng dưới trướng vua Gia Long, công trạng rất dày, sau gả con gái cho hoàng tử Đảm. Hoàng tử Đảm lên ngôi Minh Mạng thì con gái Lý được phong Huệ phi, uy quyền trong tay Lý lại càng lớn. Tổng trấn Gia Định Nguyễn Huỳnh Đức chết, triều đình chưa kịp cử người thay thế mà phó tổng Trương Tấn Bửu thì đã được gọi về Huế, Hiệp tổng Trịnh Hoài Đức cũng về kinh thành nhậm chức Thượng thư Bộ Lại. Thời thế thế thời đặt Huỳnh Công Lý ngồi vào ghế phó tổng trấn thành Gia Định. Người xưa có dạy Có Đức mặc sức mà ăn nhưng dân Gia Định ngày ấy có lời thán ngược để đời Mất Đức mặc sức mà ăn ý nói Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức chết, phó tổng trấn Huỳnh Công Lý về thừa khi tình thế lộn xộn mà bóc lột, tham nhũng, vơ vét của dân, ngay cả quân lính cũng không từ. Nạn giặc sư Kế, giặc thầy chùa làm bùa chú mê hoặc dân Phiên (Miên) cướp bóc nổi loạn khiến vua Minh Mạng buộc phải đưa Lê Văn Duyệt từ trong kinh ra, trở lại ghế Tổng trấn Gia Định lần thứ hai với quyền lực tối thượng, phẩm truất thăng quan lại, hưng lợi trừ hại, tất cả việc thành và việc biên cương đều cho tùy nghi mà làm miễn sao an lòng dân, dẹp yên giặc loạn. Giặc yên cũng là khi tờ khiếu kiện tố cáo phó tổng trấn Huỳnh Công Lý hơn 10 việc của quân nhân đến tay Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt đem sự tâu lên vua. Vua Minh Mạng tức giận mà nói với triều thần: “Không ngờ Công Lý quá đến thế, công trạng nó có gì bằng các khanh, duy nhờ tiên đế cất nhắc, ngôi đến phó tổng trấn, lộc nước ơn vua, thực không phải bạc, thế mà lại bóc lột nhiễu dân, làm con mọt nước. Tuy dùng phép buộc tội nhưng dân đã khốn khổ rồi”.

Huỳnh Công Lý bị bắt giam, Bộ Hình đến Gia Định tra xét án. Kết cuộc, ngoài số tiền tham nhũng trên 3 vạn quan, lúc Lý làm quan ở Huế đã bắt lính xây dựng 3 cửa hàng gạch bên bờ sông Hương để tư lợi. Đình thần luận tội, khép Huỳnh Công Lý vào tội chết. Sau khi án được nhà vua phê, giữa năm 1821, Huỳnh Công Lý bị xử tử tại đồng Mả ngụy ở Sài Gòn. Số tài sản tham nhũng được chi trả lại cho quân lính và người dân. Cửa hàng ở Huế thì được bán để lấy tiền giúp cho cấm binh. Con gái là Huệ Phi bị đuổi ra khỏi cung về làm dân thường.

Anh Chỉnh kết luận:

-Đấy anh thấy đến chết Huỳnh Công Lý cũng chỉ bị khép vào tội tham nhũng, anh dám tố ông ta lộng binh hoàng trì tạo phản là sai nên bị phạt chặt mất đốt ngón cầm bút vì ghi càn viết quấy.

Chỉnh lại đưa chén rượu nói tiếp:

-Còn về Tả quân Lê Văn Duyệt không phải tự nhiên mà tôi lại cho trong ví tờ tiền VNCH này, dân trong này quý lắm, coi như vật hộ mệnh, gọi ông là Đức Thượng công. Miền Nam là vùng đất mới, người tứ xứ đến lập nghiệp, gồm đủ mọi hạng người, anh hùng, trộm cướp, lưu manh đều có. Nhưng nhờ ông cai trị rất nghiêm nên mọi người được yên ổn làm ăn, kinh tế phát triển. Nơi nào ở trong nước có loạn lạc, vua đều sai Lê Văn Duyệt đến để ổn định. Ông đã khôn ngoan chiêu dụ được dân về với triều đình mà không cần đem quân đi đánh dẹp. Ông thu phục được những người có tội ra đầu thú, cho làm lính dưới quyền của mình. Ông lại được vua trao trách nhiệm đào kinh Vĩnh Tế. Vì vậy ông được vua ban cho “đai ngọc” là một trường hợp đặc biệt chỉ dành cho tước vương, ngay chính các hoàng tử từ tước công trở xuống cũng chưa từng được ban cho “đai ngọc”. Minh Mạng đã hết lời ca tụng ông như sau: “Trẫm nghĩ khanh khi xưa đi theo vua (Gia Long) đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên (Miên) nên sai khanh làm tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp, tiếp đến tra xét dân lậu thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm. Làm tôi siêng năng duy khanh hơn cả, cho nên hậu thưởng. Từ trước tới nay các hoàng tử tước công, chưa từng đeo đai ngọc. Nay nghĩ khanh công trước vốn đã rạng rỡ, lại dựng được công mới, nên đặc cách ban cho. Khanh càng nên dốc lòng trung thành, cố gắng hơn nữa”

-Không những sử sách của ta mà các tài liệu ngoại quốc để lại, cũng chứng minh rằng Lê Văn Duyệt là người có nhiều tài năng và công trạng đối với quốc gia và dân tộc. Chính vì vậy, dân chúng và quân lính mới đặt tin tưởng vào Lê Văn Duyệt. Nhờ hậu thuẫn của dân và lính mà ông đã đạt được nhiều thắng lợi tại miền Nam. Năm 1822 một phái đoàn Anh Quốc do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn Gia Định. Trong dịp này, Crawfurd thú nhận: “Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt, trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng. Thành phố Saigun (Sài Gòn) không xa biển, có lẽ cách độ 50 dặm; thành phố Pingeh (Bến Nghé) gần đó cách thành phố Saigun (Sài Gòn) độ 3 dặm. Dinh tổng trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông Hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được tổng trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha thứ cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày. Một đứa con vô lễ chửi mẹ, tổng trấn biết được cũng bị phạt rất nặng. Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa, đũi thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị tổng trấn của họ. Con người này ít học. Nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu kinh sử của Khổng Giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng Biển Đông”

-Anh cứ để tờ tiền này vào điện thờ, nếu đúng là Lý thật, ông ta không còn mặt mũi nào yêu sách nhiễu nhương nữa đâu.
 
Last edited:
Con rối người

X


Ông Tuyên mồm uống tai nghe mà lòng dạ cứ vỡ ra. Cái này chẳng phải Tà thần bất cảm chánh mà cụ Phao lô Của (Paulus Của tên tây của cụ Huình Tịnh Của) hay nhắc tới sao? Đọc lắm nghe nhiều mà giờ ông Tuyên mới thấm. Thần tà chẳng cảm, chẳng phạm chánh thần. Hễ ăn ở chính trực, có cái mạnh mẽ trong mình thì chẳng sợ nhuốm lấy tà khí, tà khí chẳng khuấy mình đặng. Thần mọc thì quỉ lặn. Bà Nhạn vợ ông chuyện đã vậy rồi, âu cũng là cái liễn. Đốt đuốc tìm giàu, giàu chẳng thấy, cầm gươm chém khó, khó theo sau. Số mạng định thế, có trật ai bao giờ. Cứ phải nắng lửa mưa dầu, ngoe ngoảy như cua gãy càng vừa khó coi vừa nhọc xác làm gì. Đời xưa trả báo mà chầy, đời nay trả báo một giây nhãn tiền. Đem quỉ về phá nhà chay báo ứng chước ngay đầu đen máu đỏ. Sao ông chẳng nghĩ ra nhỉ? Ở cho phải phải phân phân, cây đa cậy thần, thần cậy cây đa. Cây đa có thần dựa vào mới linh, thần có cây đa mới có chỗ dựa. Thế phải tương y tương ỷ cùng nhau. Sao mình giờ không y dạng họa hồ lô mà bắt chước, đặt tờ tiền thề cắt lối ốc mượn hồn, bỏ thói xác còn người mất đầu ngất ngơ thì Lý cũng hết chỗ tựa. Bà Nhạn điên thì ông Tuyên chịu. Là ra thế. Cái dư vị ngọt ngào của trà sau khi uống xong còn lưu lại trong khoang miệng nào có khác gì cái cảm giác êm đềm lâng lâng, say ngà ngà sau khi uống rượu còn tồn lại nơi ông lúc này. Nhưng lòng dạ thỏa quá rồi say khướt đèn cù. Ông Tuyên ngật ngưỡng trong cái bóng dáng xiêu vẹo, bước thấp bước cao như sắp đổ đưa anh bộ đội Chỉnh ra cổng, miệng hẫn nhắc nhỉ:

-Đúng là chơi với người tốt như vào hàng hoa. Khi đi ra hương thơm còn vương vấn. Chơi với kẻ xấu như vào hàng cá. Quen tanh rồi, chẳng biết mình tanh.

Bữa đặt tờ bùa ông Duyệt tới giờ, quái trong nhà tiệt hẳn. Bà Nhạn thi thoảng vẫn lên cơn nhưng không còn đòi đánh đòi giết ai nữa. Bị nhập nhiều khiến thần kinh hư hại, ma quỷ mất đi như để lại một khoảng trống vô hình trong trí não bà, làm cho chậm chạp, lờ đờ, không thật người. Giờ đã thành bệnh lý thần kinh chứ chẳng ai bảo bị quở, bị hành nữa. Qua một giấc dài như chết lâm sàng đến ghê người, ông Tuyên mới nhìn ra trong tờ tiền bộ tướng nhà binh là tinh anh phù mộng của thuật đồng hoàn. Sang nhà bà Đỗ thì anh Chỉnh đã đi rồi. Mọi sự cứ như xem ci nê. Phim hết đèn mới sáng. Khi phụ đề đã đứng im tại dòng xuất bản và phát hành, đảo mắt tìm người thì ai cũng đã vội. Ông Tuyên thấy khó chịu như đứa trẻ không đủ năng lực mà bị đúp lại. Như phải đứng mắt nhìn ô đèn giao thông nhấp nháy giữa ngã tư tìm nơi xoay chuyển vận mệnh cuộc đời. Số phận không phải là do trò uyn đơ toa quyết định. Nhưng cũng không thể tùy hứng như thế. Ông như đi qua ánh đèn bão dấu chân người lính đã từng qua, như hóng phải cơn gió Lào khô rát từng phả vào mặt chiến sĩ, đậm nét từng cái ôm đồng chí. Nhưng cũng lại như lần đầu tỉnh giấc với một trái tim trống rỗng, hai bàn tay để không. Phải chăng là cùng nhìn thấy một khung cảnh giống nhau. Có chăng chỉ là sai khác cảm xúc trong thời không sai lệch.

1819

Trên con thuyền hai buồm đang thong dong ngoài biển, anh thông dịch người Việt trẻ người phảng phất hương long não, nằm úp mặt sõng soài trên giường nói với người đồng hương đang lau dọn:

-Anh Tuyên này! Tôi vẫn không tại sao Giôn Trắng lại đặt khá nhiều kì vọng vào chuyến đi này. Vẻ mặt ông ta vẫn hớn hở như khi thả neo và nhặt vài người chúng ta lên tàu. (Giôn Trắng John White trung úy hải quân Hoa Kỳ thuyền trưởng tàu hai buồm Franklin)

-Chẳng lẽ ông ta lại không được nghe hay đọc gì về chuyến hải hành tới Cochin-china Nam Kỳ năm 1803 của thương thuyền Fame hay sao. Những dòng chữ viết tay của thuyền trưởng rất rõ mà.

Anh Tuyên ậm ừ như mọi khi:

-Nào tôi có biết gì về chuyện sách vở.

Anh thông dịch thích thú giải thích những gì mình đã đọc được. Anh hay nằm nghĩ vẩn vơ rồi lý sự với anh Tuyên, dù điều này cũng chẳng nghĩa lý gì nhưng anh Tuyên có vẻ thích nghe và không lấy làm khó chịu khi bị dạy đời như những người khác:

-Năm 1802, Tổ Hợp Crowninshields một trong những gia đình hải vận chính yếu vùng New England, đã gửi một thương thuyền sang Nam Kỳ Cochinchina, để trắc nghiệm một nguồn cung cấp đường và cà phê mới. Tổ Hợp Crowninshields có vẻ tin tưởng rằng nếu chuyến du hành sang Nam Kỳ thất bại, chiếc thuyền có thể cất mua được một chuyến hàng đáng giá tại Borneo hay một nơi nào khác trên lộ trình và chuyến du hành sẽ không đến nỗi vô ích. Bất kể ra sao, đây là chiếc thuyền đầu tiên của Hoa kỳ trong lịch sử sang thăm viếng Việt Nam và vị thuyền trưởng của tàu sẽ là người Hoa Kỳ đầu tiên đặt chân lên vùng đất đó. Chiếc thuyền được khoa trương ầm ĩ như đúng tính cách của người Mỹ đó là thương thuyền Fame cùng vị thuyền trưởng Jeremiah Briggs. Cũng như chúng ta bây giờ, tàu vào Mũi St. James Vũng Tàu sau khi thấy Côn Đảo. Rồi tiếp tục vào hạ neo tại vịnh Turon Đà Nẵng. Thuyền trưởng Briggs lên thăm một trong hai chiếc thuyền đang ở trong vịnh và khám phá ra rằng hai chiếc tàu này thuộc quyền của King of Cochinchina Quốc Vương Nam Kỳ, được điều khiển bởi các người Pháp. Ông Briggs đã tới Đà Nẵng để gặp viên chức điều khiển tàu này rồi trở về lại thuyền Fame ngày sau đó. Vị thuyền trưởng thâm niên nhất của Pháp mà ông Briggs tiếp xúc đã cố vấn ông Briggs đi đến Cowe Huế tức đến kinh đô, để vào hầu yết kiến nhà vua, tìm hiểu là liệu có bất kỳ khả năng mậu dịch nào hay không. Ông Briggs đi Huế bằng một chiếc thuyền nhỏ cùng với năm người và một hướng dẫn viên Bồ Đào Nha đến từ Ma Cao và hiện sống tại địa phương như tôi. Họ qua đêm tại Fai-foo Hội An một địa điểm có một số hoạt động mậu dịch. Nhưng ông Briggs đã phải thốt lên rằng: “Không có một dấu hiệu nào về công nghiệp tại đây, cư dân là những người lười biếng nhất mà tôi chưa từng trông thấy bao giờ, họ sống chính yếu nhờ cá mà họ đánh bắt được rất nhiều, các túp lều của họ nói chung nhỏ bé, và hoàn toàn để trống toang hoác, để thích nghi với khí hậu vì trời nóng vô cùng.” Khi ngược dòng sông Hai-Foo Thu Bồn về Huế, ông nhận thấy có thể hải hành bằng các thuyền buồm và ngay cả tàu nhỏ. Khi ông Briggs tới Huế, ông lên thăm một chiến thuyền thả neo ở đó và tìm gặp vị chỉ huy người Pháp. Ông Briggs đã ở trên chiến thuyền ba ngày với vị chỉ huy người Pháp và được cho hay rằng ông ta chưa hề nghe thấy sự việc như là việc cất mua đường mía từ bờ biển này và rằng ông ta không nghĩ điều đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, vị chỉ huy người Pháp vẫn giúp Briggs tìm kiếm sự chấp thuận từ Nhà Vua cho việc mua bán ở bất kỳ hải cảng nào dọc bờ biển. Giấy phép mậu dịch của Nhà Vua chỉ cho phép giao dịch tại đây trong vòng khoảng 6 tháng với nhiều điều khoản không thuận lợi. Trong 10 ngày sau đó, thương thuyền Fame đã đi thăm dò dọc bờ biển, nhưng hiển nhiên là không hề đặt chân lại trên đất liền bởi gặp phải các triều sóng to. Sau đó đổi hướng sang Manila. Kết thúc một chuyến đi thất bại.

Rồi chàng trai thông dịch trẻ lại khua khua cánh tay quá đầu trong tư thế nằm sấp nhìn khá buồn cười mà nói tiếp:

-Giôn Trắng cũng không đưa ra một manh mối nào về lý do tại sao ông đảm nhận một chuyến hải hành sang Nam Kỳ. Nhiệm vụ của ông rõ ràng có tính chất thương mại, tìm kiếm và mang về một chuyến hàng hóa sinh lợi nhuận nhưng ông ta cũng không giải thích tại sao một chiếc thuyền hai buồm dưới sự chỉ huy của một sĩ quan hải quân Hoa Kỳ lại được giao phó một nhiệm vụ như thế hay ai là người đã tài trợ cho phái bộ. Giôn Trắng cũng không cho thấy đâu là quyền lợi nói chung của Hoa Kỳ vào lúc đó tại chính vùng Nam Kỳ đang bị gia tăng ảnh hưởng bởi Pháp hay ngay cả về sự hiểu biết bao nhiêu của nền cộng hòa non trẻ đối với phần đất cá biệt đó của thế giới.

Anh Tuyên với chất giọng thật thà đáp:

-Tôi nghe nói đây không phải lần đầu ông John có ý định muốn vào Sài gòn. Trước đây thuyền Franklin đã di chuyển đến một ngôi làng tại Canjeo Cần Giờ, cách Vũng Tàu khoảng 7 dặm về phía tây, và chờ đợi giấy phép để ngược dòng lên Sài gòn. Nhưng giấy phép đã không bao giờ đến. Sau vài ngày thảo luận nhiều bực tức với quan lại địa phương, ông John đã kết luận rằng các giới chức địa phương không có thẩm quyền trong việc ông tiến vào Sài gòn. Các quan lại địa phương tại Cần Giờ đã bảo đảm với ông John rằng nếu ông ta trở lại từ Huế với giấy tờ thích hợp từ nhà vua, ông ta có thể tiến lên Sài gòn. Vì thế, tàu đã nhổ neo để đi đến Huế. Nó tức thời được thăm viếng bởi đám quan lại địa phương và họ thông báo rằng nhà vua hiện không có mặt ở Huế vì đang ra ngoài Đông Kinh Bắc Kỳ. Rằng xứ sở đang hồi phục từ nhiều cuộc chiến tranh tàn phá và rằng sản lượng ít ỏi đường mía và tơ sống có trong nước dành cho các giao dịch thương mại đã bị hứa bán cho hai chiếc thuyền của Pháp trước đây kết ước cung cấp cho nhà vua các vật dụng kỳ lạ cùng với vũ khí và quân phục cho binh lính của ngài.

Anh thông dịch lạc quan:

-Có sao. Cuối cùng Franklin và Marmion những hai con tàu của Giôn Trắng cũng đã được cập bến Sài gòn.

Anh Tuyên ngán ngẩm:

Cũng chỉ là nối tiếp thêm bốn tháng nghi lễ hầu như chằng có kết quả gì cả và việc mặc cả giằng co với các giới chức Nam Kỳ thôi. John không hề mang theo quốc thư của Chính phủ Hoa Kỳ hay trung gian mối giới. Sẽ chẳng có cuộc đàm phán chính thức nào về quan hệ buôn bán giữa hai nước. John đến Việt Nam để khảo sát kinh tế và tìm cách khởi động mua bán chứ không phải du lịch hay đi khảo sát dân tộc học. John sẽ bị đám quan lại địa phương bòn rút đến đồng xu cuối cùng và tức giận bỏ đi như những chiếc thuyền buôn khác.

Buổi sáng hôm ấy, ngày 7.10.1819, nhật ký hải trình của John White ghi có có mưa nhẹ. Hai con tàu buồm to lớn mang lá cờ lạ lẫm sao trắng và vạch đỏ, từ Cần Giờ bắt đầu đi vào sông Bình Giang (tên xưa của sông Sài Gòn). Cả hai được phép cập bến tại bán đảo Thủ Thiêm, đối diện dãy phố Bến Nghé của Thành Gia Định tên chính thức của Sài Gòn. Khung cảnh hai bên bờ sông thanh bình. Thuyền buồm và ghe chèo đi lại tấp nập. Những người dân địa phương đội nón lá xoay tròn, có chóp nhọn xinh xắn. Dọc bờ sông là những căn nhà lá hiền hòa. Trên bờ Bến Nghé có một tòa nhà mái ngói xòe rộng. Điểm xuyết chung quanh thành phố là những cây dừa cao, ruộng đồng và chân trời bát ngát. Sau 48 giờ chờ đợi, ngày 9.10, một ngày nắng ráo, đoàn khách Ma Ly Căn (phiên âm Hán Việt từ American trong sử nhà Nguyễn) được mời xuống thuyền nhỏ sang sông, bước qua thành phố lớn. Thuyền trưởng John 37 tuổi, đi cùng các sĩ quan trong bộ quân phục lạ lẫm và oai vệ. Phiên dịch của đoàn chính là chàng trai người Việt trẻ biết nói tiếng Bồ Đào Nha. Các quan nhà Nguyễn lúc đó không có người giao dịch bằng tiếng Anh. Xem ra, người Bồ, người Hà Lan và người Pháp là người phương Tây đến Việt Nam thời ấy nhiều nhất. 9 giờ sáng hôm đó, trong ánh nắng thiêu đốt, vẫn có đông đảo người dân Gia Định từ hàng trăm ghe thuyền và các phố phường dọc bờ sông, tụ tập ngắm nhìn đoàn khách da trắng. Mùi cá khô và mùi nước mắm từ các ghe thuyền hóm hỉnh vẫy chào (salute) đoàn khách. Người dân reo hò: don-ong-olan, olan ben tai! Phải chăng là “đàn ông Ô-lăng” và “Ô-lăng bên Tây”? Chữ Ô-lăng là phiên âm của Holland – Hà Lan, đất nước đã buôn bán với cả Đàng Trong và Đàng Ngoài từ thế kỷ XVII. Một số người dân còn hồn nhiên sờ vào quần áo hay chạm tay vào trang phục mới lạ của khách. Từ bến tàu, đoàn bắt đầu đi bộ qua một ngôi chợ bề thế (great bazar) đầy ắp nông sản và các loại hàng hóa. Tiếp theo chợ, là một con phố san sát nhà gỗ, nhà ngói một tầng, có sân nhỏ phía trước. Và rồi, đoàn đi đến một chiếc cầu đá dẫn vào cổng thành phía Đông Nam. Đoàn khách Mỹ đã đi qua Chợ Vải và đi dọc con kênh cũng mang tên Chợ Vải. Từ đó khách rẽ qua con đường chạy dọc chân thành Gia Định. Đi ngược dòng từ Vũng Tàu trở lên, thành Gia Định là mô đất cao đầu tiên, so với mặt nước sông thì cao hơn chừng 20 thước. Trước đây Sài Gòn là một vùng đồi, có rừng cây bao phủ, nhưng tổ phụ nhà vua Gia Long đã cho san bằng ngọn đồi và đào hào sâu chung quanh, lấy nước sông qua các ngòi lạch dẫn vào hào. Chung quanh thành là một bức tường dày đắp bằng gạch, cao chừng 6, 7 thước. Thành hình chữ nhật, nhưng gần như vuông, mỗi bề độ ba phần tư dặm (khoảng hơn một cây số). Bên trong thành, vườn hoa ngoạn mục, ở giữa là cung điện nhà vua, có hàng rào cao vây quanh. Cung điện là một tòa nhà lớn, một chiều chừng 30 thước và chiều kia khoảng hơn 20 thước, làm bằng gạch, có hành lang bốn phía. Sàn nhà cao hơn mặt đất, lát gỗ, có cầu thang bắc lên cửa chính vào cung điện. Mái nhà lợp bằng ngói tráng men bóng lộn, đắp rồng phượng có màu sắc sặc sỡ. Hoàng Đế không hề vào thăm đất Sài Gòn từ khi bình xong nội chiến và vì thế cung điện không có ai ở, chỉ dùng để cất giữ ấn tín nhà vua và các văn thư. Trong thành có đủ chỗ để đóng tới 50 ngàn quân một cách dễ dàng. John dễ dàng nhận thấy một tòa tháp canh đồ sộ, có tầng lầu vuông vức, bên trong là một đại hồng chung (chiếc chuông lớn). Kế đến, đoàn khách được đưa đến dinh Tổng trấn cũng là một tòa nhà uy nghi, sang trọng với nhiều cột nhà sơn son bóng loáng mỹ lệ John gọi là Rosewood. Khi ra về, đoàn khách còn đi ngang một pháo đài trên mặt thành, nơi đặt nhiều đại bác lớn nhỏ. Lê Văn Duyệt, bậc khai quốc công thần của Triều Nguyễn, là Tổng trấn Gia Định từ năm 1812. Song, trong ngày đầu tiên thăm viếng, đoàn khách Mỹ đã không gặp được Lê Văn Duyệt. Vào thời điểm ấy, từ năm 1815, Lê Văn Duyệt đã được vua Gia Long triệu hồi về Huế, đảm đương nhiều việc quốc gia đại sự. Thay cho Lê Văn Duyệt, quan Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức là người tiếp đoàn. Ông ân cần hỏi thăm sức khỏe các khách Mỹ, hỏi chuyện chi tiết hành trình từ Mỹ đến Việt Nam. Đoàn khách được mời uống trà, ăn mứt và kể cả dùng trầu. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Thuyền trưởng John cho biết, nước Mỹ tân lập tuy ở rất xa vẫn mong muốn buôn bán với Việt Nam. Họ đã nghe tiếng Việt Nam nổi tiếng về gạo và nhiều loại nông sản khác. Lần này, hai tàu Mỹ muốn mua nhiều nhất là đường thô và tơ lụa với số lượng lớn. Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức cho biết sẽ trình báo ngay cho triều đình Huế các đề nghị này. Trong lúc chờ đợi, ông cho phép đoàn khách Mỹ ở lại Sài Gòn để tìm hiểu hàng hóa và sinh hoạt địa phương. Những ngày tiếp theo các khách Mỹ được đi lại thoải mái trong thành phố. Họ đã đi thăm nhiều đền chùa và nhà thờ và được tự do tiếp xúc với dân và cả những người nước ngoài hiếm hoi sống tại Sài Gòn. Bao gồm hai cố đạo người Ý và một nhà buôn đến từ Macao. Khách Mỹ còn được Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức và các quan chức khác mời đến nhà chơi. Tại đây, lần đầu tiên người Mỹ dùng thử và mê ngay thứ rượu làm từ gạo mà John gọi là whiskey Việt Nam rượu đế. Để đáp lễ, đoàn khách Mỹ mời các quan chức Việt Nam lên tàu Mỹ cũng như mời đến nhà trọ của mình để thưởng thức ẩm thực Mỹ và phương Tây. Điều lý thú, một vị quan địa phương đã cho John xem một chai mù tạt made in England đã dùng xong và cho biết vua Gia Long rất thích mù tạt châu Âu. Thật buồn cho Giôn Trắng, khoảng thời gian 4 tháng ở lại Sài Gòn cũng là khi Tổng trấn Nguyễn Huỳnh Đức bệnh mất, tân phó Tổng trấn Huỳnh Công Lý lên nắm quyền, nạn giặc Sư kế hoành hành, tình hình xã hội trở lên nhiễu nhương hơn rất nhiều khiến hình ảnh người Việt giai đoạn đó trong mắt John White vô cùng xấu xí. John không ít lần than phiền với anh thông dịch trẻ về tính tham lam hay ăn cắp vặt, và thói coi thường, xem phụ nữ như hàng hóa tại nơi đây.

Anh thông dịch trẻ kể lại với anh Tuyên:

-Giôn Trắng văn vở mà nói với tôi thế này, anh Tuyên ạ! Cũng như sự linh hoạt trong cách họ dùng đôi chân, sự khéo léo khi dùng đôi tay của họ cũng không kém phần gây chú ý. Những người làm trò tung hứng, những ảo thuật gia và những người biểu diễn nhào lộn thường hành nghề mua vui cho đám đông và cho lợi ích riêng của chính những người đó; và chúng tôi phát hiện ra, theo một cách tốn kém cho chính mình, rằng có những kẻ nếu không công khai hành nghề làm trò tung hứng thì lại chính là những chuyên gia móc túi. Hiếm có ngày nào mà không có chuyện vài người trong đoàn chúng tôi trở về tàu mới phát hiện ra là mất khăn mùi xoa, một thứ mà họ có vẻ rất thích.

-Để xem còn gì nữa nhỉ. À chúng tôi thấy bọn họ, từ những người cao sang nhất tới những người thấp hèn nhất, đều là những kẻ ăn xin gây phiền toài nhất. Họ thèm muốn theo một cách ít lịch thiệp nhất tất cả những thứ nào hợp sở thích họ, họ không hài lòng với một sự từ chối đơn giản và cũng chả hài lòng với việc có được thứ họ đã đòi mà thường trở nên thúc bách hơn nữa trong các đòi hỏi của họ theo tỷ lệ thuận với sự hào phóng của người cho, và những gì họ không có được bằng cách xin xỏ thì họ rất hay tìm cách có được bằng cách đánh cắp. Họ không có được ngay cả cái phẩm hạnh đặc trưng của người Sparta đó là biết đỏ mặt khi bị phát hiện, không có vẻ gì là họ cảm thấy e dè sự trừng phạt dành cho hành vi ăn trộm hay sự phát hiện ra nó. Thiên hướng trộm cắp này có vẻ nhan nhản, tới mức chúng tôi xem là cần thiết việc phải quan sát kỹ càng các quan chức chính quyền khi họ lên thuyền chúng tôi.

Anh Tuyên nghiêng nghiêng đầu suy nghĩ hỏi:

À lại vụ ông phó Tổng trấn mới đích thân viếng thăm tàu Franklin à?

Anh thông dịch trẻ đáp:

-Đúng. Giôn Trắng tả ông ta thế này. Vị phó tổng trấn ngồi xếp chân hai bên kiểu người Á, vuốt râu trắng lưa thưa. Ông là một người già ốm, nhăn nheo, rất thận trọng, điệu bộ, mặc dù có nở nụ cười nhưng không đáng tin cậy, không cho ta thấy một điều gì công chính và thành thật. Ông ta đã trơ trẽn “mượn” khẩu súng săn hai nòng quý giá và tôi biết rằng mình sẽ vĩnh viễn mất nó.

-Mà còn nữa. Sự dửng dưng của những người đàn ông đối với danh dự và trinh tiết người phụ nữ, cũng như về tính buông thả và phóng đãng của nữ giới vốn là hậu quả của sự dửng dưng đó, không phải là những quan sát chỉ đúng với những người bình dân. Những quan sát đó cũng đúng và đúng một cách còn mạnh mẽ hơn trong trường hợp những người đứng đầu xã hội, quan chức chính quyền. Những người đàn ông này, cũng trụy lạc không kém đám quan lại Trung Hoa, thậm chí không hề mang vẻ bề ngoài đường hoàng mà các quan lại Trung Hoa cảm thấy cần thiết phải thể hiện. Trong cái sự dễ dãi mà họ có khi họ chuyển phụ nữ của họ cho những người lạ.

Anh Tuyên lại gật gù:

-Cái này tôi biết. Nói ngây như Tây dẫn phải c...ứt là sai, phải là ngây như Tây bị gạ đ...ịt thì mới đúng. Tôi cứ chết cười từ sáng tới giờ. Vì không có và không thích lúc nào cũng phải kè kè thông dịch như anh hay một thằng lau dọn, khuân vác biết chữ ta mù chữ tây như tôi, John đã cử một sĩ quan lên bờ để mua mấy con bò thiến cho thủy thủ đoàn. Giá cả đã được chốt trước là mười đô la Tây Ban Nha một con, người sỹ quan chỉ cần đếm đủ tiền để trả cho một trong các viên quan tại chỗ mua và nhận bò về. Tên quan Bật Ngưu Ôn 弼牛温, trong lúc nhận tiền, kêu hai kẻ hầu đi đâu đó. (Bật 弼là trợ giúp. Ngưu 牛 là trâu bò. Ôn 温 là ấm. Bật Ngưu Ôn ghép lại với nhau rất tối nghĩa. Nó cũng đồng âm với từ 辟牛瘟 là trừ bỏ ôn dịch cho trâu bò để lấp liếm. Ý nói đểu tên quan trông bò là đồ ôn dịch). Một lúc sau hai người hầu này quay lại mang theo một cô gái trẻ đẹp. Rồi đưa cô gái cho người sỹ quan đòi thêm tiền. Một anh chàng khác, vừa trở về từ thị trấn ven sông, bèn bị gạ gẫm bởi một bà già. Bà này ra hiệu cho anh ta đi theo bà ta vào nhà nơi bà ta cho anh thấy con gái của bà ta đang trong trạng thái rất gần với trạng thái ban đầu khi cô ta mới chào đời và đôi mắt bà già lấp lánh niềm vui khi thấy những đồng đô la Tây Ban Nha. Kết quả là hai tay sĩ quan đều đi chơi gái mất thêm tiền chứ đâu có oan như John nói. John nghĩ đó là vợ hay con gái họ thật mà không biết thật ra toàn là gái điếm.

Anh thông dịch trẻ lại nói tiếp:

-Đối với những quan lại Giôn Trắng gặp, ông ta chỉ tỏ ý khinh bỉ. Giôn kể lại rằng họ có những bộ điệu ta đây, làm ra quan trọng, nhưng cư xử như những đồ phàm tục, luôn luôn ngửa tay xin rượu Tây và uống cho đến khi say túy lúy và cãi nhau om sòm. Bọn quan lại này luôn luôn xin quà, bất cứ cái gì họ xin được của người Mỹ là họ đem về nhà. Trong sự giao dịch hành chánh thì họ vừa bất lực vừa tham nhũng, họ đớn hèn đến nỗi có thể đương kiểm tiền của người, mà ăn cắp mấy đồng nhét vội vào tay áo. Khi vị Khâm sai Lê Văn Duyệt không có mặt tại Sài Gòn thì quan chức ở đây có cái thói xấu là hay ném pháo để dọa khách khứa và mua tích trữ những số đường lớn để cho giá đường lên cao rồi đem bán cho khách ngoại quốc. Giôn Trắng còn tả hệ thống quan liêu rất phức tạp của rất nhiều viên chức. Ai muốn tới buôn bán cũng phải đút lót những viên chức ấy. Nếu không chịu lễ lạc một phần tử nào trong cả guồng máy ấy thì tức thời công việc không những bị đình trệ mà bị những hậu quả trái ngược rất rõ rệt.

Anh Tuyên trầm ngâm:

-Xem ra John chỉ còn một điều duy nhất đáng để chờ đợi. Chờ được gặp nhân vật xuất chúng nhất của thành Gia Định. Tả quân Lê Văn Duyệt. Người trước sau gì cũng sẽ về nhận chức Tổng trấn thành Gia Định lần thứ hai. Nhưng không biết là bao giờ.

Và rồi John White vẫn có may mắn được gặp Lê Văn Duyệt khi ông từ Huế trở lại Gia Định trong ít ngày. John đã hỏi dò vị Phó Vương và các cha xứ Ý về dân số Việt Nam và Sài Gòn. Qua đó, John được biết cả nước ước chừng có từ 10 – 14 triệu dân. Riêng Sài Gòn có hơn 180 ngàn dân, trong đó có mười ngàn người Hoa. Đây là một con số lớn đáng kể so với dân số thành thị nhiều nước Á Đông và ngay cả ở Mỹ thời ấy. Theo John ghi chép, dân cư Sài Gòn sống tập trung ven sông và các kênh rạch. Nhà dân có đủ nhà lá, nhà sàn các kiểu. Người giàu ở trong các nhà sàn lớn hoặc nhà ngói khang trang.

Đường sá trong thành phố đan xen thẳng thớm, nhiều đường khá rộng. Dọc theo bờ kênh hướng về miền Tây có một loạt nhà kho to lớn, nơi thuyền chở gạo lên xuống nhộn nhịp. Phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn là đất trống mênh mông. Có một khu lớn là đất cho nghĩa trang John ghi hẳn trên bản đồ: cemetery. Dọc con đường ra phía Tây, hàng loạt cây Palmaria loại cây cọ, cây dừa nước được trồng thẳng tắp, ngay ngắn làm John liên tưởng đến những đại lộ viền đầy cây xanh của Paris. Ông nhận xét cây Palmaria dường như là cây ưa thích nhất của người dân Việt vì dọc theo các bờ kênh đều trồng loại cây này. Là một sĩ quan hải quân, John đặc biệt quan tâm đến xưởng Chu Sư và cho biết mình đến thăm nơi đây nhiều lần. Ông miêu tả bến tàu hải quân và thủy xưởng đặt bên một con rạch lớn ở phía Đông Bắc thành phố rạch Thị Nghè. John chứng kiến thủy xưởng đang đóng hai chiến hạm theo kiểu châu Âu với sự giám sát của các chuyên gia Pháp. John cho rằng quy mô và phương tiện thủy xưởng này không khác các xưởng đóng tàu ở châu Âu. Điều làm John ngạc nhiên và thích thú cho rằng gỗ teak gỗ đóng tàu của Việt Nam cực tốt, hàng đầu thế giới. Không biết có quá lời chăng nhưng John khen người Việt Nam là most skilful naval architects những kiến trúc sư hải quân khéo giỏi nhất. Đáng chú ý hơn nữa, John nhận xét tòa thành Gia Định thành Quy mà ông gọi là Military City thành phố nhà binh, thực sự là một công trình phòng thủ vững chắc. Nó có nhiều pháo đài, nhiều đại pháo và có thể chống đỡ lâu dài với các đội quân châu Âu. (Thành Gia Định thành Quy hay thành Bát Quái được xây dựng theo kiến trúc Vauban phòng thủ. Thành Quy là một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan mật thiết với nhau và mang tính phòng thủ toàn diện từ tường thành, pháo đài, đài giác bảo, pháo môn, tường bắn cho đến hào thành và đường bao ngoài hào. Được tính toán kỹ về mặt sắp đặt và kích thước, khối công trình đồ sộ thành Quy ngày đó là một đô thị bất khả xâm phạm. Thật trớ trêu, chỉ 16 năm từ khi John rời Sài Gòn, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (cố thủ 3 năm 1833 – 1836 trong thành), vua Minh Mạng đã cho phá bỏ thành Quy để xây thành Phụng với quy mô nhỏ hơn. Thành Gia Định mới, thành Phụng cũng được xây dựng theo kiến trúc Vauban nhưng nhỏ hơn nhiều, dễ bị bắn phá hơn và chỉ có bốn pháo đài bốn góc so với tám pháo đài của thành Bát Quái cũ. Tường thành cao 20m dài trên 475m được làm từ đá granite, gạch và đất. Xung quanh thành có hào nước bao bọc. Có thể đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng về kỹ thuật quân sự làm cho thành Gia Định thất thủ nhanh chóng trước cuộc tấn công của người Pháp, vào năm 1859). John White đã tỏ ý rất kính phục Tả quân ngay sau lần hội diện đầu tiên. John có ghi lại: “Dáng diệu và phong độ của ông này có vẻ uy nghi lẫm liệt. Ông có vẻ một đại thần đầy kinh nghiệm nhưng vẫn giữ được đức độ cương trực của con nhà tướng. Tính tò mò muốn hiểu biết và cách thức ông lựa vấn đề đem bàn tỏ ra ông là người có đầu óc phóng khoáng, luôn luôn muốn trau dồi kiến thức. Những lời bàn chính đáng của ông trong nhiều vấn đề tỏ ra ông có một khả năng tự nhiên rất mạnh và tầm kiến thức rất rộng. Chiến sự, chính trị, tôn giáo và những phong tục tập quán của các nước Âu Tây là những vấn đề mà ông bàn cãi đến một cách chăm chú. Khi óc tò mò của ông đã được thỏa về những đặc điểm ấy, thì ông tỏ vẻ khâm phục trí thông minh, tài khéo léo và sức mạnh của “Olan” (Hòa Lan) mà nói đến Hòa Lan tức là ông muốn nói đến Âu Tây. Rồi ông xúc động, như thể lòng tự ái bị tổn thương, ông than phiền về tình trạng tương đối còn thô lậu dã man trong đất nước ông”. Nhưng bốn tháng của John White vẫn công cốc trong sự bất lực như những gì anh Tuyên đã dự đoán trước đó. Đoàn đến không mang theo “quốc thư” của Chính phủ Mỹ, cũng không có người trung gian giới thiệu nên không có cuộc đàm phán chính thức nào về quan hệ buôn bán giữa hai nước. Kế đến, mọi việc mua bán dù ở góc độ thương nhân cũng phải qua duyệt xét của vua và triều đình Huế nên càng mất thời gian chờ đợi. Thêm nữa, việc chuyển đổi đồng tiền khá phức tạp. Ở Việt Nam chỉ thông dụng đồng bạc Tây Ban Nha, do vậy khách Mỹ phải chuyển đổi từ đô la Mỹ sang tiền Tây Ban Nha, rồi mới đến tiền Quan của nước chủ nhà. Hai bên không nhất trí ngay được tỷ giá, phải thương thảo nhiều lần. Trong lúc ấy, việc phiên dịch phải thông qua tiếng Bồ Đào Nha và cũng không có người dịch chuyên nghiệp. Mặc dù vậy, trở ngại giao thương lớn nhất chính là thủ tục mua bán và tập quán làm việc của hai bên không giống nhau. Đầu tiên là việc quan nhà Nguyễn tính thuế neo thuyền theo kích thước hàng hóa mà tiêu chuẩn thước đo không nhất quán. Giữa khách và chủ phải thảo luận nhiều lần (tục du di trong khai báo hải quan thời hiện đại). Sự phiền hà khi các quan thương chánh lên tàu cứ hay đòi xem lễ vật và ngỏ ý muốn có quà. Ngoài ra, việc mua bán lại thực hiện theo kiểu giao kèo miệng, giá cả lên xuống tùy hứng. Đằng sau các trở ngại ấy, còn có một thực tế cay đắng là Việt Nam vào thời đó chưa có nhà buôn chuyên nghiệp, chưa có thương mại tự do. Các khách Mỹ chỉ gặp được các lái buôn trung gian là một vài người Hoa, hầu như họ độc quyền mua bán nhưng chính họ cũng không có sẵn nguồn hàng lớn. Trong khi đó, nhà Nguyễn không có cơ quan chuyên trách buôn bán và xuất khẩu. Triều đình khi gặp khách Mỹ cũng như khách phương Tây chỉ đặt mua vũ khí và vật dụng cho nhà vua. Trước khi dời đi, John White có than thở với anh thông dịch trẻ những lời cuối cùng:

-Sau khi gặp gỡ Khâm sai Lê Văn Duyệt, tôi nghĩ dân tộc các anh ai cũng phải cảm thấy tiếc rằng lịch sử đã không xui khiến để ngôi báu lọt vào tay ông ta, vì ông ta mới là người biết dùng quyền lực để bồi đắp sự vinh quang và hạnh phúc của dân tộc, hơn hẳn ông vua độc tài của các anh.
 
Last edited:
Con rối người

XI


1822

Phái bộ John Crawfurd của toàn quyền Anh tới Sài Gòn. John Crawfurd vừa đi vừa nói chuyện với anh thông dịch khá nhiều. Khi về tàu, anh Tuyên có tò mò hỏi:

-Có chuyện gì cơ mật quan trọng hay sao ông phái bộ trao đổi với anh nhiều thế. Mà tôi thì chẳng thấy anh ghi chép gì, không giống như mọi khi.

Anh thông dịch trẻ nằm ườn ra giường sau một ngày bận rộn. Không biết anh ta lại phải lúi húi chui vào bò ra trong xưởng đóng tàu hay sờ rờ kiểm đếm chỗ ngà voi cống tiến mà mùi long não đỏ vẫn còn thoang thoảng. Giọng mệt mỏi anh ta đáp:

-À chỉ là những cái sự ngạc nhiên của ông ta về Tả quân. Ông ta nói thế này: “Ai cũng biết Tả quân xuất thân làm hoạn quan, nhưng nếu không được người khác cho biết thế thì chúng tôi đã không thể nào tự tìm hiểu được điều đó. Đã đành là ông hoàn toàn không có râu, nhưng râu ria người Nam kỳ là điều rất hiếm mặc dầu họ rất ưa để mọc ít nhiều. Giọng nói của ông thì cũng nhỏ nhẹ nhưng không tới độ khiến ta nghi ngờ. Là người đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến và cuộc cách mệnh vừa qua ở Nam kỳ, ông là một nhân vật hoạt bát và thông minh. Ông cũng là một người nhỏ nhắn và mảnh khảnh nhưng trông vẫn khỏe và chẳng hề đau ốm gì trừ bệnh đau răng đã khiến cho ông bị mất gần hết hàm răng. Những vị quan lại khác thì bận những thứ quần áo lụa thêu thùa đủ kiểu, nhưng Tả quân thì trái lại, hình như hoàn toàn không để ý tới cách ăn bận và chỉ mặc một bộ áo dài thâm và vấn quanh đầu một chiếc khăn nhiễu cũng màu đen”.

- Tả quân Lê Văn Duyệt đã cho trình bày với phái đoàn Anh mấy trò giải trí trong thành. Thực ra là cách Tả quân cho luyện voi và răn đe tội nhân nhưng khiến John Crawfurd chết khiếp. Rất nhiều người Việt Nam đã tới xem cuộc vui này để được chứng kiến một vụ xung đột giữa hổ và voi. Con hổ đã được buộc vào một sợi dây thừng lỏng dài chừng 30 thước cho nó có thể đi lại xung quanh một cột gỗ đóng dưới đất. Mõm con vật đáng phàn nàn là đã được khâu lại trước cuộc tranh tài, môi dưới và môi trên sát hẳn với nhau để nó không thể mở mõm. Móng hổ đã bị rút bằng kìm để cho con vật không làm hại được voi. Tuy nhiên, con hổ đó, một con vật rất lực lưỡng, trông rất khỏe mạnh và giận dữ. Đối diện với hổ ở một khoảng xa là 46 con voi đực to lớn và trên cổ mỗi con voi đều có một anh quản tượng. Khi lệnh đánh được ban ra thì con voi thứ nhất bèn tiến lên hùng dũng và cứ trông con mắt của voi thì chúng tôi cứ tưởng nó sẽ đánh tan xác đối thủ của nó ngay. Vào vòng chiến, con voi bèn lấy ngà húc con hổ và ném hổ ta ra xa tới 6, 7 thước. Nhưng con hổ đâu chịu thua và nhảy lên mình voi định với đánh luôn cả anh quản tượng đang vắt vẻo trên đầu voi. Con voi sợ quá, co cẳng chạy mất. Con hổ đuổi theo cho tới khi bị thừng ngắt lại mới thôi. Con vật chạy trốn, tuy chẳng bị thương tích gì nhưng gầm lên một cách rất thảm thương và người quản tượng không làm được cách nào cho nó tái chiến. Sau đó ít lâu thì chúng tôi thấy một kẻ bị trói do hai sĩ quan đưa lên Tả quân. Người đó là viên quản tượng xấu số và ngay lúc đó y bị phạt 100 trượng. Kẻ bị đánh bị nọc xuống đất, một người ngồi lên đầu, một người khác giữ chân anh ta và một số quân sĩ khác tiếp tay đánh cho đủ số 100 hèo. Hình phạt cử hành xong thì hai người khác đến khiêng kẻ bị phạt đi vì lúc đó anh ta đã chết ngất. Trong khi hình phạt này diễn ra thì Tả quân vẫn cứ nhìn cuộc đấu giữ voi và hổ một cách bình thản như chẳng có gì đặc biệt xảy ra. Sau khi 10 hay 12 con voi đã tiến đánh con hổ thì con vật này mới chết, phần lớn là bị voi húc rồi quẳng xuống đất. Sức lực của những giống vật này thật vượt quá những gì tôi có thể tưởng tượng được. Có con đã ném được con hổ xa tới 10 thước khi hổ ta gần chết và không chống cự được nữa. Chúng tôi không khỏi kinh hãi khi nghĩ rằng chính những con vật đó có nhiệm vụ hành quyết những kẻ tội phạm bị án tử hình. Vào những dịp đó thì chỉ cần một cái ném như mô tả ở trên cũng đủ để giết tội nhân. Ai cũng bảo với tôi như thế.

- Phái bộ Anh không ở lại Sài Gòn lâu vì John Crawfurd rất nóng lòng muốn ra Huế đề nghị liên lạc thương mại với vua Minh Mạng. Trước khi đi, ông ngạc nhiên thấy rằng Tả quân Lê Văn Duyệt đã từ chối những tặng phẩm mang lên biếu người, nói rằng nếu nhận những tặng phẩm thì người nợ phái đoàn Anh một món nợ và phải thúc giục vua Minh Mạng chấp nhận đề nghị của người Anh. Tả quân chủ trương rằng những đề nghị của phái đoàn Anh phải được cứu xét căn cứ trên chân giá trị của chúng và nhà vua có quyết định gì thì sự quyết định đó phải ở bên ngoài sự tán vào của những ông quan đã nhận quà biếu của phái đoàn Anh. Tả quân cũng cho biết rằng ông sẵn sàng nhận quà của phái đoàn Anh một khi cuộc đàm phán giữa hai nước kết thúc. Thái độ của Tả quân càng đáng kính phục khi ta nhớ rằng khi ấy các viên chức khắp châu Á xem những quà biếu như một quyền hạn và lắm lúc còn đòi khách ngoại quốc phải biếu xén họ.

1821

Con ngựa kéo một chiếc thùng gỗ lớn bịt kín, dáng vẻ nặng nề hướng về phía cổng kinh thành. Anh lính gác cổng nhìn thấy dòng chữ “Phụng thừa thánh chỉ, xử trảm tội nhân” trên thùng cùng mùi long não phảng phất, chỉ tay hỏi lính dẫn xe:

-Trong thùng gỗ là đầu tội nhân nào vậy?

Anh lính dẫn đáp:

-Là thùng muối bên trong ướp cái đầu của phó tổng trấn Huỳnh Công Lý.

Anh lính gác cổng kinh hãi giật mình:

-Ai bảo anh thế?

Anh lính dẫn đáp:

-Là Pétrus Ký. Ký giật báo mồm khi Lê Văn Duyệt ra chầu vua ngoài Huế, Huỳnh Công Lý ở lại Sài Gòn có làm nhiều điều ngang dọc và có ý xúc phạm người nhà Lê Văn Duyệt. Khi Duyệt về có đơn kiện Lý hơn 10 điều của quân nhân, Duyệt tâu sự lên vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng có ý giảm nhẹ cho cha vợ nên hạ chỉ giải Huỳnh Công Lý ra kinh dễ bề tha tội. Tả quân biết trước, sẵn có trong tay thượng phương bảo kiếm được quyền tiền trảm hậu tấu, liền chém đầu Huỳnh Công Lý, sai quân đóng thùng ướp muối, gửi thủ cấp về kinh, trên nắp thùng viết mấy chữ “Phụng thừa thánh chỉ, xử trảm tội nhân”. Minh Mạng thấy sự đã rồi, trong lòng căm giận, nhưng không làm gì được Lê Công.

Rồi anh lính dẫn ngập ngừng:

-Còn trong cái thùng gỗ này có thực sự là thủ cấp của Lý Chính hầu hay không thì tôi cũng chịu vì không dám mở ra xem.

Anh lính gác cổng thở dài nhớ vụ chặt đầu thằng điên dám đái xe kiệu quan lớn năm nào. Trên con phố nhộn nhịp chốn kinh thành, có kẻ chẳng biết ngộ thật hay giả vờ dám cả gan đái vào xe kiệu Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Tiền quân biết cũng chỉ phẩy tay cho qua chứ không trách phạt. Thuộc hạ theo sau ức tím mặt mà không làm gì được vì nghĩ sự là do đám người nhà Tả quân làm khi Tiền quân thất thế. Trước giờ Tiền quân đứng đầu văn quan, Tả quân đứng đầu võ quan, hai người như nước với lửa, chẳng ưa gì nhau. Cái thằng ngộ kia cứ dương dương tự đắc, vênh mặt chặt họng. Có hỏi thì Tiền quân bảo:

-Đối với ta, nó là thứ đã chết rồi. Ta không chấp.

Thuộc hạ ngạc nhiên hỏi:

-Sao ngài biết nó sẽ chết?

Tiền quân đáp:

-Nó dám đái vào xe kiệu Tiền quân, thì cũng sẽ dám đái vào xe kiệu Tả quân. Không Duyệt thì người khác cũng sẽ chặt đầu nó. E trò này là của Lý Chính hầu.

Rồi thằng ngộ bị chặt đầu y theo lời Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Người ra lệnh xử trảm là Tả quân Lê Văn Duyệt theo tội trạng trong hình luật.

Anh lính gác cổng cứ buồn mãi cái việc nhà Tiền quân. Tiền quân Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, văn võ đều tài, lâm trận dụng binh mưu lược rồi mới đánh cho nên ít khi thua, lúc đầu trung hưng, công ấy tốt lắm. Đến khi Bắc Hà đã định, một mình đương công việc Tổng trấn Bắc Thành không động đến lời nói nét mặt mà trộm giặc đều yên, bày mưu chốn miếu đường, bày tâu sự nghị đều được thi hành, có thể gọi là người có mưu giỏi trị nước, việc tài chánh, giao thiệp với ngoại bang, biên soạn hình luật, không gì không làm được. Hai văn thư trọng yếu triều Nguyễn như Hoàng Việt Luật lệ (Luật Gia Long) và Quốc triều thực lục (Đại Nam thực lục) cũng là do ông kiêm nhiệm đến hai chức Tổng tài dày tâm biên soạn. Ông chính là người đã xóa bỏ những cực hình man rợ như Tru di tam tộc, Lăng trì, Yêm để mở đường sống cho dân nhưng buồn thay trời lại chẳng để đường sống cho ông. Cũng vì con trai trưởng hương cống tên Thuyên, phò mã hờ nhà vua Gia Long đàn văn hợp bè mà dại mồm “Giúp nhau xoay đổi hội cơ này” bị người ta vu cho tội tạo phản, thân phải chết chém, còn ông thì bị nhốt trong nhà ngục. Trước mặt Lý Chính hầu tai mắt vua Gia Long, ông không mở miệng nói nửa lời. Rồi bị bức tử, buộc phải uống thuốc độc chết trong ngục. Có kẻ lính lại nghe thấy Tiền quân than thở: Xưa ấn tín, gươm lệnh đã thu tưởng yên nay lại phải chịu thêm cảnh án đã xong rồi. Thôi thì vua bắt bề tôi chết, bề tôi không chết không phải là trung.

1835

Ngay sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng bèn tìm cách giành lại quyền lực của mình ở thành Gia Định. Vua bãi bỏ chế độ tổng trấn, tất cả đổi là tỉnh, trực thuộc vào triều đình Huế, cắt đặt quan lại vào thay, cử Bạch Xuân Nguyên vào làm bố chính tỉnh trưởng. Trước khi đi, Bạch Xuân Nguyên đã được Minh Mạng bí mật dặn dò về việc dựng nên một bản án chống lại Lê Văn Duyệt. Ngay khi tới nơi, Bạch Xuân Nguyên làm một báo cáo dày nhiều tập trong đó lên danh sách, tìm bằng chứng, rồi buộc Lê Văn Duyệt nhiều tội trong đó có các tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực, đơn cử như việc Lê Văn Duyệt mở rộng thành Bát Quái, đóng thêm tàu được xem là một bằng chứng xác đáng về tội ác chống triều đình của Lê Văn Duyệt, nhưng vì ông đã chết nên cho người đánh mộ 100 roi. Mả bị xiềng mồ, không khác gì chết rồi bị dựng lên bắn lần nữa, xét thêm 7 tội chém đầu 2 tội treo cổ. Đồng thời nhiều thuộc hạ của Lê Văn Duyệt cũng bị bắt, 16 người nhà của Lê Văn Duyệt bị giết chết. Những hành động này đã thúc đẩy các thuộc hạ của Lê Văn Duyệt, trong đó có con nuôi ông là Lê Văn Khôi, lo sợ cho số phận của mình, nên họ dấy binh nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Lê Văn Khôi. Cuộc khởi nghĩa ban đầu thành công, quân nổi dậy đã chiếm được thành Phiên An và các tỉnh Nam Kỳ. Song đến ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi tức 8 tháng 9 năm 1835, khi quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành, quân nổi dậy chống cự không nổi, bị thua trận. Quân nổi dậy và dân chúng gồm già trẻ, trai gái ở trong và bên ngoài thành vài dặm, cả thảy 1.831 người đều bị giết chết và chôn chung một chỗ, và gọi là Mả ngụy hay Mả biền tru. Khu vực Đồng Tập Trận thường được nhắc lại như một vùng đất của oan hồn, không ai dám bén mảng, dần trở thành một vùng rừng cây rậm rạp rộng lớn giữa trung tâm Gia Định. Tháng 7 xá tội vong nhân năm ấy, dân Sài Gòn cúng cô hồn liên tục từ 14 đến 30, vẫn bị người âm hiện về kêu khóc vì đói khát, thiếu ăn. Dân Sài Gòn thời bấy giờ mỗi khi cúng cô hồn thường làm bánh màu xanh đỏ dành cho đầu lĩnh Lê Văn Câu là con Lê Văn Khôi mới tròn 7 tuổi và trẻ con bị chết oan bởi binh biến Phiên An. Một số nhà theo đạo công giáo còn lén mua xì gà và rượu sâm panh để cúng cho cố Du tức linh mục người Pháp tên Marchand. Lê Văn Câu và Marchand là 2 trong 6 người được gọi là đầu đảng bị đem ra Huế xử lăng trì. Theo quốc pháp, họ đều bị chặt hết tay chân, rồi cho xẻo từng miếng thịt, đau đớn đến chết mới thôi.

Chiều giông Mả ngụy cũng giông

Hồn lên lớp lớp bềnh bồng như mây

Sống thời gươm bén cầm tay

Chết thời một sợi lông mày cũng buông

Thương thay Mả ngụy mưa tuôn

Ở một nơi xa, mả ông Duyệt giờ đã là bãi đất lạnh lẽo. Đi qua trong cơn gió vẫn như nghe thấy tiếng gào thét của đau thương oan khuất. Người đời cũng chỉ biết trách thói đời vô lý khi quyền vượt chủ ắt mang họa sát thân. Một nơi gần Tam Tông miếu, vẫn thấy một ngôi mộ xây ô dước to lớn, vì chồm ra lộ cái quá nhiều nên bị cải táng. Hỏi thì người ta bảo đó là mả Huỳnh Công Lý.

1970

Trong khuôn viên sân trường Đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hai sinh viên trẻ bàn luận với nhau về vụ việc chỉnh trang đô thị đã cho phép quật mả Huỳnh Công Lý. Sự việc thu hút sự chú ý của dư luận vì nó giải quyết được rất nhiều tranh cãi lớn thời đó. Liệu ngôi mả đó có thực sự là mả Huỳnh Công Lý. Tổng trấn Lê Văn Duyệt có thực sự chặt đầu Phó tổng trấn Huỳnh Công Lý như những gì ông tổ nghề báo Pétrus Trương Vĩnh Ký đã ghi chép trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saïgon et ses environs) hay mọi thứ đúng theo sử triều nhà Nguyễn để lại. Nhưng thông cáo báo chí cùng những lời nhận xét, đánh giá của giới khoa học khảo cổ chẳng những không làm sáng tỏ được vấn đề mà lại còn đưa đến thêm những thứ không rõ ràng. Anh sinh viên trẻ bắt đầu lập luận với bạn mình:

-Sử đâu có viết vương triều Nguyễn có điển lễ nào mà xét thấy Huỳnh Công Lý là quan đại thần, nên vua Minh Mạng cho phép gia quyến Huỳnh Công Lý được chôn thủ cấp theo thi thể như mồm các nhà khảo cổ tự bịa đặt ra cho hợp lý với những gì họ tìm được trong quan tài gồm thủ cấp và thân xác đấy chứ.

-Chúng ta hoàn toàn không biết ngài Huỳnh Công Lý phải chịu án xử trảm ở Sài Gòn hay ở Huế vì sử đâu có viết rõ cho chúng ta biết đâu? Bộ Đại Nam Thực Lục có chép đoạn sử kiện liên quan là Sai đình thần hội bàn. Đều nói: Công Lý bị người kiện, nếu triệu về Kinh để xét, tất phải đòi nhân chứng đến, không bằng để ở thành mà tra xét là tiện hơn. Vua cho là phải, bèn hạ Công Lý xuống ngục, sai Thiêm sự Hình bộ Nguyễn Đình Thịnh đến hội với tào thần ở thành mà xét hỏi. Nhưng chúng ta hoàn toàn không biết là sau khi bị xét là có tội phải xử trảm, ngài Huỳnh Công Lý có bị đưa ra Huế chịu xử trảm hay là ở Sài Gòn bị xử trảm nơi gần Mả ngụy như dân hay đồn. Làm thế nào mà nhà khảo cổ học lại khẳng định rằng sau khi xử trảm Huỳnh Công Lý, tổng trấn Lê Văn Duyệt cho đem thủ cấp về trình tội với vua Minh Mạng. Sau đó thủ cấp này được hoàn lại cơ thể để an táng. Như vậy nó được đưa đi đưa về mất nhiều thời gian nên thi hài phải quàn lâu hoặc chôn tạm để chờ thủ cấp. Chính thời gian khá dài đó làm thi hài không được bảo vệ trong lớp quách hợp chất nên đã bị phân hủy.

-Thầy trưởng khoa lại khẳng định còn giữ tấm ảnh trắng đen chụp hài cốt của Huỳnh Công Lý khi mới được khai quật. Bức ảnh thể hiện đầu trong vị trí lìa khỏi cổ. Não trong sọ còn chưa tiêu hết. Nhưng nếu chôn cả trăm năm, việc hài cốt tan rã, đầu lăn một nơi, thân nằm một chỗ là điều đương nhiên, ngoại trừ ướp xác cho phép thân và thủ cấp còn nguyên vẹn. Ông khảo cổ bảo bị phân hủy còn thầy trưởng khoa lại nói thi hài còn nguyên, sọ chưa tiêu hết. Thật mâu thuẫn.

-Ông bác sĩ kiểm tra xương cổ tìm thấy một vết cắt ngang qua như bị đao chém đầu. Còn ông khảo cổ lại phát hiện thêm vết máu trên cổ áo trong quan tài. Nếu người ta thời ấy có thời gian mà đem tẩm liệm thân xác vào trong một quan tài ô dước chặt chẽ đến thế, chắc không có vụ mà người ta cứ để nguyên cho thân xác một đại thần với cái áo thấm máu hôm bị đem đi xử trảm. Nếu có vụ gia quyến phải đợi thủ cấp từ Huế về, thì chả lẽ gia quyến lại để không tấm thân xác với cái áo dính máu như thế? Làm sao khi trong quan tài hầu như đã bị phân hủy, ông khảo cổ lại có thể bằng mắt thường mà biết vết nào trên cổ là vết máu? Không minh tinh, không có tấm bia chôn chung trong mộ ghi tên chẳng ai có thể tin đó là mộ ngài tham quan Huỳnh Công Lý nổi tiếng một thời.

Một cậu bé 7 tuổi đầu vận khăn lĩnh satin đỏ thắt múi, mặc áo đỏ, đi hia đỏ chợt hiện ra trong giấc mộng cười nói:

-Đó là tất cả những gì ta muốn ngươi nhìn thấy

Sau đó cậu bé biến thành một chàng trai độ mười chín, đôi mươi có gương mặt y đúc anh thông dịch với mùi long não thoang thoảng. Anh Chỉnh vẫn mặc bộ đồ bộ đội vai ba lô, dép cao su, mũ tai bèo không biết từ đâu ra, chạy đến đuổi theo chàng trai kia. Anh chàng kia tức giận bỏ đi, ngoảnh lại lườm với gương mặt đã bị biến dạng gớm ghiếc.
 
Last edited:
Con rối người

XII


Chú Rạng đội trưởng đội thợ xây nghe bác Thành kể lòng vòng mà mãi chưa thấy đến đoạn mang tơi đội nón trấn âm binh liền bảo:

-Bác kể đến đoạn chặn âm trấn dương đi chứ em nghe mãi mà chưa thấy bác đâu

Bác Phúc ép chú Rạng nhấc chén rồi cười nói:

-Anh ngửa cổ uống hết chén rượi phạt rồi tôi bảo anh bác Thành ở đâu cho

Chú Rạng mặt đỏ bừng hơi cồn, nheo mắt khó hiểu:

-Chẳng lẽ em say quá nghe sót chỗ nào?

Bác Phúc đáp:

-Không sót nhưng là nghe chưa tới.

Rồi nhìn về hướng bác Thành nói tiếp:

-Bác Thành chính là anh Chỉnh húc bộ đội phục viên. Nghe đến đoạn tâm tư anh đại đội trưởng Chỉnh khi đồng đội hi sinh thấy mắt bác rơm rớm là đủ biết rồi. Tên thật của bác ấy trong chứng minh thư nhân dân là Nguyễn Thành Chỉnh chứ không phải Nguyễn Văn Thành đâu. Thành chỉ là tên gọi ở nhà, tên công tác thôi.

Bác Phúc lưỡng lự giây lát hỏi:

-Bác Thành, em hỏi ý không phải, đứa bé 7 tuổi mặc đồ đỏ có phải là Đông cung không?

Bác Thành gật đầu kể tiếp:

-Đúng. Là Đông cung Cảnh. Khi vua Gia Long bị Tây Sơn đánh đuổi, cùng đường phải trốn ra đảo Poulo Phú Quốc, vua đã quyết định nhờ Giám Mục Bá Đa Lộc tên ta百多祿 tên tây Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine đi cầu viện người Pháp. Vua có ý định trao cho Giám Mục Pierre một người con trai đem đi theo để làm tin và để người con trai trưởng là Nguyễn Phúc Cảnh lại, sau này nối dòng chính thống. Chuyện mà tôi nghe được do những người dân sống ở đảo Phú Quốc lâu đời kể lại Vua đã chọn Hoàng Tử Hiệp là con trai duy nhất của bà Thứ phi Phi Yến. Bà Phi Yến không chịu và năn nỉ vua đừng làm việc đó. Vua ra lệnh giam bà vào một hang núi rồi mang Hoàng Tử Hiệp lên thuyền. Nhưng hoàng tử khóc không chịu đi. Trong lúc đang lo sợ quân Tây Sơn đuổi bắt, vua đã tức giận và ra lệnh ném cậu bé đó xuống biển. Dân chúng thương tình, đã vớt xác cậu, chôn cất đàng hoàng và gọi là Mả Cậu. Hoàng Tử Hiệp còn có biệt danh là Hoàng Tử Cải. Còn bà Phi Yến cũng có biệt danh là bà Phi Răm. Con chết, chồng lưu vong bà phải chịu nhiều đau khổ, đến nỗi bị bọn người vô lại xúc phạm, phải tự tử để thủ tiết và giữ danh giá của mình. Bà đã được an táng cạnh mộ của con bà Mả Cậu. Vì thế trong dân gian mới có câu hát:

Gió đưa cây Cải về trời

Rau Răm ở lại, chịu đời đắng cay

Chuyện này cũng đã được ông Nguyễn Phúc Liên Kỳ viết lại và được trích đăng vào tập san Đồng Nai-Cửu Long số 02.Vạn bất đắc dĩ, vua Gia Long mới cho Hoàng Tử Nguyễn Phúc Cảnh con trai trưởng đi theo Giám Mục Bá Đa Lộc. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhất kỷ Nguyễn Phúc Cảnh sinh tháng 4 năm 1780. Vua Gia Long gặp Giám Mục vào tháng 7 năm 1783 lúc đó Nguyễn Phúc Cảnh chưa đầy 4 tuổi. Tháng 12 năm 1785 Nguyễn Phúc Cảnh theo Giám Mục qua Pháp, lúc đó khoảng 4-5 tuổi. Lênh đênh xứ lạ mãi đến ngày 5 tháng 5 năm 1787, họ mới vào triều yết kiến ở cung điện Versailles được. Hoàng tử Cảnh dáng vẻ khôi ngô, rất được chú ý. Giám mục thuê Léonard là người hầu chải tóc cho Hoàng hậu Marie Antoinette sửa tóc cho Hoàng tử, bỏ khăn nhiễu thay bằng khăn lĩnh satin đỏ thắt múi noeud, do Léonard vẽ kiểu. Lại may cho Hoàng tử một bộ y phục kiểu Pháp pha Á đông, bỏ áo dài, quần lụa. Thế nên may mắn mà thấy được Đông cung thì thường thấy người ở trong hình dạng là một cậu bé tầm 7 tuổi mặc đồ đỏ, đầu đeo khăn satin thắt múi, mặc âu phục ngoài áo dạ khuy gỗ, khuy sừng kiểu cách dây dải ruy băng đăng ten, trong sơ mi trắng ống tay loe ren cùng quần ống túm, dày cao cổ hơn là thấy một Đông cung độ trạc hai mươi tuổi đẹp và sang trọng không ai sánh nổi như thủy thủ Nhật Seishi nói.

Bác Phúc lại hỏi:

-Thế còn anh thông dịch ngoảnh lại lườm với gương mặt đã bị biến dạng gớm ghiếc mà ông Tuyên nhìn thấy là sao?

Bác Thành trả lời:

Là hình ảnh Đông cung năm 20 tuổi lần thứ 2. Đông cung chết trẻ năm 20 tuổi vì bệnh đậu mùa - căn bệnh đã lấy đi gương mặt thiên thần của Đông cung, đúng một năm trước khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, vì thế mà không thể kế vị mà lên ngôi. Đông cung Cảnh là người chịu ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng và văn hóa Tây Phương trong những năm gần gũi với Giám Mục Bá Đa Lộc. Đông cung biết tiếng Pháp và đã đọc nhiều sách Pháp, nhất là về khoa học kỹ thuật. Nếu Đông cung Cảnh không mất sớm thì Việt Nam đã có một nhà lãnh đạo đất nước chịu ảnh hưởng hai nền văn hóa Đông Tây, sẽ có một đường lối chính sách cai trị tiến bộ và nước Việt Nam đã đi trước Nhật Bản hàng nửa thế kỷ Duy Tân.

-Đông cung có một đức tin khác với chúng ta, ông tin vào Chúa. Chính giằng xé tôn giáo đã tạo ra hai mảnh vỡ thiên thần và ác quỷ trong gương mặt Đông cung dưới mắt người khác dù lỗi không ở ông. Do đi theo Giám mục từ nhỏ nên Đông cung rất có cảm tình với người phương Tây và đạo Thiên Chúa. Sau 6 năm trời đằng đẵng xứ người, khi mới về nước Hoàng tử Cảnh lạc lõng giữa gia đình, đất nước mình, người An Nam hồn bên Pháp, thực ở thế khó xử một nhành cây đôi dòng nước. Theo đức tin, Hoàng tử Cảnh còn không chịu quỳ bái trước bài vị tổ tiên khiến vua cha rất buồn lòng, nhờ có bà Nguyên phi dạy dỗ mới cải thiện được. Trong bức thư của Laurent Barisy một Robin Hood khi phiêu lưu xứ Nam Kỳ có viết:

Đông cung là người đã ra mặt che chở cho tất cả những người Âu, đã bảo vệ cho đạo Thiên Chúa, đích thực là một người bạn thành thật.

Cũng vì vậy mà Nguyễn Ánh tỏ ra không yên tâm khi lập Hoàng tử Cảnh làm Đông cung. Năm 1791, khi Hoàng tử thứ 4 là Nguyễn Phúc Đảm vừa lên 3, Nguyễn Ánh cho Hoàng tử Đảm nhận Tống Nguyên phi làm mẹ mặc dù mẹ ruột của Hoàng tử Đảm khi đó vẫn còn sống. Nguyễn vương lo sợ Đông cung quá thân thiết với người Tây và quá sùng đạo, lo sợ sau này Hoàng tử lên ngôi sẽ nhún nhường với họ mà làm mất chủ quyền đất nước, nên đã có biện pháp phòng hờ ngày sau có thể phế truất Đông cung mà lập Hoàng tử Đảm lên ngôi. Triều chính đều nhìn Đông cung như một con rối trong tay Giám Mục Bá Đa Lộc. Giám Mục Bá Đa Lộc qua đời vào tháng 10 năm 1799 tại Gia Định thì 2 năm sau Đông cung Cảnh mất. Đông cung có sự xa ngã suy sụp thường thấy, rất giống ở một người đàn ông phương Tây khi mất đi điểm tựa tinh thần.

-Trong hình dáng của chàng trai 20 tuổi khi bị bắt gặp, Đông cung hay xù lên với những cái lườm ném về phía người nhìn cùng khuôn mặt đã biến dạng bệnh tật. Đông cung ghét đám khảo cổ, đám báo chí rẻ tiền bới móc đào mồ quật mả với những dòng giật típ ác ý. Đông cung cũng không muốn người đời thương hại kết cục bi thảm của ông và vợ con ông trong vòng xoáy nhất triều chấp chính.

Bác Thành nói tiếp:

-Đông cung trong hình dạng anh thông ngôn muốn đi tìm lời giải thích cho chuyến đi không giá trị của Giôn Trắng. Giôn Trắng tìm mọi cách để vào thành Gia Định là muốn tìm một thứ. Vị trí căn hầm ẩn sâu 60 -70 m dưới lòng đất thành Gia Định.
 
bác ấy vẫn online nhưng ko viết tiếp , tò mò phần căn hầm quá, mạng phép tag tên bác ấy vào đây @pianito, nếu có thể viết thêm hoặc chí ít là giải thích kết thúc này.
 
Last edited:
bác ấy vẫn online nhưng ko viết tiếp , tò mò phần căn hầm quá, mạng phép tag tên bác ấy vào đây @pianito, nếu có thể viết thêm hoặc chí ít là giải thích kết thúc này.
Cảm ơn thím đã quan tâm. Chuyện chỉ mới mở đầu và còn rất dài. Do công việc của em khá bận, chưa sắp xếp được thời gian. Hẹn thím kì nghỉ lễ gần nhất.
 
Bất đối xứng

IV

Đại chiến ở Sòng Sơn

Sự xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh trên đất Bắc được phản ánh qua cuốn sách được xem là xưa nhất Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm đã được dẫn trong công trình nghiên cứu về Tứ bất tử của hai tác giả Vũ Ngọc Khánh và Ngô Đức Thịnh. Cùng với sách này có Vân Hương Thánh Mẫu, Tam Vị Đạ Từ Tôn, Tam Vị Thánh Mẫu – Giáng bút chân kinh, tài liệu không rõ nơi xuất bản được xem như Ngọc phả của Mẫu ở đền Sòng. Theo đó, chúng ta được biết sự xuất hiện của thánh Mẫu Liễu Hạnh sau nhiều lần giáng sinh của tiên nữ Quỳnh Hoa – Giáng Tiên ở Ý Yên, Vụ Bản (Nam Định) vào những năm 1434 – 1473, 1557 – 1577 và những lần hiển linh của Bà ở Bỉm Sơn và Thạch Thành (Thanh Hóa) trước năm 1635 . Như vậy, khởi thủy của việc làm mới hay chuyển hướng của một nhóm phái Đạo phù thủy ở đất Bắc Việt Nam là từ giữa thế kỷ XV và quá trình này kéo dài hơn một thế kỷ thì thánh Mẫu Liễu Hạnh mới được khẳng định vị trí trong sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của người Việt ở đất Bắc, với sự kiện xây dựng đền Sòng vào năm 1635 được ghi trong ngọc phả của đền.

Theo truyền thuyết, cuộc chiến này diễn ra là vì Liễu Hạnh đã gây tai họa cho những người dân xứ Thanh, chân Long và Tam thánh của Nội Đạo Tràng đã được cử đến để diệt trừ. Cuộc thánh chiến cân tài, cân sức. Phép lục trí thần thông của Liễu Hạnh đã bị phép thuật Thượng không của Tam thánh hóa giải, Liễu Hạnh thua và bị bắt giải về triều đình. Nhưng điều kỳ lạ ở đây là dù bị thua nhưng sau đó, ở Thanh Hóa đã có tới 48 đền, phủ thờ Bà được thống kê vào thời Lê Cảnh Trị có lẽ cũng không kém so với Nam Định – nơi sinh thành của thánh Mẫu.

Sau sự kiện Sòng Sơn, Nội Đạo Tràng đã từng có hàng ngàn môn sinh ở các tỉnh như Thanh Hóa. Nghệ An, Hà Tỉnh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương, có trường dạy hành đạo ở các nơi này, nhưng sau cuộc chiến Sòng Sơn, nhóm phái này chiến thắng mà không tiếp tục phát triển được để rồi sau đó dần thu hẹp lãnh địa. Không gian các tỉnh Bắc Việt Nam đã dần trở thành không gian của các đền, phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh. Nếu lần theo dấu vết trong thống kê Thần tích, Thần sắc sẽ thấy rõ hiện tượng này. Nội Đạo dần mất đi tầm ảnh hưởng so với Mẫu Đạo.

Sự phân hóa và rối loạn trong xã hội với những oan trái, bất công, những gánh nặng của cuộc sống đã vượt ra ngoài sức gánh vác của con người. Trong hoàn cảnh đó giúp họ có thể vượt qua được chính là niềm tin về quyền năng độ thế của các thần thánh. Lúc này, dù tiếng tăm, pháp thuật cao tay của các pháp sư Phật giáo nội đạo - Nội Đạo Tràng cũng chỉ giải quyết được về mặt tâm linh các vấn đề bệnh tật, thiên tai, dịch nạn, còn giải quyết các vấn đề lớn của xã hội thì nội lực của họ lại không đạt tới được. Cùng lúc này, trong đời sống tâm linh của người dân, niềm tin về quyền năng của Mẫu Liễu bắt đầu tăng thêm do có thêm sự ủng hộ của Phật giáo đại chúng - sự thụ pháp Phật giáo của Mẫu Liễu Hạnh sau cuộc chiến Sòng Sơn. Theo tinh thần Phật giáo, Mẫu Liễu đã có thể thấu hiểu nỗi khổ của người dân với tấm lòng bao dung, độ lượng và nhân từ. Quyền năng của Bà dường như ngang cùng Phật Bà Quan Âm, có thể cứu khổ cứu nạn cho dân. Điều ước trả góp của Mẫu Liễu Hạnh phù hợp với mọi ước vọng vốn ẩn sâu trong tiềm thức của người Việt. Chính vì thế mà ngay từ cuối cuộc chiến Sòng Sơn, dù cho có sự nghiêm khắc của các pháp sư, nhưng Liễu Hạnh vẫn không bị diệt trừ mà lại được Phật Quan Âm cứu giúp, truyền thêm đạo pháp để cứu dân giúp đời và rồi sau đó đền thờ bà mọc lên khắp nơi. Từ sự thất bại của nữ thánh Liễu Hạnh trước các nam thánh Nội Đạo Tràng lại đem đến một chiến thắng mới cho Bà. Liễu Hạnh đã trở thành thánh Mẫu.

Thêm vào đó, ở điện thờ của Đạo giáo Việt Nam lúc đó còn khuyết một cung như kiểu cung Tây Vương Mẫu trong điện thờ của Đạo giáo Trung Quốc vốn có nhiều ảnh hưởng tới quá trình hình thành Đạo giáo Việt Nam. Ở đó vị nữ thánh chủ này có quyền hạn có thể xem như vô biên, tuy đứng sau Ngọc hoàng thượng đế nhưng đôi lúc Tây Vương Mẫu được phép hành xử như một nữ vương, sự xuất hiện của Liễu Hạnh và những thử thách mà Bà phải trải qua, thậm chí là việc Bà “tác oai tác quái” ở xứ Thanh cũng có thể được xem như một quãng đời thử thách để Bà có thể thấu hiểu được nổi khổ của những người bị hành hạ. Thử thách cam go nhất và sau cùng là cuộc chiến ở Sòng Sơn. Vượt qua tất cả, thánh Liễu đã trở thành hình tượng mới, cao nhất trong đời sống tâm linh của người Việt, trở thành nữ thánh chủ của một cung quan trọng trong điện thờ Đạo giáo Việt, làm cho nó hoàn chỉnh. Trong thế giới tâm linh Việt, Liễu Hạnh đã như một Vương Mẫu có quyền năng bao trùm toàn cõi nhân gian. Bà cai quản từ núi cao xuống sông sâu và đến các vùng đồng bằng. Bà có thể thấu hiểu mọi cuộc đời và mọi số phận. Bà có các bộ tướng là những ông Hoàng, bà Chúa, các cô, các cậu có diện mạo và hành trạng rất gần gũi với đời thường nhưng lại có phép tiên có thể hỗ trợ Bà cứu giúp nhân gian, từ tìm sinh kế, học hành, làm ăn buôn bán, cầu sự phú quý giàu sang, cho đến xe kết tình duyên, chữa bệnh, hóa giải mọi điều phải trái trong gia đình cũng như ngoài xã hội… Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã chẳng khác gì một Vương Mẫu trong điện thờ Đạo giáo. Bà đã có một quyền năng vượt trội hơn cả Tây Vương Mẫu khi hành trạng của Bà gần gũi với cuộc đời trần thế. Với tứ – tam phủ, Bà đã cai quản tất cả miền thế giới sinh tồn của con người. Chính vì thế cho đến nay, dòng Đạo này đã phát triển và nhanh chóng lan rộng.


Đoạn này hay quá, vừa có sự bao dung, lại vừa có sự phát triển nhân vật phản ánh quan sát của người xưa.
Đọc từ đầu thì thấy nhiều motifs phát triển nhân vật từ người bình thường -> phạm lỗi/trải qua khổ hạnh -> phát triển lên một tầng cao hơn.
Em có tìm hiểu tâm lý học phương Tây, khá tương đồng về cách phát triển đặc tính con người.
Bản thân em cũng tin là con người phải trải qua những sai lầm/khổ hạnh thì mới trưởng thành được.
Đối với bản thân em thì chưa quá tin vào tâm linh, nhưng em nghĩ những câu truyện, thần thoại là cách mà người xưa gửi gắm những quan sát tinh tế từ chính đời sống con người vào trong những câu chữ (cả phương Đông hay phương Tây). Trước bàn thờ tổ tiên em chưa bao giờ mong cầu tiền tài, sức khỏe mà chỉ luôn một lòng biết ơn, biết ơn tổ tiên vì có mình ngày hôm nay.

Gửi bằng vozFApp
 
Back
Top