Truyện ngắn: Bạn gái tôi lớp 8

Truyện tâm linh


Bạn gái tôi lớp 8


Có một câu nói rất hay Chuyện tâm linh ma quỷ chỉ dùng để giao tiếp với kẻ ngu dốt. Đáng tiếc tôi được xếp vào loại thoái hóa giống, sống phải nương nhờ cửa Cha cửa Mẹ. Gạch đá là điều không thể tránh khỏi. Mong dù hay dở có thể đi đến hồi kết.

Điều tuyệt vời nhất của thanh xuân

Ai cũng có tuổi trẻ, những năm tháng đẹp đẽ rực rỡ, không lo nghĩ, được sống và làm những điều mình muốn. Tôi cũng vậy. Có một khoảng thời gian tuyệt vời đi làm gần nhà cùng thằng bạn thân với nhiều kỉ niệm như: rủ nhau trốn việc lang thang như chó dái đi bắt bô kê mon (pokemon), hai thằng nhà quê lên phố mua sh, cảm xúc ngồi sau vô lăng thằng mới đi học lái xe 2 ngày, chuyện yêu đương, những vui buồn trong cuộc sống và đặc biệt là yêu một cô gái kì lạ, một cô gái mà mọi người cho rằng tôi vã quá tưởng tượng ra, hoang tưởng, ấu dâm, ngáo đá, xúc tép nuôi cò, vân vân và mây mây. Một cô gái 4 năm qua luôn sống trong những giấc mơ của tôi.

“A scattered dream that's like a far-off memory... a far-off memory that's like a scattered dream... i want to line the pieces up... yours and mine.”
"Một giấc mơ rải rác giống như một ký ức xa vời ... Một ký ức xa xôi giống như một giấc mơ bị phân tán ... Anh muốn xếp các mảnh ghép lại ...Của em và của anh."


Mạch truyện

Lần đầu tiên thấy em
Động thổ và Phán quan
Khai trường
Nhưng mà anh thích em cơ
Ga tàu
Bữa vào
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 1
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 2
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 3
Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành 4
Án âm dương 1
Án âm dương 2
Án âm dương 3
Án âm dương 4
Án âm dương 5
Án âm dương 6
Nước phế quân tàn độc 1
Nước phế quân tàn độc 2
Nước phế quân tàn độc 3
Nước phế quân tàn độc 4
Nước phế quân tàn độc 5
Nước phế quân tàn độc 6
Thủy thần 1
Thủy thần 2
Thủy thần 3
Thủy thần 4
Thủy thần 5
Thủy thần 6
Hoa bưởi trắng 1
Hoa bưởi trắng 2
Hoa bưởi trắng 3
Hoa bưởi trắng 4
Hoa bưởi trắng 5
Hoa bưởi trắng 6
Hoa bưởi trắng 7
Hoa bưởi trắng 8
Gần như hoàn hảo 1
Gần như hoàn hảo 2
Gần như hoàn hảo 3
Gần như hoàn hảo 4
Gần như hoàn hảo 5
Bất đối xứng 1
Bất đối xứng 2
Bất đối xứng 3
Bất đối xứng 4
Bất đối xứng 5
Bất đối xứng 6
Bất đối xứng 7
Bất đối xứng 8
Mùa hoa để lại 1
Mùa hoa để lại 2
Mùa hoa để lại 3
Mùa hoa để lại 4
Con rối người 1
Con rối người 2
Con rối người 3
Con rối người 4
Con rối người 5
Con rối người 6
Con rối người 7
Con rối người 8
Con rối người 9
Con rối người 10
Con rối người 11
Con rối người 12
Phụ lục
Cho vàng vàng không cầm mà cầm phải cưt 1
Cho vàng vàng không cầm mà cầm phải cưt 2
Cái mầm cây ở cổ
Ngôi nhà hoang ven sông
Con chó một mắt 1
Con chó một mắt 2
Con chó một mắt 3
Lỗ ban thất hào 1
Lỗ ban thất hào 2
Lỗ ban thất hào 3
Lỗ ban thất hào 4
Lỗ ban thất hào 5
Lỗ ban thất hào 6
Lỗ ban thất hào 7
Lỗ ban thất hào 8
Ẩn thân pháp
Hai thái cực của A la hán
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 1
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 2
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 3
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 4
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 5
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 6
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 7
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 8
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 9
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 10
Cô gái ngồi chải tóc bên khung cửa sổ 11


Lần đầu tiên thấy em

Nói qua một chút, tôi là Long, làm ở một công ty xây dựng nhỏ, đến bản thân tôi cũng chả biết mình làm cái chức vụ quái gì trong công ty, chỉ biết mọi người gọi tôi là Long vật tư. Mua bán vật tư là tôi, cấp giám sát vật tư cũng là tôi, nhiều khi không có người thì cầm gương toàn đạc, đóng đinh bê tông, căng dây lấy cao độ cũng là tôi, bạn thân tôi tên Toàn kĩ sư xây dựng. Hai thằng được Sếp giao cho xây một ngôi trường mới mà công ty vừa bỏ thầu trúng. Ngôi trường nằm ở vùng đất có những quả đồi thấp và thoải đan xen nhau, trước kia của người Hoa khai hoang sinh sống, sau 1979 người Hoa bị trục xuất thì dân mình vào mở mang khai phá,trồng trọt chăn nuôi. Giờ thì cũng đã tấp nập nhộn nhịp hơn phố, đường bê tông bề ngang 8m vào đến cổng, nhưng nhiều thứ của người Hoa thì vẫn còn lại cho đến bây giờ. Đến thực địa khảo sát xem xét nơi xây trường mới thì nó vẫn thuộc quỹ đất của ngôi trường THCS cũ, cổng trường đã cũ kĩ rêu phong nhưng vẫn rực rỡ màu hoa giấy tươi mới trong nắng hè. Hiện tại là mùa hè, mùa học sinh nghỉ học. Cổng phụ vẫn mở nhưng tôi gọi bác bảo vệ cho phải phép. Khi bác bảo vệ già vẫn còn đang nheo mắt lần chiếc chìa khóa phòng giám hiệu kiêm phòng khách trong chùm chìa khóa để mời bọn tôi vào uống nước, tôi đang loay hoay quay dọc nhìn ngang xem bản vẽ thì thằng bạn tôi gọi tôi lại.
Long ơi, ra đây tớ bảo.
Gì thế bạn
Tưởng có việc gì hóa ra. Một em gái cấp 3 khoảng lớp 10,11 tầm gần 1m6 mặc áo dây quần cộc theo bộ, kiểu đồ ngủ bộ, mùa hè bọn con gái hay mặc, vải lụa satin mềm màu đen, người đầy đặn, nước da sáng, đùi trắng không tì vết, mặt tròn, tóc búi cao đang cho một bé trai tầm 2, 3 tuổi ăn. Chỉ có thể lói nà Ngọt canh xương ống đậm đà thịt thăn.
Mấy em gái cấp 3 mới lớn như thế này luôn là một bầu trời mơ ước với chúng tôi - một thế hệ thiệt thòi.

Hai thằng nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống làm em ấy quay lại nhìn. Các bạn cũng hình dung ra rồi đấy, 2 thằng đực người yêu không có, vã toàn tập lén lút nhìn một cô gái mới lớn với ánh mắt toát ra sự thèm thuồng làm cô bé cảm thấy khó chịu,bất an bế cậu em trai lên chiếc ghế ngồi của trẻ con sau xe mini xanh, đạp xe về mất.
Em nó về làm hai thằng tay lau dớt mồm thở dài tiếc nuối. Quay lại với chuyện trường lớp, bác bảo vệ mời chúng tôi vào phòng giám hiệu uống nước, báo hôm nay thầy hiệu trưởng không lên được, chúng tôi cũng bảo không sao, cũng không cần thiết lắm, xin phép bác cho chúng tôi đi xem nền móng, hỏi qua về địa thế, chất đất. Mọi thứ đều tốt trừ một vài việc nhỏ. Việc đầu tiên là nơi đặt lán trại công nhân nằm bên cạnh mộ tổ của một nhà Hoa kiều, như bác bảo vệ nói là năm nào tầm này họ cũng về cúng khấn, năm nay chắc cũng tầm 1 tuần nữa là họ lại về thôi. Tôi đưa mắt nhìn qua bờ tường rào, một ngôi mộ tròn, to, cổ kính nằm giữa vườn thanh long đang đơm hoa kết trái. Việc thứ hai là gần chỗ đào móng trường mới, có một căn hầm nhỏ, tương đối nông của người Hoa bỏ lại, trong cũng chẳng còn của nả gì, ngòai một thứ đất nâu mềm, dẻo như đất sét nhưng khi thằng bạn tôi véo lấy một ít cầm lên, ra ngoài ánh sáng mặt trời thì khô, cứng lại rất nhanh. Cũng không hề gì, chúng tôi tính đào tránh nó ra một chút là được. Bao năm nó nằm đây thì cứ kệ nó thôi. Có kiêng có lành. Còn ngôi mộ tổ kia thì là đất của một hộ dân cách trường đúng một bức tường thấp, nhắc nhở công nhân, thợ xây chuyện ăn ở vệ sinh là xong thôi. Nhưng nắm đất nâu kia lại làm tôi nhớ về một câu chuyện truyền miệng từ xa xưa trong này. Cho vàng, vàng không cầm mà cầm phải cứt.
 
Last edited:
Nước phế quân tàn độc

K

Tôi đưa Mỹ Phượng về nhà, thấy đứa cháu gái mắt ngấn nước, váy áo ướt sũng, bà nội hỏi nhưng con bé ngang ngược không nói không rằng đi vào phòng. Tôi ngồi nói chuyện với bà, không giấu giếm việc Mỹ Phượng bị dắt ra hồ nước.

Người bà tóc đã bạc trắng, hiền từ, nước da trắng, những dấu vết của một thời xuân sắc vẫn còn vương lại ít nhiều trên khuôn mặt, ánh mắt ưu tư, bảo tôi:
Cháu giúp bà đưa nó lên chùa Đàn.
Tôi gọi Mỹ Phượng:
Phượng ơi! Thay đồ đi rồi anh dẫn đi chơi.
Con bé xị mặt thò đầu ra khỏi cửa phòng nhìn tôi:
Thật không?
Tôi đáp chắc nịch:
Thật
Mỹ Phượng háo hức thay váy áo lên xe. Đi khỏi nhà được một đoạn, tôi mới bảo Mỹ Phượng:
Anh bảo đưa em đi chơi là anh nói dối. Bà bảo anh đưa em lên chùa Đàn.
Nghe thấy thế, con bé lại vùng vằng đòi về:
Em không đi. Chùa gì mà chùa. Đó chỉ là cái miếu thờ đàn thôi. Trước bà em dẫn đi một lần rồi, chả có gì vui cả.
Tôi chợt thấy lành lạnh gáy, mơ hồ nhưng vẫn đủ bình tĩnh, nắm chắc tay lái lên đến chùa.
Ngôi tự nhỏ có khách bất thường giữa đêm, lại một đôi nam nữ trẻ, sư thầy già cũng không khỏi ngạc nhiên. Khi tôi giới thiệu với sư thầy Mỹ Phượng là cháu ruột bà Sen, nét ngạc nhiên trên mặt người tu hành sương gió biến mất, thay vào đó là sự suy tư, như lục lại quá khứ. Ngồi ở bàn trà, tôi lo lắng kể cho sư thầy nghe chuyện Mỹ Phượng bị dắt ra đập nước, ông ấy cười rồi bảo:
Người thì cũng cứu được rồi, còn lên chùa làm gì.
Tôi đáp:
Thưa thầy, là do con còn lo lắng về cái bóng đen cười cợt, nhảy xuống mặt nước.
Vị sư già uống ngụm trà rồi bình thản nói tiếp:
Trước đây là cái miếu thờ đàn, tôi cũng chỉ là kẻ tu hành nửa mùa, cô bé ngày xưa bà Sen dắt lên đây, giờ đã lớn quá tôi nhận không ra. Tôi cũng chẳng biết làm phép, cho bùa gì, chỉ có câu chuyện muốn kể cho anh chị. Chuyện thì dài, nhiều chỗ mơ hồ, nghe không lọt tai thì bỏ qua cho. Mỹ Phượng nghe đến đây thì bỏ ra ghế đá ngoài sân, dưới gốc cây ngồi nghịch điện thoại. Còn mình tôi và sư thầy ở bàn khách. Ông ấy không hề tỏ vẻ phật ý, giọng nói thanh đạm, trầm đều kể cho tôi nghe.

Trước đây chùa chẳng phải chùa, mà là một cái làng nghề nhỏ làm tơ tằm, dệt vải được đặt trên khu đất đồi thưa thớt bóng người. Làng có cái tên làng Thảo, tổ nghề là một cặp vợ chồng người miền Nam, quen gọi làng là ấp Thảo. Vợ chồng tuy làm ăn tấn tới mở mang, đào tạo được nhiều thợ có tay nghề, đối đãi người ăn kẻ ở không tệ nhưng muộn con. Mãi mới có một người con trai đặt tên là Út. Ông bà mất thì Út mới lấy vợ, nối nghiệp tổ tiên, vẫn giữ được chữ Đức truyền lại từ cha mẹ. Sống nhân nghĩa, nhiều người yêu kẻ mến, ấp Thảo ngày một đông đúc, sầm uất. Út không khác gì một ông vua không ngai. Tuy là người Nam nhưng Út rất thích nghe đàn xem hát Ca trù. Một lần xa xôi lặn lội lên Giáo phường xem hát, gặp anh thanh niên tên Bá thảy tiếng đàn đáy xuyên thấu tâm can, Út mê quá mà xin Bá về ấp Thảo. Về đến ấp, Bá thú thật với Út mình là kẻ giết người đang chạy nã, xin Út nơi nương tựa, chốn dung thân. Út cười mà nói:
Có hề gì, người tạo ra những âm thanh đẹp như mang người ta vào cõi khác, dẫu có giết người cũng là kẻ đáng chết.
Út đối đãi với Bá rất tốt, Bá như con ngựa trung thành vừa mang ơn vừa biết trả nghĩa, việc gì cũng đến tay, tháo vát đỡ đần Út. Gia thế vượng, vợ ngoan đẹp, tôi tớ trung. Lẽ đời chẳng dễ vậy mà hay hó háy tréo ngoe. Vợ Út mất trong một tai nạn xe lửa. Út không vượt qua được, ngày ngày đau khóc nhìn xác vợ. Dùng dằng đến tuần lễ mới đưa vợ đi thiêu, rồi bỏ bê công việc ngày ngày chìm trong hơi rượu, sống dưới đáy thời gian với những kí ức cũ. Bá một mình cáng đáng việc lá dâu, cái kén, con tằm, buôn bán ngược xuôi. Bá hiểu cảm giác của Út vì Bá cũng mang nỗi đau mất vợ như Út. Người Bá đâm chết là người đã ép vợ Bá treo cổ tự vẫn. Hàng ngày Bá tự tay nấu rượu cho Út. Vì sợ Út sớm muộn cũng sẽ chết bệnh bởi men cồn công nghiệp. Một hầm mộ rượu với các chum rượu lớn nhỏ như những cái tiểu sành bày ngang dọc. Một ngày, Út bảo Bá rằng Út thèm nghe Ca trù. Gần đây có Ca nương Liên Hoa âm trong như hồ thu lặng nước, sắc như giá lạnh cơn hàn, muốn mời đến hát một đêm, Bá thảy đàn, Út cầm trống chầu.
Hai người đến nhà tìm thì cô gái Liên Hoa xinh đẹp từ chối. Vì từ khi Chánh thú chồng cô mang Cây đàn ma về thảy một đêm rồi treo cổ chết, cô đã không màng gì đến chuyện ca âm nữa rồi. Út, Bá xin cho xem cây đàn. Trong một tủ kính viền gỗ khắc hoa văn tinh sảo, một cây Vô đề cầm đẹp mê hồn dần hiện ra khi Liên Hoa bỏ tấm vải điều đỏ, lau lớp bụi kính. Hộp đàn gỗ hương nâu bóng, góc cạnh, khảm vỏ ốc lóng lánh ngũ sắc. Cần đàn dài thẳng, cao vút khí chất, phím tre óng như ngà, đều tăm tắp, lại thuộc dòng cổ cầm 16 phím. Đầu lá đề cong như miệng rồng ôm nhả ba dây Hàng, Trung, Liễu. Tơ se, dài mà mềm tạo đủ âm sắc ngũ cung: Nam Bắc Nao Huỳnh Pha.
Út nhìn mà ham quá, càng khao khát Bá nhấn phím cây cổ cầm mà thảy, Liên Hoa cất âm, thi thoảng Út cầm tiếng trống mà khen mà lắc lư trong mê đắm. Bá biết lòng Út, xin dùng ngón đàn tuyệt kĩ của mình mở âm cho Liên Hoa. Vài lần đến nhà, cô ca nương mới cảm cho tấm chân tình mà bằng lòng. Nhưng khi Bá vừa chạm vào cây cổ cầm để chỉnh lại âm, dây mảnh nhất khói âm rồi phựt đứt, ngón tay Bá rơi giọt máu. Cổ cầm phải thay lại sợi dây, lặn lội tìm mua mất một ngày. Đêm ấy trong giấc mơ Bá thấy có một vị quan đội mũ ô sa, dáng người vuông thước, mặt mờ mờ ẩn ẩn đến bảo Bá tránh xa Cây đàn ma không sẽ sớm muộn cận kề cái chết. Hộp đàn là cây gỗ hương nghìn năm lúc bị chặt biết đau đớn mà chảy máu, phím đàn là tinh tre lâu đời biết đùa giỡn thành tiếng, khắc xuất khắc nhập bóng ma trơi, dây tằm giăng ăn máu huyết của nhiều người.
Nhưng Bá rịt đầu ngón tay, thà chết vẫn quyết thảy đàn. Một đêm trăng sáng, ánh đèn lồng đỏ mờ ảo bên ao, tại gian giữa trang trọng nhất, Liên Hoa gõ phách, Bá đàn, Út cầm trống chầu. Giữa bốn bề hư không, vang vọng thanh giọng trong xuyên đáy nước, dập dìu sắc âm của Liên Hoa cảm lại Tây Hồ hoài cổ của Nguyễn Công Trứ.

Mưỡu:
Dập dìu trăng mạn gió lèo,
Lỏng ngâm vân thuỷ lơi chèo yên ba.
Nói:
Cảnh Tây Hồ khen ai khéo đặt,
Trong thị thành riêng một áng lâm tuyền.
Bóng kỳ đài giăng mặt nước như in,
Tàn thảo thụ lum xum toà cổ sát.
Chiếc cô vụ, mảnh lạc hà bát ngát,
Hỏi năm nao vũ quán điếu đài.
Mà cỏ hoa man mác dấu thương đài,
Để khách rượu làng thơ ngơ ngẩn.
Yên tiêu Nam quốc mỹ nhân tận,
Oán nhập đông phong phương thảo đa.
Đồ thiên nhiên một áng yên ba,
Dễ khiển hứng câu thơ chén rượu.
Buồm nửa lá trăng thanh gió dịu,
Chiền đâu đây một tiếng chuông rơi.

Sang trọng tựa triều phủ. Đẹp hoảng hốt khách nghe. Nhưng phía ngoài thấy mờ mờ ảo ảo hai bóng người. Một vị quan dáng người vuông thước, tay tháo ô sa trên đầu, khuôn mặt thanh tú, cằm vuông, trán rộng, chân mày lưỡi kiếm dần lộ hiện. Vẻ mặt bất lực, thất vọng nhìn vào trong. Chánh thú đang từ án thờ xà xuống, hất vạt áo dang tay bắt lấy linh hồn Bá. Người còn lại là một ông lão khí phách thanh tuệ có bộ râu quai nón bạc trắng, ngắn nhưng dày đâm tua tủa như rễ tre, giọng hào sảng:
Đây sẽ là lần cuối cùng Tù Ngưu bắt được người.
Sau đêm ấy Bá treo cổ tự vẫn, Liên Hoa và Út cùng mơ thấy Chánh thú về bắt Bá đi, Chánh thú giả hình vợ Bá dắt đi hầu đàn cho một con linh thú thượng cổ có phần đầu và thân như con trâu nhưng lại có cặp sừng rồng, bờm nở tung như hoa, người lấp lánh ánh vàng. Có lẽ là một trong Long sinh cửu phẩm Tù Ngưu.
Ở một nơi xa xôi trong tâm thức mà người ta hay gọi là giấc mơ Alpha, nơi sâu thẳm mà sự sống khan hiếm đến cùng cực. Chỉ có một gốc cây cổ thụ đã rụng lá trơ xương cùng làn ánh sáng thiếu thốn mờ ảo, không rõ ngày hay đêm đang trôi, cũng chẳng biết là tầng nào trong hay ngoài mặt đất. Một ông lão đang ngồi cô độc chôn mình cùng những ván cờ. Một làn gió nhẹ qua, ông lão có bộ râu trắng tua tủa như rễ tre xuất hiện, ngồi đối diện ông lão cô độc. Ông lão râu trắng cất lời:
Con Tù Ngưu ông nuôi...
Chưa kịp nói hết, ông lão cô độc chạm tay xuống hòn đá, xung quanh cỏ mọc hoa nở, cây cối xanh tốt, hòn đá bỗng thành hình một con rồng mi nhon dễ thương, có cặp sừng mới nhú, mắt cú, mỏ chim, yếm trước ngực như yếm rùa, bước thấp bước cao đuổi chim bắt bướm.
Ông râu bạc chỉ vào con rồng rồi nói tiếp:
Nếu tôi thắng ông ván cờ, tôi sẽ đề chữ trên hòn đá này của ông.
Vừa dứt lời, cây cối tan biến, con rồng nhỏ vụt mất, chỉ còn lại dáng hình hòn đá.
Ván cờ tiên bắt đầu, giằng co gay go. Ông lão cô độc không có cách gì thắng được, đủ mọi đòn thế, lối đánh nhanh chậm đủ cả, biến ảo thần sầu quỷ khóc nhưng đều bị phá giải, chỉ có thế hòa. Tự ái háo thắng dâng cao, ông lão cô độc bày thế Long Thiểm Tốc Sát quyết định. Thế cờ tinh hoa đời người chỉ dùng một lần. Nhưng khi chỉ còn một nước nữa là phân rõ thành bại thì dao đã kề trước cổ, tay buộc phải buông cờ mà đầu hàng.
Vị tiên nhân chợt giật mình, tỉnh giấc mộng. Ra vườn ngó vào chỗ con Tù Ngưu thấy nó vẫn nằm yên ngủ nhưng trên cái yếm rùa ngực trái như có ai đề nét chữ. Nhìn ra thấy giống chữ CẦM.
Những lần trốn chủ dạo chơi bắt người "đàn hay ca giỏi" sau này của Tù Ngưu đều bị phát hiện bởi đám mục đồng. Vị tiên nhân bấy giờ mới phát giác ra Tù Ngưu hay dùng kế phế quân tạo Sát cục đi bắt người, mượn hình thế bóng, hàm oan đổ sai cho con trâu vàng bờm hoa hiền lành mà lão Thánh Tản hay cưỡi.
[Giấc mơ Alpha chính là giấc mơ gốc của mỗi người. Nơi người ta thấy mình qua lại không chỉ một lần, nơi ta chỉ còn là cái cây, ngọn cỏ hay chỉ là một hạt bụi vô thức trong một chiều không gian thiếu thốn sự sống. Rồi như một cái mầm cây được gieo hy vọng. Theo năm tháng alpha của mỗi người phát triển khác nhau. Rực rỡ hay lụi tàn, kiếp này hay kiếp khác thì nó vẫn là điểm gốc. Người càng thông tuệ càng đi được xuyên kiếp, càng về sâu lại Alpha thủy tổ. Nơi mà thứ quý giá nhất là hi vọng của sự sống. Phật có xuyên sâu về một điểm giới hạn trước Alpha hay không? Chẳng ai biết nhưng bậc thánh thần thì hay chọn Alpha làm nơi tĩnh lặng để ngược về tu luyện tinh thần biến.]
Đêm cho Bá đi thiêu, Út đập vỡ toàn bộ hầm rượu thề từ nay không động vào giọt rượu nào nữa. Út chẳng còn tâm trí nào mà làm ăn, của nả đất đai đem làm từ thiện hết, chỉ giữ lại một khoảnh đủ xây cái miếu để thờ Phật và giữ cây đàn ma, Liên Hoa cũng hay đi lại. Người dân qua lại thờ cúng cũng nhiều, Út đi tu, gõ mõ đọc kinh tìm lại thanh thản cho tâm hồn. Liên Hoa thì đi thêm bước nữa. Út là tôi, lão hòa thượng già nửa mùa, Liên Hoa không ai khác chính là bà Sen.
 
Last edited:
Thủy thần

I

Tôi xin phép Sư thầy đưa Mỹ Phượng về, ngồi nói chuyện với bà nội cô bé về những gì thầy Út kể, lòng bà cũng an tâm đôi phần. Sáng hôm sau tại bãi tha ma, khi thợ xây đang bận rộn những công việc đầu ngày, nhóm tập trung trát tường, tô cổng, nhóm chốt đinh, ghép cốp pha rải nilông lót chuẩn bị đổ đường bê tông thì có chuyện. Vài người ra thắp hương, chuẩn bị sang áo cho một nấm mộ với tấm bia xi măng ghi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi giật mình. Thôi bỏ mẹ rồi. Lẽ dĩ nhiên là tôi cũng đã tính, đổ bê tông xong là có kê cầu để lối ra vào trong khu nghĩa trang, nhưng cả một đám sang áo bao nhiêu người ra ra vào vào, chưa kể lúc đào lên, khuân đi, tiếc thương đau khóc, con đường mới đổ này của bọn tôi không nát nhành ra mới là lạ. Lúc Sếp băm vào mặt thì Ai là người thương em. Mà cũng lạ họ chẳng thèm ra hỏi bọn thợ xây chúng tôi lấy nửa câu. Giờ biết làm sao? Đành lật đật đi tìm gọi bác Quản trang. Bác Quản trang đi con xe đạp ra xem binh tình rồi bảo tôi:
Người ta cũng có đi đến đường nhà các anh làm đâu mà lo.
Tôi quay đầu ra, ngó đầu vào ngạc nhiên hỏi:
Thế thì người ta cho cốt vào tiểu sành rồi đi kiểu gì hả bác?
Bác Quản trang cười rồi nói:
Thế anh không thấy lạ khi cả khu này đồng ruộng mênh mông mà có mỗi cái bãi tha ma nhỏ à?
Thấy tôi ngớ người ra, bác Quản trang bảo:
Anh đi ra đây với tôi.
Hai bác cháu ra đến chỗ bụi cây quấn quanh rào thép gai ở góc nghĩa trang. Tháo cái chốt ra thì có bản lề như cái cổng, mở ra đóng vào được. Tôi bất ngờ. Tôi tự trách mình làm ăn nhiều lúc dập khuôn máy móc quá, ông Kĩ sư trưởng giao cho cái gì thì cắm đầu vào làm cái đó, chả để ý gì xung quanh. Mắt xây dựng mà thế này có nhục cái thân tôi không? Sau một đoạn đường ngắn thì trước mắt chúng tôi là một khung cảnh không thể tin được. Một khu chẳng biết nên gọi là gì cho đúng, thảo nguyên hay bán bình nguyên trũng giữa, cỏ mập lá to xanh mướt, đá xanh lởm chởm, mộ của người đã sang áo được xây quanh, tất cả đều xây thấp và tròn đơn giản như hòn đá to, nghiêng ngả theo mặt đất tự nhiên và chẳng có quy hoạch gì cả. Không gian trong lành, cảm giác như thuở sơ khai.
Bác Quản trang bảo:
Thằng bé được ưu tiên đưa ra đây. Cũng khổ thân nó chết trẻ.
Tôi lại thắc mắc:
Sự tình thế nào hả bác? Sao lại là ưu tiên?
Bác Quản trang đáp lời:
Thì trẻ con nghịch dại, ngày xưa nó cùng một thằng nữa hay ra cái ngòi nước dẫn ra sông chơi. Cũng toàn đứa cứng đầu, ngang ngược trời không sợ, đất không tha. Sông nước năm nào cũng có người chết trôi, thuyền chài chẳng dám cứu, chỉ rắc muối gạo, thả tờ tiền rồi đẩy vào chỗ âu nước để dân trong đất liền vớt lên. Hai đứa nghịch ngợm nhìn thấy, cũng là dạng chắc bóng dạn vía, lấy cây rồi lại đẩy cái xác ra, cho trôi lập lờ trên sông để trêu thuyền chài. Đôi vợ chồng đánh tôm bắt cá ngày ngày kiếm sống trên sông nhìn thấy, sáng đã đẩy vào, chiều lại gặp hai thằng ngỗ ngược đẩy ra, ý chọc tức, cô vợ thấy ức quá, quần vẫn ướt sũng, xắn quá đầu gối tanh mùi tôm cá đi vào làng mà bảo chuyện. Ban đầu cũng thấy chẳng có chuyện gì lạ cho đến một hôm. Thằng bé mất rồi này ngồi nấu cơm ở bếp. Đun bếp rơm trên cái kiềng dài rang tôm. Bố mẹ thì đi làm đồng cả, qua lỗ thoáng gạch ánh sáng chiếu hắt vào. Bóng in trên bờ tường, loang loáng theo khói rơm. Nó thấy trên tường cái bóng không đứng im mà động đậy, có tiếng cười đòi lôi nó đi:
Hôm trước mày trêu tao thì hôm này tao trêu lại mày.
Thằng bé hoảng quá, bỏ cả chảo tôm chạy một mạch ra ngoài, thập thò ngoài đường chứ không dám về nhà.
Hàng xóm có ông lão cán bộ về hưu ở nhà, ngửi thấy mùi khét thì ra xem, lửa đã bén ra hết bếp, vội hô hào mọi người chung tay dập lửa hộ.
Thằng bé bị trận đòn lằn đít. Lúc bị đánh, nó vẫn giãy giụa thanh minh:
Đừng đánh con. Con nhìn thấy ma thật mà.
Ông bố nghe lí sự cùn thì càng tức, vừa vụt thêm cho vừa quát:
Biết sợ ma mày đã chẳng ra sông đẩy người chết trêu thuyền chài.
Bà mẹ thì xót con, cũng sợ con bị làm sao thì khổ. Dù cả đời bàn thờ chẳng mấy khi có nén hương vẫn đi mời thầy cúng về cúng. Gặp ngay cái giống thầy bà khốn nạn, ma quỷ bóp mồm lấy rõ nhiều tiền rồi phủi đít đi. Nhưng tâm lý thằn bé cũng khá hơn, vui vẻ hoạt bát trở lại. Nghịch ngợm có phần còn hơn trước. Một ngày hè thằng bé trèo cây mít, trượt chân ngã vỡ đầu mà chết. Chuyện tai nạn không may cũng chẳng nên bàn tán nhiều, nhưng vẫn có người ngứa mồm nhắc đến cái thây chết trôi. Chuyện càng rùm beng hơn khi một hôm, có lão thầy tự xưng là thầy địa lý, tính đồng bóng, người mặc đồ trắng toát. Tóc bạc trắng, đeo kính đen, áo trắng, quần trắng, giày cũng trắng ngồi ở cái quán nước chỗ gốc đa, nghe lại chuyện, bấm đốt tay mà phán:
Thằng đấy theo tổ tiên sớm là tốt, cũng may mà còn ở đất liền về được cho ông bà dạy bảo, tịnh độ mà phù hộ cho đứa em út công thành danh toại. Nó có sống thì lớn lên cũng là thằng mắng bố chửi mẹ, nghiệp chướng quá lũ súc sinh. Còn thằng kia nữa không biết đường bộ có cho đi hay phải kết bè mà về.
Vừa gặp bố đứa bé còn sống đi về qua, ông vứt cuốc bỏ cày mà chửi:
Trẻ con nó nghịch dại cũng là điều thông cảm được. Còn ông già đầu, đã đi làm cái nghề mê tín lừa người thì lặng im câm họng mà làm. Mồm còn thở ra những câu như thế mà ông nghe lọt lỗ tai à. Thử con cái nhà ông chết, ông có dám mở mồm nói thế không hay người ta gang họng ông ra. Ông có tin là tôi cho ông đường bộ không có mà đi, bè cũng không có mà về ngay bây giờ không? Ông tin không?
Lão thầy địa lý bị chửi cho tối tăm mặt mày mà lặn mất.
Giọng bác Quản trang dịu xuống:
Giờ đứa đã mất cũng sang áo rồi, đứa còn lại may mắn mà chẳng hề gì. Giờ thầy bà đội lốt lừa người kiếm tiền cũng nhiều, chắc bày trò nói dựa, dựng chuyện lên thôi. Từ ngày đứa kia mất, thằng còn sống cũng đỡ nghịch ngợm hơn, tính trầm hơn, ít nói cười.
Tôi hỏi lại bác Quản trang:
Thế ưu tiên là sao ạ?
Nơi này mạch đất rất thịnh, trước đây các cụ trong Hội đồng làng đã có lệ, chỉ những người chết trẻ oan khuất hoặc công danh vinh hiển, khoa bảng áo gấm về làng mới được đặt mộ ở đây. Đều dùng mộ tròn, già đặt trong trẻ đặt ngoài tạo vòng linh khí mà giữ hưng vượng cho làng. Khu này Thành hoàng làng từ ngày khai hoang mở đất thấy mà giữ nguyên hình. Qua bao đời Long mạch thủy tổ vẫn đầy đủ Khí mạch (Thiên khí), Sơn mạch (Địa mạch), Thủy mạch. Nơi đây không có núi mà vẫn thấy Thạch là cốt của Long, đất là da thịt, Thủy là huyết mạch, Khí mạch là Thiên khí mà đất hấp thụ của trời, còn gọi là khí Tiên thiên. Khí thông qua mạch mà vận hành, mạch ẩn tàng trong đất. Khí mạch không tách rời nhau, là phần hồn của Long và cũng là năng lượng của Long. Những người nằm đây mang Can Long của Thành hoàng làng, Chi Long tự nhiên mà kết huyệt.
Bác Quản trang nhìn tôi rồi bảo:
Anh trong người cũng có long, nên tôi mới dẫn ra đây. Chi lớn gặp Can nhỏ, long lớn tầm long bé.
Tôi cười trừ chối:
Giun đất chứ nong lia gì bác.
Rồi bác Quản trang dẫn tôi men theo bờ cỏ, đi tiếp ra bờ sông. Tôi lại được phen ngỡ ngàng. Một không khí tang thương hiện ra trước mắt. Cạnh bờ sông, những chiếc quan tài đã bật nắp, mở thành bày la liệt trên bờ kè, dập dờn theo sóng nước. Mùi cháy khét của quần áo người chết đốt bén hơi dầu hẵn như còn âm ỉ khói. Một cái bến nước quan tài với những tấm bia xi măng đã đập vỡ, mỗi nơi một mảnh. Đàn quạ tránh ánh nắng ban ngày, kêu gù gù đậu đen nghịt ngọn cây cao. Cảm giác u ám khó tả.
Bác Quản trang tiếp lời:
Tôi mệt nhất với cái bến này, lệ là người sang áo đều đem quan tài ra đây mới làm lễ mở nắp, che bạt tránh nắng chiều tắm rửa rồi mới sang tiểu sành. Thành ra khu trong thì sạch sẽ mà khu ngoài này thì bừa bộn, ngổn ngang. Con nước ở đây thất thường, lên là lên ngập, cạn là trơ ra đến đáy, đi bộ được ra đến lòng sông, chỉ tốt cho mấy nhà thầu đất bãi bờ ở đây nuôi rươi. Còn tôi nghĩ đến chuyện đi dọn thôi cũng đã đủ nhọc rồi.
Nước đang cạn, chỗ bờ nuôi rươi lộ trơ chân ruộng, trông cao như người ta đánh đống đắp gò. Mặt tôi biến sắc khi nhìn thấy tấm gỗ chắn ở lỗ nước ra vào ruộng. Khe gỗ vàng trạm khắc chữ Thọ lộ ra. Là ván quan tài.
 

Attachments

  • IMG_20200619_224246.jpg
    IMG_20200619_224246.jpg
    710.5 KB · Views: 220
Last edited:
Thủy thần

II

Tôi là người không ăn được rươi. Nói thế cũng chẳng phải, bữa ăn được ngon lành, bữa đau bụng dữ dội như chết đi sống lại. Từ đó là tôi không bao giờ ăn rươi nữa. Rươi là một thứ đặc sản đắt tiền, chả rươi, canh rươi thơm, ngon và nhiều chất dinh dưỡng do cơ chế của con rươi rất đặc biệt. Rươi được gọi với cái tên Rồng đất, sống ở vùng nước lợ, nơi sông hay có thủy triều lên xuống, một giống họ giun nhiều tơ, nhiều chân xanh đỏ đủ màu cuộn vào nhau bò lồm ngồm. Khi nước sông tràn vào đồng vừa rút, người ta chỉ cần bổ vài nhát cuốc xuống đất là thấy những sinh vật kì lạ nửa giun nửa rết từ từ đùn từ đất chui lên, có con dài tới vài mét. Chẳng mấy chốc chúng tự phân khúc, đứt rời và hình thành con rươi.
Hoặc để dễ thấy hơn là bạn nhìn thấy dưới nước như một đám sinh vật phù du, hình thù quái dị nhiều kiểu như màu bùn đất trong nước nhưng lại có cơ chế di chuyển định hướng thì nó cũng chính là rươi. Vì vậy mà những Vợt thủ đem vợt đi hớt rươi sông cũng hay đùa nhau: C... ứt cũng như rươi, 30 cũng như Tết để trêu chọc những tay mắt toét, hớt phải thứ không cần hớt. Nhìn thấy cái bến nước quan tài này, thấy người ta táng tận lương tâm, chèn cả ván quan tài vào lỗ nước ruộng để nuôi rươi. Tôi hiểu vì sao có những bữa rươi tôi không ăn được, đau đớn như sắp chết. Tôi cũng hiểu vì sao ngày nước rươi những người bị bệnh xương khớp hay đau nhức khi Rồng đất ngoi mặt nước quẫy động. Rươi là thứ hấp thụ được không chỉ là mùn rác rơm rạ, nó hấp thụ được cả những mảnh vỡ linh hồn và tinh khí trời đất.

Tôi tự ngẫm:
Hóa ra là đã có long thì không thể ăn long.
Tôi và bác Quản trang quay trở về. Bê tông đang đổ rồi. Anh Kĩ thuật trưởng đã đứng lù lù ở ngay bên quát thợ làm. Tính ông ấy vẫn vậy. Làm ra làm, chơi ra chơi.

Nhìn thấy tôi, ông ấy quát:
Mày bỏ việc đi đâu đấy. Để bê tông be bét ra thế này à.

Tôi bình tĩnh bắt mạch :
Hôm nay có đám sang áo mà anh chả bảo em gì. Lo việc sắp chết.

Ông Kĩ sư trưởng dịu giọng lại:
Thế giải quyết được không?
Ổn anh ạ

Thực ra có giải quyết cái mẹ gì đâu, đi tán dóc với bác Quản trang. May mà bốc phét gặp thời. Người ta nào có đi gì ra đến ngoài cổng. Ông Kĩ sư trưởng hay kể cả là Sếp tôi không mê tín nhưng nhắc đến chuyện mồ mả là hay lảng đi. Bọn tôi có pha đi làm đường, máy xúc đào vào bê lên mấy cụ liên tục. Hồi đấy mới vào, anh Cường phải một mình gánh team thuê xe đi mua tiểu, gọi điện, mời thầy sang cốt. Sếp và ông Kĩ sư trưởng hầu như tránh mặt, mất hình. Tính anh Cường cũng nóng, xong việc chửi um cả lên, chẳng ai dám nói gì.
Đến gần trưa thì đổ bê tông xong, tôi nói to như quát với bác thợ đang kéo cái máy xoa mặt bê tông xoèn xoẹt hòa lẫn trong tiếng máy nổ ầm ầm:
Cho vừa xi măng thôi, không là trơn ngã vỡ mồm ra. Người ta lại chửi bố cháu đấy.

Trưa rồi nhưng vẫn thấy Sếp ra. Bác Quản trang dẫn đường ra một khu đất, Sếp đi trước cùng nói chuyện, tôi với anh Kĩ sư trưởng theo sau. Phải vài héc ta đất bỏ hoang, để cỏ ra đến bờ sông. Hóa ra bác Quản trang là anh trai một Boss khá to đang có ý định cùng Sếp tôi làm một cái cảng sông và kho trung chuyển hàng. Bọn tôi chịu trách nhiệm xây dựng, đứng tên luôn. Bên địa chính và anh trợ lý giám đốc cũng vừa đến. Giấy tờ chỉ trỏ ngang dọc. Ra đến bờ sông, tôi bất chợt nhìn thấy một thứ. Là một giấc mơ gốc. Bên bờ sông, khoảng phù sa ướt lợ mặn, đám cói dại thuộc về cổ xưa các cụ hay trồng để đan chiếu, xanh mướt, ì ào nghiêng ngả theo tiếng gió. Giữa đám cói dại um tùm, đã mọc là lan rộng không có giống thực vật nào khác chịu đựng được ấy, vẫn có một cái cây, duy nhất một cái cây cô độc mọc chính giữa, để đám cói chỉ như làm nền cho nó. Làm nền cho hi vọng của sự sống. Một thứ cây chịu được dòng thủy triều ngọt nhạt ra vào, sức sống còn khỏe hơn cói lác. Cói chỉ có thân mà chẳng có lá, cái cây kia vẫn đủ lá, đủ cành hàng ngày xanh tốt vươn mình kiêu hãnh đón ánh nắng mặt trời. Cũng lạ thay sao bao năm nó vẫn cô độc. Cũng khéo thay con chim nào, cơn gió nào tha được thứ hạt giống này gieo xuống đây. Một và chỉ một mầm sống duy nhất. Nhắc về giấc mơ gốc, có thể có người chê tôi huyên thuyên vớ vẩn. Nhưng giấc mơ gốc là thứ thực nhất mà tôi đã từng trải qua trong đời. Khá nhiều lần sau khi vào công ty, tôi mơ thấy một giấc mơ kì lạ. Một khoảng trời như đang ở một vùng đất khắc nghiệt ngoài vũ trụ bao la. Sáng tối phân tranh, cảm nhận về thời gian như lờ đờ nhích từng chút một, chỉ có một cái cây duy nhất mọc trên một vùng đất đen nứt nẻ cằn cỗi, lá vẫn xanh tốt xạc xào trong tia sáng hiếm hoi vụt qua.

Nay tôi gặp lại hình ảnh này. Tôi biết mình đã chạm vào giấc mơ gốc của Sếp tôi. Sếp tôi là một người nhiều tham vọng nhưng sau nhiều lần trò chuyện với các anh lớn tuổi tôi biết điều Sếp tôi cả đời muốn có là một cái cảng nước trung chuyển hàng hóa bên sông. Với người khác hoặc công ty khác làm một cái cảng nhỏ rất đơn giản. Nhưng Sếp tôi nắm toàn kĩ sư chất lượng trong tay vẫn chưa thể xây nổi một cái cảng nhỏ 10~20 mét dài. Lần đầu tiên xây dựng, sau một cơn lũ lớn ông ấy đứng trên bờ bất lực, đau đớn mà nhìn cái cảng nước, giấc mơ của đời mình chìm dần trong sóng nước. Tính toán rất kĩ nhưng cơn lũ vài chục năm mới có một lần đá văng toàn bộ hệ thống cột bê tông neo giữ, gây sạt lở dây chuyền, cả một công trình kiên cố bị Thủy thần lôi xuống, nó rung động, gầm gừ rồi ngủ yên dưới đáy sông.

Lần này được coi là Thiên thời Địa lợi Nhân hòa, ông ấy chuẩn bị rất kĩ lưỡng, từ yếu tố tâm linh, đối đãi với người đã khuất trở đi. Ông ấy còn cẩn thận đến mức mời một nhóm Kĩ sư chuyên thiết kế cảng biển trên Hà Nội về. Chúng tôi ngồi đây là để chờ đợi, đàm đạo thử tài cái lũ tranh cơm ấy. Cũng chẳng phải ít tiền, pha này từ hồ sơ quy hoạch đổ đi, anh em phòng tôi quyết ăn trọn. Đồ nhà trồng được, hand made luôn, không có bố con thằng nào nhảy vào được cả.

Chờ mãi mới thấy hai anh, một ông giầy đen, mũ nồi, râu quai nón dáng nghệ sĩ, một ông trông như có bao nhiêu tài năng thì dồn hết vào bụng. Nói chuyện toàn dùng tiếng tây, bố của chuyên nghiệp. Nghe nó cao siêu đến mức không ngửi được. Khi Sếp tôi giả vờ gài, hai ông này nhắc đến đáy luồng 70 mét là tôi thấy hỏng rồi. Cụ đi lạnh toát rồi.

Hai ông kia về, Sếp cười hỏi:
Anh Trưởng phòng rồi anh Long phát biểu ý kiến nghe xem nào.

Tôi mạnh dạn bụp ngay:
Cháu nghe đến Marin Fairway Luồng hàng hải 70 mét là thấy không đúng rồi ạ. Theo thông số trên Vishipel đến một cảng biển lớn như cảng Cẩm Phả cũng chỉ có đáy luồng 110 mét thôi, mình có buôn khủng long cũng không hết 70 mét bác ạ.

Ông Kĩ sư trưởng cũng đồng tình:
Cháu đang tính 25 đến 30 mét là hết phim. Vấn đề là nằm ở cái gò đất phù sa đắp giữa sông kia. Thủy triều khu này rất phức tạp, bác xem dân tàu bè cạn nước phải tự cắm cây phân luồng giữa sông mà đi. Vấn đề là "Không vào được mà ra" hoặc "Vào mà không ra được" cho kịp tiến độ thời gian.

Anh trợ lý giám đốc cũng nịnh vào:
Thôi thầy để bọn con lo. Cứ cây nhà lá vườn cho lành ạ.

Sếp cũng xuôi xuôi rồi lên xe về.
Mấy anh em vào việc ngay, ngồi xổm vẽ nhằng nhịt ra đất, phân chia nhau công việc. Anh Cường, thằng Toàn cũng đã được thông báo.

Lại nói lại về giấc mơ gốc, khi tìm lại được giấc mơ gốc của chính mình thì Sếp tôi hoàn toàn cảm nhận được. Trông sắc mặt và nét tâm tư của ông ấy tôi dám cá là vậy. Chắc ai cũng nghĩ ông ấy sẽ bứng cái cây kia lên về trồng trong chậu, ngày ngày tưới tắm chăm nom như người ta tìm được cây lan quý. Không! Ông ấy chôn vùi nó vào đất đá của thực tại, để từ giờ đến mãi sau này không ai còn có thể biết và chạm vào giấc mơ ấy nữa. Giấc mơ ấy cũng không còn tồn tại dạng nguyên thủy nữa mà bị chôn vùi theo lớp đá gạo san lấp mặt bằng được lấy cẩn thận trên một sườn núi. Nó chìm xuống như một lá bùa, bị phong ấn theo thời gian. Nhưng với tôi thì nó như một kí ức bị mất đi đầy tiếc nuối. Lưu giữ lại dáng hình trong một vài tấm ảnh.
 

Attachments

  • IMG_20200620_005054.jpg
    IMG_20200620_005054.jpg
    125.1 KB · Views: 259
  • IMG_20200620_005014.jpg
    IMG_20200620_005014.jpg
    258.1 KB · Views: 247
  • IMG_20200620_004941.jpg
    IMG_20200620_004941.jpg
    237.7 KB · Views: 245
Last edited:
Thủy thần

III

Sắc trời đã chuyển chiều, anh Kĩ thuật trưởng về qua khu đô thị mới mà anh Cường và thằng Toàn đang cho thi công, tiện thể bàn chuyện bóc tách công việc cảng nước cho cụ thể. Bãi tha ma à nhầm giờ phải gọi là nghĩa trang mới còn lại mình tôi. Tôi giữ lại một vài thợ kê gạch, cốp pha làm cầu dẫn cho mọi người qua lại, cũng là để chờ đám sang áo kia xong đường sá có sứt sẹo gì thì mình cho người vá lại luôn. Người nhà của cậu bé được sang áo đã đến, thợ chuyên "cuốc nấm chuyển quan" cũng đã mang đồ nghề vào ngồi chờ giờ. Điều tôi thấy ngạc nhiên nhất là thầy cúng làm lễ cho đám. Đó là một ông cụ dáng người quắc thước, khổ hạnh, ánh mắt cương trực, áo the khăn xếp màu đen. Bác Quản trang kéo áo chỉ tay, bảo tôi rằng ông cụ ấy là một trong hai cụ cuối cùng còn lại của Hội đồng làng.

Hội đồng làng là một tổ chức nghe có vẻ lạ, nhưng thực ra là quen. Những ngôi làng giàu truyền thống, có lịch sử lâu đời thì thường có Đình thờ Thành hoàng và Hội đồng làng. Có việc cần kíp, hệ trọng thì các cụ trong Hội đồng bàn bạc "Động đình" xin ý Thành hoàng rồi theo Lệ làng mà làm. Đa phần các cụ đều là người thông tuệ, biết chữ Nho, am hiểu Tử vi lý số, Tử bình, Lịch pháp và rất coi trọng thanh danh làng. Thời xưa Lệ làng rất mạnh, ai cũng đã từng đôi lần nghe qua câu: "Phép vua thua Lệ làng". Vua còn phải nể trọng vì những lễ tế Nam giao hình thức cổ và tương đối khác biệt so với triều Nguyễn, vua nước Nam lập đàn, mở cánh cổng giao thoa trời đất xin thần linh cứu cơn "Nước đỏ hồng thủy" hay lúc "Nhập phục khô hạn", người cầm sớ chắp tay đứng góc đàn linh ứng nhất chẳng phải thầy tu lão pháp mà là các cụ trong Hội đồng làng. Theo thời gian, các cụ trong Hội đồng mất đi trong khi những người thực sự đủ tâm đủ đức đủ tài kế nhiệm thì không có. Thời buổi làm ăn kinh tế, lối sống bản thân vị kỉ cũng chẳng còn ai hứng thú với việc thổi tù và hàng tổng, lo chuyện bao đồng này nữa. Được nhìn thấy cảnh này cũng là may mắn hiếm hoi cho thế hệ bọn tôi. Cách cúng khấn ngắn gọn, đơn giản nhưng đầy đủ lễ nghi cổ. Trông như rẽ mây xuống nắng, toát ra cái uy thực sự của người Giữ thức gọi thần. Nó không bị ám mùi ma ma quỷ quỷ, mù mờ tăm tối trong mịt mù hương khói đau khóc đám thầy bà công nghiệp, đồng cốt nửa vời hay làm.

Làm lễ xong, không hiểu sao ông cụ đã biết chuyện xây cảng, ra chỗ bác Quản trang hỏi. Bác Quản trang tiện thể giới thiệu tôi luôn:

-Đây, cụ hỏi cháu này là rõ nhất.

Ông cụ hỏi đến đâu tôi cũng đều thành thật trả lời không chút toan tính. Ông cụ thở dài:

-Tôi lo con rắn có biết đường mà chạy đi không hay các cậu lại được bữa băm chả. Mà thôi đất hoang hóa mãi cũng có lúc phải dùng, để vậy thì nó cũng chỉ là đất chết. Mong thầu bè êm xuôi, xây dựng ổn định xong có thêm công ăn việc làm cho bà con. Hai anh đi với tôi. Tôi có việc muốn nhờ.

Rồi ông cụ chắp tay sau lưng đi, qua cái cổng thép gai đã mở sẵn, hướng ra hướng bờ sông. Tôi cùng bác Quản trang cũng nhanh chân bước theo. Ra sát mép nước bờ sông, ông cụ chỉ vào một cái cây rồi bảo:

-Sau này xây dựng, nếu được thì các anh chừa lại giúp cho cái cây này. Mà có khi thôi không cần, cũng chẳng để làm gì nữa rồi.

Chợt thấy hơi kì lạ. Đó là một cái cây gỗ thân nhỏ thưa lá nhưng cao vượt đầu người, dáng thế cong như bị gió đẩy vào trong. Quanh thân cây dây leo, tơ hồng vương vấn, bọ dừa, cánh cam con bay con đậu. Trông cái cây thấy nó quen quen nhưng cũng chẳng biết tên gọi là gì. Ông cụ nhìn chăm chú ra cái gò đất được phù sa bồi đắp giữa sông. Nước đang lúc rút nhiều chỗ trơ đáy sông, vài ba cái tàu lẻ loi nằm im giữa luồng chờ con nước. Tiếng người ta mò hến bắt cáy ý ới. Giữa dòng sông nước lúc kì ảo, ông cụ chợt nổi hứng, kể lại chuyện xưa tích cũ đậm sắc Việt về Vua cha Bát hải và cậu học trò Giao long của thầy Chu Văn An.

Theo tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam việc thờ Tam tòa tứ phủ cũng song hành gắn liền với việc thờ bốn vị Vua cha. Các Đức Vua cha gồm Vua cha Ngọc hoàng (vua trời), Vua cha Bát hải (vua nước), Vua cha Diêm vương (vua đất), Vua cha Nhạc phủ (vua thượng ngàn).

Vua cha Thiên phủ - Ngọc hoàng thượng đế:
Trong đạo Mẫu của Việt Nam, Ngọc Hoàng được gọi là Vua cha Ngọc Hoàng, là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là đấng thần chủ tối cao. Là vị Thánh cao nhất trong đạo Mẫu nên Ngọc Hoàng thượng đế thường có ban thờ riêng trong các đền và phủ.
Dù điển tích về Vị Vua cha này rất ít, thường mang tính chất chung chung nhưng đối với người dân quê Việt Nam, Ông trời không phải là một vị thần trừu tượng, ông được coi như một con người, vua của các vị vua, là nguồn gốc của sự sống và mọi lẽ công bằng. Sức mạnh tối thượng của Nhân quả báo ứng, Đối chứng âm dương thì những người có tuổi trải đời đều thấu hiểu.

Vua cha Diêm Vương:
Vua cha Diêm vương còn gọi là Địa phủ Thánh đế Thập điện Minh Vương tòa Chương Địa Phủ là vị Vua cha gắn liền trong tín ngưỡng tam tứ phủ, ngài cai quản miền đất. Chính vì vậy Phán quan địa phủ trong cõi nhân gian có tầm hoạt động rất rộng.

Vua cha Bát hải Động Đình:
Theo thần tích của đền Đồng Bằng, vào thời Vua Hùng, có hai vợ chồng họ Phạm và họ Trần bắt gặp một cô gái nhỏ bên sông. Họ đã nhận cô bé về làm con, đặt tên cô là Quý Nương.

Năm Quý Nương 18 tuổi, cô ra sông tắm có con Hoàng Loang quấn chặt lấy người cô. Chẳng biết tam sao thất bản, kinh sử mai một là Hoàng Long hay Hoàng Nhân Thẩm (Hoàng Loang). Nhưng tôi thấy nếu là chữ Loang xưa của các cụ cũng rất hay. Loang mang nghĩa gốc là Nhân Thẩm. Chữ Nhân có thủy thổ hợp thành mà ra chữ tắc, là dòng phù sa lắng đọng bồi đắp. Chữ Thẩm mang nghĩa nước mưa thấm đất. Hoàng Loang là ý trời cho sự sống tinh hoa của sông nước thấm vào cơ thể. Quý Nương có thai và sinh ra 1 cái bọc. Từ bọc sinh ra 3 con rắn. Hai con bỏ đi, một con chui xuống giếng nước đền Đồng Bằng.

Khi giặc Thục sang xâm chiếm nước ta. Vua Hùng lập đàn cầu trời được thần linh mách bảo về nơi Đền Đồng Bằng mà triệu thì sẽ có dị nhân đứng lên giúp đánh tan quân thù. Khi Vua Hùng bước chân đến giếng đền Đồng Bằng, Hoàng Xà liền hiện ra và biến thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tú hơn người. Người thanh niên nhận chỉ dụ của Vua Hùng, sau đó triệu 2 em (hai con rắn còn lại trong cái bọc Quý Nương sinh ra) cùng mười tướng. Sau khi triệu tập quân sĩ đã xuất quân và đánh tan quân Thục trên cả 8 cửa biển chỉ trong vòng 3 ngày. Ngài có tên là Vĩnh Công, sau này được Vua Lý Thánh Tông phong là Vĩnh Công Đại Vương Bát Hải Động Đình. Vì thế dân gian gọi ngài là Vua Cha Bát Hải Động Đình.

Dù thần tích có phần thêu dệt hơi quá nhưng Vĩnh Công Đại Vương và 10 tướng đều là người có thật. Những ai đọc và hiểu được những kí tự trên trống đồng Đông Sơn thì sẽ rõ ông cha ta thời ấy đánh bản đồ biển bá như thế nào. Con trăng dòng nước thuộc như lòng bàn tay cũng không thẹn cái danh Đứa con biển cả. Sử cũ Tàu cũng từng thừa nhận, dân Văn Lang xưa ngày thường nóng tính cục súc hay bất đồng gây gổ, đánh chửi nhau nhưng khi có chuyện thì lại rất đoàn kết. Tóc tai chẳng theo lề lối, người cắt ngắn, kẻ lại để dài buộc như đàn bà, hay cởi trần, xăm trổ, giỏi chuyện sông nước.

Vua cha Nhạc phủ Tản Viên Sơn Thánh:
Vua cha Nhạc phủ là một vị thần tối linh trong Tứ bất tử của Việt Nam, là Tản Viên Sơn Thánh. Đức Thánh Tản là cha của Mẫu Thượng Ngàn La Bình công chúa. Trong Tứ bất tử thì Tản viên Sơn thánh là vị đứng đầu, ngài còn được phong là Nam Thiên Thánh Tổ.
 

Attachments

  • FB_IMG_1592732871667.jpg
    FB_IMG_1592732871667.jpg
    345.2 KB · Views: 159
Last edited:
Thủy thần

IV

Ngài hiển linh vào thời Vua Hùng là vị tướng tài chống giặc xâm lược nhà Thục, bảo vệ Văn Lang. Vĩnh Công Đại Vương đánh thắng giặc trên các cửa biển, còn Đức Thánh Tản đã đẩy lùi quân giặc ở đường bộ trên vùng đồi núi.
Cũng có ý kiến cho rằng các vị vua cha chỉ gồm 3 vị: Vua cha Ngọc Hoàng cai quản thiên giới. Vua cha Bát Hải cai quản các công việc dương gian. Vua cha Diêm Vương cai quản âm giới. Nhạc phủ cũng được tính dưới quyền cai quản của vua Cha Bát Hải.
Nhưng để công tâm mà nói trong tâm thức người Việt, biến tinh thần của Thánh Tản hoạt động mạnh và rõ nét hơn cả.

Lại nói về chuyện cậu học trò Giao Long của thầy Chu Văn An.
Chu Văn An vốn quê ở Hà Nội, là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng, bên sông Tô Lịch. Vua Trần Minh Tông mời ông ra làm tư nghiệp Quốc tử giám, dạy học cho Thái tử Trần Vượng.
Đến đời Trần Dụ Tông cầm quyền trị vì, tình cảnh xã hội rất nhiễu nhương. Dụ Tông là người ăn chơi thích tửu sắc hát xướng. Cận thần nhiều người bất tài, lo bế vua để lộng hành. Dân tình đói khổ. Nhiều trung thần nghĩa sĩ bị làm hại.
Chu Văn An vốn là người thẳng thắn ngạch trực, có uy tín cao trong triều. Ông đã dũng cảm dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên nịnh thần nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng, dạy học, viết sách. Ngày về mở lớp, có con Giao long cảm cái khí chất thanh cao của ông, ngày ngày hóa người trút lốt thuồng luồng lên theo học. Thầy cũng nhìn ra Long khí toát ra trên người cậu học trò lạ nhưng cho là kẻ ham học nên vẫn dạy bảo như bao trò khác. Năm ấy vùng núi Phượng Hoàng trời làm đại hạn, suốt từ cuối năm trước tới đầu tháng hai năm sau không có lấy một giọt mưa. Đồng ruộng nứt nẻ, dân tình thống khổ. Thầy xót quá mà gọi riêng cậu học trò Giao long lại, nói chuyện xin mưa. Cậu học trò đáp lời:

-Dạ, nhưng hiềm vì sông hồ đều có lệnh "phong bế" cả thì lấy đâu ra nước bây giờ.

Thầy lại khẩn khoản:

-Con nghĩ thử xem có thể lấy nước ở đâu được không. Không cứu được nhiều thì hãy tạm cứu ít.

Cậu học trò ngần ngừ hồi lâu rồi nói:

-Dạ, oai trời thì rất nghiêm nhưng lời của thầy thì con cũng rất trọng.

Thầy trò cắp chiếu bê nghiên bút ra bờ sông. Trên chiếc chiếu cói, cậu học trò chầm chậm mài mực, duỗi mép giấy nắn nót thả chữ. Động tác nhìn trân trọng như lần cuối trong đời được cầm bút viết rồi thoáng qua làn gió mà biến mất. Thầy chỉ kịp thấy dòng chữ Cấp tốc Chiến lệnh.

Đêm hôm ấy quả nhiên mây mù tối tăm rồi mưa một trận như trút. Thầy vừa mừng vừa lo, suốt đêm chạy ra chạy vào không ngủ. Canh ba mệt quá mà chợp mắt thấy có con giao long bị chặt đầu, xác nổi lềnh phềnh trên sông nước. Thức giấc mà chảy nước mắt. Nghe ra ngoài thấy dân tình bàn tán về cơn mưa kì lạ, chỉ có nước duy nhất khu đồng ruộng quanh núi Phượng Hoàng. Cậu học trò Giao long từ ngày ấy không còn thấy lên lớp nữa.

Tâm trí đang mơ hồ trong kì ảo chuyện sông nước, tôi chợt dựng hết tóc gáy khi thấy thứ vừa đi ngang qua trước mắt. Một con rắn dài, to cỡ khoảng cổ tay, lớp da mốc meo chầm chậm bò ngang qua chỗ chúng tôi đang đứng, hướng ra sông. Cái dáng vẻ bình tĩnh, dạn người của nó chứng tỏ rằng nó đã rất già rồi. Và trên đỉnh đầu nó có một cái mào đỏ như mào gà. Ông cụ trong Hội đồng làng và bác Quản trang cũng nhìn thấy, việc làm tôi bất ngờ hơn là hai người chắp tay làm lễ như chào hỏi bậc bề trên, bác Quản trang lên tiếng:

-Chỗ này cụ không ở được nữa rồi, kính cụ Nhất lộ thuận phong!

Chắc rất nhiều người sẽ bật cười mà nghĩ tôi lại u mê nghe hơi chuyện ông bà xưa hồi tối tăm, lạc hậu mà viết ra. Ngày ấy, ở bất cứ làng quê nào, bất cứ ai cũng đều có thể được nghe thấy chuyện có người bắt gặp rắn thần có cái mào gà đỏ chót trên đầu. Sao mười người như một, không bịa ra cái gì nghe nó đỡ vô lý hơn một tý nhỉ? Một con rắn mà gắn cái mào gà đỏ chót, sần sùi trên đầu thì nó thành cái gì?

Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao khắp nơi trên thế giới, con rắn đều là một linh vật gắn liền với thần thánh chưa? Chẳng lẽ từ thời cổ đại, người ta đã Facetime, Video call họp bàn với nhau, thống nhất đưa rắn lên làm linh vật. Hy Lạp cho rắn thần quấn quanh gậy, ngậm lá thuốc cứu người sau này là biểu tượng của nghành Y, Ấn Độ cho rắn thần quấn quanh bảo vệ Đức Phật ngày Ngài sắp nhập Niết bàn, Việt Nam thì cho rắn thần có thêm chiếc mào gà trên đầu.

Thực ra con rắn không hề có cái mào gà đỏ chót đó. Nhưng nếu giác quan của bạn cảm nhận được âm giới thì bạn sẽ nhìn thấy cái mào đỏ ấy. Chữ "mào gà" xưa hay bỏ chữ "gà" đi âm hán việt đọc là Quan mang nghĩa cái mũ, ngọn, đỉnh, người đứng đầu. Lệ xưa chưa đội mũ là chưa đến 20 tuổi. Khi thấy một con rắn có mào đỏ chót tức là bạn đang thấy một con rắn già sống lâu năm thành tinh được linh hồn một người có địa vị cao hơn bạn thường là quan lại mượn khi có việc. Những con rắn thế này hay sống ở gần đình chùa linh thiêng hoặc núi còn long mạch, thích nằm trên cao. Lúc bắt gặp, việc nên làm là chắp tay, cúi đầu lễ lịch sự chào Ông rắn/Bà rắn/Thần rắn rồi đi. Không nên giơ máy điện thoại chụp, hô hoán, đồn thổi linh tinh vì càng làm um lên bạn sẽ càng giống một đứa tâm thần. Đã từng có những câu chuyện đau lòng liên quan đến rắn thần. Một gia đình hai vợ chồng trẻ mới cưới sống ở chân núi, vợ thấy con rắn già có cái mào đỏ trên đầu, kinh hãi quá mà đi gọi chồng. Anh chồng cầm đòn gánh xông đến chỗ vợ bảo, con rắn già vẫn nằm đó nhưng lạ là anh ta không nhìn thấy nó có mào như vợ nói trong khi vợ thì vẫn khăng khăng, chắc như đinh đóng cột là con rắn có mào. Anh chồng nghĩ là giống rắn tinh, ma quỷ trêu người, tiện đòn gánh mà vụt chết con rắn. Đương nhiên là cũng chẳng có thánh thần nào "vật phát chết tươi" cả. Nhưng chuyện tâm linh vốn nó hay ẩn hiện, giả giả thật thật xoay quanh cuộc sống mà đánh vào tâm thức. Khi anh cùng bao thanh niên khác trong làng đi chiến trường Campuchia 1978-1982 về, bạn bè cùng đơn vị may mắn không sao, chỉ mình anh dính chất độc. Đẻ hai đứa con đầu giống hệt khỉ, mặt mũi đen xì, tay chân lông lá. Đi nhà trẻ cô giáo không dám nhận vì bọn trẻ nhìn thấy sợ quá khóc lóc ầm ĩ. Hai đứa nhỏ cũng chỉ lay lắt sống đến 16, 17 rồi mất. Đẻ đến đứa thứ ba thì lại xinh tươi, đẹp đẽ giống cha mẹ. Người thì cũng đã mất rồi, nhắc lại nỗi đau chiến tranh là có tội, nhưng tôi cũng chỉ muốn nhắn nhủ: Hình hài con người là thứ cực kì quý giá, sống hãy cố giữ cho mình một cái tâm lương thiện để khi có chuyện không phải áy náy, cắn rứt. Các cụ cũng hay dạy

Có thờ có thiêng
Có kiêng có lành

Chúng tôi quay trở về, đến bụi tre gần âu nước cạnh sông, thấy có đám cúng khấn, lễ hướng ra sông, ngựa giấy, thuyền bè, đao kiếm, hình nhân la liệt. Ông cụ của Hội đồng làng nghe thấy văn khấn chướng quá, hỏi mà như quát:

-Cô cúng giải hạn sông nước cho người hay cô định đưa quỷ lên bờ?

Cô thầy cúng như có vong nhập, đưa ánh mắt thù hằn lườm lại ông cụ, rồi tự xưng Thánh mắng chửi, kể vanh vách chuyện 3 đời ông cụ. Đến bác Quản trang cũng không khỏi ngỡ ngàng vì nhiều chuyện giữ kín đến người làng cũng còn chẳng biết huống hồ người ở tận đẩu tận đâu. Người nhà mời thầy cúng thì thấy Thánh hiển linh, một hai đều răm rắp lạy Thánh, vái như tế sao. Duy chỉ còn mỗi ông cụ vẫn giữ được vẻ bình tĩnh, ông chỉ tay mà nói như với kẻ thù:

-Để ta nói cho ngươi biết này. Khi Đức Thích Ca chuẩn bị nhập niết bàn, Vua trời đã đích thân xuống tiễn. Đức Thích Ca có nói với Vua trời rằng: "Với người cõi trời thì những người ở cõi người bốc mùi hôi xa cả vạn dặm vậy hà cớ gì mà nhà vua xuống trần để tiễn ta trước khi mất".

Vua trời nói:

-Đúng như vậy, nhưng được tiễn một người sắp nhập niết bàn để trở thành Phật thì tôi đâu có xá gì chút mùi hôi bây giờ của ngài".

Thần thánh không nhập vào xác phàm vì thân người là ô uế. Vậy thì ai nhập? Chính là những vong linh rất tầm thường tự xưng mình là thần thánh như ngươi. Biết được chuyện này chuyện kia dọa người làm người ta sợ mà nhầm tưởng là thần thánh.
 
Last edited:
Thủy thần

V

Ông cụ lại tiếp tục nói, giọng sắt thép:

-Còn con đồng cốt nửa vời này, mày mà Tự kỉ ám thị thì tao tát vỡ mặt mày ra cho mày tỉnh. Thánh còn đi lo việc đại sự quốc gia, không phải cứ mày rảnh, mày gọi là giáng về để phán truyền. Mỗi ngày có bao đứa đồng cốt như mày gọi, dù Thánh có thương tình mà về thì phân bao nhiêu thân mới đủ cho chúng mày kiếm tiền.

Chợt có tiếng cười ré lên rợn hết tâm trí, cái tiếng cười y hệt như khi tôi kéo Mỹ Phượng dưới hồ nước lên. Cô thầy cúng ngã vật ra chiếu, mơ mơ hồ hồ, kêu đau đầu, tay vỗ bồm bộp lên trán. Ông cụ hỏi người nhà:

-Nhà chị cúng cái gì?

-Con cúng lễ tạ hết hạn sông nước cho đứa con trai.

-Chị cho tôi xin ngày sinh tháng đẻ thằng bé.

Rồi ông cụ lướt đốt tay như người ta đẩy bàn tính, miệng lẩm bẩm đọc thơ:

Chính Thất, sơ sinh Tị Hợi thì
Nhị Bát, Thìn Tuất bất thậm nghi
Tam Cửu, Mão Dậu đinh thượng vị
Tứ Thập, Dần Thân kỷ định kỳ
Ngũ đồng Thập Nhất, Sửu Mùi thượng
Lục đồng Thập Nhị Tý Ngọ chi.

Nếu tôi không nhầm thì là bài phú tính trẻ phạm giờ quan sát trong Tử vi ảo bí của Việt Viêm Tử. Rồi ông cụ hỏi:

-Thế thằng bé đâu?

-Dạ nó hết hạn rồi, cũng hiếu động không thích ngồi lễ nên chắc đang theo mọi người sang thoi bắt cáy ạ.

Mặt ông cụ biến sắc, ông run run đẩy lại đốt tay rồi nói:

-Nó đã hết hạn sông nước đâu. Có phải đúng cái thằng ngày xưa đẩy xác chết trôi không? Đi tìm nó lôi về ngay. Cúng khấn cái gì nữa!

Thấy tiếng ông cụ nói như sắp khóc, sắc mặt buồn xa xẩm tối tăm, bà mẹ cũng cuống cuồng đứng dậy, xỏ dép đi tìm con. Chợt có một cô người vẫn lấm lem bùn đất, chạy thình thịch lại chỗ bà mẹ:

-Con chị chết đuối được người ta vớt lên để ở thoi đất giữa sông kia rồi.

Bà mẹ ngã vật ra khi nghe tin sét đánh. Tôi rùng hết mình, mạng người sao lại vô thường thế. Mọi người xung quanh nháo nhác, chạy ra chạy vào toán loạn hết lên. Bác Quản trang chạy về gọi bố đứa bé cùng người nhà, ông cụ với tôi đưa bà mẹ chết ngất kia vào chiếu nằm, dọn bớt đồ đang bày ra trên chiếu cho có không khí mà thở, cô báo tin ấn huyệt, cạo gió. Còn cô thầy bói, tôi cũng chẳng để ý, một lúc thấy lảng đi đâu mất. Bờ sông vắng yên bình chợt ngập tràn tiếng đau khóc, sự tang thương.

Người nhà cậu bé tính bó chiếu mượn thuyền đưa về nhưng ông cụ không đồng ý:

-Các anh cứ làm như mai ra hàng mã, mua cái cầu, cúng mấy câu là linh hồn thằng bé về nhà được. Thế người ta bắt nó xuống làm gì. Các anh nghe tôi, cầm đồ sang rửa, thay mặc cho thằng bé rồi cho vào áo quan luôn, rắc tiền đẩy bè về rồi mới cho về nhà được. Các thứ còn lại tôi lo, tội vạ đâu tôi chịu. Nếu sau này có người vẫn mơ thấy thằng bé mộng về kêu khóc đói rét chưa được lên bờ, cứ lên mà đáp c... ứt vào nhà tôi.

Mọi người thấy cụ nhiệt tình, lại là bậc đức kính trong làng nên nghe theo. Cái khung cảnh quan tài nằm trên bè gỗ trên sông, trong hương khói, người cắm sào đẩy bè, người rắc tiền vàng bay theo làn gió, bập bềnh sóng nước thật ám ảnh. Buổi chiều hôm ấy tâm trí tôi cứ tản mác, buồn buồn. Ai gần sông nước đều hiểu sự tàn khốc của sông nước. Những cái bẫy của tự nhiên như xoáy nước, hẫng nước, hố thụt âm thầm trong vô hình mà con mồi không ai khác chính là con người. Ông nào chết hụt có người tóm được lên đều cảm giác như phúc phần bao đời của Tổ tiên là để dành lại phần mình. Còn cái bóng đen nữa! Cái bóng đen cười ré lên nhờn nhợt kia hóa ra không đơn giản như những gì sư trụ trì chùa Đàn kể. Thực ra nó là ai? Sáng giờ lại thấy ngổn ngang tin nhắn của Mỹ Phượng trách tôi sao không thấy đi làm hay là tìm cớ trốn chạy nó. Chắc con bé lại lên trường học tìm tôi. Tôi nhắn tin lại:

-Mai anh về thì lên.

Cũng chẳng phải yêu đương gì mà tôi sợ, một nỗi sợ vô hình. Tôi cũng chẳng phải anh hùng có siêu năng lực gì nên muốn thi thoảng có thể nhìn thấy cô bé, dặn dò cho an tâm mà thôi. Một buổi chiều căng thẳng tâm trí nên tối tôi về ngủ sớm và có một giấc mộng thật dài.

Thấy mình lại tìm ra bờ sông, khung cảnh có chút đổi thay, trong lành, thanh lặng hơn như không hề có dấu vết của con người. Thứ ánh sáng dịu lành, kỳ ảo đem sự sống xuyên qua đám mây phả xuống dòng sông. Chợt thấy mặt nước dậy sóng, một con vật to lớn dáng người giữa dòng sông trồi lên, bước đi ầm ầm vào bờ. Màu bùn đất phù sa trôi chưa hết nên cũng không biết hình thù của nó thực sự như thế nào, chỉ thấy bàn tay to có lấp lánh vẩy cá, bám vào cái cây bên sát mép nước để lên bờ. Chính là cái cây mà ông cụ trong Hội đồng làng nhắc. Nó bước đi đến đâu, cỏ cây hoa lá mọc đến đó, tươi tốt rực rỡ. Nhấc gót chân cũng lại tạo luôn cái chết héo hon như khô hạn. Con vật bước được vài bước thì bị một trận đồ Cổng chữ Khai 开 khổng lồ quây vòng tròn từ trên trời lao xuống khóa lại. Con vật gầm lên giận dữ tìm lối ra. Nhưng mỗi khi nó bước vào một cánh cổng mở thì một trận đồ mới tương tự lại xoay vòng lặp lại, cũng có những cánh cổng tưởng mở mà không mở, có chốt ngang chân trong mờ ảo mây khói, làm con vật vấp ngã trong đau đớn. Vòng lặp lại xoay. Có những chỗ trên mặt đất thì như kim châm xuyên vào thấu buốt da thịt. Con vật gào thét trong ma trận không lối thoát ấy. Có tiếng cười ré lên trong không trung, một cái bóng đen nhờn nhợt dáng người xuất hiện. Cùng lúc ông cụ trong Hội đồng làng cũng không biết từ đâu Áo the khăn xếp đen bước đến. Tiếng ông cụ mạnh mẽ, dõng dạc:

-Vốn là người phương Bắc, chết đất phương Nam, nay bày trận gông cùm, xiềng xích thần thú phương Nam. Thử hỏi nó chỉ mang đến sự sống chứ có tội tình gì? Nay ta dùng chính trận pháp phương Bắc phá đồ trận phương Bắc cho ngươi tâm phục khẩu phục.

Bóng đen lại phá lên tiếng cười, ông cụ nhặt mấy hòn đá rồi bước vào trận pháp, muội lửa bên trong vòng tròn trận pháp chữ Khai 开 đã hiền hiện. Nói qua một chút về trận pháp của bóng đen phương Bắc. Nó là một trận pháp ngũ hành có tên Thập nhị Đô thiên môn Thanh trận. Gồm mười hai cổng chữ khai 开 xếp tạo hình như Bát quái nhưng là một dạng biến thể phát triển hơn của Bát quái, tạo nhiều mặt cạnh hơn mang giống như tính chất kim cương, khó mà có thể dùng ngoại lực từ bên ngoài tác động mà phá vỡ. Có 6 cổng chữ Khai mất chốt hay còn gọi là khai mở (Tưởng không khai mà khai) 6 cổng chữ Khai đóng (Tưởng khai mà không khai).
Ba cổng có chốt ngang chân thường xếp cạnh nhau và chia cặp đối diện hai bên, mờ ảo trong mây khói, khi bước tới thì tạo hình vấp ngã, gây suy yếu vật giam bên trong. Mỗi lần như thế vòng tròn lại quay không thể lấy dấu. Sáu Cổng mở thì có 5 Cổng mở ảo, mỗi lần vào sai vòng tròn lại quay xóa dấu. Chỉ có một đường Sinh duy nhất ở Cổng mở số 3 được trấn bằng 12 cây kim xếp hình sao Ngư dẫn đường (không tính kim mồi nhử, đánh lạc hướng bên ngoài) đầu Ngư đưa ra Cổng số 2 đuôi Ngư vẫy ra hai Cổng 3,4. Khi đến gần Cổng sinh, lỗ kim sẽ tạo đau đớn cho vật giam khiến nó chùn bước.

Trận pháp mang đủ yếu tố ngũ hành: Cổng gỗ tính Mộc, lỗ kim vừa là lời giải, vừa mang tính khiêu khích cho người phá trận tính Kim, mặt đất mang tính Thổ, con vật giam khổng lồ từ sông lên mang tính Thủy, muội lửa vừa hiện lên là do mệnh người chấp nhận trận pháp mang tính Hỏa hoặc người bày trận mang tính Hỏa khai lửa. Khi đó trận pháp Thập nhị đô thiên môn mới chính thức khởi động, vào thế thực chiến. Tôi đang đắn đo xem Hỏa kia là của ai? Thế trận này 12 chữ Khai 开 nhỏ đóng gông một chữ Khai 开 lớn lên tâm trí con vật, vỏ ngoài cứng như kim cương, dù là bậc thần tiên mang Long hình ra quẫy, bóp nghẹt e cũng khó có thể phá. Bên trong thì hầu như không có mấy hy vọng, đến khi tính đủ Kim thấy lối ra, con vật cũng đau đớn mất hết sinh khí mà sống đời tàn tạ. Đứng ngoài xem mà lòng thấp thỏm. Ông cụ định lấy gì mà phá thế đây. Con thú trong thì lành quá chẳng thấy có năng lực gì.
 

Attachments

  • 5(0) (jh1).jpg
    5(0) (jh1).jpg
    56.4 KB · Views: 226
Last edited:
Thủy thần

K

Ông cụ lần lượt đặt bốn hòn đá bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, đặt xong dùng chính tiếng phương Bắc cấp lệnh:
临兵斗者
Hỡi kẻ binh đấu
皆阵列前行
Trước lúc bày trận
人都到齐了吗
Có biết mà tề tựu đông đủ?
点兵点将给我站好
Điểm binh điểm tướng, nhập hình mà đứng sao cho đúng
列阵
Bày trận
列阵在东,青龙听令
Bày trận tại Đông, Thanh Long nghe lệnh
列阵在西,白虎听令
Bày trận tại Tây, Bạch Hổ nghe lệnh
列阵在南,朱雀听令
Bày trận tại Nam, Chu Tước nghe lệnh
列阵在北,玄武听令
Bày trận tại Bắc, Huyền Vũ nghe lệnh
Thần thú bốn phương nghe mệnh lệnh mà lần lượt nhận bóng lên hình.
Ông cụ đặt tiếp một hòn đá vào chính giữ trung tâm:
麒麟踏祥云,人间百难消
Kì Lân đạp mây mang điềm lành, nhân gian bách nạn đều tan biến
辟邪恶,调阴阳
Trừ Tà ác, Chỉnh âm dương
无人可见,无人能敌
Không ai có thể nhìn thấy, không ai có thể đánh bại
没有我们征服不了的战场
Không có chiến trường nào chúng ta không thể chinh phục
Tiếng kỳ lân gầm vang khung trời. Đồ hình ngũ linh thần thú đã lên nhưng cũng vẫn nằm trong Thập nhị đô thiên môn trận. Chưa có biến chuyển gì. Đám thần thú trông chẳng khác nào đám trẻ con bị nhốt trong cũi giữ trẻ.Thực sự là không ổn. Nhưng điều làm tôi bất ngờ là ông cụ vẫn tiếp tục cấp lệnh, mạch lạc, chặt chẽ như Binh đóng Sơn:
衡山如飞,俯临万物
Hành Sơn như Phi, nhìn xuống vạn vật
华山如令,不可摧折
Hoa Sơn như Lệnh, không thể tách rời
泰山如坐,五岳!独尊
Thái Sơn như Tọa, Ngũ Nhạc! Độc tôn
恒山如行,御风绝顶
Hằng Sơn như Hành, ngự mây tuyệt đỉnh
嵩山如卧,万物一俯
Tung Sơn như Ngọa, thu thế gian chỉ trong một ánh nhìn
撼天地,镇乾坤!
Động Thiên Địa, Trấn Càn Khôn!
Đọc xong ông cắn đầu ngón tay trỏ thả giọt máu xuống đất.
Hóa ra năm hòn đá ông cụ đặt là Giáp cốt của Ngũ Nhạc
Gọi thần thú lên đóng Kim cốt cho Ngũ Nhạc
Thả máu xuống đóng Triện cốt cho Ngũ Nhạc
Thế núi ầm ầm đội đất lên hiên ngang sừng sững, chẳng mấy chốc vượt cả các Cổng của Đô Thiên Môn trận. Nhưng cũng chỉ giây lát sau, các Cổng của Đô Thiên Môn lại như độn Mộc vươn cao lên vượt quá núi như lên đến tận trời xanh.
Cái bóng đen cười đắc ý mà nói:
Ngươi không biết vì sao nó được gọi là Thiên Môn trận à, ta lấy dãy sao Ngư làm tâm thì Cổng còn có thể dài chọc xuyên mây mờ kéo lên đến trời. 12 cổng tượng trưng cho 12 tháng một năm, cứ thế mà xoay vần, con linh thú kia sẽ nghìn năm bị giam cầm trong tù ngục.
Thế nhưng ông cụ chẳng hề sờn lòng nao núng, kiên định mà đáp:
Kịch hay vẫn còn ở trước mắt.
Nói xong, ông lấy máu hẵn còn rớm của ngón tay bên trái, viết lên lòng bàn tay bên phải một chữ Khai 开 rồi đóng hình như ghim xuống mặt đất.
Mặt đất rung chuyển cả một vùng rộng lớn quanh Đô thiên môn trận. Tiếng gầm khủng khiếp được tạo ra, thấy sau lớp đất đang gẫy gập ngang dọc, nứt nẻ như có vết mai rùa, tên bóng đen phương Bắc đờ đẫn như tượng. Một bóng dáng khổng lồ ầm ầm đội đất trồi lên, đội cả Ngũ Nhạc lẫn Đô Thiên Môn trên lưng. Thật không thể tin nổi, đó chính là Thần thú Thượng cổ Bá Hạ- Thạch Long Quy. Nó có hình dáng như con rùa, đầu rồng, có sức mạnh kinh hồn, thích cõng vật nặng trên lưng, thích văn chương. Nó có thể cõng Tam Sơn Ngũ Nhạc trên lưng mà đi lại một cách nhẹ nhàng. Trong trận đồ Ngũ Nhạc chia mạch sông thành hai nhánh biệt lập rồi đổ ra biển như thực địa. Bá Hạ được gọi lên đội cả Ngũ Nhạc kết luôn hai mạch sông thành một tạo ra một dòng Thủy khổng lồ, con thần thú dưới sông thấy dòng nước đỏ phù sa mà lao xuống rồi thoát khỏi trận pháp về với thực tại, sợ hãi nhanh bước chân quay trở lại sông nước.
Cái cách mà ông cụ bày trận phá giải thật quá bất ngờ và hoàn mỹ. Dân phương Bắc ai cũng biết Bá Hạ sợ cõng bia công danh chứ không sợ cõng trên lưng Tam Sơn Ngũ Nhạc. Nó thích cõng vật nặng, có vật đủ nặng là sẽ trồi lên cõng. Nước đánh bày trận này chẳng để ứng biến phá giải mà là một thức gọi thần, tạo một lễ tế để gọi linh thú thượng cổ Bá Hạ trồi lên, kết mạch tạo Cực đại Thủy phá vỡ cân bằng ngũ hành của trận pháp địch. Đô thiên môn giờ không khác gì cái nhà không móng, thế trận tự suy yếu rồi sụp đổ.
Mọi thứ biến mất như chưa hề có gì xảy ra. Phía sông thấy con thần thú vùng sông nước đang đẩy một khúc gỗ từ giữa sông về bờ, phía trên khúc gỗ có một cậu bé ngồi cười khúc khích. Con thần thú gầm gừ hất những bóng đen nhờn nhợt dáng người bập bềnh theo sóng nước đang cố gắng kéo lôi thằng bé lại.
Quay trở lại với ông cụ và bóng đen kia. Ông cụ cất lời:
Đấy là ta dùng đúng trận Bắc phá thế Bắc. Ngươi không phải là không có tử huyệt, nhiều khi chỉ cần một cành hoa này là đủ rồi.
Ông lão ngắt một cành hoa trên cây bưởi dại cạnh sông. Cầm cành hoa trắng tinh khiết, hương thơm mát lành mà vứt ra trước mặt cái bóng đen. Cái bóng đen không cười nổi nữa mà đang khóc. Tiếng khóc uất hận, lớp bóng đen che thân dần dần tan biến. Hiện ra một dáng hình sức vóc hơn người, thân cao vai rộng đeo Chiến bào, xung quanh giáp trụ như vảy rồng, miệng hổ ôm quanh mình. Một chiến tướng mất đầu. Một đứa con lầm lạc mang nửa dòng máu Việt. Là Phạm Nhan.
Con thần thú sông đẩy thằng bé ngồi trên khúc gỗ về đến bờ, ông cụ chắp tay vái tạ cảm ơn rồi dắt thằng bé về. Dáng hai người dần dần khuất xa.
Tôi chợt tỉnh giấc mộng. Ôi mẹ ơi sao nó lại gây cấn như phim vậy, mơ mà cũng giật hết cả nẩy. Sáng sớm tôi quyết định ra bờ sông hóng hớt trước khi lên trường trở lại nhịp quay thi công trường học. Tôi ra đúng chỗ cái cây ông cụ bảo, ngắm nghía rồi lại được phen giật mình. Trên một cành cây cao vút, không hiểu sao lại có từng đám như vẩy cá bám vào. Lớp vẩy nhỏ, trắng, mỏng manh và chỉ có duy nhất mỗi cái cành ấy có. Khi chụp ảnh lại thì rất khó để thấy rõ. Một tấm ảnh 5- 7mb lấy đủ mọi góc mà cứ mờ mờ nhòe nhòe. Tôi lấy xe ra về thì thấy bác Quản trang cũng đang đạp xe ra. Nhìn thấy tôi, bác cười mà hỏi:
Hôm qua cũng mơ thấy à? Bác tỉnh giấc, lòng dạ cứ bồn chồn nên đạp xe ra đây xem thế nào.
Tôi ngạc nhiên đáp:
Bác cũng mơ thấy ạ?
Bác Quản trang trả lời:
Ừ cũng bao lâu rồi mới được thấy trận thế kì ảo như vậy, nhìn mà phát lo thay cho ông cụ. Tên kia cũng tinh hoa một thời chứ chẳng đùa.
Ánh mắt tôi đầy suy tư lo âu:
Không biết cụ có mệt không, sau này lấy ai mà kế thừa các cụ.
Bác Quản trang cũng trầm ngâm nét mặt:
Sáng sớm là bác lên chỗ cụ ngay. Cụ cũng kêu hơi mệt rồi tâm sự có lẽ cũng là lần cuối trong đời mang chút sức mọn giúp được việc cho dân làng.
Hai người ngồi thừ mặt ra, thở dài. Giờ tôi mới biết những người có Long đều mơ thấy những trận pháp trấn yểm hoặc phá trấn yểm nơi Long mạch người đó chạm được vào. Khi về tìm hiểu những trận pháp của phương Bắc trên mạng thì hầu như là không còn. Điều trùng hợp lạ kì là tất cả các trang bày trận pháp xưa của Trung Quốc, nay ấn vào đều đã bị chuyển thành các trang web sex một cách có chủ ý. Nhìn hình thì bình đồ trận pháp ấn vào thì ra cảnh trai gái chày giã cối dâm loạn đánh thẳng vào chữ dục của thanh niên. Bọn này qua nghìn năm vẫn thâm như xưa, mang âm đạo, dương vật ra lấp mắt người muốn tìm hiểu cái tinh hoa, bí truyền của nó nghe có bực không cơ chứ. Nhìn cảnh ấy tôi lại chợt nhớ tới cái Văn hóa Phồn thực cối chày của dân Việt xưa bị Cống Quỳnh trị.
Nghe nói cách nơi mình dạy học một vài dặm có một tượng đá rất thiêng, bèn hỏi học trò:
Pho tượng ấy mang tên vị thần nào mà dân chúng ai cũng sợ như thế?
Trình thầy, không thần phật nào cả. Ðấy là pho tượng một người đàn bà ở truồng, đầu nghiêng về một phía, miệng cười tủm tỉm, Cổ quấn mấy vòng chuỗi hạt, chân đi giầy bắt chéo, còn hai tay chỉ vào "chỗ ấy" bên cạnh tượng có đặt một chiếc chày đá.
Quỳnh bực gắt:
Sao không đập vỡ quách đi cho rồi? Ðể cái của nợ ấy đứng trêu ngươi làm gì?
Thưa, tượng dữ vía lắm ạ! Ai đi qua đấy, muốn yên lành thì phải lặng lẽ đến cầm chiếc chầy đá, đâm vào bộ phận kia một cái, mà phải làm việc đó rất kính cẩn. Những ai không làm hoặc chọc ghẹo tượng thì khi về đến nhà thế nào cũng bị méo miệng, trẹo tay, vẹo cổ...
Quỳnh đến tận nơi có tượng, lấy chầy đá quẳng đi, cầm bút đề thơ, tượng vã mồ hôi ra mà mất thiêng.
Khéo đứng chi mà đứng mãi đây

Khen ai đẽo đá tạc nên mày

Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt

Dưới chân đứng chéo một đôi giầy

Cởi váy phất cờ trêu ghẹo tiểu

Ðể đồ bốc gạo thử thanh thầy

Có thiêng sao chẳng ngồi toà ngọc?

Khéo đứng chi mà đứng mãi đây!
 

Attachments

  • IMG_20200623_231025.jpg
    IMG_20200623_231025.jpg
    516.4 KB · Views: 262
  • IMG_20200623_231218.jpg
    IMG_20200623_231218.jpg
    193.1 KB · Views: 254
Last edited:
Sử cũ Tàu cũng từng thừa nhận, dân Văn Lang xưa ngày thường nóng tính cục súc hay bất đồng gây gổ, đánh chửi nhau nhưng khi có chuyện thì lại rất đoàn kết. Tóc tai chẳng theo lề lối, người cắt ngắn, kẻ lại để dài buộc như đàn bà, hay cởi trần, xăm trổ, giỏi chuyện sông nước.
đến giờ con dân đại việt vẫn vậy, khi k có giặc ngoại xâm thì lôi nhau ra tập luyện, đến khi có kẻ thù chung, tất cả lại đứng cùng chiến hào
 
Thủy thần
Kết

Ông cụ lần lượt đặt bốn hòn đá bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, đặt xong dùng chính tiếng phương Bắc cấp lệnh:
临兵斗者
Hỡi kẻ binh đấu
皆阵列前行
Trước lúc bày trận
人都到齐了吗
Có biết mà tề tựu đông đủ?
点兵点将给我站好
Điểm binh điểm tướng, nhập hình mà đứng sao cho đúng
列阵
Bày trận
列阵在东,青龙听令
Bày trận tại Đông, Thanh Long nghe lệnh
列阵在西,白虎听令
Bày trận tại Tây, Bạch Hổ nghe lệnh
列阵在南,朱雀听令
Bày trận tại Nam, Chu Tước nghe lệnh
列阵在北,玄武听令
Bày trận tại Bắc, Huyền Vũ nghe lệnh
Thần thú bốn phương nghe mệnh lệnh mà lần lượt nhận bóng lên hình.
Ông cụ đặt tiếp một hòn đá vào chính giữ trung tâm:
麒麟踏祥云,人间百难消
Kì Lân đạp mây mang điềm lành, nhân gian bách nạn đều tan biến
辟邪恶,调阴阳
Trừ Tà ác, Chỉnh âm dương
无人可见,无人能敌
Không ai có thể nhìn thấy, không ai có thể đánh bại
没有我们征服不了的战场
Không có chiến trường nào chúng ta không thể chinh phục
Tiếng kỳ lân gầm vang khung trời. Đồ hình ngũ linh thần thú đã lên nhưng cũng vẫn nằm trong Thập nhị đô thiên môn trận. Chưa có biến chuyển gì. Đám thần thú trông chẳng khác nào đám trẻ con bị nhốt trong cũi giữ trẻ.Thực sự là không ổn. Nhưng điều làm tôi bất ngờ là ông cụ vẫn tiếp tục cấp lệnh, mạch lạc, chặt chẽ như Binh đóng Sơn:
衡山如飞,俯临万物
Hành Sơn như Phi, nhìn xuống vạn vật
华山如令,不可摧折
Hoa Sơn như Lệnh, không thể tách rời
泰山如坐,五岳!独尊
Thái Sơn như Tọa, Ngũ Nhạc! Độc tôn
恒山如行,御风绝顶
Hằng Sơn như Hành, ngự mây tuyệt đỉnh
嵩山如卧,万物一俯
Tung Sơn như Ngọa, thu thế gian chỉ trong một ánh nhìn
撼天地,镇乾坤!
Động Thiên Địa, Trấn Càn Khôn!
Đọc xong ông cắn đầu ngón tay trỏ thả giọt máu xuống đất.
Hóa ra năm hòn đá ông cụ đặt là Giáp cốt của Ngũ Nhạc
Gọi thần thú lên đóng Kim cốt cho Ngũ Nhạc
Thả máu xuống đóng Triện cốt cho Ngũ Nhạc
Thế núi ầm ầm đội đất lên hiên ngang sừng sững, chẳng mấy chốc vượt cả các Cổng của Đô Thiên Môn trận. Nhưng cũng chỉ giây lát sau, các Cổng của Đô Thiên Môn lại như độn Mộc vươn cao lên vượt quá núi như lên đến tận trời xanh.
Cái bóng đen cười đắc ý mà nói:
Ngươi không biết vì sao nó được gọi là Thiên Môn trận à, ta lấy dãy sao Ngư làm tâm thì Cổng còn có thể dài chọc xuyên mây mờ kéo lên đến trời. 12 cổng tượng trưng cho 12 tháng một năm, cứ thế mà xoay vần, con linh thú kia sẽ nghìn năm bị giam cầm trong tù ngục.
Thế nhưng ông cụ chẳng hề sờn lòng nao núng, kiên định mà đáp:
Kịch hay vẫn còn ở trước mắt.
Nói xong, ông lấy máu hẵn còn rớm của ngón tay bên trái, viết lên lòng bàn tay bên phải một chữ Khai 开 rồi đóng hình như ghim xuống mặt đất.
Mặt đất rung chuyển cả một vùng rộng lớn quanh Đô thiên môn trận. Tiếng gầm khủng khiếp được tạo ra, thấy sau lớp đất đang gẫy gập ngang dọc, nứt nẻ như có vết mai rùa, tên bóng đen phương Bắc đờ đẫn như tượng. Một bóng dáng khổng lồ ầm ầm đội đất trồi lên, đội cả Ngũ Nhạc lẫn Đô Thiên Môn trên lưng. Thật không thể tin nổi, đó chính là Thần thú Thượng cổ Bá Hạ- Thạch Long Quy. Nó có hình dáng như con rùa, đầu rồng, có sức mạnh kinh hồn, thích cõng vật nặng trên lưng, thích văn chương. Nó có thể cõng Tam Sơn Ngũ Nhạc trên lưng mà đi lại một cách nhẹ nhàng. Trong trận đồ Ngũ Nhạc chia mạch sông thành hai nhánh biệt lập rồi đổ ra biển như thực địa. Bá Hạ được gọi lên đội cả Ngũ Nhạc kết luôn hai mạch sông thành một tạo ra một dòng Thủy khổng lồ, con thần thú dưới sông thấy dòng nước đỏ phù sa mà lao xuống rồi thoát khỏi trận pháp về với thực tại, sợ hãi nhanh bước chân quay trở lại sông nước.
Cái cách mà ông cụ bày trận phá giải thật quá bất ngờ và hoàn mỹ. Dân phương Bắc ai cũng biết Bá Hạ sợ cõng bia công danh chứ không sợ cõng trên lưng Tam Sơn Ngũ Nhạc. Nó thích cõng vật nặng, có vật đủ nặng là sẽ trồi lên cõng. Nước đánh bày trận này chẳng để ứng biến phá giải mà là một thức gọi thần, tạo một lễ tế để gọi linh thú thượng cổ Bá Hạ trồi lên, kết mạch tạo Cực đại Thủy phá vỡ cân bằng ngũ hành của trận pháp địch. Đô thiên môn giờ không khác gì cái nhà không móng, thế trận tự suy yếu rồi sụp đổ.
Mọi thứ biến mất như chưa hề có gì xảy ra. Phía sông thấy con thần thú vùng sông nước đang đẩy một khúc gỗ từ giữa sông về bờ, phía trên khúc gỗ có một cậu bé ngồi cười khúc khích. Con thần thú gầm gừ hất những bóng đen nhờn nhợt dáng người bập bềnh theo sóng nước đang cố gắng kéo lôi thằng bé lại.
Quay trở lại với ông cụ và bóng đen kia. Ông cụ cất lời:
Đấy là ta dùng đúng trận Bắc phá thế Bắc. Ngươi không phải là không có tử huyệt, nhiều khi chỉ cần một cành hoa này là đủ rồi.
Ông lão ngắt một cành hoa trên cây bưởi dại cạnh sông. Cầm cành hoa trắng tinh khiết, hương thơm mát lành mà vứt ra trước mặt cái bóng đen. Cái bóng đen không cười nổi nữa mà đang khóc. Tiếng khóc uất hận, lớp bóng đen che thân dần dần tan biến. Hiện ra một dáng hình sức vóc hơn người, thân cao vai rộng đeo Chiến bào, xung quanh giáp trụ như vảy rồng, miệng hổ ôm quanh mình. Một chiến tướng mất đầu. Một đứa con lầm lạc mang nửa dòng máu Việt. Là Phạm Nhan.
Con thần thú sông đẩy thằng bé ngồi trên khúc gỗ về đến bờ, ông cụ chắp tay vái tạ cảm ơn rồi dắt thằng bé về. Dáng hai người dần dần khuất xa.
Tôi chợt tỉnh giấc mộng. Ôi mẹ ơi sao nó lại gây cấn như phim vậy, mơ mà cũng giật hết cả nẩy. Sáng sớm tôi quyết định ra bờ sông hóng hớt trước khi lên trường trở lại nhịp quay thi công trường học. Tôi ra đúng chỗ cái cây ông cụ bảo, ngắm nghía rồi lại được phen giật mình. Trên một cành cây cao vút, không hiểu sao lại có từng đám như vẩy cá bám vào. Lớp vẩy nhỏ, trắng, mỏng manh và chỉ có duy nhất mỗi cái cành ấy có. Khi chụp ảnh lại thì rất khó để thấy rõ. Một tấm ảnh 5- 7mb lấy đủ mọi góc mà cứ mờ mờ nhòe nhòe. Tôi lấy xe ra về thì thấy bác Quản trang cũng đang đạp xe ra. Nhìn thấy tôi, bác cười mà hỏi:
Hôm qua cũng mơ thấy à? Bác tỉnh giấc, lòng dạ cứ bồn chồn nên đạp xe ra đây xem thế nào.
Tôi ngạc nhiên đáp:
Bác cũng mơ thấy ạ?
Bác Quản trang trả lời:
Ừ cũng bao lâu rồi mới được thấy trận thế kì ảo như vậy, nhìn mà phát lo thay cho ông cụ. Tên kia cũng tinh hoa một thời chứ chẳng đùa.
Ánh mắt tôi đầy suy tư lo âu:
Không biết cụ có mệt không, sau này lấy ai mà kế thừa các cụ.
Bác Quản trang cũng trầm ngâm nét mặt:
Sáng sớm là bác lên chỗ cụ ngay. Cụ cũng kêu hơi mệt rồi tâm sự có lẽ cũng là lần cuối trong đời mang chút sức mọn giúp được việc cho dân làng.
Hai người ngồi thừ mặt ra, thở dài. Giờ tôi mới biết những người có Long đều mơ thấy những trận pháp trấn yểm hoặc phá trấn yểm nơi Long mạch người đó chạm được vào. Khi về tìm hiểu những trận pháp của phương Bắc trên mạng thì hầu như là không còn. Điều trùng hợp lạ kì là tất cả các trang bày trận pháp xưa của Trung Quốc, nay ấn vào đều đã bị chuyển thành các trang web sex một cách có chủ ý. Nhìn hình thì bình đồ trận pháp ấn vào thì ra cảnh trai gái chày giã cối dâm loạn đánh thẳng vào chữ dục của thanh niên. Bọn này qua nghìn năm vẫn thâm như xưa, mang âm đạo, dương vật ra lấp mắt người muốn tìm hiểu cái tinh hoa, bí truyền của nó nghe có bực không cơ chứ. Nhìn cảnh ấy tôi lại chợt nhớ tới cái Văn hóa Phồn thực cối chày của dân Việt xưa bị Cống Quỳnh trị.
Nghe nói cách nơi mình dạy học một vài dặm có một tượng đá rất thiêng, bèn hỏi học trò:
Pho tượng ấy mang tên vị thần nào mà dân chúng ai cũng sợ như thế?
Trình thầy, không thần phật nào cả. Ðấy là pho tượng một người đàn bà ở truồng, đầu nghiêng về một phía, miệng cười tủm tỉm, Cổ quấn mấy vòng chuỗi hạt, chân đi giầy bắt chéo, còn hai tay chỉ vào "chỗ ấy" bên cạnh tượng có đặt một chiếc chày đá.
Quỳnh bực gắt:
Sao không đập vỡ quách đi cho rồi? Ðể cái của nợ ấy đứng trêu ngươi làm gì?
Thưa, tượng dữ vía lắm ạ! Ai đi qua đấy, muốn yên lành thì phải lặng lẽ đến cầm chiếc chầy đá, đâm vào bộ phận kia một cái, mà phải làm việc đó rất kính cẩn. Những ai không làm hoặc chọc ghẹo tượng thì khi về đến nhà thế nào cũng bị méo miệng, trẹo tay, vẹo cổ...
Quỳnh đến tận nơi có tượng, lấy chầy đá quẳng đi, cầm bút đề thơ, tượng vã mồ hôi ra mà mất thiêng.
Khéo đứng chi mà đứng mãi đây

Khen ai đẽo đá tạc nên mày

Trên cổ đếm đeo dăm chuỗi hạt

Dưới chân đứng chéo một đôi giầy

Cởi váy phất cờ trêu ghẹo tiểu

Ðể đồ bốc gạo thử thanh thầy

Có thiêng sao chẳng ngồi toà ngọc?

Khéo đứng chi mà đứng mãi đây!
ảnh minh họa của thím, làm câu chuyện như thật thêm vạn phần
 
Back
Top