[Tâm sự] - Bố tôi bị ung thư

CHAP 6 – Thuốc đích, 50 – 50

Sau một thời gian điều trị bằng xạ trị và tĩnh dưỡng, vết mổ của ông cũng dần lành lại, ông cũng tập dần ăn uống trở lại nhưng vẫn chỉ ăn được những cái rất nhẹ nhàng. Nhưng có 1 vấn đề vẫn còn đó là khối u của ông ở dưới lưỡi vẫn chưa được tách ra hoàn toàn, vẫn đang tiến triển lên thành giai đoạn 3 dù đã xạ đủ liệu trình. Lúc này, bác sỹ đưa ra 2 hướng điều trị, một là tiếp tục uống thuốc giảm đau, chờ sang đợt xạ tiếp nhưng bệnh vẫn sẽ có hướng tiến triển xấu, lúc đó e rằng xạ không kịp, hướng thứ 2 là sử dụng thuốc đích. Giải thích nôm na thì thuốc đích là nó sẽ đi trúng đích và tiêu diệt tế bào ung thư, nếu không trúng tế bào ung thư, nó sẽ tiêu diệt các tế bào lành khác trong cơ thể. Vậy nên, việc dùng thuốc đích như đánh bạc vậy, 1 là sống, 2 là chết.

Bản thân gia đình cũng không muốn nhìn thấy ông phải nằm chờ 1 chỗ để bệnh tình ngày 1 nặng thêm nên quyết định dùng tới thuốc đích cho ông. Một mũi thuốc đích thật sự rất đắt đỏ, rẻ nhất cũng đã hơn 20 triệu cho 1 mũi, và theo yêu cầu điều trị phải dùng ít nhất 2 – 3 mũi. Đây thật sự là 1 vụ cá cược cả về tiền bạc lẫn tính mạng.

Đến đầu tháng 10/2020, bố mình được truyền cho mũi thuốc đích đầu tiên. Mũi thuốc đích này khiến ông thật sự rất mệt mỏi, kéo theo đó là tinh thần sa sút, ông càng dễ nổi cáu hơn và những người chăm sóc xung quanh càng sốt ruột hơn.

Mệt mỏi có, đau đớn có, sốt ruột có, nhưng hy vọng, khát khao sống và sự quan tâm của gia đình cũng làm nguôi ngoai bớt phần nào mệt mỏi và đau đớn ông phải chịu. Những lúc này mới thấy, bạn bè thân hữu dù bình thường tốt thật đấy, nhưng khi ốm đau, sinh tử mới thấy gia đình vẫn luôn là người gắn bó nhất. Lúc đó, mình tự hỏi những ông bạn rượu và thuốc của ông đang ở đâu lúc này, dù họ có quan tâm thật nhưng sự quan tâm cũng chỉ dừng ở mức mối quan hệ xã hội thôi, đâu phải máu mủ tình thâm gì mà họ sẵn sàng hy sinh hết cho mình.

Sau khi truyền mũi đầu, ông sẽ phải nghỉ ngơi 1 tuần sau đó đi khám lại để bác sỹ đánh giá lại tình trạng khối u. Cũng may, sau mũi đầu tiên, khối u cũng bớt tiến triển xấu đi, ông cũng đỡ mệt hơn và tinh thần vẫn đang cố gắng gượng được, mọi người trong nhà ai cũng vui và hy vọng vào điều may mắn tiếp theo. Nhưng đến mũi thuốc đích thứ 2 thì may mắn không còn nữa rồi.
 
Last edited:
CHAP 7 – “Thôi, không kịp nữa rồi”

Đến cuối tháng 10, sau 3 tuần truyền mũi thuốc đích đầu tiên, mũi thuốc đích thứ 2 được áp dụng. Nếu mũi thứ 2 này có kết quả tốt, bệnh tình của ông sẽ có hy vọng cao được thuyên giảm và số năm sự sống của ông sẽ được lên thêm. Quá trình truyển thuốc lần này cũng giống lần trước thôi, truyền xong ông sẽ được cho về nhà nghỉ, sau đó lại tiếp tục quay lại tái khám và đánh giá tình hình khối u.

Sau khoảng mấy ngày truyền mũi thứ 2, ông chưa có biểu hiện gì bất thường so với lần đầu, chỉ thi thoảng là bị nấc, người bứt rứt, khó ngủ. Nhưng dần dà, ông bị nấc càng lúc càng nhiều, có dấu hiện chóng mặt, nhịp tim tăng nhanh nên mẹ và chị mình quyết định đưa ông đi viện dù chưa đến ngày tái khám. Bác sỹ sau khi hội chuẩn có nói ông có dấu hiệu bị phản kháng với mũi thuốc đích thứ 2, cần nhập viện ngay để theo dõi và điều trị, lúc này mình đang phải đi công tác ở Nghệ An.

Sau khi nắm qua tình hình của ông, mình cũng sắp xếp để về Hà Nội nhưng không thể về ngay được vì khi đó bão đang đổ bộ vào miền trung, cả 1 vùng vị ngập, khu mình làm còn không có xe ra vào vì người ta đề phòng lũ. Lúc này người nóng như lửa đốt vì sốt ruột. Đến tầm 4h chiều, mình thấy bố gọi điện cho mình hỏi là sắp về chưa, mình bảo là đang chờ xe, chắc đến tối nay sẽ về đến nhà. Ông lúc này chỉ nói :”Thôi, không kịp nữa rồi” rồi ông tắt máy.

Mình sợ quá, gọi điện ngay cho mẹ hỏi xem có chuyện gì, thì mẹ chỉ bảo là ông nhờ đi mua cái ống xông thức ăn để thay thế cho cái ống cũ, bác sỹ bảo thay, vì mình vắng nên không mua kịp để thay. Mình hỏi thật kỹ lại xem có chuyện gì không nhưng mẹ vẫn bảo không có chuyện gì, bố đang nằm nghỉ thôi. Mình mới gọi điện hỏi chị mình, chị mình cũng bảo chưa biết có chuyện gì, để chị gọi bác sỹ tìm hiểu xem sao. Lúc sau, bà chị nhắn lại mình là chưa có chuyện gì cả nên mình cũng đỡ lo đi phần nào nhưng vẫn rất sốt ruột. Thế mà, chỉ 10 phút sau khi nhắn tin cho mình, bà chị gọi điện báo lại là ông bị sốc tim, phải cấp cứu gấp, bà chị đang đi ngay vào viện cùng các cô mình, nhắn mình cố gắng về càng sớm càng tốt.

Ai mà ngờ được, mới phút trước đang nói chuyện với ông mà ngay sau đó đã có chuyện rồi, tréo ngoe hơn, cái câu ” Thôi, không kịp nữa rồi” lại là câu cuối cùng mình được nghe ông nói. Lúc này thì không còn lo chuyện bão lũ gì nữa, mình chỉ muốn về nhà ngay thôi, chỉ mong là còn kịp đến phút cuối của ông.
 
Chia buồn cùng bạn, bố mình cũng mất vì ung thư phổi di căn xương, cũng được gần 4 tháng rồi...
Dù lúc sống có như thế nào thì khi bố nằm xuống , mình đã cảm nhận sự mất mát không gì bù đắp được trong thâm tâm..
Nhưng nhìn thấy sự đau đơn trong những ngày cuối cùng của ông già, mình nghĩ ra đi là 1 điều giải thoát...
 
Ko liên quan chủ thớt nhưng mẹ mình mất vì tiểu đường. Đọc lại nhớ lại khoảng thời gian khám bệnh lên xuống, nhìn mẹ bất lực bên giường bệnh mà khóc luôn.

ba nuôi tôi cũng mất do suy tim ( do thận đa nang suy giai đoạn 4 ).
từ lúc bắt đầu xuống sức đến khi ra đi được 6 tháng.
BV là nơi lui tới thường xuyên, đủ các loại tuyến.
Chạy vạy khắp nơi để tìm 1 chỗ chạy thận cũng cực khổ.
Và mất trong bệnh viện.

Các anh/em hãy sống giữ gìn sức khỏe, đừng nghĩ mình khỏe/trẻ mãi bán sức rồi lúc ngã bệnh nan y mới hối hận sẽ muộn lắm....
 
Chap 8 – Chuyến xe dài nhất.

11g30 phút, lúc này thì bão đã dần tan rồi, người ta không phong tỏa đường nữa mà mở cho xe đi qua, nhưng mưa thì vẫn còn, đứng ngoài trời rét căm căm, mưa phả vào mặt vừa rát vừa lạnh, hai hàm răng đánh vào nhau, chờ xe để về Hà Nội cũng đã được hơn 1 tiếng rồi, dòng xe cứ thế vun vút lao qua, không một cái xe nào dừng lại.

Picture1.png

Đứng giữa đường chờ xe mà cảm giác như chờ đợi 1 tia hy vọng gì đấy cũng nhưng câu hỏi không biết hỏi ai: “Liệu có về kịp không?”, “Giờ này ở nhà thế nào rồi?”, “Tại sao đang dần tốt rồi lại chuyển biến thành xấu thế này?”. Lần đầu tiên trong đời một thằng U30 vừa đứng ngoài đường vừa khóc huhu, kệ mẹ có ai nhìn thấy hay không, chả mong gì, chỉ mong được về nhà.

11g55 phút, may quá, cuối cùng cũng bắt được xe khách về, lên xe rồi nhưng vẫn thấy rất rét, rét buốt 2 đầu gối, bước lên xe mà thấy nặng chĩu cả bàn chân. Đặt tạm cái balo xuống chỗ ngồi, ngả lưng xuống ghế mà xương cốt kêu răng rắc rất khó chịu vì đứng ngoài trời mưa lạnh lâu. Màn hình điện thoại lại sáng lên tin nhắn của chị gái :”Em bắt xe về chưa, về gấp đi, mau lên”. Cả xe khách lúc này đang thiu thiu ngủ, rất im lặng còn lồng ngực mình chỉ trực chờ nổ tung ra vậy. Giờ mới thấm thía cái cảm giác đi làm xa nhà, xa quê hương, khi có chuyện gì ở nhà xảy ra mà không về kịp là ân hận vô cùng.

Hơn 3 giờ sáng, giật mình tỉnh dậy vì tiếng còi xe và thấy xe đi chậm dần lại, tưởng là đến bến xe nước ngầm rồi, nhưng không phải, xe dừng ở trạm nghỉ chân, vẫn còn gần nửa chặng đường nữa. Cầm điện thoại lên thì không thấy tin nhắn hay cuộc gọi gì của chị, vậy tức là vẫn chưa có gì tệ hơn xảy ra, nhưng cảm giác ngồi trên xe lúc này khó chịu lắm, giống như đang cầu xin một điều gì đấy thành hiện thực mà nó không bao giờ có thể xảy ra được. Lấy tai nghe, bật nhạc lên để nghe cho đỡ sốt ruột thì bài random lên đầu tiên trong máy là bài “Bộ phim dài nhất” của Châu Kiệt Luân. Đúng thật, lần đầu tiên trong đời mình đi một chuyến xe dài thênh thang đến vậy.

6 giờ 15 phút, thức nguyên giấc luôn từ lúc dừng xe ở trạm nghỉ, xe đã về đến bến nước ngầm, bắt luôn taxi đậu trước cửa bến xe phi ngay vào trong bệnh viện xem thế nào. Đến lúc này thì vẫn chưa thấy có thông tin gì, mình gọi cho chị thì máy bận, gọi cho mẹ thì cũng thấy máy bận, lo lắng nhân đôi.

6 giờ 30 phút, đặt được gót chân vào trong bệnh viện mà sao chân vẫn còn run run, không biết run vì rét hay run vì sợ. Đi lên cầu thang vào phòng cấp cứu thấy chị đang gọi điện như đang đặt xe gì đấy, mẹ thì cũng đang gọi điện trao đổi với bác sỹ điều trị điều gì đó, cô ruột ngồi trong khu vực phòng cấp cứu, bảo mình rửa tay vệ sinh, đeo khẩu trang đi rồi vào trông bố. Qua lớp khẩu trang, giọng của cô run run và nghẹn nức trong cổ, mình cũng đoán có điều gì không ổn rồi. Vừa thò mặt vào phòng thì thấy bố nằm đấy, bên trên là hàng chục cái dây nối lên các thiết bị duy trì sự sống ở phía bên phải. Một cái ống rất to nối từ cái máy trợ thở vào thẳng trong khí quản của ông. Mình phải thật sự nén rất sâu tiếng nấc trong cổ để ông không nghe thấy, còn ông vẫn có thể nhìn thấy mình nhưng không thể nói được nữa vì ống nội khí quản đặt lên trên ngực ông rồi. Mình hỏi bố có thấy đau không, thì ông lắc nhẹ đầu, hỏi có rét không ông cũng lắc, hỏi ông ngủ được không thì ông cũng chỉ lắc. Lúc này điều dưỡng họ vào để chuyển chai thuốc và chuẩn bị giao ca nên cũng đành phải ra ngoài phòng chờ.

Mình chưa bao giờ thấy khóc nghẹn như khi thấy ông đang trên giường bệnh lúc đó, nhưng cũng thấy điều may mắn nhất trong cuộc đời mình đến lúc này là mình đã về kịp lúc.
 
Chap 9 – Bài nhạc ông thích nghe, điều tốt lành mình không được nghe

Sau khi điều dưỡng và bác sỹ vào kiểm tra lại tình hình, họ có nói lại với nhà mình là tình hình của bố đang ổn định dần, dự tính có thể ông đã mất đêm qua nhưng may mắn thế nào ông lại qua khỏi và đến giờ tình hình đang ổn định trở lại, nhưng sẽ không thể nói trước được vì mọi thứ giờ còn phải phụ thuộc vào ông. Nhưng điều kỳ lạ nhất là giờ ông không thấy đau đớn gì cả, thuốc giảm đau có truyền cho ông nhưng liều lượng cũng vừa phải thôi, ít hơn so với nhiều bệnh nhân ung thư khác.

Lúc này mình mới có thời gian để hỏi chị mình tình hình của bố. Ông bị suy đa tạng, khởi đầu là ông bị sốc tim vào chiều qua sau cuộc điện thoại với mình, vì sốc tim nên ông bị ảnh hưởng đến phổi, không thở được, phải đặt nội khí quản. Tiểu đường và men gan của ông cũng tăng lên rất nhiều nên người ông bị vàng đi, tứ chi khó cử động.

Mình đi ra chỗ mẹ định hỏi mẹ ăn sáng chưa thì thấy mẹ mình vừa khóc vừa nói chuyện điện thoại với bác sỹ. Mẹ xin bác sỹ đừng chuyển bố mình xuống phòng điều trị của bệnh nhân bình thường vì ở dưới đó không có máy nội khí quản, giờ rút máy ra thì ông không sống nổi, điều quan trọng là ông vẫn còn rất tỉnh táo, nói gì cũng biết, nếu mang ông xuống phòng điều trị sợ ông sẽ bị sốc và sợ mà chết, mong bác sỹ rủ lòng giữ ông ở lại phòng cấp cứu. Bác sỹ cuối cùng cũng đồng ý để cho bố mình ở lại phòng có máy trợ thở, nhưng với điều kiện là nếu bố mình không còn tỉnh táo, ông sẽ bị chuyển xuống phòng điều trị vì họ không muốn để người mất trong phòng cấp cứu và cũng để có chỗ cấp cứu nếu có trường hợp khẩn cấp khác.

Điều kỳ lạ là dù lúc này ông bị thập tử nhất sinh nhưng ông vẫn còn tỉnh lắm, ai nói gì cũng hiểu hết. Ông cũng muốn giao tiếp lại với mọi người nhưng mà không thể được vì có cái ống cắm ở ngực ông. Mình mới lấy ra cái bảng, viết bảng chữ cái lên để ông chọn hàng chữ, rồi chọn chữ ông muốn nói như ông già xe lăn Salamanca trong Breaking bad ý.

Ông bảo ông muốn cái máy điện thoại của ông, ông muốn nghe bài Thoi tơ mà ông thích, bài này cũng là bài mà ông nội của mình ngày xưa hay nghe. Sau khi ông nội mất năm 2010 bố mình hay bật bài này, giờ lúc trọng bệnh bố mình muốn nghe lại. Cứ như thế, mình giúp ông bật từng bài nhạc ông muốn nghe để thư giãn, xoa bóp chân tay cho ông, vẫn động viên ông là sắp được về r, chịu khó qua nốt đợt điều trị này là không phải nằm đây nữa. Ông vẫn luôn giữ cái sự lạc quan đó bên mình vào sáng hôm đấy.

Và vấn đề lại tiếp tục xảy ra. Cả ngày hôm đó không thấy nước tiểu của ông chảy ra khỏi ống dẫn từ bàng quang ra túi chứa bên ngoài, bác sỹ hỏi mình có đổ túi đi không nhưng mình không có làm gì hết. Đến chiều, bác sỹ nói rằng bố mình bị suy thận nặng rồi, chuyển biến nhanh quá, mà suy thân là cái gây ra tử vong cao nhất với ông lúc này vì cơ thể sẽ không thải độc được mà ngấm ngược lại vào trong người, đặc biệt là khi ông vừa trải qua đợt thuốc đích và đang sử dụng thuốc điều trị cho suy đa tạng. Vừa thêm chút hy vọng giờ lại thêm một phát sét đánh ngang tai nữa.

Có vẻ ông cũng cảm nhận được điều gì đó sắp đến, ông cứ ngước lên nhìn lên đống dây với cái máy trợ thở của ông. Mình bảo ông ngủ đi nhé cho lại sức còn điều trị để sớm về nhà. Mình đặt cái mũ lên trán ông để ông nhắm mắt, bảo ông là đèn chói quá, con đậy lại cho đỡ chói nhé để ông không ngước nhìn lên nữa. Mình lén nhìn qua khe mũ thì thấy mắt ông vẫn còn mở, nhịp thở của ông vẫn rất đều và mắt thì vẫn hướng về phía cái đống dây. Dường như ông sợ là nhắm mắt rồi sẽ không mở ra được nữa.

Cô mình thấy cảnh đấy không chịu được phải đi ra ngoài rất xa ngồi. Lúc sau mình ra thấy cô khóc như mưa, cô bảo không chịu được cái cảnh bố cứ ngước nhìn lên như thế, mà lại còn nói dối ông là mọi chuyện sẽ ổn thôi, cô không thể chịu được.

Cái đau đớn nhất của người bệnh là họ có thể cảm giác được cái chết khi đang đến gần còn cái đau khổ nhất của người nhà bệnh nhân là phải nói dối cho người bệnh là họ không có chết được.
 
Đọc mà nước mắt tự dưng chảy, giống y hệt như đợt chăm mẹ rồi bên mẹ lúc chữa K những ngày cuối. Đêm cuối bên cạnh, mẹ bỗng tỉnh dậy mở mắt ra nói với mình "ngủ sớm đi con" rồi nhắm mắt lại, vài chục phút sau thì mẹ đi. Có lẽ đến cuối đời cũng ko quên dc giấy phút ấy, mình bản thân ko thích hình xăm nhưng giờ người phủ kín, ngày giờ năm mẹ mất, câu nói cuối của mẹ...

Gửi bằng vozFApp
 
Back
Top