Hồi ký của ông tôi, nhân chứng gần một thế kỷ của An Nam và Việt Nam.

Hay phết, tôi vừa mò vào link thớt gửi, đọc báo ngày xưa các cụ viết thấy hay hay từ cách viết bài tới ngôn từ khác bây giờ.
Tiếc là ngày xưa dân ta phần đông không biết chữ, báo này chắc chỉ dành cho những tri thức
View attachment 2345406
tôi thấy từ ngữ và hành văn đâu khác nhiều ít nhất với lứa 9x như tôi, tất nhiên là đừng so với mấy bài của lều báo ko đầu tư như bây giờ
có chăng từ ghép thì thêm dấu "-"
 
TRƯỜNG SƯ PHẠM TRUNG CẤP TRUNG ƯƠNG

Hết năm học đệ nhị, thấy hoàn cảnh gia đình anh tôi có nhiều khó khăn do chị dâu tôi sinh cháu thứ hai, tôi chủ động nói với anh tôi xin cho tôi vào học trường sư phạm mở tại Tuyên Quang. Học sinh trường này sống tập thể và được nhà nước đài thọ ăn học miễn phí. Anh tôi đồng ý và tôi được nhận vào trường do ông Nguyễn Văn Chiển làm hiệu trưởng. Tôi lại bước sang một môi trường mới ở trường Sư phạm trung cấp trung ương có địa điểm tiếp quản khu trại tù binh Âu Phi gần chợ Ngọc, Tuyên Quang.

Tôi đến tập trung tại một làng gần trại, mấy tuần sau mới cùng các bạn học di chuyển đến khu vực trường. Đấy là một địa điểm thuộc một vùng rừng núi, nấp dưới tán cây rừng, bên cạnh một con suối nước trong vắt. Đầu tiên học sinh trong trường phải vào rừng chặt tre vầu, lá cọ về xây dựng lại cơ ngơi hội trường, lớp hoc, nhà nghỉ, đào hầm trú ẩn.

Lúc này tôi được nhà trường tín nhiệm cử vào hiệu đoàn lâm thời, phụ trách ban nhạc kịch. Công việc đầu tiên của tôi là đến các lớp chọn người vào ban nhạc kịch này và tập luyện một chương trình văn nghệ cho tối khai trường. Do đó chúng tôi được miễn việc xây dựng cơ bản của trường. Gọi là ban nhạc kich cho oai, chừ ban đầu cả ban chỉ có hơn một chục nam nữ học sinh, dụng cụ âm nhạc chỉ có một đàn ghi ta, hai chiếc an tô và măng đô lin, vài cái sáo trúc của cá nhân tập trung lại. Áy thế mà đêm khai trường, trong hoàn cảnh núi rừng âm u, trong hội trường vang lên các bài hát trên nền nhạc của mấy nhạc cụ đơn sơ, cả trường xuýt xoa vỗ tay khen ngơi làm chúng tôi phổng cả mũi !

Năm học đầu tiên của trường Sư phạm trung sơ cấp bắt đầu. Thời kháng chiến tất nhiên có nhiều khó khăn gian khổ, nhưng tuổi trẻ chúng tôi khắc phục vượt qua mọi gian nan thiếu thốn, vẫn tạo ra được hoàn cảnh vui tươi. Ngoài giờ lên lớp, học sinh chúng tôi học quân sự, tập văn nghệ, làm bích báo, chiều chiều chơi bóng chuyền, bóng rổ, hoặc tập trung tại bãi sân cỏ cạnh trường khá rộng để tập quốc tế vũ hay chơi bóng đá. Chúng tôi còn thay nhau đi vào các bản dân tộc ít người quanh vùng để làm công tác dân vận. Phần lớn các giáo viên trong trường đều ở tuổi 25 - 30, rất thương yêu chan hòa với học sịnh. Chủ nhiệm lớp tôi là anh Vạn, là đảng viên còn rất trẻ, chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Cùng anh Hoàn, Bí thư chi đoàn Thanh niên cứu quốc của trường, cũng là đảng viên hai anh là những tấm gương sáng cho chúng tôi, cả cho nhiều năm sau này.

Tết Nguyên đán năm đó, vì đường xa nên tôi ở lại ăn Tết cùng một số đông các bạn trong trường. Nhà trường trước Tết cũng đã gói bánh chưng cho hoc sinh hoặc đem về nhà hoặc để ăn Tết trong trường. Trường còn cho mổ một con trâu cho cả trường vui Tết. Riêng lớp tôi còn có thêm hai món thịt rắn và kỳ đà, sản phẩm tự túc góp Tết, Nhưng tôi không dám đụng đũa vào hai món này vì cứ thấy ghê ghê, khiến các bạn cùng lớp bảo tôi là rát như cáy, món ngon hiếm hoi trên đời mà không biết hưởng !

Có mấy kỷ niệm trong năm học này mà tôi không quên. Thứ nhất là có một dạo tôi bị sốt rét, phải nằm bệnh xá gần một tuần. Trong những ngày này, không một ngày nào mà không có các bạn cùng lớp tới thăm, kể cả các bạn nữ. Các bạn thay nhau giúp tôi chép các bài trên lớp, giặt quần áo mà tôi thay ra, lấy cơm cháo, nước uống hàng ngày cho tôi. Bạn Nguyệt đem đến cho tôi mấy ống thuốc tiêm "ki-nô-phooc" là một loại thuốc tây rất hiếm và hiệu nghiệm chống sốt rét mà gia đình Nguyệt gửi cho bạn để phòng bị.

Thứ hai là có một buổi chiều, học sinh cả trường đang "đô đô son mì” trên bãi cỏ rộng, bỗng có một chiếc máy bay Pháp bay qua, Chúng tôi tóe ra chạy vào các hầm trú ẩn quanh đó. Ráng chừng tên phi công cũng đã phát hiện ra hiện tượng đó nên quành lại bắn vu vơ vài tràng súng liên thanh rồi cút thẳng. Học sinh không ai việc gì, nhưng có một con trâu bị dính đạn trúng mông. Chẳng biết tin tức thế nào mà thầy hiệu phó tức tốc chạy xuống lớp tôi hỏi tình hình vì tưởng tôi, học sinh Châu, bị thương do máy bay Pháp bắn!

Trong năm học này còn có mấy sự kiện đáng ghi nhớ. Trước hết là việc tôi được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Thứ hai là việc lớp chúng tôi thành lâp "Câu lạc bộ gia đình". Nguyên do là thế này :

Các buổi tối mùa đông rét mướt bọn con trai lớp tôi quây quần bên đống lửa nhỏ giữa nhà kể cho nhau nghe về gia đình mình và ghi tên thành lập một câu lạc bộ mang tên GIA ĐÌNH, rồi căn cứ vào tuổi nhận nhau là anh em, Việc này có tác dụng lớn , tăng cường tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt do hiểu biết hoàn cảnh gia đình của nhau, Thậm chí vài cậu lâu nay hay quấy phá thuộc loại cá biệt trong lớp cũng xin gia nhập Câu lạc bộ và từ đấy tu tỉnh hẳn lên, Các bạn nữ cùng lớp cũng tự nguyện gia nhập. Anh Vạn, giáo viên chủ nhiệm lớp, rất khen sáng kiến này và cũng nhận vào câu lạc bộ với danh nghĩa là anh cả vì anh hơn tuổi chúng tôi.

Thấm thoát đã hết năm học đầu tiên tại trường sư phạm. Chúng tôi tạm biệt nhau về gia đình chính của mình để nghỉ hè. Tôi về một vùng thuộc tỉnh Tuyên Quang, nơi gia đình anh tôi cùng cơ quan mới đến sơ tán trong thời gian này.

ooOoo

BẮC SƠN VÀ CUỘC HÀNH QUÂN VƯỢT BIÊN GIỚI​


Gần hết hè thì nhà trường gửi giấy cho từng học sinh báo tin sang năm học mới sẽ đổi địa điểm trường tới một vùng khác. Trường thông tin cho học sinh biết thời gian và địa điểm tập trung để rồi cùng chuyển sang địa điểm mới. Nơi tập trung là một vùng thuộc Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhà trường không báo tên cụ thể của địa điểm mới, nhưng chúng tôi đoán sẽ ở bên kia biên giới phía Bắc. Tôi hẹn mấy bạn học gần đấy cùng đi đến địa điểm tập trung. Đúng hẹn chúng tôi gặp nhau, ba lô trên vai, mũ lá ngụy trang, cuốc bộ môt tuần lễ liền, ngày đi đêm nghỉ, băng qua Thái Nguyên rồi sang Lạng Sơn. Hồi này máy bay Pháp cũng ít hoat động trên vùng trời Tây Bắc và Việt Bắc. Chúng tôi đi giữa ban ngày, vừa đi vừa ngắm cảnh núi rừng Tổ quốc, trên đường đất tuy chẳng thênh thang 8 thước như trong bài thơ "Ta đi tới" của Tố Hữu mấy năm sau đó, nhưng cũng thấy vui, chẳng thấy mệt nhọc đường xa. Chúng tôi đến địa điểm tập trung hơi sớm, được hướng dẫn vào trú trong một cái hang rất rộng. Tập trung ở đây không phải chỉ có trường chúng tôi, mà còn có trường cao đẳng trung ương ở Đào Giã Phú Thọ và trường sư phạm trung cấp ở khu tự do Thanh Hóa.

Những ngày ở đây, chúng tôi sinh hoạt theo kiểu bán quân sự. Có đêm đốt lửa trại, diễn kịch, ca hát vui vẻ. Cũng ở đây lần đầu tiên trong đời tôi được trông thấy cảnh nhà bếp mổ trâu, xẻ thịt ra sao. Tuy thương con vật bạn nhà nông, nhưng đến bữa vẫn thấy ngon miệng. Thời chiến mà, chẳng mấy khi có miếng thịt ăn cũng thích !

Một thời gian ngắn sau đó, cả mấy trường ‘’hành quân’’ cuốc bộ lên đường hướng tới mục Nam Quan. Vì đi đông, theo tôi ước đoán có lẽ đến một nghìn người kể cả các cán bộ, nhân viên. giáo viên của các trường, nên không thể chủ quan như mấy tuần trước, mà phải đi theo từng ‘’trung đội’’, xuất phát từ lúc gần tối, đến 2-3 giờ sáng mới tới địa điểm tạm nghỉ để ngủ và nghỉ ngơi gần hết cả ngày hôm sau. May là dạo đó là những đêm sáng trăng (chứ làm gì có đèn pin như bây giờ). Lúc mới xuất phát thì còn hăng hái, dọc đường hò hát, chủ yếu là điệu ‘’hò lơ’’, nhưng mấy tiếng đồng hồ sau thì bắt đầu thấm mệt, hò hát cũng đã rời rac, chỉ mong sớm thấy ánh đèn đỏ bên đường là ký hiệu tới bản làng tạm nghỉ qua đêm mà đội tiền trạm đi trước bố trí. Tới nơi, mệt nhoài, mắc vội chiếc màn theo quy định để tránh muỗi đốt truyền bệnh sốt rét, chẳng kịp rửa chân tay đã lăn ra ngủ (mà làm gì có đủ nước cho hàng nghìn con người !). Sáng hôm sau, khoảng 5 giờ đã phải dậy để tản ra rừng núi hang động gấn đó tránh máy bay địch, cơm nước từng tiểu đội cho người về lấy, đến tận chiều gần tối mới lại tập trung, tiếp tục lên đường như hôm trước. Tôi không nhớ là hành quân như vậy mất mấy đêm ngày, nhưng rồi một buổi tối chúng tôi đến mục Nam Quan, nhìn sang bên Trung Quốc thấy đèn măng sông sáng choang.

Chúng tôi phải chờ đợi mất mấy tiếng đồng hồ ở đây để làm thủ tục qua biên giới. Sang đất Trung quốc rồi, nhưng vẫn phải tiếp tục cuốc bộ - tôi không nhớ bao nhiêu cây số nữa mới tới địa điểm nghỉ đêm đầu tiên trên ‘’đất bạn’’. Đi trên đất Trung Hoa, do quán tính còn lại trong đầu óc, nên tuy đi trên đường bằng phẳng mà vẫn có cảm tưởng là đi trên đường có đào ‘’hố ngang hố dọc chữ i chữ tờ’’ như trong thơ Tố Hữu. Có lệnh phải ‘’ngậm tăm’’ cấm không được hò hát hay nói chuyện vì phải giữ bí mật. Hôm sau có một đoàn xe tải của Giải phóng quân Trung Quốc đến đón đi Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây Trung quốc. Thấy xe đến đón, dù là xe tải, ai nấy đều mừng vì hết phải cuốc bộ, tuy bị nhồi nhét trên thùng xe, ngồi xệp xuống sàn, chứ làm gì có ghế ! Bạt buông xuống phủ kín, nên dù xe chạy ban ngày nhưng cũng chẳng nhìn thấy gì ở hai bên đường mà chỉ thấy sóc thấy ông bà ông vải và thoải mái... hít bụi.

Cũng vẫn duy trì lệnh cấm trò chuyện, hò hát: phải tuyệt đối ngậm tăm, ngay cả khi dọc đường xe tạm nghỉ có đồng bào người Việt đến hỏi thăm bằng tiếng Việt. Hỏi chuyện chúng tôi mà không thấy ai đáp lời, có đồng bào ta thán:
- Khổ không chứ ! Bao nhiêu năm trời xa đất nước, bây giờ mới gặp người cùng Tổ quốc sang mà hỏi chuyện không ai đáp lời !

Ngồi trên sàn xe lúc đầu còn thấy thú vị, nhưng chỉ một lúc sau là sóc kinh khủng vì xe phóng nhanh và đưỡng có nhiêu ổ gà rất xấu. Đã bắt đầu thấy có vài người, rồi nhiều người nôn ọe. Tình trạng khốn khổ đến nỗi chỉ mong lại được cuốc bộ ! Rồi cuối cùng xe đến thành phố Nam Ninh, một thành phố mới được giải phóng cách đây vài năm. Được lệnh ngồi yên trên xe, sau đó các xe lại chạy tiếp trên một con đường cũng chẳng hơn gì trước đó đến một làng có cái tên là Tâm Hư, cách Nam Ninh khoảng 10 km.
 
KHU HỌC XÁ TRUNG ƯƠNG

Tâm Hư là một làng của người Choang, một dân tôc thiểu số của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cán bộ, nhân viên Trung Quốc đã cải tạo một số đình chùa và dựng một số nhà gỗ thông hay bạch đàn, mái gồi, làm nơi ăn ở và học tập cho các cán bộ, nhân viên, sinh viên và học sinh Việt Nam. Chỉ thấy có giường đôi gỗ thông, không có bàn ghế gì, mỗi sinh viên học sinh được phát một cái ghế đẩu và một cái bảng nhỏ kê trên đùi làm bàn học. Mỗi người được phát ngay hai bộ quần áo thường và 2 bộ quần áo lót, một áo bông, quần bông, mũ bông, một đôi giầy vải và một vài đồ dùng hàng ngày. Tôi và một số bạn khác vì có khổ người hơi khác thường nên phải chọn mũ đại, áo trung, quần tiểu và giầy vải thì cũng phải lựa ! Mỗi tháng được nhận một khoản tiền nhỏ để tiêu vặt, Các cán bộ, nhân viên tùy theo cấp bậc được cấp nhiều hơn và ở một khu riêng.

Các trường được nhập lại thành Khu học xá Trung ương, tên Trung Quốc là "Nam Ninh dục tài học hiệu". Giám đốc là đồng chí Võ Thuần Nho, em ruột Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ăn thì có 3 cấp là "tiểu táo, trung táo, đại táo". Đừng tưởng "đại" là chế độ ăn cao nhất, mà là thấp nhất dành cho sinh viên, học sinh. Hàng ngày cơm trắng không độn, ăn no, thức ăn tuy bình thường nhưng cũng hơn bên nhà, nhất là được sinh sống và học tập trong hoàn cảnh hòa bình, yên ổn và có các chiến sĩ Giái phóng quân canh gác.

Tâm Hư là một làng nghèo nàn, rất sơ xác, tiêu điều, nhiều ao hồ tù đọng. Nhà cửa trong làng quá đơn sơ, phần lớn là tường toóc-xi bằng đất bùn, không có cửa ra vào hay cửa sổ, giường, bàn, ghế cũng chỉ bằng đất nện. Ngay bên cạnh chỗ ở chật hẹp của cả gia đình là chuồng lợn. So với nông thôn Việt Nam thì kém xa. Thật tình mà nói, lúc đó chúng tôi rất biết ơn chính phủ Trung Quốc, tuy đất nước mới được giải phóng có mấy năm mà đã dành cho chúng tôi một sự ưu đãi như trên đã kể. Các cán bộ, nhân viên Trung Quốc lúc này cũng rất hữu nghị và tận tình, đôi khi còn quá mức.

Chương trinh học tập hoàn toàn là của ta, do các thầy cô Việt Nam giảng dạy, hàng tuần chỉ có mấy giờ ngoại ngữ tiếng Trung do các thầy cô Trung Quốc đảm nhận. Tóm lại mọi công việc giảng dậy, học tập là do ta quyết định và thực hiện, phía Trung Quốc lo cho ta về mặt vật chất, an ninh. Mỗi tháng có tổ chức ra thành phố Nam Ninh xem phim hoặc kịch. Sinh viên và học sinh thì rồng rắn đi bộ, xe tải chỉ dành cho cán bộ , thầy cô và nhân viên Việt nam trong Khu học xá. Ấn tượng về thành phố Nam Ninh lưu lại trong đầu óc chúng tôi là phố xá, nhà cửa, hàng hóa cũng bình thường, nhưng rất đông người. Ở ngoại thành chúng tôi thấy có nhiều tù binh Tưởng Giới Thạch mặc quần đùi đỏ lao động làm đường. Tôi còn nhớ một bài hát Trung Quốc có câu "Cờ đỏ lửng lơ không trung", được "nhất quỷ nhì ma" chúng tôi đổi thành "Quần đỏ lửng lơ Nam Ninh" !

Sau một thời gian ngắn ổn định tổ chức, chia lớp, chúng tôi bắt đầu vào việc học tập chính trị, cải tạo tư tưởng, mục đích là để thấm nhuần ý thức học tập để phục vụ Tổ quốc, phuc vụ nhân dân, yêu nghề sư phạm. Hình thức là nghe giảng ở hội trường, rồi về tổ thảo luận, liên hệ kiểm điểm tư tưởng. Sau đó khoảng cuối năm 1951 mới vào học theo chương trình của bộ.

Cũng trong thời gian Khu Học xá ở làng Tâm Hư, học sinh chúng tôi mò ra một khu đồi cạnh làng để xem người Trung quốc "đấu tố" địa chủ. Chúng tôi chỉ đứng cách xa chỗ "đấu tố" một chút, nhưng cũng đủ nhìn thấy cảnh cả gia đình một địa chủ, từ người già tới trẻ con, bị lôi ra bắn chết ngay tại gần đó như thế nào. Chúng tôi thấy cuộc cải cách ruộng đất ở đây tàn nhẫn quá, về trường bàn tán với nhau, thì được nhắc nhở rằng đây là vấn đề nội bộ của nước bạn, mình không nên phê phán bình luận gì vì không biết tình hình cụ thể.

Khoảng tháng 3 năm sau (1952) có tin trong nước cần gấp một số giáo viên cấp 1 và cấp 2 về nước phục vụ trong các vùng vừa được giải phóng hoặc địch hậu, chủ yếu ở khu III lúc ấy (đồng bằng Bắc bộ), giành dân với địch. PHÂN ĐOÀN ĐẶC BIỆT được thành lập trên cơ sở tình nguyện của học sinh. Vì ai cũng tình nguyện về nước theo tiếng gọi của Tổ quôc, vượt số lượng yêu cầu, nên nhà trường phải cho tiến hành bình nghị ở các lớp.

Tôi được các bạn trong lớp bình chọn vào phân đoàn này. Đây được coi là vinh dự lớn cho những người được bình chọn, mặc dù sẽ phải từ bỏ hoàn cảnh hòa bình yên ổn, ấm no trên đất bạn lúc đó để trở về hoàn cảnh kháng chiến gian khổ trong nước. Phân đoàn này được toàn khu học xá ưu tiên các mặt trong mấy tháng chuẩn bị về nước phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân.

Gần đến ngày lên đường về nước của phân đoàn đặc biệt, đồng chí giám đốc khu học xá Võ Thuần Nho và đồng chí hiệu trưởng Nguyễn Văn Chiển triệu tập tôi lên gặp. Tôi rất hồi hộp không hiểu có chuyện gì. Các anh Nho và Chiển trước hết đả thông tư tưởng cho tôi là phải phục vụ bất kỳ nơi đâu Tổ quốc cần, rồi thông báo cho tôi biết quyết định của ban giám đốc khu và ban giám hiệu trường: Tôi không về nước đợt này, mà ở lại công tác ngay tại trường thiếu nhi trong khu.

Tôi bàng hoàng hỏi lại các đồng chí là tôi đã mắc khuyết điểm gì mà không được về nước như các bạn khác trong phân đoàn đặc biệt? Các đồng chí cười và trả lời: không phải như vậy, mà là do nhu cầu của công việc. Tôi phải thông suốt tư tưởng ‘’đâu cần thanh niên có’’, toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng bất cứ ở nơi nào, và trao cho tôi tờ quyết định của khu và trường.

Tuy chưa thông hẳn và rất buồn khi phải chia tay với các bạn trong phân đoàn đặc biệt đang hồ hởi sắp lên đường về nước, tôi thu xếp hành lý đến trường cấp 1 do anh Đức Minh làm hiệu trưởng để nhận nhiệm vụ mới. Tháng 7 năm ấy, bộ Giáo dục có quyết định chính thức công nhận tôi trở thành giáo viên trong ngành và cuối năm đó, một số các bạn cùng lớp với tôi cũng trở thành giáo viên và được giữ lại công tác ở các trường thiếu nhi Việt Nam đặt tại Trung Quốc thời đó .

Ngay trong năm 1952 và sang năm sau, Trung Quốc xây dựng cho ta một khu trường khang trang ở gần thành phố Nam Ninh, và đến mùa thu năm 1953 thì toàn Khu học xá rời Tâm Hư và chuyển ra địa điểm mới. Chính tại đây chúng tôi dự đợt "chỉnh huấn tư tưởng" nhân dịp trong nước tiến hành cải cách ruộng đất. Mấy năm sau đó tôi tiếp tục công tác tại cấp 1 và cấp 2 trường thiếu nhi Việt nam của Khu học xá TƯ.

Viết đến đây tôi nhớ đến các bạn cùng lớp, cùng trường, đã từ 70 năm nay và lâu hơn thế, cho đến bây giờ vẫn còn liên lạc với nhau như Đĩnh, Thế Vinh, Ích, Lưc, Hoàng Giai, Phúc, G.Tiến, V.Long, Yêm, Trịnh Lương và biết bao bạn bè khác mà tôi không thể kể hết, trong số này có cả những bạn nay đã mất như Sĩ Miện (trường Nguyễn Thài Học), Văn Hồng (trường Hùng Vương), Minh Nguyệt, Phượng Tường, Giao, Hiệp (trường sư phạm và khu học xá), để cùng nhau nhớ. lại những kỷ niệm thời thanh xuân sôi nổi đó.

=====
Chú thích của thằng cháu:
  • Đoạn chứng kiến đầu tố và hành quyết gia đình vẫn là một kỷ niệm ám ảnh với ông tôi. Mỗi khi nhắc về thời gian ở Trung Quốc, ông vẫn luôn nhắc về cảnh này. Tôi đoán việc chứng kiến cái chết bao gồm của trẻ nhỏ, cũng như nhiều cảm xúc đối nghịch về con người và chính trị vẫn làm ông buồn đến bây giờ.
  • Về câu chuyện "tiểu táo, trung táo, đại táo", theo content của trang Hỏa Lò có viết như sau:
Chế độ ăn của bộ đội Việt Nam khi đó được quy định như sau:
  • Đại táo: Áp dụng cho tất cả cán bộ chiến sỹ và những người có quân hàm đến Trung úy, được hưởng tiêu chuẩn ăn 0,68 đồng/ngày.
  • Trung táo: Áp dụng cho các sỹ quan có cấp hàm từ Thượng úy đến Trung tá, được hưởng 0,9 đồng/ngày.
  • Tiểu táo: Áp dụng cho các sỹ quan cao cấp, có quân hàm Thượng tá, Đại tá, được hưởng tiêu chuẩn ăn 1,2 đồng/ngày.
 
Last edited:
NHẬN CÔNG TÁC MỚI


Đến tháng 5 năm 1955 thì có lệnh của Khu học xá cử tôi về Hà nội nhận một nhiệm vụ đột xuất. Tôi bước sang một giai đoạn mới trong đời.

Tôi cùng một anh giáo sinh sắp tốt nghiệp giáo viên cấp hai tên là Hòa về Hà nội, đến Bộ giáo dục nhận công tác. Đồng chí Thứ trưởng - lại chính là đồng chí Võ Thuần Nho, Thủ trưởng của chúng tôi ở Khu học xá - tiếp hai chúng tôi trao nhiệm vụ. Đồng chí bảo chúng tôi 3 tuần nữa sẽ đón 150 em thiếu nhi, con em các cán bộ trung cao cấp hai miền Nam Bắc và con liệt sĩ do Ban tổ chức Trung ương Đảng lựa chọn. Các em sẽ tập trung tại trường Chu Văn An cạnh Hồ Tây để sang học tại CHDC Đức. Hai chúng tôi phải gấp rút làm một chương trình chuẩn bị cho các em một số kiến thức tối thiểu về đất nước ta và về nước anh em CHDC Đức, về nhiệm vụ học tập sắp tới của các em, về tình đoàn kết hữu nghị với các bạn Đức v,v... Mặt vât chất, màn chiếu, ăn ở tắm giặt, quần áo mới cho các em do Bộ lo. Trong chương trình kế hoạch cũng phải có bố trí tham quan một số nơi ở Thủ đô, xem phim hoặc xem kịch, tập một số bài hát, điệu múa. Mấy hôm sau chúng tôi xin gặp đồng chí thứ trưởng duyệt bản kế hoạch, đồng chí rất hài lòng.

Tôi liên hệ với mấy bạn quen đang công tác tại Hà Nội, đề nghị giúp về phần văn nghệ. Đúng hẹn chúng tôi đón các em lần lượt đến địa điểm tập kết. Các em ở độ tuổi từ 9 đến 14, trình độ học lực từ lớp 1 đến lớp 4. Khác nhau như vậy là khó cho hai chúng tôi rồi ! Thêm nữa là hồ sơ giấy tờ cá nhân của các em do ban Tổ chức Trung ương Đảng gửi đến cho chúng tôi rất sơ sài, ví dụ chỉ đề tuổi mà không ghi cụ thể ngày tháng năm sinh. Việc này khi sang CHDC Đức, các đồng chí bạn hỏi cụ thể để làm lễ sinh nhật cho từng em, các giáo viên Việt nam chúng tôi không biết trả lời ra sao, các em cũng không biết. Chúng tôi đành bảo các em tự chọn cho mình một ngày nào đó theo ý thích, vì các bạn Đức cần gấp mà chúng tôi thấy thời gian đợi chờ bên nước sẽ quá lâu vì chưa chắc Ban Tổ chức TƯ hay bản thân bố mẹ các em biết chính xác. Kết quả là nhiều em chọn chung một ngày, thường là sinh nhật Bác, ngày CM T8 thành công, ngày Quốc Khánh, ngày giải phóng thủ đô, ngày Nam bộ kháng chiến, v.v... Điều này làm cho các bạn đồng nghiệp Đức của chúng tôi rất ngạc nhiên vì thấy nhiều em có cùng sinh nhật !

Ngay trong ngày các em đến tập trung, tôi và anh Hòa ghép các em vào các tổ theo trình độ học lực, chỉ định tổ trưởng tổ phó tạm thời. Các tổ các em nhỏ lớp 1 lớp 2 có các bác bảo mẫu do bộ Giáo dục cử đên để giúp các em trong sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi cũng giao nhiệm vụ này cho một số em lớn cùng giúp. Hai chúng tôi lập ra một thời khóa biểu hàng ngày cho các em. Sau khi ổn định tổ chức, chương trình "huấn luyện" bắt đầu. với hình thức kể chuyện là chính, cùng với những hoạt động "ngoại khóa" như múa hát, xem phim, xem kịch, đi thăm một số nơi trong nội thành Hà Nội.

Thấm thoát sắp đến ngày các em lên đường. Bộ Giáo dục quyết định tôi và anh Hòa cùng sang CHDC Đức để hợp tác với các đồng chí bạn trông nom dậy dỗ các em. Anh Hòa xin ở lại vì mới cưới vợ. Tôi nói với đồng chí Nho báo sang Khu học xá xin mấy giáo viên đi cùng.

Gần đến ngày lên đường, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Liên hiệp công đoàn Việt nam, đến thăm các cháu. Tôi xui một em nhỏ ngồi cạnh (Tôi nhớ đó là Châu Thu, lúc ấy mới 9 tuổi, sau này trở thành Phó Giáo sư trường Đại học nông nghiêp Hà Nội) đề nghị đồng chí Hoàng Quốc Việt xin với Bác Hồ cho phép các cháu được gặp trước khi các cháu sang nước bạn.

Bác Hoàng Quốc Việt nói:
- Khó đấy, vì Bác Hồ vừa đi công tác ở nước ngoài về, bận trăm công nghìn việc nên chưa biết thế nào.

Thầy trò chúng tôi do đó không mấy hy vọng được gặp Bác Hồ, mặt khác phải gấp rút chuẩn bị lên đường.

PHẦN TIẾP: ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ
 
Đọc câu chuyện của ông bro, và các chuyện mình đọc về thời kỳ chống pháp (Vd: Đèn cù của bác Trần Đĩnh) thì mới thấy, dân ta thời đó thực sự rất là đồng lòng, sống trong khó khăn nhưng vẫn rất vui vẻ, và yêu thương đùm bọc nhau rất nhiều. Chỉ bắt đầu có sự chia rẽ từ khi chống mỹ.
 
Bạt buông xuống phủ kín, nên dù xe chạy ban ngày nhưng cũng chẳng nhìn thấy gì ở hai bên đường mà chỉ thấy sóc thấy ông bà ông vải và thoải mái... hít bụi.
ông của bác cũng rất có khiếu hài hước và viết hồi ký rất cuốn, từ ngữ cũng rất hợp thời nay và lịch sự, hóng bác ra các phần tiếp, không hiểu sao bị move vào box này chứ để ở F17 chắc sốt xình xịch🫰👍😻
 
ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ

Ngờ đâu tin vui do một cán bộ bộ Giáo dục đến báo cho tôi vào một tối thứ bẩy sắp lên đường, khi thầy trò chúng tôi đang xem một vở kịch ở rạp Hồng Hà : Bác Hồ sẽ tiếp thầy trò chúng tôi vào 7 giờ 30 sáng chủ nhật hôm sau ở Phủ Chủ tịch, trước khi chúng tôi lên đường sang CHDC Đức một ngày.

Quen tác phong giữ bí mât, tôi không báo ngay cho các em học sinh biết tin vui này. chỉ nói với các em sáng sớm ngày mai, tất cả sẽ có cuộc đi thăm đặc biệt trước khi lên đường, phải mặc bộ quần áo đồng phục mà bộ giáo dục vừa phát. Đêm hôm ấy, niềm vui sắp được gặp Bác khiến tôi khó ngủ. Đây là lần đầu tiên trong đời ước mong này của tôi sắp được thực hiện. Cách đây ít lâu, ở Khu học xá bên Nam Ninh Trung Quốc, chúng tôi nhận được tin Bác Hồ, sau khi đi công tác ở nước ngoài, sẽ rẽ vào thăm Khu học xá trước khi Bác về nước. Tin ấy khiến cả Khu vui mừng tấp nập chuẩn bị đón Bác. Ngờ đâu, vì có việc đột xuất nên Bác không vào thăm Khu học xá được. Lúc ấy tôi đang ở Khu học xá, rất buồn vì tin này, nghĩ với thân phận mình thì có lẽ suốt đời chưa chắc đã được gặp Bác, niềm mong mỏi không phải chỉ của riêng tôi, mà là của toàn dân đất Việt. Thế mà sáng mai đây, tôi cùng mấy bạn đồng nghiệp và các em, chỉ hơn 150 người, sẽ được gặp Bác, mà tôi là trưởng đoàn !

Từ trường Chu Văn An sang chiếc cổng đỏ Phủ Chủ tịch chỉ có một quãng ngắn. Khi vào trong cổng đỏ, các em đoán ra được và reo ầm lên. Lúc này tôi mới chính thức báo tin sắp được gặp Bác Hồ và dặn các em phải giữ trật tự. Đồng chí cán bộ Phủ chủ tịch bảo cho tôi biết thời gian được gặp Bác là 45 phút, rồi dẫn chúng tôi vào một căn phòng rộng. Mấy phút sau, cánh cửa bên mở ra, Bác Hồ hiện ra như một ông tiên, râu tóc bạc phơ. Bác mặc bộ quần áo mầu gụ, chân đi dép lốp. Các cháu thiếu nhi hô vang " Bác Hồ muôn năm ! Bác Hồ muôn năm !" Bác khoát tay ra hiệu các cháu im lặng rồi hiền từ hỏi han, căn dặn các cháu. Tai tôi chú ý nghe Bác nói, nhưng mắt vẫn quan sát xem bàn tay Bác có phải là có 6 ngón, mắt Bác có phải là có 2 con ngươi như một số người vẫn đồn đại không (vì tôi chỉ đứng cách Bác có dăm ba mét). Hóa ra họ đồn sai cả. Bàn tay và mắt Bác bình thường như mọi người, chỉ có điều Bác rất hiền từ và đôn hậu, gần gũi như ông, như cha trong gia đình. Sau khi dặn dò các cháu, Bác hỏi chúng tôi :

- Những ai đưa các cháu đi ?

Thay mặt các thầy giáo và mấy nhân viên bộ Giáo dục cử đi, tôi lễ phép trả lời Bác :
- Thưa Bác, cùng đi với các cháu có 4 giáo viên chúng cháu sẽ sang ở nước bạn trong suốt thời gian các cháu học tập ở đấy. Bốn giáo viên chúng cháu sẽ cùng cộng tác với các bạn Đức trông nom, dậy dỗ các cháu. Ngoài ra bộ Giáo dục còn cử mấy bác nhân viên đi cùng để phục vụ, giúp đỡ các cháu trong thời gian đầu.

Bác hỏi các giáo viên chúng tôi :
- Các chú đi cùng các cháu sang nước bạn và sẽ cộng tác với các bạn Đức, vậy các chú có biết tiếng Đức không ?

Tôi đáp lời Bác :
- Thưa Bác, chúng cháu vừa ở Khu Học xá Nam ninh Trung quốc về nhận nhiêm vụ này. Chúng cháu chỉ biết một số tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp đủ dùng trong giao tiếp hàng ngày.

Bác mỉm cười hiền từ nói với chúng tôi :
- Các chú sang CHDC Đức, cộng tác với các bạn Đức, mà lại chỉ biết ít tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp thì làm sao làm việc tốt được. Vậy các chú phải học thạo tiếng Đức để làm tròn trách nhiệm trong thời gian trên đất bạn, sau này còn về phục vụ đất nước bằng cái vốn tiếng Đức của mình.

Rồi Bác giao cho các thầy giáo chúng tôi một số huy hiệu in hình Bác để làm phần thưởng cho thầy trò chúng tôi trong thời gian học tập và làm việc trên đất bạn và bảo chú cán bộ của Phủ Chủ tịch lấy kẹo chia cho các cháu.

Thời gian quy định được gặp Bác trôi qua quá nhanh và sắp hết. Mặc dù trong lòng rất lưu luyến, muốn ở lại lâu hơn bên Bác, tôi vẫn đành phải xin phép Bác được thay mặt thầy trò chúng tôi nói lên mấy lời ngắn gọn về niềm vinh dự và nỗi sung sướng của chúng tôi được vào chào tạm biệt Bác, hứa sẽ thực hiện đầy đủ và thật tốt những điều Bác dậy bảo, căn dặn, kính chúc Bác mạnh khỏe sống lâu, rồi xin phép Bác ra về.

Tôi thấy các em đều giữ kẹo của Bác cho không ăn, và khi ra về thì nhặt mấy hòn đá cuội nhỏ trong vườn Phủ Chủ tịch để mang sang nước bạn làm kỷ niệm.
 
ĐI XE LỬA SANG NƯỚC BẠN

Hôm sau, vào một ngày gần cuối tháng 8, thầy trò chúng tôi ra ga Hàng Cỏ để sang nước bạn Đó là một buổi sáng nắng đẹp của mùa thu Hà Nội. Có rất nhiều phụ huynh bạn bè thân thuộc ra tiễn. Chúng tôi nửa vui, nửa buồn, lưu luyến rời Hà Nội và đất nước thân yêu. Xe lửa của ta lúc này rất cũ, ỳ ạch chạy đến tối mới đến mục Nam Quan, trên toa chỉ có đèn dầu tù mù. Sau khi làm xong thủ tục, thầy trò chúng tôi qua biên giới, một quãng ngắn đã thấy một đoàn tầu Trung Quốc đèn thắp sáng trưng đứng đợi trên đường ray khổ rộng.

Chúng tôi được hướng dẫn lên các toa, chia vào các phòng 4 người, giường mềm phủ vải trắng toát. Tầu có đủ phòng ăn và các phòng vệ sinh rất sạch sẽ. Toa nào cũng có các nhân viên người Trung Quốc phục vụ chu đáo. Một giờ sau, tầu bắt đầu chuyển bánh hướng về phía Bắc. Ròng rã nhiều ngày trời, chúng tôi qua nhiều thành phố, nông thôn nhiều phong cảnh kỳ vĩ, sông rộng, núi cao. cả ngày ngắm cảnh không biết chán. Trên đoạn đường dài tới Bắc Kinh, chúng tôi làm lễ kỷ niệm Quốc Khánh mồng 2 tháng 9 trên tầu rất vui vẻ. Ăn uống thì chẳng cần phải nói, trái cây táo lê ê hề. Một số em nhỏ thậm chí đến bữa không chịu ăn cơm mà chỉ muốn ăn trái cây !

Đến Bắc Kinh, chúng tôi nghỉ ở đây mấy ngày, được Đại sứ quán Viêt Nam và các bạn Trung quốc bố trí cho đi xem vài nơi như Thiên An Môn và Cố cung, nhưng cũng chỉ như "cưỡi ngựa xem hoa". Rồi chúng tôi lại lên tầu chạy tiếp sát Mông Cổ sang địa phận Liên Xô. Ở đây chúng tôi lại chuyển sang tầu Liên Xô, còn đẹp hơn tầu Trung Quốc. Cũng như ở Trung Quốc, Đại sứ quán của ta cử một cán bộ đi cùng để giúp đoàn. Đến hồ Baican ở Xibêri, chúng tôi được xuống chơi, ngắm xa xa đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa, phong cảnh tuyệt đẹp. Cũng ở đây, thầy trò chúng tôi còn nhớ có một việc khó quên; ấy là việc tắm nước ấm, không ai được mặc thứ gì trên người ! Tất nhiên, phụ nữ, con gái có phòng riêng.

Tầu chạy rất nhanh, toàn đường đôi khổ rộng như ở Trung quốc. Dọc đường, ở môt số ga tầu tạm dừng, nhiều phụ nữ Liên Xô nhẩy lên tầu ôm hôn chúng tôi thắm thiết và cho nhiều quà bánh. Chúng tôi rất cảm động trước những tình cảm chân thành đó. Nhiều ngày trời tầu chạy xuyên qua đất nước Liên Xô vĩ đại (rất tiếc không qua Thủ đô Matscơva), rôi sang Ba Lan. Ở đây chúng tôi lại chuyển sang tầu CHDC Đức, có đồng chí giám đốc khu trường các em học sau này sang đón. Tầu của CHDC Đức cũng đẹp gần bằng tầu Liên Xô, đưa chúng tôi về thành phố Franfurt-Oder của CHDC Đức, sát biên giới với Ba Lan.

Ở sân ga này, các bạn Đức đã tổ chức một cuộc tiếp đón rất hoành tráng, kèn đồng thổi vang. Đại diện thành phố, đại diện Đội Thiếu nhi Thê-lơ-man quàng khăn xanh, lên chào mừng chúng tôi rồi trao đồ chơi ô tô và búp bê cho các em thiếu nhi Việt nam. Nhiều em thiếu nhi Đức xin đổi khăn quàng làm kỷ niệm. Sau đó đoàn xe lửa tiếp tục đưa chúng tôi về thành phố Dresden - Ở đây lại có một cuộc đón chào tưng bừng nữa. Cuối cùng, một đoàn xe buýt đưa chúng tôi về Moritzburg, cách thành phố Dresden khoảng hơn mười cây số, nơi các em hoc tập suốt mấy năm sau.

ooOoo
HAI TRƯỜNG THIẾU NHI VIỆT NAM TẠI CHDC ĐỨC​

Moritzburg là một vùng có nhiều hồ, trên đó thiên nga, vịt trời bơi lội tung tăng, nhiều rừng thưa, phong cảnh rất đẹp. Xưa kia các vua chúa thường về đây săn bắn. Ở vùng này trên một hồ rộng có một lâu đài rất tráng lệ, to đẹp, được xây dựng vào thế kỷ thứ 16, đến ngày nay vẫn là một điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Moritzburg-Castle6.jpg

Gần lâu đài nổi tiếng này là một khu trường hoàn chỉnh rộng rãi gồm trường học, các khối nhà nội trú cho nhân viên và học sinh, nhà bếp và nhà ăn, nhà tắm giặt, bệnh xá, và nhiều bộ phận khác. Trong khu trường có một vườn táo và trồng rau lớn và một sân vận động nhỏ. Khu trường này lúc đó mang tên Kaethe Kollwitz, một nữ họa sĩ Đức chống phát xít. Trước khi các em học sinh Việt Nam đến học, khu trường này đã là nơi học tập của hàng trăm thiếu nhi Triều Tiên trong một số năm, Tổng số giáo viên, trợ giáo, cán bộ nhân viên người Đức phục vụ còn đông hơn số thầy trò Việt Nam chúng tôi.

Các đồng nghiệp Đức giảng dậy phần lớn các môn. Còn các thầy giáo Việt Nam chúng tôi dậy mấy môn tiếng Việt Tập đọc, Địa lý và Lịch sử, phụ trách Đôi thiếu nhi Tháng 8 và cùng các trợ giáo Đức phụ trách các môn ngoại khóa. Các thầy giáo Việt Nam còn phụ trách các buổi truyền thanh tiếng Việt buổi tối của trường, nhằm mục đích để cho các em học sinh trong trường biết một số tin tức chính trên thế giới và trong nước cũng như về các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của các em, biểu dương các gương tốt, đồng thời nhắc nhở các em tránh các hiện tượng cần chấn chỉnh. Các em rất háo hức chờ đón buổi truyền thanh hàng ngày này, nhất là được nghe các bài hát của quê hương : "Đây là đài truyền thanh khu trường thiếu nhi Việt Nam tại Moritzburg !" Tôi còn nhớ ngay các bạn đồng nghiệp Đức cũng rất thích một số bài hát Việt Nam, ví dụ như bài "Làng tôi" của Văn Cao. Các đồng chí thường hát theo âm điệu bài hát này, thậm chí sau đó có đồng chí còn chuyển lời sang tiếng Đức.

Riêng tôi được nhà trường phân công thành lập ban ca múa học sinh, hướng dẫn tập luyện một số tiết mục với sự hơp tác của anh Phúc, giáo viên Việt Nam, và các đồng nghiệp Đức. Trong năm học, có mấy lần ban ca múa này được đi biểu diễn ở một số trường học và xí nghiệp, thậm chí năm sau còn lên biểu diễn tại Thủ đô Berlin trong bữa tiệc Quốc khánh 2 tháng 9 của Đại sứ ta trước các vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước CHDC Đức cùng nhiều vị khách khác,

Năm học đầu tiên trên đất nước bạn trôi qua trong tình yêu thương, chăm sóc dậy dỗ rất nhiệt tình của các thầy cô và cán bộ nhân viên Đức, với biết bao điều mới lạ đối với thầy trò Viêt nam chúng tôi. Ví dụ như mùa đông đầu tiên trên đất nước bạn với tuyết rơi trắng xóa; hay tết Giáng sinh mà thầy trò chúng tôi lần đầu được trải qua và các dịp lễ khác của bạn với nhiều phong tục mới lạ. Tôi còn nhớ những vẻ mặt ngạc nhiên và vui thích của các em, vào một buổi sáng sớm trước ngày lễ Giáng sinh, lúc tỉnh dậy, các em thấy trong đôi giầy tối hôm trước lúc đi ngủ để ở cạnh giường có một món quà dành cho mình ! Hay vào đêm Giáng sinh, các em lần đầu tiên trong đời được trông thấy ông già Nô-en (tiếng Đức các em học là Weihnachtsmann) trong bộ áo quần và mũ đỏ rực, mang theo túi quà to đùng cùng một chiếc roi nhỏ(*), đến gặp các em để hỏi chuyện học hành và sinh hoạt hàng ngày rồi cho quà. Và mấy tháng sau, nhân ngày lễ Phục sinh, dưới sự hướng dẫn của các cô trợ giáo Đức, các em ngồi vẽ những hình sặc sỡ trên những vỏ trứng, rối sau đó đi tìm khắp nơi trong khu trường những quả trứng sặc sỡ đó. Chúng tôi cũng cùng các bạn Đức còn tổ chức cho các em ngày Tết Nguyên đán và Tết Trung thu của ta, cũng như nhiều cuộc đi thăm các nơi trên đất bạn. Tất cả những điều đó tôi không thể kể hết đươc trong những trang hồi ký này .

Sang năm học sau, theo yêu cầu, tôi được chuyển công tác sang khu trường thiếu nhi Viêt Nam thứ hai mang tên Maxim-Gorki-Heim ở thành phố Dresden để làm phiên dịch cho ban giám đốc và truyền đạt kinh nghiệm hợp tác thu được trong năm qua giữa các bạn Đức và Việt Nam. Rồi 3 năm nữa lại trôi qua với biết bao kỷ niệm không bao giờ quên. Ngoài công việc chuyên môn, tôi gắng sức thực hiện lời Bác Hồ dặn, chăm chỉ trau dồi tiếng Đức khiến sau này về nước tôi sử dụng được tương đối thành thạo thứ ngôn ngữ này.

ooOoo
ĐÓN BÁC TRÊN ĐẤT BẠN​


Một kỷ niệm khác nhớ mãi trên đất nước bạn là cuộc đi thăm của Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Viêt Nam do Bác Hồ dẫn đầu sang thăm nước CHDC Đức tháng 7 năm 1957. Toàn bộ sinh viên, học sinh và cán bộ, giáo viên Việt Nam học tập và công tác tại CHDC Đức đều tập trung tại khu trường Moritzburg để đón Bác cùng Đoàn đại biểu. Cả một bầu không khí hân hoan mừng vui bao trùm lên khắp khu trường. Tôi được phân công tập luyên cho các em học sinh hai trường Viêt nam môt chương trình ca múa chào mừng Bác và Đoàn đại biểu dài đúng 40 phút theo quyết định của ban tiếp đón.

Bác nói chuyên với mọi người, cảm ơn các đồng chí bạn, nhắc nhở các cháu sinh viên học sinh và giáo viên phải ra sức hoàn thành nhiệm vụ, đoàn kết tốt với các cán bộ thầy cô và thanh thiếu nhi Đức anh em. Bác cùng đoàn đại biểu xem chương trình văn nghệ của các cháu, chụp nhiều ảnh lưu niệm với từng tốp. Sau hai giờ đồng hồ, Bác và phái đoàn rời khu trường Moritzburg, tiếp tục chương trình của Đoàn đại biểu trên nước bạn. Chúng tôi lưu luyến tạm biệt Bác, chạy theo xe của Bác ra quá cổng khu trường một quãng mới quay về.

x
x x​

Tháng 5 năm 1959, chúng tôi nhận chỉ thị của nước nhà gửi sang báo tin giải tán hai trường thiếu nhi Việt Nam tại CHDC Đức. Các em nhỏ về học trong nước, còn các em lớn hết hè lại sang nước bạn học nghề hoặc đại học, Tôi về nước sau 4 năm công tác tại nước bạn.

==========
Chú thích của thằng cháu:
  • (*) Đội Thiếu nhi Thê-lơ-man quàng khăn xanh - Pionierorganisation Ernst Thälmann / Đội thiếu niên tiền phong Ernst Thälmann
  • (*) Ông già Noel của Đức hơi khác so với các nước Anh/Mỹ, là tay có cầm theo cái roi. Cháu nào cuối năm tổng kết là hư thì sẽ bị tặng cho cái roi để vụt.
  • Năm 2015, báo Spiegel đăng loạt ảnh và phóng sự về sự kiện các em học sinh Việt Nam sang Đức - link. Ông của tôi và gia đình biết được cũng nhờ những người bạn bè từ nước Đức chia sẻ qua email.
1708704634170.png

Ông nội tôi là người chơi đàn kia.
  • Thời gian ông công tác tại Đức là từ năm 55 đến năm 59, trong thời gian này ông học tiếng Đức từ vốn số 0 cho đến thành thạo. Ông kể cách luyện của ông thời đấy là ngày nào cũng viết, kể cả viết những cái đơn giản như hôm nay làm những gì, rồi đưa cho các bạn giáo viên người Đức chấm và sửa.
 
Last edited:
Thớt up đều tay nhé. QUá cuốn luôn. Đây mới là lịch sử này
Cảm ơn bác đã theo dõi nhé! Cũng không còn nhiều lắm đâu, những gì mình upload cũng đã được 2/3 cuốn rồi :D

Ông nội mình cũng rất may mắn khi cuộc sống dù nhiều biến động xung quanh nhưng luôn bình an vô sự, nên nhìn qua thì có vẻ rất nhàm chán... Nhưng ngẫm nghĩ thì cũng thấy nhiều sự kiện được nói trong hồi ký này, từ CMT8, CCRĐ, cho đến bao cấp, đổi tiền 1985, Đổi Mới, và ngay bây giờ là cả Internet. Âu cũng là một góc nhìn của con người trong nhiều sự kiện của Việt Nam, cho dù nó không có mấy "drama" gì cả.
 
LÀM PHIÊN DỊCH VÀ GIÁO VIÊN TIẾNG ĐỨC


Về nước tôi được Phủ Thtg và Bộ Giáo dục phân công làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia CHDC Đức đang giúp ta xây dựng hệ thống điện thoại tự động đầu tiên ở Hà Nội. Tôi gặp ngay những khó khăn rất lớn - tôi đâu có được đào tạo, có biết gì về cái ngành kỹ thuật này. Ngay cả các khái niệm chuyên môn tiếng Việt như đầu dây, thuê bao, bàn trung gian, hệ từ thạch, v,v... còn chẳng hiểu là cái gì, làm sao mà dịch được ra tiếng Đức. Các anh ở Phủ Thtg và ở Tổng cục bưu điện bảo tôi : "Không biết thì phải học, phải vừa làm vừa học, không ai thành thạo ngay từ đầu !" Thế rồi không thoái thác được, tôi phải chúi mũi vào học, dần dần cũng quen việc thật ! Trong thời gian hơn 2 năm đi dịch cho đoàn chuyên gia Đức của Tổng cục bưu điện, tôi được kết nạp vào Đảng.

Cũng trong thời gian này, Cục điện ảnh mở một trường dậy tiếng Đức cho hơn 100 sinh viên, sau khóa học 8 tháng sang CHDC Đức học ngành điện ảnh. Trường đến nói với Tổng cục bưu điện và đoàn chuyên gia Đức cho phép tôi mỗi tuần 3 buổi đến trường dạy tiếng Đức cùng với anh Lê Đức Phúc (sau này là Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện giáo dục Việt Nam) và hai chuyên gia Đức. Đây là trường tiếng Đức đầu tiên và chúng tôi cũng là giáo viên tiếng Đức đầu tiên trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc đó.

Cuối năm 1961, bộ Giáo dục mở ban tiếng Đức ở trường Bổ túc ngoại ngữ Hà Nội. Tôi nguyên là cán bộ của bộ này, trước đây chỉ cho Tổng Cục bưu điện "mượn", nhưng bộ Giáo dục cũng phải "đòi" mãi mới kéo được tôi về làm giảng viên kiêm trưởng ban Đức văn của trường này.


ooOoo
TRƯỜNG BỔ TÚC NGOẠI NGỮ(*1)


Ban đầu trường này chỉ có 3 ban Nga văn, Trung văn và Đức văn với mục đích cung cấp cho sinh viên một vốn ngoại ngữ tối thiểu ban đầu trong một năm học để rồi sang học tập tại nước bạn. Ban Đức văn lúc đầu chỉ có hơn 40 sinh viên, chia thành 2 lớp. Sinh viên ở nội trú, chủ nhật mới được về nhà. Ban tôi có một chuyên gia người Đức, vốn đã nhiều năm giảng dậy cho sinh viên ta ở CHDC Đức nên có rất nhiều kinh nghiệm, Ngoài tôi ra còn có một thầy giáo người Việt nữa, nhưng trình độ không chuẩn lắm. Về sau có thêm một anh nữa vừa tốt nghiệp ngôn ngữ Đức mới về. Tôi làm việc ở trường này, vừa dậy, vừa tự học nâng cao trình độ với sự giúp dỡ rất tích cực và nhiệt tình của đồng chí chuyên gia Đức,


ooOoo
THỰC HIỆN LỜI DẶN CỦA BÁC(*2)


Như tôi viết ở trên, khi dẫn các cháu thiếu nhi vào chào Bác trước khi sang CHDC Đức cuối tháng 8 năm 1955, mấy giáo viên chúng tôi được Bác giao nhiệm vụ phải học thông thạo tiêng Đức để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian trên nước bạn cũng như để phục vụ đất nước sau này khi từ nước bạn trở về..

Đối với tôi và có lẽ đối với mọi người dân Việt chúng ta, học tiếng Đức không dễ. Không kể phải học thuộc và sử dụng tốt một khối lượng lớn các từ ngữ, mà còn phải thông thạo nhiều thứ khác, vì mọi cái đều khác tiếng Viêt, từ phát âm đến ngữ pháp, nhất là ngữ pháp. Trình tự trong câu cứ ngược xuôi khác hẳn tiếng Việt, rồi các biến đổi trong mạo từ, danh từ, động từ, tính từ, cách chia động từ ở các thể, các thì, cách hiểu về giờ giấc nói theo kiểu dân gian và còn biết bao nhiêu điều khó khăn khác lạ so với tiếng Việt.

Xin nêu một ví dụ Tiếng Đức là "Wie geht es Dir ?". Nếu dịch từng tiếng theo trình tự ra tiếng Việt thì là "Thế nào, đi, nó , anh (hoặc chị)", nhưng phải hiểu là "Tình hình anh (hoặc chị) thế nảo ?" hoặc "Anh (chị) có khỏe không ?". Một ví dụ nữa đối với câu hỏi và trả lời về giờ giấc Tiếng Đức là "Wie spaet ist es ?" Dịch từng tiếng ra tiếng Việt là "Thế nào, muộn, thì, nó" Thật ra phải hiểu là "Mấy giờ rồi ?". Ví dụ trả lời "Es ist halb acht." (Nó, thì, nửa, tám) Phải hiểu là "7 giờ rưỡi." ! Thật là quá phức tạp và không dễ chút nào.

Khi mới sang CHDC Đức, bốn giáo viên chúng tôi nhờ các bạn đồng nghiệp Đức cử cho một thầy giáo dậy chúng tôi tiếng Đức. Sau đó, song song với việc học thầy, tôi nhờ một bạn Đức tìm mua cho tôi một tập sách tự học tiếng Đức qua tiếng Pháp, từ quyển mở đầu đến hết tập, và một quyển từ điển Đức - Pháp, Pháp - Đức (vì tôi biết tiếng Pháp) để tôi tự học thêm. Các sách tự học tiếng Đức này rất tốt. Ngoài phần mở đầu dậy cách phát âm theo ký hiệu phiên âm quốc tế, mỗi bài (Lektion) gồm có một bài khóa nhỏ (Text), phần giải thích từ ngữ, phần ngữ pháp, phần bài tập có đáp án ở cuối sách.

Tôi mua một quyển sổ nhỏ ghi các từ ngữ học hàng ngày và một quyển vở ghi những điều cần chú ý. Học từ thì trước hết che phần tiếng Việt, tự kiểm tra thuộc rồi lại che phần tiếng Đức học ngược lại. Lúc đầu tôi đặt chỉ tiêu mỗi ngày phải học thuộc được 20 từ, sau rút dần đi. Học xong phần ngữ pháp thì làm bài tập, xong so sánh ngay với phần đáp án, tìm hiểu kỹ những chỗ sai. Chỗ nào không hiểu lại hỏi các đồng nghiệp Đức.

Cứ thể tôi học dần lên hết cả tập. Hàng ngày tôi tập nói nhiều bằng tiếng Đức, không dấu dốt, không sợ sai, sai thì sửa (có các bạn Đức giúp). Tôi ra phố một mình, tự đi mua bán bằng tiếng Đức. Khi có những người từ trong nước mới sang, tôi tự nguyện đưa ra phố mua hàng hoặc dẫn đi tham quan trong vùng. Như trên đã kể, năm học thứ hai trên đất bạn, tôi đã có thể bắt đầu làm phiên dịch cho ban giám hiệu. Năm sau tôi còn đăng ký xin học hàm thụ khóa ngôn ngữ Đức tại học viện Herder thuộc trường đại học Các Mác Leipzig(*3). Về sau, khi đậy tiếng Đức ở trường Bổ túc ngoại ngữ, tôi còn được đồng chí chuyên gia Đức kèm cặp, nâng cao trình độ về ngôn ngữ cũng như về sư phạm.

Với quyết tâm chăm chỉ học tập theo lời Bác giao nhiệm vụ, dần dần từng bước tôi đạt được trình độ tương đối khá đối với thứ ngôn ngữ "khó nhằn" này, đúng như câu phương ngôn "có công mài sắt có ngày nên kim". Càng về sau, tôi càng có khả năng làm tốt công việc biên phiên dịch và giảng dậy tiếng Đức trong suốt thời gian hơn 50 năm sau này.(*4)

=========
Chú thích của thằng cháu
  • (*1) Trường Bổ túc Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN)
Trường Đại học Hà Nội đã trải qua 60 năm hình thành và phát triển, trong 60 năm đó Nhà trường đã có một số lần được đổi tên, mỗi sự kiện ấy đều gắn với những thăng trầm và bối cảnh lịch sử xã hội theo từng thời kỳ như: Trường Ngoại ngữ (1959-1960), Trường Bổ túc Ngoại ngữ (1960-1967), Trường Đại học Ngoại ngữ (1967-1978), Trường Cao đẳng Bổ túc Ngoại ngữ (1978-1984), Trường Đại học Ngoại ngữ (1984-2006) và từ 2006 đến nay là Trường Đại học Hà Nội.
Nguồn: Quá trình hình thành và phát triển (https://www.hanu.vn/c/6878/Qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien)
  • (*2) Do có trục trặc liên quan đến bắt keyword ở đây, nên tôi tạm thời đưa phần này lên trước, phần sau đang nhờ vả mod để đăng lại sau. Title này tôi giữ nguyên của ông tôi, không thay đổi.
  • (*3) Herder Institut, Karl-Marx-Universität. Sau khi thống nhất nước Đức (1991), trường đổi tên thành Universität Leipzig (Trường Đại học Leipzig)
  • (*4) Ông nội mình sau khi về hưu hẳn thì cũng dạy tiếng Đức tại nhà, từ khoảng năm 95 cho đến 2010, mỗi "lớp" cũng chỉ dạy từ 1 đến đông lắm là 6-7 học sinh. Trong thời gian này thì ông cũng dùng máy đánh chữ tự biên soạn 1 giáo trình cơ bản về ngữ pháp tiếng Đức, Năm 2019, nhân dịp sinh nhật ông 88 tuổi, hai vợ chồng mình đã kì cạch gõ lại giáo trình này lên Word để in tặng ông. Mình cũng xin phép share lên đây, biết đâu có ai đang học tiếng Đức có thể sử dụng được để làm 1 giáo trình a-bờ-cờ về tiếng Đức: https://docs.google.com/document/d/1SiHBcHYMrJHlixJtqPqjel1XXqIJcBEHM6-qBLzBDjc/edit?usp=sharing
 
LÀM PHIÊN DỊCH VÀ GIÁO VIÊN TIẾNG ĐỨC


Về nước tôi được Phủ Thtg và Bộ Giáo dục phân công làm phiên dịch cho đoàn chuyên gia CHDC Đức đang giúp ta xây dựng hệ thống điện thoại tự động đầu tiên ở Hà Nội. Tôi gặp ngay những khó khăn rất lớn - tôi đâu có được đào tạo, có biết gì về cái ngành kỹ thuật này. Ngay cả các khái niệm chuyên môn tiếng Việt như đầu dây, thuê bao, bàn trung gian, hệ từ thạch, v,v... còn chẳng hiểu là cái gì, làm sao mà dịch được ra tiếng Đức. Các anh ở Phủ Thtg và ở Tổng cục bưu điện bảo tôi : "Không biết thì phải học, phải vừa làm vừa học, không ai thành thạo ngay từ đầu !" Thế rồi không thoái thác được, tôi phải chúi mũi vào học, dần dần cũng quen việc thật ! Trong thời gian hơn 2 năm đi dịch cho đoàn chuyên gia Đức của Tổng cục bưu điện, tôi được kết nạp vào Đảng.

Cũng trong thời gian này, Cục điện ảnh mở một trường dậy tiếng Đức cho hơn 100 sinh viên, sau khóa học 8 tháng sang CHDC Đức học ngành điện ảnh. Trường đến nói với Tổng cục bưu điện và đoàn chuyên gia Đức cho phép tôi mỗi tuần 3 buổi đến trường dạy tiếng Đức cùng với anh Lê Đức Phúc (sau này là Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện giáo dục Việt Nam) và hai chuyên gia Đức. Đây là trường tiếng Đức đầu tiên và chúng tôi cũng là giáo viên tiếng Đức đầu tiên trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc đó.

Cuối năm 1961, bộ Giáo dục mở ban tiếng Đức ở trường Bổ túc ngoại ngữ Hà Nội. Tôi nguyên là cán bộ của bộ này, trước đây chỉ cho Tổng Cục bưu điện "mượn", nhưng bộ Giáo dục cũng phải "đòi" mãi mới kéo được tôi về làm giảng viên kiêm trưởng ban Đức văn của trường này.


ooOoo
TRƯỜNG BỔ TÚC NGOẠI NGỮ(*1)


Ban đầu trường này chỉ có 3 ban Nga văn, Trung văn và Đức văn với mục đích cung cấp cho sinh viên một vốn ngoại ngữ tối thiểu ban đầu trong một năm học để rồi sang học tập tại nước bạn. Ban Đức văn lúc đầu chỉ có hơn 40 sinh viên, chia thành 2 lớp. Sinh viên ở nội trú, chủ nhật mới được về nhà. Ban tôi có một chuyên gia người Đức, vốn đã nhiều năm giảng dậy cho sinh viên ta ở CHDC Đức nên có rất nhiều kinh nghiệm, Ngoài tôi ra còn có một thầy giáo người Việt nữa, nhưng trình độ không chuẩn lắm. Về sau có thêm một anh nữa vừa tốt nghiệp ngôn ngữ Đức mới về. Tôi làm việc ở trường này, vừa dậy, vừa tự học nâng cao trình độ với sự giúp dỡ rất tích cực và nhiệt tình của đồng chí chuyên gia Đức,


ooOoo
THỰC HIỆN LỜI DẶN CỦA BÁC(*2)


Như tôi viết ở trên, khi dẫn các cháu thiếu nhi vào chào Bác trước khi sang CHDC Đức cuối tháng 8 năm 1955, mấy giáo viên chúng tôi được Bác giao nhiệm vụ phải học thông thạo tiêng Đức để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian trên nước bạn cũng như để phục vụ đất nước sau này khi từ nước bạn trở về..

Đối với tôi và có lẽ đối với mọi người dân Việt chúng ta, học tiếng Đức không dễ. Không kể phải học thuộc và sử dụng tốt một khối lượng lớn các từ ngữ, mà còn phải thông thạo nhiều thứ khác, vì mọi cái đều khác tiếng Viêt, từ phát âm đến ngữ pháp, nhất là ngữ pháp. Trình tự trong câu cứ ngược xuôi khác hẳn tiếng Việt, rồi các biến đổi trong mạo từ, danh từ, động từ, tính từ, cách chia động từ ở các thể, các thì, cách hiểu về giờ giấc nói theo kiểu dân gian và còn biết bao nhiêu điều khó khăn khác lạ so với tiếng Việt.

Xin nêu một ví dụ Tiếng Đức là "Wie geht es Dir ?". Nếu dịch từng tiếng theo trình tự ra tiếng Việt thì là "Thế nào, đi, nó , anh (hoặc chị)", nhưng phải hiểu là "Tình hình anh (hoặc chị) thế nảo ?" hoặc "Anh (chị) có khỏe không ?". Một ví dụ nữa đối với câu hỏi và trả lời về giờ giấc Tiếng Đức là "Wie spaet ist es ?" Dịch từng tiếng ra tiếng Việt là "Thế nào, muộn, thì, nó" Thật ra phải hiểu là "Mấy giờ rồi ?". Ví dụ trả lời "Es ist halb acht." (Nó, thì, nửa, tám) Phải hiểu là "7 giờ rưỡi." ! Thật là quá phức tạp và không dễ chút nào.

Khi mới sang CHDC Đức, bốn giáo viên chúng tôi nhờ các bạn đồng nghiệp Đức cử cho một thầy giáo dậy chúng tôi tiếng Đức. Sau đó, song song với việc học thầy, tôi nhờ một bạn Đức tìm mua cho tôi một tập sách tự học tiếng Đức qua tiếng Pháp, từ quyển mở đầu đến hết tập, và một quyển từ điển Đức - Pháp, Pháp - Đức (vì tôi biết tiếng Pháp) để tôi tự học thêm. Các sách tự học tiếng Đức này rất tốt. Ngoài phần mở đầu dậy cách phát âm theo ký hiệu phiên âm quốc tế, mỗi bài (Lektion) gồm có một bài khóa nhỏ (Text), phần giải thích từ ngữ, phần ngữ pháp, phần bài tập có đáp án ở cuối sách.

Tôi mua một quyển sổ nhỏ ghi các từ ngữ học hàng ngày và một quyển vở ghi những điều cần chú ý. Học từ thì trước hết che phần tiếng Việt, tự kiểm tra thuộc rồi lại che phần tiếng Đức học ngược lại. Lúc đầu tôi đặt chỉ tiêu mỗi ngày phải học thuộc được 20 từ, sau rút dần đi. Học xong phần ngữ pháp thì làm bài tập, xong so sánh ngay với phần đáp án, tìm hiểu kỹ những chỗ sai. Chỗ nào không hiểu lại hỏi các đồng nghiệp Đức.

Cứ thể tôi học dần lên hết cả tập. Hàng ngày tôi tập nói nhiều bằng tiếng Đức, không dấu dốt, không sợ sai, sai thì sửa (có các bạn Đức giúp). Tôi ra phố một mình, tự đi mua bán bằng tiếng Đức. Khi có những người từ trong nước mới sang, tôi tự nguyện đưa ra phố mua hàng hoặc dẫn đi tham quan trong vùng. Như trên đã kể, năm học thứ hai trên đất bạn, tôi đã có thể bắt đầu làm phiên dịch cho ban giám hiệu. Năm sau tôi còn đăng ký xin học hàm thụ khóa ngôn ngữ Đức tại học viện Herder thuộc trường đại học Các Mác Leipzig(*3). Về sau, khi đậy tiếng Đức ở trường Bổ túc ngoại ngữ, tôi còn được đồng chí chuyên gia Đức kèm cặp, nâng cao trình độ về ngôn ngữ cũng như về sư phạm.

Với quyết tâm chăm chỉ học tập theo lời Bác giao nhiệm vụ, dần dần từng bước tôi đạt được trình độ tương đối khá đối với thứ ngôn ngữ "khó nhằn" này, đúng như câu phương ngôn "có công mài sắt có ngày nên kim". Càng về sau, tôi càng có khả năng làm tốt công việc biên phiên dịch và giảng dậy tiếng Đức trong suốt thời gian hơn 50 năm sau này.(*4)

=========
Chú thích của thằng cháu
  • (*1) Trường Bổ túc Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN)

Nguồn: Quá trình hình thành và phát triển (https://www.hanu.vn/c/6878/Qua-trinh-hinh-thanh-va-phat-trien)
  • (*2) Do có trục trặc liên quan đến bắt keyword ở đây, nên tôi tạm thời đưa phần này lên trước, phần sau đang nhờ vả mod để đăng lại sau. Title này tôi giữ nguyên của ông tôi, không thay đổi.
  • (*3) Herder Institut, Karl-Marx-Universität. Sau khi thống nhất nước Đức (1991), trường đổi tên thành Universität Leipzig (Trường Đại học Leipzig)
  • (*4) Ông nội mình sau khi về hưu hẳn thì cũng dạy tiếng Đức tại nhà, từ khoảng năm 95 cho đến 2010, mỗi "lớp" cũng chỉ dạy từ 1 đến đông lắm là 6-7 học sinh. Trong thời gian này thì ông cũng dùng máy đánh chữ tự biên soạn 1 giáo trình cơ bản về ngữ pháp tiếng Đức, Năm 2019, nhân dịp sinh nhật ông 88 tuổi, hai vợ chồng mình đã kì cạch gõ lại giáo trình này lên Word để in tặng ông. Mình cũng xin phép share lên đây, biết đâu có ai đang học tiếng Đức có thể sử dụng được để làm 1 giáo trình a-bờ-cờ về tiếng Đức: https://docs.google.com/document/d/1SiHBcHYMrJHlixJtqPqjel1XXqIJcBEHM6-qBLzBDjc/edit?usp=sharing
Quá hay
 
Cảm ơn các bác vẫn kiên trì theo dõi nhé! Những phần sau nói về một số lần đi công tác phiên dịch cho quan chức cấp cao của ông, đặt vào bối cảnh lịch sử như thế nên có một số keyword không đăng được lên lúc này. Mình cũng đang nhờ vả mod xem hướng đăng tiếp như thế nào cho phù hợp ợ.
 
Cảm ơn các bác vẫn kiên trì theo dõi nhé! Những phần sau nói về một số lần đi công tác phiên dịch cho quan chức cấp cao của ông, đặt vào bối cảnh lịch sử như thế nên có một số keyword không đăng được lên lúc này. Mình cũng đang nhờ vả mod xem hướng đăng tiếp như thế nào cho phù hợp ợ.
giáo trình học tiếng đức ko có bày-dạy cách phát âm thì sao mà học đc bác nhỉ,hic?
 
giáo trình học tiếng đức ko có bày-dạy cách phát âm thì sao mà học đc bác nhỉ,hic?
Học chay bằng sách thì sao đủ được bác :D Với cũng may là tiếng Đức quy tắc phát âm rất đồng nhất, viết thế nào đọc thế ấy, không loạn xạ như tiếng Anh.
 
Back
Top