Hồi ký của ông tôi, nhân chứng gần một thế kỷ của An Nam và Việt Nam.

bác học tiếng đức từ a1-b2 bằng giáo trình nào vậy bác?
Tiếng Đức của mình chỉ A2 thôi :LOL: Cưỡi ngựa xem hoa chứ tiếng Anh mới là cần câu cơm chính. Thấy bên viện Goethe lẫn các trường dạy tiếng bên Đức cũng dùng cuốn Studio 21, khá dễ học.
 
đọc cuốn thật sự thím ơi, mong thím up đều tay đến hết nhé
Anq6pcN.gif
 
Ông ngoại e thì từng là lính cảm tử trong trận tử thủ Hà Nội, ngày ô được phát bom ba càng ô mới 23 tuổi, hơn tháng đi lùng xe tăng Fap ko thấy con nào nên may là ông vẫn còn sống đề về. :big_smile:
 
NHIỆM VỤ ĐẶC BIỆT

Sau đây tôi xin kể về một sự kiện rất đặc biêt, một kỷ niệm không bao giờ quên trong đời tôi. Đầu năm 1963, vào một buổi sáng tôi vừa xong một tiết dậy trong lớp thì có lệnh của đồng chí hiệu trưởng mời tôi đến gặp. Tôi bước vào phòng của đồng chí thì thấy có một vị khách đang ngồi ở đấy. Đồng chí hiệu trưởng giới thiệu tôi với vị khách và nói với tôi :

- Đồng chí cán bộ Phủ Chủ tịch đến trường ta để đưa đồng chí đi làm một nhiệm vụ quan trọng tại Phủ Chủ tịch. Đồng chí về tạm bàn giao gấp công việc hôm nay cho giáo viên khác, thay quần áo và 10 phút nữa thì đi công tác với đồng chí đây.

Tôi hồi hộp không hiểu có việc gì. Dọc đường trên xe tôi được đồng chí cán bộ Phủ Chủ tịch thông báo là sẽ lên dịch cho Bác Hồ tiếp Phó ThTg CHDC Đức đang sang thăm nước ta. Tôi vừa mừng vừa lo, nói với đồng chí cán bộ :

- Tôi biết đây là một vinh dự lớn đối với tôi, nhưng tôi rất lo không biết có hoàn thành tốt nhiệm vụ không ?

Đồng chí ấy nói :

- Đồng chí không nên lo lắng gì cả. Cứ bình tĩnh. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ mọi mặt của đồng chí rồi. Bên Bộ Ngoại giao cũng đã nhất trí chọn đồng chí.

Xe đưa chúng tôi vào Phủ Chủ tịch. Trong một căn phòng nhỏ, tôi thấy có đồng chí Thứ trưởng bộ Ngoại giao mà tôi đã từng biết. Ít phút sau có ô tô đi đến đỗ trước cửa. Đồng chí Phó ThTg và Đại sứ CHDC Đức xuống xe, còn Đồng chí Thứ trưởng bộ Ngoại giao và tôi ra đón khách. Mọi người đi vào phòng. Vừa lúc này cửa bên mở và Bác Hồ bước vào. Bác thân mật bắt tay chào đón các khách bằng tiếng Đức rồi mời mọi người ngồi. Đồng chí Thứ trưởng Bộ ngoại giao chỉ tôi và nói nhanh với Bác :

- Thưa Bác, đây là đồng chí phiên dịch tiếng Đức cho Bác.

Bác thoáng nhìn tôi và bắt đầu nói chuyện với khách. Tôi dịch cho Bác, lúc đầu cũng hồi hộp, nhưng rồi lấy lại bình tĩnh và dịch tương đối xuôn xẻ. Nhưng đến khi đồng chí Phó ThTg CHDC Đức ca ngợi Bác với từ "Symbol" thì tôi quên mất tiếng Việt của từ này nên đứng yên suy nghĩ. Bác nhắc :

- Cháu dịch tiếp đi chứ. Cháu cứ bình tĩnh.

Tôi đáp nhanh :

- Thưa Bác cháu quên, không biết dịch từ "Symbol" ra tiếng ta như thế nào.

Bác cười hiền hậu :

- Từ nào cháu quên không dịch được, cứ để nguyên văn, đằng nào Bác cũng hiểu kia mà !

Tôi sực nhớ ra Bác cũng biết tiếng Đức, chẳng qua theo tục lệ ngoại giao thì dùng phiên dịch thôi. Rồi bỗng nhiên từ " biểu tượng" (Symbol) lóe ra trong óc tôi. Tôi lại tiếp tục dịch.

Buổi tiếp khách của Bác kéo dài khoảng gần một tiếng đồng hồ.. Khách chào Bác ra về, chúc Bác vài câu ngắn. Tôi chưa kịp dịch thì Bác đã trả lời khách bằng tiếng Đức rồi tiễn khách ra cửa. Khách về rồi, Bác nói với tôi :

- Cháu dịch được đấy. Cháu học tiếng Đức ở đâu ?

Trong lòng tôi rộn lên một niềm vui sướng vì được Bác hỏi chuyện. Tôi lễ phép đáp lời Bác :

- Thưa Bác, cháu học ở bên Đức. Cháu tự học, có các bạn đồng nghiệp Đức giúp đỡ và cháu cũng qua một khóa hàm thụ. Cũng là do được Bác trao nhiệm vụ, khi cháu đưa một số thiếu nhi vào chào Bác hồi cuối tháng 8 năm 1955 trước khi lên đường sang nước bạn.

Bác có vẻ vui lòng khi nghe tôi trả lời như vậy. Tiếc rằng ngay sau đó, đồng chí bác sĩ và cần vụ bảo vệ Bác đã ra giục Bác về nghỉ.

ooOoo
SANG BỘ NGOẠI GIAO​


Đến cuối tháng tư năm 1964, Bộ Ngoại giao có công văn gửi sang Bộ giáo dục xin đích danh tôi sang công tác bên Bộ Ngoại giao. Tôi rời trường Bổ túc ngoại ngữ sang Bộ Ngoại giao làm việc.

Đồng chí vụ phó vụ Tổ chức Bộ Ngoại giao cho tôi biết Bộ có ý định cử tôi sang làm Bí thư thứ ba cho Đại sứ quán ta tại CHDC Đức. Tôi phân vân vì khi ấy muốn làm việc trong nước rồi còn lấy vợ lập gia đình xong mới ra nước ngoài công tác. Tôi trình bầy nguyện vọng với đồng chí Vụ phó, được đồng chí thông cảm và nói với tôi :

- Vậy thì đồng chí vào làm phiên dịch cho Đại sứ quán CHDC Đức tại Hà Nội. Đã nhiều lần đích thân Đại sứ lên đề nghị với đồng chí Thứ trưởng ngoai giao ta tìm cho Đại sứ quán một phiên dịch thạo tiếng Đức.

Sau một lát suy nghĩ, tôi đồng ý. Thế là một lần nữa lại có sự thay đổi trong bước đường công tác của tôi.

========
Chú thích của thằng cháu:
- Tí nữa thì được đi Đức, biết đâu... hề hề
 
CÔNG TÁC TẠI ĐẠI SỨ QUÁN CHDC ĐỨC
VÀ VIỆC PHIÊN DỊCH CHO BÁC LẦN THỨ HAI


Đầu tháng 5 năm đó (1964), Cục Phục vụ Ngoai giao Đoàn mời đại điện Đại sứ quán CHDC Đức tới Cục để giới thiệu tôi vào làm phiên dịch cho Đại sứ quán.

Về Đại sứ quán, đồng chí Đại sứ tiếp tôi ngay và tỏ ra rất hài lòng có được tôi giúp việc. Tôi chủ yếu phiên dịch cho Đại sứ, đồng thời cũng giúp Đại sứ học tiếng Việt, và biên dịch tiếng Đức ra tiếng Việt hoặc ngược lại.

Cuối năm 1968, khi hết nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Đại sứ được lên chào từ biệt Bác. Đồng chí Đại sứ xin Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao cho tôi đi theo để dịch. Bộ đồng ý. Thế là lần thứ hai tôi lại được dịch cho Bác. Lần này có mặt cả Th.Tướng Phạm Văn Đồng. Hôm ấy tôi thấy Bác mặc bộ ka ki mầu tro xám, cổ quấn băng trắng, chắc Bác bị ho. Trong lòng tôi rộn lên một mối lo lắng vì thấy Bác không được khỏe như những lần trước đây tôi được vinh dự gặp Bác.

Sau khoảng nửa giờ Bác tiếp Đại sứ, bác sĩ riêng của Bác ra mời Bác về nghỉ. Bác bảo đồng chí cán bộ Phủ Chủ tịch lấy ra một số quà kỷ niêm đã chuẩn bị trước Bác dành cho Đại sứ và một số đồng chí lãnh đạo nước bạn, nhờ Đại sứ chuyển về nước, rồi Bác nói với Đại sứ ngồi lại nghe đồng chí Th.Tướng ta thông báo về tình hình mới nhất của hai miền Nam Bắc. Đồng chí Thứ trưởng ngoại giao cũng ra về. Đồng chí Th.Tướng hỏi tôi :

- Đại sứ có biết tiếng Pháp không cháu ?

Tôi trả lời :
- Thưa Th.Tướng, đồng chí Đại sứ rất thạo tiếng Pháp.

Thế là đồng chí Th.Tướng đề nghị Đại sứ trực tiếp dùng tiếng Pháp để tranh thủ thời gian. Do đó tôi được ngồi nghỉ không cần phải dịch. Sau cuộc thông báo khoảng một giờ, Th.Tướng mời Đại sứ ở lại dự bữa cơm thân mật. Tôi cũng được Th.Tướng bảo cùng dự.

x
x x
Không ngờ đây là lần cuối cùng tôi được gặp và phục vụ Bác. Như mọi người đều biết, mùa thu năm sau Bác về nơi vĩnh hằng.
 
CÔNG TÁC TẠI ĐẠI SỨ QUÁN CHDC ĐỨC (tiếp)

Trong những năm làm việc ở Đại sứ quán, tôi cũng nhiều lần đưa tin cho Bộ Ngoại giao ta biết về những ý kiến của Đại sứ hay của cấp lãnh đạo nước bạn (qua những câu chuyện Đại sứ nói với tôi, có khi do Đại sứ muốn "bắn tin"), ví dụ như về sự kiện Mỹ lấy cớ ném bom miền Bắc năm 1964; việc thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; vụ 12 ngày đêm Mỹ dùng B52 ném bom Hà Nôi và nhiều thành phố lớn khác ở miền Bắc; việc ký kết hiệp định Paris giữa ta và Mỹ; việc ta giải phóng Phước Long đầu năm 1975, rồi ngay sau đó là Buôn Mê thuật, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và toàn bộ miền Nam; việc ta giúp các lực lượng cách mạng chân chính Cam-pu-chia giải phóng Phnôm Pênh và đập tan chế độ Pôn Pốt ở nước này; việc (edit: sự kiện năm 1979); chủ trương Đổi Mới của Đảng ta; và nhiều sự kiện khác.

Thời gian tôi làm việc cho Đại sứ quán CHDC Đức không phải như tôi nghĩ lúc đầu là chỉ dăm ba năm, mà tổng cộng 25 năm ròng rã, cho đến khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trong thời gian này, tôi có nhiều trải nghiêm, nhiều kỷ niệm khó quên. Tôi chỉ xin kể ra ở đây vài kỷ niệm đó.

Thời kỳ đầu công tác của tôi tại Đại sứ quán là lúc Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc xã hội chủ nghĩa, với ý đồ không che giấu là "làm cho miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá", hòng ngăn chặn sự tiếp viện của miền Bắc cho nhân dân miền Nam đang dũng cảm chiến đấu chống Mỹ và chính quyền M.Nam (edit). Cuộc ném bom tàn bạo này kéo dài đến tận cuối năm 1972, lúc Mỹ bị ta đánh tơi bời trong trận "Điện Biên Phủ trên không" trên bầu trời Hà Nội. Sau đó chúng buộc phải ký hiệp định Paris và rút quân về nước.

Thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc cũng có những thời gian chúng phải tạm ngừng hoặc hạn chế ném bom ở một số vùng. Tôi đã có nhiều dịp được cử đi phiên dịch cho Đại sứ và một số cán bộ sứ quán hoặc một số đoàn đại biều từ CHDC Đức sang, vào thăm một số tỉnh trong "tuyến lửa" thuộc miền Trung. Ví dụ như lần đi vào Thanh Hóa, Quảng Bình và Vĩnh Linh trong thời chiến tranh đó mà tôi xin kể lại như sau :

Chúng tôi đi xe "gát" Liên Xô qua thị xã Phủ Lý, nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Cả một thị xã xinh đẹp trước đây bên dòng Châu giang lúc này đã bị máy bay Mý ném bom, bắn tên lửa tàn phá không còn một ngôi nhà. Chiếc cầu sắt bắc qua sông nằm gẫy gục dưới lòng sông. Tòa nhà to đẹp của bố mẹ chị dâu tôi ở gần cầu cũng chẳng còn một dấu vết nào ngoài một ít gạch ngói đổ vỡ chưa kịp dọn hết, cỏ mọc um tùm. Tôi ngậm ngùi nhớ lại thời nhỏ yên bình của mình ở thị xã yêu dấu này. Xe chúng tôi chạy tiếp về phia Nam trên đường số 1 lúc đó đã được sửa lại đôi chút. Khi xe gần đến đền Bà Triệu bên đường, tôi đề nghị tạm nghỉ để dẫn các bạn Đức vào thăm đền và nghe tôi kể qua sự tích về người anh hùng dân tộc trong lịch sử này.

Rồi xe tiếp tục lăn bánh, qua cầu Hàm rồng đã bị máy bay Mỹ bắn phá nhiều lần nhưng vẫn hiên ngang vắt mình qua sông Mã. Lúc này ta đã dỡ tất cả những tấm gỗ lát cầu, nhưng trên cầu vẫn có đường ray xe lửa. Xe qua gần hết cầu thì bánh bị mắc kẹt vào đường tầu hỏa, loay hoay mãi vẫn chưa ra thoát. Vừa lúc đó, tiếng kẻng báo động máy bay Mỹ sắp đến vang lên. Chúng tôi vội bỏ xe chạy nhanh qua cầu, núp vào một số hầm trú ẩn gần đấy. Nhưng may mắn sao, hôm đó máy bay Mỹ không đến để ném bom cầu.

Vào nghỉ trong khách sạn sơ tán của tỉnh, ăn uống xong, chúng tôi đi thăm một đơn vị pháo trên một quả đồi gần cầu. Đang trò chuyện với các chiến sĩ bộ đội ở ụ pháo thì lại có kẻng báo động. Chúng tôi tận mắt thấy các chiến sĩ nhanh chóng vào vị trí chiến đấu của mình, nhưng rồi mấy chục phút sau thì có kẻng báo yên. Sau đó, chúng tôi được gặp mấy chị dân quân như chị Tuyển, anh hùng quân đội, chị Hằng, trung đội trưởng, sau nạy là Bộ trưởng bộ thương binh xã hội, và chị Hiền, dáng người nhỏ nhằn như một cô sinh viên Hà thành, nghe các chị kể chuyện vác những thùng đạn có khi nặng cân hơn mình tiếp tế cho bộ đội bắn máy bay Mỹ.

Tiếp đó chúng tôi vào Đồng Hới, tỉnh lỵ tỉnh Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp danh tiếng lẫy lừng khắp 5 châu. Trước chiến tranh tôi đã có dịp vào đây nghỉ mấy ngày. Trong chuyến công tác lần này, thị xã xinh đẹp bên dòng Nhật Lệ ngày nào giờ đâu còn nữa. Cả thị xã đã bị bom đạn Mỹ hủy diệt tan tành. Ngôi nhà thờ gần đường quốc lộ bị bom Mỹ phạt cụt đỉnh, tường nham nhở.

Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, đoàn chúng tôi được dẫn đi thăm một đoạn lũy Thầy thuở xưa. Rồi chúng tôi được gặp nói chuyện với mẹ Suốt, người lái đò anh hùng trên dòng sông Nhật lệ.

Hôm sau, chúng tôi vào Vĩnh Linh. Dạo này tình hình ở đây tương đối yên tĩnh. Các đồng chí ở Vĩnh Linh đưa chúng tôi ra thăm cầu Hiền Lương nằm vắt ngang con sông Bến Hải, giới tuyến tạm thời chia cắt đất nước. Các đồng chí Vĩnh Linh căn dặn chúng tôi: dù tình hình tạm thời yên tĩnh, nhưng vẫn phải cảnh giác, không đi đông ra bờ sông. Một đồng chí dẫn Đại sứ và tôi đi trước, không đi trên đường cái, mà rẽ vào một lối đi nhỏ, vòng ra gần cầu. nấp vào một hầm đất nhỏ có bụi cây rậm rạp che khuất.

Từ chỗ này chúng tôi vẫn trông rõ chiếc cầu, nửa phía Bắc sơn mầu đỏ, nửa phía Nam sơn mầu xám. Gần cầu mỗi bên có một cột cờ cao. Cột cờ miền Bắc trông gần như tháp Ép-phen thu nhỏ, trên đỉnh tung bay lá cờ đỏ sao vàng rất lớn. Bên kia sông thời ấy là đất thuộc ChQuy ng. (edit), nhìn xa thấy lá cờ vàng sọc đỏ. Đại sứ lấy máy ảnh ra chụp cảnh cầu và hai lá cờ của hai bên. Sau này xem ảnh là ảnh mầu thì thấy lá cờ đỏ bên mình tung bay rất đẹp dưới một vùng mây trắng xóa. Còn cờ bên kia thì ủ rũ, vì trước lúc chụp tôi bảo Đại sứ chờ lúc im gió hãy chụp. Đồng chí Đại sứ cười, hiểu ý tôi và làm theo!

Chúng tôi còn được đi thăm dịa đạo Vĩnh Mốc, một công trình ngầm dưới lòng đất, có đủ các "phòng", nơi làm việc, nơi họp, nơi ăn, nơi nghỉ, nơi làm bếp, phòng vệ sinh, đường ống dẫn nước, thoát nước, đường dây điện ngầm của một máy phát điện nhỏ. Bên trên toàn công trình được ngụy trang kín đáo và được bảo vệ mấy vòng. Trong buổi làm việc với lãnh đạo khu Vĩnh Linh, Đại sứ chủ động đề nghị khu cần CHDC Đức viện trợ những gì cho sinh hoạt thường ngày, ngoài các khí tài quân sự, xe cộ đã được hai nước thống nhất. Các đồng chí lãnh đạo khu xin sẽ trả lời sau trước khi Đại sứ lên đường trở về Hà Nội.

Và đúng hẹn, Đại sứ nhận được một bản danh sách những thứ Vĩnh Linh cần sớm. Đại sứ để bản danh sách này vào cặp rồi nháy mắt thân mật bảo tôi: "Về Hà Nôi là đồng chí có việc cần làm ngay đấy !" Tôi đáp lời: "Đồng chí yên tâm ! Chúng tôi đang thực hiện khẩu hiệu 'Mỗi người làm việc bằng hai' kia mà !"
 
Last edited:
SANG VÙNG GIẢI PHÓNG LÀO
VÀ ĐI CÔNG TÁC TẠI CÁC TỈNH MIỀN NAM​


Một dịp, tôi còn được đi cùng đồng chí Đại sứ sang một vùng giải phóng bên Lào. Đại sứ Lào ở Hà Nội cử một cán bộ sứ quán đi một xe “gát” dẫn đường. Hai xe chúng tôi phải đi đêm, đèn gầm, đi theo đường số 6 qua Hòa Bình. Sang đến đất vùng giải phóng Lào thì chẳng thấy xe chạy trên đường cái nữa, mà chạy trên những con đường mòn trên địa hình tương đối bằng phẳng!

Xe chạy suốt đêm, đến sáng thì tới trước một hang động lớn. Đồng chí Bí thư sứ quán Lào nói với chúng tôi: "Ta đến nơi rồi đấy!" Rồi đồng chì dẫn chúng tôi vào hang và nói: "Đây là khách sạn quốc tế mang tên Hòa Bình của vùng giải phóng chúng tôi!"

Muốn vào “khách sạn” phải trèo lên một cái thang sắt cao độ 5, 6 mét. Hang khách sạn rất sạch sẽ, phía trong có kê giường chăn màn trắng tinh. Phía ngoài là phòng ăn, phòng làm việc, có những tấm ngăn bằng gỗ dán. Có cả phòng vệ sinh sạch sẽ. Chính ở hang khách sạn này, Chủ tịch Hoàng thân Xu-pha-nu-vông mở tiệc, đích thân đến chào mừng Đại sứ CHDC Đức từ Hà Nội sang thăm. Một điều tôi nhớ mãi là đồng chí Hoàng thân Chủ tịch nói thẳng tiếng Việt để tôi dịch ra tiếng Đức, mở đầu bằng câu :

- Kính thưa đồng chí Đại sứ CHDC Đức kính mến !

Tôi vừa dịch xong câu này thì đồng chí Chủ tịch làm tôi bất ngờ với câu tiếp, hướng mặt về phía tôi :

- Kính thưa đồng chí Việt Nam cùng đi thân mến !

Thật là một điều xưa nay không hề có trong lễ nghi ngoại giao, mà tôi chắc chắn vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cách mạng Lào không lạ gì: Không có vị chủ tiệc nào cần phải nhắc đến người phiên dịch ngay trong câu mở đầu như thế này !

Tôi ngần ngừ đôi chút nhưng vẫn dịch đúng nguyên văn. Tôi rất biết vì sao đồng chí Hoàng thân Chủ tịch lại làm như vậy. Không phải cử chỉ lịch sự đó dành riêng cho tôi, mà là sự thể hiện cả tấm lòng yêu mến tới nhân dân Việt Nam ta đã dành hàng bao nhiêu năm trời chí tình chí nghĩa ủng hộ, giúp đỡ cách mạng và nhân dân Lào anh em trong cuộc chiến đấu lâu dài chống bọn xâm lược thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cùng bọn ngụy quân, ngụy quyền Lào. Tôi chắc Đại sứ CHDC Đức cũng hiểu như vậy nên trong lời đáp đồng chí cũng làm như thế.

Chúng tôi ở lại thăm một số nơi trong vùng giải phóng, gặp một đơn vị bộ đội Pa-thét Lào, một hợp tác xã và một xí nghiệp công nghiệp nhỏ. Hai bên còn có một buổi trao đổi, trong đó Hoàng thân đích thân nói tóm tắt về tình hình các mặt ở Lào, về sự viện trợ đa dạng của Việt Nam đối với cách mạng Lào và về triển vọng nhất định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ và bọn ngụy quân ngụy quyền ở Lào.

x
x x​

Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi có nhiều dịp đi cùng các đồng chí CHDC Đức vào thăm một số thành phố và địa phương trong miền Nam, đặc biệt là 3 nơi: Thành phố Hồ Chí Minh, Buôn Mê Thuật và Vĩnh Long cùng nhiều địa phương khác với những phong cảnh tuyệt đẹp và với những sản vật đa dạng. quý hiếm.

Năm 1977, đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước CHDC Đức do đồng chí Honecker, Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDC Đức dẫn đầu đã sang thăm chính thức Việt nam và đã vào thăm TP Hồ Chí Minh. Còn Buôn Mê thuật thì dễ hiểu: đấy là tỉnh lỵ của tỉnh Đắc Lắc, nơi CHDC Đức hợp tác với ta trong việc nuôi trồng và sản xuất cà phê (*). Vĩnh Long là nơi các đồng chí Đức hay đến vì từ đấy các đồng chí được dẫn đi thăm nhiều địa phương khác, như đền thờ Bác Hồ do nhân dân dựng lên trong những năm còn dưới chế độ hà khắc của chính quyền cũ, hay nơi đặt mộ của cụ thân sinh ra Bác Hồ, và những miệt vườn đầy chim cò của tỉnh Đồng Tháp...

=========
Chú thích của thằng cháu:
  • (*) Năm 2021 các bài báo ở VN cũng nhắc đến việc CHDC Đức đã giúp đỡ cho Việt Nam trồng và thu hoạch cây cà phê ra sao, các bác có thể đọc thêm ở đây: Ký ức đẹp của một người Đức về ngành cà phê Việt Nam (https://bnews.vn/ky-uc-dep-cua-mot-nguoi-duc-ve-nganh-ca-phe-viet-nam/188789.html).
  • Một câu chuyện ngoài lề không liên quan lắm nhưng tôi cũng muốn nhắc tới, nhân nói về hữu nghị Việt-Đức, là việc xây dựng khu tập thể Quang Trung tại thành phố Vinh năm 1973. Năm ngoái, báo Tia sáng đã đăng 1 bài nghiên cứu cực hay của bà Christina Schwenkel (giáo sư trường University of California Riverside, nói tiếng Việt như gió) về công trình hợp tác này, cho ta thấy tầm nhìn quy hoạch của các chuyên gia Đức thời ấy như thế nào! - link bài báo của Tia sáng. Tôi cũng có đưa cho ông số này của tạp chí Tia sáng để ông đọc, có gì để mai mốt hỏi thử xem ông có thông tin gì thêm không :)
 
Tạm thế đã, tới mai chắc là post chương cuối (cho đến nay) của hồi ký rồi :). Mấy hôm vừa rồi chăm con ốm oải quá nên không post được đều, xin cảm ơn mọi người vẫn đọc và comment những hôm vừa qua nhé!
 
Tạm thế đã, tới mai chắc là post chương cuối (cho đến nay) của hồi ký rồi :). Mấy hôm vừa rồi chăm con ốm oải quá nên không post được đều, xin cảm ơn mọi người vẫn đọc và comment những hôm vừa qua nhé!
Có đc nhắc đến đoạn lí do cụ ra khỏi Đ ko?
 
Có đc nhắc đến đoạn lí do cụ ra khỏi Đ ko?
Chuyện làm xàm ấy mà bác nên không viết vào :)) cụ bảo lúc về hưu phải chọn giữa đi sinh hoạt vào tối thứ 4 hay thứ 5, hay ở nhà xem phim mà chờ cả tuần (hình như Đơn giản tôi là Maria), cụ chọn cái thứ hai.

Một chuyện nữa mà cụ cũng không viết vào là sự kiện đổi tiền, bà nội tôi kể ông mất hết tiền tiết kiệm suốt thời gian đi làm. Cũng may là ngay sau đó là thời kì Đổi mới, Mercedes Benz cũng nhảy vào VN nên ông tôi lại được đi làm và có thu nhập.
 
Chuyện làm xàm ấy mà bác nên không viết vào :)) cụ bảo lúc về hưu phải chọn giữa đi sinh hoạt vào tối thứ 4 hay thứ 5, hay ở nhà xem phim mà chờ cả tuần (hình như Đơn giản tôi là Maria), cụ chọn cái thứ hai.

Một chuyện nữa mà cụ cũng không viết vào là sự kiện đổi tiền, bà nội tôi kể ông mất hết tiền tiết kiệm suốt thời gian đi làm. Cũng may là ngay sau đó là thời kì Đổi mới, Mercedes Benz cũng nhảy vào VN nên ông tôi lại được đi làm và có thu nhập.
Vậy là đăng ko hết hẳn hồi ký của cụ đúng ko? Những cái ko đăng đc hơi tiếc nhỉ? Thôi coi như tài sản tinh thần của gia đình vậy
 
Back
Top