Nói xấu và tẩy chay - cơn ác mộng tuổi học trò

IronManZ

Member
Nói xấu và tẩy chay: Cơn ác mộng tuổi học trò
Xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bạo lực học đường đã không còn là vấn đề mới mẻ. Những đoạn clip đánh nhau, lăng mạ nhau của nhiều học sinh cá biệt mỗi khi bị tung lên mạng xã hội đều chịu sự chỉ trích của đông đảo dư luận. Tuy nhiên, tồn tại một kiểu bạo lực ít thu hút sự chú ý của cộng đồng hơn, nhưng hậu quả để lại cũng vô cùng nghiêm trọng, đó là tẩy chay và cô lập. Chủ đề chính của bài viết ngày hôm nay cũng đi vào nhóm bạo lực này: bạo lực về mặt tinh thần.

Bạn đã từng bị kỳ thị trong chính lớp học của mình? Bạn đã từng giật mình khi thấy người ta nhìn chằm chằm vào bạn rồi thì thầm với nhau? Hay có bao giờ bạn vô tình nhận được những cái chỉ trỏ xì xào từ những người thậm chí mình không quen biết? Tất cả những điều trên dường như đều xuất phát từ những lời nói xấu tưởng chừng như vô hại, vài câu chuyện không tốt được thêm bớt, thêu dệt nên từ những người có ác cảm với bạn. Vì họ không thích bạn, nên họ có vô số lý do để đặt điều sau lưng bạn mà chẳng cần quan tâm bạn sẽ tổn thương ra sao. Họ không biết sự thích thú, thỏa mãn của họ có thể đang giết chết tâm hồn của một người khác.
Không Yêu Đời, Xóa Group (Động Lực Sống)
Nỗi bất an mỗi khi đến lớp
“Mình còn có cảm giác như các bạn nhìn mình bằng ánh mắt không như trước kia nữa mỗi khi đến trường. Sự xa lánh, im lặng đến đáng sợ khiến mình không thể tập trung làm việc gì được…” – là câu trả lời của bạn T – một học sinh THPT khi được hỏi về vấn đề này.

Hoang mang, lo sợ, suy sụp và hoảng loạn. Đó có lẽ là cảm xúc chung của những người bị cô lập. Đứng ngoài lề với tập thể, một mình đương đầu với những lời đồn thổi ác ý, gánh nặng tâm lý đè nặng lên họ. Sự khủng hoảng, stress mạnh mẽ ấy chắc chắn sẽ gây tổn thương lâu dài về mặt tinh thần cho bất kỳ người nào từng trải qua.

Nhưng có một điều đáng buồn trong hiện thực cuộc sống, đó là hầu hết nạn nhân trong các vụ tẩy chay đều không nhận được sự cảm thông từ phía gia đình. Có người không dám lên tiếng vì bị đe dọa. Số khác lại không được quan tâm khi chia sẻ với mọi người vì quan điểm có lẽ thường hay gặp ở các bậc phụ huynh: chuyện đi học và bị tẩy chay là chuyện trẻ con, những xích mích cá nhân ấy đều không đáng kể và bọn trẻ có thể tự giải quyết với nhau.

Điều đó khiến cho những người bị cô lập rơi vào trạng thái cực kì cô đơn và lạc lõng. Những cảm xúc hỗn loạn khi ấy, dù bạn đã vượt qua được hay chưa, chắc hẳn đều khiến bạn không khỏi rùng mình mỗi khi nghĩ đến.

Nguyên nhân do đâu?
Nói một cách công bằng và toàn diện, không phải lúc nào tẩy chay cũng xấu. Ví dụ như khi một cá nhân nào đó hay vi phạm, mắc khuyết điểm nhiều lần và đã được mọi người nhắc nhở nhưng không có sự tiến bộ và sửa đổi, làm ảnh hưởng tiêu cực đến cả một tập thể thì việc cá nhân đó phải chịu ánh nhìn thiếu thiện cảm từ bạn bè trong lớp là điều hoàn toàn không sai.

Tuy nhiên, mặt tiêu cực của vấn đề này lớn gấp nhiều lần so với mặt tích cực. Dễ thấy, hầu hết nhân vật chính của các cuộc tẩy chay bị cô lập không xuất phát từ lý do trên.

Thật ra, ở độ tuổi chưa nhận thức hết được sự nghiêm trọng của việc cố tình nói xấu để bôi nhọ, cô lập một người, những nguyên nhân được đưa ra khá lãng xẹt. Nó có thể bắt nguồn từ sự khác biệt về tính cách, ngoại hình, về trình độ học vấn, về “background” của gia đình, sự ganh ghét đố kị hay chỉ đơn giản là để thể hiện cái tôi tự cao của người đi bắt nạt.

Cụ thể cho từng nguyên nhân, đối tượng bị tẩy chay vì tính cách khác biệt thường là người có quan điểm và suy nghĩ khác so với người mọi người, từ đó dẫn đến việc không hòa nhập được với tập thể và bị cô lập, cho ra rìa.

Về phía ngoại hình, tương tự như tính cách, những ai có ngoại hình khác biệt và nổi bật hơn những người khác thường được chú ý. Sự phân biệt về ngoại hình gồm hai nhóm nạn nhân được chia ra: nhóm thứ nhất là những người bị chê bai và bị nhiều người hùa vào trêu chọc, mỉa mai về khuyết điểm của họ, nói những lời tưởng chừng “vô thưởng vô phạt” nhưng lại gây ra tổn thương cho người bị bắt nạt. Còn nhóm hai, là những người có vẻ bề ngoài nổi bật thực sự, được nhiều người quan tâm để mắt đến, do đó hình thành sự ghen tị từ một số người không có được những gì nhóm người thứ hai đang sở hữu.

Nói thêm về nhóm người này, không nhất thiết về ngoại hình mà có thể về gia cảnh hay trình độ học vấn, họ là những người có được những gì mà người khác không có, cho nên thường dễ bị ganh ghét, dễ bị tẩy chay.

Cơn ác mộng sẽ qua?
Với học sinh, niềm vui hằng ngày đơn giản chỉ là được đến trường cùng bạn bè, tuy việc học hành vất vả, song chẳng thấm vào đâu so với những gì mà những người bạn xung quanh đem lại. Vậy nên việc bị cô lập, tẩy chay khi ở trường thực sự là địa ngục. Nó giống như việc bạn bị cách biệt hoàn toàn khỏi “thế giới” – trường học, nơi bạn dành hầu hết thời gian của mình ở đây.

Chính vì vậy, sau khi bị tách khỏi tập thể, nhiều người không chịu nổi những lời chỉ trích, đàm tiếu mà sinh trầm cảm, có những hành động bồng bột, thậm chí nghĩ đến cả việc tự tử. Dư chấn để lại không chỉ là sự khủng hoảng về tinh thần, mà còn là sự sa sút về học tập, sự thay đổi về tính cách, tâm hồn trong trẻo của họ cũng nhường chỗ cho sự thù hận cuộc sống và những người xung quanh. Họ cũng dần mất niềm tin vào tình bạn, thứ cần thiết để ta cảm thấy việc tiếp tục sống trở nên có ý nghĩa hơn.

Vậy lối thoát nào dành cho họ? Đơn giản nhất, hãy tách khỏi môi trường bị tẩy chay. Đồng thời, tự bản thân người bị tẩy chay cũng phải ý thức được việc tự bảo vệ chính mình, bằng cách chia sẻ với người thân để có hướng giải quyết phù hợp, nếu như họ lơ đi, bạn nên báo với cả những người khác.

Đừng vì sợ sệt mà không dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi đáng lẽ bạn phải có; đa dạng hoá các mối quan hệ, đừng chỉ thu gọn mình trong 1 góc, tách biệt khỏi thế giới, nếu môi trường này không phù hợp, chắc chắn sẽ có nơi khác chào đón bạn.

Hoặc giả sử, người bắt nạt vẫn chưa làm gì quá mức với bạn và sẽ không làm gì hơn những gì đang làm, hãy mặc kệ. Bạn không cần phải bận tâm về điều làm cản trở sinh hoạt của mình, bạn không nên phí thời gian vô ích vào việc đó.

Một điều nữa, về phía những người đang đi bắt nạt người khác: Các bạn có thấy vui không? Vui, đúng không? Cảm giác tội lỗi chỉ lướt qua một chút, còn những gì đọng lại ở các bạn là sự hả hê trên nỗi đau của người khác. Đã bao giờ, bạn thử dừng lại và nghĩ về lý do mình làm như vậy chưa? Giữa con người với con người trong một tập thể luôn cần có một sự thân thiết nhất định để đảm bảo sự đoàn kết cũng như xây dựng nó trở nên vững mạnh.

Bạn không nhất thiết phải vì sự ghen tị cá nhân hay lý do khác mà tẩy chay và lôi kéo mọi người cùng tẩy chay một ai đó. Bạn cần học cách tôn trọng người khác – đó là nguyên tắc tối thiểu cho mọi mối quan hệ. Bạn cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh của nạn nhân những trò tiêu khiển bạn đặt ra, để thấu hiểu sự tủi nhục mà họ đã phải trải qua, để bạn biết được cảm giác bị cô lập, bị quay lưng bởi tất cả mọi người là như thế nào.

Cuối cùng, cái gì rồi cũng sẽ qua. Các nạn nhân của những vụ việc tẩy chay, nói xấu tập thể rồi cũng sẽ tìm được môi trường mới mở rộng vòng tay chào đón họ. Những trải nghiệm thực tế đau thương từ việc bị cô lập sẽ giúp họ trưởng thành hơn, biết suy nghĩ và có cái nhìn khách quan hơn về cuộc sống.

Một số người đã học được cách sống thoáng hơn, tự chủ động tránh xa những người không ưa mình để không vướng vào những mối quan hệ rắc rối tốn nhiều thời gian. Họ cũng học được cách tự kìm nén và xoa dịu bản thân mà chẳng cần ai bên cạnh, cho dù, nỗi đau khi nhắc về quá khứ đã qua vẫn luôn âm ỉ trong lòng.

Hãy dũng cảm đứng lên nói ra suy nghĩ của mình. Hãy chọn hành động thay vì âm thầm chịu đựng sự tàn nhẫn đó. Thế giới luôn có chỗ cho những người kiên trì cố gắng, biết tiến lên và tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống.

FB_IMG_1598715552822.jpg
 
Ý kiến cá nhân thôi nhé. Tôi đéo ngán trò tẩy chay lắm. Tôi nghĩ là do tâm lý là chính. Kiểu như người hướng ngoại thì sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với người hướng nội.

Sent from Xiaomi Mi A1 using vozFApp
 
Back
Top