Áp dụng giá điện hai thành phần - lợi cho cả ngành điện lẫn khách hàng

mangos

Senior Member
Bộ Công Thương vừa giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu giá điện hai thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ, để tiến tới thay thế việc áp dụng giá điện một thành phần (tiền điện trả theo điện năng tiêu thụ - PV) đang thực hiện. Điều này được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích.
Gia-Dien.jpg

Tập đoàn EVN sẽ xây dựng lộ trình và đề xuất đối tượng khách hàng sử dụng điện áp dụng giá bán điện hai thành phần. Ảnh: EVN
Thị trường điện đã trưởng thành, cần thực hiện hệ thống giá điện hai thành phần
Theo đó, EVN sẽ đánh giá tác động các nhóm khách hàng dùng điện trong trường hợp Việt Nam thí điểm áp giá điện này. Việc áp dụng này trên cơ sở tính toán, so sánh với cơ chế giá bậc thang cho khách dùng điện sinh hoạt và theo cấp điện áp với sản xuất, kinh doanh.

Ông Đào Nhật Đình - Tạp chí Năng lượng Việt Nam - cho biết, thị trường điện đã trưởng thành, nên cần thực hiện hệ thống giá điện hai thành phần - tức là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy, còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi.

"Dù cho năng lượng tái tạo phát triển mạnh theo định hướng chuyển đổi xanh và carbon thấp thì vẫn không thay đổi bản chất không ổn định, cần có các tổ máy điện than bảo vệ dự phòng - tức là nhiệt điện cung cấp dịch vụ hỗ trợ ngay cả khi không phát điện, hoặc phát điện dưới công suất tối ưu" - ông Đào Nhật Đình nói.

Theo ông, áp dụng giá điện hai thành phần, trước mắt, giá điện có thể tăng một chút với khách hàng công nghiệp và thương mại. Nhưng về lâu dài, nhờ hệ thống điện ổn định, minh bạch tạo ra cơ chế cạnh tranh giữa các nguồn điện, thúc đẩy tăng trưởng các nguồn năng lượng mới nên sẽ có tác động tích cực đến chi phí điện của người dùng cuối.

PGS.TS Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng điện lực miền Bắc - cho biết, đến thời điểm này, hệ thống giá bán lẻ điện chỉ là giá một thành phần (quy định cho điện năng). Giá một thành phần có ưu điểm là đơn giản nhưng không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống.

"Việc nghiên cứu áp dụng giá điện hai thành phần gồm giá công suất và giá điện năng là bắt buộc, có lẽ Việt Nam là một trong số rất ít nước chưa có giá điện hai thành phần. Khác với hàng hóa, một quá trình cung cấp điện bao giờ cũng gồm hai thành phần: Công suất đăng ký và điện năng tiêu dùng" - PGS.TS Bùi Xuân Hồi nói.

Ông ví dụ, cùng 24kWh nhưng hai hộ sử dụng theo cách khác nhau trong một ngày. Gia đình dùng 24kW điện trong một giờ sẽ được tính giá khác với hộ sử dụng 24kW trong 24 giờ. Tính giá điện theo một thành phần (tức theo điện năng sử dụng), hai hộ này sẽ trả cùng mức hóa đơn như nhau, nhưng chi phí các hộ này gây ra cho hệ thống điện khác nhau.
Giúp tiết kiệm tiền điện
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Việt Hoà - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương - cho biết, hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới đều áp dụng giá điện hai thành phần.

"Việc áp dụng giá điện hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho cả bên sản xuất điện và bên tiêu thụ điện để nâng cao hiệu quả kinh tế" - ông Trần Việt Hoà nêu quan điểm.

Việc áp dụng thêm giá công suất, bên cạnh việc tính lượng điện năng tiêu thụ, cũng sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả. Từ đó nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện.

Đặc biệt, với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với thực tế nhu cầu sử dụng, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư.
.................
 
Back
Top