tin tức Về quê dịp Tết: Cơ hội 'chấm điểm' cho cao tốc

Cryolite 5

Senior Member

Khi người dân ưu tiên sử dụng phương tiện cá nhân để về quê dịp Tết thì đây cũng là thời điểm để chấm điểm hạ tầng giao thông, nhất là các cao tốc kết nối mọi miền.

Một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: NGỌC QUANG - Đồ họa: N.KH.
Một trạm dừng nghỉ trên tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: NGỌC QUANG - Đồ họa: N.KH.

rong năm qua, diện mạo hạ tầng giao thông đã thay đổi thấy rõ và dịp nghỉ Tết Giáp Thìn 2024 hàng triệu người dân về quê sẽ có dịp "chấm điểm" chất lượng dịch vụ giao thông, và đó là cơ sở để ngành giao thông hoàn thiện hơn hạ tầng giao thông quốc gia.

Lần đầu tiên hướng từ TP.HCM về các tỉnh miền Trung đã thênh thang hơn bởi những đoạn cao tốc mới đưa vào khai thác từ giữa năm 2023.

Đường về quê đã gần hơn, thời gian di chuyển ngắn lại nên nhiều người chọn đi bằng xe cá nhân.

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nỗi lo về các dịch vụ dọc đường như cây xăng, trạm dừng nghỉ và nguy cơ nghẽn mạng khi lượng người, xe tăng đột biến dịp Tết.

Đường về miền Trung đã thênh thang​

Vé máy bay quá mắc, lại mới mua xe bốn chỗ chạy dịch vụ nửa năm qua nên Tết năm nay gia đình anh Trần Văn Chính (Thanh Hóa) quyết định lái xe về quê.

Theo kế hoạch, ngày 26 tháng chạp, bốn thành viên của gia đình sẽ lên xe thẳng tiến về phía Bắc. "Tôi sẽ đi đường cao tốc để về cho nhanh và cũng là dịp để trải nghiệm cao tốc mới mà mấy tháng qua mới chỉ xem trên tivi", anh Chính cho biết.

Cũng như gia đình anh Chính, Tết năm nay rất nhiều gia đình chọn về quê hay đi du lịch bằng xe cá nhân. Bên cạnh nhiều gia đình có xe riêng, một trong những lý do quan trọng để họ thay đổi cách di chuyển Tết là vì có đường cao tốc nối dài từ TP.HCM ra các tỉnh miền Trung.

Nhờ hệ thống cao tốc này mà thời gian di chuyển về quê đã giảm đáng kể, ít kẹt xe hơn.

Nhờ có các tuyến cao tốc đưa vào sử dụng từ nửa cuối năm 2023, quốc lộ 1 cũng được "chia lửa" và trở nên thông thoáng hơn, người dân di chuyển qua tuyến đường này vì thế cũng đỡ vất vả vì kẹt xe, ùn ứ như các năm trước.

Đơn cử như đoạn quốc lộ 1 từ tỉnh Đồng Nai đến huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận) những năm trước ai cũng ngán ngẩm khi đi qua bởi đông đúc dân cư, mặt đường nhỏ hẹp, quá tải, ít dải phân cách giữa.

Xe máy, ô tô, xe khách, xe tải chen chúc nhau hay xảy ra các vụ va quẹt, tai nạn, kẹt xe... Năm nay, dự đoán phần lớn các xe tải, ô tô, xe khách đi cao tốc nên quốc lộ 1 "dễ thở" hơn nhiều.

Một cán bộ cảnh sát giao thông ở Bình Thuận có thâm niên tuần tra ví von cảnh bắt gặp xe lớn chạy qua lại trên quốc lộ 1 ở đoạn này còn hiếm hơn xe máy.

Bởi nếu đi trên cao tốc, tài xế xe lớn tiết kiệm ít nhất 1 giờ, hàng hóa lưu thông nhanh, hạn chế cảnh kẹt xe và nguy cơ tai nạn. Chính vì thế, nhiều quán xá dọc quốc lộ 1 giờ cũng đìu hiu.

Tuy nhiên, 200km cao tốc mới bây giờ ngoài thiếu trạm dừng nghỉ thì hệ thống chiếu sáng chưa hoàn chỉnh. Đây là một trong những "hạn chế" lớn nhất của hệ thống cao tốc không chỉ ở phía Nam mà gần như trên toàn quốc.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài khoảng 200km đưa vào khai thác từ giữa năm 2023 đã giảm tải rất nhiều cho quốc lộ 1 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài khoảng 200km đưa vào khai thác từ giữa năm 2023 đã giảm tải rất nhiều cho quốc lộ 1 - Ảnh: ĐỨC TRONG

Những đường cao tốc "không dừng nghỉ"​

Tại miền Bắc, các tuyến cao tốc như Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Cao Bồ - Mai Sơn đã có trạm dừng nghỉ. Tuy nhiên, một số tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác gần đây thì chưa.

Cụ thể, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài gần 64km đưa vào khai thác từ tháng 9-2019 hiện đang trong quá trình đầu tư trạm dừng nghỉ hai bên đường tại km81+600 (địa phận tỉnh Lạng Sơn) với quy mô gần 10ha.

Trục cao tốc từ Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 176km đã đưa vào khai thác cũng chưa được đầu tư trạm dừng nghỉ theo quy hoạch.

Đến đầu năm 2023 trên tuyến chỉ mới có một khu vệ sinh công cộng tạm thời tại khu vực Mũi Chùa, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).

Với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn từ Mai Sơn (Ninh Bình) đến Diễn Châu (Nghệ An) được nối thông, khai thác từ 2-9-2023, đến nay dải cao tốc dài gần 160km vẫn chưa kịp đầu tư trạm dừng nghỉ.

Ở miền Trung, hiện nay cao tốc qua miền Trung đã phủ khắp từ Quảng Ngãi đến Quảng Trị. Tuy nhiên, việc di chuyển đúng tốc độ "cao tốc" mới trên đoạn đường dài 140km đoạn Quảng Ngãi - Đà Nẵng.

Tuyến cao tốc Hòa Liên - La Sơn - Cam Lộ dài 164km hiện vẫn chưa có dải phân cách nên tốc độ giới hạn 80km/h. Ngoài ra vẫn còn một đoạn hơn 10km từ điểm cuối cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng nối từ Túy Loan đến Hòa Liên hiện là đường tránh nên xe máy và phương tiện thô sơ vẫn được phép di chuyển.


Ngoài việc chưa có các công trình phụ trợ như đèn đường, tổ hợp dịch vụ ăn uống - vệ sinh - bảo dưỡng xe thì hiện nay toàn bộ tuyến đường dài gần 300km này chỉ có hai điểm có cây xăng - nhà vệ sinh.

Khi cần ăn uống, đổ xăng các gia đình chỉ có lựa chọn ở đoạn từ Túy Loan đến Hòa Liên hoặc tại cây xăng đoạn qua La Sơn (Thừa Thiên Huế).

Về phía Nam, tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã được thông xe hồi tháng 5-2023, các biển báo trên tuyến được lắp đặt, hàng rào bảo vệ cao tốc cũng hoàn thành trên toàn tuyến, tuy nhiên vẫn chưa có trạm dừng nghỉ.

Việc xây dựng chọn vị trí đặt trạm dừng nghỉ trên cao tốc vẫn phải đợi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cũng như lựa chọn nhà thầu thi công. Hiện trên tuyến cao tốc cứ trung bình mỗi 5km sẽ có làn dừng khẩn cấp ngắt quãng để xe dừng đỗ mở rộng với chiều dài 270m.

Anh Lê Ngọc Phú (tài xế lái xe dịch vụ tại TP Nha Trang) cho hay: "Đường mới làm nên chạy rất êm. Tôi nghĩ nên sớm nâng vận tốc tối đa trên tuyến cao tốc từ 80km/h lên 100km/h thậm chí là 120km/h để khai thác tốt nhất".

Anh Phú cũng nói rằng bất tiện trên đoạn cao tốc này là chưa có trạm dừng nghỉ nào, nên tài xế muốn dừng xe nghỉ ngơi hoặc cho hành khách có nhu cầu vệ sinh thì không thể thực hiện được.

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn qua Ninh Bình - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Trạm dừng nghỉ trên cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn qua Ninh Bình - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Người dân nhắc nhau tự chuẩn bị cho "hành trình cao tốc"​

Dù bất tiện do thiếu các trạm dừng chân nhưng lợi ích của cao tốc là không thể phủ nhận và ngày càng được nhiều người lựa chọn.

Trên các diễn đàn về ô tô, nhiều người khuyên nhau trước khi vào những tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ cần đổ xăng đầy đủ, chuẩn bị đồ ăn nhẹ và mang thêm vỏ chai nhựa loại lớn để "giải quyết nỗi buồn" trên xe.

Một số người đưa ra giải pháp khả thi là có thể rời đường cao tốc tại các nút giao để vào hàng quán, cây xăng tại các tuyến đường kết nối với cao tốc, sau đó tiếp tục trở lại cao tốc tiếp tục hành trình.

Với các đơn vị quản lý và vận hành cao tốc, họ cũng đã có những phương án và kịch bản để đảm bảo xe di chuyển ổn định, sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.

Ông Đặng Hồng Phúc, giám đốc điều hành Công ty TNHH Quản lý khai thác đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, cho hay hệ thống camera trí tuệ nhân tạo (AI) nhận diện phương tiện đã được lắp đặt từ km6 đến cuối km54 giáp với cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

Hệ thống camera AI này sẽ thu thập, tích hợp thông tin về những trường hợp dừng đỗ vi phạm đưa cảnh báo về hệ thống, ngoài ra còn có chức năng bắt được hình ảnh, biển số, tốc độ trung bình sau đó đưa ra website để người dân truy cập vào có thể xem được lưu lượng xe trên tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, từ đó có phương án lựa chọn tuyến đường và kịch bản điều tiết giao thông...

"Các thông tin sự số cũng được thể hiện trên bảng thông tin giao thông điện tử hiệu chỉnh cảnh báo phía trước có sự cố hoặc tắc đường, yêu cầu người lái xe đưa phương tiện thoát khỏi cao tốc qua bốn nút giao tại Diên Khánh, Suối Dầu, Cam Lâm và Cam Ranh", ông Phúc nói thêm.

Theo ông Phúc, trong dịp Tết lượng xe sẽ tăng cao, vì vậy đơn vị đã chuẩn bị các phương án điều tiết giao thông, ứng phó sự cố. Khi xe bị sự cố trên cao tốc, hệ thống camera sẽ gửi hình ảnh, thông báo về hệ thống đội tuần đường. Hiện tại trạm điều hành có một xe cứu hộ luôn trúc trực để làm nhiệm vụ.

Lo kẹt xe là nghẽn mạng trên đường cao tốc​

Lưu lượng người dân di chuyển trên các tuyến đường cao tốc để về quê đón Tết, đi chơi Tết năm nay dự báo sẽ tăng mạnh.

Việc đảm bảo kết nối mạng di động trên đường cao tốc được đông đảo người dân quan tâm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các nhà mạng di động đều đánh giá thời gian di chuyển nhiều trên đường cao tốc cũng đồng nghĩa với việc người dùng sẽ "ăn, ngủ" với kết nối mạng.

Do đó, các nhà mạng đều đã có kế hoạch cải thiện, nâng cao các trạm phát sóng dọc theo các tuyến đường cao tốc trên cả nước, đồng thời tăng thêm các trạm mới ở những nơi sóng yếu hoặc chưa có sóng.

Đại diện Viettel cho biết đã tiến hành đo kiểm tối ưu, nâng cao chất lượng các trạm phát sóng trên 37 tuyến cao tốc và quốc lộ ngay từ quý 2-2023, điều chỉnh 2.600 trạm, phát sóng thêm 120 trạm, triển khai thêm tần số thấp để cải thiện vùng phủ.

"Chúng tôi đã đồng thời triển khai 200 giải pháp nâng cấp để đảm bảo dung lượng kết nối mạng di động", đại diện Viettel cho hay.

Đối với các sự cố mạng bất ngờ có thể xảy ra trên đường cao tốc, hoặc do sự cố đường bộ dẫn đến kẹt xe khiến nhu cầu kết nối tăng cao đột biến, đại diện Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) cho biết đã chuẩn bị sẵn các kịch bản và biện pháp khắc phục nhanh nhất có thể.

Vì sao khuyết trạm dừng nghỉ?​

Giải thích lý do chưa làm trạm dừng nghỉ trên các dự án cao tốc mới đưa vào khai thác do Bộ GTVT quản lý, ông Nguyễn Thế Minh - phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) - cho biết thời điểm đầu tư các tuyến cao tốc, theo tiêu chuẩn cũ, quy mô trạm dừng nghỉ từ 1-3ha. Bộ GTVT nhận thấy nếu làm trạm dừng nghỉ với quy mô này sẽ không thu hút được nhà đầu tư tham gia theo hình thức xã hội hóa.

Từ đó, Bộ GTVT đã cập nhật lại quy mô các trạm dừng nghỉ và hoàn thành cơ chế để thu hút nhà đầu tư theo phương thức xã hội hóa. Hiện các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác đang thực hiện bước lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ để hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Quy hoạch 60km/trạm dừng nghỉ

Theo quy hoạch, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến Cà Mau có 36 trạm dừng nghỉ (mỗi trạm xây theo cặp hai bên đường), khoảng cách bình quân giữa các trạm khoảng 59km. Trong đó có bảy trạm dừng nghỉ đã đưa vào khai thác, bốn trạm đang đầu tư, còn lại chưa đầu tư.

Để đầu tư những trạm dừng nghỉ còn thiếu, bộ trưởng Bộ GTVT giao chủ đầu tư các dự án đường cao tốc tổ chức lập danh mục trạm dừng nghỉ tại dự án do bộ quản lý và lựa chọn nhà đầu tư.

Với các trạm dừng nghỉ thuộc dự án đường cao tốc do địa phương quản lý, việc lựa chọn nhà đầu tư và triển khai đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ do địa phương tổ chức thực hiện.

Cẩm nang bỏ túi trên đường cao tốc "không dừng nghỉ"​

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên đông đúc, quá tải - Ảnh: ĐỨC TRONG

Trạm dừng nghỉ trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên đông đúc, quá tải - Ảnh: ĐỨC TRONG

PV Tuổi Trẻ đã chạy xe từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo để ghi lại những địa điểm có thể dừng nghỉ hoặc tạm thời rẽ khỏi đường cao tốc để "giải quyết nhu cầu cá nhân" trước khi quay lại đường cao tốc tiếp tục hành trình.

Bắt đầu từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao An Phú hoặc gần nút giao đường vành đai 2 (TP.HCM), chạy khoảng 45km xe có thể vào trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc này để đổ xăng dầu, ăn nhẹ, vệ sinh cá nhân. Nút giao vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cách trạm dừng nghỉ này khoảng hơn 1km.

Từ đây, mọi người về các tỉnh miền Trung sẽ bon bon bởi đường cao tốc mới này thông thoáng, đi êm.

Nhưng điều bất tiện nhất khi đi trên các đoạn đường này là không có trạm dừng nghỉ. Vì vậy, nếu chưa kịp vào trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cũng đang quá tải vì đông xe), mọi người có thể chọn các nút giao lên xuống tiếp theo để giải quyết nhu cầu.

Chạy khoảng 20km là bắt gặp nút giao giữa quốc lộ 56 với đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Nếu cần đổ xăng dầu, ăn nhẹ, vệ sinh..., lái xe có thể di chuyển ra khỏi đường cao tốc từ nút giao này đến trung tâm TP Long Khánh (Đồng Nai) với lộ trình thêm khoảng 10km.

Thời điểm này, cây cao su ở các nông trường tại Long Khánh, Cẩm Mỹ đang vào mùa thay lá đẹp, lãng mạn.

Nếu thời gian thong thả, du khách có thể dừng nghỉ để lưu lại những bức ảnh đẹp trước khi nhập vào lại đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Từ quốc lộ 56 để đi hết đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn nhiều nút giao kế tiếp như tỉnh lộ 765, quốc lộ 1 (xuống trung tâm huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), tỉnh lộ 720, quốc lộ 55 (xuống trung tâm huyện Hàm Tân, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận). Các nút giao này cách nhau dao động khoảng 20 - 30km.

Và thêm một nút giao lớn nữa là tại Ba Bàu ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Đây là nút giao nối tiếp giữa hai đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, lưu lượng xe cộ lên xuống nhiều, nhất là đến trung tâm TP Phan Thiết.

Ra khỏi nút giao Ba Bàu sẽ có nhiều quán xá vừa mọc lên, mọi người có thể lựa chọn nghỉ ngơi, đổ xăng dầu tại đây rồi tiếp tục hành trình trên đường cao tốc.

Cũng tại nút giao này, xe có thể lựa chọn lộ trình trên từ quốc lộ 1, đường ven biển xuất phát từ TP Phan Thiết.

Nếu chọn quốc lộ 1, đường ven biển sẽ dài và mất nhiều thời gian hơn nhưng ngược lại bắt gặp nhiều cảnh đẹp, khu dân cư tiện lợi.

Đặc biệt, cứ gần Tết Nguyên đán là cung đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, Võ Nguyên Giáp của tỉnh Bình Thuận bung rực hoa tràm vàng. Đây cũng là cung đường lý tưởng cho dân phượt lưu lại những khoảnh khắc đẹp.

Còn không, từ nút giao Ba Bàu, mọi người tiếp tục lộ trình trên đường cao tốc thì đi thẳng trên đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, dài khoảng 100km.

Lưu ý là đường cao tốc này giới hạn tốc độ 80km/h vì thiết kế mặt đường hạn chế (17m), không có làn dừng khẩn cấp, cứ 4-5km là một điểm dừng khẩn cấp.

Tương tự đường cao tốc trước, đoạn này vẫn chưa có trạm dừng nghỉ. Vì vậy, nếu đang di chuyển mà có nhu cầu cấp thiết, có thể lựa chọn tại các nút giao ra vào như Ma Lâm (quốc lộ 28), Lương Sơn (quốc lộ 28B), Chợ Lầu.

Về miền Tây sẽ hết ám ảnh tắc đường?​

Nhiều công trình giao thông trọng điểm ở miền Tây đã được đưa vào khai thác như cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ... cùng nhiều công trình giao thông các tỉnh thành đi vào hoạt động nên người dân các tỉnh ĐBSCL về quê ăn Tết chắc chắn sẽ đỡ vất vả hơn.

Tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn, những nút thắt cổ chai cần phải né.

Đường về sẽ gần hơn​

Trước thời điểm thông xe cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nếu đi từ TP.HCM về tới TP Cần Thơ mất khoảng 3-4 giờ. Khi hai dự án này được khánh thành, cao tốc từ TP.HCM đã vươn dài về miền Tây thêm 30km, thời gian cho cùng quãng đường đó đã được rút ngắn xuống còn khoảng 2 giờ.

Anh Nguyễn Văn Phương (43 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), là nhân viên phát triển thị trường của một công ty thực phẩm tại TP.HCM, cho biết trước đây rất ít khi về quê vì sợ kẹt xe. Nhưng nay thì có những tuần anh về quê hai, ba lần. "Vài ngày tới tui cũng về quê ăn bữa cơm cuối năm với ba mẹ rồi quay lại TP.HCM đón giao thừa. Sáng mùng 1 tui cúng mâm cơm mừng năm mới rồi trưa cùng ngày tui lại về Cần Thơ. Nói chung giờ đi lại không còn ngán ngại như trước đây nữa", anh Phương cười nói.

Nếu như trước đây quốc lộ 1 là huyết mạch nối TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ với các tỉnh miền Tây thì năm nay mọi chuyện đã khác. Có cao tốc, một lượng xe rất lớn sẽ chia lửa với quốc lộ 1. Cảnh chen chúc qua cầu Mỹ Thuận (nối hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long) như trước đây sẽ giảm bớt vì hầu hết ô tô đã chuyển sang chạy cao tốc và vượt sông Tiền bằng cầu Mỹ Thuận 2.

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT), cho biết những năm trước toàn bộ xe trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và quốc lộ 1 đều đổ dồn qua cầu Mỹ Thuận khiến cây cầu này bị quá tải và trở thành điểm nghẽn giao thông. Nhưng năm nay đã giải quyết được vấn đề này khi có cầu Mỹ Thuận 2 nối liền cao tốc về miền Tây.

Vào những dịp cuối năm, đường về quê ở tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường xuyên kẹt xe. Năm nay các lực lượng chức năng sẽ chủ động phân luồng từ xa để tài xế chủ động né các điểm kẹt xe  - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Vào những dịp cuối năm, đường về quê ở tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương thường xuyên kẹt xe. Năm nay các lực lượng chức năng sẽ chủ động phân luồng từ xa để tài xế chủ động né các điểm kẹt xe - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn cần lưu ý

Tuy nhiên, hiện nay trên quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang vẫn còn lại bốn cầu hẹp gồm: cầu Bà Đắc, cầu An Cư, cầu Thông Lưu và cầu Nhị Mỹ vẫn chưa được mở rộng. Dù quốc lộ 1 đã được mở rộng hai làn ô tô ở mỗi chiều lưu thông, nhưng những cây cầu trên vẫn chỉ có một làn xe.

Ông Thành cho biết trong đợt cao điểm phục vụ Tết sắp tới, các đơn vị sẽ tổ chức xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông tại các trạm thu phí khi lưu lượng tham gia giao thông tăng đột biến.

Trong trường hợp xảy ra tắc đường trước khi vào trạm thu phí đường bộ phải mở barie để giải tỏa phương tiện theo quy định.

Điển hình như tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, những năm trước thường xảy ra tình trạng kẹt xe vào các ngày đầu năm mới, năm nay theo ông Thành, các đơn vị sẽ phối hợp điều tiết giao thông từ xa.

Đi phà tạm Rạch Miễu sẽ mất phí

Theo Trung tâm Quản lý phà và bến xe (Sở GTVT Bến Tre), bến phà tạm Rạch Miễu sẽ chính thức thu phí xe máy, xe mô tô hai bánh với mức giá 8.000 đồng/lượt kể từ ngày 1-2.

Nhằm hạn chế bớt tình trạng kẹt xe tại cầu Rạch Miễu, đại diện Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu (tỉnh Bến Tre) cũng cho biết từ ngày 30-1 đến 19-2 sẽ cấm xe tải nặng, xe ba trục qua cầu Rạch Miễu trong khung giờ 15h - 20h hằng ngày ở cả hai hướng.
 
Cao tốc mà ko có trạm dừng cũng oải, ko lẽ rẽ ra ql1 ăn nghỉ rồi vòng vào lại :sweat:

via theNEXTvoz for iPhone

Năm ngoái mình đi từ TPHCM tới Nghệ An thì không thấy vấn đề gì về dừng nghỉ cả. Cao tốc dài nhất chỉ có đoạn Quảng Ngãi - Đà Nẵng 139 Km thôi.

Các đoạn còn lại là hỗn hợp với QL1A hoặc Tỉnh Lộ, đều có cây xăng Petrolimex với nhà vệ sinh để dừng nghỉ. Ăn uống thì cứ ghé các thành phố lớn, chọn điểm nào nhiều review trên Google Map mà vào.
 
CT Bắc Giang Lạng Sơn số 1 vì vắng :)) Bất kể trước hay sau tết cứ lên CT đạp 100kmh từ đầu đến cuối hiếm khi phải giảm tốc, đảo làn.
 
Năm ngoái mình đi từ TPHCM tới Nghệ An thì không thấy vấn đề gì về dừng nghỉ cả. Cao tốc dài nhất chỉ có đoạn Quảng Ngãi - Đà Nẵng 139 Km thôi.

Các đoạn còn lại là hỗn hợp với QL1A hoặc Tỉnh Lộ, đều có cây xăng Petrolimex với nhà vệ sinh để dừng nghỉ. Ăn uống thì cứ ghé các thành phố lớn, chọn điểm nào nhiều review trên Google Map mà vào.
Từ đoạn long thành dầu giây rồi ra phan thiết, cà ná cam lâm chưa có trạm dừng đó thím, chắc phải rẽ ra ql mới có chỗ dừng ăn uống

via theNEXTvoz for iPhone
 
Vậy có ah fen? Chứ hiện tại chỉ có trạm dừng long thành, còn pthiet, cà ná cam lâm hình như chưa có, nhà có con nhỏ nên dừng cho nó ăn uống

via theNEXTvoz for iPhone

Fen thoát ra cao tốc là trạm dừng với quán ăn quán nước có đủ. Ví dụ nè.




 
Fen thoát ra cao tốc là trạm dừng với quán ăn quán nước có đủ. Ví dụ nè.




thoát ra rồi vào lại dễ ko thím?sorry mình chưa đi nên cũng ko rành lắm vụ ra khỏi ct rồi vào lại
 
thoát ra rồi vào lại dễ ko thím?sorry mình chưa đi nên cũng ko rành lắm vụ ra khỏi ct rồi vào lại
Còn nhanh hơn vào trạm dừng chân Long thành khi bị kẹt xe.
Ăn thì vào mấy quán đó, còn nếu chỉ nghỉ ngơi uông nước, đi đái thì trước đó đầy quán cafe.
Với tính nhanh nhạy của dân mình thì không phải xoắn.
 
Năm ngoái mình đi từ TPHCM tới Nghệ An thì không thấy vấn đề gì về dừng nghỉ cả. Cao tốc dài nhất chỉ có đoạn Quảng Ngãi - Đà Nẵng 139 Km thôi.

Các đoạn còn lại là hỗn hợp với QL1A hoặc Tỉnh Lộ, đều có cây xăng Petrolimex với nhà vệ sinh để dừng nghỉ. Ăn uống thì cứ ghé các thành phố lớn, chọn điểm nào nhiều review trên Google Map mà vào.
Trong Nam tuyến dài nhất không có trạm dừng chân là tuyến từ Trạm dừng Long Thành đến Vĩnh Hảo, 200km, chạy khoảng 3 tiếng.
 
Trong Nam tuyến dài nhất không có trạm dừng chân là tuyến từ Trạm dừng Long Thành đến Vĩnh Hảo, 200km, chạy khoảng 3 tiếng.
Công nhận đi đoạn này nó quải. Nhiều xe chịu ko nổi tấp vào lane khẩn cấp đi tè luôn mà cái lane khẩn cấp nó hẹp quá lòi 1/4 xe ra ngoài. Hi vọng sớm có trạm dừng chân chứ đi ra đi vào cũng xa chưa kể sợ bị lạc tìm ko ra trạm dừng chân bên ngoài.
 
Back
Top