#56 - Skilled worker Visa
Để ở lại Anh, có khá nhiều cách, visa đầu tư, visa hôn thê (lấy vợ/chồng là người Anh), visa du học, visa du thuyền (tị nạn), visa Global Talent (cực kỳ ưu đãi - nhưng chỉ dành cho Elite), và Skilled worker visa (dành cho người có tay nghề cao). Nếu tính giá chợ đen thì mỗi loại khoảng
£50K ~ 1,5 tỏi, tuy nhiên cũng ko phải dễ mà kiếm được và cũng ko phải ai cũng may mắn khi theo đuổi nó. Con đường ở lại của con nhà giàu sẽ có lộ trình là đi học từ A-Level (2 năm) + Đại học (4 năm) + Thạc sĩ (1.5 năm) + Sau tốt nghiệp (giờ là 2 năm) = 10 năm ở lại hợp pháp để vào ILR (được ở vĩnh viễn nhưng chưa có quốc tịch, muốn có thì thêm 1 năm sau ILR rồi thi quốc tịch, cái này tôi chỉ nghe bạn bè kể chuyện, chưa làm nên chưa rõ). Con đường ở lại ít tốn kém nhất: xin việc từ VN và cty tài trợ cho bạn visa (tuy nhiên bạn thực sự phải đủ giỏi). Con đường ở lại hay gặp, đi du học rồi chuyển qua hôn thê/xin việc bên này.
Bình thường là 10 năm ở lại hợp pháp với tất cả loại visa thì sẽ được xin vào vĩnh trú. Tuy nhiên, Global Talent chỉ cần 3 năm, Skilled worker visa chỉ cần 5 năm. Anh em có sang thì cân nhắc 2 loại này. Skilled worker visa (SWV) được phép mang theo gia đình (vợ/chồng + con cái), đây là ưu đãi của dạng này. SWV là do 1 cty tài trợ bạn, như vậy, nếu bạn bị đuổi việc có nghĩa bạn sẽ phải tìm 1 cty khác hoặc về nước nếu chưa đủ
5 năm liên tục. Họ tính mốc là liên tục chứ ko phải tổng số 5 năm là được vào ILR. Ví dụ, bạn làm được 4 năm, nhưng bị sa thải, bạn ko tìm được việc nên chuyển qua dạng du học, và 4 năm của bạn sẽ bị reset về 0. Bạn học thêm 1 năm thạc sĩ chẳng hạn + 2 năm sau thạc sĩ nếu có thì tổng mới được 7 năm (lúc này sẽ tính về mốc 10 năm), nếu bạn muốn ở lại, bạn phải cho vợ/chồng bạn đi học hoặc bạn phải xin cty tài trợ để đủ 10 năm. Các cty muốn tài trợ bạn thì phải đủ năng lực và được nhà nước công nhận. Bên này có dịch vụ đăng ký công ty (người Việt nhé, cơ bản người nào cũng vậy) để bảo lãnh SWV, thậm chí là shop nail nhé các fen. Vì sao ư, 1 người là 1.5 tỏi, đâu có ít đâu. Tất nhiên, ko phải là bảo lãnh bạn sang làm thợ nail, trong danh sách công việc mà chính phủ đưa ra ko có Nail Technican, mà chỉ có manager thôi nhé, và nó ko phải nằm trong shortage list (DS những việc khan hiếm người làm), ngoài ra có thể bị phỏng vấn nhiều, thế nên anh em cân nhắc kỹ.
Điều kiện để xin được SWV: cty của bạn phải được CP cấp phép, công việc của bạn phải nằm trong ds công việc của SWV (tốt nhất là nằm trong shortage list - IT, Heath care, ), bạn phải có bằng TA (có thể là IELTS general thôi - ko cần IELTS Academic, nếu đi du học phải dùng IELTS Academic UKVI), lương của bạn phải qua ngưỡng mới từ 4/2024 là £38,700/năm (con số khá đánh đố, thậm chí dân của nó), trước đó thì ít hơn, nhưng mỗi năm mỗi tăng, giờ nó siết chặt lắm.
Các bước để xin visa này: bạn phỏng vấn n vòng (cty lớn thì n>=3, cty nhỏ thì n = 2), cty IT tầm nhỏ thì dễ hơn, và xin việc xa London thì nó sẽ dễ hơn, đặc biệt bạn lên miền Bắc của UK thì dễ cạnh tranh hơn. Nhưng London lương luôn cao hơn và vui hơn, nếu được thì London, ko thì Birmingham cũng nhiều ace DEV VN. Sau khi phỏng vấn ok, cty đồng ý tài trợ SWV cho bạn, cty sẽ đăng ký với CP, và cho bạn 1 cái COS, cái này dùng để cho bạn đăng ký xin visa với CP. Cty đồng ý nhưng CP vẫn có thể từ chối bạn, ko phải 100% có COS là được đâu.
Khi xin visa, đối với cty, bạn phải check đúng thông tin của mình. Về tên, bọn Anh lợn nó chỉ có First Name (tên) và Last Name (họ), VN mình có cả Middle name nữa. Lời khuyên là mình gộp Middle Name + First Name = Given Name (First Name). Ví dụ, bạn tên Nguyễn Văn A, khi chuyển sang hệ thống tên UK: First Name hoặc Given Name của bạn là
"Van A", Last Name (Surename) là "
Nguyen", cái này là cực kỳ quan trọng với bạn vì nó sẽ khớp với hộ chiếu, bên này các cty du học họ tư vấn vậy cả. Thế nên nó toàn gọi ngừoi Việt là Van Nguyen thôi. Fen nào định hướng con đi Tây thì tên chỉ đặt 2 chữ, ví dụ Nguyễn A, thì ko lo gì cả, fen nào bố mẹ đặt tên Nguyễn Thi Lung Linh Nhất Nhà thì mới căng.
Quay lại, đối với cty, bạn cần COS, Sponsor License của cty, tên cty, tên job (ở COS có), và mã ONS của job (tra cứu trên trang gov.uk là ra thôi), và mức lương chính xác của bạn. Các giấy tờ thì tuỳ vào bạn đang ở VN qua hay chuyển qua từ diện du học thì giấy tờ sẽ khác nhau chút. Trường hợp của tôi, rất may mắn là tôi chỉ cần khai thông tin ở trên website mà ko cần cung cấp giấy tờ gì cả mà vẫn được họ đồng ý trong 1 ngày (tôi dùng dịch vụ nhanh 1.5k - xử lý trong 5 ngày, nếu ko thì bình thường 1k - xử lý 8 tuần làm việc). Khi khai cần phải khai đúng, cẩn thận, nói thế này thì nó hơi chung chung, nhưng tôi nghĩ bạn nên tìm dịch vụ 1k gì đó, họ chuẩn bị cho, bạn cứ làm theo họ là tốt hơn cả. Nếu bạn chuyển từ du học qua skilled worker visa thì bạn nên tự làm, rẻ ra được bao tiền đấy, mà nó cũng dễ lắm ko đánh đố gì cả, cứ khai đúng, làm đúng yêu cầu của nó. Đối với cty, bạn nên yêu cầu họ là tích vào phần hỗ trợ tài chính nếu chuyển từ VN qua, còn du học thì chả cần (nếu bạn ở trên 12 tháng thì ko cần CM tài chính, du học thì phải học xong mới được chuyển visa, mà xong xuôi thì trên 12 tháng rồi), phần tài chính quan trọng đối với các bạn từ VN qua, nếu ko bạn phải chứng minh tài chính bằng tài khoản tiết kiệm 1 năm ở VN cho tháng đầu tiên (đơn giản hơn là so với đi du học).
Các fen cũng phải hỏi là cty có tài trợ tiền làm hồ sơ không (1K gì đó), nếu dễ thì xin, ko thì tự bỏ ra chi phí, cũng ko có nhiều. Ngoài ra phải hỏi là họ tài trợ 3 năm hay 5 năm, nếu 3 năm thì fen phải làm lại sau khi hết 3 năm, cũng tốn thêm 1 khoản tiền nộp hồ sơ nữa nhưng bù lại thì chi phí cho 5 năm IHS (bảo hiểm) là rẻ hơn rất nhiều. Thời điểm này, họ mới tăng từ ~800 lên 1K/năm rồi. Nếu 5 năm thì fen phải nộp 5K (~150tr)/người, nếu đi cả nhà 4 ngừoi thì cũng mặn đấy. Nhưng có tiền thì quất luôn, sau này nhỡ có bị đuổi thì họ cũng trả lại tiền IHS cho mình (chỗ chưa dùng thôi nhé).
Khi nộp hồ sơ xin visa nói chung sẽ có các phần sau: phần khai thông tin, phần nộp tiền hồ sơ, phần nộp tiền IHS, phần cung cấp bằng chứng. Phần cung cấp bằng chứng chính là các giấy tờ, họ sẽ có 1 ds các hồ sơ cần phải gửi. Ví dụ, passport (chỉ scan các trang có nội dung), bằng chứng địa chỉ UK (bill nước/điện, council tax, bank statement), bằng đại học... Cái này các fen khi nộp phải để ý, sau khi mình đóng tiền apply visa xong, nó sẽ email về các giấy tờ cần nộp, nó yêu cầu cái gì thì cung cấp cái đó, giấy tờ thì phải dịch thuật công chứng nhé.
Khi nộp phải đọc kỹ tất cả các email mà bọn nó gửi về. Sau khi đóng tiền, nếu bạn nhận được email ntn thì xin chúc mừng là bạn đếch phải nộp bằng chứng/giấy tờ gì cả.
Xong rồi thì vào submit form và chờ đợi thôi. Nếu nộp khẩn mà hồ sơ đẹp thì 1 ngày (tôi được approved trong 1 ngày luôn), còn vợ con tôi nộp thường thì là 3 ngày. Hồ sơ mà "phức tạp" hay "không rõ ràng", hoặc lương thấp hoặc họ thấy nghi ngờ thì họ vẫn gọi đi phỏng vấn bình thường.
Tôi có hỏi thử dịch vụ về vụ này, hồ sơ chính là 1K, phụ là 500/hồ sơ, như vậy nhà tôi hết 2K (60tr), thôi, đắt quá nên tự làm. Các fen tự tin thì có thể làm, ko thì dịch vụ cho chắc hơn. Lại nói về dịch vụ, ông anh tôi cũng làm dịch vụ, nhưng làm đến đâu học đến đấy, ko phải ai cũng biết hết, sai nhiều rồi sẽ có đúng. Thế nên là tôi thấy, tự tin là cái cần có, kiến thức là cái bắt buộc, may mắn là yếu tố quan trọng, hội tụ cả 3 thì chúc mừng bạn.
Dưới đây là 1 số link hữu ích về dạng visa này.
Tất tần tật về Skilled worker visa các fen có thể xem ở link chính thống:
Skilled Worker Visa (GOV)
Các jobs có thể xin SWV:
SWV JOBS
Website tổng hợp các cty tài trợ SWV:
Tier 2 Sponsor List - Uktiersponsors (https://uktiersponsors.co.uk/)